Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019

Cổ học… tân biên


“Cổ học Tinh hoa” do hai học giả Ôn như Nguyễn Văn Học và Tĩnh Trai Trần Lê Nhân biên soạn, được Vĩnh Hưng Long Thư quán xuất bản lần đầu tiên năm 1928.

Đây là bộ sách gồm 2 cuốn – Quyển Thượng và Quyển Hạ – giới thiệu những tinh hoa của nền cổ học Phương Đông qua những câu chuyện ngắn về cách nhìn nhận cuộc sống, con người, cách xử sự sao cho phù hợp với luân thường, đạo lý. 



Chuyện thứ 40 trong “Cổ học Tinh hoa” có nhan đề “Ông quan thanh bạch”, kể lại:

“Dương Chấn được bổ đi làm thái thú quận Đông Lai. Lúc đi phó nhậm, qua đất Xương Ấp, quan huyện ở đấy là Vương Mật, trước được nhờ ông đề bạt cho, vào yến kiến. Rồi đợi đêm khuya, đem vàng đến lễ.

“Dương Chấn bảo: “Trước tôi biết ông là người khá, mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng tới cho tôi ư?”

Vương Mật cố nài, thưa rằng: “Xin ngài cứ nhận cho, bây giờ đêm khuya không ai biết.”

Dương Chấn nói: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết.”

Vương Mật nghe nói, xấu hổ, lùi ra. Dương Chấn thật là một ông quan thanh liêm, chỉ chăm việc dân, việc nước không tham nhũng, không làm giàu cho mình, ông thường nói: “Làm quan mà để được cái tiếng thanh bạch cho con cháu, chẳng quý hơn tiền của ruộng nương lại cho chúng ư?”

Các tác giả của “Cổ học Tinh hoa” viết thêm lời bàn:

“Làm quan như ông Dương Chấn, đối với người mình đã đề bạt, không cần ơn, đối với người dân mình cai trị không ăn lễ, lúc đêm khuya, tấm lòng cũng rõ rệt như lúc thanh thiên bạch nhật, cũng là một ông quan thanh liêm, làm gương cho bọn quan gian tham nhũng muôn đời ư!

“Làm quan mà vơ vét cho nhiều, chính mình có chắc đâu sẽ giữ được, huống chi còn mong để lại cho con cháu. Như thì để lại cho chúng cái tiếng thanh bạch, thơm tho muôn thuở, chả hơn là cái của phi nghĩa, chỉ tổ làm cho chúng kiêu sa, dâm dật, rồi đi đến bại vong ư?”.


Đối với nhân tình thế thái ngày nay, chúng ta cũng có thể viết lại “Cổ học… Tân biên” cho hợp tình, hợp lý với… “thời đại 4.0”. Bàn rằng, giới quan quyền nước ta nay quả thật không còn là “công bộc” của dân mà là giai cấp thống trị. Làm gì còn có những ông quan thanh liêm như Dương Chấn chỉ chăm việc dân, việc nước!

Từ anh cảnh sát giao thông đứng ngoài đường kiếm “tiền mãi lộ” (ngày nay còn được gọi là “bánh mì”) đến những vị “tai to, mặt lớn” đều lo “chạy chọt” để chen chân vào giai cấp thống trị. Một khi đã chạy chọt để lọt được vào vòng danh lợi, họ sẽ phải tìm cách để trước là gỡ vốn, sau là làm giàu. Xã hội này là một cuộc chạy đua Marathon đến cửa quyền, “dân đen vô sản” chỉ là những khán giả không hơn không kém.  

  
Người ta ăn lẫn của nhau theo một vòng tròn khép kín, trong đó người có quyền thế cao hơn sẽ được “lại quả” từ kẻ chạy chọt thuộc tầng lớp dưới. Làm sao có được ý thức “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết?”. Thế cho nên người ta “vô tư” trong việc Cho và Nhận.


Lại nói về chuyện Công Nghi Hưu làm tướng nước Lỗ, tính hay thích ăn cá. Một hôm có người đem cá đến biếu, ông lại không nhận. Em ông lấy làm lạ hỏi: “Anh có sở thích ăn cá, người ta đem cá cho, sao anh lại không nhận?”

Công Nghi Hưu nói: “Người ta đem cá cho chắc có ý cầu ta việc gì. Nếu ta nhận, tất ta phải giúp người. Giúp việc người, lỡ làm trái phép thì đến mất quan. Mà mất quan, thì chẳng những không có cá biếu, mà đến cá mua cũng không có. Cho nên ta không nhận cá, chính là ta muốn được có cá ăn lâu dài mãi mãi đó”.

Đốt đuốc giữa ban ngày để đi tìm một người như Công Nghi Hưu thời xưa thật khó. Con cá là sinh vật nhỏ mọn nhưng ông cũng cân nhắc không chịu nhận vì hiểu rõ cái lẽ: Người ta vị mình mà chiều mình, chỉ được có 1 thời, sao cho bằng chính mình trọng lấy mình, mới là kế lâu dài mãi mãi.


Có thể nói “Cổ học tinh hoa” là cuốn sách “dạy làm người” và cũng là “cái túi khôn” rất cần thiết không chỉ cho xã hội trong quá khứ mà còn có giá trị đến hiện tại và cả tương lai của con cháu sau này. Thế cho nên, cuốn sách đã được đưa vào chương trình giảng dậy trước năm 1975.  

Xét cho cùng, “Cổ học tinh hoa” là bài học thuộc về dĩ vãng nhưng một khi đem ra bàn trong thực tế đời nay dưới dạng “Cổ học tân biên” vẫn có giá trị đối với thời đại này. Chỉ tiếc một điều, giữa nhận thức và thực tiễn ai cũng thấy là đúng nhưng hầu như ít ai chịu sửa đổi.

Phải chăng đó là “lỗi hệ thống” của cả một cơ chế?

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts