Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

Cà Mau

Lời giới thiệu của NNC:

Tiếp tục cuộc hành trình khám phá Việt Nam… Mời các bạn cùng GS Bùi Dương Chi đi xuống miền “Cực Nam” của tổ quốc qua bài ký sự hình ảnh dưới đây. Có thể nói, nhiều người ở Việt Nam cả đời nhưng chưa từng được trải qua những chuyến “cross-country” như GS Chi, một người Mỹ gốc Việt.

***

Bùi Dương Chi
Thầy giáo tiếng Anh. THBMT 1963-1974

Tên gốc tiếng Khmer “Tưk Kha-Mau” nghĩa là “Nước đen” do bị thấm nhựa lá cây tràm rụng xuống.  [https://www.vi.wikipedia.org]

Từ hồi học lớp Nhất (lớp 5), Niên Khóa 1950-1951, tôi đã ao ước được đi từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau sau khi nghe câu ca  “…Non sông như gấm hoa uy linh một phương…” 
[Bài hát “Việt Nam Minh Châu Trời Đông”, Hùng Lân.] 

***

Chuyến đi tháng 4/1994

Biên, vẽ và in tại Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt,1995

Vì chiến tranh, gia cảnh và công việc, mãi đến lúc 55 tuổi, nhờ được phụ trách chương trình Học Kỳ Hải Ngoại/Việt Nam của School for International Training ở tiểu bang Vermont/Hoa Kỳ, tôi mới gặp hai bạn đồng hành góp tiền mướn xe 4 chỗ khứ hồi Saigon-Cà Mau, ghé đâu cũng được.

Một người tên Vỹ, 28 tuổi, nghiên cứu sinh ngành Luật, quốc tịch Úc, gốc miền Trung. Một tên Châu, 56 tuổi, TS Giáo Dục, quốc tịch Canada, quê Vĩnh Long, cùng khoá Đại Học Sư Phạm Saigon.

Thuở ấy, thấy “em Châu” nhỏ nhỏ dễ thương, tôi bèn sấn tới “làm quen” sau mấy màn “khen nịnh có hậu ý”. Ai dè “em” nhìn thấu “tim đen” Bắc Kỳ, và lại là cựu nữ sinh trường đầm Marie Curie nên “em” dằn mặt tôi: “Nè, đây là “Châu Ch”, không phải “Trâu Tr”. Nhớ chưa? Sans gêne” (Sans gêne = Không biết mắc cở; cà chớn).

Năm thứ hai, chúng tôi thành bạn học nhóm. Tốt nghiệp, bặt tin Châu. 31 năm sau tình cờ gặp lại ở Nhà khách Viện Pasteur khi “chị” - hơn tôi 1 tuổi - về nước giúp tài trợ mấy Hội Khuyến Học ở miền Nam và tư vấn cho mấy dự án thiện nguyện ở miền Bắc.  


Vĩnh Long: Sáng sớm bên bờ Tiền Giang. Niên Khoá 1961-1962. 
(Hình TtChâu)

Chuyến đi Cà Mau tháng 4 năm 1994. Chúng tôi ghé Vĩnh Long một ngày để Châu thăm mẹ. Ăn cơm tối ở Khách sạn Nhà hàng Cửu Long, tôi đã kể chuyện "linh cảm" ở đó khi nhận lời thông dịch cho một chuyên viên canh nông Mỹ dự phiên họp liên tỉnh Hè 1960. 

Chuyện “linh cảm” Hè 1960 như sau. Xuống trước một ngày, tôi tới mướn phòng. Quản lý nói có phòng đơn trên lầu rẻ, yên tĩnh, rất kín đáo. Thấy phòng sạch sẽ, tôi để lại hành lý rồi xuống nhà hàng kêu tô mì tôm. Khách chỉ có mình tôi. Trong khi ăn, tôi bắt gặp hầu bàn và quản lý thỉnh thoảng nhìn lén. Nghĩ bụng mình quần áo xuềnh xoàng nên khi trả tiền, để họ yên tâm, tôi đưa tờ 100Đ dù mì và xá xị chưa tới 10Đ. Tôi “boa” hầu bàn 2Đ.

Về phòng, lúc móc và xếp quần áo vào tủ, tôi linh cảm có người đứng phía sau. Quay ngoắt lại, không thấy gì. Rờn rợn, tôi bật đèn trần và đèn đầu giường rồi nằm nghỉ. Vừa chợp mắt, tôi lại linh cảm có người ở trong phòng. Nghĩ còn nắng đã vậy, đêm tối chắc không ổn. Tôi xuống bảo quản lý cho đổi phòng lấy cớ ngộp quá. Ổng nói để mang quạt bàn lên. Tôi không chịu vì sợ ... trúng gió.

Đổi phòng tầng trệt có cửa sổ, nghe rõ tiếng xe cộ và người qua lại, tôi ngủ tới tối mới ra ăn. Xong bữa, hầu bàn vừa dọn chén dĩa vừa kể tháng rồi, bà vợ một ông quận trưởng treo cổ chết trong phòng trển. 

Qua phà sang Cần Thơ mừng Xuân muộn. Chúng tôi ghé Sóc Trăng thăm các chùa Khmer Krom (Việt gốc Miên) rồi đi xem "tư dinh" Công Tử Bạc Liêu và nghỉ qua đêm ở thị xã. 


“Chị” Châu và tôi ở trung tâm thị xã Cà Mau. Nhiều xe đạp, ít xe gắn máy, không thấy xe hơi tư nhân ngoại trừ xe tải. Mấy ngã tư chúng tôi đi qua chỉ có bục cảnh sát chỉ đường thời Cộng Hòa. Loa phóng thanh rè rè suốt ngày.




