Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2021

Món “độc” ngày Tết

“Độc” ở đây không có nghĩa là độc hại… Món “độc” dùng trong bài này chỉ là những món “độc nhất” chỉ có trong dịp xuân về, Tết đến. Phải nói như vậy vì ngày xưa, chỉ đến Tết, mới thấy những món này xuất hiện, nó mang lại một ý nghĩa báo hiệu ngày Tết.

Ở miền Nam có một món thật độc đáo trong lễ cúng Ông Táo về chầu trời, ngày 23 tháng Chạp, Âm lịch. Bạn còn nhớ không? Trên mâm cúng Ông Táo, thế nào cũng phải có món kẹo “thèo lèo”, lại còn có tên nôm na là “thèo lèo… cứt chuột” mà các cô cậu nhỏ thường gọi như thế.

 

Thèo lèo...  cứt chuột

 

Sao lại có tên “thèo lèo”? Có người giải thích, "thèo lèo" xuất xứ từ tiếng Triều Châu, “Trà Liệu” 茶料 có nghĩa là món dùng trong khi uống trà. Người Việt khi nghe người Tiều phát âm nghe như “tề liếu” hay “tề léo” nên phiên thành... thèo lèo. Sự giải thích mang tính cách “ngôn ngữ & phát âm” có thể coi như... tạm chấp nhận trong khi chưa có một giải đáp chính xác.

Nhưng tại sao lại thêm “cứt chuột”, một cái tên... quá thô tục, xấu xí mà lại đem cúng? Kẹo thèo lèo có những hột mè nên có người lý giải... trông giống như “cứt chuột”! Người miền Nam vốn vừa bình dị lại vừa bình dân nên “thấy sao gọi vậy”, không nề hà về hình dáng vì chúng giống như những... viên cứt chuột.

Đối với người miền Nam, mâm cúng ông Táo 23 tháng Chạp rất là đơn giản nếu so với miền Bắc. Cúng ông “vua bếp” lên đường báo cáo tình hình trong năm chỉ gồm nhang đèn, 3 chung nước nhỏ, có bộ “cò bay ngựa chạy” và một thứ không thể thiếu đó là kẹo “thèo lèo cứt chuột” là món ăn tráng miệng với nước trà.

Thực ra thì “thèo lèo” làm từ làm từ các nguyên liệu chính như mè, đậu phộng, đường mạch nha, đường trắng... Khi ăn có vị ngọt với hàm ý “hai ông, một bà” ăn vào sẽ thốt ra những lời ngọt ngào ca tụng chủ nhà trước Ngọc Hoàng Thượng Đế. Đó cũng là thâm ý sâu sắc khi người ta làm ra... “thèo lèo cứt chuột”.

 

Làm kẹo thèo lèo

 

Người miền Trung lại khác. Mâm cúng Ông Táo 23 tháng Chạp không thể thiếu ngựa giấy với hàm ý mong muốn hành trình Ông Táo về chầu trời diễn ra xuông xẻ, thuận buồm xuôi gió...

Đối với người miền Bắc thì mâm cúng có phần “thịnh soạn” hơn: có thể đó là con cá chép, nhiều nơi cúng cá chép còn sống, nhưng cũng có gia đình cúng cá chép bằng giấy thường có bán ở các cửa hàng bán đồ cúng “ông Công ông Táo”.

Dĩ nhiên là mâm cúng phải đầy đủ các món truyền thống như gà luộc, bánh chưng, xôi vò, xôi gấc, canh măng, canh bóng, đĩa xào thập cẩm, giò, mâm ngũ quả, nem (chả giò), cá kho, hành muối... Món chè có thể là chè bà cốt, chè kho, chè xôi nén hoặc chè con ong.

 

Cúng ông Táo theo 3 miền

 

Món “độc” ngày Tết ở miền Bắc phải kể đến giò thủ. Giò, chả là món ăn quanh năm, có xuất xứ từ miền Bắc, nhưng đặc biệt món giò thủ chỉ thường xuất hiện vào dịp Tết. Công đoạn chế biến món này thường đòi hỏi nhiều công phu hơn vì nguyên liệu gồm toàn những phần của đầu heo như tai, mũi phải rửa sạch sẽ trước khi đem xào với hành, tỏi và nấm mèo xắt lát.



Nguyên liệu làm gió thủ

Công đoạn khó nhất là làm sao “bó giò” cho thật chặt để những nguyên liệu đó kết dính với nhau sau khi được bó trong lớp lá chuối và được nén thật chặt. Khi ăn được cắt ra thành từng khoanh rồi xắt nhỏ từng miếng. Dĩ nhiên là phải có thêm củ kiệu, dưa hành cho đỡ ngán.

 

Giò thủ

 

Người nhai miếng giò thủ có thể cảm nhận được miếng giò dai, dòn tận chân răng. Thế cho nên, đối với những người “răng cỏ cái còn cái mất” như tôi giờ chỉ nghe và nhìn thiên hạ nhai miếng giò thủ mà... chảy nước miếng!

 

Mâm cúng ông Công, ông Táo

 

Thế mới biết, thời gian khiến mọi chuyện đều thay đổi. Ngay cả trong ăn uống cũng thay đổi !!!


 *** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts