Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Đọc lại Truyện Kiều

"Truyện Kiều còn, tiếng ta còn;
Tiếng ta còn, nước ta còn...''

Học giả Phạm Quỳnh đã không tiếc lời đề cao Truyện Kiều như một áng văn tuyệt tác của nền văn học Việt Nam nói riêng và, ở một mức độ bao quát hơn, là sự gắn bó giữa kiệt tác của Nguyễn Du và ngôn ngữ Việt.

Ngày xưa, chuẩn mực cho thanh niên rất đơn giản: đánh tổ tôm, uống trà và…đọc Truyện Kiều. Ba thú vui đó đã làm nên một người đàn ông mẫu mực của thời đại phong kiến: 

“Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống chè mạn hảo, xem Nôm Thúy Kiều”

Tuy nhiên, cũng có ý kiến “phản biện” khi các cụ lại liệt Truyện Kiều là “dâm thư” trong bối cảnh một nền văn hóa lễ giáo của Khổng, Mạnh. Thế cho nên mới có lời răn nghiêm khắc:

“Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều...”

Cho dù có chống đối hay ca tụng, hiển nhiên Truyện Kiều đã giữ một vị trí quan trọng trong lòng người Việt, từ lớp bình dân cho đến trí thức. Chẳng thế mà chúng ta có những biến thể từ Truyện Kiều như “bói” Kiều, “lẩy” Kiều bên cạnh các hoạt động văn hóa như “vịnh” Kiều, “tranh” Kiều.

Tranh chị em Thúy Kiều gặp Kim Trọng trong ngày Tết Thanh Minh
của họa sĩ Lê Chánh, treo trong dinh Độc Lập thời VNCH
  
Trước khi bàn đến những biến thể của Truyện Kiều trong dân gian, xin viết đôi giòng về sức lan tỏa của Truyện Kiều. Sự phổ biến của Truyện Kiều không những ở trong nước mà còn đi vào văn học thế giới. Đã có hàng loạt bản dịch cũng như các bài bình luận Truyện Kiều bằng rất nhiều ngôn ngữ - Anh, Pháp, Nhật, Đức, Hoa, Ba Lan, Thụy Điển - của các tác giả người Việt cũng như người nước ngoài.

Lại nhớ đến chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton năm 2000. Trong một buổi tiệc chiêu đãi tại Hà Nội, ông Clinton đã khiến thực khách đi từ ngỡ ngàng đến sửng sốt khi ông dùng 2 câu thơ trong Truyện Kiều để ví mối bang giao Việt-Mỹ sau thời kỳ chiến tranh:

“Những hình ảnh băng giá của quá khứ đã bắt đầu tan và những phác thảo về nột tương lai ấm áp chung đã bắt đầu hình thành. Chúng ta hãy cùng nhau tận hưởng mùa xuân mới” [Frozen images of the past have begun to thaw and outlines of a warmer shared future have begun to take shape. Let us make the most of this new spring together].  

Lấy ý từ Truyện Kiều:

“Sen tàn cúc lại nở hoa,
Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân”

[Just as the lotus wilts, the mums bloom forth
Time softens grief, and the winter turns to spring”]

Hóa ra ngoài lĩnh vực văn hóa, xã hội, Truyện Kiều đã được đưa vào chính trị. Điều oái oăm, người ví von lại là Tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ chứ không phải là những nhà “Kiều Học” Việt Nam [1].

 
“Kim Van Kieu” bản dịch tiếng Anh của Lê Xuân Thủy
(Nhà sách Khai Trí, 1968)

Tôi còn nhớ ngày xưa mẹ tôi rất tin vào việc bói Kiều, một hình thức giải quyết những thắc mắc, hồ nghi qua bói toán dựa vào Truyện Kiều. Đặc biệt, ngày đầu năm là dịp để bói Kiều với khởi đầu là lời khấn vái thành kính:

“Lạy vua Từ Hải
Lạy vãi Giác Duyên
Lạy tiên Thuý Kiều” 

Miệng lâm râm khấn, tay cầm Truyện Kiều với ước nguyện điều mong mỏi. Hai ngón tay cái mở Truyện Kiều một cách ngẫu nhiên, ngón tay nằm ở dòng nào thì 4 câu Kiều trong truyện chính là quẻ bói. Chẳng hạn gặp 4 câu lục bát tả cảnh tai họa đến với gia đình Thúy Kiều:

“Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh,
Rụng rời khung dệt, tan tành gói may.
Đồ tế nhuyễn, của riêng tây,
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”.

Gặp 4 câu này, người xem bói cũng có thể đoán được tương lai bất trắc, điềm tai họa sẽ đến. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, đó có thể là một vụ “cưỡng chế” đem lại nhiều điều vô lý, bất công trong một xã hội mà luật pháp không được tôn trọng!

Cảnh tai họa diễn ra tại nhà viên ngoại họ Vương
(Tranh của họa sĩ Tú Duyên)

Trong khi “bói” Kiều dựa trên tính cách thần bí thì “lẩy” Kiều là một hình thức chơi chữ dựa theo thơ văn. Người ta có thể lấy một câu Kiều, sửa đổi một vài chữ cho thích hợp với hoàn cảnh của mình. Lẩy Kiều đôi khi có giọng điệu khôi hài nhưng cũng có khi diễn tả một trạng thái nghiêm chỉnh.

Những ai đã từng trải qua “thời điêu linh” sau năm 1975 tại Việt Nam không khỏi rùng mình mỗi khi nhớ lại cái thời “tem phiếu”, “nhu yếu phẩm”… Tất cả mọi mặt hàng đều do nhà nước phân phối, công nhân viên ngoài lương thực còn được phép mua những mặt hàng “xa xỉ” như vải vóc, quần áo… Có gia đình toàn phụ nữ lại được phân phối dao cạo râu, áo may ô… Thế cho nên mới có câu lẩy Kiều, than thân trách phận:

“Bắt ở trần phải ở trần
Cho may ô mới được phần may ô”.

Đó chính là câu lấy từ Truyện Kiều:

“Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”


Tranh Thúy Kiều & Kim Trọng của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm

Trong lĩnh vực thơ phú, “vịnh” Kiều là dựa vào các nhân vật trong truyện, được sáng tác qua cách giãi bày tâm sự hoặc nêu lên quan điểm của mình khi nhận định một vấn đề nào đó.

Ngay từ đầu truyện, “thằng bán tơ” là đầu mối của mọi gian truân trong suốt cuộc đời “ba chìm, bẩy nổi” của Kiều khiến nàng phải “bán mình chuộc cha” với giá 300 lượng:

“Mặt trông đau đớn rụng rời,
Oan này còn một kêu trời, nhưng xa.
Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.

Nguyễn Khuyến đã mượn nhân vật “thằng bán tơ” để phác họa hình ảnh một xã hội Việt Nam đầy bất công. Trong bài “Vịnh thằng bán tơ” ông viết:

“Có tiền việc trước mà xong nhỉ,
Thời trước làm quan cũng thế a?”


Thật ra Nguyễn Khuyến không chỉ vịnh Thằng Bán Tơ mà ông cất tiếng tố cáo tệ nạn tham nhũng của xã hội thời Thúy Kiều. Cho đến ngày nay, khi đọc lại Truyện Kiều người ta mới chợt ngộ ra: xã hội xưa cũng chẳng khác gì ngày nay, xem ra tham nhũng còn tinh vi và rầm rộ hơn cả thời trước.


“Hỏi ra sau mới biết rằng:
Phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ”
[Tranh minh họa trong “Kim Van Kieu” bản tiếng Anh của Lê Xuân Thủy]

Bên cạnh thằng bán tơ, còn rất nhiều nhân vật “chủ chốt” đã xuất hiện trong suốt cuộc đời nàng Kiều. Trước nhất phải kể đến Sở Khanh. Từ cái tên Sở Khanh trong truyện, ngày nay đã trở thành một danh từ chung chỉ những loại đàn ông chuyên đi lừa tình và lợi dụng phụ nữ. Nguyễn Du mô tả Sở Khanh bằng hai câu lục bát:

“Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”

Sở Khanh, ở một mức độ nào đó, có thể ví như Cassanova [2] hoặc Don Juan [3] bên trời Tây. Cái khác là Sở Khanh trong Truyện Kiều tượng trưng cho loại đàn ông có sức “hớp hồn” phụ nữ nhưng loại thanh niên này không chỉ thích chinh phục phái yếu mà còn lợi dụng cái mã bề ngoài để thực hiện những âm mưu có lợi cho bản thân mình. Chính chàng họ Sở đã đưa đẩy một nàng Kiều trong trắng lạc vào lầu xanh:

“Bạc tình nổi tiếng lầu xanh
Một tay chôn giết mấy cành phù dung”


Sở Khanh & Tú Bà

Hồi còn đi học, đọc Truyện Kiều tôi rất ghét nhất cái tên “Hoạn Thư”. Đối với một học sinh trung học như tôi, cái tên Hoạn Thư đọc lên thấy xấu xí, nghe như có liên quan đến “hoạn quan” trong triều đình, chuyên lo đến các cung nữ của vua.

Mãi cho đến khi trưởng thành tôi mới hiểu, cái tên Hoạn Thư đơn thuần chỉ là “tiểu thư họ Hoạn” và được Nguyễn Du mô tả là xuất thân trong một “gia đình danh giá”, lấy người chồng có tên là Thúc Sinh (anh học trò họ Thúc), thuộc loại “ăn chơi đàng điếm”, “bán trời không văn tự” nhưng lại có tật… sợ vợ!

Đó cũng là cái đích để Nguyễn Du khai thác, hay nói khác đi, ông muốn chứng minh “chân lý bất di bất dịch” của phụ nữ qua câu ca dao:

“Ớt nào mà ớt chẳng cay
Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng”

Cơn ghen của Hoạn Thư được nhiều nhà phê bình mô tả là “khốc liệt”, “khủng khiếp”, “tàn bạo” mà theo thời nay có những biến thể như “cắt của quý”, tạt át-xít, đánh “dằn mặt”. Tuy vậy, cũng có những người như nhà văn Tạ Quang Khôi mệnh danh là… “cái ghen nhân từ của Hoạn Thư”. Tâm trạng của “sư tử Hà Đông” tuy rối bời nhưng ít ra Hoạn Thư còn biết bình tâm suy nghĩ:

"Ví bằng thú thật cùng ta,
Cũng dong kẻ dưới mới là lượng trên.
Dại chi chẳng giữ lấy nền,
Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình”.

Tôi lại nghĩ khác. Ghen tuông thời của Truyện Kiều bị ảnh hưởng bởi quan niệm “trai năm thê, bảy thiếp”, “vợ lẽ, vợ mọn” là vấn đề được xã hội công nhận nên chi người phụ nữ dù cũng ghen tuông nhưng chỉ giới hạn ở mức độ nào đó. Còn thời nay thì “phụ nữ vùng lên” đòi hỏi quyền bình đẳng “một vợ, một chồng”, đấng này râu nào trót lỡ vi phạm thì chỉ có tính cách lén lút mà thôi.

Máu ghen của Hoạn Thư mang tính cách “thâm trầm” nhưng lại không kém phần… “thâm độc”. Tiểu thư họ Hoạn đã giải quyết chuyện đèo bồng của Thúc Sinh bằng mưu kế chứ không như “sư tử Hà Đông” ngày nay nhất quyết phải “tính sổ” tình địch bằng vũ lực. Có điều các đức ông chồng xưa cũng như nay, không ít thì nhiều, đều có tính hoặc “cả nể” hay tệ hại hơn là… sợ vợ. Cho dù các ông cố biện minh là “sợ vợ mình” chứ đâu có sợ ai khác! 
  

Tranh dân gian: “Đánh ghen”

Các cụ ngày xưa coi Truyện Kiều là “dâm thư” chính vì sự xuất hiện của cặp bài trùng Mã Giám Sinh & Tú Bà trong giới lầu xanh. Nguyễn Du viết 4 câu lục bát về Mã Giám Sinh chuyên nghề “chăn dắt gái” và cũng là chồng của Tú Bà:

“Chẳng ngờ gã Mã Giám Sinh,
Vẫn là một đứa phong tình đã quen.
Quá chơi lại gặp hồi đen,
Quen mùi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa”

Mã Giám Sinh đi khắp nơi để tuyển về cho Tú Bà một đội ngũ “chân dài, móng đỏ”. Không những thế, hắn còn “tự thưởng” mình bằng cách “thử hàng” mỗi khi mua được món hàng “tài sắc vẹn toàn” như nàng Kiều.

Tú Bà, một “má mì” thời nay, kết hợp với Mã Giám Sinh thành một “công ty mua bán thịt tươi” chuyên cung cấp “dịch vụ tươi mát” cho khách làng chơi. Thế là “mạt cưa, mướp đắng” biến thành một tổ hợp kinh doanh “nghề không vốn” trên thân xác của những tiểu thư khuê các như nàng Kiều:

Lầu xanh có mụ Tú Bà,
Làng chơi đã trở về già hết duyên.
Tình cờ chẳng hẹn mà nên,
Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường”.

Nhan sắc của Tú Bà thuộc loại “không thể nào xấu hơn” với màu da “nhờn nhợt” cộng với một thân hình “cao lớn đẫy đà”:

“Thoắt trông nhờn nhợt màu da.
Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao”

Nét đẹp của Tú Bà thì hoàn toàn không có nhưng mụ lại là cả một kho kinh nghiệm trong nghề “buôn phấn, bán hương”:   
“Nghề chơi cũng lắm công phu
Làng chơi ta phải biết cho đủ điều”

Nào là những chiêu thức “mập mờ đánh lận con đen” để qua mặt khách làng chơi bằng những “kỹ thuật” như:

“Nước vỏ lựu, máu mào gà,
Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên”.

Hơn thế nữa, mụ còn dạy các đệ tử của thần Bạch Mi một loạt những “kỹ thuật” chiều chuộng khách làng chơi:

“Mụ rằng: "Ai cũng như ai,
Người ta ai mất tiền hoài đến đây?
Ở trong còn lắm điều hay
Nỗi đêm khép hở nỗi ngày riêng chung
Này con thuộc lấy làm lòng
Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề" [4]

Thế nào là “bảy chữ” và thế nào là “tám nghề”? Xin xem chú thích nếu người đọc tò mò muốn biết. Ấn Độ có Kama Sutra [5], Trung Hoa có Nhục Bồ Đoàn [6] còn ở Việt Nam, Truyện Kiều bị coi là “dâm thư” cũng không có gì là… “oan uổng”.

Hẹn tái ngộ cùng người đọc Truyện Kiều vào một dịp khác vì chúng ta khi đọc lại còn có rất nhiều điều, tốt cũng như xấu, để nói. Xin mượn 2 câu cuối của Truyện Kiều thay lời kết cho bài viết này:

“Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh”.

***

Chú thích:

[1] Chắc hẳn những cố vấn người Việt của Tổng thống Clinton đã phải làm việc tích cực trong việc soạn những bài diễn văn cho ông Clinton trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2000. Tổng thống Clinton đã tỏ ra rất am hiểu về lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam, ông cũng rất tự tin khi trình bày những vấn đề này trước cử tọa người Việt thuộc mọi thế hệ và thành phần xã hội tại Hà Nội cũng như Sài Gòn.  

Xem thêm bài viết “Bên Thắng Cuộc/Quyền bính (3): Lê Khả Phiêu & Bill Clinton”

[2] Cassanova: tên thật của Giacomo Girolamo Casanova de Seingalt (1725 – 1798), một một “tay chơi” người Ý. Phụ nữ là “chuyện lớn” của đời ông. Tài liệu ghi lại rằng Casanova có đến 122 người tình trong quãng thời gian gần nửa thế kỷ. Trong số đó, nhiều người đã mang đến cho Casanova niềm đắm đuối, có người mang đến cho ông tai họa, bệnh tật và đau khổ. Một số tình nhân của ông là người đức hạnh, còn số khác thì phóng túng. Nhưng nói chung, tất cả những người tình của Giacomo Casanova đều “biết ơn” ông bởi Giacomo Casanova đã biết cách yêu họ say đắm, biết cách chiếm đoạt họ một cách nhiệt thành và cũng đã biết cách rời bỏ họ một cách lịch lãm.

[3] Don Juan: một nhân vật trong văn học Tây Ban Nha, xuất hiện lần đầu trong kịch  El burlado de Sevilla y convidado de piedra của Tirso de Molina (công diễn năm 1613, in thành sách năm 1630). Don Juan là người vô thần, dám phỉ báng Chúa, thích phiêu lưu trong chuyện tình ái, có tài quyến rũ, lừa đảo phụ nữ thuộc nhiều tầng lớp xã hội, từ nữ công tước, nữ quý tộc cho đến những cô gái quê.

[4]  “Vành ngoài” là bề ngoài, là cách đối xử với khách làng chơi. "Bảy chữ" là bảy việc ghi bằng chữ để dễ nhớ.

1. Khấp: khóc lóc tỉ tê khiến khách xúc động thương xót.
2. Tiễn: giả cắt tóc thề nguyền để khách tin.
3. Thích: viết tên khách vào tay mình, giả ý thương yêu.
4. Thiêu: đốt hương thề nguyền với khách.
5. Giá: hẹn hò lấy khách làm chồng, giả xin làm vợ lẽ.
6. Tẩu: rủ khách đi trốn giả như giữ lòng chung thuỷ.
7. Tử: giả liều chết để khách khuyên ngăn.

"Vành trong" là bề trong, là cách đối xử bên trong với khách. "Tám nghề" là cách ân ái với khách, chung đụng nhau và tuỳ từng tính cách của mỗi đối tượng, để làm cho khách khoan khoái về nhục dục.

1. Tiếp người nhỏ bé thì dùng cách "kích cổ thôi hoa"
2. Tiếp người to béo thì dùng cách "kim liên song toả"
3. Tiếp người nóng vội thì dùng cách "đại xiển kỳ cổ"
4. Tiếp người chậm chạp thì dùng cách "mạn đả khinh khao"
5. Tiếp người mới thì dùng cách "khẩn khuyên tam trật"
6. Tiếp người thạo đời thì dùng cách "tả trì hữu trì"
7. Tiếp người si tình thì dùng cách "toả tâm truy hồn"
8. Tiếp người lạnh lùng thì dùng cách "nhiếp thần nhiệm toả"

[5] Kama Sutra là một cuốn sách Ấn Độ cổ, biên khảo về tình dục được viết bằng tiếng Phạn. Tác phẩm gồm 7 phần, với khoảng 1.250 khổ thơ được cho là do thiền sư Bà la môn Mallanaga Vatsyayana, sống ở Pataliputra, phía bắc Ấn Độ, viết vào thế kỷ thứ III.

Theo tiếng Phạn, "Kamadeva" là tên của vị thần tình yêu thể xác (tương tự thần Eros hay Cupid của Hy Lạp) và "Sutra" có nghĩa là "kinh" hoặc "châm ngôn".

Kama Sutra được hiểu là Kinh Hoan Lạc hoặc là những luận bàn về tình yêu thể xác. Những luận bàn đó có nguồn gốc từ nhiều thế kỷ trước công nguyên và đến thế kỷ thứ III, thì được Vatsyayana tập hợp lại thành tuyển tập với nhiều tranh minh hoạ, nhiều lời khuyên và nhiều hình ảnh mô tả tư thế tình dục.

Kama Sutra đề cập đến nhiều khía cạnh trong đời sống tình dục, như mô tả các tư thế giao hợp, những gì đôi bạn tình chờ đợi ở nhau và đưa ra lời khuyên hữu ích. Các vấn đề tình dục được Kama Sutra đề cập rất chi tiết, cụ thể, như vấn đề "kích thước" vấn đề hoà hợp tình dục; "lệch pha" thời điểm, lệch pha ham muốn; vai trò của trí tưởng tượng; những tư thế, kiểu vuốt ve, ôm ấp; cách sửa chữa thất bại khi không làm cho phụ nữ được thoả mãn...

[6] Nhục Bồ Đoàn là một tác phẩm văn học của Trung Hoa, dùng mặt trái để nói lên mặt phải. Nhân vật chính của truyện là Bán Dạ Sinh, biệt hiệu của một chàng trai trẻ đam mê tửu sắc, thích ban đêm mà không thích ban ngày, thích lúc nửa đêm mà không thích sau nửa đêm. Đây là người không thích công danh, tự phụ là người thông minh tài hoa nhất trên đời và muốn có những người đẹp nhất thiên hạ.

Một vị túc nho, Thiết phi đạo nhân, có con gái tên Quý Hương, danh giá và học thức, sau nhiều lần thuyết phục đã chấp nhận gả con cho Bán Dạ Sinh nhưng với điều kiện phải ở rể. Lúc đầu, với những gì được giáo dục từ nhỏ, cô gái không chấp nhận những việc sai trái của chồng. Sau đó, do sự thuyết phục khéo léo, mà cô gái đã sa đà vào bản ngã của mình.

"Thiết phi đạo nhân" là người cố chấp, thích chất phác, không ưa phong lưu nên không hợp với chàng rể. Chàng rể Bán Dạ Sinh ra đi, kết bạn với "Tái côn lôn", một siêu trộm tự phụ cho rằng không gì không trộm được, và có thể lặp lại bất cứ khi nào cũng được.
Một vị tiên được đặc cử xuống trợ giúp Bán Dạ Sinh bằng cách ghép dương vật của chó với của anh ta để tăng sức mạnh cũng như độ lớn.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 10 Chương:

1.         Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.         Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.         Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.         Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.         Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.         Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.         Chương 7: Thời mở lòng (những  tình cảm)
8.         Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào ngchuyệnhề báo, thập niên 80)
9.         Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả sẽ viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

1 nhận xét:

  1. Bài phân tích Truyện Kiều dí dỏm nhưng rất sâu sắc-hay

    Trả lờiXóa

Popular posts