Để tài xế ở lại trông xe, chúng tôi mướn vỏ lãi - ghe dài, khoang hẹp, gắn máy chạy nhanh - đi từ bến Gành Hào (Cà Mau) tới thị trấn Năm Căn mất chừng 4 tiếng (50Km). Hôm sau, chúng tôi mướn ca-nô ra Mũi Cà Mau. Chạy một hồi, tài công quẹo vô sông nhánh. Bỗng tôi nghe cái "ục". Tài công nói chắc đụng rễ đước. Chổng chân vịt lên xem, thấy còn nguyên. Chạy tiếp, ca-nô vừa lắc vừa giựt. Tấp vô trạm  xăng nhớt nhờ coi giùm mới biết "láp" [trục chân vịt] bị cong, phải mướn ghe kéo về Năm Căn sửa.

Xế chiều, tôi mướn được một ghe gắn động cơ xe tải cải biến. Hẹn 7 giờ sáng hôm sau điểm tâm xong sẽ đi. Tài công nói chỉ cần mang theo nước uống, 9 giờ hơn ra tới Mũi Cà Mau chụp hình, 1giờ về đây ăn trưa, 2 giờ cô chú và anh hai về thị xã là vừa.




Chạy tới gần 10 giờ, tài công nhớn nhác rồi ghe mắc cạn cồn ngầm. Tắt máy, nâng cao chân vịt, tài công chống mái chèo đẩy ghe. Ghe không chuyển. Nắng chói chang, bốn bề nước đục với vài cụm cỏ lác. Chịu trận một hồi, tài công và tôi cởi quần áo xuống nước đẩy ghe. Càng đẩy chân càng lún sâu nên ghe vẫn mắc cạn. Tôi an ủi Châu và Vỵ, xa xa có dẫy nhà chòi, trước sau dân chài sẽ thấy mình.




Tôi nói các cụ đã phán "Trong cái rủi có cái may". Nhờ mắc cạn, chúng mình mới có dịp chiêm ngưỡng đất phù sa đã tạo nên cái nôi văn minh lúa nước. Châu la làng, "Bắc Kỳ nói 'dddì' cũng được". Vỹ giúp chụp hình lưu niệm.  


Từ trái: Vỹ, bà chủ nhà, lối xóm, tôi, em trai và ông chủ nhà. Châu chụp hình


Gần trưa, nắng rát da mặt. Uống gần hết nước thì một ông đứng tuổi chèo xuồng tấp vô hỏi chuyện. Khi biết chúng tôi tính thăm Mũi Cà Mau, ổng nhìn tài công lắc đầu nói ghe bự quá, ba bốn giờ chiều nước ròng lên cao mới chạy ra được. Ổng bảo về nhà ổng đụt nắng, ngồi đây chịu sao thấu. Chúng tôi cảm ơn hết lời.

Xuồng chỉ chở được 3 người, Châu và tôi di trước. Con trai ổng sẽ rước Vỹ và mang cơm nước cho tài công ở lại giữ ghe, chừng nào chạy được thì vô xóm chài đón chúng tôi. Về tới nhà, ổng bảo con gái còn nhiêu gạo nấu hết, còn nhiêu khô sặt nướng hết, còn nhiêu rau luộc hết. Trong khi chờ cơm, ổng khuyên chúng tôi về Năm Căn vì tài công lạc đường.

Ông nói, qua trạm Ngọc Hiển theo hướng Nam là ra Đất Mũi, theo hướng Tây tới đây là Cửa Ông Trang, đi tiếp là  sang Căm Bốt, Thái Lan. Khi biết chúng tôi ở nước ngoài về, ổng bảo vợ kêu bà con lối xóm tới hỏi chuyện bển. Châu ở Canada, Vỹ ở Úc, tôi ở Mỹ. Bà con thay nhau hỏi vì thân nhân không vượt biên cũng là "thuyền nhân".

Chẳng bao lâu, trẻ nhỏ giành nhau báo tin ghe tới. Sợ chủ nhà không nhận tiền, Châu bảo tôi lén gài 50 Đô vào mấy cái mùng xếp trên kệ. Chia tay, chắc không còn gặp lại, chúng tôi chúc từng người sớm được đoàn tụ với thân nhân. 

***

Chuyến đi tháng 3/2000




18/3/2000: 7:30 sáng, tàu cánh ngầm (hydrofoil) Saigon đi Vĩnh Long mất 3 tiếng. Tôi xuống ghe máy chạy tiếp sang Cần Thơ. Nhờ đi đường thủy, tôi thấy toàn cảnh 2 cầu giây quăng - Úc hỗ trợ kỹ thuật và tài chánh (?) - thay thế phà Mỹ Thuận và phà Hậu Giang.

Cần Thơ - Cà Mau tôi đi xe khách rồi lên xe ôm ra bến sông Gành Hào. Đi bộ lòng vòng, tôi thấy một ca-nô toàn các bà chắc mới đi chợ thành phố. Tài công trẻ hỏi chú đi đâu. Tôi đáp Mũi Cà Mau. Nó nói trễ rồi, xuống Năm Căn ngủ, mơi đi. Chịu thì nó chạy ngay. Tôi chịu. Nó bảo hai bà ngồi băng sau để tôi ngồi giữa cho đỡ bị sóng nhồi. Ngồi xuống, tôi than "kẹt cứng". Nó rỡn "ca-nô lắc lắc một hồi, chú dô êm cái một". Hai bà cùng la "thằng mắc dịch".




Gần 7 giờ tối tới Năm Căn, cách thành phố Cà Mau khoảng 50Km. Nó chỉ tôi đường đến Nhà Khách Công Đoàn rồi dụ nếu chịu mơi nó đưa đi Mũi Cà Mau. 




Tôi hỏi nhà ở đâu? Nó đáp ở đây. Dọc đường thấy nó vững tay lèo lái và khi gặp xuồng nhỏ nó tốt bụng giảm tốc độ nên tôi vui lòng, hỏi ra Mũi Cà Mau rồi trở về đây hết nhiêu. Chắc đoán tôi ở nước ngoài, nó đòi 50 Đô. Tôi hỏi thuộc đường không? Nó bảo đảm về Năm Căn mới lấy tiền.


Đường ra Đất Mũi cách Năm Căn khoảng 20Km. Rất nhiều tràm và đước. 
Bờ trái phía trước là vỏ lãi. Góc phải là mũi ca-nô tôi mướn.




Xã Đất Mũi: Tôi xuống ca-nô lội bộ. Khu này nhà cửa lụp xụp, không thấy đường lộ, cầu cống. Nhờ có điện và truyền hình nên "mỗi cặp vợ chồng chỉ có hai con" mới khả thi vì nghe nói tối lửa tắt đèn các ông thường tụ tập xem Tây đá banh, các bà kéo nhau đi coi tuồng cải lương.




Ra khơi nhìn vào đất liền thì đây là giải đất cùng Nam. Không biết đây có phải là nơi bài địa dư lớp Nhất tôi phải học thuộc lòng cho biết mỗi năm đất phù sa bồi thêm cả trăm thước (?).




Tài công nói đó là Hòn Khoai. Tôi bảo đưa tôi ra đảo, tôi trả thêm tiền. Nó đáp trông vậy chớ còn xa. Nó chưa ra đó. Ca-nô cỡ này gặp biển động lật cái rụp. Phải mướn ghe chài lớn hay đi theo tầu bộ đội. Tôi tự nhủ sẽ đi thăm cụm hải đảo cùng Nam - 5 hòn gần nhau, Hòn Khoai lớn nhất - cách đất liền 15Km. Về tới Năm Căn, tôi trả tiền rồi hỏi tên và địa chỉ để gửi hình. Lột nón bảo hộ, nó căn dặn tôi đề tên Lê Thành Đồng, Xã Hàm Rồng, Huyện Năm Căn, Tỉnh Cà Mau.

***

Chuyến đi tháng 6/2016 


Tháng 6/2016. Một đại lộ chính ở thành phố Cà Mau


(Tháng 9 năm 2013, 4 cựu học sinh THBMT đồng ý thầy trò xuống Cà Mau rồi ra Hòn Khoai. Gần ngày lên đường, cả 4 rút lui. Tôi hủy chuyến đi. Rất may ít lâu sau, tôi được tin địa phương chưa chính thức cho phép du khách ra Hòn Khoai)

Lần này, mấy ngày trước khi đi, tôi gọi điện thoại và vào mạng của 6 khách sạn ở Cà Mau để đặt phòng rẻ tiền và hỏi xem du khách đã được ra thăm Hòn Khoai chưa. Chỉ khách sạn Địa Ốc trên đường Cao Thắng ghi trong mạng có Tour và tái xác nhận qua điện thoại.

Sáng 14/6, tôi đi xe đò từ Bến Xe Miền Tây tới Thành phố Cà Mau lúc 2 giờ chiều. Đến khách sạn nhận phòng xong, tôi ra bến sông Gành Hào tìm phương tiện đi Hòn Khoai vì tôi không thích đi Tour. Nhân viên bán vé chuyên chở công cộng và mấy tài công tự quản người nói xuống Đất Mũi rồi ra làng chài Trần Đề mướn ghe đi tiếp, người nói dân thường chưa được lên Hòn Khoai. Không yên tâm, tôi đi hỏi một công ty Du Lịch ở trung tâm thành phố thì nhân viên cũng lơ mơ.

Ghé vào Thư Viện gần đó hỏi cầu may, quản thủ chỉ tới Du Lịch Công Đoàn. Nơi đây, ông phụ trách cho biết 4 yêu cầu (điều kiện): (1) đoàn phải có khoảng 30 người; (2) xin phép mất 3 ngày; (3) không hoạt động chánh trị; (4) tuyệt đối không có khách Trung Quốc.

Ổng khen Hòn Khoai rất đẹp và khuyên tôi chớ mướn ghe chài vì không an toàn, có thể không được lên đảo, có thể bị “kỳ kèo”. Theo ổng, tôi nên chờ năm tới xem đi riêng lẻ có được phép không. Về khách sạn, tôi bảo người đã xác nhận có Tour Hòn Khoai dù phải đợi giấy phép tôi cũng đi. Bả cho biết đã từng tổ chức nhưng các bên phải phối hợp thì mới quy tụ đủ số khoảng ba chục người. Nghe nói phải “đi nhờ” tầu bộ đội.




Chưa thể ra Hòn Khoai, tôi đi thăm trung tâm thành phố Cà Mau nơi cách đây 22 năm tôi đã có mặt. Thấy khá nhiều tiệm ăn uống và doanh nghiệp nhỏ có bảng hiệu bằng tiếng Anh, tôi chụp hình để góp vào bài “Lan Man Bên Lề” kỳ tới. 

Nguyên do: chiều 24/05/2016  ở Saigon tôi thấy rất đông người đứng dọc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (trước 1975 là Công Lý) hồ khởi đón chào Tổng Thống Mỹ. Ra về, để tránh xe cộ ùn ùn được phép lưu thông trở lại, tôi đi qua các ngõ hẻm và thấy nhiều bảng hiệu tiếng Anh. Nếu ở Cà Mau cũng vậy, tôi cho rằng đây có thể là biểu hiện ngày càng có thêm người trong nước muốn Việt Nam sánh vai với các quốc gia dân chủ tự do.


Đội lưu động của một công ty cung ứng dịch vụ quảng cáo


Hoành tráng nhưng im lìm khi tôi chụp hình vào lúc xế chiều


Hầu hết thành thị tôi ghé thăm đều có các phòng thể dục thẩm mỹ và tập tạ.
Những studio tôi được vào xem, không chụp hình, đều có nhiều khách/hội viên rất năng động.


Xe gắn máy lắp ráp ở trong nước mang nhãn hiệu Nhật Bản rất được người tiêu dùng ưa chuộng


Bao giờ mới có “cạnh tranh chính trị” minh bạch kiểu “cạnh tranh kinh tế” như thế này
để dân chúng mở mặt với đồng loại ở các nước văn minh chính hiệu


Không ít quan và dân ta rất muốn “đi và sống” ở các nước Tư Bản. Nhận định này tôi căn cứ vào kinh nghiệm hướng dẫn du học sinh từ năm 1992 và rất nhiều quảng cáo của các công ty Du Lịch có thêm dịch vụ Bảo Lãnh và Định Cư


Tập Đoàn FPT là Đại Doanh Nghiệp Viễn Thông và Điện Tử hàng đầu ở Việt Nam


Cựu Tổng Giám Đốc Tập Đoàn này vừa đưa vợ con “đi và sống” ở Mỹ.
[http://vietnamnet.vn/vn/Kinh-doanh/doanh-nhan/ 317365/cuu-ceo-fpt-trương-dinh-anh-dua-ca-nha-sang-my-song.html].
[www.bbc.com/Vietnamese/2016/07/160725_truong_dinh_anh_and_family_move_to_US].


Kinh doanh Cà Phê Internet ngày càng ít khách vì số người có PC, Laptop, Tablet, iPhone, Smart Phone ngày càng tăng, kể cả ở vài vùng nông thôn khá giả. Một số tiệm chuyển sang dịch vụ chơi game mà “khách nghiện” đều là thanh niên và học sinh!!!


Nếu không có mấy hàng chữ Việt thì đây cũng có thể là ở Manila, Phi Luật Tân


Mấy công chức Mỹ tôi dậy tiếng Việt, hiện làm việc ở Hà Nội và Saigon, bảo cà phê Việt Nam đắng “dựng tóc gáy”


Nghe nói do mình trộn thêm bắp rang hay hạt cau. Gần đây một bài báo trong nước báo động có nhiều con buôn trộn bột ký ninh (thuốc sốt rét) của Trung Quốc, rất rẻ và rất đắng, vào cà phê. Uống nhiều là tiêu nội tạng. “Thế Giới Di Động” là công ty Điện Thoại Di Động hàng đầu có chi nhánh ở khắp nước.

Cà Mau có tới 2 nhà hàng với thực đơn Mỹ Châu La Tinh!


Không thua Quận Cam, Cali nhưng chẳng biết có bền vững không vì mấy nhà hàng ẩm thực sang trọng và mấy cửa tiệm thời trang đẳng cấp lúc tôi chụp hình đều rất vắng hoặc không thấy khách


Tỉnh thành nào cũng có Wi-Fi nhưng Đảng và Nhà Nước cho truy cập mạng nào thì con dân mới được tự do vào mạng đó, không phải leo trèo “tường lửa”, không sợ máy bị nhiễm vi-rút/mã độc


Tài phụ khoe từ hồi dán “cờ hoa”, tuyến Cà Mau - Phan Thiết - Cà Mau bữa nào cũng hết chỗ

Về Saigon, trên xe đò có giường nằm tôi nhớ tới câu “Vừa bán vừa la cũng đắt hàng” của ông Tú Xương, nhà thơ trào phúng đất Vị Xuyên với những bài châm biếm thế thái nhân tình cách đây hơn trăm năm.

***

--> Read more..

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Chữ Hán, tiếng Hán, tiếng Tầu, Trung văn?

Gần đây, cộng đồng mạng đã có một “cơn bão” thổi qua lãnh vực văn hóa. Người “gieo gió” là PGS. TS Đoàn Lê Giang (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Phát biểu tại hội thảo “Vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại”, diễn ra ngày 27/8/2016, ông Giang cho rằng, trong số các quốc gia thuộc khu vực “đồng văn”, tức các quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, chỉ có Việt Nam là từ bỏ chữ Hán hoàn toàn nên thế hệ sau ít hiểu biết về quá khứ dân tộc.

Cũng vì vậy, TS Giang lập luận: “Muốn dùng tiếng Việt trong sáng thì học sinh phải học chữ Hán”, do đó ông đề nghị cần phải đưa chữ Hán vào chương trình giáo dục cho học sinh. Báo Vietnamnet (ngày 29/08/2016) trích dẫn ý kiến của ông Giang:

"Trước đây chúng ta cứ nói rằng không dùng chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nhưng hiện nay phải nói ngược lại, phải học chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt".


Ông đồ ngày xưa

Trong tình hình căng thẳng tại Biển Đông như hiện nay, bất cứ chuyện gì có liên quan đến người láng giềng “bốn tốt”, “16 chữ vàng” đều có nguy cơ bị cộng đồng mạng phản đối bằng cách “ném đá”, hay nhẹ nhàng hơn là những “phản biện”, bác bỏ. Cổ súy cho việc học chữ Hán vào thời điểm “nhạy cảm” này là một việc… “không nên”.    

Đã có hàng chục bài viết kèm hàng trăm bình luận về vấn đề tiếng Hán trên Internet. Đa số không đồng tình với việc đưa chữ Hán trở lại chương trình học của học sinh phổ thông hiện nay. Nhưng theo TS Giang, ta có 2 lý do để học chữ Hán:

(1) “Chúng ta muốn hiểu sâu được tiếng Việt thì chúng ta cần biết gốc gác nó ra sao, tra cứu nó thế nào…” Ông giải thích: “Minh Tâm”, nghĩa là sáng lòng, vì chữ Minh là Sáng. “U Minh” lại là mờ mịt vì chữ Minh trong trường hợp này là Tối. “Đồng Minh” là cùng phe, vì nó xuất phát từ nghĩa: cùng hội thề, vậy chữ Minh là Thề.

(2) “Học chữ Hán để cho chúng ta hiểu được văn hóa Việt Nam, chúng ta cảm thấy gắn bó với ông cha...” Một trong những ví dụ ông đưa ra là về Truyện Kiều, “…nếu có biết chữ Hán, chữ Nôm thì mới hiểu thấu đáo cái hay của nó”. TS Giang tự đặt câu hỏi “Tất cả những điều ấy có xấu không, có nên bỏ không, và có bỏ được không?”


Áng văn Nôm “Truyện Kiều” bản Chiêm Vân Thị dưới tựa
“Thúy Kiều Truyện Tường Chú”

Cả hai lý do học chữ Hán nêu trên đều đúng nếu dựa theo tiền đề là làm cho tiếng Việt trong sáng hơn do TS Giang đặt ra. Ngày xưa, dưới thời VNCH, chúng tôi đã có những giờ Hán văn và Cổ văn bên cạnh những môn như Kim văn, Sinh ngữ chính, Sinh ngữ phụ. Trong những giờ Hán văn ít ỏi, chúng tôi học làm quen với cách viết chữ Hán, trong giờ cổ văn thì xoay quanh các điển tích cổ để hiểu rõ hơn khi học các áng văn xưa.

Bậc Trung học Đệ nhị cấp (từ Đệ Tam đến Đệ Nhất) học sinh phải tự chọn một tron 4 Ban: A (Vạn vật), B (Toán), C (Văn chương) và D (Cổ ngữ) để thi Tú tài 1 và 2. Chính ban D là ban có ít học sinh chọn nhất và cũng là ban có kiên liên quan đến Hán văn, dành riêng cho những ai quan tâm.     

Một cách tổng quát, học sinh ngày xưa chỉ học hai kỹ năng: Đọc và Viết chữ Hán chứ không phải học thêm kỹ năng Nghe, Nói như các sinh ngữ Pháp và Anh. Đó là khác biệt mấu chốt giữa môn Hán văn, Pháp văn và Anh văn trong hệ thống giáo dục VNCH.

Sự khác biệt đó phát sinh từ giá trị của tiếng Pháp và tiếng Anh mà cả thế giới công nhận ngày nay. Hán văn chưa đạt đến giá trị đó dù tiếng Tầu được sử dụng bởi hơn 1 tỷ người Trung hoa.  

Tôi cũng chỉ mong nền giáo dục XHCN thực hiện được một mục tiêu duy nhất là hiểu được chữ Hán như ngày xưa để tiếng Việt ngày càng trong sáng hơn trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn như phân biệt được thế nào là "yếu điểm", thế nào là “điểm yếu"; “khuyến mãi” và “khuyến mại” khác nhau như thế nào.

Đơn khai sinh năm 1938 ở Bắc Kỳ bằng bốn loại văn tự:
chữ Quốc ngữ, chữ Nôm, các con dấu bằng tiếng Pháp và có vài chữ Hán

Tuy nhiên, vẫn có một điều đáng tiếc về ý tưởng của ông Giang khi tuyên bố về việc này: đó là thời điểm để đưa ra đề nghị. Ngày 2/9/2016 ông đã tâm sự trên FB của mình trong “Lời tạm kết cho cuộc tranh luận dạy chữ Hán trong trường phổ thông”:

“Tôi rất cám ơn những người ghét tôi, phản đối tôi, những người đồng tình một phần hay hầu hết đề nghị của tôi về học chữ Hán (Hán Việt) đọc bài này và đưa lên FB, blog, website của mình để chấm dứt hiểu lầm. Đây là bài tóm tắt ý của tôi sau cuộc tranh luận, cãi vã ồn ào vừa rồi. Tôi chỉ đề cập vấn đề này một lần này trên FB mà thôi. Tôi sẽ không tranh luận gì thêm nữa”

“Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa” là 3 yếu tố thành công… Xem ra đề nghị đưa chữ Hán vào chương trình giáo dục của PGS TS Đoàn Lê Giang không được mọi người ủng hộ trong tình hình "nhạy cảm" như hiện nay.

Đó là điều đáng tiếc!

***
--> Read more..

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Có thể bạn chưa biết ý nghĩa của các logo nổi tiếng

Người Việt vốn có tính hài hước nên:
·         Xe AUDI thì gọi là xe “Ầu Ơi” vì chữ D viết giống chữ Ơ trong tiếng Việt.
·         Xe Mercedes lại gọi tắt là “Mẹc”.
·         Xe BMW thì bị mang tiếng là “Bán Mắc Wá”.
·         Xe Volkswagen đa số đọc theo tiếng Anh, hoặc Pháp, chứ người Đức phát âm khác xa lắc xa lơ!
·         Coca-Cola hiểu theo tiếng Việt là “1 cô thì ca, 1 cô thì la”.

Sự thật không đơn giản như vậy! Dưới đây là những thương hiệu nổi tiếng mà những người thiết kế logo muốn chuyển đến người tiêu dùng những ý nghĩa thầm kín.


***


McDonald’s là một thương hiệu lớn trên thế giới, và chắc chắn logo đại diện cho họ phải được xem xét kỹ lưỡng, có thể gây lôi cuốn với khách hàng. Hầu hết mọi người sau khi nhìn vào biểu tượng này đều nhận ra rằng: đó chính là chữ “M” đại diện cho chữ cái đầu của tên Công ty.

Trước đó, vào những năm 1960, trong nỗ lực muốn xây dựng lại hình ảnh cho mình, Công ty đã có đề cập đến việc thay đổi logo mới, đẹp hơn và thu hút hơn. Và họ đã mời Louis Cheskin – một nhà Tâm lý học, và là một Chuyên gia Tư vấn Thiết kế, giúp họ giải quyết vấn đề này. Và gần như ngay lập tức Louis thuyết phục họ hãy giữ lại nguyên bản logo của mình. Bởi theo ông chữ “M” với đường tròn phía trên giúp cho mọi người liên tưởng đến “bộ ngực của phụ nữ cho con bú” (theo BBC). Điều này có vẻ khó tin với nhiều người, nhưng Louis đã thuyết phục được họ, và bây giờ đây là một trong những logo dễ nhận ra nhất thế giới.


Bạn thấy gì khi nhìn vào logo của Coca-Cola? Hãy nhìn kỹ vào chữ “o”. Bạn có nhận ra điều gì không? Không ư? Đừng lo lắng, vì hầu hết mọi người không nhận thấy nó đâu. Đó thực ra là hình ảnh lá cờ Đan Mạch. Đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Coca-Cola đã phát hiện ra rằng một phần của logo của họ trông giống như cờ của Đan Mạch, đất nước hạnh phúc nhất trên trái đất này. Khi phát hiện ra điều đó, Coca-Cola đã quảng bá thương hiệu của mình rất thành công ở đất nước đó luôn.




Năm 2008, Pepsi đã chi một triệu đô la để trả cho Arnell Associates làm logo mới (cũ là ở bên trái và mới ở bên phải). Sau đó, Pepsi phải chi thêm hàng triệu đô để tái định vị thương hiệu. Tuy mẫu mới này khá giống với mẫu thiết kế cũ, nhưng sự điều chỉnh này lại mang rất nhiều ý nghĩa đặc biệt.

Khi thuyết trình về mẫu logo mới này, nhóm thiết kế đã sử dụng đến 27 trang tài liệu giải thích về ý nghĩa của nó. Theo đó, nó đại diện cho từ trường Trái Đất, phong thủy, thuyết tương đối, vũ trụ… và nhiều thứ khác nữa.


Logo quả táo của Apple có lẽ ai cũng nhận ra ngay. Nhưng ý nghĩa của nó là gì? Nó tượng trưng cho trái cấm của “Cây trí tuệ” trong câu chuyện Kinh Thánh khởi nguyên từ Adam và Eva. Ông Adam đã nghe lời “xúi bậy” của bà Eva cắn một miếng vào trái táo…


Baskin Robbins là thương hiệu kem lạnh nổi tiếng mang tên hai người anh em cột chèo Burt Baskin và Irv Robbins thành lập vào năm 1953 ở Glendale, California. Hãy nhìn vào logo BR của họ với những ký tự mang hai màu xanh và hồng. Bạn có để ý đến màu hồng không? Đó là số 31, tượng trưng cho 31 vị hương kem mà họ phục vụ.


Mitsubishi được thành lập từ thế kỷ 19, và là sự kết hợp của hai gia tộc: Tosa Clan và Iwasaki. Trong đó, Tosa có biểu tượng là ba chiếc lá gắn ở đỉnh, và Iwasaki là 3 viên kim cương xếp chồng. Biểu tượng mới – ba viên kim cương gắn ở đỉnh là đại diện cho sự ổn định (thế 3 chân vạc), tin tưởng, và thành công. Nhưng không dừng lại ở đó. Chữ “Mitsubishi”, theo Penske Social, nghĩa chữ “mitsu” (ba) và “hishi” (sau đó trở thành “bishi” ở giữa) có nghĩa là “củ ấu”, một loại củ có hình thoi, hoặc hình dạng kim cương.




Mới nhìn bạn chỉ thấy VAIO (logo trên laptop của hãng Sony) nhưng nếu nhìn kỹ hơn bạn sẽ thấy hai chữ đầu VA được thiết kế theo dạng sóng analog (loại sóng truyền đi theo một dạng hình sin liên tục) còn IO là mã nhị phân (digital).


Thoạt nhìn qua, logo của Amazon khá đơn giản. Nó chỉ bao gồm tên Công ty, và một mũi tên ở phía bên dưới những chữ cái. Nhưng chính mũi tên đó lại mang rất nhiều ý nghĩa. Nó biểu hiện cho những nụ cười của khách hàng sau khi thỏa mãn những điểu thú vị tại Amazon. Bên cạnh đó, mũi tên được bắt đầu từ chữ “a” và kết thúc tại chữ “z”. Điều này thể hiện sự đa dạng trong những sản phẩm từ Amazon. Qua đó, bạn có thể tìm tất cả mọi thứ từ “a” đến “z”.

Google là một công ty Internet có trụ sở tại Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 1998. Sản phẩm chính của công ty này là công cụ tìm kiếm Google, được nhiều người đánh giá là công cụ tìm kiếm hữu ích và mạnh mẽ nhất trên Internet. Tên "Google" là một lỗi chính tả của từ “googol”, bằng 10100. Google chọn tên này thể hiện sứ mệnh của công ty để sắp xếp số lượng thông tin khổng lồ trên mạng. Googleplex, tên của trụ sở Google, có nghĩa là 10googol.

Logo của Google được thiết kế khá đơn giản với những màu sắc riêng biệt, trong đó có màu đỏ, xanh lá cây và xanh nước biển, đều thuộc gam màu cơ bản, nhưng chữ “o” lại thuộc màu vàng thứ cấp. Điều này hoàn toàn có chủ ý. Google muốn cho thấy rằng: họ không bị gò bó bởi các quy luật, phá cách một chút mà không quá cầu kỳ. Để làm điều đó, họ chỉ sử dụng các chữ cái đơn giản và màu sắc mà thôi.



IBM, viết tắt của International Business Machines, là một tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại Armonk, New York. IBM được thành lập năm 1911 tại Thành phố New York, lúc đầu có tên là Computing Tabulating Recording (CTR) và đổi thành International Business Machines vào năm 1924.

Logo của IBM được thiết kế đơn giản từ các chữ IBM có màu xanh, và sọc trắng nằm ngang. Nhưng đằng sau nó có một ý nghĩa mà không phải ai cũng nhận ra, đó là các đường màu trắng đã làm xuất hiện một dấu bằng ở góc dưới bên phải, tượng trưng cho sự bình đẳng.


Unilever là một công ty đa quốc gia của Anh và Hà Lan chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, hóa chất giặt tẩy, kem đánh răng, dầu gội, thực phẩm... Unilever có hơn 400 nhãn hàng, trong số các sản phẩm nổi tiếng nhất có thể kể đến OMO, Surf, Lux, Dove, Knorr Comfort, Vaseline, Ponds, P/S, Signal, Close Up, AXE, Rexona, Vim, Cif (Jif), Sunsilk, Sunlight,...

Unilever sản xuất rất nhiều sản phẩm khác nhau, mà đôi khi thật khó để chúng ta biết được mọi thứ họ làm. Thật may, họ đã cho chúng ta thấy tất cả những thứ họ sản xuất ngay trong logo chữ U của mình.



Mercedes-Benz là một trong những hãng sản xuất xe hơi, xe buýt, xe tải danh tiếng trên thế giới. Khởi đầu, hãng thuộc sở hữu bởi Daimler-Benz. Mercedes-Benz còn là một trong những hãng đi tiên phong trong việc giới thiệu nhiều công nghệ và những sáng kiến về độ an toàn mà sau đó đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới.

Hình ngôi sao ba cánh trong logo của Mercedes-Benz đại diện cho ưu thế của Công ty về chất lượng và phong cách của Công ty hơn tất cả mọi thứ: Đất, Biển và Không khí.

Volkswagen (viết tắt là VW) là hãng sản xuất xe hơi Đức, một trong những công ty sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới thuộc tập đoàn Volkswagen. Thị trường chủ yếu của hãng là châu Âu, những thương hiệu nổi tiếng trực thuộc hãng bao gồm Audi, Bentley, Skoda, Lamborghini, Bugatti, SEAT, Porsche và Volkswagen.

VW là điển hình của việc “chơi chữ”… V là viết tắt của “volks” có nghĩa là “dân chúng, quần chúng” và W là viết tắt của “wagen” có nghĩa là ô tô. Như vậy, Volkswagen là… xe hơi của mọi người!

AUDI AG là một công ty của Đức chuyên sản xuất xe hơi, công ty này là thành viên của tập đoàn Volkswagen. Cái tên Audi bản dịch tiếng La tinh tên của nhà sáng lập August "Horch", trong tiếng Đức có nghĩa là "nghe". Audi đặt trụ sở tại Ingolstadt, Bavaria, Đức và gần như trở thành một công ty con của tập đoàn Volkswagen (sở hữu 99.55% cổ phần) từ năm 1964.

Đối với người Việt, Audi đôi khi được đọc là “Ầu Ơi” vì chữ d được viết giống như chữ ơ! Bốn vòng tròn bằng đồng và đơn giản trong logo Audi đại diện cho bốn công ty của Auto-Union Consortium là DKW, Horch, Wanderer và Audi.

Toyota Motor Corporation (Toyota Jidosha Kabushiki-gaisha) là một công ty đa quốc gia có trụ sở tại Nhật Bản, và là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới vào năm 2015. Trên logo của Toyota ta thấy có 3 hình bầu dục, đại diện cho ba điều họ đặt trọng tâm: khách hàng, sản phẩm, sự tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ. Đó là một điều thú vị mà chắc hẳn nhiều người không nhận thấy. Những hình bầu dục đó được mã hóa thành những mẫu tự của cái tên Toyota!


Ra đời năm 1916, công ty BMW, viết tắt của Bayerische Motoren Werke (tiếng Anh có nghĩa là Bavarian Motor Works), được thành lập với mục đích sản xuất ôtô xe máy. Tiền thân của BMW lại là hai công ty Raap Motor Works và BMW GmbH, chuyên sản xuất động cơ máy bay. Đó chính là nguồn cảm hứng để thiết kế nên logo BMW nổi tiếng thế giới.

Logo này tượng trưng cho hình ảnh chuyển động của hai cánh quạt mà các phi công quan sát được trên những chiếc máy bay sản xuất vào thập kỷ 20. Khi chạy với tốc độ nhất định, hai cánh quạt này sẽ chia quỹ đạo của chúng thành bốn phần bằng nhau, hai phần mang màu trắng đậm, hai phần còn lại in màu xanh da trời. Ngoài ra hai màu xanh và trắng còn đại diện cho lá cờ xứ Bavaria.


Sun Microsystems, thành lập năm 1983, là một công ty sản xuất phần mềm, bóng đèn bán dẫn và máy tính có trụ sở tại Silicon Valley. Logo của Sun Microsystems gồm 1 nhóm các chữ U và N được lồng ghép một cách hài hòa và độc đáo tạo thành chữ S xoay vòng quanh logo… S, U và N được lặp lại và lồng ghép tạo thành hình tượng của thương hiệu SUN.


Tập đoàn FedEx là công ty giao nhận kho vận Hoa Kỳ có trụ sở ở Memphis, Tennessee. Tên "FedEx" được viết tắt từ tên của bộ phận hàng không của công ty Federal Express. Logo FedEx rất sáng tạo! Thoạt nhìn bạn chỉ thấy hai màu sắc khác nhau, nhưng nếu nhìn kỹ hơn, bạn sẽ thấy có một mũi tên giữa chữ ‘E’ và ‘X’. Mũi tên này giúp Công ty biểu thị được tốc độ và độ chuyên nghiệp cao mà họ muốn đưa lại cho khách hàng, mà đó cũng chính là những gì mà các Công ty chuyển phát nhanh muốn hướng tới.


Hãng điện tử nổi tiếng Hàn Quốc LG cũng có một logo độc đáo không hề kém cạnh. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra tên thương hiệu LG được lồng ghép cách điệu trong hình logo này nhưng một số khác lại phát hiện ra một điều khá thú vị. Khuôn mặt của nhân vật nổi tiếng Pacman ẩn hiện trong đó. Vào thập nhiên 1980, Pacman là một trò chơi điện tử khá phổ biến ở Nhật Bản, cũng như ở các nước phương Tây. Và có thể nói, sức ảnh hưởng của trò chơi điện tử này lớn đến nỗi từng có cả một “văn hóa pacman” thời kỳ đó nữa.


Adidas Ltd. AG là một nhà sản xuất dụng cụ thể thao của Đức, một thành viên của Adidas Group, bao gồm cả công ty dụng cụ thể thao Reebok, công ty golf Taylormade, công ty sản xuất bóng golf Maxfli và Adidas golf. Logo của Adidas trông giống như một ngọn núi? Hình ảnh ba sọc ngang của logo đầu tiên vào năm 1967 chưa bao giờ thực sự tượng trưng cho điều gì ngoài ý nghĩa là độc đáo, duy nhất. Trong thập niên 90, họ nghiêng các hình sọc lại để trông giống một ngọn núi, tượng trưng các thử thách mà mọi người cần phải vượt qua.


Nike (phát âm nai-ki) là nhà cung cấp quần áo và dụng cụ thể thao thương mại, trụ sở đặt tại Beaverton, gần Portland, Oregon. Công ty được thành lập vào năm 1964 với tên Blue Ribbon Sports và chính thức mang tên Nike, nữ thần chiến thắng của Hy Lạp, vào năm 1978. Logo của Nike là biểu tượng “Swoosh”, một từ ngữ tượng thanh cho tiếng “xoạt”, diễn tả sự chuyển động và tốc độ. “Swoosh” với hai đường cong nằm lên nhau được thiết kế bởi Crolyn Davidson vào năm 1971, khi đó cô chỉ nhận thù lao vỏn vẹn có 35 đô la.


Mọi người đều biết rằng logo của hãng truyền hình NBC tượng trưng cho một con công, nhưng bí mật nằm sau đó thì không phải ai cũng biết. Với việc tạo ra một logo màu sắc, nó có thể giúp người xem cảm nhận được sự sống động, một tận hưởng mới mà TV đen trắng không thể nào đem lại được. Vì vậy, một logo có nhiều màu sắc giống như đuôi của một con công ra đời, theo đó thể hiện được những màu sắc mới mà những người làm chương trình muốn đem lại.


Logo của kênh truyền hình nổi tiếng Animal Planet trức đây khá đơn giản: chỉ bao gồm một chú voi và Trái Đất thu nhỏ. Sau khi được phát sóng lại vào năm 2008, các nhà sản xuất đã nghĩ đến việc thay thế biểu tượng Chú voi – Trái Đất này, thay vào đó là một logo khác hấp dẫn hơn, thu hút được nhiều người theo dõi hơn. Họ muốn thiết kế một logo phù hợp, thể hiện được sự hoang dã, thiên nhiên mà những chương trình sẽ mang lại cho người xem trong thời gian tới. Và một logo mới của Animal Planet được ra đời. Những chữ cái sắp xếp lộn xộn đại diện cho bản năng, tính hoang dã, và màu xanh lá cây mang tới hình ảnh một khu rừng nguyên thủy, thể hiện được nét đặc trưng của Animal Planet.


Logo nguyên thủy của Facebook được thiết kế năm 2005 bởi Joe Kral và Cuban Council, khi mạng xã hội mới thành lập. Cho đến nay, thương hiệu bằng mẫu tự (wordmark) này đã trải qua nhiều thay đổi về nét chữ nhưng vẫn giữ nguyên những mẫu tự ban đầu. Mẫu tự sử dụng trong Facebook trở thành một phiên bản mới của kiểu chữ Franklin Gothic màu trắng nền xanh rất thích hợp với thế hệ mới thế kỷ 21. Một số người phê bình mẫu tự “e” có vẻ không hài hòa với những đường cong của các mẫu tự khác. Nhưng thôi, dù thích hay không thì logo Facebook đã đi vào cuộc sống hàng ngày của hàng tỷ người…


Năm 1997, khi Boeing sáp nhập với hãng đối thủ McDonnell Douglas, nghệ sĩ đồ họa người Mỹ nổi tiếng Rick Eiber thiết kế lại logo của hãng Boeing. Trong quá trình này, ông kết hợp các yếu tố cổ điển của logo McDonnell Douglas để có một logo độc đáo như ngày nay... Logo của hãng máy bay Northwest Airlines có hai ý ẩn. Bạn có nhìn ra chữ N và W là viết tắt của Northwest (nghĩa là Tây Bắc) không? Ngoài ra hình tam giác nhỏ trong vòng tròn còn chỉ về hướng Tây Bắc, và trông giống như một chiếc la bàn.


Totito là công ty sản xuất bánh kẹo. Nhìn vào logo của thương hiệu bánh snack nổi tiếng này, bạn có thấy hai T mang hình tượng hai người… và họ đang ăn sản phẩm của Totito! 


Nhãn hiệu Chocolat nổi tiếng Toblerone đến từ Bern, Thụy Sĩ – nơi được biết đến là “thành phố của những chú gấu”. Bạn có nhận ra chú gấu đang ẩn trong ngọn núi không?

***



--> Read more..

Popular posts