Nhiếp
ảnh gia Jean Claude Arnault lại là phu quân của giám khảo Katarina Frostenson… thế
là rắc rối bắt đầu từ đây. Hàn lâm viện Thụy Điển mở cuộc điều tra nội bộ và
khám phá thêm nhiều tình tiết “động trời” vì Arnault đã nhiều lần tiết lộ tên
người đoạt giải trước khi được chính thức công bố. Nơi nhận “tin mật” là những tổ
chức cá độ quốc tế!
Frostenson
còn bị tố cáo đã “biển thủ” tiền của Hàn lâm viện, “tuồn” tiền cho câu lạc bộ của
Arnault tại thủ đô Stockholm. Câu lạc bộ này lại là một tổ chức chuyên về các
hoạt động văn hóa như triển lãm hội họa, trình diễn âm nhạc, bình luận văn
chương…
Nội
bộ Viện hàn lâm rối bời vì, theo quy định, các nghị viên và giám khảo được
bổ nhiệm là… “suốt đời”, không có quyền từ chức! Thế cho nên, Hàn lâm
viện Thụy Điển đi đến quyết định cuối cùng: Năm 2018 sẽ không có “Giải Nobel Văn chương”.
Đứng
trước “scandal văn hoá” này, tháng
7/2018 đã có 126 nhà hoạt động văn chương Thụy Điển đứng ra thành lập
một “Hàn lâm viện lâm thời” để
trao giải văn chương, thay thế cho giải chính thức mang tên Nobel. Đó là “Giải thưởng mới về văn chương” (The New
Prize in Literature), sẽ được công bố vào ngày 12/10/2018.
Qua
sự đề cử và chọn lọc rộng rãi của giới hoạt động văn hoá toàn thế
giới “hàn lâm viện lâm thời” đã
có một danh sách 47 nhà văn được đề cử. Cuối cùng, đã bỏ phiếu và 4
nhà văn được đưa vào chung kết gồm: (1) Nail Gaiman người Anh; (2) Haruki
Murakami người Nhật; (3) Maryse Condé một nữ giáo sư văn chương người
Pháp gốc Trung Mỹ; và (4) Kim Thúy, một nữ luật sư người Canada gốc Việt.
Nhà văn Kim Thúy và tác phẩm “Ru” (Ảnh chụp qua Video)
Còn
nhớ, lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, một nhà văn người Mỹ gốc Việt,
Viet Thanh Nguyen, đã nhận giải thưởng Pulitzer của Hoa Kỳ về tiểu thuyết năm
2016. Nguyễn Thanh Việt là người tỵ nạn đến Mỹ năm 1975, khi đó anh mới 4 tuối
và tác phẩm “The Sympathizer” đã đưa
Việt vào danh sách “các nhà văn lớn” trên đất Hoa Kỳ.
Cũng tương tự như Nguyễn Thanh Việt, Nguyễn An Tịnh (tên thật của nhà văn Kim Thúy) rời Việt Nam năm 1978 lúc đó cô mới 10 tuổi. Định cư tại một tỉnh nhỏ ở Montreal (Canada) vào cuối tháng 3/1979, cô tốt nghiệp Luật khoa và hành nghề luật sư trong 5 năm rồi theo công ty trở về Việt Nam làm việc trong gần 4 năm.
Về lại Canada, cô quyết định mở một nhà hàng, trong thời gian này cô làm việc vất vả trong suốt 5 năm nên khi lái xe gặp đèn đỏ thường… ngủ gục! Trong một video phỏng vấn của đài VOV, cô kể lại:
“Để tránh bị ngủ gục trên xe, tôi thường cắn hạt dưa đến độ… bị hư răng. Cuối cùng, tôi nghĩ ra cách bắt tay vào viết lách trên sổ mỗi khi xe dừng chờ đèn xanh!”
“Tôi thường cắn hạt dưa đến độ… bị hư răng” (Ành chụp qua Video)
Đó là bước đầu tiên giúp nhà văn Kim Thúy bước vào thế giới văn chương bằng những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp. Thoạt đầu chỉ ghi lại những chuyện trong ngày như một dạng nhật ký rồi sau đó viết nhiều hơn về chuyện người tỵ nạn và di dân theo ký ức của chính mình qua tác phẩm “Ru”.
Dù viết bằng tiếng Pháp nhưng Kim Thúy vẫn lấy nhan đề bằng tiếng Việt. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, “Ru” trong tiếng Pháp có nghĩa là dòng suối nhỏ hay cũng có thể hiểu đó là dòng chảy của máu, nước mắt và cả tiền bạc. Cả hai ý nghĩa Pháp-Việt được tác giả nói đến ngay trong đoạn mở đầu cuốn sách được viết dưới dạng tự truyện:
“Tôi tên Nguyễn An Tịnh, mẹ tôi tên Nguyễn An Tĩnh. Tên tôi chính là biến thể của tên mẹ chỉ qua một dấu dưới và trên chữ “i”. Tôi chính là sự nối dài của mẹ qua cái tên. Trong tiếng Việt, tên của mẹ tôi mang ý nghĩa của sự yên tĩnh bên ngoài trong khi tên tôi lại là sự tĩnh lặng của nội tâm. Với những cái tên như thế, tôi được xác định là phần nối dài của mẹ. Tôi là sự tiếp nối những câu chuyện về mẹ…”
Cuộc đời của Kim Thúy tựa như một dòng chảy, từ những con nước thủy triều tại quê nhà đến những vùng nước yên bình bên kia bờ đại dương. Từ chuyến vượt biển rời Việt Nam, ra khơi một cách vô định đến trại tỵ nạn bùn lầy ở Mã Lai và rồi cuối cùng kết thúc ở vùng đất mới, thị trấn Granby, Quebec. Tất cả những diễn biến đó được gói ghém trong “Ru”.
Nhà văn Kim Thúy
Câu chuyện của một cô bé vượt biển cùng gia đình khi mới 10 tuổi đã “đánh động” đến trái tim người đọc trên thế giới bởi giọng văn rất bình thản và tự nhiên như hơi thở. Kim Thúy, người mẹ của hai đứa con, viết lại tại Canada khi đã 39 tuổi:
“Chuyện của cô bé con bị biển cả nuốt trọn sau khi đã mất chân đứng trên đất liền cũng tựa như một liều thuốc mê, hay “chất khí gây cười” [laughing gas] trên một con thuyền bốc mùi nôn mửa… Tất cả đã biến thành một vì sao Bắc đẩu chẳng khác gì một miếng bánh đẫm mùi dầu nhớt trở thành miếng bánh trét bơ. Hương vị dầu nhớt nghẹn nơi cổ, trên lưỡi, trong đầu đã khiến cô bé chìm vào giấc ngủ với lời ru con êm ái của người phụ nữ ngồi ngay bên cạnh”.
Trong một đoản văn khác, Kim Thúy nhớ lại những ngày lên đênh trên biển:
“Phía dưới hầm tầu hoàn toàn không thể phân biệt giữa ngày và đêm… Không ai nhìn rõ đâu là đường chân trời và đâu là nước biển. Cũng chẳng một ai biết tầu đang trên đường lên thiên đàng hay xuống địa ngục…”
Bản dịch tiếng Anh như vẫn mang tựa đề tiếng Việt
Trong một cuộc phỏng vấn, Kim Thúy cho biết cảm nhận của người đọc “Ru” sẽ thay đổi theo môi trường sống của mình. Chẳng hạn những người tỵ nạn từ Rumania sẽ có một cái nhìn về chế độ của đất nước họ và tự hỏi sao lại giống Việt Nam đến vậy. Trong khi đó, người đọc từ Pháp lại chỉ chú ý đến lối hành văn, cấu trúc của ngôn ngữ trong cuốn sách.
“Ru” đã được dịch sang 27 ngôn ngữ trên thế giới sau khi bản chính được viết bằng tiếng Pháp tại Canada. Riêng tiếng Việt vẫn chưa có bản dịch vì là vấn đề “nhạy cảm” và “tiêu cực” có liên quan đến các Thuyền nhân. Theo thống kê không chính thức, đã có hơn 200.000 người bỏ nước ra đi và bỏ mình trên biển!
Đặc biệt, “Ru” là một cuốn tự truyện dưới dạng hồi ức nhưng không chia thành chương đoạn mà cũng chẳng đánh số thứ tự. Người đọc (nếu tỷ mỷ) có thể thấy cuốn sách gồm 144 “đoản văn” (vignette) nhưng cũng không được đánh số. Phải chăng đây cũng là một lối viết và trình bày sách độc đáo của tác giả?
“Ru” đã đoạt nhiều giải thưởng danh giá, trong số đó có “Grand Prix RTL-Lire at the Salon du livre de Paris” (2010), “Governor General’s Award for Fiction” (2010), “Prix du Grand Public Salon du livre” (2010), “Mondello Prize for Multiculturalism” (2011), “Grand Prix littéraire Archambault” (2011) và “Canada Reads” (2015). Hơn thế nữa, Bộ giáo dục Canada đã đưa “Ru” vào chương trình trung học viết bằng tiếng Pháp.
Nhà văn Kim Thúy – Nguyễn An Tịnh
Kim Thúy cũng không giỏi tiếng Việt và cũng chỉ được “bổ xung” trong thời gian làm việc với một công ty luật của Canada tại Hà Nội gần 4 năm. Ngôn ngữ chính của cô là tiếng Pháp, học trong trường ở Montreal và Quebec. Tuy nhiên, cách viết văn theo lối kể chuyện khiến người đọc bất ngờ và thú vị.
Dù có được chọn để đoạt giải hay không, Kim Thúy đã bước vào văn đàn thế giới, đồng thời trở thành nhà văn nữ gốc Việt đầu tiên được nhắc đến trong một giải văn chương, tuy không chính thức mang tên Nobel, nhưng cũng đủ để người Việt, cả ở trong nước lẫn hải ngoại, hãnh diện và tự hào.
Tác giả Kim Thúy (Ảnh chụp tại nhà riêng ở Longueuil, Quebec, ngày 2/2/2012)
***
Tham
khảo:
1.
Bài viết: “The Sympathizer (1): “Kẻ Nằm
Vùng” hay “Cảm Tình Viên”?”
2.
Video clip “Trò chuyện với Nhà văn Kim
Thuý”, phỏng vấn của Trà My (Đài VOA):
3. Video clip “Kim Thuy on writing Ru and the Immigrant Experience”, của Lê Quốc Tuấn:
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét