Đại dịch Covid bùng phát khắp thế giới như một “đám cháy không khói”, gieo rắc kinh hoàng cho cuộc sống trước đây vốn tạm gọi là… thanh bình! Cơn “hỏa hoạn không lửa”, không “nóng rát mặt” vẫn âm ỉ cháy trong lòng mọi người trên trái đất này!
Virus Corona không phân biệt nạn nhân của nó và cũng không phân biệt ranh giới quốc gia. Từ những nhân vật quyền cao, chức trọng cho đến những công dân ở đáy tận cùng xã hội, từ những đại gia tiền tỷ đến những kẻ khố rách áo ôm, đầu đường xó chợ… đều được nó chiếu cố với những đòn đoạt mạng bất ngờ!
Riêng ở Việt Nam, thoạt đầu con virus có vẻ như ít quan tâm đến nhưng gần đây lại ra những đòn chí tử khiến cả nước phải bàng hoàng nhận ra rằng không một quốc gia nào là bất khả xâm phạm trên bước đường lây lan của đại dịch.
Sài Gòn bỗng trở thành tâm dịch với con số người tử vong chiếm ngôi đầu bảng trong cả nước. Gĩan cách, cách ly, FO F1 bỗng trở thành những những từ ngữ trên đầu môi của mọi người.
Đợt giới nghiêm đầu tiên đã khiến những người con xa xứ tìm đường trở về quê hương vì Hòn Ngọc Viễn Đông không còn là miền đất hứa đối với cuộc sống. Từng đoàn người lũ lượt về quê trên những chiếc xe gắn máy, thậm chí có cả những người chỉ dùng đôi chân của mình để lội bộ trở về quê cũ.
Đợt lockdown kế tiếp sẽ kéo dài đến 15/9/2021 được coi như lời cảnh báo cuối cùng cho cơn dịch bệnh. Những người xa quê còn ở lại Sài Gòn nay đã hết kiên nhẫn để hy vọng một tương lai sáng sủa hơn. Họ sẽ sống như thế nào khi rời bỏ những căn nhà trọ chật chội trong khi việc làm và cuộc sống hàng ngày không thể tìm ra một lối thoát.
Lại một cuộc di dân thứ hai dĩ nhiên phải xảy
ra để trở về với vùng đất ở quê nhà, tương tự như chuyện Exodus tìm về nguồn cội
của người Do Thái trong Kinh thánh! Chính quyền lần này làm mạnh hơn vì muốn rằng
“ai ở đâu thì ở yên đó” nên 12 cửa
ngõ để thoát khỏi Sài Gòn đều bị phong tỏa.
Giữa cơn khủng hoảng lại xuất hiện từ ngữ lạ
tai như “Di biến động dân cư” mà hầu
hết mọi người chưa trừng nghe đến. Loanh quanh trên mạng người ta mới hiểu được
cụm từ này có xuất xứ từ Trung Quốc, đó là hình thức "khai báo di chuyển" hay "khai báo đi lại" của người dân!
Có thể nói, đợt “đào thoát” lần này cũng tương tự như những lần “hồi cư” của người dân từ vùng chiến tranh lửa đạn trở về với quê cha đất tổ hay cũng có phần tương tự như “cuộc bỏ phiếu bằng chân” của người miền Trung xuôi Nam vào năm 1975 để tìm nơi yên ổn.
Điều trùng hợp kỳ lạ của lịch sử, biến cố
năm 1975 tại Việt Nam đến năm nay lại xảy ra tại vùng đất Trung Á với một “kịch
bản” tương tự. Phương Tây đã đổ những khoản tiền khổng lồ vào các lực lượng
Afghanistan, mà ngày xưa gọi là A Phú Hãn. Trong suốt 15 năm qua, riêng Mỹ đã bỏ
ra 88 tỉ USD, với niềm tin rằng sẽ giúp chính phủ Afghanistan có thể độc lập chống
lại Taliban.
Sau khi Tổng thống Mỹ, Joe Biden, quyết định rút những binh lính Mỹ về nước, 300.000 binh lính Afghanistan đã nhanh chóng gục ngã. Thay vì chiến đấu chống lại Taliban, họ phải sớm rút lui dù không có cuộc giao tranh nào. Dẫu biết rằng “mọi sự so sánh đều khập khiễng” nhưng Afghanistan chính là Việt Nam thứ hai!
Cả hai Tổng thống - Nguyễn Văn Thiệu cũng như Ashraf Ghani - là những người cuối cùng chứng kiến sự ra đi của quân đội Mỹ nhưng chắc chắn
phần trách nhiệm chính nằm ở người Mỹ. Chính họ đã tự chọn cho mình “vũng lầy”
để rồi thoát ra trong hoảng loạn!
Bản thân Tổng thống Mỹ và các quan chức
hàng đầu của Mỹ cũng ngỡ ngàng trước đà tiến quá nhanh của Taliban để kiểm soát
thủ đô Kabul, vì thế kế hoạch rút lực lượng Mỹ rút cục trở thành nhiệm vụ “đào
thoát” trong an toàn. Thật chẳng khác gì Việt Nam năm 1975.
Như nhan đề của bài viết, “Lửa cháy khắp nơi” chỉ ra những diễn biến
song hành cùng đại dịch Covid, nhân loại đã phải trải qua những “đám cháy không khói”. Trên thực tế, gần đây có cả những đám cháy rừng
thực sự khủng khiếp ở Âu Châu và Bắc Mỹ kể từ đầu tháng 7/2021.
Tại Canada, thị trấn Lytton đạt kỷ lục là “nơi nóng nhất trên trái đất” với 49.5° C trong mùa hè năm nay.Tại Mỹ, chỉ riêng 2 tiểu bang Califonia và Oregon, cháy rừng đã thiêu rụi 230,000 hectares, nâng tổng số thiệt hại lên đến 1 triệu hectares trên toàn quốc trong mùa hanh khô 2021.
Trong tháng 8, Hy Lạp, quốc gia bên bờ Địa
Trung Hải, nhiệt độ đạt đỉnh điểm 47.1°C, gần vượt qua mức kỷ lục 48°C của Châu
Âu vào mùa hè. Người dân thành Athens chạy trời cũng không thoát khỏi cháy rừng
với những cụm khói bốc lên từ bốn phương.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, những đám cháy rừng đã
thiêu rụi hơn 11.000 hectares ở thành phố Manavgat. Trong khi đó, chính phủ phải
cay đắng nhìn nhận không có đến một chiếc trực thăng chữa cháy!
Tại Ý đã có đến 800 vụ cháy rừng trong tuần
này khiến các khu nghỉ dưỡng ở thành phố phía đông Pescara phải sơ tán vào ngày
1/8/2021. Trong khi đó tại Phần Lan, nơi rất hiếm khi các vụ cháy rừng, lửa đã
tàn phá 300 hectares rừng trong vùng châu thổ sông Kalajoki.
Ngày 4/8/2021, Tổ chức Điều phối Copernicus
của Liên minh Châu Âu cho biết những vụ cháy rừng tại đây đã gây ra 505
megatonnes khí carbon dioxide trong bầu không khí. Đây là kỷ lục vượt ngưỡng
450 megatonnes trong năm 2020.
Thiên tai và dịch bệnh dồn dập trút lên đầu nhân loại với “lửa âm thầm không khói” cũng như lửa cháy rừng. Biết đến bao giờ con người mới thoát khỏi cơn “thịnh nộ” của thiên nhiên?
“Quanh ta lửa cháy tứ phương,
Cuộc đời Vô Nghĩa, Vô Thường, Vô Tâm!”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét