Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2019

Bài học về một cuộc chiến thầm lặng

Đã gọi là “một cuộc chiến” thường thì phải nghe tiếng súng, tiếng hò hét vì những mục tiêu như đất đai, hay rộng hơn là về ý thức hệ. Bài viết này không nói đến những cuộc chiến đó. Trái lại, đây là một cuộc chiến thầm lặng, xảy ra tại Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 19 và kéo dài đến 13 năm.

Đó là thời kỳ mà người Mỹ gọi là “Prohibition”, hay còn được hiểu là “Luật cấm rượu”, còn có tên “Dry Amendment” (Tu chính án Khô khan… vì khô không rượu). Ngày 16/01/1919 đã có 36 tiểu bang thông qua Luật Cấm Rượu và đến ngày 29/11/1920 Tu chính án thứ 18 được Quốc hội chính thức thông qua. Đến ngày 5/12/1933 luật này bị bải bỏ bởi tu chính án thứ 21.

Ngày 16/01/1919 đã có 36 tiểu bang thông qua Luật Cấm Rượu

Luật Prohibition nghiêm cấm trên phạm vi toàn nước Mỹ mọi việc có liên quan đến “sản xuất, bán hoặc vận chuyển các loại đồ uống có cồn độc hại nhằm mục đích giải khát”.
Bất chấp sự phủ quyết của Tổng thống Woodrow Wilson, đạo luật này quy định việc thi hành lệnh cấm trên toàn nước Mỹ, bao gồm việc thành lập một đơn vị thực thi lệnh cấm của Bộ Tài chính.

Mục đích của luật cấm rượu là muốn tạo một xã hội lành mạnh, không bị ảnh hưởng bởi những tệ nạn do rượu gây ra. Luật cấm rượu ra đời trong bối cảnh nước Mỹ vừa thoát ra khỏi Đệ nhất Thế chiến (1914-1918) và nó cũng nhắm vào những người nấu rượu mà đa số là di dân người Mỹ gốc Đức.

Xã hội Mỹ thời đó bị phân hóa bởi hai phe: họ là những người “ướt át” (wet), những bợm nhậu cần một thứ “đưa cay” cho đời lên hương sau một ngày làm việc mệt mỏi. Họ phản đối kịch liệt lệnh cấm.

“Tôi không là con lạc đà… tôi muốn bia”

Ở một thái cực khác là những người ủng hộ lệnh cấm, họ (phần đông là phụ nữ), là những người chủ trương một cuộc sống không rượu, hay còn được gọi là “khô khan” (dry). Một trong những khẩu hiệu cổ súy lệnh cấm rượu nghe thật hấp dẫn: “Ngày nào cũng là Ngày Chủ nhật khi thị trấn khô khan [không rượu]”.


Một trong những bích chương phụ nữ ủng hộ lệnh cấm một cách cực đoan và thật dễ thương: “Môi đã đụng vào rượu sẽ không đụng vào môi của chúng tôi”!

Phụ nữ bên bích chương ủng hộ Luật Cấm Rượu

Biểu quyết một đạo luật xem ra dễ dàng hơn việc thi hành đạo luật đó. Theo luật cấm rượu, các bác sĩ được quyền cho toa mua rượu như là “thuốc chữa bệnh” và điều này đã bị lạm dụng trong thời kỳ cấm rượu. Việc sở hữu và tiêu thụ rượu của từng cá nhân cũng vẫn được tôn trọng và đó chính là một trong những trở ngại trong việc thi hành luật.

Trước khi có luật cấm rượu, những quán rượu mở cửa “hợp pháp”… những quán này bỗng chốc biến thành “speakeasy”, hay “blind pig” một cách lén lút khi luật cấm rượu có hiệu lực. Đó là những từ ngữ ám chỉ nơi phục vụ rượu… “bất hợp pháp”. Người ta thống kê có đến 200.000 “speakeasies” trên khắp nước Mỹ trong thời kỳ cấm rượu.

Dân chúng còn tự nấu rượu tại nhà. Vào thời đó, kho tử vựng tiếng Anh có những thuật ngữ đặc biệt để ám chỉ việc nấu rượu lậu như “moonshine”, những sản phẩm làm ra còn được gọi là “bath-tub gin” hay “home-brewed beer”. Người Mỹ quả là có óc khôi hài khi đặt ra một cái tên… “rượu Gin nước bồn tắm”!

Bảng tiếp thị “speakeasy” vẽ ngay trên lề đường

Còn nhớ, ở Việt Nam vào thời Pháp thuộc, dù không có luật cấm rượu, nhưng nhân viên Sở Đoan và Công quản nhà nước được phép kiểm tra cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu bất kể giờ nào. Sản xuất rượu ngoài giờ khai báo cũng bị phạt tiền.

Nhân viên Sở Đoan có quyền lùng sục để bắt rượu lậu, mọi hành vi chống đối đều bị nghiêm trị. Trong nhiều truyện thời Pháp thuộc, có nói đến tình trạng dân muốn vu vạ cho ai thì đem chôn rượu lậu trong vườn nhà người đó rồi báo Sở Đoan, không khác gì cách ném ma túy vào nhà bây giờ.

Người Pháp xây một lò rượu ở phố Nguyễn Công Trứ bây giờ gọi là Rượu Ty và nắm độc quyền rượu. Trụ sở của nhà máy rượu lớn nhất nước này lúc ấy đóng tại khu đất nay là Đại sứ quán Cộng hòa Pháp góc đường Trần Hưng Đạo-Bà Triệu bây giờ. Trên cửa các đại lý rượu bao giờ cũng treo cái biển có chữ RA (Regie Alcohol). Tham khảo thêm bài viết về Tứ đổ tường tại http://chinhhoiuc.blogspot.co.nz/2012/09/sai-gon-tu-o-tuong-4-ruou-che.html.

Nấu rượu lậu thời Pháp thuộc tại Nam Định

Trở lại với luật cấm rượu tại Hoa Kỳ. Việc cấm rượu đã dẫn tới hậu quả là giá rượu tăng cao, buôn bán rượu mang lại lợi nhuận lớn kéo theo các băng nhóm mafia chuyên buôn lậu rượu.

Những người buôn rượu lậu bắt đầu đưa rượu vào Hoa Kỳ qua các đường biên giới Canada và Mexico. Rượu cũng còn được nhập lậu theo đường biển đến Hoa Kỳ từ các đảo quốc như Bahamas, Cuba, các đảo thuộc Pháp như St. Pierre và Miquelon ngoài khơi Canada.

Biểu tình của các công nhân vận tải biển và cựu quân nhân

Lực lượng thực thi việc cấm rượu chỉ vào khoảng 3.000 nhân viên, tập trung tại vùng biên giới với Canada và Mexico. Thêm vào đó là lực lượng tuần duyên nhằm ngăn chận việc nhập lậu qua đường biển. Tiền lương của những nhân viên (agents) thực thi lệnh cấm rượu rất thấp nên đã có hiện tượng tham nhũng trong hàng ngũ này.

Một số nhân viên công lực tại Chicago đã bị mua chuộc bởi các băng nhóm gansters có liên quan đến hoạt động rượu lậu. Tại New York có khoảng 7.000 vụ bắt bớ vì vi phạm luật cấm rượu, còn tại các tiểu bang khác hoạt động truy lùng tội phạm hầu như không được tiến hành công khai trước công chúng.

Nhân viên công lực và công tác thực thi luật cấm rượu

Trong sáu tháng đầu tiên, đơn vị này đã phá hủy hàng ngàn tháp chưng cất bất hợp pháp được điều hành bởi “những người buôn rượu lậu” (bootleggers). Tuy nhiên, các nhân viên liên bang và cảnh sát chỉ làm chậm dòng chảy của rượu, và các tội phạm có tổ chức dần phát triển mạnh ở Mỹ.

Các tay “gangsters” thường là những người nhập cư từ châu Âu đến Hoa Kỳ vào cuối thập niên 19 hoặc đầu thế kỷ thứ 20. Họ thường tập trung tại các khu lao động nghèo khổ và mau chóng trở thành thế lực của “thế giới ngầm”. Luật cấm rượu đã tạo cho họ một cơ hội bằng vàng trong lãnh vực sản xuất và cung cấp rượu lậu.

Các cuộc thanh toán đẫm máu cũng đã xảy ra giữa các “Ông Trùm”. Tính ra trong khoảng 1927-1930 đã có đến trên 500 vụ thanh toán. Riêng trong thời gian từ 1919 đến 1933, tại Chicago con số này là 729 vụ nhưng các nhà sử học nói là không thể kiểm chứng và có phần “cường điệu”.

Những Ông Trùm rượu lậu quy mô lớn như Al Capone tại Chicago đã xây dựng các đế chế tội phạm nhằm phân phối rượu bất hợp pháp, còn chính phủ liên bang và tiểu bang thì thất thu hàng tỷ tiền thuế.

Al Capone sinh trưởng trong một gia đình di dân từ Ý đến Brooklyn, New York. Sau đó, năm 1920, chuyển về Chicago theo băng nhóm của John Torrio. Năm 1925 Capone soán ngôi Torrio và làm “Ông Trùm” cầm đầu băng nhóm cung cấp rượu lậu, cờ bạc và đĩ điếm. Những hoạt động ngầm này của Capone đã tạo dựng một “đế chế” lên đến 60 triệu đô-la.

Al Capone, “Ông Trùm” rượu lậu tại Chicago

Lệnh cấm rượu xem ra đã thất bại hoàn toàn và tiêu tốn hàng tỷ đô la, vậy nên nhanh chóng mất đi sự ủng hộ rộng rãi vào đầu những năm 1930 tại Mỹ. Năm 1933, bản Tu chính án 21 đã được thông qua và phê chuẩn, chấm dứt lệnh cấm rượu trên toàn quốc.

Sau khi bãi bỏ bản Tu chính án 18, một số tiểu bang tiếp tục bằng cách duy trì lệnh cấm uống rượu trên toàn tiểu bang. Mississippi, tiểu bang cấm rượu cuối cùng trong Liên bang, đã kết thúc Lệnh cấm vào năm 1966.

5/12/1933: ngày chấm dứt lệnh cấm rượu

Lệnh cấm rượu trong suốt 13 năm đã làm sụp đổ ngành công nghiệp rượu bia tại Hoa Kỳ, kéo theo sự thất nghiệp của hàng chục ngàn công nhân. Thiệt hại về thu ngân sách thuế lên đến 11 tỷ đô-la mà lại còn tốn 300 triệu để nuôi lực lượng thi hành luật. 

Cũng không thể bỏ qua những tác động tích cực trong những năm đầu, số người say sưa giảm đáng kể nhưng càng về sau bộ luật đã tạo một sự chia rẽ trầm trọng trong xã hội với hai phe “dry” và “wet”, giữa những người không uống rượu và dân nghiện rượu.

Phải chăng đây cũng là một bài học cho người Việt Nam trong thời buổi này. “Quả thật, Việt Nam đang là một cường quốc về sử dụng rượu, bia”, bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế đã từng thừa nhận.

“Năm 2017, sản lượng bia của Việt Nam chạm mốc 4 tỷ lít, tăng 10,4% so với năm 2016 và bình quân mỗi người dân tiêu thụ 42 lít bia/năm. Sản lượng rượu thủ công năm 2016 đạt 188 triệu lít trong đó sản lượng rượu sản xuất nhằm mục đích kinh doanh được cấp phép năm 2016 là 32 triệu lít. Chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD/năm, gần 3% số thu ngân sách của cả nước, bình quân khoảng hơn 300USD người/năm”.

Đó là những con số biết nói và quan trọng hơn cả là “thành tích” Việt Nam đứng thứ 29 trên thế giới về sử dụng rượu, bia. Hơn thế nữa, chúng ta đang đứng thứ 3 tại châu Á! Đó chắc chắn không phải là điều đáng tự hào đối với người Việt.


Chúng ta cần và nên đọc lại bài học lịch sử của 13 năm cấm rượu tại Hoa Kỳ để rút ra những ưu cũng như nhược điểm.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts