Thứ Ba, 1 tháng 11, 2022

Cô hồn và Halloween

Sau khi từ giã cõi đời, người ta tin rằng trong suốt 49 ngày (còn gọi là thất tuần), người chết lang thang vất vưởng bên lề cuộc đời của người sống… Họ được gọi là “cô hồn” cho nên vào tháng 7 âm lịch được gọi là “tháng cô hồn” để người sống cúng những cô hồn lang thang, không nhà không cửa.

Hành trình vào cõi chết cũng gian nan không kém, cô hồn phải vượt qua 9 tầng địa ngục trong đói khát. Đến tầng thứ 10 mới gặp một quán gọi là “quán cháo lú”. Khi húp cháo tại đây, cô hồn sẽ quên hết mọi chuyện đã qua trên dương trần để chuẩn bị đầu thai vào một kiếp mới.

 

“Quán Cháo Lú” ở tầng địa ngục thứ 10

 

Tôn giáo giải thích sở dĩ có chuyện này là để ân-oán, buồn-vui từ kiếp trước sẽ bị xóa bỏ và người chết sẽ đầu thai vào một cuộc đời mới. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, con người mới đã được “hoàn toàn tẩy não” để trở lại dương trần!

Trong bài “Văn tế thập loại chúng sinh”, thi hào Nguyễn Du đã ai oán lên tiếng tiếc thương cho những cô hồn:

“Thương thay thập loại chúng sinh

Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người

Hương lửa đã không nơi nương tựa

Hồn mồ côi lần lữa bấy niên…

Còn chi ai khá ai hèn

Còn chi mà nói ai hèn ai ngu!

“Tiết đầu thu lập đàn giải thoát

Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi

Muôn nhờ đức Phật từ bi

Giải oan cứu khổ độ về Tây phương…”

 

Cúng cô hồn

 

Đó là suy nghĩ của người Phương Đông… nhưng ở Phương Tây cũng có một lễ hội mà người ta gọi là Halloween, hay còn gọi là "All Hallows' Evening", là một ngày lễ được tổ chức vào ngày cuối tháng 10 hàng năm để tưởng nhớ những người đã chết. Lễ hội này được tổ chức từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên tại Ireland và các nước ở Châu Âu như Tây Ban Nha, Pháp...

Halloween bắt nguồn từ các lễ hội thu hoạch mùa màng của người Celt mang tính cách tôn giáo. Về sau, các hoạt động trong lễ hội còn có các trò vui như “trick-or-treat” (trẻ con hoá trang kinh dị đến gõ cửa từng nhà để xin bánh kẹo), khắc bí ngô thành lồng đèn ma trơi “jack-o'-lantern”, xem phim hoặc kể chuyện kinh dị…

 

"Trick or Treat” (Cho kẹo hay bị ghẹo)

 

Đến năm 1840 Halloween được du nhập vào Mỹ theo chân những người Ireland di cư. Đầu tiên chỉ diễn ra ở các nông trại, nhưng ngày nay cũng giống như nhiều quốc gia khác, Halloween đã trở thành một ngày lễ chung mang tính cách thương mại dành cho tất cả mọi người.

Trẻ hóa trang với mặt nạ hình ma quỷ, tay xách lồng đèn làm bằng trái bí ngô đi đến từng nhà hàng xóm gõ cửa. Chưa hết, miệng chúng đòi “Trick-Or-Treat”, tạm dịch là “cho kẹo hay bị ghẹo”! Đó chình là trò các hồn ma đòi “hối lộ”… nếu không thì sẽ “chơi khăm”, quấy rầy gia chủ! 


Halloween ở Phương Tây

 

Halloween cũng có sự xuất hiện của những nhân vật “nữ phù thủy đáng sợ” với khuôn mặt dữ dằn, chiếc mũ nhọn hoắt, cưỡi trên cán chổi, nghe đâu từ thế kỷ thứ 18 ở Châu Âu. Điều này, một lần nữa chứng tỏ phụ nữ luôn là các “nội tướng” trong gia đình, bà dùng chổi để quét sạch mọi tà ma, ám khí trong nhà!

Tuy nhiên, cũng có một nam phù thủy, đó là giáo sĩ Guillaume Edelin ở Saint-Germain-en-Laye, gần Paris. Ông bị bắt năm 1453 với tội “hành nghề phù thủy” sau khi đã lên án giáo hội về việc phê phán vai trò của phù thủy. Ông đã thú nhận tội của mình đã làm điều trái nhưng vẫn bị cầm tù!

Người ta còn nhắc đến Hoàng hậu Anne Boleyn của nước Anh. Bà là người vợ thứ hai của Vua Henry VIII và là mẹ của Nữ hoàng Elizabeth I sau này. Hoàng hậu đã bị hành quyết tại Tower of London vào tháng 5/1536 vì nhiều tội danh, trong đó có cả việc “làm phù thủy” 


Phù thủy với chiếc chổi và con mèo đen

 

Ở các nước Châu Mỹ La Tinh, đặc biệt là Mexico, cũng có “Día de los Muertos” là ngày tưởng niệm những người đã khuất theo truyền thống của người Tây Ban Nha. Linh hồn của họ “trở về mái nhà xưa”, nơi những người sống lập bàn thờ, trên đó có hình ảnh những khuôn mặt thân yêu và những đồ ăn, thức uống mà người chết đã từng ưa thích.

Ở nước Anh còn có “Guy Fawkes Day” nhằm ngày 5/11 hằng năm, người ta đốt lửa, bắn pháo bông để vinh danh những người đã chết. Riêng tại Mỹ, Halloween có phần bị “thương mại hóa” với các sản phẩm kẹo bánh người ta mua về để “thết đãi” những “khách không mời” là trẻ em đứng ngoài cửa đòi “Trick-Or-Treat”. 


Phù thủ cưỡi chổi trong đêm Halloween

 

Không phải tất cả bánh kẹo phục vụ Halloween đều tốt cho sức khỏe. Vụ ngộ độc Tylenol vì có chất “cyanide” trong việc bào chế của những kẻ xấu vào đầu thập niên 1980 đã dấy lên sự cảnh giác đối với các nhà sản xuất bánh kẹo trong mùa Halloween. 

Vụ ngộ độc Halloween được coi là “bi thảm nhất” xảy ra vào tháng 10 năm 1974. Một người đàn ông ở tiểu bang Texas, tên Ronald O’Bryan, đã phát kẹo “nhiễm độc” cho 5 đứa trẻ, trong đó có cả đứa con trai 8 tuổi của ông. Trẻ nhận quà đã qua đời ngay sau đó!

Các cuộc điều tra cho thấy O’Bryan đã vì số tiền bảo hiểm nhân thọ của con cái nên đã có vụ đầu độc này. Ông ta đã bị kết tội “cố sát” con mình và bị kết liễu cuộc đời với bản án tử hình bằng một liều thuốc chích “đền tội” vào cơ thể. Vụ O’Bryan đã ám ảnh các bậc phụ huynh về loại bánh kẹo giết người trong dịp Halloween. 


Vụ cha đầu độc con trong lễ Halloween tại Mỹ

 

Tin mới nhất cho biết có đến hơn 150 người (đa số thuộc lứa tuổi đôi mươi) đã tử vong lúc 10 giờ 20 phút tối ngày 30/10/2022, trong lễ hội Halloween tại Seoul, thủ đô Hàn Quốc. Ngoài ra, còn có khoảng 150 người bị thương trong vụ hỗn loạn tại đây.

Đây chính là “thảm kịch Halloween” trên thế giới sau 2 năm khi Hàn Quốc đã dỡ bỏ các hạn chế COVID và giãn cách xã hội. Video clip trên mạng cho thấy hàng trăm người chen chúc trong con hẻm hẹp và dốc tại khu Itaewon, họ bị giẫm đạp, nằm chết khi các nhân viên ứng cứu và cảnh sát cố gắng kéo họ ra ngoài. 


Hiện trường thảm kịch

 

Cũng giống như “khu phố Tây Phạm Ngũ Lão” ở Sài Gòn, Itaewon là nơi giới trẻ Hàn Quốc cũng như người nước ngoài hay lui tới, với hàng chục quán bar và nhà hàng chật kín vào thứ ngày Thứ Bảy phục vụ lễ Halloween sau khi hoạt động kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng trong hai năm đại dịch.

Itaewon là một khu vực sầm uất nằm xung quanh Itaewon-dong thuộc quận Yongsan, Seoul. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 30/10/2022 thông báo ít nhất có 26 công dân nước ngoài thiệt mạng trong vụ giẫm đạp và CNN đưa tin những người này đến từ 14 quốc gia. 


Con phố nhỏ như… “một cái phễu của thần chết”

 

Tin cho biết hiện có 4 người Trung Quốc, 4 người Iran, 3 người Nga và công dân của các nước Mỹ, Pháp, Việt Nam, Thái Lan, Australia, Uzbekistan, Na Uy, Kazakhstan, Sri Lanka và Áo. Tin cũng tiết lộ 15 người nước ngoài khác bị thương trong thảm kịch.

Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết cảnh sát Hàn Quốc đã xác định một công dân Việt Nam (sinh viên Đinh Thị Tuyến, 21 tuổi, là du học sinh năm thứ ba tại Hàn Quốc) bị thiệt mạng trong vụ giẫm đạp.

Cho đến nay, Hoa Kỳ xác nhận có 2 sinh viên tên Steven Blesi và Anne Gieske đã từ trần tại Itaewon trong “thảm kịch Halloween” ngày 30/10/2022. Trong khi đó, hơn 1.400 người vẫn còn bị báo cáo mất tích. 


Sinh viên Đinh Thị Tuyến (21 tuổi), du học sinh tại Seoul đã từ trần tại Itaewon

 

Tổng thống Hàn Quốc, Yoon Suk Yeol, tuyên bố sẽ tổ chức quốc tang, đồng thời yêu cầu các bộ liên quan và chính quyền địa phương quan tâm chăm sóc, hỗ trợ những người bị thương và gia đình các nạn nhân. 


Tổng thống Hàn Quốc, Yoon Suk Yeol, tưởng niệm các nạn nhân

 

Người ta thường nói “Đông và Tây không bao giờ gặp nhau” nhưng trong trường hợp “Cô hồn Phương Đông” và “Halloween Phương Tây” vẫn có những điểm tương đồng vì cả hai đều tưởng niệm đến những người đã khuất.

Đó là tư tưởng giàu tính nhân bản và tình người mà cả hai nền văn hóa đều chú trọng đến. Khác nhau chỉ là những hình thức thể hiện nhưng tựu chung vẫn là cách đối xử với những người đã khuất bóng.

Vấn đề là phải làm sao cho việc thực hiện nghĩa cử cao đẹp đó một cách an toàn để tránh lập lại một “thảm kịch” như tại Hàn Quốc.

***

2 nhận xét:

Popular posts