Tôi lấy cột mốc 1975 để làm ranh giới giữa
Xưa & Nay. Ngày Tết Xưa - Ngày Tết Nay cũng bắt đầu từ ranh giới giữa hai
chế độ VNCH và XHCN tại Việt Nam.
Đối với một người ngoài 70 thì hồi ức về những mùa xuân mang nhiều sắc thái của từng thời kỳ trong cuộc đời và đến bây giờ ngồi nhớ lại nên vội ghi ngay chứ để lâu hơn nữa thì cái bệnh “nhớ nhớ, quên quên” của tuổi già sẽ dần dần xóa sạch.
Tôi rời Hà Nội năm 1953 để vào Đà Lạt vì khi đó ông cụ thân sinh phục vụ trong Ngự Lâm Quân của vua Bảo Đại. Xứ Hoa Đào lúc đó còn được gọi là “Hoàng triều Cương thổ”, tức là đất của nhà vua, nên rất ít người có cơ hội lui tới.
Như vậy là mới có 8 tuổi đời tôi đã xa Hà Nội chứ không phải như lời bài hát “Nỗi lòng người đi” của nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác năm 1954 khi hơn một triệu người miền Bắc di cư vào Nam:
“Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao
nhiêu mộng đẹp yêu thương thành khói tan theo mây chiều...
Tuổi thơ của tôi trên vùng đất sương mù rất hồn nhiên với những kỷ niệm mỗi độ xuân về. Ngày Tết trẻ con thường hay săn nhặt các viên pháo lép đem về để tự đốt gọi là “vui xuân”. Pháo lép thường chỉ còn sót lại chút ít thuốc pháo nhưng đủ để tạo hiệu ứng ánh sáng khi châm lửa và mùi pháo khi cháy tạo một cảm giác đúng là... mùi Tết!
Tôi cũng đã có lần được xem ông bác gói giò thủ cho ngày Tết. Đó là món không thể thiếu trong ngày Tết đối với những người Bắc di cư. Thật tình mà nói, tôi không “kết” món giò thủ nếu so với giò hay chả vẫn ăn ngày thường.
Đến năm 1963 gia đình tôi lại một lần nữa chuyển sang Ban Mê Thuột cũng vì công vụ của bố. Quãng thời gian trên vùng đất đỏ “bụi mù trời” nhưng có người lại bảo “bé mà thương” vì mang nhiều kỷ niệm của thời mới lớn, chập chững bước vào đời.
1963 - Ngày Tết ở Ban Mê Thuột
Kỷ niệm còn nhớ mãi là ngày Tết Mậu Thân, năm 1968. Ngày đó BMT cũng bị tấn công như bao tỉnh thành khác của miền Nam. Lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn những cái xác nằm trên đường, lính của mình cũng có nhưng những người thuộc phe bên kia thu hút nhiều sự chú ý của tôi vì tò mò.
1963 - Bữa ăn ngày Tết ở Ban Mê Thuột
Rõ ràng họ cũng là người Việt nhưng cách ăn
mặc của họ rất khác với những người bên kia chiến tuyến: đầu đội mũ tai bèo,
chân đi dép lốp, hay còn gọi là “giép râu”. Chẳng bao lâu sau khi tiếng súng trộn
lẫn tiếng pháo nổ ròn khắp nơi, lực lượng tấn công thị xã đã bị đẩy lùi.
Có thể họ là những du kích địa phương nhưng cũng có thể là những thành phần của lực lượng chính quy với khẩu hiệu “sinh Bắc, tử Nam”. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy họ khi cuộc chiến đấu đã im tiếng súng. Họ chỉ là những cái xác không hồn nằm rải rác trên lề đường nhưng họ vẫn là người Việt Nam!
1963 - Bốn anh em quây quần ở Ban Mê Thuột
Bạn bè tôi khi đó cũng có người đã xếp bút
nghiên để khoác lên mình bộ quần áo lính. Đa số đều chọn không quân, có người lái
Skyraider, C130, trực thăng và cũng có người là phi công phản lực A37.
Tôi nhớ mãi một người bạn thân, sau khi đi được đào tạo tại Hoa Kỳ trở về lái Skyraider và nhân dịp Tết Mậu Thân anh trở về thăm nhà tại BMT. Giao thừa năm đó chúng tôi nghe pháo nổ ran và hình như có cả tiếng súng mà tôi đoán lính bắn chỉ thiên để chào năm mới. Ông bạn phi công của tôi cũng hứng chí rút súng lục bắn lên trời “góp vui” thay pháo!
1971 - Ngày Tết ở Ban Mê Thuột
Không ngờ tiếng súng chen lẫn tiếng pháo
không bắn lên trời mà bắn trực diện vào các lực lượng tấn công. Đến khi có người
hớt hải chạy về từ vùng lửa đạn mới biết đó là tiếng súng giao chiến giữa hai
phe. Ngay ngày hôm sau, anh phi công vội vã tìm phương tiện về phi trường Biên
Hòa, nơi phi đoàn của anh đặt căn cứ.
Kỷ niệm đêm giao thừa trên BMT chắc chắn sẽ theo anh suốt cuộc đời binh nghiệp. Khi về Sài Gòn chúng tôi vẫn còn thỉnh thoảng gặp nhau và anh chính là “bố nuôi” của đứa con trai đầu lòng của tôi. Năm 1975 anh sang Mỹ, khi đó đã mang cấp bậc Đại úy và chỉ mới đây vài năm có tin anh đã từ trần.
R.I.P. người bạn thân thiết đã từng một thời là bạn văn nghệ ca hát trong ban nhạc thời trung học và cũng là một trong những người bước vào quân ngũ sớm nhất thuộc lứa tuổi chúng tôi.
Ở Sài Gòn, tôi cũng bị động viên vào Thủ Đức, ra trường về làm giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội. Tôi có thời gian sống tại nhà người bà con và cũng cảm thấy nhớ nhà mỗi khi xuân về vì gia đình chưa về Sài Gòn. Ngày Tết trường Sinh ngữ cũng cấm trại dù thuộc đơn vị không tác chiến. Đời nhà binh là vậy!
1972 - Ngày Tết ở Cống Quỳnh, Sài Gòn
Thế rồi năm 1975 Sài Gòn thất thủ, với cấp
bậc Trung úy, tôi phải đi cải tạo. Cái Tết trong tù mang nhiều kỷ niệm của một
thời điêu linh. Tết Cải Tạo đầu tiên là ở Trảng Lớn, và niềm vui duy nhất là...
“ngày nễ nớn, ăn thịt nợn”.
Mang tiếng là thịt nhưng chỉ là một miếng mỡ to bằng 2 đầu ngón tay! Thật tình khi ăn vào, bao tử vốn đã không quen với chất thịt nên có nhiều bạn tù sinh đau bụng chỉ vì một miếng mỡ heo. Thế mới biết, không những “miếng ăn là miếng tồi tàn” mà còn mang hại vào thân!
1973 - Ngày Tết ở Cống Quỳnh, Sài Gòn
Năm 1978, sau khi ở Trảng Lớn rồi Trảng
Táo, tôi ra trại cải tạo để thực sự bắt đầu một cuộc sống điêu linh, chẳng khác
gì từ một cái hộp nhỏ sang… hộp lớn! Ngày Tết “Mừng Đảng, Mừng Xuân” được mua nhiều món đặc biệt tại các Cửa Hàng
Tết nhưng không phải muốn mua gì thì mua mà phải có tem phiếu của nhà nước.
Thịt thà, vải vóc, nhu yếu phẩm được bán “nhỉnh” hơn ngày thường, người ta chen nhau trước cửa hàng Tết mỗi khi tổ dân phố thông báo… có hàng Tết. Đó là niềm vui trong dịp xuân về, nhưng để có được niềm vui đó đầu tiên là phải có tiền rồi lại phải kiên nhẫn… “xếp hàng cả ngày” chờ đến phiên!
Tết đầu tiên sau khi ra trại tôi phải kéo cả gia đình sang nhà bà chị họ ở Khánh Hội để “ăn Tết ké” vì bà chị có cửa hàng trong chợ Bình Tây nên tương đối “dễ thở” hơn. Bốn đứa con tôi vừa được tiền lì xì lại vừa được ăn bánh mứt, dưa hấu nên chúng hớn hở… vui như Tết!
1979 - Ngày Tết ở Khánh Hội, Sài Gòn
Bố chúng thì méo mặt lo kiếm ăn hàng ngày
thì tiền có dư giả đâu mà sắm Tết. Quần áo thì đã có bà cô ở Cống Quỳnh lo vì
bà có một tiệm nay áo dài. Vải thừa, vải vụn bà gom lại để may áo mới cho các
cháu diện Tết. Thế cũng đủ làm chúng… vui như Tết!
Thời gian đã thay đổi thật nhiều, từ một
gia đình nhỏ với đứa con trai đầu lòng ở Ban Mê Thuột chúng tôi đã “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vũng chắc”
khi về Sài Gòn với thêm 3 cô con gái. Tổng “quân số” hiện đang ở mức 15 thành
viên vừa con, vừa dâu-rể và 5 đứa cháu nội ngoại.
2009 - Tết Kỳ Sửu, Sài Gòn
2014 - Tết Giáp Ngọ, Sài Gòn
2015 - Tết Ất Mùi, Sài Gòn
2016 - Tết Bính Thân, Sài Gòn
2017 - Tết Đinh Dậu, Sài Gòn
2018 - Tết Mậu Tuất, Sài Gòn
Thời cuộc cũng thay đổi khiến các thành
viên tứ tán khắp nơi và chỉ hội tụ vào dịp xuân về. Ngoại trừ Tết năm nay, do
tình hình dịch bệnh nên chỉ còn gặp nhau trên mạng qua video calls nhưng vẫn
luôn đầy ắp tiếng cười vì… Vui Như Tết!
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét