Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Hà Giang - Phần 1: Thị xã Hà Giang

Sau bài “Ai lên xứ Lạng cùng anh…” (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2016/02/ai-len-xu-lang-cung-anh.html) của GS Bùi Dương Chi, chúng tôi xin đăng tiếp một bài du ký và nhiều hình ảnh về thị xã Hà Giang. Đây là Phần 1 của du ký mà GS Chi có nhã ý gửi cho chúng tôi để giới thiệu một tỉnh gần biên giới phí Bắc. NNC

***

PHẦN I. THỊ XÃ HÀ GIANG

Bùi Dương Chi

Là thủ phủ của tỉnh Hà Giang, thị xã Hà Giang kể từ năm 2010 đã được nâng lên cấp Thành Phố với số dân là 71.689 gồm người Kinh 55,7%, Tầy 22% và 20 sắc tộc khác. Thành phố Hà Giang cách biên giới Việt Nam - Trung Quốc 23km (vi.wikipedia 2010). Năm 1979 Trung Quốc chiếm thị xã nhưng tàn phá và giết chóc ít hơn ở Móng Cái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai và Lai Châu. Cần thêm thông tin, truy cập en.wikipedia.org hay gõ Vietnam-China Border War vào Google Search. Các ảnh kèm theo tôi chụp vào tháng 4/2009 trừ “chợ Điện Biên Phủ” và “Phù VânYên Tử”.

Tháng 9/2001.

Lần đầu lên Hà Giang, tôi đi chuyến xe khách khởi hành lúc 6 giờ sáng nhưng gần 7 giờ tài xế mới chạy ra đường lòng vòng đón thêm khách rồi lại quay vào bến vì xe còn nhiều ghế trống. Tôi vội đi toa-lét vì không ít tài xế chỉ đỗ lại những hàng quán ven đường nào chịu “chiêu đãi” họ. 8 giờ hơn xe rời bến. Càng chạy xa Hà Nội, đường càng xấu, chưa kể nhiều đoạn đang được nới rộng nên có lúc xe chạy chậm hơn xe đạp.

Thị xã Hà Giang cách Hà Nội 318 cây số mà gần 10 giờ tối xe mới lên tới nơi. Hàng quán đã đóng cửa hết. Bà chủ nhà khách nể tình nấu cho tôi một tô mì gói. Rất may, sáng hôm sau, trời nắng đẹp, thời tiết mát mẻ nên tôi rảo bộ xem phố phường và tìm quán ăn điểm tâm có món chay. Gần tới chợ thị xã, tôi mới thấy một hàng cơm phở có bán bánh tây và pho mát Con Bò Cười. Tôi cũng cười.

Ăn uống trả tiền xong, tôi để lại 2 nghìn “bo” (cỡ 20 xu Mỹ. Lương lao động tạp vụ thời điểm này ở các tỉnh lỵ miền Bắc chưa tới 1Đô 1 ngày). Đi được một quãng tôi nghe tiếng gọi “ông ơi, ông ơi”. Dừng bước quay lại thì cháu gái hầu bàn chạy đến, hổn hển nói tôi để quên tiền. Tôi bảo ông “bo” cho cháu. Cháu nhất định không lấy và nói phục vụ khách là bổn phận của cháu!

Tôi sửng sốt gần như lần bà bán rau muống ở chợ Điện Biên Phủ -năm 1995- cầm 5 nghìn tôi đưa và hỏi tôi lấy mấy mớ. Tôi nói “cho chị”. Bà ấy vứt tiền xuống đất, nói “không lấy”. Tôi nhặt lên, bảo bà bán cho 3 mớ. Bà ấy cầm tiền, lấy lạt buộc 3 mớ rồi giả lại tôi 3 nghìn rưởi! Vì hai kỷ niệm khẳng khái và lương thiện này mà tôi rất có cảm tình với Hà Giang và Điện Biên.

Quá trưa tôi ghé Phòng Du Lịch Thể Thao và Văn Hoá hỏi đường đi Lũng Cú, địa điểm cực Bắc nhất của Việt Nam. Cậu nhân viên bảo thị xã chưa có doanh nghiệp du lịch tư nhân. Tôi mang hộ chiếu Mỹ, muốn đi phải xin giấy phép Công An mới được ngủ ở Đồng Văn. Đến Đồng Văn sẽ xin giấy phép lên Lũng Cú. Không biết có được không.


Tôi hỏi sao phiền toái thế, cậu ấy giải thích vì đường đi Đồng Văn, Mèo Vạc có nhiều chỗ giáp giới Trung Quốc. Nếu tôi đi, Phòng Du Lịch có xe 4 chỗ. Cậu sẽ hướng dẫn và xin giấy phép Công An. Đi và về mất 3 ngày 2 đêm. Tài xế và hướng dẫn được nhà khách cho ngủ miễn phí nhưng tôi phải bao ăn uống. Tổng cộng kể cả hai giấy phép của Công An là 300 Đô. Tôi trả lời vì chưa chắc được lên Lũng Cú nên khi nào luật lệ rõ ràng tôi mới đi. Quay về nhà khách thị xã, tôi giữ phòng ở thêm 2 ngày để “thăm dân cho biết sự tình”

Rất đáng khen. Trừ trường hợp bất khả kháng, tuyệt đối không khai quang hay tráng xi măng và chỉ xén tỉa định kỳ để giữ Hà Giang XANH và ĐẸP.


Chợ rộng rãi, sạnh sẽ nhưng cần được bảo trì tốt hơn. 
Thiếu cửa và bảng chỉ đường thoát hiểm nếu có hỏa hoạn.


Bưu điện đồ sộ và hoành tráng hơn các bưu điện ở Thủ Đô Washington DC, mặc dầu số dân toàn tỉnh Hà Giang (771.200/ vi.wikipedia) không hơn số dân của DC nhiều (672.228 nếu không kể vùng Đại Đô Thị DC là 6.033.737/ en.wikipedia). Theo tôi, công việc bưu chính ở Hà Giang không thể nào nhiều như ở DC được. Suy ra, chính quyền tỉnh HG đã không xử dụng tiền thuế của dân một cách hợp lý và sáng suốt.


Một đường phố công sở và biệt thự.


Một đường phố công sở và biệt thự khác. 
Quy hoạch và kiến trúc đều đẹp mắt và hòa hợp với phong cảnh thiên nhiên.


Một đường phố công sở và biệt thự nữa nhưng tôi thấy Thành phố Hà Giang với số dân là 71.689, với phương tiện lưu thông chủ yếu là xe đạp và gắn máy, lại là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, hàng năm chính phủ trung ương phải tài trợ và cấp gạo cứu đói (2010. vi.wikipedia) thì chính quyền địa phương đã rất vô ý thức khi không dành ưu tiên ngân sách cho y tế và giáo dục.


Tôi không chụp ảnh ban ngày, vì theo kinh nghiệm, có thể bị “hỏi thăm” dù không có bảng cấm chụp ảnh, quay phim.


Nhìn từ xa thì đẹp mã hơn nhiều công sở ở Ward 3 (Q. 3) của Thủ Đô Washington nhưng lại gần thì rất thiếu bảo trì. Không ít cơ sở công ở không ít nơi khác trên toàn quốc cũng thế.


“Kính nhi viễn chi”. Tôi dạy tiếng Anh học kỳ 1, NK 2005-2006, ở Đại Học Quốc Tế, Linh Trung,Thủ Đức, thuộc Đại Học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi thấy cơ sở rất hoành tráng nhưng mấy ngóc ngách đằng sau thì đầy rác rưởi, xà bần. Tuy vậy, một điều đáng mừng là nhiều đồng nghiệp trẻ rất có khả năng và biết xử dụng trợ huấn cụ điện tử thành thạo hơn hẳn tôi.


Trước quán điểm tâm cơm phở có bánh tây và pho mát Con Bò Cười
.

Market Điện Biên Phủ. 5/1996. Người Việt gốc Thái. Chợ Điện Biên Phủ ở thị xã Lai Châu. Lai Châu cũng bị Trung Quốc tàn phá trong trận chiến 1979 mà trước đó TBT Đảng Cộng Sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nói với Tổng Thống Mỹ Carter là đã đến lúc “phải cho thằng bé ngỗ nghịch vài roi” (Vietnam-China Border War. Time Magazine. Vào Google Search)

Tháng 3/ 2002.

Đầu tháng 2, bạn (*) của anh cả tôi ở San Jose gửi Email hỏi tôi có thể tổ chức cho anh và bốn ông cũng tuổi “cổ lai hi” làm một chyến đi vài tỉnh biên giới phía Bắc khoảng cuối tháng 3 được không. Mừng quá, tôi trả lời nếu các bạn anh khỏe mạnh và chịu đi lên Lũng Cú thì tôi sẽ lo xe cộ, chỗ ở và hướng dẫn miễn phí. Tất cả đồng ý và nhờ tôi lên lịch tham quan 9 ngày. Tôi thuê xe 12 chỗ và chọn được tài xế cẩn thận, điềm tĩnh, không hay bóp còi sau khi đã chở tôi thử xe trong khu Phố Cổ và quanh Hồ Hoàn Kiếm.

Ngày 22/3 tôi ra phi trường Nội Bài đón 5 anh ở Saigon ra. Ngày hôm sau, tôi hướng dẫn các anh đi xem hồ Ba Bể (Bắc Kạn), thác Bản Giốc (Cao Bằng). Ngày 26/3 chúng tôi tới thị xã Hà Giang và ở lại một ngày đi xem phố xá và dưỡng sức. Sáng 28/3 chúng tôi đi Đồng Văn.

Thông thường xe chạy mất 4 tiếng nhưng vừa đi vừa đỗ để mấy anh chụp ảnh, quay phim nên cuối chiều mới đến nơi. Chia phòng nhà khách xong, anh Uyển* sực nhớ để quên thuốc tiêm tiểu đường trong tủ lạnh nhà khách ở thị xã Hà Giang. Anh bảo cứ đi tiếp theo lịch trình nhưng mọi người không chịu.

Sáng hôm sau chúng tôi quay về nhà khách. Anh không tìm thấy thuốc. Nhà thuốc Tây ở thị xã Hà Giang không có loại thuốc đặc biệt nên chúng tôi phải về Hà Nội. Rất may, nhà thuốc Tây trực có loại thuốc Pháp, giống như thuốc Mỹ. Dược sĩ nói không tiêm thuốc này có thể bị chết vì “sốc tiểu đường”!

Cầu trên sông Lô chảy qua thị xã.


Tôi đã đi thăm nhiều nơi trong nước và đã xem không ít sách ảnh Cảnh Đẹp Việt Nam nhưng tôi chưa thấy phong cảnh và hình ảnh sông nào đẹp bằng sông Lô ở ngay bên ngoài thị xã Hà Giang.


Bờ sông nhiều chỗ có kè đá thiên nhiên.


Hai bờ có nhiều bãi cát trắng phau thì đương nhiên trước kia nước phải trong vắt.


Nhà và bờ kè xi măng rồi đây nếu kinh tế gia đình và xã hội khá hơn sẽ chỉnh trang lại.

.
Nhưng các gềnh đá bị đập lấy đá hoặc bị bán nguyên tảng để trang trí vườn cảnh thì cả quan và dân đều có một số người rất vô ý thức.



Ai dám mở đường lấy cát và đá?


Không có hay không dựa vào quyền thế thì làm sao chiếm được bờ sông ngay trong thị xã như thế này! Trên bờ kè là công viên bờ sông nhưng rất nhếch nhác, phí phạm.


Vừa sẵn cát và đá, vửa thuận tiện chuyên chở thì làm sao mà không “1 vốn 4 lời”.


Sông sợ sẽ thành rãnh, hết cát, hết gềnh đá, hết bờ kè thiên nhiên thì còn đâu: 
“Trên nước sông Lô, thuyền tôi buông lái như xưa. Sau lúc phong ba thuyền tôi qua bến qua bờ” [Phạm Duy]


Tháng 4/2009.

Suýt soát "7 bó" rồi mà vẫn chưa biết Đồng Văn, Mèo Vạc, chưa trèo lên đỉnh Lũng Cú nên tôi vẫn để tâm tìm bạn đồng hành. Năm 2006, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng đi Hà Giang kể cả mua hộ 6 cái bánh bao Hàng Bạc theo yêu cầu của 3 thân hữu biết nhau từ thuở lớp Nhất tiểu học ở Hà Nội. Sắp tới giờ hẹn đem xe đến đón tôi thì họ bỏ cuộc nên lễ tân và hai bà dọn phòng nhà khách được dịp khen bánh bao nhân thịt ngon đáo để.

Ba năm sau, chắc nhờ sao Thiên Di chiếu mệnh nên hai phụ huynh học sinh - con du học Mỹ theo chương trình tôi đại diện - mời đi ôtô nhà đi thăm Hà Giang Lũng Cú. Lần này, tài xế kinh nghiệm, xe khỏe , đường tốt, quán hàng sạch sẽ, mấy nhà khách đều có computer và internet miễn phí nên chuyến đi và về vừa đạt nguyện vọng vừa thoải mái. Đã thế, hai phụ huynh cũng thích la cà chụp ảnh nên tôi tha hồ quan sát và ghi hình những đổi thay hay, dở ở tỉnh và thị xã Hà Giang từ 2001 tới 2009. 


Theo tôi, Thụy Điển có lòng nhưng không biết hầu hết dân cư thị xã còn “đầu tắt mặt tối, tay làm hàm nhai” thì làm sao mà mở “Cửa Sổ Văn Hóa Nước Ngoài” được.


Đền Mẫu rất khang trang, khuôn viên rộng rãi, hơn xa trường học và bệnh viện.


Chuẩn bị Ngồi Đồng. Tín hữu phần nhiều là quý bà trang phục và tô điểm hợp thời trang.


Ca sĩ và nhạc công đều bảnh trai. Nhạc cụ tân, cổ rất mới. Ca, nhạc nghe kích động giống nhạc sống Be-Bop ở vũ trường Hà Nội và Saigon. Năm 2001, tôi đi thăm Phù Vân Yên Tử. Leo lên tới gần chùa Bảo Sái, tôi cũng nghe thấy ca nhạc Ngồi Đồng, y như ca nhạc Rap.


1/2001: Cổng chính lên các chùa nằm trên đường lên đỉnh núi Phù Vân Yên Tử. Vua Trần Nhân Tông sáng lập Thiền Viện Trúc Lâm vào cuối Thế Kỷ 13.


Chùa Bảo Sái là một trong 7 chùa trên núi Phù Vân Yên Tử ở tỉnh Quảng Ninh, 
cách Hà Nội 133 cây số.


***

Chú thích:

(*) Anh Vũ Lữ Uyển, độc thân, trước 75 đàn piano cho mấy Vũ Trường Saigon. Sang Mỹ, anh lái taxi và xe buýt ở San Francisco. Về hưu, anh bị tiểu đường rất nặng nhưng ngày nào nắng ráo cũng đạp xe 20 - 25 miles. Anh có gần chục đôi giầy chạy lúp xúp (jogging), 2 môtô và 1 xe hơi sport.

Năm 2003, anh về Hà Nội thăm họ hàng rồi mua xe gắn máy rủ tôi đèo nhau vào Saigon. Tôi chào thua vì lưu thông trên QL1A rất nguy hiểm. Anh thuê người cháu họ chạy xe theo ngừa trường hợp có tai nạn hay đau ốm. Cả hai vào tới nơi bình yên.

Ở Saigon, có một lần anh chạy môtô đi Biên Hoà ăn cháo đầu cá lóc thì bị 2 tên cà chớn kèm kẹp hai bên “xin đểu”. Ai ngờ anh “già” 70 là cao thủ môtô đường trường nên một thằng bị đạp chút xíu té nhào, một thằng bị ép vô lề đường.

Anh qua đời trong cô đơn cách đây 4 năm ở Sacramento, California.

***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts