Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Đi học & Đi dạy

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc trôi đi, thì lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…

… Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học…”

Ở Miền Nam, chắc hẳn những người ngày nay đã ngoài 60 không thể nào quên đoạn văn trên của Thanh Tịnh [1] trong truyện ngắn Tôi Đi Học, rút từ tập Quê Mẹ, viết năm 1941. Đó là “bài văn mẫu” của môn Việt văn mà tất cả học sinh trung học đều phải học thuộc nằm lòng và đó cũng là những cảm xúc của một cậu bé lần đầu được mẹ dẫn đến trường làng:

“Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ… Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ…”

Ngày xưa, hiệu trưởng được gọi bằng tên “Ông Đốc”. Ông Đốc trường Mỹ Lý đọc tên những học trò “lính mới tò te” và Thanh Tịnh cảm thấy như “quả tim ngừng đập” khi tên mình được đọc lên để xếp hàng vào lớp. Ông Đốc nhắn nhủ học trò mới:

“Thế là các em đã vào Lớp Năm [ngày nay là Lớp Một]. Các em phải cố gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy chúng em được sung sướng. Các em đã nghe chưa?... Thôi, các em đứng sắp hàng để vào lớp học.”

Quả thật đám học trò mới nghe rất rõ nhưng chẳng đứa nào dám mạnh dạn trả lời. Cũng may đã có tiếng dạ ran của phụ huynh đáp lại… Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc và cậu bé Thanh Tịnh bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ, nức nở khóc theo, đâu đó cũng có tiếng thút thít…

Thủ bút của Thanh Tịnh

Kể cũng buồn cười. Khi ra chào đời mọi người đều cất tiếng khóc và rồi lại có những người cất tiếng khóc… chào lớp, chào trường trong khung cảnh trang nghiêm của ngày đầu đi học. Và thế là kể từ lúc đó bắt đầu một chuỗi ngày dài đằng đẵng để làm học sinh mà người đời vẫn gán cho một cái tội… “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”.

Quả thật, đứng hàng thứ ba sau quỷ và ma là điều mà những học trò nghịch ngợm nhất cũng cảm thấy sự ví von là… quá đáng. Còn đối với những học trò ngoan ngoãn thì sự ví von này đúng là… bất công.

Có chê thì cũng phải có khen. Có một bài hát mà học trò ở Miền Nam ngày xưa đều thuộc nằm lòng, đó là bài Học sinh hành khúc (nghe tại: http://mp3.zing.vn/bai-hat/Hoc-sinh-hanh-khuc-Nhieu-ca-si/IWZC8I09.html). Nhạc sĩ Lê Thương ca tụng học sinh hết lời với những câu mở đầu không thể nào hay hơn:

Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau.
Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao.
Lúc khắp quốc dân tranh đấu hy sinh cho nền độc lập.
Học sinh nề chi tuổi xanh trong lúc phấn đấu.
Đem hết can tràng của người Việt Nam tiến lên!

Khi cất tiếng hát bài hành khúc, có học trò nào mà không tự hào khi được gắn liền với những lý tưởng cao đẹp như tổ quốc, độc lập… rồi tới điệp khúc lại vinh danh học sinh bằng những hình ảnh như “mầm sống của ngày mai”, “nối chí lớn”, “sống vì giống nòi” và “liều thân vì nước, vì dân”…

Học sinh là mầm sống của ngày mai.
Nung đúc tâm hồn để nối chí lớn.
Theo các thanh niên sống vì giống nòi.
Liều thân vì nước, vì dân mà thôi.

“Học sinh Hành khúc” của Lê Thương

Biết bao thế hệ học sinh đã hăng say cất tiếng hát Học sinh Hành khúc từ cuối thập niên 50 để quên đi cảnh lớp học của thầy đồ với lũ học trò nằm bò trên phản hay trên chiếu để học viết chữ Nho của thánh hiền khiến Trần Tế Xương đã phải thốt lên:

“Thầy đồ thầy đạc, dạy học dạy hành
Vài quyển sách nát, ba thằng trẻ ranh”

Hồi đó còn chưa có lối so sánh “nhất quỷ, nhì ma…” nên thầy đồ Cao Bá Quát đã ví học trò là thứ “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”, một lối “tả chân” đầy hình tượng:

“Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”

Học trò ngày xưa khi bắt đầu đi học với thầy đồ là bắt đầu ê a Tam Tự Kinh, mỗi câu chỉ có 3 chữ được viết theo vần điệu, khởi đầu là “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” (con người sinh ra, bản tính vốn thiện lành) được dân gian “chế” thành… “Nhân chi sơ, xờ tí mẹ”!

Học hết Tam Tự Kinh là có số vốn hơn 1000 chữ Hán để tiếp tục học lên cao. Tam Tự Kinh còn dạy đạo lý làm người như “Ngọc bất trác, bất thành khí; Nhân bất học, bất tri lý" (Ngọc không mài không thành đồ quý; Người không học không biết đạo lý).

Có thể nói, Tam Tự Kinh là một trong những cuốn sách giáo khoa duy nhất cho người học chữ Nho bao gồm các môm đạo đức, sử ký, vạn vật mà học sinh các thế hệ chữ quốc ngữ học tại trường lớp được tổ chức có quy củ sau này phải dùng nhiều sách theo kiểu Tây học.

Lớp học của thầy đồ xưa

Thầy đồ thường là những “tú tài lạc đệ” hay nói khác đi là những người thất bại trong thi cử nên về “ở ẩn” mở lớp dạy học. Đọc Lều Chõng của Ngô Tất Tố người ta mới thấy con đường làm quan ngày càng thu hẹp và con đường làm thầy đồ ngày càng mở rộng. Ngô Tất Tố viết: 

“Ngày nay nghe đến hai tiếng "Lều", "Chõng" có lẽ nhiều người sẽ lấy làm lạ vì những vật ấy từ biệt chúng ta mà đi đến chỗ mất tích đã gần ba chục năm nay. Nhưng mà trước hơn hai chục năm đi ngược trở lên, cho đến hơn một nghìn năm, "Lều" "Chõng" vẫn làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta vẫn khoe là "bốn nghìn năm văn hiến". Những ông ngồi trong miếu đường làm rường làm cột cho nước nhà, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, đều ở trong đám lều chõng mà ra.

Lều Chõng với nước Việt Nam không khác một ông tạo vật, đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hoặc vô dụng. Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa, rồi lại chính nó đã đưa nước Việt Nam đến cõi diệt vong. Vì nó, nước Việt Nam trong một thời kì rất dài đã phát hiện ra nhiều cảnh tượng kỳ quái, có thể khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rùng rợn hồi hộp”.

Chân dung một thầy đồ

Phải nói chữ nghĩa tiếng Việt đã may mắn chọn con đường “La Tinh Hóa”, một phương tiện tiếp cận với văn minh Âu Mỹ dễ dàng hơn so với chữ Hán và chữ Nôm. Nước ta sau một thời gian dài Bắc Thuộc với cách viết tượng thanh, tượng hình, chỉ sự, hội ý… qua hơn 200 bộ chữ đã thực hiện được một cuộc chuyển hướng ngoạn mục theo mẫu tự La Tinh.

Hồi còn trong trại cải tạo tôi đã có một thời gian học viết chữ Nho với “thầy đồ” là một anh bạn người Việt gốc Hoa, đổi lại tôi “kèm” Anh văn cho anh, thế là cả hai bên “cùng có lợi”. Thay vì bút lông, chúng tôi dùng que viết lên mặt đất và cứ như thế vốn Hán văn của tôi lên đến… cả trăm chữ!

Kinh nghiệm bản thân cho thấy “ở tù” là thời gian tốt nhất để học hỏi từ các bạn đồng cảnh ngộ. Việc học trong giai đoạn “chẳng đặng đừng” này khiến ta khám phá được nhiều điều mới lạ mà ngoài đời thường sẽ chẳng bao giờ học được. Bản thân việc tìm tự do trong hoàn cảnh “mất tự do” cũng là một bài học mà ít người chú ý đến. 

Làng tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống khai thác mảng thầy đồ qua những bức tranh vui, điển hình là bức “Lão oa giang độc” (Thầy đồ cóc) vẽ một lớp học này xưa với “thầy đồ cóc” ngồi trên sập gụ, phía dưới là cả một bầy cóc nhái, con thì đứng khúm núm trả bài cho thầy, con thì bưng nước cho thầy giải lao.

Góc trên phía bên phải có cóc “trưởng tràng” hay “giảng tràng” là những “trợ lý” của thầy đồ đang giảng bài cho những học trò mới. Góc dưới phía bên phải là cảnh một chú nhái lười học đang bị đánh đòn bằng roi mây.

Bức tranh “cóc nhái” nói lên cảnh nền Nho học đang bước vào thời kỳ suy thoái, đó là giai đoạn chuyển tiếp trước khi có chữ quốc ngữ. Đó cũng là thời kỳ “đổi bút lông sang bút chì” hay còn được gọi là “bỏ Nho học sang Tây học”.

Thầy đồ cóc và lũ học trò

Bắt đầu từ năm 1917 chính quyền thuộc địa của người Pháp đã áp dụng một hệ thống giáo dục thống nhất trên toàn cõi Đông Dương, gồm 3 miền Bắc, Trung, Nam và hai nước lân cận là Lào và Cao Miên. Hệ thống giáo dục này có ba bậc: tiểu học, trung học, và đại học. Chương trình học là chương trình của Pháp, với một chút sửa đổi nhỏ áp dụng cho các cơ sở giáo dục bản xứ, dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính, tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ phụ.

Tại Miền Bắc, nổi tiếng trong thời Pháp thuộc là trường Bưởi một cái tên mà học sinh thời đó hay dùng để tránh gọi cái tên do người Pháp đặt ra từ năm 1908: Collège du Protectorat (Trường Thành chung Bảo hộ). Năm 1931, trường được nâng cấp thành một Lycée (tương đương trường cấp III hiện nay): Lycée du Protectorat (Trường Trung học Bảo hộ). Trường được xây dựng trên đất làng Thụy Khuê ở vùng Kẻ Bưởi, ven hồ Tây, nên người dân vẫn gọi là trường Bưởi.

Bắc Kỳ khi đó chỉ có trường Bưởi là trường dành cho học sinh người Việt, mỗi năm chỉ có 120 chỗ cho học sinh mới khiến ngôi trường này đã trở thành cái nôi của lớp trí thức Bắc Hà. Ngoài ra, Hà Nội còn có Lycée Albert Sarraut chỉ dành cho học sinh người Pháp, họ lấy rất ít học sinh Việt.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn [2], Bộ Trưởng Giáo dục-Mỹ thuật trong nội các Trần Trọng Kim đã ký nghị định xóa bỏ tên Collège du Protectorat, thay bằng tên mới là Quốc lập Trung học hiệu Chu văn An (Trường Trung học Chu Văn An) và cử giáo sư Nguyễn Gia Tường làm Hiệu trưởng. Ông là Hiệu trưởng người Việt đầu tiên của Trường Bưởi.

Cùng với việc đổi tên trường, ông Hoàng Xuân Hãn còn quy định việc học và thi Tú Tài bằng tiếng Việt, dùng tiếng Việt trong trường học khi “Đế quốc Việt Nam” của chính phủ Trần Trọng Kim tuyên bố độc lập vào ngày 17/4/1945. Chương trình giáo dục của Việt Nam, còn gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn, được đem ra áp dụng tại Trung kỳ và Bắc kỳ.

Trường Bưởi (Trường Bảo hộ – Lycée du Protectorat)

Riêng ở miền Nam, vì có sự trở lại của người Pháp nên chương trình giáo dục Pháp vẫn còn tiếp tục cho đến giữa thập niên 1950. Collège Chasseloup-Laubat (tên của Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại, còn gọi là Bộ thuộc địa) là trường trung học đầu tiên ở Sài Gòn. Trường được thành lập từ năm 1874, dạy học sinh từ tiểu học đến hết trung học theo chương trình Pháp. 

Trường được chia thành 2 khu vực: Khu dành riêng cho học trò người Pháp (Quartier Européen) và Khu bản xứ (Quartier Indigène). Ðến năm 1958, trường đổi tên là Lycée Jean-Jacques Rousseau, tên một nhà trí thức Pháp trong phong trào "Ánh Sáng" thế kỷ 18. Sau năm 1975, trường lại được đổi tên thành Trường Phổ thông Trung học Lê Quý Đôn.

Collège Chasseloup-Laubat

Nhớ lại thời điêu linh sau khi đi học tập cải tạo về, tôi có một thời gian bươn chải đủ nghề từ “lao động phổ thông” chuyên ngồi đập gạch, lên đến chân bán hàng cho bà chị họ tại Chợ Lớn Mới rồi đi bỏ mối lò dầu hôi đúng vào thời kỳ “Đổi Mới”.

Cũng may, chính quyền mới “cho phép” một số cựu giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội được dạy Anh văn qua hình thức “cộng tác” với Trung tâm Nghiên cứu & Dịch thuật. Trung tâm này mở nhiều lớp đêm tại các trường lớn trong thành phố, trong đó có trường Lê Quý Đôn mà tiền thân là Collège Chasseloup-Laubat.

Phải nói đây là ngôi trường khang trang nhất Sài Gòn với những gốc cây cổ thụ có hàng trăm năm tuổi, có mái ngói rêu phong, có tường sơn màu vàng với kiến trúc hoàn toàn theo phong cách Pháp.

Giờ nghỉ giải lao tôi lại có dịp ghé “giang sơn” của ca sĩ Duy Trác và vợ đứng… bán nước. Tôi không uống nước nhưng dành 10 phút giải lao quý giá đó để cùng Duy Trác nhắc lại những giai đoạn thấm thía của thời điêu linh.

Cũng may nhờ chỗ quen biết qua tình “đồng nghiệp”, dù chỉ dạy lớp đêm, tôi còn xin cho hai đứa con gái được vào học Lê Quý Đôn. Đây là một ngôi trường hầu như chỉ dành riêng cho con em của những người có chức, có quyền…

Trường Lê Quý Đôn ngày nay

Kể từ năm 1954, hoàn cảnh lịch sử và chiến tranh đã chia nền giáo dục Việt Nam thành hai hệ thống trái ngược nhau qua việc hình thành hai thể chế: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) tại Miền Bắc và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) tại Miền Nam. Hai nền giáo dục này trong suốt 20 năm đã đào những tầng lớp thanh niên theo đúng hướng mà các chính phủ đã đề ra.     

Điều rõ nét nhất là nền giáo dục VNDCCH tại Miền Bắc có định hướng chính trị và giáo dục được xem là một thành phần phục vụ quan điểm của nhà nước. Trong khi đó, tại Miền Nam, giáo dục được xây dựng trên ba nguyên tắc: nhân bản, dân tộc và khai phóng theo tinh thần của Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) tại Sài Gòn vào năm 1958.

Tại Miền Bắc, trong những thập niên 1940 và 1950 là phải xóa nạn mù chữ với sự đóng góp của Nha Bình dân Học vụ. Về hình thức, hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Liên Xô được dùng làm mẫu với sự giúp đỡ của các cố vấn Liên Xô.

Từ năm 1950, hai bậc tiểu học và trung học được quy định lại với tổng cộng có 9 lớp: tiểu học (cấp I), 4 năm; trung học cơ sở (cấp II), 3 năm và trung học phổ thông (cấp III), 2 năm. Tuy nhiên, đến năm 1956, chính quyền lại ra nghị quyết cải tổ giáo dục phổ thông, đổi lại thành 10 năm: cấp I, 4 năm; cấp II và cấp III, mỗi cấp có 3 năm.

Năm 1956, VNDCCH tổ chức lại cấp đại học và lập ra năm trường đại học gồm Bách khoa, Nông lâm, Sư phạm, Y dược và Tổng hợp. Cũng kể từ đó giáo trình đại học bỏ mô hình của Pháp và theo chương trình học của Liên Xô, chú tâm đến mặt thực dụng.

Hệ thống giáo dục đại học bị phân tán đơn lẻ khiến Bộ Giáo dục không giữ vai trò quản lý mà chỉ là cơ quan liên lạc giữa các trường sở. Bậc đại học trong thời gian hơn 20 năm không cấp bằng tiến sĩ nào nên sinh viên cần đào tạo kiến thức cao hơn sẽ phải đi du học ở Liên Xô và Đông Âu.

Cũng vì quan niệm giáo dục phải phục vụ mục tiêu chính trị nên bất kể học ở chuyên ngành nào, sinh viên đại học đều phải học triết học Mác-Lê và lý thuyết đấu tranh giai cấp. Sinh viên khi tốt nghiệp không trình luận án mà chỉ thi hai phần: Chuyên môn và Chính trị.

Bắt đầu từ niên học 1959-1960, các đối tượng được xét tuyển vào đại học được xếp thành ba nhóm với những điều kiện căn cứ trên giai cấp và lý lịch:

(1) Thành phần cán bộ kháng chiến, thanh niên giai cấp công nông, cán bộ dân tộc thiểu số có lý lịch sạch, tư tưởng chính trị vững chắc, học xong lớp 10 sẽ được ưu tiên nhập học; (2) Thành phần cán bộ, đảng viên, con em bần nông, cố nông, hoặc trung nông, con em liệt sĩ và (3) Thành phần khác được chọn theo điểm nhưng thành phần "giai cấp bóc lột" không được quá 3%.

Chỉ 6 ngày sau khi sự kiện 30/4/1975, Arthur W. Galston, Giáo sư Đại học Yale đến Miền Bắc, khi đó vẫn thuộc thể chế VNDCCH. Bài viết của Galston trên tạp chí Science (số ra ngày 29/8/1975) tiết lộ một trong những chủ đề khiến các nhà lãnh đạo Miền Bắc bận tâm vào lúc đó là vấn đề thống nhất với Miền Nam: “Việc thống nhất trong lĩnh vực khoa học và giáo dục có lẽ sẽ có nhiều khó khăn vì hai miền đã phát triển theo hai chiều hướng khác nhau trong nhiều thập niên”.

Nhưng dù cho có nhiều khó khăn, Galston vẫn nhận thấy “các nhà lãnh đạo miền Bắc công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhiều đặc điểm của nền khoa học và giáo dục ở Miền Nam; họ dự định kết hợp những đặc điểm này vào Miền Bắc khi quá trình thống nhất đang được thảo luận sôi nổi…”

Lễ khai giảng trường Đại học Quốc gia Việt Nam, cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của VNDCCH năm 1945

Tại Miền Nam, ngay từ những ngày đầu hình thành nền Đệ nhất Cộng hòa, những người làm công tác giáo dục đã xây dựng được nền móng quan trọng cho quốc gia, tìm ra câu trả lời cho những vấn đề giáo dục cốt yếu và những gì thuộc phạm vi chính trị nhất thời đều ngưng lại trước ngưỡng cửa học đường.

Ông Mai Thái Lĩnh, cựu sinh viên Viện Đại học Đà Lạt, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Lạt sau năm 1975 kể lại:

“Tôi là con của một cán bộ Việt Minh – tham gia Cách mạng tháng Tám tại Lâm Đồng sau đó tập kết ra miền Bắc [...] Chế độ Việt Nam Cộng hòa lúc đó biết lý lịch của tôi, nhưng vẫn không phân biệt đối xử, cho nên tôi vẫn có thể học hành đến nơi đến chốn. Tính chất tốt đẹp của nền giáo dục cũ của Miền Nam là điều tôi công khai thừa nhận, vì vậy suốt 14 năm phục vụ trong ngành giáo dục "xã hội chủ nghĩa" (1975-1989), tôi bị người ta gán cho đủ thứ nhãn hiệu, chụp cho nhiều thứ mũ chỉ vì tôi nêu rõ những ưu điểm của nền giáo dục cũ cần phải học hỏi. Chính là do thừa hưởng nền giáo dục đó của miền Nam mà tôi có được tính độc lập trong tư duy, không bao giờ chịu nô lệ về tư tưởng...”

Nữ sinh Miền Nam

Về tổng quan, người ta thấy mô hình giáo dục ở Miền Nam có khuynh hướng xa dần ảnh hưởng của Pháp vốn chú trọng đào tạo một số ít phần tử ưu tú trong xã hội và có khuynh hướng thiên về lý thuyết. Thay vào đó là việc áp dụng mô hình giáo dục của Hoa Kỳ có tính cách đại chúng và thực tiễn.

Dĩ nhiên có những điều khen-chê về mô hình này, có ý kiến cho rằng: “Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đế quốc Mỹ đã thay chân Pháp, nhảy vào miền Nam Việt Nam. Mỹ-Ngụy đã cố sử dụng giáo dục làm công cụ xâm lược Việt Nam. Chúng đã gieo rắc trong học sinh, sinh viên tư tưởng hoài nghi, mơ hồ, tư tưởng an phận, sợ Mỹ, phục Mỹ. Chúng phát triển trong học sinh, sinh viên lối sống thực dụng, quay lưng với hiện tại, chấp nhận cuộc sống vị kỷ ương hèn... Mặt khác, Mỹ-Ngụy tìm mọi cách tiêu diệt nền giáo dục cách mạng, tìm cách ngăn chặn, loại trừ những mầm mống cách mạng trong nhà trường.”

Hai nền Cộng hòa (đệ nhất và đệ nhị) chỉ tồn tại chỉ trong 20 năm, từ 1955 đến 1975, nhưng phải nhìn nhận hoạt động giáo dục đã phát triển vượt bậc, bất chấp những ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh và những bất ổn chính trị thường xảy ra. Thêm vào đó là tình trạng ngân sách eo hẹp do phần lớn ngân sách quốc gia phải dành cho quốc phòng và nội vụ.

Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn được thành lập vào năm 1957, là cơ sở sư phạm đầu tiên, bắt đầu khai giảng năm 1958. Sau có thêm các trường Cao đẳng Sư phạm ở Ban Mê Thuột, Huế, Vĩnh Long, Long An, Quy Nhơn, Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên. Bên cạnh đó còn có Trường Đại học Sư phạm Huế thuộc Viện Đại học Huế và Trường Đại học Sư phạm Đà Lạt thuộc Viện Đại học Đà Lạt.

Một lớp tiểu học ở Miền Nam năm 1961

Vào thời điểm năm 1974, cả nước có 16 cơ sở đào tạo giáo viên tiểu học với chương trình hai năm còn gọi là chương trình Sư phạm Cấp tốc. Chương trình này nhận những người đã đậu bằng Trung học Đệ nhất cấp, hằng năm đào tạo khoảng 2.000 giáo viên tiểu học.

Giáo sư trung học thì phải theo học chương trình của trường Đại học Sư phạm. Sinh viên các trường sư phạm được cấp học bổng nếu ký hợp đồng 10 năm làm việc cho chính phủ ở các trường công lập sau khi tốt nghiệp.

Chỉ số lương của giáo viên tiểu học mới ra trường là 250, giáo học bổ túc hạng 5 là 320, giáo sư trung học đệ nhất cấp hạng 4 là 400, giáo sư trung học đệ nhị cấp hạng 5 là 430, hạng 4 là 470. Với mức lương căn bản như vậy, cộng thêm phụ cấp sư phạm, nhà giáo ở các thành phố thời Đệ nhất Cộng hòa có cuộc sống khá thoải mái, có thể mướn được người giúp việc trong nhà.

Sang thời Đệ nhị Cộng hòa, đời sống bắt đầu đắt đỏ, vật giá leo thang, nhà giáo cảm thấy chật vật hơn, nhất là ở những thành phố lớn như Sài Gòn và Đà Nẵng. Tuy vậy, lúc nào các nhà giáo cũng giữ vững tinh thần và tư cách của nhà mô phạm từ cách ăn mặc thật đứng đắn đến cách ăn nói, giao tiếp với phụ huynh và học sinh, và với cả giới chức chính quyền địa phương.

Việc thi cử cũng có nhiều cải tiến. Đề thi trắc nghiệm đã được sử dụng cho môn Công dân, Sử, Địa trong các kỳ thi Tú tài I và Tú tài II từ niên khóa 1965-1966. Ngay từ đầu những năm 1970, Nha Khảo thí của Bộ Quốc gia Giáo dục đã ký hợp đồng với công ty IBM để “điện toán hóa” toàn bộ hồ sơ thí vụ, từ việc ghi danh, làm phiếu báo danh, chứng chỉ trúng tuyển... đến các con số thống kê cần thiết.

Bảng trả lời cho đề thi trắc nghiệm được đặt từ Hoa Kỳ, và bài làm của thí sinh được chấm bằng máy IBM 1230. Điểm chấm xong từ máy chấm được chuyển sang máy IBM 534 để đục lỗ. Những phiếu đục lỗ này được đưa vào máy IBM 360 để đọc điểm, nhân hệ số, cộng điểm, tính điểm trung bình và tính thứ hạng trúng tuyển. Đến năm 1974, các môn thi trong kỳ thi tú tài gồm toàn những câu hỏi trắc nghiệm.

Viện Đại học Sài Gòn, cơ sở giáo dục đại học lớn nhất Miền Nam

Đọc Ngựa Chứng Trên Sân Trường của Duyên Anh [3] người ta thấy rõ bức tranh toàn cảnh của việc Dậy và Học dưới thời VNCH trong thời chiến tranh. Nhân vật chính trong truyện là thầy giáo Trần Minh Định, 24 tuổi, độc thân và thậm chí còn chưa có người yêu.

Định xuất thân từ một đứa trẻ nhà nghèo, đi bán báo từ năm học Đệ Thất để có tiền ăn học và vì yêu nghề dạy học nên anh thi vào Đại học Sư phạm. Khi ra trường, anh được bổ nhiệm về dạy tại một tỉnh miền Đông, “thành tích” đầu tiên của anh là “chống gian lận thi cử” nên bị trả về Bộ. Cuối cùng anh chọn một trường trên cao nguyên và đối đầu với vài “con ngựa chứng” lớp Đệ Nhị B2.

Một trong những “con ngựa” chứng đã nói thẳng vào mặt thầy Định: “Ông mới về đây biết con mẹ gì. Lớp này trước hơn sáu chục mạng. Mỗi ngày một vơi đi, giờ chỉ còn ba chục. Bạn bè tôi lần lượt đi lính. Nhiều đứa đã chết. Tôi cóc muốn học. Tôi khoái nổi loạn, chờ ngày đăng lính. Ông cứ việc đuổi tôi. Tôi tởm những thằng giáo sư trẻ. Chúng nó vô tư cách”.

Giáo sư Định suy nghĩ: “Ở trường sư phạm, người ta không dạy tôi cách đối phó với những đứa học trò ngang tàng. Người ta chỉ truyền cho tôi những kinh nghiệm sư phạm và khả năng chuyên môn. Tôi đã thực tập tại nhiều trường. Những lớp tôi tới thực tập toàn là lớp kiểu mẫu. Tôi cũng đã đọc thêm nhiều sách viết về tâm lý giáo dục. Tuyệt nhiên, tôi chưa được học, được đọc cách giáo huấn phủ đầu những học trò như những thằng đang khiêu khích tôi. Tôi hơi bối rối (…) Vì tôi không thể tưởng tượng “Bầy Thú Trước Bảng Đen” [4] lại có thật trước bảng đen trong lớp học của tôi. Tôi là đứa trẻ nghèo khổ đã chinh phục mọi nỗi gian nan để vươn lên. Tôi kiêu hãnh điều đó. Tôi đã chiến thắng cuộc đời thì không thể thua một vài con ngựa chứng”.

"Ngựa Chứng Trrong Sân Trường" của Duyên Anh

Sang đến thời kỳ “hậu-1975” có nhiều điều đáng nói về giáo dục. Trong niên học 1975-1976, niên học đầu tiên của hai miền Nam-Bắc, lối học tập chính trị được đem áp dụng triệt để ở Miền Nam và cả năm học đó được dành cho "công tác chính trị tư tưởng" cho các học sinh, sinh viên cũng như giáo viên, giảng viên.

Đặc biệt, giáo viên môn Văn và Sử phải là người từ Miền Bắc “tăng cường” vào Nam vì họ là những người có đủ trình độ chính trị để giảng dạy. Chính một cán bộ văn hóa đã tuyên bố một câu hết sức thẳng thừng khi trả lời nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, cũng là một giáo sư đệ nhất cấp: “Miền Nam của các anh chị làm gì có văn hóa!”

Học sinh có một số là con em cán bộ từ Miền Bắc vào và được xếp lớp theo tiêu chuẩn lớp 7 ngoài Bắc thì vào ngồi lớp 9 và lớp 8 leo lên lớp 10 trong Nam. Lý do là bậc trung học của miền Bắc chỉ có 10 năm, còn trong Nam, học trò phải trải qua tới 12 năm.

Về phần giáo viên thuộc chế độ cũ, họ phải làm quen với một số từ ngữ lạ tai như “đứng lớp”, “tiết học”, “giáo trình”, “giáo án”, “phụ đạo”, “ngoại khóa”… rồi cả những cụm từ ngữ như “giáo viên chủ nhiệm”, “học sinh cá biệt”, “lao động xã hội chủ nghĩa”, “dũng sĩ kế hoạch nhỏ”…

Nhà văn Nhật Tiến [5], với gần 4 năm giảng dậy “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa”, đã có nhiều ghi chép khá thú vị về giai đoạn này qua loạt bài “Nhà giáo – một thời nhếch nhác” viết năm 2012 tại California.

Trước khi được gọi là nhà văn, Nhật Tiến đã là một nhà giáo với hơn 15 năm cầm phấn giảng dạy môn Lý-Hóa. Tuy nhiên, sau khi Sài Gòn đổi chủ, ông cảm thấy “mình phải kiêm nhiệm cùng một lúc cả hai vai trò: vừa là thầy giảng dạy, vừa là tên học trò cứ bị nhà trường uốn nắn thường xuyên từ tác phong, cử chỉ cho đến lời ăn tiếng nói”
 

“Tôi sẽ không oán thán gì về cái sự đã làm thầy giáo rồi mà vẫn cứ bị đè cổ ra để bắt học tiếp. Miễn là việc học ấy không bắt tôi phải chối bỏ chính mình, và nó thực sự đem lại cho tôi những kiến thức tốt đẹp để tôi có thể truyền đạt lại cho học sinh trong vai trò của một nhà giáo”.

Và đây là tâm sự thầm kín của Nhật Tiến, một giáo viên được “lưu dung” dưới “mái trường xã hội chủ nghĩa”:

“Trong mấy tuần lễ đầu, lớp học của tôi chỉ lác đác có vài đứa học trò vốn là con em cán bộ từ xa tới, còn hầu hết đều là những học sinh miền Nam cũ. Đứng trên bục giảng, nếu mắt không chạm phải tấm biểu ngữ nền đỏ chữ vàng treo ở bức tường phía cuối lớp thì tôi vẫn tưởng như mình đang giảng dạy trong một lớp học của hai năm trước đó. Nhưng cái cảm giác này bị tan biến đi ngay vì tôi biết rất rõ biểu ngữ này trên có chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã nghiễm nhiên thay thế cho hàng chữ “Tiên học Lễ, hậu học Văn” vốn ngự trị ở đó từ hàng chục năm qua. Hồi đầu hè, đã có lần tôi hỏi một thầy trong Hội Nhà Giáo Yêu Nước là tại sao lại xóa bỏ câu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” thì thầy nhún vai trả lời “tàn dư lạc hậu, hay ho gì cái thứ lễ nghĩa đó”.

“Đám giáo viên thuộc chế độ cũ chúng tôi, bất kể thâm niêm hay cấp lớp giảng dạy, trong niên học đầu tiên mọi người đều được lãnh đồng đều mỗi tháng 30 đồng, và chỉ thay đổi bậc lương khi mỗi người được chính thức vào “biên chế”. Lương 30 đồng mà thời giá khi đó là 10 đồng 1 kí gạo, 1 đồng 1 lon ngô đong vừa đầy một ống lon đựng sữa bò, thì tất nhiên là phải có thêm nhu yếu phẩm cấp phát đi kèm.

Hầu như mỗi tháng 2 kỳ, mỗi giáo viên được lãnh 1 hộp sữa bò, một túi đường trắng có khi là đường bổi, đường miếng (tôi chưa bao giờ cân xem nó nặng bao nhiêu gam), một túi nhỏ đậu xanh hay đậu đen, 1 thếp giấy viết khổ đôi, 2 cuộn giấy đi cầu (loại giấy đã tái chế biến, dầy xộp, có mầu đỏ hồng chứ không phải mầu trắng).

Lâu lâu thì có thêm 1 chai bia hay một gói thuốc lá. Nhưng mấy thứ này thì phải chia nhau. Bia thì cứ hai người một chai, thuốc lá hai người một gói. Ai không uống bia, hút thuốc thì đối lấy đường, lấy đậu xanh, hay ngay cả cuộn giấy đi cầu. Nếu cả hai cùng muốn uống bia thì rút thăm, hoặc mở tại chỗ uống chung, thay phiên nhau môi người một ngụm!”

Nhà văn & Nhà giáo Nhật Tiến

***

Chú thích:

[1] Thanh Tịnh (1911-1988), tên thật là Trần Văn Ninh (6 tuổi được đổi là Trần Thanh Tịnh), các bút danh khác của ông: Thinh Không, Pathé (trước 1945), Thanh Thanh, Trinh Thuần (sau 1945).

Ông sinh ngày 12/12/1911 tại xóm Gia Lạc, ven sông Hương, ngoại ô Huế. Thuở nhỏ, ông theo học chữ Hán đến năm 11 tuổi, thì theo học chữ Quốc ngữ tại trường tiểu học (trường Đông Ba) và trung học (trường Pellerin của giáo hội Thiên Chúa giáo) ở Huế.

Đỗ bằng Thành chung năm 1933, ông đi làm ở các sở tư rồi sau đó làm nghề dạy học. Thời gian này, ông bắt đầu viết văn, làm thơ và cộng tác với các báo Phong hóa, Ngày nay, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ Năm, Thanh Nghị, Tinh Hoa... Sáng tác đầu tay của ông là truyện "Cha làm trâu, con làm ngựa" đăng trên Thần Kinh tạp chí (1934).

Tác phẩm đã xuất bản:

·         Hận chiến trường (thơ, 1937)
·         Quê mẹ (tập truyện ngắn, 1941)
·         Chị và em (truyện ngắn, 1942)
·         Ngậm ngải tìm trầm (truyện ngắn, 1943)
·         Sức mồ hôi (thơ và ca dao, 1954)
·         Những giọt nước biển (tập truyện ngắn, 1956)
·         Đi từ giữa mùa sen (truyện thơ, 1973)
·         Thơ ca (thơ, 1980)
·         Thanh Tịnh đời và văn (1996).

[2] Đọc thêm về Giáo sư Hoàng Xuân Hãn:
Hành trình ngôn ngữ Xưa & Nay: A Bê Xê hay A Bờ Cờ? http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/hanh-trinh-ngon-ngu-xua-nay-be-xe-hay.html

[3] Đọc thêm về nhà văn Duyên Anh:
Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Đốt sách

[4] “Bầy Thú Trước Bảng Đen” là tựa tiếng Việt theo phim “Blackboard Jungle”, của hãng MGM’s, một phim về học đường do tài tử Glenn Ford đóng vai thầy giáo Richard Dadier. Giáo sư Dadier phải đối đầu với đám học sinh “mất dậy” tại Trường trung học North Manual được cầm đầu bởi Gregory Miller do tài tử người da mầu Sidney Poitier đóng. 

[5] Nhật Tiến, sinh năm 1936 tại Hà Nội trong một gia đình trung lưu, có 7 người con (sau có hai người theo nghiệp văn là Nhật Tiến và Nhật Tuấn (http://nhattuan2011.blogspot.com/). Thuở nhỏ, ông học trường Hàng Vôi, rồi học trung học tại trường Chu Văn An (Hà Nội).

Năm 1951, truyện ngắn "Chiếc nhẫn mặt ngọc" của Nhật Tiến được đăng trên tờ Giang Sơn, đây là tác phẩm đầu tiên của ông được đăng trên báo. Khi nhà văn Nhất Linh ra tạp chí Văn hóa Ngày nay, ông được mời cộng tác ngay từ số đầu.

Năm 1954, ông di cư vào Nam, đầu tiên sống tại Đà Lạt, chuyên viết kịch cho Đài phát thanh Ngự lâm quân, rồi về Sài Gòn dạy lý hóa cho các trường tư. Năm 1959 - 1975, ông làm Chủ biên nhà xuất bản Huyền Trân, và làm Chủ bút tuần báo Thiếu Nhi (1971-1975) do nhà sách Khai Trí xuất bản. Ngoài ra, ông còn từng là cây viết đều đặn cho các báo Tân phong, Văn, Bách khoa, Văn học, Đông phương,...

Năm 1975, ông tiếp tục dạy lý hóa ở trường Hưng Đạo cho tới năm 1979, thì vượt biển qua Thái Lan tỵ nạn rồi định cư tại Santa Ana, California từ năm 1980. Một số tác phẩm tiêu biểu của Nhật Tiến:

·         Những người áo trắng (Huyền Trân, 1959)
·         Những vì sao lạc (Phượng Giang, 1960)
·         Thềm hoang (Đời Nay, 1961 - Giải thưởng Văn chương Toàn quốc 1962)
·         Mây hoàng hôn (Phượng Giang, 1962)
·         Người kéo màn (tiểu thuyết kịch, Huyền Trân, 1962)
·         Chuyện Bé Phượng (Đông Phương, 1964)
·         Giấc ngủ chập chờn (Đông Phương, 1967)
·         Vách đá cheo leo (Đông Phương, 1965)
·         Quê nhà Quê người (viết chung với Nhật Tuấn, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1994)

***

Bình luận trên FB:



***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)


Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
--> Read more..

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Năm mới đọc lại thơ xuân cũ

Nói đến thơ ngày Tết là phải nhắc đến Tú Xương [1]. Cuộc sống của Ông Tú Vị Xuyên về vật chất rất thiếu thốn, ông luôn ở trong cảnh túng bấn, vất vả khiến cho lời thơ của ông lúc nào cũng mang chút gì đó cay cú, phẫn nộ, buồn phiền…

Tết đến với Trần Tế Xương vẫn đầy đủ như mọi nhà nhưng chỉ hiện hữu qua những vần thơ trào phúng, chẳng hạn như bài Cảm Tết. Xem ra nhà ông có đủ các thứ ăn chơi trong ba ngày Tết nhưng rốt cuộc… lại chẳng có gì:

Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo,
Tiền của trong kho chửa lĩnh tiêu,
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy,
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu.
Bánh đường sắp gói, e nồm chảy;
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu.
Thôi thế thì thôi, đành Tết khác.
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo.

Trần Tế Xương đã lớn tiếng nhạo báng cả một xã hội đương thời với những lời Chúc Tết sói mòn như “sống lâu trăm tuổi”, “giàu sang phú quý”… Nhà thơ mỉa mai gọi những người xung quanh là “nó”, một loại từ ngữ mang đầy tính cách miệt thị. Tú Xương lại còn lớn lối xưng “ông” một cách ngạo mạn để nói lên tâm sự ngao ngán của kẻ “bất đắc chí”: 

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu ?
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thì mua tước; đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.

Nó lại mừng nhau sự lắm con,
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp người đông đúc,
Bồng bế nhau lên nó ở non.

Đối với Ông Tú Vị Xuyên, năm mới hay năm cũ chỉ là hình thức ước lệ, hay nói khác đi là điều mà thiên hạ bày đặt để phô trương giàu sang phú quý, khăn áo lụa là… thậm chí đến nỗi Sư đi có lọng che và  chú Mán vắt vẻo ngồi trên xe! Thế cho nên mới có bài thơ Năm Mới:

Khéo bảo nhau rằng: mới với me
Bảo nhau rằng cũ chẳng ai nghe
Khăn là bác nọ to tày rế
Váy lĩnh cô kia quét sạch hè.

Công đức tu hành Sư có lọng
Xu hào rủng rỉnh Mán ngồi xe
Phong lưu rất mực ba ngày tết
Kiết cú như ta cũng rượu chè.

Tem kỷ niệm Trần Tế Xương (1870-1907)

Khác hẳn với Tú Xương với giọng điệu trào phúng chua chát, thơ Hàn Mặc Tử [2] được Hoài Thanh mệnh danh là  “...Một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng...”“Vườn thơ Hàn rộng không bờ không bến càng đi xa càng ớn lạnh...”. Trong bài Xuân Đầu Tiên nhà thơ đưa người đọc đến một cảnh sắc xuân mới lạ với những tứ thơ bay bổng thoát trần:

Mai sáng mai, trời cao rộng quá
Gió căng hơi và nhạc lên mây
Đôi lòng cũng ấm như xuân ấm
Chỉ có ao xuân trắng trẻo thay.

Bài thơ Mùa Xuân Chín là cả một bức tranh quê mộc mạc với mái tranh “lấm tấm vàng” và trên giàn thiên lý có “bóng xuân sang”. Hàn Mạc Tử đưa người thưởng thức thơ của ông trở về thực tế qua hai câu cuối thật bất ngờ:

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.
Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi.

Hàn Mặc Tử (1912-1940) 

Theo tôi, Nguyễn Bính [3] có những bài thơ xuân, thơ Tết tuyệt vời nhất. Thơ Nguyễn Bính đến với người đọc thật bình dị nhưng đằm thắm. Ngôn ngữ bình dân trong thơ ông đi thẳng vào trong tim óc người đọc một cách tự nhiên, không màu mè, bí hiểm như nhiều nhà thơ khác. Chẳng hạn như bài Xuân tha hương, ông sử dụng ngôn ngữ nói chuyện nhưng vẫn thành thơ:

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi, chị một em, em một chị
Trời làm xa cách mấy con sông

Cột nhà hàng xóm lên câu đối
Em đọc tương tư giữa giấy hồng
Gạo nếp nơi đây sao trắng quá
Mỗi ngày phiên chợ lại thêm đông

Thiên hạ đua nhau mà sắm Tết
Một mình em vẫn cứ tay không
Vườn nhà Tết đến hoa còn nở
Chị gửi cho em một cánh hồng

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Tết này, ô thế mà vui chán
Nhưng một mình em uống rượu nồng.

Chị ơi, Tết đến em mua rượu
Em uống cho say đến não lòng
Uống say cười vỡ ba gian gác
Ném cái chung tình xuống đáy sông.

Tình chị em máu mủ ruột thịt khiến người đọc rung cảm và Xuân tha hương kết thúc bằng những lời chúc Tết mộc mạc nhưng thắm đượm tình cảm của người em ở xa gửi hết thương yêu cho người chị ở nhà…

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Cầu mong cho chị vui như Tết
Tóc chị bền xanh, má chị hồng

Trong mùa nắng mới sầu không đến
Giữa hội hoa tươi ấm lại lòng
Chắc chị đời nào quên nhắc nhở:
- Xa nhà, rượu uống có say không?

Nguyễn Bính mồ côi mẹ ngay từ lúc được 3 tháng tuổi nhưng ông vẫn xây dựng một hình ảnh người mẹ qua Tết Của Mẹ Tôi, một người mẹ tảo tần, một đời lo cho chồng, cho con, nhất là vào những ngày Tết:

Nuôi hai con lợn tự ngày xưa
Mẹ tôi đã tính "Tết thì vừa"
Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó
Dọn nhà, dọn cửa, rửa bàn thờ.

Nguyễn Bính đã vẽ cảnh Tết “nhà quê” bằng những lời thơ mộc mạc nhưng chứa chan hạnh phúc của người mẹ bên đàn con với những món quà Tết như “pháo chuột”, “tranh gà”:

Nay là hăm tám Tết rồi đây
(Tháng thiếu cho nên hụt một ngày)
Sắm sửa đồ lề về việc Tết
Mẹ tôi đi chợ buổi hôm nay.

Không như mọi bận người mua quà
Chỉ mua pháo chuột và tranh gà
Cho các em tôi đứa mỗi chiếc
Dán lên khắp cột, đốt inh nhà.

Đến sáng mồng một Tết các con mỗi đứa được mừng tuổi “năm xu rưỡi”. Nhưng tại sao lại “năm xu rưỡi” mà không phải là 5 xu hay 6 xu? Ý của mẹ là “cái rưỡi” nói lên sự thừa thãi, dồi dào sẽ đem lại may mắn cho các con. Nguyễn Bính quả thật là ý nhị:   

Sáng nay mồng một sớm tinh sương
Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường
Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi
Rửa mặt hoa mùi nước đượm hương

Về tình yêu, những dòng lục bát của Nguyễn Bính có sức lan tỏa mãnh liệt trong lòng người đọc qua bài Rượu xuân, vừa vui lại vừa buồn. Thơ lục bát vốn là thế mạnh của Nguyễn Bính với lối gieo vần chân phương, kỹ thuật láy chữ tuyệt vời nhưng vẫn không phá cách:

Cao tay nâng chén rượu hồng,
Mừng em, em sắp lấy chồng xuân nay.
Uống đi! Em uống cho say!
Để trong mơ, sống những ngày xuân qua.

Thấy tình duyên của đôi ta,
Đến đây là ... đến đây là ... là thôi!
Em đi dệt mộng cùng người,
Lẻ loi xuân một góc trời riêng anh.

Nguyễn Bính (1918-1966) 

Không như Nguyễn Bính “chân quê” từ lời đến ý, Xuân Diệu lại khác hẳn: lời thơ của ông “màu mè” và có đôi chút “làm dáng”, ý thơ của ông cũng mang nhiều bất ngờ, khó đoán trước. Chẳng hạn như bài Xuân Không Mùa:  

Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng;
Xuân là khi nắng rạng đến tình cờ,
Chim trên cành há mỏ hót ra thơ;
Xuân là lúc gió về không định trước.

Thậm chí xuân của ông còn hiện hữu ở cả mùa đông, mùa hè, mùa thu… Đó cũng là điều dễ hiểu vì đối với những kẻ đang yêu, thời gian lúc nào cũng là mùa xuân dài tưởng chừng như vô tận. Chỉ đến khi đôi lứa chia tay mới bước vào mùa đông lạnh giá.

Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé;
Giữa mùa hè khi trời biếc sau mưa;
Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa
Lùa thanh sắc ngẫu nhiên trong áo rộng.

Miễn trời sáng, mà lòng ta dợn sóng,
Thế là xuân. Hà tất đủ chim, hoa?
Kể chi mùa, thời tiết, với niên hoa,
Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng

Xuân Diệu (1916 –1985)

Nói về thơ xuân không thể nào bỏ qua bài Ông Đồ của Nguyễn Đình Liên [5]. Bài thơ Ông Đồ được giới phê bình văn học xem là một trong mười bài thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ Mới nhưng Nguyễn Đình Liên lại chưa hề xuất bản một tập thơ nào.

Đầu năm 1941, trong một bức thư gửi Hoài Thanh khi đang viết cuốn Thi nhân Việt Nam, Vũ Đình Liên viết "Tôi bao giờ cũng có cái cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình. Cũng vì không tin thơ tôi có chút giá trị gì nên đã lâu tôi không làm thơ nữa". Hoài Thanh nhận xét Vũ Đình Liên đã hạ mình quá đáng.

Vũ Đình Liên là một trường hợp hiếm hoi trong làng thơ khiến nhiều người gọi ông là “nhà thơ một bài” dù con ông còn giữ được khoảng 4.000 bài thơ ông viết. Chỉ cần một bài Ông Đồ cũng khiến người ta nhớ mãi:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”.

Nhưng mỗi năm mỗi vắng.
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...

Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy:
Ngoài trời mưa bụi bay.

Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Trong dịp khai bút đầu xuân Nhâm Tuất 1982, Vũ Đình Liên có viết bài Bóng Ông Đồ, như là muốn họa lại bài thơ cũ Ông Đồ:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bút nghiên và giấy đỏ
Ngồi đúng chỗ ngồi xưa.

Ôi ! Cái nghiệp nghiên bút
Tô điểm cho cuộc đời
Người chết nghiệp không chết
Nợ tiền kiếp luân hồi.

Trải trăm ngàn dâu bể
Giấy mực màu không thay
Chữ Nhân và chữ Nghĩa
Vẫn những nét thẳng ngay.

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Khăn áo bạc màu dưa
Nhắc cho người qua thấy
Lẽ Nhân đạo, Thiên cơ.

Cách Mạng là nhân nghĩa
Ông Đồ là thi thư
Chữ tuôn dòng Thiện Mỹ
Từ ngón tay ông Đồ.

Bài thơ Ông Đồ vẫn có sức lan tỏa đến tận thời đại ngày nay. Một “thi sĩ bất đắc dĩ” nào đó cũng mượn ý của Nguyễn Đình Liên để nói lên tính thời sự của xã hội hiện tại khi vật giá leo thang chẳng khác nào thời “kiệm ước” trước năm 1975:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông chủ nhà
Miệng tươi cười hớn hở
“Tăng giá rồi đó nha!”

Vũ Đình Liên năm 66 tuổi (1979)
(ảnh baobinhdinh.com.vn)

Nói đến ông đồ khiến tôi liên tưởng đến một phong tục đẹp trong văn hóa Việt Nam với những câu đối Tết chẳng hạn như:

"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Cây Nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh"

Một ký giả người Pháp đã viết trên Tuần báo Đông Dương năm 1942 về truyền thống văn hóa này: "... Những ông đồ nghèo đã thuê mướn từ 10 ngày trước tết, một dãy vỉa hè hay mặt tiền của một căn nhà, một góc phố - viết trên những tờ giấy màu đỏ những nét chữ vàng hay bạc... để nhận lấy một số tiền nhỏ nhoi…

Cái tác dụng thần bí ấy đã thúc đẩy người ta phải chi phí một số tiền để mua sắm, trang hoàng ở cửa, ở cột, ở sàn nhà... hoặc trên tường, trên vách... những loại xuân liễn, những câu đối. Mặc dù nền nho học đã cáo chung, nhưng những thầy đồ vẫn xuất hiện trong lớp áo xơ bông, ngồi run lập cập trên manh chiếu để nắn nót những con chữ Nho cuối cùng và câm lặng ấy”.

Nguyễn Công Trứ có câu đối Tết:

"Tối ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa.
Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông phúc vào nhà"

Trong số hàng trăm câu đối Tết, tôi thích nhất câu này:

"Không có nhưng giàu, giàu nghĩa, giàu tình, giàu trí tuệ
Không giàu nhưng có, có làng, có xóm, có anh em".

Ông đồ ngồi viết câu đối Tết

Thơ xuân ngày Tết còn nhiều, rất nhiều. Đề tài này gợi hứng cho giới làm thơ, từ các thi sĩ thời tiền chiến như Hồ Dzếnh (Xuân Ở Quê Em, Xuân Đôi Ta, Xuân Ý…), Huy Cận (Sang Xuân…) cho đến các nhà thơ Sài Gòn xưa như Đinh Hùng (Thanh Sắc), Nguyên Sa (Mùa Xuân Buồn Lắm Em Ơi), Kim Tuấn (Anh Cho Em Mùa Xuân), Nguyễn Tất Nhiên (Mùa Xuân Chim Núi), Bùi Chí Vinh (Bài Thơ Lì Xì)…

Sau khi viết bài này tôi tự nhiên ngẫu hứng cũng ti toe làm thơ! Bốn câu thơ “con cóc” dưới đây được sáng tác ngày mồng một Tết Giáp Ngọ và đã post trên Facebook để thay lời chúc xuân đến tất cả mọi người:

Chào năm mới, mùa xuân Giáp Ngọ
Tết của mọi nhà, Tết của niềm vui
Trăm họ an khang, muôn người hạnh phúc
Hưởng lộc trời hòa khúc tân xuân.

***

Chú thích (theo Wikipedia):

[1] Trần Tế Xương (1870-1907) còn được gọi là Tú Xương, tên bố mẹ đặt cho lúc đầu là Trần Duy Uyên. Ông sinh ngày 5/9/1870 tại làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định nên còn được gọi là Ông Tú Vị Xuyên.

Tác phẩm của Tú Xương không có di cảo, không có những công trình đáng tin cậy tập hợp tác phẩm khi tác giả còn sống hoặc vừa nằm xuống. Sinh thời, nhà thơ sáng tác dường như chỉ để tiêu sầu hoặc mua vui, thơ làm đọc lên cho vợ con, bạn bè nghe, rồi tùy ý truyền khẩu.

Nói đến tài làm thơ của Tú Xương, nhiều người đã đặc biệt chú ý đến sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình. Với Tú Xương, vẫn chưa thấy chắc chắn có bài thơ chữ Hán nào, chỉ thấy thơ Nôm viết bằng các thể loại cổ điển: thơ luật Đường: thất ngôn bát cú, tứ tuyệt; phú; văn tế; câu đối; hát nói; lục bát. Ở thể loại nào Tú Xương cũng tỏ ra là một nghệ sĩ bậc thầy.

Tên ông không phải là Xương theo nghĩa xương thịt nhưng người đời sau, mấy vị chuyên làm thơ trào phúng đã cố tình đùa nghịch và "xuyên tạc", gắn cho cái nghĩa xương thịt, để rồi tự nguyện suy tôn Tú Xương lên “bậc tổ sư”, còn mình là môn đệ. Và như thế là lịch sử văn học Việt Nam ở thế kỷ 20 bỗng nhiên có một "môn phái" gồm Tú Xương, rồi Tú Mỡ, Tú Sụn, Cử Nạc và thêm "chi phái" Tú Poanh, Đồ Phồn cũng là dòng tú, cử, đồ với nhau cả.

Mộ Trần Tế Xương tại thành phố Nam Định

[2] Hàn Mặc Tử (1912-1940) tên thật là Nguyễn Trọng Trí, là nhà thơ khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam. Hàn Mặc Tử cùng với Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.

Theo gia đình Hàn Mặc Tử, thì vào khoảng đầu năm 1935, họ đã phát hiện những dấu hiệu của bệnh phong trên cơ thể ông. Tuy nhiên, ông cũng không quan tâm vì cho rằng nó là một chứng phong ngứa gì đó không đáng kể. Năm 1938-1939, Hàn Mặc Tử đau đớn dữ dội, bên ngoài không ai nghe ông rên rỉ than khóc mà chỉ gào thét trong thơ.

Ông bỏ tất cả quay về Quy Nhơn vào nhà thương Quy Hòa (20/9/1940) và từ trần ngày 11/11/1940 khi mới bước sang tuổi 28. Cuộc đời của ông được biết đến với nhiều mối tình, với nhiều người phụ nữ khác nhau, đã để lại nhiều dấu ấn trong văn thơ của ông - có những người ông đã gặp, có những người ông chỉ giao tiếp qua thư từ, và có người ông chỉ biết tên như Hoàng Cúc, Mai Đình, Mộng Cầm, Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện.


Hàn Mặc Tử và những người tình trong thơ:
Thương Thương, Kim Cúc, Mộng Cầm, Ngọc Sương, Mai Đình

[3] Nguyễn Bính (1918-1966) là một nhà thơ lãng mạn được coi như là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc. Ông ra chào đời vào đúng ngày mồng ba Tết năm Mậu Ngọ với tên thật là Nguyễn Trọng Bính tại tỉnh Nam Định và chỉ 3 tháng sau mẹ ông mất.

Bài thơ đầu tiên của Nguyễn Bính được đăng báo là bài Cô hái mơ. Năm 1937 Nguyễn Bính gửi tập thơ Tâm hồn tôi tới dự thi và đã được giải khuyến khích của nhóm Tự lực Văn đoàn. Từ năm 1940, Nguyễn Bính bắt đầu nổi tiếng với số lượng thơ khá dày, đề tài phong phú, trong đó chủ yếu là thơ tình.

Vào Huế, Nguyễn Bính gửi thơ ra Bắc đăng báo trong đó có Xuân tha hươngOan nghiệt. Sau đó Nguyễn Bính lại trở về Hà Nội, rồi lại vào Sài Gòn. Trong thời gian này Nguyễn Bính đã gặp nhà thơ Đông Hồ, Kiên Giang. Có lúc ông cư ngụ trong nhà Kiên Giang. Đó là thời ông viết những bài Hành Phương Nam, Tặng Kiên Giang, Từ Độ Về Đây

[4] Xuân Diệu (1916 –1985) nổi tiếng từ phong trào Thơ Mới với tập Thơ thơGửi hương cho gió. Những bài được yêu thích nhất của Xuân Diệu là thơ tình làm trong khoảng 1936-1944, thể hiện một triết lý bi quan, tuyệt vọng về tình ái nhưng lại có một mạch ngầm thúc giục, nhiều khi hừng hực sức sống. Nhờ đó, ông được mệnh danh là "Ông Hoàng Thơ Tình". Sau 1945, thơ ông chủ yếu ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam và thơ tình của ông không còn được biết đến nhiều như trước.

Ông tên thật là Ngô Xuân Diệu, quê quán làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Xuân Diệu lớn lên ở Quy Nhơn, sau khi tốt nghiệp tú tài, ông đi dạy học tư và làm viên chức ở Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), sau đó ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn, là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn (1938–1940).

Xuân Diệu tốt nghiệp cử nhân Luật năm 1943, bên cạnh sáng tác thơ, ông còn tham gia viết báo cho các tờ Ngày NayTiên Phong. Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh).

[5] Vũ Đình Liên (1913-1996) sinh tại Hà Nội, nhưng quê gốc ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông đỗ tú tài năm 1932, từng dạy học ở các trường: Trường tư thục Thăng Long, Trường Gia Long, Trường nữ sinh Hoài Đức để kiếm sống. Ông học thêm trường Luật đỗ bằng cử nhân, về sau vào làm công chức ở Nha Thương chính (còn gọi là Sở Đoan) Hà Nội.

Năm 1936, ông được biết đến với bài thơ Ông Đồ đăng trên báo Tinh Hoa. Những bài thơ hiếm hoi được biết đến của ông đều mang nặng nỗi niềm hoài cổ, về lũy tre xưa, về thành quách cũ và "những người muôn năm cũ". Ngoài bài thơ Ông Đồ, ít ai biết Vũ Đình Liên còn có chùm thơ về người đàn bà điên gồm Người đàn bà điên ga Lưu Xá, Gặp lại người đàn bà điênNgười điên – Nàng điên

Chủ đề về những con người nghèo khổ, tàn tạ, thuộc về một thời đã qua là lựa chọn chủ động của Vũ Đình Liên khi sáng tác, dù thơ ông được xếp vào phong trào Thơ Mới – nổi tiếng với những vần thơ ca ngợi tình yêu, tuổi trẻ.

***

Bình luận trên FB:



***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
--> Read more..

Popular posts