Đời
người thường được gói gọn trong một câu thật đơn giản: “Từ thời còn trẻ… đến lúc về già”. Nói như vậy nhưng không đơn giản
chút nào vì những suy nghĩ phức tạp của từng thời kỳ, qua đó thể hiện quan niệm
sống khác hẳn nhau, nhiều lúc đến độ mâu thuẫn, xung đột gay gắt.
Thời
còn trẻ bao gồm các giai đoạn từ thơ ấu, tiến dần đến tuổi vị thành niên và rồi trở
thành thanh niên vào lứa tuổi từ 19 đến 24. Đây là khái niệm của Tổ chức Y tế
Thế giới (WHO) nhưng chưa được thống nhất vì còn tùy thuộc vào từng khuôn khổ
xã hội của từng quốc gia. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, tuổi thanh niên là 29,
trong khi tại Bangladesh là 34 và ở Malyasia thậm chí đến 40 tuổi!
Tuổi trẻ
Những
người được gọi là “cao tuổi”, “cao niên” hay “người già” thường có độ tuổi từ
60 trở lên như tại Việt Nam. Tại một số nước quy định tuổi của người già được
căn cứ vào những gì họ cống hiến cho gia đình và xã hội. Thuật ngữ “senior
citizen” dùng tại Anh và Mỹ ám chỉ những người đã hưu trí (retiree), thường là
những người từ 65 tuổi trở lên. Tại Mỹ, ngày 21/8 là ngày toàn quốc tôn vinh những
công dân lớn tuổi, ngày đó được gọi là “National
Senior Citizens Day”.
Tuổi già
Bài
viết này không có ý tôn vinh tuổi già và cũng chẳng đề cao tuổi trẻ. Tôi chỉ có
tham vọng đặt vấn đề về những cảm xúc của con người thay đổi theo tuổi tác. Những
điều được nêu ra dưới đây có thể mang phần nào ý nghĩa chủ quan vì người viết
thuộc về lứa tuổi “gần đất xa trời”, nhưng thiết nghĩ, người trẻ cũng như già nên
đọc để chiêm nghiệm những cái đúng và cả những cái sai.
Đề
tài từ cổ chí kim được nói đến nhiều nhất là “Tình yêu trai gái”. Một triết gia nào đó đã phân tích: Cảm xúc về
Tâm hồn tạo ra Tình Bạn; Cảm xúc về Tri thức tạo ra lòng Kính Trọng và Cảm xúc
về Thể xác tạo ra lòng Ham Muốn. Nếu cả ba cái này cộng lại, người ta sẽ có
Tình Yêu (!). Cụ thể hơn, “Tình yêu Nam-Nữ” được thể hiện qua công thức:
Tình yêu Nam & Nữ = Tình bạn + Tôn trọng + Ham muốn
Lúc
trẻ, tưởng yêu là tất cả, là mọi thứ trên đời... nhưng khi lớn tuổi, trải qua
nhiều cuộc tình, mới biết sau yêu còn có… chia tay. Không phải chỉ một lần mà rất
nhiều lần, cứ lập đi lập lại… Điều mà người trẻ tuổi không bao giờ hoặc ít khi
nào nghĩ đến!
Lúc
trẻ, vẫn nghĩ rằng tình yêu là mãi mãi, tình yêu là thứ quan trọng nhất trong
cuộc đời. Khi có tuổi mới biết tình yêu “đến
đó rồi đi, có đó rồi mất”. Từ những cảm nghĩ lạc quan của tuổi trẻ người ta
lại bước sang tư tưởng bi quan của người già!
Lúc
trẻ, cứ tưởng “yêu một người thì dễ, quên
một người mới khó”. Người trẻ khi yêu hình như đã mặc nhiên công nhận vị
trí “khó quên” của người bạn tình. Đến khi tuổi tác ngày một cao đã chứng minh
điều ngược lại: người lớn tuổi thấy mình đã quên đi nhiều người mình đã từng
yêu, quên một cách dễ dàng!
Tình yêu có vĩnh cửu như "ổ khóa tình nhân" trên cầu?
(Hình chụp tại Melbourne, Australia)
Lúc
trẻ cứ tưởng tình yêu luôn dựa theo nguyên tắc “bình đẳng” qua triết lý “yêu thương cho đi là yêu thương nhận lại”.
Về già mới chợt nhận ra bài học kinh nghiệm đầy bất công của tình yêu: “có những yêu thương chỉ cho mà không nhận”.
Nhà thơ người Anh, Abraham Cowley (1628-1667) đã phải thốt lên:
“Of all
the pain, the greatest pain
It is
to love, but love in vain”
Tạm
dịch là:
“Trong
mọi khổ đau, niềm đau vĩ đại,
Là trót
yêu người… không hề yêu lại”
Lúc
trẻ cứ tưởng rằng “yêu một người là sống
chết vì người đó”, giờ mới biết “yêu
một người là phải biết tự yêu lấy mình”. Đây không phải là lòng “tự ái” của
con người khi về già mà là những điều mà nhiều người có tuổi rút ra được sau những
cuộc tình “mù quáng” của thời thanh niên và thiếu nữ.
Lúc
trẻ cứ nghĩ “sau tình yêu sẽ là hôn nhân”,
đến khi về già mới nhận ra: “vẫn có
những cuộc hôn nhân không cần tình yêu”. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Tình yêu là Bình Minh của hôn nhân, hôn
nhân là Hoàng Hôn của tình yêu” và với kinh nghiệm bản thân, Socrates
khuyên nhủ mọi người:
“Bằng đủ mọi cách,
hãy lập gia đình. Nếu lấy được người vợ tốt, bạn sẽ hạnh phúc. Nếu lấy phải người
xấu bạn sẽ trở thành một triết gia” (By all means: marry. If you get a good
wife: you’ll become happy. If you get a bad one: you’ll become a philosopher).
Ngay
từ lúc còn trẻ nhiều người cũng đã trở thành “triết gia” vì yêu. Họ thích định
nghĩa tình yêu với những mỹ từ, mỹ ý… Nào tình yêu là X, là Y, là A,B,C,D… khi
lớn tuổi lại cuống cuồng vì hoang mang, không biết tình yêu thật sự là gì cả. Tại
sao ư? Vì, “tình yêu thật khó định nghĩa:
nó đến bất chợt, đi bất ngờ, và để lại một vết thương lòng muôn thuở”!
Tình yêu quả là… rắc rối
Lúc
trẻ cứ tưởng hạnh phúc là điều gì đó xa xôi lắm, về già mới biết hạnh phúc chỉ
đơn giản là những thứ bình dị xung quanh, có chăng là mình đã không nhận thấy.
Người trẻ chỉ thấy hạnh phúc trong hôn nhân khi được sống bên người tình yêu mến,
về già hạnh phúc đó lan tỏa đến con cháu qua một thứ không còn là tình yêu trai
gái mà là tình ruột thịt, máu mủ.
Khi
còn trẻ, phạm vi giao tiếp thường mở rộng, bạn bè giao thiệp rất đông. Đến lúc ở
vào tuổi về hưu bỗng thấy mình cô đơn vì cuộc sống thu hẹp và người già thường “ẩn
mình” trong phạm vi gia đình.
Tuy
nhiên, cũng có người vẫn hăng say hoạt động xã hội để khỏa lấp sự trống rỗng,
có người tìm một thú vui cho bản thân như chăm sóc cây cảnh, viết lách… Chỉ tội
nghiệp những ai không tìm cho mình một hướng đi lúc về già trước khi bị bệnh tật
tấn công để trở về với cát bụi.
Lúc
trẻ tưởng “nói quên là có thể quên được”,
giờ mới biết có những chuyện càng muốn quên thì nó lại càng ở mãi trong lòng.
Điều này cho thấy người lớn tuổi hướng về cuộc sống “nội tâm” trong khi người
trẻ giữa cuộc sống tất bật ngoài xã hội, luôn… “hướng ngoại”.
Lúc
trẻ, tưởng cô đơn ở đâu xa lắm vì chung quanh toàn là người, về già mới hiểu những
giây phút bên người thân quả là một sự ấm áp nhưng lại rất mong manh, trong khi
đó, “nỗi cô đơn luôn ở bên cạnh”.
Cũng
vì thế cho nên khi còn trẻ cứ tưởng việc đóng một cây đinh vào tường thật đơn
giản vì không thích thì có thể nhổ đi. Về già mới thấy: đinh có thể nhổ nhưng vết
lõm trên tường vẫn còn đó.
“Hai
mươi bốn năm sau. Tình cờ đất khách gặp nhau.
Đôi cái
đầu đều bạc.
Nếu chẳng
quen lung đố nhìn ra được.
Ôn chuyện
cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi,
Con mắt
còn có đuôi”
Đó
là những lời kết trong bài thơ Tình Già
của Phan Khôi đăng trên báo Phụ nữ Tân
văn năm 1932. Bài thơ này có thể coi như tác phẩm thơ tự do đầu tiên, mở đường
cho phong trào Thơ Mới ở Việt Nam. Về
phương diện tình cảm, bài thơ thể hiện “một
vết lõm trên tường” sau khi cái đinh được nhổ từ thời trai trẻ.
Hạnh phúc tuổi già
Theo
lẽ tự nhiên, người ta khóc khi buồn nhưng một khi có tuổi mới thấy điều buồn nhất
là… “không thể khóc được”. Xem một cuốn
phim, đọc một cuốn truyện người trẻ và người già thường có những cảm xúc khác hẳn
nhau! Có thể vì đã từng trải nhiều nên tình cảm của người già đã trở nên… “chai
lì”? Phải chăng tuyến lệ cũng đã bị “lão hóa” nên không còn hoạt động?
Giọt nước mắt
Ở
một thái cực ngược lại, cười là vui nhưng nhiều khi người lớn tuổi lại thấy “có những giọt nước mắt còn vui hơn tiếng cười”,
chẳng hạn như trường hợp gặp lại người thân sau một thời gian dài xa cách, “mừng
mừng, tủi tủi”.
Những
lúc tình cảm đạt đến “cực điểm”, người ta thường nhớ đến câu thơ đầy mâu thuẫn của
Xuân Diệu:
“Cười
là tiếng khóc khô không lệ
Người
ta cười trong lúc quá chua cay”
Người
ta cũng có thể “cười ra nước mắt” hay
như Nguyễn Du trong Kiều đã vẽ nên cảnh oái ăm “Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”. Suy cho cùng, chuyện
Khóc-Cười là lẽ thường tình nhưng rõ ràng là mức độ Khóc-Cười thường bị ảnh hưởng
phần nào vì tuổi tác.
Khóc & Cười
Lúc
trẻ tưởng chỉ có kẹo là ngọt, giờ lớn mới biết có những thứ còn ngọt ngào hơn cả
kẹo. Người cha già trên giường bệnh nhận từ con viên thuốc đắng nhưng sao vẫn
thấy ngọt. Người mẹ già ăn bát canh khổ qua nhưng không cảm thấy đắng vì sự hiếu
thảo của con. Ông cha ta thường nói: “Già
được bát canh, trẻ được manh áo mới” là vậy.
Lúc
trẻ tưởng tượng rất nhiều, về già mới nhận ra: “chuyện cổ tích không bao giờ có thật”. Lúc trẻ, tưởng mình có thể
thay đổi cả thế giới, khi tuổi tác đã cao mới thấy thay đổi chỉ một người cũng
khó, có chăng vẫn chỉ là tự thay đổi mình.
Lúc
trẻ cứ tưởng một khi thành “người lớn” là lớn, bây giờ mới thấy có nhiều người
đã lớn mà vẫn chưa thành người lớn. Đến khi thật sự thành người lớn thì người
ta mới hiểu: “không bao giờ bé trở lại được”.
Đó là sự thật khiến cho nhiều người lúc bé cứ mong mình chóng lớn, giờ đây lớn
rồi lại ước gì mình bé lại.
Lúc
trẻ cứ mơ ước lớn lên sẽ trở thành người này người kia. Về già mới biết: “được trở thành chính mình mới là hạnh phúc
nhất”. Lúc trẻ tưởng rằng “những gì đến
rồi sẽ đi”, giờ mới biết: “khi niềm
vui đến thường qua mau, còn nỗi buồn đến thì cứ ở bên ta mãi mãi”.
Lúc
trẻ cứ nghĩ: “Tiền bạc, Tình yêu rồi mới
đến Sức khỏe”, về già mới khám phá sự đảo ngược: “Sức khỏe, Tiền bạc, Tình yêu”. Lúc trẻ rất sợ phải chết, nhưng về
già “sự lãng quên còn đáng sợ hơn cái chết
rất nhiều”.
Cuối
cùng, lúc trẻ cứ tưởng sự sống và cái chết ở cách xa nhau lắm. Về già mới hiểu
nó chỉ cách nhau một lằn chỉ mong manh. Johann Von Goethe đã từng nói: “Cái chết, ở một mức độ nào đó, là một điều
vô lý bỗng trở thành hiện thực” (Death is, to a certain extent, an
impossibility which suddenly becomes a reality).
Và
lúc đó chúng ta thanh thản ra đi để khởi đầu một cuộc hành trình cuối cùng: Bước-Nhảy-Vọt-Vào-Bóng-Tối.
Bước-Nhảy-Vọt-Vào-Bóng-Tối
***
(Trích
Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi
Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
Chương
1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương
2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương
3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương
4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương
5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương
6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương
7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương
8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương
9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác
giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho
đến ngày xuống lỗ)!
“khi niềm vui đến thường qua mau, còn nỗi buồn đến thì cứ ở bên ta mãi mãi”.
Trả lờiXóaMong rằng nỗi buồn cũng chẳng đọng lại, nhưng hình như tất cả cảm xucs bị cô đặc lại và không nhúc nhích được gì cả.
Bài viết này của anh Chính HN đọc chậm, từ từ, nghiền ngẫm đến hàng cuối cùng. Coi như là đọc xong nhưng chưa xong vì cái dư vị của nó. Có thì giờ, đọc lại sẽ càng thích vì đây là những vấn đề thuộc phạm trù nhân sinh mà không ai không gặp, không ai không trãi qua, chỉ khác nhau là có hay không đọng lại. Bài viết thú vị ở chỗ anh so sánh: "Lúc trẻ.cứ tưởng.., về già mới nhận ra ...". Cám ơn anh.
Trả lờiXóaThú thật, tôi luôn luôn trân trọng những lời comments của anh HN, không phải vì lời khen mà vì những nhận xét tinh tế của anh về nhiều vấn đề tôi đặt ra. Trước khi viết bài này trên Blogspot, tôi đã post trên FB 26 điều khác biệt về cảm xúc con người theo tuổi tác và đã nhận được rất nhiều comments, đa số là của các bạn trẻ. Có người bình luận: "Cảm ơn anh Nguyen Chinh về những điều mà 30 năm nữa may ra bọn em mới nghiệm ra được!", thậm chí có bạn còn thêm điều thứ 27 khi share trên FB: "27. Lúc trẻ không thích đọc 26 điều dưới đây (của chú Nguyen Chinh)":
XóaHN sẽ theo chị GM tìm nick FB của anh, nhớ hình như chị ấy có nhắc đến...one time!
XóaFB của tôi: https://www.facebook.com/nguyen.chinh.589
XóaCảm ơn chú, đã viết rất cô đọng và xúc tích
Trả lờiXóa