William Golding (1911-1993)
Người
đọc Chúa Ruồi thoạt đầu cứ tưởng đây là một loại tiểu thuyết phiêu lưu, mạo hiểm
dành cho tuổi thơ, đại loại như Robinson
Crusoe của Daniel Defoe (1660-1731) viết từ năm 1719.
Nhưng
không phải như ý nghĩ ban đầu khi đọc Chúa Ruồi dù trong đó chỉ toàn các nhân vật
thiếu nhi tuổi đời từ 6 đến 12 bị lạc vào một hòn đảo hoang giữa Thái bình
dương. Đó cũng là cơ hội để Golding phân tích tâm lý và cá tính của các nhân vật
trong truyện.
Điều
cốt lõi đã mang lại cho Golding giải Nobel là những ẩn dụ về một luận đề: Chúa
Ruồi đã khiến người đọc, mới đầu cứ tưởng chừng như để giải trí, nhưng khi đọc
xong tác phẩm, buông sách xuống lại phải suy nghĩ đến “chuyện của người lớn”. Có nghĩa là “chuyện trẻ con” đã khiến người
lớn phải bận tâm!
Ấn bản đầu tiên “Lord of the Flies” (1954)
Những
nhân vật trong Chúa Ruồi là những đứa trẻ, vì một hoàn cảnh bắt buộc, phải sống
với nhau trong một khung cảnh hoang sơ. Và cũng vì “thời thế tạo anh hùng”, đám trẻ dần dần bộc lộ những cá tính
riêng. Tất cả đều bắt đầu từ luận đề chính: “Nhân
chi sơ, tính bổn thiện” nhưng hoàn cảnh đã đưa đẩy để tự thích nghi.
Cái
Thiện và cái Ác dần dần bộc lộ, ngày càng rõ nét. Raph là nhân vật tượng trưng
cho tinh thần dân chủ, Jack tượng trưng cho sự độc tài chuyên chế, Piggy là
nhân vật của trí tuệ, Roger là kẻ nổi loạn và hành động vẽ mặt của lũ trẻ do
Jack cầm đầu tượng trưng cho sự buông thả nhân cách của con người…
Có
thể nói, cậu bé tóc vàng Raph đã chứng tỏ bản năng của một lãnh tụ khi loay
hoay dùng một vỏ ốc để thổi thành tiếng tù và liên lạc được với các bạn trên đảo.
Có lẽ đó là gien di truyền vì bố của Rapth là một thuyền trưởng hải quân, cậu
tin tưởng một ngày nào đó bố mình sẽ đến cứu đám trẻ gặp nạn!
Tuy
vậy, Raph không thể nào là người đứng đầu hoàn hảo nếu không có sự hỗ trợ của một
cậu bé “mũm nĩm” đeo kính trắng và có biệt danh “Heo con” (Piggy), một cái tên cậu không ưa chút nào. Piggy, mồ côi
cả cha lẫn mẹ lại còn bị hen suyển, nhưng cậu đã chứng tỏ mình là hiện thân của
trí tuệ, một “think tank” trong cái tập thể trẻ con.
Piggy và Raph
Nếu
Raph tượng trưng cho cái Thiện thì ở một thái cực khác, Jack là cái Ác trong
hành động để giúp lũ trẻ sống sót giữa một thế giới không có người lớn. Jack là
nguồn “mưu sinh thoát hiểm”, nếu
không có Jack chắc chắn bọn trẻ sẽ không biết “tùy cơ ứng biến” để sinh tồn trên hoang đảo.
Nhân
vật Roger thuộc nhóm hành động và cũng là một tay sai đắc lực của Jack, vì thế không
thể nào… “ác hơn” thủ lãnh Jack. Cậu tượng trưng cho bạo lực, làm tất cả mọi
chuyện để đạt được mục đích sống còn cho cả nhóm.
Đặc
biệt hơn nữa là hình ảnh chủ đề trong tác phảm của Golding. Chúa Ruồi là tên gọi
bọn trẻ đặt cho cái đầu heo rừng do nhóm “hành động” của Jack cắm trên cọc nhằm
tế quỷ thần trên đảo. Chiếc đầu heo bị bầy ruồi nhặng bu đen kịt và như thế,
Chúa Ruồi chính là cái Ác, tiềm ẩn trong mỗi con người.
Chúa Ruồi là một cái đầu heo rừng
Chúa
Ruồi lúc nào cũng nằm sẵn trong mỗi con người, trong con người luôn có phần tiềm
ẩn tựa như hai vai: vai phải là Thiện và vai trái là Ác. Luật pháp, quy tắc
hành xử, áp lực của xã hội đã phần nào khắc chế phần ác. Thế cho nên, các thành
viên trong xã hội không giết người, không ích kỷ, không cướp giật trong một xã
hội thượng tôn pháp luật.
Ngược
lại, khi pháp luật không còn hay không được tôn trọng, cái ác có cơ hội được bộc
lộ và phát triển. Đứng trước hoàn cảnh gian khổ khó khăn, con người sẽ phải có
một trong hai lựa chọn: một là mạnh mẽ, bản lĩnh hơn, hai là tuột dốc, hoàn
toàn đánh mất chính bản thân mình. Đó là một thực tế mọi người đều biết, vấn đề
là sự chọn lựa.
Không
có bất cứ giới hạn nào cho nên liệu con người có thể tuột dốc đến đâu? Điều khủng
khiếp nhất của con người chính là từ bỏ quyền làm người của mình. Và như thế,
con người chỉ là một thực thể tầm thường như bao sinh vật khác. Thậm chí còn
thuộc loại “ác nhất” trong số các sinh vật hiện hữu trên cõi đời.
Hình minh họa các nhân vật trong “Chúa Ruồi”
Đó
chính là luận đề của William Golding trong “Lord
of the Flies” và đó cũng là lý do ông đã vượt qua Graham Green trong giải
Nobel văn chương. Tác phẩm “Chúa Ruồi” xuất bản năm 1954 nhưng những điều ông
viết cho đến nay vẫn còn giá trị dù ở vào bất kỳ thời đại nào và bất kỳ quốc
gia nào.
Việt
Nam cũng không phải là ngoại lệ. Một xã hội “không có người lớn” như trong Chúa
Ruồi cũng chẳng khác gì một đất nước bị rệu rã vì cái Ác lấn át cái Thiện chỉ
vì luật pháp không nghiêm, chứ chưa nói gì đến tình trạng người ta chỉ sống vì
những lợi ích của phe nhóm, đảng phái.
Phải
nói William Golding ngoài việc là một nhà văn còn là một triết gia nhìn những
hiện tượng xã hội qua một lăng kính hoàn toàn khách quan nhưng đó là một sự
phân tích mà không ai có thể bài bác. Chúng tôi xin dẫn một cái nhìn khác của
ông về vai trò của người phụ nữ trong xã hội.
Golding
phân tích:
“Tôi nghĩ Phụ nữ thật
ngốc khi họ cho rằng họ bình đẳng với đàn ông. Thực ra họ luôn luôn là người vĩ
đại hơn đàn ông. Bất cứ cái gì đưa cho phụ nữ, họ cũng sẽ tạo ra những giá trị
cao hơn.
– Khi đàn ông đưa cho
họ tinh trùng họ sẽ tạo ra một em bé.
– Khi bạn đưa cho họ
một căn nhà, họ sẽ tạo ra một tổ ấm.
– Nếu bạn đưa cho họ
những thực phẩm họ sẽ tạo cho bạn một bữa ăn ngon.
– Nếu bạn tặng họ những
nụ cười, họ sẽ tặng bạn trái tim yêu.
– Phụ nữ luôn nhân
lên và tạo ra những giá trị lớn hơn bất cứ thứ gì bạn trao cho họ.
– Tuy nhiên, nếu bạn
trao cho họ một thứ gì bẩn thỉu thì bạn sẽ nhận lại ... nhiều thứ bẩn thỉu hơn
đấy”.
William
Golding đúng là một triết gia!
***
*
Xem DVD “Lord Of The Flies” (1990): https://www.youtube.com/watch?v=IMBoYBapi8g
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét