Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

Vĩnh biệt Du Tử Lê

“Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Đời lưu vong không cả một nấm mồ
Vùi đất lạ thịt xương e khó rã
Hồn không đi sao trở lại quê nhà”
(DTL)

Du Tử Lê (1942-2019)

Nhà thơ Du Tử Lê (Lê Cự Phách) đã ra đi về cõi vĩnh hằng hôm 07/10/2019. Ước nguyện “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” không biết có được toại nguyện hay không… nhưng điều chắc chắn là linh hồn của anh đã trở về với quê nhà, nằm bên kia bờ Thái Bình Dương.

Anh hơn tôi 4 tuổi nhưng tuổi tác trong trường hợp này hoàn toàn không mang nhiều ý nghĩa nếu xét về sự nghiệp văn chương của anh. Với hơn 70 tác phẩm ra đời trong khoảng từ 1964 đến 2018 quả là một gia tài đồ sộ trong cả lãnh vực thi ca lẫn hội họa và âm nhạc.

Cố nhà văn Mai Thảo chọn anh là một trong “Bảy vì sao Bắc đẩu” của nửa sau thế kỷ 20 trong thi ca miền Nam. Anh xứng đáng ngồi cùng Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên. Và anh cũng là người cuối cùng trong bẩy vì sao đã băng để trở về cới cát bụi.    

Tôi nợ anh bài viết giới thiệu cuốn “Hồi ức Ban Mê”, trong đó tôi có nói với anh tôi không dám nhận mình là nhà văn mà chỉ là người kể chuyện. Món nợ này xin khất lại kiếp sau. Chúc anh ra đi thanh thản.

Dưới đây là những gì Du Tử Lê viết lời đề tựa cho “Hồi ức Ban Mê” vào tháng 9/2014.


“Hồi Ức Ban Mê”, tác phẩm như một Ấn-chứng-văn-chương-Nguyễn-Ngọc-Chính.

Nhiều người quan niệm, một khi đã là nhà văn, y có thể cùng lúc, đánh ra nhiều đường gươm văn chương lấp lánh - - Tựa những cao thủ thuần thục “thập bát ban võ nghệ”. Sự thực, không phải vậy.

Tôi muốn nói, không phải nhà văn nào, cũng có khả năng hóa thân từ hiện thực tới siêu thực, từ truyện ký qua nghiên cứu văn học... Lịch sử văn học Việt cho thấy, không ít nhà văn từng chứng tỏ khả năng “phân thân” của mình. Nhưng, số người thành công, trên thực tế, lại chẳng bao nhiêu. Nếu không muốn nói là, chính sự ôm đồm kia, đã khiến nhiều nhà văn tự hủy mình trong nhà tù “ảo tưởng” đó.

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho thất bại vừa nói.

Theo tôi, một trong những nguyên nhân dẫn tới thất bại, là sự thiếu vắng những rung động ngây ngấy, hay những ngọn lửa đam mê cháy bỏng - - Tựa ngọn hải đăng dẫn đường cho những con tầu phiêu du về bến.

Trong số rất ít những nhà văn đánh ra, cùng lúc, nhiều đường gươm văn chương lấp lánh, thành công, hôm nay, theo tôi có Nguyễn Ngọc Chính.

Họ Nguyễn không chỉ thành công khi hồi ức nhà văn của ông, mở vào thế giới tuổi thơ, tuổi học trò, tình nghĩa, huyết thống... khiến người đọc không khỏi bùi ngùi, cảm động - - Hay hồi ức về nơi chốn ông đã sống với, đã dừng lại, đã đi qua... (Mà,) họ Nguyễn còn thành công ở cả lãnh vực ông gọi là du ký - - Như “Du ký xứ... Miệt Dưới”, “Một tháng ở Melbourne” ... Hoặc những hồi ức râm ran nỗi ngậm ngùi, liu điu thất thổ... khi ông viết “Không chốn dung thân”!...

Theo tôi, trong số những đường gươm văn chương lấp lánh, đánh ra, của Nguyễn Ngọc Chính, còn có những soi sáng từ góc nhìn nhân bản (rất nhân bản), khi ông đề cập tới những sự kiện văn học của trên nửa thế kỷ văn chương Việt Nam. Cụ thể, qua vụ án văn học “Nhân Văn-Giai Phẩm” (mà,) bi kịch tiêu biểu, là nhà văn Thụy An; tới hành trình văn chương hư ảo và, đời riêng gập ghềnh nắng, xót, của một Nguyễn Thị Hoàng, xuyên qua tác phẩm “Vòng tay học trò”...

Vẫn theo tôi, họ Nguyễn còn thành công ở cả những ghi nhận đời thường, khi trái tim nhà văn của ông mở vào những biểu tượng như: “Ngôn ngữ Saigon xưa: Lính tráng”, hay, “Cà phê Saigon Xưa & Nay”, “Những cái tên bình dị về Núi & Đèo”...

Tóm lại, nếu chúng ta cần tìm một nhà văn có khả năng thực sự đến được cùng lúc, nhiều lãnh vực của cuộc đời ố, kỵ, của định mệnh bất nhân, (thì,) người đó, không ai khác hơn Nguyễn Ngọc Chính.

Nếu trong quá khứ, tôi từng ghi nhận rằng “Vũ Hữu Định, người đội vương miện cho Pleiku” thì, hôm nay, tôi nghĩ, tôi không thể không viết xuống: “Nguyễn Ngọc Chính, người tháp linh hồn cho Ban Mê”.

Và tôi, chính là một trong những người cảm-thụ được phần “linh hồn” tháp cho Ban Mê đó, của họ Nguyễn vậy.

Du Tử Lê,

(Calif. Sept. 2014)

***

Tham khảo thêm:

* Bài viết của Tuyen Phan: “Những giây phút cuối cùng của cố thi sĩ Du Tử Lê” trên Facebook https://www.facebook.com/tuyen.phan.79677/posts/1379787118847041

* Video clip “Khúc thụy du” – Thơ: Du Tử Lê, Nhạc: Anh Bằng, Trình bày: ca sĩ Tuấn Ngọc: https://www.youtube.com/watch?v=1fJqBU8ZwyE

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts