Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

Nguyễn Bính và những dòng thơ Xuân

Mỗi độ xuân về, Tết đến, người lữ khách tha hương bỗng thấy chạnh lòng nhớ quê. Nơi đó có thể là một mảnh đất nghèo “cầy lên sỏi đá” nhưng cũng có thể là cả đất nước Việt Nam trong hoài niệm của những người con xa xứ. 

“Tết này chưa chắc em về được

Em gửi về đây một tấm lòng

Ôi, chị một em, em một chị

Trời làm xa cách mấy con sông...

...

“Tết này chưa chắc em về được

Em gửi về đây một tấm lòng

Vườn ai thấp thoáng hoa đào nở

Chị vẫn môi son vẫn má hồng?

...

“Tết này chưa chắc em về được

Em gửi về đây một tấm lòng

Chao ơi, Tết đến em không được

Trông thấy quê hương thật não nùng! 

Nguyễn Bính – “Xuân tha hương” (Gửi chị Trúc)

Chỉ riêng điệp khúc “Tết này chưa chắc em về được...” nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966) lập đi lập lại đến 7 lần qua những tâm trạng khác nhau để thể hiện nỗi nhớ quê quay quắt khi vào Huế, tháng chạp năm Nhâm Ngọ 1942. 

 

Nguyễn Bính ra chào đời tại tỉnh Nam Định, Miền Bắc… nhưng ông có một thời gian dài “Hành Phương Nam” xuống tận Sài Gòn và miền Lục Tỉnh vào tuổi 25. Thế cho nên, ông vừa là “nhà thơ chân quê” lại vừa là một tay “giang hồ lưu lạc” giữa Hòn Ngọc Viễn Đông!

Ở Sài Gòn, ông ngỡ ngàng vì những khám phá mới cả về thời tiết, con người, phong cảnh và, theo chữ của ông, là “phong vị”. Trong bài “Xuân về nhớ cố hương”, Nguyễn Bính than thở: 

“Xuân về chẳng có hoa tươi

Nắng luôn cả sáu tháng trời không mưa

Người ta ăn tết buồn chưa

Rượu bia hoa giấy và dưa đỏ lòng

Ba ngày tết nóng như nung

Hỏi phong vị ấy là phong vị gì?

 

Dần dần ông hòa nhập vào cuộc sống ở Miền Nam vì… “trước lạ sau quen”! Tuy nhiên, trong tận cùng đáy lòng Nguyễn Bính vẫn khắc khoải với tâm trạng nhớ quê. Bài tiếp theo, “Xuân vẫn tha hương”, vẫn viết cho người chị tên Trúc:

“Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió;

Xuân này em chị vẫn tha hương,

Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ,

Son sắt say hoài rượu bốn phương...

...

“Một thân quán trọ sầu phong toả.

Đốt ngọn đèn lên, bóng rợn tường.

Đêm ba mươi Tết quê người cũng,

Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương.

...

“Thôn dã từng quen mùi đạm bạc,

Thị thành thêm chán miếng cao lương.

Vụng tính bỏ rơi đi hạnh phúc,

Xảy ra đánh vỡ mất thiên đường.

 

Còn đâu những hoài niệm về một ngày xuân ở quê xưa với cây nêu, tiếng pháo quyện khói hương trầm cuả ngày Tết trong tiết trời có mưa xuân như... rắc bụi: 

“Nêu cao, pháo nổ, trầm thơm ngát.

Hoa bưởi, hoa cam rụng ngập vườn.

Mưa xuân rắc bụi quanh làng mạc,

Gái lịch, trai thanh chật phố phường.

 

“Hành Phương Nam” - Tranh Tạ Tỵ

 

Cuối cùng thì nhà thơ vẫn tin tưởng một ngày nào đó được trở về quê cũ để viết những bài thơ tặng chị Trúc giữa khung cảnh một mùa xuân đoàn tụ, xum vầy:

“Em thường cầu nguyện thường van vái,

Một sớm thanh bình mặt đại dương.

Bao giờ em được về quê cũ,

Dâng chị bài thơ xuân cố hương.

 

Trong bài thơ “Xuân về nhớ cố hương” Nguyễn Bính đã khẳng định tâm trạng của kẻ xa quê:

”Lênh đênh tóc rối cỏ bồng

Chiều ba mươi tết ai không nhớ nhà?”

 

Thế cho nên, qua bài “Xuân về”, ông đã vẽ một bức tranh ngày Tết với gió đông và cô hàng xóm chưa chồng nhìn trời đất bước vào xuân...

“Đã thấy xuân về với gió đông

Với trên màu má gái chưa chồng

Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong...

 

Bài “Mưa xuân” nói đến một sinh hoạt làng quê quen thuộc với hội chèo đi qua làng để về hát ở thôn Đoài. Hát chèo là dịp trai gái trong làng đến thưởng thức và cũng là cơ hội để họ gặp nhau nhưng đáng buồn là... “người ta” không đến để cô gái lủi thủi trên đường đê trở về nhà...

“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,

Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.

...

“Mình em lầm lụi trên đường về.

Có ngắn gì đâu một gỉải đê!

Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt,

Lạnh lùng thêm tủi với đêm khuya.

 

Bút tích của Nguyễn Bính

 

Qua bài “Gái xuân” người đọc hình dung một cô gái bình dị, chất phác của làng quê Việt Nam. Bài thơ này đã được nhạc sĩ Từ Vũ phổ nhạc thành bài hát cùng tên và đã đi vào lòng người đọc cũng như người hát.

“Em như cô gái hãy còn xuân,

Trong trắng thân chưa lấm bụi trần,

Xuân đến, hoa mơ, hoa mận nở.

Gái xuân giũ lụa trên sông Vân...

* Bài hát “Gái Xuân” – Ca sĩ Hà Phương / Nhạc sĩ Từ Vũ: https://www.youtube.com/watch?v=48KxqmCx9Hk

 

Thơ Nguyễn Bính chẳng khác nào một cô gái quê kín đáo, dịu dàng, duyên dáng… Người đọc thấy trong thơ ông những nét dung dị, đằm thắm, thiết tha, đậm bản sắc dân tộc, rất gần gũi với ca dao.

Thơ ông còn có nhiều bài được phổ nhạc. Nổi bật là những bài như “Cô hái mơ”“Nụ tầm xuân” được Phạm Duy phổ nhạc; “Người hàng xóm” được Anh Bằng phổ thành ca khúc “Bướm trắng”; “Lỡ bước sang ngang” được Song Ngọc phổ nhạc, còn nhạc sĩ Văn Phụng đã biến bài thơ “Thời trước” thành bài “Trăng sáng vườn chè”...

* Bài hát “Trăng Sáng Vườn Chè” – Ca sĩ Ái Vân / Nhạc sĩ Văn Phụng: https://www.youtube.com/watch?v=feNRyGENx8Q

 

Ngoài việc viết những lời thơ ướt át, Nguyễn Bính còn là một thi sĩ có một đời tình ái sôi nổi. Trong thời gian sống tại Miền Nam ông đã lập gia đình với bà Nguyễn Hồng Châu, một cán bộ Việt Minh, và có một con gái, đặt tên là Nguyễn Bính Hồng Cầu. Họ chia tay năm 1952 tại Bạc Liêu.

Sau đó ông kết hôn với bà Mai Thị Mới, ở ấp Hương Mai, xã Khánh Lâm, huyện U Minh và lại sinh một con gái nữa được đặt tên là Nguyễn Hương Mai, tên của một ấp ở U Minh.

 

Nguyễn Bính Hồng Cầu, trưởng nữ của Nguyễn Bính. Ảnh chụp năm 1995

 

Năm 1954, Nguyễn Bính cũng như bao cán bộ Việt Minh khác tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève.

Bỏ qua những yếu tố chính trị, Nguyễn Bính luôn là một “nhà thơ lớn” với những ngôn từ mộc mạc và rất... “Chân quê”:

“Hôm qua em đi tỉnh về,

Đợi em ở mãi con đê đầu làng.

Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng.

Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

Nào đâu cái yếm lụa sồi?

Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?

Nào đâu cái áo tứ thân?

Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

 

Nguyễn Bính toàn tập

*** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts