Thứ Năm, 15 tháng 12, 2022

Hồi ức Túc cầu thời VNCH

Nhân World Cup Qatar 2022, mời đọc lại bài viết rất xưa về túc cầu Sài Gòn, trong đó có 2 phần:

(1) Túc cầu thời học sinh của tôi trên Đà Lạt

(2) Túc cầu thời VNCH

Đó là những “dấu ấn khó quên” đối với một người trên đầu đã mang hai thứ tóc nhưng đồng thời nhắc lại để các bạn trẻ ngày nay hình dung được bầu không khí cuồng nhiệt của các trận bóng tại đất Sài Gòn cũng như trên sân cỏ quốc tế.

 

Hội Tuyển Túc Cầu Việt Nam năm 1974. Ảnh Trần Quốc Bảo

 

Hồi đó, nhóm học sinh nhà ở khu Địa dư (gần trường Lycée Yersin, Đà Lạt) có đội bóng hay nhất trong số các học sinh ở lại trường Trần Hưng Đạo vào buổi trưa. Nhà tôi ở được xếp vào khu Địa dư dù cách đó hơi xa nhưng vẫn nằm trong khu Saint Benois hay còn gọi là Chi Lăng, gần trường Võ bị Đà Lạt.

Chúng tôi đá bóng chân đất và sau mỗi trận đấu thường xuống hồ Vạn Kiếp rửa ráy để chuẩn bị vào lớp buổi chiều. Sân bóng gần hồ rất tiện lợi cho việc tắm rửa nhưng cũng có điều bất lợi mỗi khi đá mạnh quá bóng có thể lăn theo triền dốc xuống hồ, mất công lội xuống nước để nhặt bóng.

Đá bóng là môn thể thao ưa thích của tôi ngay từ hồi còn nhỏ. Tôi thường chơi trong vai trò trung phong với những đường lừa bóng và sút bóng… có hạng”!. Tôi nhớ mãi đã có lần sút bóng mạnh đến nỗi thủ môn của phe đối phương phải chảy máu mũi vì bóng trúng mặt. Bản thân tôi lúc đó cũng thấy sợ phát khiếp.

Điều lý thú là người giữ khung thành, Nguyễn Thanh Hà, sau này gia đình cũng chuyển qua Ban Mê Thuột học lớp Đệ Ngũ tại trường trung học Ban Mê Thuột. Hà về sau trở thành một cầu thủ có hạng còn tôi thì lại không còn chọn con đường đá bóng.

 

Trường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt

 

Ngày xưa, bóng đá được người Sài Gòn gọi nôm na là đá banh hay văn hoa hơn là túc cầu. VNCH thời 1966 đã từng đoạt cúp Merdeka của Malaysia, khi đó đội tuyển được đặt dưới sự dìu dắt của huấn luyện viên Weigang, người Đức.

Đội hình ra sân có thủ môn Lâm Hồng Châu, hậu vệ gồm Phan Dương Cẩm (tự Hiển), Nguyễn Văn Có, Phạm Huỳnh Tam Lang, Lại Văn Ngôn, giữ vị trí tiền vệ có Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Ngọc Thanh và hàng tiền đạo gồm Nguyễn Văn Ngôn, Nguyễn Văn Chiêu, Lê Văn Đức, Trần Chánh.

Trận chung kết giải Merdeka có khoảng 40.000 khán giả ngồi kín Sân Vận động Quốc gia Mã Lai với sự chủ tọa của Quốc vương Mã Lai và Thủ tướng Abdulraman chứng kiến trận thư hùng giữa Miến Điện (ngày nay gọi là Myanmar) và VNCH, dù Mã Lai đã bị loại.

Đội tuyển VNCH ra sân trong màu áo vàng, quần trắng, vớ vàng, được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả Malaysia, nhất là tiền vệ Đỗ Thới Vinh, người dễ nhận ra nhất trong đội hình Việt Nam với cái đầu hói và những pha lừa bóng điệu nghệ cùng những cử chỉ pha trò có duyên của anh trên sân cỏ đã thu được cảm tình của khán giả và báo chí nước chủ nhà.

Với ý chí quyết tâm, toàn đội Việt Nam đã “ăn miếng trả miếng” trong trận chung kết với đội Miến Điện một cách xuất sắc. Tuy nhiên, hiệp một chấm dứt mà không bên nào mở được tỉ số. Sang đến hiệp hai, cơ hội bằng vàng đến với đội tuyển VNCH ở phút 72. Từ đường chuyền của thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang, nhà ảo thuật Đỗ Thới Vinh khéo léo dẫn banh qua hai cầu thủ Miến Điện, mở bóng xuống vừa đúng tầm để trung phong Nguyễn Văn Chiêu băng xuống.

Chiêu dùng ngực hứng bóng, xoay người, tung quả sút hiểm hóc từ xa 25 mét bằng chân trái, bóng đi như ánh chớp vào góc thượng của khung thành Miến Điện trước sự ngỡ ngàng của Đệ nhất Thủ môn Á Châu thời bấy giờ là Tin Tin An, mở tỷ số 1-0 cho Đội tuyển Việt Nam. Bàn thắng này cũng là tỷ số chung cuộc của trận đấu và là bàn thắng đáng giá ngàn vàng đưa đội tuyển VNCH lên ngôi Vô địch Giải Túc cầu Merdeka 1966 tại Mã Lai.

 

Đội trường Tam Lang với cúp vô địch Merdeka 1966

 

Trung phong Nguyễn Văn Chiêu và tiền vệ Đỗ Thới Vinh là đôi bạn thân thiết cùng chung màu áo từ đội Quan Thuế rồi khi vào quân ngũ cả hai đá cho đội Tổng tham mưu. Giải ngũ, cả hai trở về đội Quan Thuế và cùng đá trong đội tuyển quốc gia. Cuộc đời hai anh gắn liền cả chục năm trời bên nhau trên sân cỏ.

Tại Giải Merdeka năm 1966, Vinh và Chiêu là hai người lập công trạng lớn nhất đem vinh quang về cho Việt Nam. Giờ đây, hai anh kẻ trước người sau ra đi trong âm thầm, thiếu vắng đồng đội tiễn đưa, không một lời ai điếu nhắc lại thời huy hoàng của trên sân cỏ.

Nguyễn Văn Chiêu đã vĩnh viễn ra đi năm 1987 tại Long Thành trong hoàn cảnh thương tâm, chỉ có người vợ cùng mấy người con khóc nghẹn trước thân xác lạnh lẽo của chồng và cha trong căn chòi lá nằm sâu trong một góc vắng của thị xã Long Thành. Đám tang anh vội vã, không kèn không trống. Mộ phần không tiền xây cất, đắp đất sơ sài.

Tiền vệ Đỗ Thới Vinh cũng mất tại Việt Nam năm 1995 vì bệnh tiểu đường. Anh là nhân vật tên tuổi trong giới túc cầu được nhiều người ái mộ từ trong nước ra tới hải ngoại nhưng anh cũng âm thầm ra đi trong hoàn cảnh đơn chiếc, túng thiếu.

 

Danh thủ Đỗ Thới Vinh

 

Lão tướng Quách Hội, 73 tuổi, kể về chiếc Cúp Merdeka năm 1966 như sau:

“Năm 1995, một sáng tôi đi ngang một tiệm bán đồ lạc-xon trên đường Hải Thượng Lãn Ông, tình cờ tôi nhìn thấy, bày trong số đồ bán của tiệm, chiếc Cúp Vô Địch Giải Túc Cầu Merdeka mà Đội Tuyển Túc Cầu Việt Nam Cộng Hoà, trong đội có tôi, đoạt được năm 1966 tại Malaysia. Người chủ tiệm nói chắc giá 5 triệu đồng. Không có tiền, tôi đứng trước tiệm lạc-xon ấy từ sáng đến trưa với hi vọng có bạn đồng đội cũ nào đi ngang thì báo tin để kêu gọi anh em góp tiền mua lại chiếc Cúp. Chờ mãi không gặp được ai, tôi đi về mà nước mắt ứa ra vì tiếc cho kỷ vật ghi lại chiến tích một thời của anh em chúng tôi. Không biết giờ này chiếc Cúp Merdeka của anh em chúng tôi lưu lạc về đâu.”

Cũng phải nói thêm về thủ môn Phạm Văn Rạng một thời nổi tiếng với danh hiệu “Lưỡng thủ vạn năng” vẫn sống mãi trong ký ức của những người hâm mộ bóng đá thuộc lứa tuổi U-60 và U-70. Năm 1949, từ vai trò trung phong của trường Việt Nam Học đường, ông bất ngờ trở thành người giữ khung thành khi thủ môn chính thức không thể ra sân.

Năm 1951 Phạm Văn Rạng được đội Ngôi sao Bà Chiểu của ông bầu Võ Văn Ứng mời về giữ khung thành, rồi chỉ hai năm sau được chọn làm thủ môn cho đội tuyển Thanh Niên. Năm 1953 bị động viên, ông trở thành người trấn giữ khung thành cho đội Tổng Tham mưu. Cùng năm đó, ông được tuyển vào đội tuyển VNCH, khi mới 19 tuổi và khoác áo đội tuyển cho đến năm 1964 thì giải nghệ.

Năm 1966, dù đã 31 tuổi, ông vẫn được mời vào đội tuyển Ngôi sao châu Á (All Stars Team of Asia), bởi vị trí thủ môn chưa có cầu thủ nào của châu Á có thể cạnh tranh được. Đội Ngôi sao châu Á do cựu danh thủ Lý Huệ Đường làm HLV trưởng, trợ lý HLV là ông Peter Velappan, Tổng Thư ký LĐBĐ châu Á.

Sau khi được các đồng đội như Tam Lang, Dương Văn Thà, Võ Thành Sơn, Tư Lê, Hồ Thanh Cang cùng nhiều người hâm mộ đã giúp đỡ xây dựng cho một ngôi nhà cấp 4 tại sân bóng Thuận Kiều, thủ môn huyền thoại Phạm Văn Rạng đã qua đời vào Tháng Mười Một 2008.

Tôi còn nhớ, ngày xưa mỗi khi họp nhau đá bóng, bọn trẻ chúng tôi luôn luôn bàn cãi trong việc chọn lựa ai sẽ là… “Gôn Rạng”! Hai chữ “Gôn Rạng” đã đi vào đầu óc non trẻ của chúng tôi trong ngôn ngữ hàng ngày.

 

Các thiếu nữ Nhật Bản vây quanh thủ môn Phạm Văn Rạng để xin chữ ký

 

Tại sân vận động Cộng Hòa vào giữa Tháng Mười Hai 1967 có Giải Túc cầu Thân hữu Việt-Mỹ. Từ Mỹ sang là đội Dallas Tornado, họ đấu hai trận, trận thứ nhất gặp Hội tuyển Thanh niên ngày 14 Tháng Mười Hai 1967 và trận thứ nhì ngày 16 Tháng Mười Hai 1967 gặp Hội tuyển Sài Gòn. Trận gặp đội tuyển có tới 20.000 khán giả đến chật kín sân vận động và kết quả hai đội hòa nhau 1-1.

Đặc biệt vào thời xưa, trước các trận đấu chính luôn luôn có các trận mở màn để các đội bóng thanh thiếu niên hoặc lão tướng có dịp ra sân trình diễn trước khán giả. Tôi nghĩ đây là một việc làm rất tốt của Tổng cục Túc cầu Việt Nam thời đó, một mặt khuyến khích các đội trẻ mặt khác phục vụ khán giả một cách tận tình bằng những “bữa tiệc” túc cầu có nhiều món khác nhau. Điều này, bóng đá sau năm 1975 không hề có.

 

Giải túc cầu thân hữu Việt-Mỹ

 

Trở lại chuyện mê đá bóng của tôi hồi còn đi học. Túc cầu cũng mang lại cho tôi nhiều rắc rối. Đá bóng vào giờ nghỉ trưa thì không sao nhưng những trận đấu sau giờ học chiều mới có chuyện vì khi đó chắc chắn sẽ về nhà muộn.

Tàn trận bóng mới bắt đầu lo vì đường từ trường Trần Hưng Đạo về đến khu Hòa Bình quá xa mà lại còn phải đi bộ. Đến bến xe đò đi Trại Hầm trước 6 giờ thì may còn kịp chuyến xe chót về nhà và nếu không còn xe thì đành cuốc bộ.

Như vậy, cuốc bộ suốt con đường từ trường về nhà, tròm trèm 6km, cũng mất độ gần hai tiếng. Về đến nhà còn phải nghĩ ra lý do để giải thích: Có việc đột xuất ở trường nên thầy giáo cho về trễ hoặc không hiểu sao xe đò lại nghỉ sớm, nhưng hoàn toàn không bao giờ có lý do… mê đá bóng.

Bây giờ tuổi đã già, niềm say mê bóng đá vẫn còn đó nhưng chỉ thể hiện qua việc xem bóng đá trên TV vào những ngày cuối tuần. Bóng đá Việt Nam vẫn chưa đi vào chuyên nghiệp, cầu thủ đa số là những người có chút ít kỹ thuật nhưng lại không được đào tạo về văn hóa còn khán giả phần đông là những người trẻ, họ đến sân với một tinh thần “cay cú, ăn thua”.

Những khán giả chân chính chỉ còn biết ngồi nhà xem TV để không phải “tai nghe, mắt thấy” những hành động thiếu văn hóa diễn ra trên sân cỏ.

 


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts