Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

Nghệ thuật trên… lá

Một chiếc lá mùa thu rơi rụng trong cơn gió nhẹ thoảng qua đã khiến cho Lưu Trọng Lư viết nên bài thơ bất hủ “Tiếng Thu”, năm 1939:

 

“… Em không nghe rừng thu.

lá thu kêu xào xạc,

con nai vàng ngơ ngác

đạp trên lá vàng khô?...”

 

Trong âm nhạc có bài “Giọt mưa trên lá” của Pham Duy viết năm 1965 với những lời tha thiết:

 

“Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già

Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá.

Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà

Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về…”

 

Gần đây nhất, năm 2020, Lito (một hoạ sĩ người Nhật) đã đưa những chiếc lá mùa thu lìa cành thành những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo khiến người chiêm ngưỡng không khỏi thán phục.

Chỉ với một con dao thật bén, Lito đã khắc hoạ những hình ảnh từ sinh hoạt đời thường đến những cảnh chỉ thấy trong truyện thần thoại. Tất cả đã được thể hiện trên nền một chiếc lá khô đã lìa cành nhưng người thưởng ngoạn đã tìm thấy một sức sống mãnh liệt!

Nghệ thuật của Lito đã trở nên nổi tiếng khắp nước Nhật rồi lan truyền ra đến thế giới. Mỗi bức tranh trên lá là một đề tài chuyển tải một thông điệp mà người thưởng ngoạn có thể cảm nhận được suy nghĩ của người hoạ sĩ.

Bạn nghĩ gì về những bức tranh trên lá dưới đây mà người nghệ sĩ muốn truyền tải?

Bạn có thể comment dưới những bức tranh này để bày tỏ những suy nghĩ riêng tư của mình!

 

***





































***


--> Read more..

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2024

Han Kang: Người phụ nữ Châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel Văn Học

Nhà văn nữ người Hàn Quốc, Han Kang (한강), đã trở thành phụ nữ Châu Á đầu tiên nhận được giải Nobel Văn Học năm 2024. Han sinh năm 1970 tại Gwangju, một thành phố nhỏ nhưng lại nổi tiếng với vụ bạo động chống chính phủ độc tài quân sự của Tổng thống Chun Doo-hwan và bị cảnh sát đàn áp tàn bạo.

 

Chân dung nhà văn nữ người Hàn Quốc Han Kang và giải Nobel Văn học 2024

 

Người ta ước tính có khoảng hàng nghìn người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ kéo dài từ ngày 18 đến ngày 27/5/1980 khi người dân Gwangju tự vũ trang bằng cách cướp vũ khí của cảnh sát địa phương sau khi sinh viên trường Đại Học Chonnam biểu tình chống chính phủ.

Có thể nói vụ bạo động ở Gwangju là bối cảnh dẫn nhà văn Han Kang sáng tác tiểu thuyết “채식주의자” năm 2007 và được dịch sang tiếng Anh là “The Vegetarian” năm 2015.

 

Han Kang và tác phẩm "The Vegetarian"

 

Tác phẩm là một “liên truyện” gồm 3 truyện ngắn độc lập nhưng cũng có thể gộp lại thành tiểu thuyết bởi vì cũng những con người trong đó, nền tảng đó, xuất xứ đó, tác giả Han Kang xây dựng thông qua cái nhìn của các nhân vật khác nhau theo từng sự chuyển biến của câu chuyện.

“The Vegetarian” là một cuốn sách gồm ba phần: Người ăn chay, Vết chàm MongoliaCây pháo hoa kể về Yeong-hye, một người phụ nữ Hàn Quốc bình thường, quyết định trở thành người ăn chay sau một giấc mơ kinh hoàng về sự tàn bạo của con người.

Quyết định này dường như vô hại trong việc kiêng thịt nhưng lại dẫn đến sự sụp đổ của cuộc sống gia đình cô và các mối quan hệ xã hội. Han Kang giải mã những vùng tăm tối nhất trong con người, bắt đầu từ những khao khát bình thường và dần dần trở thành những chấn thương không thể nào chữa khỏi.

Nhân vật chính của cuốn truyện Yeong-hye, người phụ nữ tham gia cuộc bạo động tại Gwangju, bị ám ảnh bởi một giấc mơ, quyết định để trở thành “một người ăn chay”. Hành động quyết định “không ăn thịt” đã gây ra một số xung đột trong cuộc sống gia đình và được xem như… “một cuộc nổi loạn”.

Những biến đổi kỳ lạ về thể xác và tinh thần của Yeong-hye được mô tả qua góc nhìn riêng tư của chồng cô, người anh rể và chị gái. Mỗi nhân vật đều có cảm xúc và suy nghĩ khác nhau. Ngoài ra, Yeong-hye phải đương đầu với một người cha “nghiêm khắc – độc tài”.

Cuốn truyện khai thác một số chủ đề liên quan đến sự áp đặt của xã hội, mong muốn trốn thoát khỏi các ràng buộc, và sự sụp đổ dần dần của một con người. Với văn phong độc đáo, tác phẩm không chỉ là câu chuyện về ăn chay mà còn phản ánh về khía cạnh tâm lý, tình dục và sự cô độc trong xã hội hiện đại.

 

Tác phẩm "The Vegetarian"

 

Tờ The Guardian nhận xét: “Qua ba phần, (1) những kỳ vọng của hành vi; (2) hoạt động của các tổ chức xã hội; và (3) sự thất bại… đã tạo nên một sự giằng xé nội tâm muốn thoát ra khỏi những trói buộc hàng ngày. Ngoài ra tác phẩm còn mang đến sự gợi cảm, khiêu khích và bạo lực, cùng với hình ảnh mạnh mẽ, màu sắc đáng ngạc nhiên và những câu hỏi đáng suy ngẫm”.

Anders Olsson, Chủ tịch Hội đồng Nobel Thuỵ Điển, cũng có nhận xét về Han Kang và công trình nghệ thuật của nhà văn qua thông báo của Hội đồng về Giải thưởng Nobel Văn chương năm 2024:

“Trong những tác phẩm của mình, Han Kang phải đối đầu với những những “chấn thương lịch sử” cùng với hàng loạt những quy luật vô hình có ảnh hưởng đến cuộc sống mong manh của con người. Nhà văn đã có một ý niệm đặc thù về mối quan hệ giữa thể xác và tinh thần, giữa người sống và kẻ chết. Và với một cách diễn tả đầy thi vị của một nhà văn, bà đã trở thành một trường hợp tiên phong trong lối viết hiện đại!”.

Tổng thống Hàn Quốc, Yoon Suk Yeol, tuyên bố việc Han Kang được trao giải Nobel Văn chương năm nay đánh dấu “một thành tựu vĩ đại của văn chương Hàn Quốc”. Ông cũng ghi nhận tài năng của nữ văn sĩ đã mô tả lại một diễn biến lịch sử đau thương trong giai đoạn gần đây của đất nước.

Han Kang từng đoạt giải Man Booker International Prize cho tiểu thuyết vào năm 2016 với tác phẩm The Vegetarian (xuất bản ở Việt Nam năm 2011 với tên Người ăn chay), một cuốn tiểu thuyết kể về một phụ nữ bị bệnh tâm thần và bị gia đình bỏ rơi.

 

Bản dịch tiếng Việt “Người Ăn Chay”

 

Han Kang sinh trưởng trong một gia đình văn chương, bố bả là một nhà văn nhưng gia đình phải sống chật vật. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016, Han cho biết nhà cô chỉ giàu nhất là sách vở: “Ngày còn bé, tôi nhìn quanh nhà đâu cũng thấy sách!”.

Khi Han 9 tuổi, gia đình cô di chuyển về thủ đô Seoul, chỉ trước ngày có cuộc đàn áp đẫm máu tại Gwangju có vài tháng. Khi đó cô tự hỏi tại sao con người lại nhẫn tâm đối xử với nhau đến mức độ mất hẳn nhân tính đến như vậy? Ý nghĩ đó ám ảnh đầu óc Han trong suốt quá trình viết truyện.

Tin mới nhất tiết lộ Han Kang đã từ chối họp báo, tổ chức ăn mừng giải thưởng Nobel văn chương vì hiện trạng khổ đau của thế giới với những cuộc xung đột giữa Ukraine-Nga hay Israel-Palestine.

Han Kang đã từ chối lời đề nghị họp báo sau giải thưởng Nobel Văn chương, mà bà nói là chẳng có lý do gì để vui, khi cuộc sống chung quanh là những thảm kịch cũng như những cuộc xung đột không ngừng.

Cha của bà, tiểu thuyết gia Han Seung-won, 85 tuổi, đã truyền đạt thông điệp này trong một cuộc gặp mặt tại Trường Văn học Han Seung-won ở Jangheung, tỉnh Jeolla. Ông cho biết:

"Han Kang nói với tôi, chiến tranh ngày càng khốc liệt, con người bị đưa vào chỗ chết mỗi ngày, làm sao chúng ta có thể tổ chức lễ kỷ niệm hoặc họp báo ăn mừng được?' Han nói rằng mình không nên tổ chức họp báo gì cả".

"Quan điểm của Han Kang đã thay đổi từ một nhà văn sống ở Hàn Quốc sang ý thức (của một nhà văn) toàn cầu. Tuy nhiên, tôi không thể thoát khỏi cảm giác là cha của một người đoạt giải đang sống ở Hàn Quốc, vì vậy tôi đã tự mình sắp xếp buổi gặp mặt nhỏ này", ông nói, theo tường thuật của Korea Times.

Cha bà cho biết, "Tôi định tổ chức một bữa tiệc ở đây cho người dân địa phương, nhưng con gái tôi bảo tôi đừng làm vậy. Con bé nói, 'Làm ơn đừng ăn mừng khi chúng ta đang sống và chứng kiến những sự kiện bi thảm này (ám chỉ hai cuộc chiến tranh).

“Viện Hàn lâm Thụy Điển không trao giải thưởng này cho con để chúng ta tận hưởng, mà để giữ đầu óc tỉnh táo hơn.' Sau khi nghe điều đó, tôi vô cùng bối rối", ông Han Kang kể.

 

Han Kang và người hâm mộ

 

Tuy nhiên, ở bên ngoài, mọi dữ kiện liên quan đến tiểu thuyết gia Han Kang đang trở thành sự kiện nóng nhất ở Hàn Quốc. Hiện 9 trong số 10 tác phẩm bán chạy nhất được liệt kê trên trang Kyobo - trang thống kê và mua bán trực tuyến phổ biến nhất của Hàn Quốc - là tác phẩm của Han Kang.

Chỉ vài tiếng sau khi có tin tức về giải Nobel văn chương năm 2024, khách hàng đã xếp hàng dài tại các hiệu sách ở Hàn Quốc, các cửa hàng trực tuyến bị tràn ngập khi độc giả cố gắng sở hữu tác phẩm của nhà văn mới đoạt giải Nobel, Han Kang.

Các chính trị gia, tác giả và độc giả Hàn Quốc đã cùng ăn mừng chiến thắng của bà. Tổng thống Yoon Suk Yeol đã chúc mừng bà trong một bài đăng trên Facebook, và tại quốc hội, nhiều phiên điều trần của chính phủ đã bị tạm dừng khi các quan chức thông báo mừng tin tức này.

 

Nhà văn nữ Châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học

 

Trong nhiều năm qua, giải thưởng Nobel Văn học được cho là một giải thưởng chỉ tập trung vào các tác giả phương Tây hay ưu ái các tác giả nam. Chiến thắng của Han Kang đánh dấu sự chuyển biến đáng chú ý trong cơ cấu giải Nobel Văn học với số tiền thưởng lên đến 1 triệu đô-la.

Han Kang trở thành người phụ nữ thứ 18 trong lịch sử giải Nobel văn học giành chiến thắng và cũng là nhà văn nữ của Châu Á lần đầu tiên được nhận giải. Tác giả nữ giành giải Nobel văn học gần nhất là Annie Ernaux (người Pháp) vào năm 2022. 

***

* Video clip of Han Kang about herself on the road to become the first Asian writer to win Nobel Prize in Literature in 2024:

https://www.youtube.com/watch?v=tQTI6bV0waE

 

***

--> Read more..

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024

Thay lời muốn nói


Nếu tôi có dịp được bày tỏ

Cho người tôi yêu thương được rõ

Những gì thầm kín tận đáy lòng

Chỉ một lần thôi… một lần là quá đủ.

 

Tình yêu tôi dành cho người không bao giờ hội tụ

Ở bên ngoài như bão lũ, cuồng phong

Tôi chỉ biết giữ trong lòng thầm kín

Tựa con sâu ẩn mình trong trong bộ áo kén kia.

 

Tôi vẫn biết tình mình không đủ bén

Để mở lòng khi người đã cài then

Một lần thôi là quá đủ một đời

Nhưng sao thấy vẫn hoài công chờ đợi?

 

Tôi hiểu rõ ngọn ngành xa diệu vợi

Nhưng cuộc đời không trải rộng khắp muôn nơi

Tìm người yêu không dễ suốt cả đời

Người ngoảnh mặt… mù khơi miền viễn xứ!

 

Còn lại mình tôi niềm ưu tư mòn mỏi

Khi tuổi đời còm cõi mộng không thành

Biết sao đây, một cuộc tình dang dở

Khi tháng ngày vùn vụt đến không ngờ?

 

Tôi vẫn biết yêu không đẹp như thơ

Nhưng sao vẫn đợi chờ được đáp lại

Vẫn hoang tưởng tình yêu là mãi mãi

Người nhìn tôi qua ánh mắt hững hờ!

 

Tôi vẫn biết yêu là mơ, là mộng

Có gì đâu một cảm xúc bất ngờ

Người yêu lại… nhưng không còn ngây dại

Cuộc tình kia chỉ mang lại ngỡ ngàng!

 

Để hôm nay tình bỗng vỡ tan hoang

Như cánh hoa đã úa tàn phong nhị

Biết sao đây khi vẫy tay, chào tạm biệt

Một mối tình kém thi vị, hững hờ!

 

Không trách mình… mà cũng chẳng trách ai

Khi định mệnh đã an bài cho số kiếp

Một cuộc tình đáng tiếc với cả hai

Khi hình hài đã không còn sức sống!

 

Cũng có lúc yêu nhau như trong mộng

Khi tuổi già, khi bệnh hoạn cậy trông nhau

Nhưng chỉ thoáng một tình yêu sau cuối

Định mệnh nào chia cắt mối tình thơ?

 

Một lời cuối cho cuộc tình nhớ mãi

Chắng tại ai… mà cũng chẳng vì ai !!!

 

***



 

 Hãy cẩn thận với lời nói… những lời đó chỉ có thể được tha thứ nhưng lại không thể nào quên.

 

Đôi khi ta phải chấp nhận sự thật rằng có những điều sẽ không thể nào trở lại như ngày xưa chúng đã thường được chấp nhận.

 

Im lặng tốt hơn là giải thích.

 

Mối quan hệ không phải là cứ ai đến trước… mà là ai chờ bạn và là người cuối cùng bên bạn. Một mối quan hệ tốt đẹp khi ai đó chấp nhận quà khứ, ủng hộ hiện tại và khuyến khích tương lai của bạn.

 

Thật đau lòng khi bạn có một người trong tim nhưng lại không thể nào có họ trong cuộc đời mình.

 

Tôi là chính tôi lúc này. Tôi có thể không hoàn hảo và phạm lần lỗi nhưng khi tôi quan tâm, sẽ là sự quan tâm với tất cả tấm lòng.

 

 

Không phải tôi không cần biết đến bạn, tôi chỉ chờ đợi để xem bạn có cố gắng cất lời với tôi hay không.

 

Đôi khi chúng ta cắt bớt nói chuyện với người mình yêu, không phải vì ta thù ghét họ nhưng bời vì họ khiến ta cảm thấy… ta không là gì cả.

 

 

Bất kể bạn là người tốt đến thế nào đi nữa, bạn lúc nào cũng là nhân vật xấu xí trong câu chuyện của ai đó.

 

Giây phút buồn thảm nhất là lúc người mà bạn để lại những ký ức đẹp bỗng trở thành một chuyện tình đẹp trong quá khứ.

 

Hãy rời xa người đã bỏ bạn. Hãy rời xa những kèn cựa chẳng bao giờ được giải quyết. Hãy rời xa việc làm hài lòng những người chẳng bao giờ thấy được giá trị của bạn. Càng rời xa những điều đã đầu độc tâm hồn, bạn thấy mình sẽ khoẻ khoắn hơn nhiều.

 

Không phải lúc nào cũng có người ở thường trực ở bên bạn… cho nên hãy tìm cách tự sống còn một mình.

 

Đừng bao giờ chọn tôi mà thiếu sự cảm thông. Đừng bao giờ bỏ tôi chỉ vì sự hiểu lầm. Đôi khi, vào một lúc nào đó, tôi cũng sai lầm nhưng không phải là lúc nào và ở nơi nào cũng thế.

 

***

--> Read more..

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Đọc Phan Thuý Hà

“Thẳng thắn, kiệm lời, mộc mạc và cương trực... là ấn tượng mà Phan Thúy Hà - cây bút “phi hư cấu” rất đáng đọc trong 5 năm trở lại đây với 5 cuốn sách ít nhiều gây xôn xao…”

(Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Bốn năm sau biến cố lịch sử ngày 30/4/1975, Phan Thuý Hà mới ra chào đời. Cha cô là một người lính của đoàn quân giải phóng từ Miền Bắc nhưng lúc sinh thời hầu như ông rất ít khi kể lại với con gái, sinh ra và lớn lên trong hòa bình.

Vậy thì, điều gì đã thôi thúc cô viết cuốn sách đầu tay về thân phận người lính mang tựa đề “Đừng Kể Tên Tôi” trong cuộc chiến vừa qua. Đó là câu chuyện của 21 con người, 21 số phận với những câu chuyện do chính họ kể lại.

 

Cuốn sách đầu tay của Phan Thuý Hà, “Đừng Kể Tên Tôi”

 

Một trong những nhân vật này đã nói với nhà văn thuộc thế hệ cuối 7x một cách mộc mạc: "Xin đừng kể tên tôi, vì so với đồng đội mười tám, hai mươi, mình được sống đến hôm nay, có con cháu vậy là may mắn rồi".

Đó là chuyện của người lính năm nào, lúc trái gió giở trời anh lên cơn động kinh, hô "xung phong" và chạy khắp làng khiến người nhà đuổi theo mệt nhoài. Điều bất hạnh là con trai anh cũng phát bệnh giống bố.

“Anh không biết mình đã làm những gì khi lên cơn. Nhìn vết thương ở thái dương giật giật là tim tôi đập loạn không biết chuyện gì sắp xảy ra. Anh hô xung phong chạy ra ngoài ngõ mẹ con chạy theo sau còn người làng nhìn theo cười như cảnh trong một bộ phim.”

(Trích lời kể của vợ ông Bùi Thanh Lương - Tiểu ban trinh sát trung đoàn 38, sư đoàn 2)

 

Nhà văn 7x Phan Thuý Hà

 

Chuyện những cô gái trở thành vợ lính khi bước vào tuổi 20, ngày nhớ đêm mong chồng trở về từ cuộc chiến. Thế mà ở tiền tuyến, có những người lính trẻ không chết vì bom đạn, họ chết vì đói, vì bệnh sốt rét, kể cả bị thú dữ ăn thịt.

Dù xuất xứ từ Miền Nam hay Miền Bắc, họ tham dự vào cuộc chiến trong hoàn cảnh khác nhau. Có người tự nguyện bước vào chiến tranh với một lý tưởng, cũng có người bị buộc phải tham gia một cách miễn cưỡng.

Với vũ khí trong tay, họ sẽ giết người hoặc bị người giết. Họ cảm nhận đầy đủ như nhau nỗi bi thương mà người lính phải đối mặt. Tại chiến trường, mạng sống con người thật mong manh trước bom đạn.

“Tôi” trong “Đừng Kể Tên Tôi” có thể là những người lính ra đi từ Miền Bắc. Ở phần đất ấy, người dân chỉ nhìn nhận chiến tranh qua tiếng gầm của máy bay Mỹ, tiếng bom, tiếng người bị thương kêu khóc hay tiếng kẻ sống gào thét trước cái chết của người thân.

Người đó có thể là Lượng, người Cẩm Xuyên, đang làm công nhân lâm trường thì được gọi đi nhập ngũ. Phan Thuý Hà viết:

“… Khung huấn luyện mười lăm ngày… Thử tưởng tượng xem, với mười lăm ngày bạn học được gì ? Thằng Ánh còn chưa biết cách cầm súng… Lệnh khẩn trương vào Quảng Trị bổ sung quân. Chiều ngày 12 tháng 4 năm 1972 chúng tôi lên đường… Năm giờ chiều chúng tôi được lệnh tối nay qua sông Thạch Hãn.

“Báo cáo thủ trưởng em không biết bơi ”. Thủ trưởng rút súng ra. “ Đây là mệnh lệnh chiến đấu. Đồng chí không biết bơi có tổ ba người kéo đồng chí sang ”. Thổi phồng túi phao bơi, cho ba lô và quân tư trang vào buộc chặt. Bám lấy phao bơi. Bám lấy đồng đội.

“Ra tới giữa dòng. Nước lớn. Bèo tây từng đám dày. Sông thì rộng. Bên kia sông, pháo và súng đại liên dội tới. Tôi chấp chới. Vẫy vùng. Tiếng kêu cứu thất thanh của Lượng. Những cái đầu nhấp nhô. Tôi sang được bờ bên kia. Xác Lượng trôi về Cửa Việt…”.

(hết trích)

 

Phan Thúy Hà và một nhân vật trong sách

 

Chân dung những người lính Miền Nam đa dạng, phong phú từng chi tiết với vô vàn những sự thật chiến tranh cùng sự thật tàn nhẫn của thời hậu chiến. Họ nhìn cuộc chiến qua đôi mắt của chính mình, biết rõ chiến tranh qua chính thân phận chính mình ngay trên vùng đất mà họ sinh sống.

Khi không thể trốn lính, họ phải ra chiến trường, và với thân phận của kẻ thua trận, họ phải trả giá thay cho những người đã đào thoát thành công. Cụ thể là một hạ sĩ, đã giải ngũ từ năm 1973 vì bị cụt một chân nhưng sau 1975 anh vẫn phải đi cải tạo, vì những lý do chẳng ai giải thích. Phan Thuý Hà viết theo lời của người con:

“… Lớn lên, em thấy hai hàm răng của ba chỉ còn bốn chiếc. Ba giải thích do ăn uống bị thiếu chất, răng rụng gần hết sau những năm đi học tập... Ba mất quyền công dân từ khi giải phóng cho tới năm 2013. Năm 2013 ba bị bệnh nặng, tình trạng như sắp ra đi, em đi làm thủ tục cấp chứng minh thư cho ba.

“Em muốn trước khi chết ba em là một công dân như bao người. Em nói với người ta: Cấp cho ba con giấy khai sinh để làm thủ tục khai tử. Người nhận lời giúp đỡ nói: “Ừ, ông ấy thì làm được gì nữa mà không cấp!”.

(hết trích)

Năm 1973, bên sông Thạch Hãn - Quảng Trị, người lính nhảy dù mười tám tuổi bị một viên đạn trổ từ sau lưng ra trước bụng, làm thủng bọng đái và đường tiểu. Vết thương quá rộng, phải chờ thịt mọc thêm ra mới phẫu thuật.

Tháng 4/1975, anh thương binh hai mươi tuổi vất vả tìm đường về lại quê hương Bến Tre, vui mừng nghĩ rồi sẽ chữa lành vết thương và sống đời dân sự. Vài lần sau đó, anh dành dụm tiền lên Sài Gòn tìm thầy, nhưng các bác sĩ Sài Gòn đã đi hết cả. Anh quay về, chấp nhận sống tiếp quãng đời dài còn lại với bịch nước tiểu đeo bên người.

Anh dựng một cái chòi ngoài đồng ruộng để sống bằng nghề nuôi vịt. Hai mươi bảy tuổi, mẹ cưới cho anh cô gái chăm chỉ khỏe mạnh ở cùng ấp. Cô chỉ biết về người chồng tương lai là anh ấy đẹp trai và rất hiền.

Ngày đầu tiên làm vợ, cô kinh hãi nhìn thấy cả đống dây nhợ chằng chịt quanh bụng chồng bên cạnh bịch nước tiểu. Và họ không thể sinh hoạt vợ chồng như mọi đôi lứa. Cô giấu sự thật, nói với người thân rằng họ không con vì anh bị… vô sinh.

Cha mẹ cô là Phật tử, mỗi ngày đều tụng kinh, cầu Đức Phật phù hộ cho con rể chữa lành bệnh. Cô sống đời người vợ đã được ba mươi sáu năm, còn chồng cô chịu đựng tình trạng ấy đã bốn mươi sáu năm…

 

Phan Thúy Hà và một nhân vật trong sách

 

Mỗi người kể đều có tên họ thật, quê quán thật, địa chỉ thật và quá trình thật tác giả tìm đến với các chứng nhân của cuộc chiến. Đến cuốn “Tôi Là Con Gái Của Cha Tôi”, cách viết này càng được Phan Thúy Hà phát huy tối đa.

Cô đã bỏ tiền túi của mình vào miền Trung, miền Nam, tìm mọi cách liên hệ gặp gỡ với những người lính “bên thua cuộc”, gợi chuyện họ, lắng nghe họ, hiểu họ, và chuyển tải những điều đó lên trang sách thực như vốn có.

Phan Thuý Hà là con của một người lính Bắc nhưng trong cuối sách cũng có thể là con của một người lính Miền Nam, đó là Quỳnh Anh, ba cô là một sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa phải đi học tập cải tạo sau 1975.

Cả hai cô gái đều yêu thương và tự hào về cha/ba mình. Những người lính ở chế độ phía Nam sau 1975 thảy đều bị nghi kị, bị phân biệt và cuộc đời họ đều phải vất vả, khổ cực. Phan Thúy Hà đã đến với họ như những người thân của cha mình, cô viết:

“Con gái của cha đã đi gặp các chú các bác, con thấy được hình bóng cha, con như đang trò chuyện với linh hồn cha”. Và như vậy, từ cuốn trước đến cuốn sau, cô đã viết nên một cuốn sử chiến tranh bằng những phận người trong cuộc chiến và sau cuộc chiến từ cả hai bên mà hợp chung lại là phận người Việt đau thương.

Phan Thúy Hà đã tự mình gánh lấy vai trò “người viết sử” đặc biệt này. Đang là một biên tập viên văn học ở Nhà xuất bản Phụ nữ, ở tuổi ngoài ba mươi… cô xin nghỉ việc về nhà và bắt đầu hành trình từ Bắc vào Nam để tìm hiểu, ghi chép và viết về số phận những người lính ở cả hai bên chiến tuyến thời hậu chiến.

Viết xong cô xin giấy phép xuất bản rồi tự bỏ tiền in, tự phát hành vì muốn những cuốn sách mình tâm huyết làm ra đến được những người cần đọc. Hai cuốn sách cô viết khó định danh thể loại. Chỉ biết cô đã viết như một kiểu chép sử, tôn trọng tối đa sự thật từ những người trong cuộc kể lại.

Đôi khi cô mới bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình… nhưng chúng cũng chỉ là những nét gợi ý để độc giả tự tìm câu trả lời cho mình qua những gì được cô nghe và ghi lại.

Viết văn “phi hư cấu” (non-fiction) đòi hỏi người viết nhiều thời gian “đi”“thấy” hơn văn “hư cấu” (fiction).

 

Tác phẩm “Tôi Là Con Gái Của Cha Tôi”

 

Phan Thuý Hà viết tiếp "Những Trích Đoạn Của Các Anh" (2021, gồm 12 “trích đoạn”), trong đó có những trích đoạn rất thật về "đánh Mỹ", có những trích đoạn đau đớn ở Củ Chi, ở Quảng Trị.

Phan Thúy Hà không phải đang viết mà là… đang giữ máy quay phim giữa hai làn đạn, ghi lại một cách chân thực nhất sự khốc liệt của chiến tranh. Những câu chuyện trong sách, dù viết về bộ đội miền Bắc hay những người lính miền Nam, đều không phải từ góc độ “địch-ta” mà từ thân phận con người.

“Bác là một lính cối. Bị điếc đã hai chục năm. Mất thính lực hoàn toàn chứ không phải một phần. Nói chuyện với bác bằng cách viết ra giấy. Bác cầm cuốn sổ lên đọc câu hỏi, thả cuốn sổ xuống bàn, bắt đầu trả lời.

“Trong phòng khách chỉ có mình và bác. Một người chỉ nói. Một người chỉ viết. Giống như câm và điếc đang nói chuyện với nhau. Bác hay khóc. Trong một buổi chiều nói chuyện mà bác khóc ba lần. Khóc xong bác lại xin lỗi.”


("Những Trích Đoạn Của Các Anh")


Phan Thúy Hà và một nhân vật trong sách

 

Trích đoạn của cựu chiến binh Nguyễn Quý Hải, sinh năm 1952, nhập ngũ năm 1970, lính xe tăng, từng tham gia liền hai trận đánh chiếm Đông Hà sáng ngày 9/4/1972:

“… Xe đi đầu bị trúng đạn, bốc cháy. Hai người trong xe nhảy ra. Mai - pháo thủ số 1, quần áo bắt lửa, nằm lăn lộn trên đất, lửa không tắt. Lửa cháy hết quần áo, cháy đến da thịt. Mai nằm bất động.

“Xe thứ hai lùi lại. Do trưởng xe không có quan sát phía sau để chỉ huy lái xe, nên xe đã trèo lên một bên xích xe thứ ba, bị lật nghiêng 90 độ, một bên xích chổng lên trời. Chiếc xe bên trái tôi bị trúng đạn. Xe bốc cháy, lửa cháy dữ dội, không nhìn thấy ai nhảy ra…

“Chiếc xe nằm gần cao điểm 30 quân đội Sài Gòn chốt giữ. Ngày hôm sau vào lấy xác các anh, nhưng đến nơi bị chó trên chốt sủa và pháo sáng bắn lên, phải lui ra. Đến lần thứ ba mới lấy được. Các anh cháy thành than, căn cứ từng đụn than trong xe mà bốc vào 4 cái bi đông đựng nước của xe mang đi chôn…”.


(hết trích)

 

Tác phẩm “Những Trích Đoạn Của Các Anh”

 

Tiếp theo, Phan Thuý Hà cho ra đời cuốn “Gia Đình” dựa vào bối cảnh lịch sử của cuộc “Cải cách ruộng đất” vào những năm 1953–1956 nhằm phân chia lại ruộng đất nông thôn, xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt các thành phần phản quốc, phản động như địa chủ phản cách mạng, Việt gian, cường hào cộng tác với Pháp.

Trong bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Karl Marx đã tuyên bố: "Cách mạng ruộng đất là điều kiện để giải phóng dân tộc". Dựa theo mô hình "thổ địa cải cách" của Trung Quốc năm 1946–1949, cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc được tổ chức với tinh thần đấu tranh giai cấp triệt để với sự cố vấn trực tiếp của các cán bộ đến từ Trung Quốc.

 

Một cảnh đấu tố và xử bắn địa chủ

 

Trong giai đoạn đầu, cuộc cải cách thu được kết quả tốt, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần của quân dân, khiến họ phấn chấn và tích cực chi viện cho kháng chiến chống Pháp.

Tuy nhiên, trong giai đoạn sau, từ giữa 1955, do vội vã nhân rộng cải cách tới nhiều địa phương, trong khi trình độ dân trí lại thấp đã khiến việc thi hành bị mất kiểm soát, gây ra nhiều phương hại và tổn thất.

Nhất là trong việc nông dân quá khích ở các địa phương đã lạm dụng việc xét xử địa chủ để trả thù cá nhân, thậm chí xảy ra việc dân chúng vu oan và tấn công cả những đảng viên, cán bộ chính quyền.

Đến đầu năm 1956, cải cách bị đình chỉ, và suốt 1 năm sau đó, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phải tổ chức chiến dịch “nhận khuyết điểm và sửa sai”, phục hồi danh dự và tài sản cho các trường hợp oan sai, cũng như cách chức nhiều cán bộ cấp cao chịu trách nhiệm về những sai lầm này.

Tất cả các nhân chứng trong cuốn sách “Gia Đình” của Phan Thuý Hà đều mang một “chấn thương tinh thần không thể chữa lành”:

“Mười lăm tuổi, tôi là đứa trẻ sợ hãi. Đêm, bị nhốt trong chuồng trâu. Chân giẫm lên phân. Các thanh chắn chuồng trâu thưa, có thể chui ra ngoài nhưng tôi không dám. Quá nửa đêm, dân quân không canh nữa, tôi vẫn sợ. Tôi đã tiểu ra quần. Nỗi khiếp sợ năm mười lăm tuổi. Nay tám mươi hai tuổi tôi vẫn là ông già sợ hãi. Tôi không dám thắc mắc một điều gì. Muốn viết đôi điều cho con cháu biết về cha ông mình. Cầm bút lên tôi lại run…”

(Lời của nhân chứng Trần Lệ)

Trong “Lời cuối sách” Phan Thuý Hà cho biết, cũng giống như những tác phẩm trước, các nhân vật trong “Gia Đình” đều là người thật, tên của nhân vật cũng là tên thật, câu chuyện của họ trong tác phẩm là sự thật trong ký ức của họ.

 

Bìa cuốn sách “Gia Đình”

 

Như vậy, ở đây, tác giả không hư cấu mà chỉ viết lại lời kể từ điểm nhìn của nhân chứng. Thuý Hà cho biết, có câu chuyện trong tuyển tập này, tuy chỉ dài hai trang nhưng cô phải đi gặp tới bốn người, lắng nghe họ để ráp nối các sự kiện và dựng lại cho câu chuyện được đầy đủ.

Xem ra, tác phẩm “Gia Đình” còn là một công trình khảo sát xã hội. Không phải là khảo sát ở quy mô lớn, mà là khảo sát số phận những con người cụ thể. Phải chăng đó là một dạng thức nghiên cứu về “chấn thương tinh thần” của những con người nhỏ bé, đứng bên lề dòng thác khốc liệt của lịch sử, số phận bị quyết định bởi sự lựa chọn lịch sử của những “nhân vật lớn”.

Cách viết của Thuý Hà khi xây dựng tác phẩm này giống như hái một nắm lá về sắc thuốc: cho lá thuốc vào nồi ấm đất, đun sôi để tạo ra nước cốt. Người sắc thuốc không tự tay tạo ra thuốc, không tác động vào nguyên liệu bằng kỹ thuật tinh xảo. Họ chỉ tạo điều kiện để thuốc tự ra đời.

Nói như vậy không có nghĩa “Gia Đình” không phải là một sáng tạo văn học… ngược lại, đó là một cách viết độc đáo. Tác giả sử dụng giọng văn triệt tiêu mọi cảm xúc chủ quan của chính mình.

Trong “Gia Đình”, chúng ta không thấy hình ảnh tác giả hiện lên trong câu chuyện, dù đó là cảm xúc hay quan điểm là của cô, mà chỉ có nhân vật người thật đang kể lại những chấn thương tinh thần của họ.

Cách viết của “Gia Đình”, do đó, làm cho giá trị của nó không dừng lại ở địa hạt văn chương, nói đúng hơn, nó không phải là văn chương theo cách hiểu truyền thống. Không biết thể loại của tác phẩm là gì, chỉ biết rằng, đó là một tác phẩm để chúng ta nhận thức về lịch sử một cách khách quan.

 

Tác phẩm “Gia Đình” với chữ ký của tác giả


Phan Thúy Hà còn cuốn “Qua Khỏi Dốc Là Nhà” (NXB Kim Đồng, 2018) cũng thuộc dòng “phi hư cấu” mà gần như là “tự truyện”, lại bị “chìm” so với những cuốn trước, mặc dù có người rành về văn chương cho rằng, cuốn này về một số mặt còn hay hơn những cuốn trước!

Có thể xem “Qua Khỏi Dốc Là Nhà” chính là “chân dung tự họa”, không chỉ của bản thân và gia đình Phan Thúy Hà mà của cả một làng quê đúng là “vùng sâu vùng xa”, trong đó có xóm Trùa, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Năm anh chị em lớn lên trong thời bao cấp, thiếu thốn đủ thứ sau chiến tranh. Cuốn sách gồm toàn những chuyện rất bình thường, thậm chí là nhỏ nhặt trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn như chuyện hai chị em tranh nhau ngủ với bà, nỗi đau khi người bạn phải bỏ học, tình cảnh mẹ con đi bán nón, bán chè suốt buổi không ai mua, chuyện nữ sinh “tuổi mới lớn” bỡ ngỡ trước dấu hiệu giới tính…

Cả đến chuyện con chó mực nhà chị Vân cũng làm bạn đọc thổn thức: khi gia đình chị dời vô Nam sinh sống, nhà dỡ rồi, nó vẫn về nằm trên nền đất cũ, chỉ khi sinh con, nó mới đến “tạm trú” bên thềm nhà Phan Thúy Hà; sau đó mất tích, ai ngờ nó ra nằm trên mảnh ruộng cũ nhà chị Vân cho đến chết!

Nhà Hà có con bê, do vô ý để nó bị cảm, bụng trướng mà tưởng nó ăn no, “suốt đêm bò mẹ rống lên cầu người cứu con mà không ai biết”; khi nó chết, Huân (em trai Phan Thúy Hà) “ôm bê khóc nức nở… Người ta đến nhà làm thịt con bê. Huân bỏ học, ngồi ở thềm cửa khóc bê hời hời…”.

 

Bìa cuốn sách “Qua Khỏi Dốc Là Nhà”

Câu chuyện dân xóm Trùa lần đầu tiên được ăn mì tôm như là truyện cổ tích: “Một gói mì tôm, bà và 5 đứa cháu chia nhau. Còn bốn gói bà vùi trong thóc khỏi chuột gặm… Một đêm… mở mắt thấy bà đang mở cánh cửa sập. Bà bảo nghe loạt xoạt, đoán có chuột mò mì tôm…”.

Một hôm, Hà thấy bà bẻ nửa gói mì, còn nửa kia bà gói lại và nói “Bà thấy nhọc trong người…”. Thế là bà cháu nhen lửa để bà bồi dưỡng mì tôm. “Thìa cuối cùng, bà nhường cho mình. Ăn xong, hai bà cháu cười tươi. Bà lên giường ngủ ngon…”.

Lại nữa: “Cô giáo ốm, cả lớp góp tiền mua mì tôm tới thăm. Cô bảo lớp trưởng bóc hết ra mời các bạn. Mình đến lớp đem theo gói bột nêm bóc ra từ bao mì… Từng đứa xòe bàn tay ra chia đều liếm láp…”. Đọc chuyện thật mà như… bịa, thấy tội tội thương cảm một thời bao cấp… mà cũng ấm áp tình người.

Dân xóm Trùa cũng có gia đình vô Nam, gặp điều kiện sinh sống dễ dàng, trở nên sung túc hơn. “Dốc quê nhà bây giờ cũng đã khác… Xe chở đất đi đắp đường…”. Cuộc sống khởi sắc, Phan Thúy Hà đậu một lúc 3 trường đại học, em trai được chọn Trường năng khiếu cấp Bộ ở Vinh…

 

Nhà văn Phan Thuý Hà

 

“Qua Khỏi Dốc Là Nhà” là một câu chuyện với những tình tiết rất thật được diễn tả bởi ngòi bút Phan Thuý Hà qua đề tài “chuyện hàng ngày của người con gái nông thôn”. Người đọc hầu như đã bị “thôi miên” vì… “lối văn viết… như không viết gì”!

Người đọc ngưỡng mộ cô, không phải vì đã viết rất xuất sắc về cuộc cải cách ruộng đất như trong cuốn “Gia Đình”, không phải là di họa của hậu chiến tranh như “Đừng Kể Tên Tôi”, “Tôi Là Con Gái Của Cha Tôi” hay "Những Trích Đoạn Của Các Anh".

Vì thế, những cuốn sách “phi hư cấu” của Phan Thúy Hà đã được nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê bình ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam đánh giá cao. Người đọc hiểu thêm cái giá của chiến tranh cũng như cuộc sống của một thời bao cấp!

Phan Thuý Hà đã từng viết:

“Tôi nghĩ, nghĩ về tương lai thì phải nói cho lớp trẻ hiểu về quá khứ.”


***
--> Read more..

Popular posts