Nói tới Francoise Sagan (1935-2004) là phải nhắc tới “Bonjour Tristesse”. Tác phẩm đầu tay của
nhà văn này đã được dịch sang 22 ngôn ngữ trong đó có bản dịch của nhà báo Nguyễn
Vỹ với tựa đề “Buồn ơi chào mi”, xuất
bản năm 1959 tại Sài Gòn.
Sagan viết cuốn truyện rất mỏng (chưa đầy 200 trang) khi mới 18 tuổi.
“Bonjour Tristesse” được tác giả hoàn
tất trong vòng 7 tuần lễ bằng cách đánh máy với hai ngón tay trỏ vào tháng 3/1954.
Nhà văn nữ chưa kịp ước mơ thì cuốn truyện đã trở thành best-seller.
Thống kê cho thấy, chỉ trong vòng một năm đầu tiên ra mắt, sách in
8.000 bản vào tháng 5; 45.000 bản tháng 9; 100.000 bản tháng 10 và 200.000 bản
tháng 12. Năm năm sau, “Bonjour Tristesse”
đã bán 4 triệu rưởi cuốn trên khắp thế giới, riêng tại Hoa Kỳ, con số này là 1
triệu cuốn.
Francoise Sagan (1935-2004)
Có thể nói, cốt truyện “Buồn
ơi chào mi” thật đơn giản, không có gì đặc sắc như những tiểu thuyết thuộc
loại kinh điển mà người ta thường đọc. Chuyện xoay quanh 3 nhân vật chính: người
kể chuyện, ông bố góa vợ và người tình sắp cưới của ông.
Dĩ nhiên, nhân vật chính là người kể truyện, Cécile, một nữ sinh
17 tuổi, với tâm trạng chán nản vì… “lạc đệ tú tài”. Cô học trò vốn là một thiếu
nữ phóng khoáng nên không thể nào chấp nhận cô Anne, một người phụ nữ đoan
trang và có ý muốn sửa đổi tính tình của Cécile một khi cô là mẹ ghẻ.
Mâu thuẫn phát sinh từ đó và Cécile quyết tâm phải “hạ” cho bằng
được địch thủ. Với sự trợ giúp của một người bạn trai, Cécile dàn cảnh để Anne
phải chứng kiến cảnh cha cô âu yếm một người đàn bà khác. Vừa phẫn nộ, vừa thất
vọng, Anne phóng xe ra đường và kết cuộc chết vì tai nạn.
Chỉ đến lúc đó Cécile mới bắt đầu thấm thía một nỗi buồn và Sagan
đặt tên cho cuốn truyện là “Bonjour
Tristess” mà Nguyễn Vỹ dịch sang tiếng Việt là “Buồn ơi chào mi”. Sau này, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 cũng lấy tựa “Buồn ơi chào mi” cho một bản nhạc khiến
nhiều người cứ tưởng đây là một bản nhạc Pháp mang tên “Bonjour Tristess”.
Tên cuốn truyện "Bonjour
tristesse" cũng được trích từ hai câu thơ của thi sĩ Paul Eluard. Bài
thơ này đã được Sagan trích dẫn ngay từ đầu cuốn sách:
"Adieu
tristesse
Bonjour
tristesse.."
“Bonjour
Tristess” được viết trong bối cảnh thế giới đã ngừng cả hai cuộc chiến
tranh (đệ nhất và đệ nhị thế chiến) và khi đó cũng là thời điểm nước Pháp đang
rộ lên “Chủ nghĩa Hiện sinh” (Existencialism)
vào đầu thế kỷ thứ 20. Tên gọi này được nhà triết học người Pháp Gabriel Marcel
dùng vào giữa năm 1940 và sau đó được sử dụng bởi Jean Paul Sartre trong bài
thuyết trình của mình năm 1945 tại Paris.
Nói một cách ngắn gọn, nền tảng triết học của Hiện sinh là những
trải nghiệm chủ quan của con người, khác với những chân lý khách quan của khoa
học. Những trải nghiệm đó không chỉ là sự suy nghĩ của chủ thể mà còn bao gồm từng
cá thể sống, cảm xúc, và sinh hoạt của từng con người.
Francoise Sagan đã sống theo Chủ nghĩa Hiện sinh đúng như những gì
đã mô tả ở trên. Khi đã gặt hái được thành công qua tác phẩm đầu tay, bà còn là
người bạn thân thiết với triết gia Jean Paul Sartre.
Nhiều nhà phê bình còn phân tích cặn kẽ hơn, Sartre chỉ “hiện sinh”
về tư tưởng còn Sagan lại hiện sinh qua cách sống. Đúng là “bảo hoàng hơn vua”! Trả lời một cuộc phỏng vấn, Sagan đã nói một
cách thẳng thừng:
“Lẽ
dĩ nhiên, sự thành công của những cuốn sách thay đổi cuộc đời tôi theo một hướng
nào đó, bởi vì tôi có tiền bạc để mua sắm những gì mà tôi thích, và tiêu xài nó
như mình muốn.
…
“Bạn
cũng biết đấy, trong túi có nhiều tiền thì thú thật, nhưng vậy là vậy, that’s
all. Cái việc kiếm nhiều hay ít tiền không ảnh hưởng tới cái việc viết của tôi.
Tôi viết những cuốn sách, và những cuốn sách làm ra tiền, vậy tốt thôi, tant
mieux”.
(hết trích)
Điều gì đã khiến giới trẻ Sài Gòn đón nhận tác phẩm này một cách…
“cuồng nhiệt”?
“Bonjour
Tristess” xuất hiện tại Pháp năm 1954 và “Buồn ơi chào mi” du nhập vào Sài Gòn năm 1959, khi đó Miền Nam còn
đang ở nền Đệ nhất Cộng hòa dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Đó cũng là thời kỳ chiến tranh Việt Nam chưa “leo thang”, cuộc sống
còn thanh bình nên mọi người, nhất là giới trẻ, có nhiều cơ hội để suy tư về
triết học. Đó cũng là thời của Chủ nghĩa Hiện sinh đang được thế giới Phương
Tây hâm mộ trong thời bình.
Thoạt đầu còn hạn chế qua việc đọc ấn bản tiếng Pháp chỉ trong giới
trí thức Việt Nam nhưng đến khi tác phẩm “Bonjour
Tristess” được dịch ra tiếng Việt thì Sagan bỗng trở thành “một gương mặt thân thuộc, thậm chí thân
thương” theo như lời nhà phê bình văn học Đặng Tiến.
Tại Pháp tác phẩm còn có những ý kiến “trái chiều”, cả khen lẫn
chê. Tuy nhiên, tại Sài Gòn giới trẻ coi Francoise Sagan như “thần tượng”. Đó
là mẫu người lý tưởng trong cách sống “hết mình”, sống “lãng tử”… một lối sống “Rất-Hiện-Sinh”.
Người ta thấy những cảnh thanh niên phì phèo điếu thuốc bên ly cà
phê và đọc “Buồn ơi chào mi” hay cao
cấp hơn nữa là đọc sách triết của Jean Paul Sartre. Đó là “mốt” của thời đại bấy
giờ.
Người ta thấy xuất hiện những cuộc đua xe trên xa lộ Biên Hòa vì
Francoise Sagan cũng là người thích lái xe với tốc độ kinh hoàng. Có lần bà còn
chở cả triết gia Hiện sinh Jean Paul Sartre khiến ông này phải đứng tim. Sagan
cũng đã gặp tai nạn khi đang lái xe thể thao Aston-Martin, bà thường lái chiếc
Jaguar đi Monte Carlo để chơi bài.
Người ta cũng thấy “những kẻ nổi loạn” qua cách sống, thậm chí còn
hút cần sa, bài bạc hay ít ra cũng đến phòng trà nghe ca nhạc hoặc vũ trường để
nhảy nhót. Sagan cũng đã làm thế. Thậm chí bà còn bị tù treo vì tội trốn thuế! Sagan đã nghiện một số ma túy và nghiện rượu, bà
đã “tự thú”:
“Điều
duy nhất mà tôi thấy thích hợp - nếu người ta muốn thoát khỏi cuộc sống theo
cách thông minh một chút – đó là thuốc phiện"
(La seule chose que je trouve convenable - si on veut échapper à la vie de
manière un peu intelligente – c'est l'opium).
Thời đó, vốn đã quen và yêu văn hoá Pháp, dân Việt Nam hân hoan lẫn
ngỡ ngàng đón nhận bầu không khí cực kỳ mới mẻ và quyến rũ của Sagan. Quen với
lối gáo dục Khổng giáo khắt khe nên người Việt đón nhận tinh thần tự do của
Cécile như một luồng gió mới.
Thời đó, nhiều cô còn đổi sang kiểu tóc con trai, ngắn ngủn như kiểu
“demi-garcon” của Sagan. Bài hát “Cô Bắc
Kỳ Nho Nhỏ”, thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Phạm Duy, có câu:
“Này
cô em Bắc kỳ nho nhỏ
Này
cô em tóc demi-garcon…”
Hiện sinh cũng xuất hiện trong sinh hoạt văn chương của Miền Nam.
Điển hình là “Vòng tay học trò” của
Nguyễn Thị Hoàng đã một thời khuấy động Sài Gòn. Không khí hối hả trong truyện tình
giữa cô giáo và học trò mang nhiều nghẹn ngào, cay đắng, chua xót. Nguyễn Thị
Hoàng chắc chắn phải đọc “Bonjour Tristesse”!
Cái mới mẻ của Sagan tuy lặng lẽ nhưng khiến thanh niên nghĩ đến
mình nhiều hơn dù nhiều người chẳng bao giờ nghĩ đến “Chủ nghĩa Hiện sinh” ở Phương Tây. Và cũng từ đó, tư tưởng của Sagan
và Sartre nhập vào xương thịt lúc nào không hay.
Người Sài Gòn có thể không nhắc (và có thể có người không biết) đến
Francoise Sagan nhưng vẫn rất thường dùng tiếng “Buồn ơi chào mi” trong cả hai nghĩa: “đón tiếp” và “từ giã” nỗi buồn
trong lòng.
Ba nhân vật chính trong phim
“Bonjour Tristesse”
Nhà văn Francois Mauriac (1885-1970) nói về Sagan như “một tiểu quỷ duyên dáng” vì những âm
mưu chết người của Cécile trong “Bonjour
Tristesse”. Theo thường tình, người ta thường nghĩ nhà văn phải im lặng để
viết cho đời đọc…. nhưng đừng sống trong cuộc đời đó. Cho nên, có người mỉa mai
văn chương của Sagan chỉ là một loại “petite
musique”, hàm ý không có gì đáng kể!
Dù khen hay chê, Francoise Sagan vẫn là Francoise Quoirez ngoài đời
sống trong nhung lụa, giàu sang. Gia đình của Quoirez có cả một thư viện sách
quý, trong đó có những truyện của Marcel Proust. Trong số các tác phẩm của
Proust, Quoirez thích nhất là cuốn “À la
recherche du temps perdu” (Đi tìm thời gian đã mất).
Trong truyện của Proust có nhân vật "Princesse de Sagan" và Quoirez chọn ngay cái tên này để
làm bút danh Francoise Sagan cho những công trình văn học của mình. Ngoài cuốn
truyện đầu tay “Bonjour Tristesse”,
Sagan còn có một số tác phẩm nổi khá tiếng như “Un certain sourire” (1955), “Dans
un mois, dans un an” (1957), “Aimez-vous
Brahms?” (1959)…
Sagan cũng bước vào lãnh vực viết kịch nhưng không mấy thành công.
Cuộc đời của bà thăng trầm theo từng thời kỳ. Xinh đẹp và thông minh, nhưng với
lối sống đầy cá tính, thích "nổi loạn" của mình, Sagan đã gặp nhiều
trắc trở trong cuộc sống riêng tư.
Francoise Sagan năm 1994
Những năm cuối đời, Sagan sống khá chật vật. Bà phải thường xuyên
xin các nhà xuất bản ứng trước nhuận bút để rồi viết trả nợ. Thậm chí, theo lời
bà, “có lúc mua một bao thuốc cũng phải
nhờ vả đến bạn bè!”.
Sagan qua đời vì bệnh suy tim tại một bệnh viện của thành phố cảng
Honfleur thuộc vùng Normandy, miền Nam nước Pháp. Tổng thống Pháp Jacques
Chirac đã bày tỏ lòng tiếc thương nhà văn ngay sau khi được thông báo về cái chết
của bà, ông nói:
“Sagan
là một nhân vật hàng đầu trong thế hệ của bà đã giúp nâng cao địa vị của người
phụ nữ trong xã hội Pháp. Với sự ra đi của bà, nước Pháp đã mất đi một trong những
tác giả nhạy cảm và xuất sắc nhất....”
Điều này khiến siêu sao màn bạc lừng lẫy một thời Brigitte Bardot
phải mỉa mai:
"Chết thì ca tụng, vậy
mà khi bà ấy còn sống, nào có mấy ai động cựa ngón tay giúp đỡ đâu!".
Poster phim “Bonjour Tristesse”
Về mặt tư tưởng, Chủ nghĩa Hiện sinh thổi vào cuộc sống đầu thế kỷ
20 một luồng gió mới. Tuy nhiên, điều gì cũng có 2 mặt của nó, vì nếu “hiện
sinh” quá, cuộc đời sẽ tạo ra những hệ lụy không ai có thể mường tượng trước được.
Đó là trường hợp của Francoise Sagan!
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét