Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2025

“Dâm thư” dưới con mắt người xưa

“Đàn ông chớ kể Phan Trần

Đàn bà chớ kể Thuý Vân, Thuý Kiều”

Ngày xưa, Truyện Phan Trần và Truyện Kiều được liệt vào hạng “dâm thư” trong văn học. Đơn giản chỉ vì nhiều truyện Nôm thời trung đại viết về chủ đề “hôn nhân tự do giữa trai gái” thường bị xếp vào loại “không đứng đắn” theo quan niệm cổ hủ của người xưa.

Nổi bật nhất là “Truyện Kiều” với hai chị em Thuý Kiều – Thuý Vân, cuộc đời Thuý Kiều là cả một giai đoạn đầy sóng gió trong khi cô em lại phẳng lặng như nước hồ thu. Thế cho nên cụ Nguyễn Công Trứ mới phải viết lên những câu thơ ngán ngẩm với cảnh “anh hùng dại gái” hay “con đĩ với mưu quan”:

“Bốn bể anh hùng còn dại gái

Thập thành con đĩ mắc mưu quan”

Lần đầu tiên gặp Kim Trọng nhân tiết Thanh Minh, Thuý Kiều tượng trưng cho một thiếu nữ khuê các nhưng định mệnh đã thay đổi một góc 180 độ để biến nàng thành một gái lầu xanh qua lời dạy của mụ Tú Bà:

“Này con thuộc lấy nằm lòng

Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề

Chơi cho liễu chán hoa chê

Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời”

Dĩ nhiên, những quan niệm khắt khe của Nho giáo từ thế kỷ thứ 16 trước mối quan hệ trai gái qua những truyện Nôm ngang trái đã trở thành một món ăn tinh thần đối với một số người đọc.

Đó cũng là một loại vũ khí đấu tranh giai cấp trong một xã hội vốn đã bao đời nay bị trói buộc trong khuôn khổ của lễ giáo. Trịnh Tạc (1657-1682) ra lệnh đốt sách Nôm và ban hành 47 điều giáo hoá nghiêm khắc:

“Thần liêu ở vương phủ thông truyền cho quan dân toàn quốc biết rằng: Phàm sách vở nào có quan hệ đến sự giáo hoá trong đời mới được xuất bản phải bị nghiêm cấm. Lâu nay những người hiếu sự hay lượm lặt sách vở bằng Nôm, không phân biệt gì nên xem hay không, cứ xuất bản để lấy lợi. Từ nay trở về sau, nhà nào có tàng trữ các sách ấy, kể cả bản in, chính phủ đều thu đốt hết…”.

Năm 1760, thời Trịnh Doanh, nhà Chúa sai diễn nôm điều 35 ra quốc âm, có những câu như sau để bảo vệ “thói nhuần”, một từ ám chỉ đạo đức, nề nếp, gia phong từ ngàn xưa để lại:

“Cũng là truyện cũ nôm na

Hết thơ tập ấy, lại ca khúc này

Tiếng dâm dễ khiến người say

Chớ cho in bán hại thay thói nhuần”.

 

Truyện Kiều

 

Truyện “Phan Trần”, chỉ đứng sau “Truyện Kiều” về mức độ nổi tiếng. Đây cũng là quy luật khắc nghiệt của sự sáng tạo nghệ thuật, quyền lực của ý thức hệ thời đại luôn chi phối các diễn ngôn, trong bối cảnh ấy, truyện “Phan Trần” bị cấm đoán là dễ hiểu!

“Phan Trần” có cốt truyện bên Trung Quốc thời nhà Tống, dài 940 câu lục bát, kể hai người bạn Phan Công và Trần Công cùng học, cùng đỗ đại khoa, cùng làm quan trong triều. Hai người vợ cùng có mang nên hai nhà bèn đính ước nếu một bên sinh trai, một bên sinh gái sẽ cho đôi trẻ kết duyên.

Họ Phan đẻ con trai đặt tên Tất Chánh, họ Trần sinh gái lấy tên Kiều Liên. Sau này Phan sinh (Tất Chánh) đỗ thủ khoa thi Hương nhưng trượt thi Hội nên ở lại kinh đô ôn luyện.

Mẹ con Kiều Liên chạy loạn mà lạc nhau. Kiều Liên dạt vào chùa Kim Lăng đi tu lấy pháp danh Diệu Thường. Phan sinh ngẫu nhiên đến thăm người cô tu ở chùa này rồi ở lại đó, gặp và đem lòng yêu ni cô Diệu Thường trẻ đẹp. Bị từ chối Phan sinh ốm tương tư.

Động lòng thương, Diệu Thường đến thăm…Mối tình bén duyên, họ hẹn nhau chàng thi đỗ sẽ kết hôn… Phan sinh đỗ Thám hoa và trở lại chùa. Vợ chồng về quê sum họp. Chàng lại lên đường dẹp giặc. Thắng lợi, chàng trở về cùng vợ hạnh phúc suốt đời.

Câu chuyện tiêu biểu cho những biến cố như gặp gỡ - tai biến - lưu lạc - đoàn viên chẳng khác gì “Truyện Kiều”. Đó là một chuyện tình lãng mạn dựa trên cái trục ngẫu nhiên: gặp nhau, yêu nhau mà không nhận ra nhau.

Cái kết viên mãn là sự trở về ý nguyện tốt đẹp ban đầu: lấy nhau trong vinh hiển tột đỉnh, vợ đẹp, chồng đỗ cao, làm quan lớn, có công trạng to. Một giấc mơ đẹp như thế, ai mà không ao ước?

Nhân vật chính là chàng Phan sinh đa tình, quyết đi theo tiếng gọi của trái tim mình sẵn sàng bỏ qua “đính ước” của gia đình đã sắp đặt sẵn. Gặp Diệu Thường là chàng quên luôn Kiều Liên. Như vậy Phan sinh là con người của hôn nhân tự do hơn là một con người khắc kỷ đi theo nếp mòn phong kiến.

Chàng bị nhà Nho thủ cựu phản đối là hợp tình, hợp lý. Chàng là hiện thân của tình yêu vô tư, gặp người mình thích là yêu, không so đo, tính toán, không cân nhắc dở hay, thậm chí không xét đoán gốc gác theo kiểu “lấy vợ xem tông”...

Tuy ra đời đã mấy trăm năm nhưng tác phẩm “Phan Trần” đã đạt tới bút pháp tâm lý khá nhuần nhị. Một chàng thanh niên Phan sinh tình cảm, nhất là trong những ngày xa nhà trọ học:

“Ngậm ngùi trông cảnh gia hương

Đã thiên gợi nhớ, lại chương ngậm sầu

Hơi gió lọt, bóng trăng thâu

Đòi khi giở chiếc trâm nhau ra nhìn”.

“Tâm trạng tương tư” cũng được miêu tả tinh tế, đúng với bút pháp phân tích tâm lý trong “Truyện Kiều”: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Khi Phan sinh “tương tư” Diệu Thường thì:

“Trăng thiền vằng vặc in lầu

Lâm râm đèn hạnh gượng sầu thiu thiu

Tiếng chuông, tiếng cảnh, tiếng tiu

Sách nhìn biếng đọc, cầm treo biếng đàn

Bấy nay nương náu thiền quan

Muối dưa nhạt nhẽo, sương hàn pha phôi

Lại thêm sầu não đứng ngồi

Đá kia cũng đổ bồ hôi, lọ người”.

Người sầu nên ánh sáng ngọn đèn cũng “gượng sầu”“lâm râm”, mà “thiu thiu” như ngủ. Người buồn nên vốn mặn mòi như muối như dưa cũng thành “nhạt nhẽo”… Còn khi người được yêu thì khác hẳn, cảnh vật như xôn xao, sống động hẳn lên, thời gian như trôi nhanh hơn, gấp gáp hơn, vội vàng hơn:

“Khúc cầm thông mới dạo sương

Chào oanh, sớm đã vội vàng tin mai

Lân la tháng bụt ngày trời

Hạ qua, thu tới, đông rồi lại xuân

Vũ môn mừng đã đến tuần

Phượng loan rày gặp phong vân phải tầm”.

Nhưng sao lại “tháng bụt ngày trời”? Bụt thì hiền, trời thì thiêng: thì ra khi đã có tình yêu thì thời gian vô hình cũng trở nên hữu hình, rất hiền, rất thiêng, rất quý, rất trọng… Các cụ ta rất có lý không cho con cháu mình đọc “Phan Trần” khi mà nhân vật chính đi học thi mà lại có những tâm trạng và hành vi “mê gái” suốt đêm, lại được miêu tả thật thi vị, nên thơ:

“Đêm thanh nguyệt gác rèm thưa

Xa trông bóng đã đèn khuya cách lầu…

Sao tàn, sương dịu, tuyết êm

Góc tường ẩn bóng bên thềm lân la

Thừa khi gió quạt cánh gà

Lay mành mượn tiếng nàng ba lọt vào”

Và những tâm trạng tương tư của nàng Diệu Thường cũng mê hoặc, mời gọi biết bao chàng trai tuổi học trò:

“Đã đành góc bể bên trời

Lân la ngày bạc quá vời xuân xanh

Một mình những tủi duyên mình

Nén hương biếng thắp, quyển kinh ngại nhìn”…

 

Truyên Phan Trần

 

Xã hội Phương Tây cũng đã có một cái nhìn khe khắt về “dâm thư”. Tiểu thuyết “Người tình của phu nhân Chatterley” của nhà văn người Anh D. H. Lawrence được in bí mật năm 1928 ở Ý, và 1929 ở Pháp. Tác phẩm cũng từng bị cấm ở Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ vì bị cho là “có nội dung tục tĩu”.

Tại Vương quốc Anh, quê hương của cuốn sách, mãi đến năm 1960, ấn bản đầy đủ không bị cắt xén của sách mới được xuất bản. Sách ngay lập tức bán được 3 triệu bản. Lý do sách được xuất bản là nhờ một phiên tòa xử vụ kiện Nhà xuất bản Penguin theo “Đạo luật Xuất bản Khiêu dâm” năm 1959.

Penguin đã thắng kiện nhờ chứng minh được “Người tình của phu nhân Chatterley” có giá trị nghệ thuật, từ đó các tác phẩm có tính khiêu dâm ở Anh được xuất bản cởi mở hơn.

 

Một trong những phiên bản chưa được kiểm duyệt của Hoa Kỳ (1959)

 

Sách mô tả mối quan hệ đầy sắc dục giữa phu nhân Chatterley, một phụ nữ có người chồng không còn "khả năng chăn gối" sau chiến tranh, và người đàn ông làm vườn tên Oliver Mellors.

Sách mô tả kỹ lưỡng những cảnh làm tình, từng là đối tượng bị kiểm duyệt ở nhiều quốc gia vì những câu chữ quá táo bạo so với thời cuộc: những từ mô tả bộ phận sinh dục, hành vi tình dục…

Khi mối quan hệ giữa Lady Chatterley và Mellors phát triển, họ tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa tâm hồn và thể xác. Bà ấy (Connie) biết rằng tình dục không chỉ là một hành động đáng xấu hổ và đáng thất vọng, và anh ấy cũng biết về những thách thức về mặt tinh thần đến từ tình yêu thể xác.

Người thợ săn bảo vệ rừng (Mellors) của trang viên đã đốt cháy lên ngọn lửa tình yêu và khát vọng của Connie, nàng thường xuyên đến ngôi nhà nhỏ gặp gỡ anh thợ săn và luôn luôn bị giằng xé giữa tình yêu đối với chồng và khát khao dục vông của bản thân…

Phu nhân Chatterley luôn sống trong những xúc cảm giữa trách nhiệm của một người vợ với người chồng tàn tật và tình cảm dạt dào, đầy bản năng với một người tình hấp dẫn, quyến rũ. Những giằng xé, suy tư, những đấu tranh với chính mình diễn ra như thế nào được D.H.Lawrence thể hiện thật lãng mạn, nhẹ nhàng và sâu lắng.

Không chỉ vì những cảnh tình dục nóng bỏng, một số người đọc cảm thấy bất bình vì cuốn tiểu thuyết sử dụng khuyết tật của Cliff để bào chữa cho mối tình của Connie và Oliver. Ngay cả cha mẹ của Connie cũng từng khuyên cô nên ở lại với Cliff bất kể anh ấy có ra sao.

Cliff là đại diện cho tầng lớp quý tộc cũ với tư tưởng bóc lột những người lao động. Connie thì trái lại, chính vì vậy câu chuyện còn nêu lên các vấn đề trong phân tầng xã hội.

Các mối quan hệ trong “Người tình của phu nhân Chatterley” không chỉ là câu chuyện về thể xác mà nó còn lên án việc những vòng cương tỏa của xã hội đẩy con người vào trong bi kịch.

Một số chủ đề bàn rằng cách miêu tả những cảnh nóng trong truyện khá giống với những cuốn tiểu thuyết hiện đại dù nó được viết gần 100 năm trước. Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng cuốn sách của DH Lawrence lại là một trường hợp khác.

Các cảnh nóng trong “Người tình của phu nhân Chatterley” là cách tác giả đang phần nào nêu lên những điều cấm kị trong xã hội lúc bấy giờ. Vì vậy chúng bớt bị sáo rỗng hơn.

Bên cạnh đó, người đọc cũng cảm thấy rằng cuốn sách không cổ súy cho việc ngoại tình. Xét về thời điểm tác giả cho ra mắt cuốn sách, độc giả lại thấy được thông điệp về hành trình tìm tự do và hạnh phúc trong một xã hội tầng lớp tinh hoa ngày càng trở nên mục rỗng. Dù vậy, cuốn sách vẫn là chủ đề gây ra nhiều tranh cãi.

“Người tình của Phu nhân Chatterley” đứng thứ 39 trong Top 100 cuốn sách của thế kỷ 20 do báo Le Monde của Pháp bình chọn. Sự giằng xé giữa tình yêu - tình dục - trách nhiệm được Lawrence khai thác trong mối quan hệ tay ba giữa một người phụ nữ xinh đẹp và hai người đàn ông.

Phu nhân Chatterley luôn sống trong những xúc cảm bộn bề giữa trách nhiệm của một người vợ với người chồng tàn tật và tình cảm dạt dào, đầy bản năng với một người tình hấp dẫn, quyến rũ.

 

“Người tình của phu nhân Chatterly”

 

Ngày nay, tình yêu và tình dục thường được nhìn nhận là hai thái cực không thể nào tách rời. Cũng vì thế, “dâm thư” đã có phần thay đổi theo thời gian, có phần “thoáng” hơn ngày xưa.

Đó cũng là khác biệt của hai thời đại giữa cũ và mới!

 

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts