Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Du Xuân Xứ Quảng: Thành phố Đà Nẵng

Đối với những người khác miền, ấn tượng không mấy thú vị về Xứ Quảng là giọng gốc “Quảng Nôm” (Quảng Nam) “Đà Nẽng” (Đà Nẵng)… Nghe rất lạ tai: "eng không eng téc đèng đi ngủ" (ăn không ăn tắt đèn đi ngủ) hay "chó léng kéng chó nhỏ chét nhen reng" (chó lớn cắn chó nhỏ chết nhăn răng)… Nhưng không phải chỉ có vậy, Xứ Quảng còn nhiều điều ấn tượng tuyệt vời mà không miền nào có được…

Ở Việt Nam có đến 5 địa danh bắt đầu bằng “Quảng”: Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Đó chỉ là những danh xưng trải dài khắp các miền đất nước, nhưng khi nói đến “Xứ Quảng”, người ta liên tưởng đến Quảng Nam và Quảng Ngãi. Không biết có đúng không khi người các miền khác nhận xét: “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay ăn…”. Thật ra, dù là ở vùng nào, ai cũng thích tranh cãi, thích ăn (hiểu theo cả hai nghĩa đen và bóng!).

Quảng Nam, người địa phương gọi là “Quảng Nôm”, là một tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và cũng là vùng đất còn lưu giữ nhiều dấu tích của nền Văn hóa Chàm một thời hùng cứ khắp miền Trung. Tên gọi Quảng Nam có nghĩa là mở rộng về phương Nam, đây cũng là trung điểm của đất nước theo trục Bắc - Nam, là nơi giao thoa giữa hai miền Nam – Bắc, đồng thời từ xa xưa cũng là nơi giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Những yếu tố đó góp phần làm cho Quảng Nam giàu truyền thống văn hóa lại độc đáo về bản sắc dân tộc. Hai cái tên “Quảng Nam – Đà Nẵng” đã gắn bó với nhau như hình với bóng từ bao lâu nay để mang chết tên “Xứ Quảng” cho đến bây giờ.

Địa danh "Đà Nẵng" là biến thể của từ Chàm cổ  "Da Nak", nghĩa là vùng nước rộng lớn hay sông lớn hoặc "cửa sông cái". Năm 1835, với chỉ dụ của vua Minh Mạng, Cửa Hàn (tên gọi Đà Nẵng khi đó) trở thành một trong những thương cảng quốc tế đầu tiên và lớn nhất nước. Chỉ dụ của vua Minh Mạng viết:

"...Tàu Tây đậu tại cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được vào, phép nước rất nghiêm, chẳng nên làm trái... Từ nay về sau, người Tàu phải đi tàu buôn nước Tàu, mới cho vào cửa biển, người Tây phải đi tàu nước Tây vào Cửa Hàn thông thương, không được ghé vào các cửa biển khác...".

Vua Thiệu Trị cũng đặc biệt quan tâm đến việc an ninh tại cảng biển Đà Nẵng và đưa ra những quy định chặt chẽ về việc quản lý những thương nhân đến từ phương Tây như Hòa Lan, Anh, Pháp và cả từ những nước phương Đông như Nhật Bản, Ấn Độ đến buôn bán tại đây.


Sau khi vào Việt Nam năm 1889, người Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam và đổi tên gọi là Tourane, đánh dấu sự ra đời của một thành phố. Có nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc của chữ Tourane. Thứ nhất, đó là lối nói trại từ chữ Châu Ranh (chỉ ranh giới Việt Nam-Chiêm Thành). Ý kiến thứ hai cho rằng nó bắt nguồn từ một làng có tên là Thạc Gián nhưng bị viết lầm là Tu Gián. Ý kiến thứ ba, giải thích rằng Tourane ám chỉ địa danh của một nơi vốn có một cái tháp (tour) trên cửa Hàn.


Pháp tấn công Đà Nẵng năm 1858

Năm 1950, Pháp trao trả Đà Nẵng cho chính phủ Quốc gia Việt Nam dưới thời Quốc trưởng Bảo Đại. Từ năm 1955, Đệ nhất Cộng hòa của chính phủ Ngô Đình Diệm tiến hành phân chia lại địa giới hành chính, Đà Nẵng trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Đến năm 1962, tỉnh Quảng Nam lại được tách thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín.

Khi cuộc chiến giữa hai miền Nam – Bắc ngày càng gia tăng, tháng 3/1965 các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và thiết lập ở đây một căn cứ quân sự lớn. Ngày 8/3/1965, một đại đội đầu tiên của tiểu đoàn thủy quân lục Mỹ đổ bộ lên bãi biển Phú Lộc (nay thuộc quận Thanh Khê). Đến chiều cùng ngày, tiểu đoàn 2 thuộc lữ đoàn nói trên được không vận từ căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa (Nhật Bản) đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Đây là những đơn vị nước ngoài đầu tiên được đưa vào miền Nam để trực tiếp tham chiến.

Đơn vị đầu tiên của thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng

Sân bay Đà Nẵng được coi là một trong những sân bay "tấp nập" nhất trong thời chiến tranh. Năm 1967, chính phủ VNCH xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa cho Vùng I và II Chiến thuật. Người Mỹ ra sức xây dựng ở đây các căn cứ quân sự như sân bay, bến cảng, kho bãi, cơ sở thông tin liên lạc...

Năm 1973, khi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, chính phủ VNCH đã cho phân chia lại địa giới hành chính Đà Nẵng. Thị xã Đà Nẵng lúc đó được đặt dưới quyền điều hành của Hội đồng Thị xã gồm 12 ủy viên, đứng đầu là một Thị trưởng. Do chính sách đô thị hoá, dân số Đà Nẵng ngày càng tăng, từ 148.599 người vào năm 1964 tăng lên tới gần 500.000 người vào năm 1975.

Dưới thời VNCH, Đà Nẵng là đô thị lớn thứ hai của miền Nam, sau Sài Gòn. Tính đến trước sự kiện 30/4/1975, cảng Đà Nẵng là nơi cung cấp hàng hóa cho cả Vùng I Chiến thuật, đồng thời là trung tâm tiếp tế cho gần 3 triệu dân miền Nam. Toàn thị xã khi đó có hàng chục công ty kinh doanh xuất nhập khẩu và người dân Đà Nẵng chủ yếu sống bằng nghề buôn bán.

Đà Nẵng năm 1968

Loạt bài “Du Xuân Xứ Quảng” xuất hiện trong dịp Tết Ất Mùi trên blog “Hồi Ức Một Đời Người” là một sự tình cờ, ngoài bất kỳ một tính toán nào trước đó. Số là con gái út của chúng tôi được Tập đoàn Total của Pháp điều ra phụ trách công ty Elf Gaz Danang, nhân ngày Tết gia đình cháu về Sài Gòn xum họp và Mùng 4 Tết quay lại Đà Nẵng làm việc… Thế là trong chuyến trở về Đà Nẵng có thêm “khách mời” để… “Du Xuân Xứ Quảng”.

Tại Đà Nẵng, gia đình cháu ở tầng 27 của tòa nhà Azura cao 32 tầng. Quả thật, ngay từ phút đầu tiên bước vào căn hộ này tôi bị choáng ngợp vì từ trong phòng khách nhìn xuống sông Hàn, gần như tất cả những gì người Đà Nẵng tự hào đều xuất hiện ngay trước mắt.

Hai trong số 6 chiếc cầu của Đà Nẵng sừng sững trước mặt. Cầu Thuận Phước được khởi công xây dựng năm 2003 và khánh thành năm 2009 với vốn đầu tư gần 1000 tỷ đồng do thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư từ nguồn ngân sách. Chiếc cầu dây văng sơn màu trắng toát này có dáng dấp như cầu Golden Gate màu nâu ở San Francisco.

Cầu Thuận Phước nhìn từ tòa nhà Azura

Cầu sông Hàn là cây cầu quay đầu tiên do các kỹ sư - công nhân Việt thiết kế và thi công từ năm 1998, khánh thành năm 2000. Đây cũng là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Hằng ngày, vào khoảng 1 giờ khuya, phần giữa của cây cầu quay 90 độ quanh trục, dọc theo dòng chảy của dòng sông Hàn để mở đường cho tàu lớn đi qua. Khoảng 4 giờ sáng cầu sẽ quay trở lại vị trí ban đầu để tiếp tục chức năng của một cây cầu đường bộ. Chịu khó thức khuya để nhìn chiếc cầu tự động quay cũng là một khám phá thú vị.

Cầu quay trên sông Hàn vào lúc nửa đêm

Hai tòa nhà cao nhất thành phố cũng xuất hiện trong view nhìn từ Azura. Tòa nhà Hành chính cao 166,8 m, gồm 34 tầng nổi và 2 tầng hầm có kiến trúc giống như “chiếc cùi bắp” chẳng khác nào Bitexco ở Sài Gòn và bên cạnh đó là  Khách sạn Novotel, 37 tầng…

Toàn cảnh sông Hàn nhìn từ Azura

Trước đây tôi đã đến Đà Nẵng một lần khi đi cùng đoàn sinh viên Mỹ trong chuyến cross-country từ Nam ra Bắc. Tuy nhiên, chuyến du xuân lần này tôi mới có dịp khám phá Đà Nẵng và Xứ Quảng một cách cặn kẽ hơn vì thời gian ở đây tương đối dài và những điểm đến được chọn lựa theo ý thích.  

Nếu Huế có sông Hương thì Đà Nẵng có sông Hàn. Cả hai con sông đã tạo nên hai thành phố nổi tiếng ở miền Trung, mỗi nơi mỗi vẻ. Huế thì cổ kính, thơ mộng còn Đà Nẵng thì hiện đại, sinh động. Sông Hàn, còn có tên Hàn Giang, với dòng chảy từ Nam ngược lên phía Bắc, bắt đầu từ ngã ba sông giữa Quận Cẩm Lệ, Hải Châu và Ngũ Hành Sơn tới vịnh Đà Nẵng.

Ngày nay, Đà Nẵng còn được gọi bằng những cái tên thân mật như “Thành phố Ánh sáng”, “Thành phố Xanh, Sạch, Đẹp” và thậm chí còn được bầu chọn là “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam”. Ở một chừng mực nào đó, nhiều người đánh giá Sài Gòn và Hà Nội phải chịu nhường vị thế hàng đầu cho Đà Nẵng, cả về mặt phong cách sống lẫn quy hoạch phát triển.

Tòa nhà 32 tầng phía bên phải là Azura và phía bên trái là cầu sông Hàn

Nói đến Đà Nẵng ngày nay, người ta thường nghĩ ngay đến Chương trình “5 không, 3 có” đã tạo nên bản sắc riêng biệt. Thành phố tự hào về 5 điều: (1) không có gia đình đói, (2) không có người mù chữ, (3) không có người lang thang xin ăn, (4) không có người nghiện ma túy và (5) không có nạn giết người cướp của.

Chú tài xế của chúng tôi, một người sinh trưởng tại Đà Nẵng, còn giải thích một cách tỷ mỷ: tại nhiều nơi thông báo số điện thoại để bất cứ ai có thể gọi nếu thấy người lang thang xin ăn, hơn thế nửa, người phát hiện lại còn được thưởng! Tôi vẫn chưa tin điều này nhưng ít ra câu chuyện cũng nói lên được sự quyết tâm làm “sạch” thành phố theo nghĩa tích cực của nó.

Bên cạnh "5 không", Đà Nẵng còn thực hiện Chương trình "3 có", trong đó người dân có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn minh đô thị. “5 không, 3 có” là những “quyết sách” của ông Nguyễn Bá Thanh (1). Đa số người Đà Nẵng nhắc đến ông một cách trìu mến dù nay ông đã vĩnh viễn ra đi. Ông Thanh cũng là “cha đẻ” của kế hoạch “giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông” hay chương trình “thu hút nhân tài”...

Đà Nẵng thành lập trường “chuyên” mang tên Lê Quý Đôn. Học sinh vào đây đều phải trải qua cuộc thi tuyển gắt gao, không có chuyện nhờ vả hay xin xỏ. Khi ra trường, em nào “xuất sắc” sẽ được thành phố cho đi học tiếp ở nước ngoài, em nào thuộc loại “giỏi” sẽ được tài trợ kinh phí tiếp tục lên đại học. Sinh viên ra trường được sắp xếp công việc phù hợp với khả năng nhưng phải cống hiến cho thành phố ít nhất là 7 năm.

Theo ông Thanh, trong thời gian những người trẻ làm việc tại Đà Nẵng họ sẽ gắn bó với thành phố, gắn bó với công việc và, đặc biệt hơn cả, họ sẽ xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái. Đó chính là nguyên nhân giữ người tài ở lại với Đà Nẵng khiến cho thành phố không bị “chảy máu chất xám”.

Về các công trình giao thông khi cần đất để làm đường, Đà Nẵng thường lấy vào 2 bên đường một khoảng từ 30 đến 50 mét và sau đó đem ra bán đấu giá. Việc này, theo ông Thanh, không chỉ tạo ra những con đường khang trang, sạch đẹp nhờ xây dựng đồng bộ, tránh được nhà “siêu mỏng”, “siêu méo”, mà còn tạo ra nguồn vốn lớn từ chính quỹ đất.

Vào thời Pháp thuộc, Đà Nẵng chỉ có một cây cầu đường sắt mang tên De Lattre de Tassigny, một vị tướng trong quân đội Pháp. Dưới thời VNCH cầu được đổi tên Trịnh Minh Thế và sau 1975 cầu lại có tên Trần Thị Lý (2) và được nâng cấp thành cầu đường bộ.

Cầu Trịnh Minh Thế thời xưa

Cách đó khoảng 20m về phía thượng lưu là cây cầu đường bộ đầu tiên của Đà Nẵng nối hai bờ Đông – Tây sông Hàn. Cầu được hãng thầu Mỹ RMK thiết kế và thi công năm 1965 với kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni. Sau 1975, cầu được mang tên Nguyễn Văn Trỗi (3), người đã ám sát hụt Bộ trưởng Quốc phòng McNamara
  
Cầu Rồng được đánh giá là cây cầu có kiến trúc độc đáo với hình dáng con rồng vươn mình bay ra biển. Phần đầu và đuôi rồng được thiết kế theo phong cách rồng thời Lý. Đầu rồng có khả năng phun lửa và nước.

Cầu Rồng được khởi công xây dựng tháng 7/2009 và hoàn thành sau gần 4 năm thi công, dài 666m và tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Khánh thành cùng ngày với cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý được thiết kế theo hình dáng cánh buồm trên sông Hàn. Cầu được khởi công tháng 4/2010, dài 731m, rộng 34,5m và có vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng.

Cầu Rồng

Không phải mọi chuyện đều diễn ra suông sẻ trong việc phát triển Đà Nẵng. Ông Nguyễn Bá Thanh cũng không phải là viên chức nhà nước được “thuận buồn, xuôi gió” ở cương vị người đứng đầu thành phố. Năm 2000, Đà Nẵng xảy ra vụ án “rút ruột Cầu Sông Hàn” gây chấn động thành phố.

Ngay sau khi cây cầu được khánh thành, người chủ thầu xây dựng là Phạm Minh Thông đã bị công an bắt. Theo RFA (Đài Á Châu Tự do) thì trong vụ án này, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có công văn gửi Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Phan Diễn, trong đó nói về việc ông Nguyễn Bá Thanh đã nhận hối lộ của Phạm Minh Thông 4,4 tỉ đồng trong các công trình xây dựng Cầu Sông Hàn và đường Bắc-Nam ở Đà Nẵng.

Sau vụ án này, người chỉ đạo bắt Phạm Minh Thông là tướng công an Trần Văn Thanh (Chánh Thanh tra Bộ Công An), bị điều đi khỏi Đà Nẵng, về công tác tại Bộ Công an, Hà Nội. Năm 2007, công an thành phố Đà Nẵng đã khởi tố các ông Đinh Công Sắt, Nguyễn Phi Duy Linh, tướng Trần Văn Thanh và trung tá Dương Ngọc Tiến (trưởng đại diện Báo Công An thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội) với tội danh "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".

Cán bộ lãnh đạo của Đà Nẵng bị ảnh hưởng về uy tín, có thể họ bị tố cáo sai sự thật nhưng chính xác là ai thì không được nhắc đến. Từ chuyện của Đà Nẵng, người ta rút ra nhiều nhận xét thú vị.

Dù chiến được cảm tình của người dân sở tại, người lãnh đạo địa phương còn phải tính đến những ảnh hưởng và áp lực từ trung ương trong bối cảnh Việt Nam chưa hoàn toàn được tự do, dân chủ như các nước khác.

Rõ ràng là ông Nguyễn Bá Thanh được rất nhiều người dân Đà Nẵng yêu thích vì phong cách “dám nói, dám làm”. Có thể nói, ông là một khuôn mặt nổi bật nhất trong hàng ngũ lãnh đạo hiện nay nhưng kể từ khi rời Đà Nẵng ra Hà Nội ông trở thành… một ngôi sao sáng đang lùi dần vào bóng tối.

Sự kiện này khiến nhiều người phải… “lẩy” Kiều:

“Có tài mà cậy chi tài
Chữ ‘tài’ liền với chữ ‘tai’ một vần”  

Lễ truy điệu ông Nguyễn Bá Thanh

***

Chú thích:

(1) Nguyễn Bá Thanh (1953 – 2015) quê ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, ông được phân công về địa phương làm cán bộ nông nghiệp, thăng dần đến Chủ nhiệm Hợp tác xã Hòa Nhơn và được kết nạp vào Đảng Cộng sản năm 1980.

Năm 1996, ông được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đầu tiên sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trong suốt 7 năm. Năm 2003, ông được bầu vào chức vụ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, không lâu sau đó, ông cũng được bầu vào chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng. Năm 2012, ông Nguyễn Bá Thanh được diều ra Hà Nội đảm nhận chức vụ Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Ngày 10/9/2014, RFA đưa tin, một bác sĩ cho biết ông Thanh đã bị "nhiễm phóng xạ và cần phải ghép tủy", vì vậy phải sang một bệnh viện ở Hoa Kỳ điều trị. Tại bệnh viện của Hoa Kỳ cũng đưa ra kết quả chẩn đoán trùng khớp với chẩn đoán của Bệnh viện C, Đà Nẵng, là nhiễm độc phóng xạ.

Ngày 29/12/2014, báo Tuổi trẻ đưa tin: Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ xác nhận ông Nguyễn Bá Thanh vẫn sống và đang được chữa bệnh tại Mỹ. Tuy vậy “mấy hôm nay mọi liên lạc với người nhà của ông (hiện đang ở Mỹ) đã không kết nối được”.

Ngày 2/1/2015, trang blog “Chân Dung Quyền Lực” thông báo ông Nguyễn Bá Thanh sắp về Việt Nam, và đưa ra chính xác ngày giờ về, kèm theo thông tin rằng ông Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc phóng xạ. Tin đồn lan tỏa trở nên phổ biến tại Việt Nam.

Sáng 5/1/2015, gia đình ông Nguyễn Bá Thanh đã thu xếp đưa ông từ Mỹ về Đà Nẵng để dưỡng bệnh. Dự kiến máy bay đưa ông Thanh và con trai ông, Nguyễn Bá Cảnh, sẽ về đến Đà Nẵng vào chiều 6/1/2015.

Ngày 6/1/2015, theo báo Tuổi trẻ, đến 17g ngày 6/1, máy bay chở ông Nguyễn Bá Thanh vẫn chưa thể cất cánh rời sân bay ở Seattle (Washington) nên chưa thể về Việt Nam theo kế hoạch đã định. Chuyến bay bị hoãn lại với lý do thời tiết xấu.

Giáo sư Phạm Gia Khải - thành viên Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Trung ương, cho biết các chuyên gia sẽ hội chẩn cho ông Nguyễn Bá Thanh vào ngày 8/1. Giáo sư Khải cũng khẳng định tin đồn "ông Thanh bị đầu độc" chỉ là xuyên tạc:

"Chưa có bằng chứng nào chứng minh ông Thanh bị đầu độc bằng hoá chất hay chất độc. Việc xét nghiệm máu, nước tiểu có thể thấy được bị đầu độc hay không. Bệnh máu ác tính này tuổi nào cũng có thể mắc."

Ngày 6/1/2015, trả lời phỏng vấn BBC, ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định những thông tin ông Thanh bị đầu độc là "không có cơ sở". "Tôi cũng không hiểu lắm vì sao họ đưa ra những thông tin đó vào lúc này. Nhưng cái đó là không có thật, không đủ cơ sở để tin cậy."

20g30 tối 9/1/2015, chuyên cơ y tế chở ông Nguyễn Bá Thanh đã tới sân bay Đà Nẵng. 21h cùng ngày, ông Thanh được chuyển tới khoa Ung bướu Bệnh viện Đà nẵng trong sự chào đón của người dân.

Blog “Chân dung quyền lực” trở nên nổi tiếng kể từ khi loan báo chính xác ngày giờ ông Nguyễn Bá Thanh được chở về Việt Nam ngày 9/1/2015, trong khi hầu hết giới chức tại Việt Nam, kể cả những người trong Uỷ ban Bảo vệ Sức khoẻ của Trung ương cũng như giới lãnh đạo tại Đà Nẵng đều không được biết.

Theo báo chí trong nước đưa tin, ông Thanh được điều trị bằng thuốc cổ truyền Đông y và thuốc gia truyền kết hợp và đã có thể đi lại nhẹ nhàng trong phòng.Tuy nhiên, sau khoảng 1 tháng, đến ngày 12/2/2015, những tin tức chính thức đưa ra là Nguyễn Bá Thanh rơi vào hôn mê, phải thở máy, khối lượng cơ thể chỉ còn khoảng 30 kg.

Đến 13 giờ ngày 13/2/2015, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng, sau khi được đưa từ Bệnh viện Đà Nẵng về nhà, kết thúc hơn nửa năm điều trị bệnh rối loạn sinh tủy ở Singapore, Mỹ và Việt Nam.

(Nguồn: Wikipedia)

(2) Trần Thị Lý, tên thật Trần Thị Nhâm, sinh năm 1933 tại xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và chết năm 1992 tại Đà Nẵng. Bà là người tham gia 2 cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam. 

Trong thời gian dưỡng bệnh ở Hà Nội, Trần Thị Lý có tình cảm với một thương binh đồng hương. Hai ông bà có một đám cưới đơn giản và đến năm 1978 mới làm đăng ký kết hôn. Năm 1979, Trần Thị Lý từ Hà Nội về sống tại Đà Nẵng, trong điều kiện sức khỏe được phục hồi một phần. Gia cảnh gia đình bà thời gian đó khó khăn, nhiều năm liền sống trong căn nhà cấp 4 cho đến khi lìa đời.

(Nguồn: Wikipedia)

(3) Nguyễn Văn Trỗi, còn gọi là Tư Trỗi, (1940 – 1964) là người đã thực hiện cuộc đánh bom không thành nhằm vào Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara. Anh bị bắt và bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa kết án tử hình, và đã trở nên nổi tiếng với những lời tuyên bố nảy lửa trước tòa án và khi ra pháp trường. Anh được tôn vinh như một người thanh niên anh hùng trong Chiến tranh Việt Nam. Nguyễn văn Trỗi được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam.

(Nguồn: Wikipedia)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1.         Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.         Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.         Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.         Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.         Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.         Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.         Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8.         Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9.         Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts