Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Chuyện những người bạn trong thời điêu linh

Sống ở đời ta có rất nhiều bạn. Trừ trường hợp những người “không giống ai”, họ cả đời chẳng có đến một người bạn theo đúng nghĩa.

Từ bạn học chung dưới mái trường thời niên thiếu đến khi trưởng thành sẽ nảy sinh nhiều loại bạn: nào là bạn đồng nghiệp, bạn chung sở thích, bạn “vong niên”, bạn “chí cốt”, bạn “nối khố”, bạn “tâm giao”… rồi lại có kiểu bạn “vàng”, bạn “nhậu”… Loại sau hình như chỉ là “bè” chứ không phải là “bạn” theo đúng nghĩa của nó.

Ngạn ngữ Anh có câu rất thâm thúy: “Bạn trong lúc cần mới thật là bạn” (A friend in need is a friend indeed). Hình như trong lúc sung sướng, giàu có người ta thường có ít bạn. Những người tưởng được gọi là “bạn”, nhưng thực ra chỉ kéo bè, kết đảng tạo thành “nhóm lợi ích”. Khi đó, cái được gọi là tình bạn lại phảng phất một sự lợi dụng hoặc nhờ vả qua lại chứ không còn thuần túy là bạn bè.

Ngược lại, trong cơn nguy biến, trong nỗi khổ ải của cuộc đời, ta vẫn có thể tìm được những người bạn đích thực, họ đến với ta không tính toán, không so đo. Tôi đã có những người bạn như thế trong thời điêu linh. Tôi gọi quãng thời gian sau năm 1975 là giai đoạn “điêu linh” vì hầu như mọi người ở miền Nam ai cũng khổ.

Nếu không nếm mùi học tập cải tạo thì cũng “xất bất xang bang” lo kiếm cơm hàng ngày ngoài xã hội. Nếu không là nạn nhân của những đợt “đánh tư sản”, “cải tạo công thương nghiệp”, “đổi tiền”, “đốt sách” thì cũng bị ám ảnh bởi ba chữ “kinh tế mới”. Thế cho nên đó là thời điêu linh, khổ sở từ vật chất lẫn tinh thần. 

Riêng những người thuộc “đối tượng” cải tạo như chúng tôi thời đó sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Xã hội ngày xưa rộng lớn bao nhiêu thì tập trung cải tạo thu hẹp lại bấy nhiêu. Cuộc sống hàng ngày bỗng trở nên có quá nhiều thay đổi, tầm giao tiếp chỉ thu hẹp lại còn trên dưới một trăm người sống với nhau trong một đội. Nhưng đó cũng là lúc nảy nở một tình bạn chân thực nhất.

Khi được tập trung tại Trảng Lớn (Tây Ninh) tại trại cải tạo mang bí số L1T5, hòm thơ 7590, tôi may mắn được ở chung với 2 người bạn xưa cũng là giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội. Phạm Gia Đoàn trước tôi một khóa ở Thủ Đức và Nguyễn Bình Quyền là đàn em khóa sau. Hai người bạn này lại là hai hình ảnh tương phản: Đoàn thì mập mạp còn Quyền thì ốm tong teo.

Hồi còn ở trường Sinh ngữ Quân đội, Đoàn “Mập” còn có tên cúng cơm là “Nhị thập tứ hiếu” vì anh là người con hiếu thảo trong gia đình. Không là đứa con ngoan sao được khi mỗi đêm vào trường “ứng chiến” thế nào anh cũng đem theo một bịch quần áo để ủi cho đỡ tốn điện ở nhà. Không chỉ là quần áo của anh mà còn có cả quần áo của các thành viên trong gia đình!

Quyền “Ốm” đã có lần bắt gặp Đoàn “Mập” trên đường đến trường thủ sẵn một bịch nylon thật lớn trên xe Mobylette. Khi đi ngang qua đống rác lớn bên vệ đường, anh kín đáo thả một chân xuống và tay kia đẩy bao rác. Quả là một lối “tiết kiệm” tiền đổ rác của người con hiếu thảo! Đoàn “Mập” nhận “danh hiệu” “Nhị thập tứ hiếu” kể từ khi Quyền “Ốm” phát hiện một tấm gương hiếu thảo có một không hai!

Đoàn còn có một kỷ niệm “để đời” với tôi. Hồi năm 1971 hai đứa cùng đi Lackland tu nghiệp khóa giảng viên Anh ngữ tại San Antonio, Texas, anh thường than thở mỗi khi đi “check mail”: “Lâu lâu mới có thư mà chỉ là thư của bố kể chuyện gia đình, chán chết…”  Thấy Đoàn tả oán tôi thương hại ngỏ ý sẽ nhờ bà xã ở Bệnh viện Sài Gòn giới thiệu một cô để thư từ qua lại trong chuỗi ngày xa nhà.

Thật không ngờ, hai anh chị qua lại thư từ “mùi mẫm” sao đó đến ngày về nước vẫn tiếp tục “tâm sự”, và cuối cùng Đoàn thú nhận với tôi sẽ tiến tới hôn nhân với “Cô ba nhà thương”, đám bạn chúng tôi vẫn thường dùng tên này để chỉ người con gái thường liên lạc thư từ với Đoàn khi còn ở Lackland.

Mà đó là đám cưới “thật”. Vợ chồng tôi vô tình đã trở thành “ông mai, bà mối” và đoạn kết thuộc loại “có hậu”: hai chú nhóc ra đời trước khi Sài Gòn “đổi chủ”!

Trong trại học tập, nhóm chúng tôi phân công Đoàn giữ nhiệm vụ “anh nuôi”, “quản lý” tất cả đồ ăn khô của gia đình gửi vào thăm nuôi của cả nhóm. Tôi nghĩ đó là sự lựa chọn đúng đắn. Giao thức ăn cho Đoàn, một người có tài nấu nướng, chế biến, anh em chẳng còn phải bận tâm về những buổi “đại tiệc” vào ngày cuối tuần để “cải thiện” những bữa cơm cải tạo đạm bạc.

Là “đầu bếp chính” của nhóm trong cải tạo nhưng sau này gặp lại ngoài đời thường, Đoàn đã là hiệu trưởng một trường đại học tư tại Sài Gòn. Ở đời “lên voi, xuống chó” là vậy.

Trên đây là những kỷ niệm “đẹp” về Đoàn nhưng phải thành thật nhìn nhận ai cũng có những cái tốt và những cái xấu. Và Đoàn cũng không phải là ngoại lệ vì anh có cái tật…  “nổ như xác pháo”, đó là chữ của Quyền “Ốm”.

Hồi trong trại cải tạo có một người bạn tù tình cờ nói với tôi: “Anh Đoàn hồi còn nhỏ đã đi du học, đến khi về lại Việt Nam quên cả tiếng Việt!”. Quả thật năm cuối trung học Đoàn xin được học bổng AFS (American Field Service) để sang Hoa Kỳ 1 năm trước khi vào Đại học. AFS là chương trình trao đổi học sinh của Mỹ với các nước nhằm giúp học sinh làm quen với hệ thống giáo dục trung học.

Một năm sống ở xứ người khi còn là một học sinh lớp Đệ Nhị chắc chắn không thể nào ảnh hưởng đến việc quên cả tiếng mẹ đẻ. “Thêm mắm thêm muối” là sở trường của những người nấu ăn, có lẽ “anh nuôi” Đoàn cũng bị “méo mó nghề nghiệp” nên mới “nổ” với các bạn tù. Xem ra những vụ “nổ” như vậy không gây “sát thương” nên Đoàn vẫn là người bạn chí tình của tôi.   

Lại nói thêm về Quyền “Ròm”, dân trường Tây, Jean-Jacques Rousseau, nên có phong thái giống Tây nhưng tính tình lại nóng nẩy, hình như lúc nào cũng chỉ chực đánh nhau dù dáng người ốm yếu. Quyền có thói quên mân mê nút áo trên ngực mỗi khi có điều gì phải suy nghĩ. Tôi có lần hỏi: “Tao thấy mày cứ mân mê nút áo nên thắc mắc chắc đó cũng là thói quen lúc ở nhà, có “xờ” tí vợ không đấy?”. Quyền đánh trống lảng: “Bậy nà!”.             

Phải thành thật nhìn nhận, gương mặt của Quyền lúc nào cũng “cau có, khó chịu”, nhìn ai cũng như muốn “đấm” người ta. Mà chắc chắn nếu có “đấm” được ai thì chỉ một cái đấm trả cũng đủ khiến Quyền gục ngay tại trận.

Hồi mới ở Thủ Đức về trường, Chuẩn úy Quyền chưa được nhận lớp, anh được phân công phụ trách khóa sinh Sinh viên Sĩ quan Không quân. Vì lúc nào cũng “rếch lô” nên khóa sinh thường gọi lén Quyền là “Chuẩn úy Người Dơi”. Không phải vì sức mạnh của Bat Man mà là vì cái thân hình mong manh, lúc nào cũng có thể bay như dơi!

Giảng viên trong trường lại có tên khác dành cho anh: “Quyền Lucky Luke” vì anh có vóc dáng của anh cao bồi trong truyện tranh miền Tây, trông thì nhỏ con nhưng lại làm những chuyện tày trời.

Trước hay sau năm 1975 tính Quyền vẫn không thay đổi. Được cái ở trong cải tạo anh sống hết mình vì anh em nên dù đôi khi có giận anh nhưng không thể nào giận lâu được. Quyền lại có tính hay pha trò nên anh em cũng “chín bỏ làm mười”, sẵn sàng quên đi những bực tức do Quyền mang đến.

Chỉ đến khi sang Mỹ, Quyền mới thay đổi, có lẽ cũng vì tuổi tác. Anh chỉ có một “job” duy nhất từ ngày đến Hoa Kỳ và hiện vẫn làm cho một hãng hàng không tại Houston, Texas. Vốn thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp nên Quyền rất được trọng dụng. “Sống lâu lên lão làng” là vậy. Thỉnh thoảng hãng hàng không lại áp dụng chính sách ưu đãi giá rẻ cho nên mỗi khi Quyền có vacation là anh và gia đình đi khắp thế giới với giá đặc biệt dành cho nhân viên.  
    
     Lackland, San Antonio, Texas, 1971
Phạm Gia Đoàn (góc trái), Nguyễn Ngọc Chính (góc phải) và Nguyễn Bình Quyền ngồi bên cạnh

Trong cải tạo tôi có đến 4 anh bạn là bác sĩ, chính xác là bác sĩ quân y, nên cũng có “nợ máu với nhân dân”, dù ngày xưa các anh thường tiếp máu cho các bệnh nhân! Khác với những giảng viên Anh ngữ vốn là sĩ quan “trừ bị” từ Thủ Đức, bác sĩ quân y là những sĩ quan “hiện dịch”.

Trường Quân Y là một trong ba trường sĩ quan hiện dịch của Quân lực VNCH bên cạnh trường Sĩ quan Võ bị Quốc gia Đà Lạt và trường Sĩ quan Chiến tranh Chính Trị. Khóa 1 trường Quân Y Trung Ương (École Principale du Service de Santé Militaire) khai giảng từ năm 1951 tại Bệnh viện Bác sĩ Patterson, phố hàng Chuối, Hà Nội dưới quyền điều hành của Y sĩ Trung Tá Phạm Biểu Tâm, một trong những “cây cổ thụ” của ngành y Việt Nam.

Số sinh viên gia nhập Khóa 1 chỉ có 54 người, đa số là tình nguyện thẳng từ các trường Y Dược và một số tuyển lại từ các sinh viên Y Dược đã bị gọi động viên tại các trường Quân Sự Nam Định và Thủ Đức.

Nói đến quân trường, người ta thường nghĩ đến những tuần lễ “huấn nhục” đầy mồ hôi và nước mắt của những tân sinh viên từ môi trường dân sự bước vào quân sự. Trường Quân y cũng khá nổi tiếng về mặt “huấn nhục”, bức tranh dưới đây là của Y Sĩ Đại úy Nguyễn Hữu Thường, Tiểu đoàn 1, Quân y Nhảy dù:  

Huấn nhục tại trường Quân y

Nhóm cải tạo của tôi có dược sĩ Lâm “Bột”, gọi như vậy vì anh tuy đã là “Trung úy Bác sĩ” nhưng khuôn mặt cũng như tính tình chẳng khác gì một “công tử bột”. Anh ăn nói nhỏ nhẹ, không bao giờ làm mất lòng ai, chỉ phải cái tội đeo lon của chế độ cũ nên đành phải đi học tập cải tạo để nhìn ra tội lỗi của mình.

Khác hẳn với Lâm “Bột”, bác sĩ Như mà anh em gọi bằng tên cúng cơm “Nhôn Lừ” là một con người đầy cá tính, lại có tài đàn hát, một cây “văn nghệ văn gừng” thường giúp vui cả đội trong những buổi “hát chui” vào cuối tuần, vắng bóng quản giáo và vệ binh.

Những người chưa biết Như thường thắc mắc tại sao anh lại có tên “Nhôn Lừ”. Đơn giản thôi, tên đặt theo lối nói lái. Như có vẻ rất khoái cái tên tiếu lâm này. Về sau, khi gặp nhau ngoài đời, tôi có lần hỏi nhỏ: “Bệnh viện có biết tên cúng cơm “Nhôn Lừ” không đấy?”, anh vui vẻ trả lời: “Làm sao mà biết được, chỉ mấy thằng bạn cải tạo mới biết thôi. Nếu biết chắc mấy cô y tá… chạy xa”.

Bác sĩ thứ 3 là Sơn, cũng là dân trường Tây. Sơn “đô” con nhưng không bao giờ dám cà khịa với bất cứ ai trong đội, khác hẳn với anh chàng Quyền “Ròm”, điếc không sợ súng. Anh phục vụ trong quân y dưới miền Tây, gốc người miền Nam chánh hiệu nhưng anh lại trình diện tại Sài Gòn nên chúng tôi mới có cơ hội “đoàn tụ” tại “Đại học” Trảng Lớn.

Bác sĩ thứ 4 là nhân vật chính trong bài viết này: Đại úy Quân y Phạm Kỳ Nam, đơn vị cuối cùng trước khi “tan hàng” là Quân y viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Đây cũng là nơi Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4, được quân y viện lo hậu sự sau khi ông tự sát vào tối ngày 30/4/1975 (1).

Dĩ nhiên là Quân y viện Phan Thanh Giản rất nhỏ nếu so với Tổng y viện Cộng Hòa tại Sài Gòn mà có người còn gọi là “hàng không mẫu hạm” với 2.400 giường bệnh và gần 3.000 nhân viên. Dân quân y còn gọi nhà thương lớn nhất của quân đội là “Đại học Gò Vấp” vì Tổng y viện cũng như trường Sinh ngữ Quân đội đều tọa lạc tại Gò Vấp. Gọi như thế vì đây cũng là nơi huấn luyện hậu đại học cho hằng trăm quân y sĩ với 7 chuyên khoa.

Lễ mãn khóa Trường Quân Y QLVNCH

Trở lại với bác sĩ Nam, gia đình anh quả là “nặng nợ” với “cách mạng”. Ngày Sài Gòn thất thủ, trong nhà chỉ có 4 người, thế mà lại chia làm hai phe: mẹ và cô em gái ở nhà chỉ lo tới kỳ thăm nuôi vì cả Nam và bố anh đều đi học tập cải tạo.

Thực ra thì Nam còn 2 người em trai nhưng trước năm 1975 đều du học tại nước ngoài. Bố của Nam là thẩm phán trong chế độ cũ nên phải ra tận ngoài Bắc, khá lớn tuổi nên ông chỉ sống được vài năn trong trại cải tạo và nằm lại trên đất Bắc, nơi ông đã ra đi từ năm 1954.

Nam là một thanh niên tràn trề sức sống, hãy còn độc thân nên tôi thấy trong suốt thời gian sống gần anh trong trại cải tạo Nam luôn luôn giữ được một tinh thần lạc quan với những câu chuyện tiếu lâm. Tuy nhiên, đôi lúc anh cũng nghĩ đến tương lai và tưởng tượng ra một ngày nào đó anh sẽ lập gia đình với một cô “bộ đội cái, cái đít như cái lu”!

Đấy chỉ là một câu chuyện vui của Nam trong một buổi tuối cuối tuần được nghỉ lao động, mấy anh em ngồi hàn huyên bên ly nước “chùm bao” thay cho nước trà ngoài đời. Tôi cũng hiểu, người lạc quan chưa chắc là lúc nào cũng vui và người bi quan chẳng phải là lúc nào cũng buồn. “Sông có khúc, người có lúc” nên vui đấy rồi cũng buồn đấy. Con người sinh ra vốn lúc nào cũng bị nhốt trong cái vòng “Hỉ - Nộ - Ái - Ố”, chỉ đi tu mới có thể thoát ra cái vòng luẩn quẩn đó.    

Gặp Nam lần đầu người ta luôn bị “ấn tượng” bởi mái đầu bạc của anh. Nam giải thích nửa đùa nửa thật với chúng tôi: “Ngũ Tử Tư ngày xưa chỉ một đêm suy nghĩ mà râu tóc đã bạc phơ, còn tao tóc bạc một cách tự nhiên. Hồi còn sinh viên sĩ quan quân y tóc tao đã bạc chứ đâu cần phải vào trại học tập cải tạo mới bạc…”

Sinh viên Sĩ quan Quân y chuẩn bị diễn hành

Thế cho nên cái tên “Nam Đầu Bạc” đã theo anh từ trường quân y vào đến trại cải tạo. Còn một cái tên nữa chúng tôi đặt cho anh: “Nam Già”. Theo tôi, đây là biệt danh ý nghĩa nhất, chữ “già” nói lên những đặc tính của anh. Tuy chỉ lớn hơn tôi 3 tuổi nhưng ở Nam người ta cảm thấy anh “già dặn” từ cách đối xử đến lối sống, từ cách ăn nói cho đến suy nghĩ.

Trong cải tạo, Nam “Già” vẫn thể hiện tác phong của một người chỉ huy. Không ai bầu nhưng anh mặc nhiên là trưởng nhóm lao động chúng tôi vì giọng nói của anh sang sảng mà cũng vì anh sẵn sàng tranh luận với vệ binh ở chừng mực cho phép của một người tù.

Căn cứ Trảng Lớn có phi đạo nhỏ được lát bằng những tấm vỉ sắt dài khoảng 3m, bề mặt là những vòng tròn nhỏ để thoát nước. Công việc đầu tiên của chúng tôi là gỡ những tấm vỉ sắt đó, khiêng về trại nằm cách khoảng 2 km đường chim bay.

Đầu tiên phải nghiên cứu cách lắp đặt các vỉ sắt để tìm cách tháo ra. Một khi đã nắm được thiết kế ban đầu việc còn lại không kém phần nan giải là làm sao “tha” được những tấm sắt nặng nề này về trại để sử dụng cho những mục đích khác như làm cầu tiêu chung, lót quanh bờ giếng để có chỗ tắm giặt…

Tất cả những công đoạn đó đều do người cải tạo tự mày mò khám phá và thực hiện, quản giáo trên trung đoàn chỉ thỉnh thoảng xuống trại kiểm tra. Những bộ óc trước đây chỉ làm công việc quan trọng hoặc chuyên môn giờ thì được vận dụng vào thực tế trước mắt.

Chúng tôi nghĩ ra cách cứ 6 người khiêng một tấm vỉ sắt trên vai tựa như đạo tỳ khiêng quan tài. Quan tài chắc chắn gọn và nhẹ hơn vỉ sắt. Khi khiêng hòm người ta thường chọn những người có chiều cao ngang nhau nhưng ở trại cải tạo làm gì có sự lựa chọn đó, anh nào cao kều thường là những người chịu đựng nhiều nhất nên thường phải lom khom để sức nặng chia đều cho những người khác.

Hàng ngày sống giữa những người bạn bác sĩ nhưng đến khi ngả bệnh mới thấy thấm thía thân phận của người tù. Dù ngoài đời có là gì đi nữa họ cũng đành “bó tay” không giúp được gì hay đúng ra thì chỉ có những lời khuyên không hơn, không kém. Bác sĩ có giỏi cách mấy cũng chỉ đứng nhìn vì trong tay không có đến một viên thuốc.

Lúc đầu vì không quen với các công việc lao động nặng như khiêng vỉ sắt nên tôi thấy mình đau thắt nơi sống lưng, sau đó thêm biến chứng đi tiểu gắt, mỗi lúc buồn tiểu là một cực hình. Các bác sĩ “cải tạo” sau khi “hội chẩn” nói là tôi bị sạn thận hay còn gọi là sỏi thận.

Nam “Già” cho ý kiến: “Hy vọng đây là hòn sỏi nhỏ, mày ráng uống nhiều nước để kích thích bài tiết, đi tiểu nhiều may ra có thể tống nó ra ngoài. Bệnh này cần được nghỉ ngơi nên trước mắt cứ lên tiểu đoàn khai bệnh để được miễn lao động. Tao chắc trên đó cũng chẳng có thuốc men gì…”  

Khi triệu chứng đau thắt vùng lưng càng ngày càng tệ, tôi lên “trạm xá” tiểu đoàn để khai bệnh. Đúng như Nam “Già” tiên đoán, anh y tá trẻ trên ấy cũng chẳng khác gì bác sĩ dưới này, chẳng có thuốc men gì ngoại trừ món “xuyên tâm liên” và… “khắc phục”. Tuy nhiên, anh lại hơn các bác sĩ cải tạo vì có quyền cho phép tôi được miễn lao động 2 ngày.

Tôi biết, ngoài vòng rào trại cải tạo nếu người bị bệnh như tôi kiếm được thuốc lợi tiểu để trị bệnh cũng là chuyện nan giải nên khi được phép viết thư về gia đình tôi chỉ nhắn ráng kiếm thật nhiều râu bắp gửi vào. Tôi không nói uống nước râu bắp lợi tiểu nên chắc hẳn người nhà cũng thắc mắc tại sao chỉ cần râu bắp chứ không cần trái bắp…

Sau vụ sỏi thận tôi lại có thêm biệt danh “Thợ Vịn”, cái tên “Vịn” do Nam “Già” đặt. Chẳng là người bệnh sỏi thận không được làm những việc nặng nhọc nên mỗi khi đi lao động anh em trong toán “mặc nhiên” để tôi “vịn”, nghĩa là một hình thức tham gia cho có lệ chứ không phải làm hùng hục như những người khác. Thật lòng tôi cũng chẳng muốn “vịn” nhưng cứ nghĩ tới những cơn đau thắt lưng đổ mồ hôi hột nên đành đóng vai “thợ vịn”!

Chúng tôi sống chan hòa với nhau trong tình anh em cùng khổ và tìm được nguồn vui trong sự nhường nhịn, chia sẻ như vậy trong suốt gần 3 năm từ Trảng Lớn rồi tiếp đến là Đồng Ban, Trảng Táo quanh quẩn vùng Đông Nam Bộ với núi Bà Đen làm tâm điểm.

Núi Bà Đen có truyền thuyết liên quan đến nửa cuối thế kỉ 18, hồi đó diễn ra những cuộc xâu xé giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn khiến nhân dân khốn khó lầm than. Khi Nguyễn Huệ dấy lên cuộc khởi nghĩa Tây Sơn có một chàng trai tên Lê Sỹ Triệt chia tay người yêu là Lý Thị Thiên Hương lên đường phò Nguyễn Huệ.

Lý Thị Thiên Hương là cô gái xinh đẹp, đức hạnh với làn da ngâm đen, cô ở nhà sống trong vòng vây của cường hào ác bá nhưng vẫn một lòng chung thủy với người yêu. Một hôm, khi bị cưỡng bức, vì giữ tiết hạnh nên người con gái ấy đã leo lên tận đỉnh núi gieo mình tự vẫn.

Thi thể cô được đem về mai táng và nhà chùa đã cho lập đền thờ riêng để người ta cúng bái. Việc hành hương về chùa vào mùa xuân đã trở thành tập tục quen thuộc từ đây tại ngọn núi có tên Bà Đen để tưởng nhớ người con gái có nước da bánh mật.

Núi Bà Đen, Tây Ninh

Chúng tôi lần lượt rời trại cải tạo sau gần 3 năm quanh quẩn dưới chân núi Bà Đen. Người được ra trước nhất là Nam “Già”, nghe đâu bà mẹ ở nhà đã “chạy chọt” để Nam về nông trường Phú Mỹ, Củ Chi. Đến lượt tôi ra trại, qua tin tức bạn bè cải tạo tôi mới biết Nam “Già” làm tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, hồi xưa là Bệnh Viện Sùng Chính trong Chợ Lớn.

Bạn tù gặp lại nhau nửa mừng nửa tủi. Mừng vì Nam “Già” đã trở lại phong độ ngày nào trên cương vị một bác sĩ, lại có cả phòng mạch tư trên đường Triệu Quang Phục ở quận 5. Mừng hơn nữa là anh đã lập gia đình với ca sĩ Phương Hồng Quế, thường được gọi là “TV Chi Bảo” hồi trước 1975.

Nam và Quế quen nhau từ những ngày Nam còn phục vụ tại Quân y viện Cần Thơ nơi Quế thường đến hát ủy lạo thương bệnh binh. Họ lập gia đình năm 1979 và có hai người con: Phạm Duy Châu và Phạm Cát Phương.

Quế xuất thân từ “lò” ca nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Đức từ năm 1963, nổi tiếng với những bài ca tụng lính tráng thời chiến tranh. Những bài hát đầu tiên cô xuất hiện trên truyền hình số 9 tại Sài Gòn năm 1968 đã chinh phục khán giả. Những nhạc phẩm mà Phương Hồng Quế thể hiện, nếu không trực tiếp liên quan đến hình ảnh người lính thì cũng gián tiếp đâu đó có bóng dáng người chiến binh. Trong số đó phải kể đến Phố đêm, Tàu đêm năm cũ, Chuyến đi về sáng…   

Phương Hồng Quế

Gia đình Phương Hồng Quế có một căn nhà khang trang ngay mặt tiền trên đường Hai Bà Trưng, gần cầu Kiệu. Tại “tổng hành dinh” này, tôi có dịp gặp lại Đoàn “Mập”, Quyền “Ròm” xuất thân trường Sinh ngữ Quân đội, nhóm bác sĩ “Nhôn Lừ”, Lâm “Bột”…

Hóa ra tình bạn trong tù vẫn còn kéo dài ra ngoài đời thường và lại còn có dịp biết thêm những nhân vật mới như Cường vốn là sĩ quan pháo binh Thủy quân lục chiến, nghe tiếng súng nhiều quá, tai bị “nghễnh ngãng” nên có biệt danh Cường “Điếc”; Huệ vốn là sĩ quan hải quân bị… mắc cạn; chú Định, em của mẹ Nam “Già”, vốn là dân Quốc gia Hành chánh, đã từng là phó quận…

Hầu hết những nhân vật vừa kể đều ra chợ trời thuốc tây trên đường Nguyễn Hữu Cầu, bên hông chợ Tân Định và chỉ cách nhà Nam “Già” vài phút đi bộ. "Đổi đời" nên ai cũng chẳng còn câu nệ trong vai anh đứng chợ trời mua và bán thuốc tây, miễn sao có đồng ra đồng vào nuôi vợ nuôi con qua ngày đoạn tháng.

Phải công nhận Nam “Già” vẫn còn rất nhạy bén trong vai trò… lãnh đạo. Anh nghĩ ngay đến việc xếp tôi vào nhiệm vụ dạy Anh văn cho Phương Hồng Quế, rồi Phương Dung người em gái và cả Thu Hiền, người cháu mới học cấp 2. Thế là “Thợ Vịn” trong tại cải tạo trở thành “Thầy Vịn” cho cả gia đình, ngoại trừ bố và mẹ Phương Hồng Quế đã lớn tuổi.

Tôi thực sự cảm động khi nhận được email của Thu Hiền “ngỗ nghịch” ngày nào giờ đây là Holly Nguyen, Giám đốc Tài chính của KKL Ventures ở tiểu bang Washington. Thư của cháu không có dấu nên tôi phải viết lại ra đây:

“… Con muốn thầy biết rằng bé Hiền lúc nào cũng ghi nhớ và quý trọng công ơn thầy...... nếu không được thầy dìu dắt và dạy dỗ thì chắc rằng con sẽ không có được ngày hôm nay!!!

Con rất là vui mừng khi được gặp lại thầy và thấy thầy vẫn tươi vui, phong độ như ngày nào. Chúc thầy luôn được vui vẻ và hạnh phúc. Bé Hiền”.

Tình bạn giữa tôi và Nam còn ảnh hưởng đến thế hệ tiếp nối. Con gái tôi sau khi tốt nghiệp lại về làm việc tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình và ngay trong khoa của Bác sĩ Nam. Hóa ra quả đất vẫn tròn, dù ta ở đâu và vào lúc nào cũng có những cơ hội gặp lại nhau, không những là bản thân mà còn là những người thân.

Nam "Đầu Bạc" 

Nhưng, nhận định trên có phần khập khiễng trong trường hợp của Nam khi gia đình Quế quyết định đi Mỹ qua sự bảo lãnh của một người em đi từ năm 1975. Nam không phản đối để vợ ra đi vì tương lai của 2 con nhỏ nhưng bản thân anh lại luôn có ấn tượng không đẹp với cuộc sống ở nước ngoài nên quyết định ở lại.       

Và thế là tháng 3/1991 Phương Hồng Quế cùng mẹ và 2 con định cư tại Little Saigon. Khi sang định cư tại Hoa Kỳ Quế mở một tiệm bán hoa, kế đó điều hành một văn phòng du lịch rồi lại mở một văn phòng về chuyên về “loan” (vay tiền) và địa ốc. Ngoài việc kinh doanh Quế vẫn xuất hiện trong các băng đĩa VCD và DVD của Thú Nga Paris, Asia, Vân Sơn...

Năm 1994 tôi có dịp về Little Saigon và thăm Quế cùng gia đình, thầy trò gặp lại nhau buồn vui lẫn lộn. Có một điều tôi thầm nhận xét là người ca sĩ này sống rất có tình trong đời thường. Cháu Phạm Duy Châu nay đã tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa tâm lý và người mẹ đó bỏ lại sau lưng một dĩ vãng vàng son để chỉ còn nhìn trước mặt là tương lai của hai con.

Phương Hồng Quế cùng mẹ và hai con Duy Châu & Cát Phương
(Hình chụp tại Little Saigon, 1994)

Thật bất ngờ, tôi nhận được email từ Quế báo tin Nam đã qua đời ngày 19/10/2012. Tôi đã mất đi một người bạn “thật sự” trong thời điêu linh. Và tôi cảm thấy mình có lỗi khi nhớ lại một câu của ai đó đã nói: 

“Tại sao những lời tốt đẹp về bạn lại phải đợi đến lúc người đó qua đời mới được nói ra?” 

được dịch từ câu thơ:

Why should good words ne’er be said
Of a friend till he is dead?

Cáo phó trên Báo Người Việt

 Phân ưu trên báo Viễn Đông

***

Chú thích:

(1) Trên Diễn đàn Cựu sinh viên Quân y (http://www.svqy.org/nguyenkhoanam.html) tác giả Hoàng Như Tùng (Quân y Hiện dịch Khóa 6, nguyên Chỉ huy trưởng Quân y viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ) trong bài viết Lễ tưởng niệm tướng Nguyễn Khoa Nam có đoạn:

“Vào khoảng 6 giờ sáng QYV Phan Thanh Giản được điện thoại từ dinh tư lệnh cho biết tướng Nam đã tuẫn tiết bằng súng lục Browning.

Tôi tuy đã dự đoán trước việc này nhưng vẫn bàng hoàng, đau thương trước cái chết của người anh hùng. Bằng xe hồng thập tự, chúng tôi rước xác thiếu tướng về để làm thủ tục khai tử, khâm liệm và an táng. Lần này đón thi thể của vị tướng tư lệnh là đủ mặt nhân viên QYV còn ở lại đơn vị. Ai nấy đều xúc động, rưng rưng nước mắt.

BS trực Trần quốc Đông (hiện ở Úc) làm tờ y chứng. Thủ tục khám nghiệm đã xong, QYV xúc tiến tang lễ. Kiểm điểm tư trang của người quá cố chỉ thấy:

- Một cuốn kinh Phật nhỏ đựng trong một túi nylon.
- Một khẩu súng lục hiệu Browning 7.2 mm
- Một thẻ bài kim khí cá nhân.

Ba món này đã được bỏ vào quan tài để làm vật lưu dấu phòng thất lạc thi hài người chết.

Toàn thành phố Cần thơ xúc động vì hai tướng Hưng, Nam tuẫn tiết. Hội Hồng thập tự, do BS Lê văn Thuấn làm chủ tịch, biếu hai quan tài loại tốt nhất, dành cho tướng Nam và BS Nguyễn văn Tựu, y sĩ đại úy thuộc quân đoàn IV, bị VC sát hại đêm 30-4-75.

Thi thể tướng Nam được trang trọng đặt nằm trên một brancard có trải drap trắng. Ông nằm như ngủ, mặt hiền từ trắng xanh, tay chân còn mềm. Bên cạnh là thi hài của bác sĩ Tựu.

Bàn thờ hai vị được thiết lập đơn sơ nhưng trang nghiêm, có nhang thơm nến cháy. Toàn thể nhân viên QYV buồn bã nghiêng mình tiễn đưa vị anh hùng và người thầy thuốc chết vào giờ thứ 25 của cuộc chiến.

Nắp áo quan đóng lại. Anh em sĩ quan, trong đó có tôi, khiêng quan tài tướng Nam và BS Tựu ra xe dân sự tiến về phía nghĩa trang quân đội Cần thơ. Hướng dẫn xe tang và chỉ huy lễ hạ huyệt do thiếu tá dược sĩ Mai bá Vỵ sĩ quan CTCT thi hành. Một bán tiểu đội cơ hữu của QYV phụ trách việc đào huyệt. Rất may tang lễ  được hoàn tất trước khi người của chế độ mới vào tiếp thu BV”.



(2) Đọc thêm về Phạm Kỳ Nam & Phương Hồng Quế qua bài viết “Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Chợ trời”:

***
--> Read more..

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Về Gà và Người

Năm 1937, nhà văn người Mỹ được giải thưởng Nobel về văn chương, John Steinbeck, cho ra mắt tác phẩm “Of Mice and Men”, tạm dịch là “Về Chuột và Người”. Chuyện kể về hai nhân vật chính trên bước đường gian truân tìm việc làm tại California trong thời kỳ Đại Suy Thái (Great Depression).   

Tựa đề của tiểu thuyết là “Về Chuột và Người” nhưng người đọc chẳng thấy con chuột nào xuất hiện từ đầu đến cuối vì tác giả dùng lối gợi ý về “hình ảnh súc vật” (animal imagery) để mô tả về những thảm kịch trong cuộc sống khó khăn của con người thời kinh tế khủng hoảng.

Tôi sửa đề tựa đó để đặt cho bài viết này: “Về Gà và Người”. Song, đây thuần túy chỉ là một bài tản mạn về hai hình ảnh, một bên là Gà và một bên là Người, nhưng suy cho cùng lại có những điểm tương đồng đến độ đáng phải ngạc nhiên. 

Xã hội loài gà

Hồi xưa, lúc gia đình tôi còn ở Đà Lạt, có vườn cây rộng rãi nên nuôi rất nhiều gà thả rông. Tôi đã bỏ ra nhiều thì giờ quan sát đàn gà đào bới khắp vườn để kiếm ăn và nhận ra “xã hội loài gà” sao có nhiều cái giống với con người quá thể!

Gà sống thành đàn, lối sống của chúng mang tính cộng đồng, một loại xã hội thu nhỏ của loài người. Cá thể gà trong đàn giành giật nhau để chiếm ưu thế kiếm mồi, cũng chẳng khác nào loài người trong cuộc mưu sinh. Cái gọi là "tôn ti xã hội" của loài gà dựa trên nguyên tắc “mạnh được, yếu thua”, qua đó xác định vai trò có đặc quyền tiếp cận thức ăn và địa điểm làm tổ.

Ở loài người, mỗi gia đình sẽ có người đứng đầu, giữ địa vị “gia trưởng”. Có điều ngày xưa thường là người đàn ông nhưng ngày nay “nam nữ bình quyền” nên “gia trưởng” cũng có thể là phụ nữ! Gà cũng có “gia trưởng”. Gà trống luôn giữ nhiệm vụ đầu đàn, tôi chưa từng thấy một chị gà mái giữ nhiệm vụ thủ lãnh như trong xã hội loài người thời nay.

Tôn ti trật tự của đàn gà sẽ bị phá vỡ khi xuất hiện con gà trống mới lớn trong đàn, ngo ngoe dành địa vị của đương kim thủ lãnh, nhưng thế nào “kẻ nổi loạn” cũng bị tách ra khỏi đàn sau những “trận đòn thù”!  Chú gà trống “nổi loạn” đó sẽ rút lui bằng cách lập thành đàn mới với những chị gà mái tơ, chú thường tránh đối mặt với “cựu thủ lãnh” vì bản thân chú cũng hiểu… “tránh voi đâu xấu mặt nào”! 

 Chân dung oai phong lẫm liệt của chú gà trống đầu đàn

Bây giờ ta quan sát chú gà trống thủ lãnh “oai phong lẫm liệt” của đàn gà trong vườn. Trời sinh chú có bộ mã tuyệt đẹp với lớp lông sặc sỡ, óng ả. Chiếc mào gà đỏ chót trên đầu trông tựa như chiếc mão của vua chúa. “Áo” và “Mão” chính là lợi thế đầu tiên để thu hút sự chú ý của các chị gà mái.

Tiếng Việt quả là quá hay. “Mão” với “Mào” chỉ khác nhau có một cái dấu nhưng lại là một khoảng cách rất lớn giữa vua chúa với cái mào của con gà! “Mào gà” còn là tên một loài hoa tuy không có hương nhưng sắc trông chẳng khác nào cái mào gà. Còn một thứ mào gà nữa mà chẳng ai muốn có vì đó là một bệnh lây truyền qua đường tình dục: bệnh “sùi mào gà” hay còn gọi là bệnh mụn cóc sinh dục ở cả nam và nữ!    

Trở lại chuyện gà trống. Chú gà đầu đàn ngoài vẻ “đẹp trai” lại còn có tính dũng cảm, sẵn sàng bảo vệ “người đẹp” trước những đe dọa rình rập từ bên ngoài. Tài liệu viết về gà trống đã hào phóng phong tặng gương dũng cảm đó qua hình ảnh của các vị thần cổ xưa như Ares, Heracles và Athena. Sách của Plato thuật lại những lời được cho là cuối cùng từ miệng Socrates trước khi ông chết: “Crito, tôi nợ Asclepius một con gà trống; ông sẽ trả món nợ này hộ tôi chứ?”

Không biết nợ có trả được hay không nhưng cho đến ngày nay chú gà trống nào cũng cất tiếng nhắc nhở: “Ò… Ó…. O…. Ò…”. Gà trống nào cũng biết gáy và thường gân cổ để cất tiếng gáy to hơn “anh hàng xóm”. Cũng vì thế ta mới có câu… “gà tức nhau tiếng gáy”. Mỗi khi gáy xong, anh chàng gà lại nghe ngóng xem có tiếng đáp lại hay không và thế là cuộc chạy đua tiếng gáy diễn ra.

Tôi để ý, trước khi gáy gà thường vỗ cánh làm động tác tựa như ta hít thở để tiếng gáy lần sau to hơn lần trước. Các nhà khoa học phân tích tiếng gáy của gà luôn ở tần số cao vì nhờ “lưỡi gà” mà ở con người cũng có “lưỡi gà” trong vòm họng! Thêm nữa, trong các loại kèn và trong xe gắn máy 2 thì cũng xuất hiện thuật ngữ “lưỡi gà”. Xem ra trong ngôn ngữ Việt có một hành trình lý thú: từ cái lưỡi của con gà đã biến thành bộ phận của con người, bộ phận của nhạc cụ rồi cả bộ phận máy móc!    

Gà thường gáy vào mỗi buổi sáng nhưng cũng có khi lại gáy vào buổi trưa, đúng ngọ. Điệp khúc đồng quê “Ò Ó O…Ò” vang lên giữa buổi trưa hè khiến Chế Lan Viên phải thốt lên: 

Nhớ biển miền Trung tiếng sóng đùa
Nhớ nhà cha mẹ, cảnh trường xưa
Nhớ chao ôi nhớ, trời xanh thế
Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa
  
Lưu Trọng Lư khi nghe tiếng gáy xao xác của những con gà vào buổi trưa lại mang một tâm trạng hoài cổ:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.

“Gia trưởng” của đàn gà

Ngoài vóc dáng và sự dũng cảm, gà trống còn có “tật”… đa tình. Không biết có phải vì cái “tật” này không mà gà bị mang tiếng “mèo mả, gà đồng”, một cách ám chỉ những kẻ vô lại, sống lang thang, làm bậy bất kể nơi nào.

Tính dục của gà trống rất mạnh. Chỉ một mình “gia trưởng” cũng thừa sức làm thỏa mãn một bầy gà mái hàng chục nàng mơn mởn. Qua quan sát tập tục của chúng, ta nhận ra ngay gà trống có thể “đạp mái” bất kể nơi nào, lúc nào. Trước khi đạp mái, chú gà trống thực hiện từng bước, rất bài bản, chứ không “nhập đề” hùng hục như ta tưởng.

Nhắc đến chữ “đạp mái” tôi bỗng nhớ đến một câu chuyện tiếu lâm. Hồi xưa, xe Honda chưa có bộ phận “đề” để khởi động, có một cô đạp mãi mà xe không chịu nổ. Thấy vậy một thanh niên đến đạp giúp, máy nổ ngay. Người đẹp cười duyên kèm theo lời khen: “Anh ‘đạp mái’ hay thiệt!’. Cô vốn là người miền Tây nên phát âm chữ “máy” thành chữ “mái” một cách tự nhiên khiến chàng trai là Bắc kỳ 54 cứ tủm tỉm cười hoài.

Mẹ và các con

Trở lại chuyện gà “đạp mái”: điệu bộ xum xoe của chàng gà trống rất buồn cười bên “người đẹp”. Chàng xủ bộ lông cánh xuống sát đất, hai chân chạy những bước ngắn quanh đối tượng dường như để lấy trớn. Và rồi bất ngờ, chàng nhảy phóc lên lưng nàng, khi đó cô gà mái cũng ngoan ngoãn co chân lại, chờ đợi giây phút thần tiên ngắn ngủi.

Có những chú gà lại còn “mưu mẹo” khi thực hiện màn “fore-play”, chú cục cục gọi gà mái đến để chia mồi. Khi đến nơi nàng mới ngã ngửa: mồi không phải là những con giun hay hạt thóc… mà là mấy hòn sỏi. Ấy thế mà cũng đi đến đoạn kết “có hậu”. Sau giây phút sung sướng đó, nàng giũ lông như để trang điểm lại còn chàng thì đập đôi cánh trước khi gáy vang ra chiều thỏa mãn.     

Tình gà

Gà trống có tiếng gáy lanh lảnh thì gà mái lại có tiếng cục tác ầm ĩ sau khi đẻ trứng, ra điều ta đây vừa hoàn thành chức năng của giống cái. Thế cho nên dân gian mới có câu “Gà đẻ gà cục tác, Bác đẻ bác la làng” hoặc “Gà đẻ gà cục tác, Ác đẻ ác la”!

Gà mái thường đẻ trứng mỗi ngày một quả, tính ra một chu kỳ “thai nghén” kéo dài trên dưới 10 ngày. Tiếp đến là giai đoạn ấp trứng, đây chính là lúc thể hiện bản năng của loài gà: cứ miệt mài nằm ấp, ít ra khỏi ổ để giữ nhiệt độ thích hợp cho việc nở trứng ở 37,5°C . Giai đoạn này cũng là lúc cô gà mái dữ dằn hơn bao giờ hết, cô sẵn sàng phản ứng quyết liệt bằng cách mổ nếu bị làm phiền, bất kể kẻ đó là chú gà trống hay con người.

Thời gian “ở cữ” kéo dài khoảng 20 ngày. Trời phú cho gà mái khả năng nghe thấy gà con kêu trong vỏ trước khi trứng nở và gà mẹ sẽ nhẹ nhàng “cục tác” để kích thích gà con mổ vỏ chui ra. Gà con mổ một lỗ thở trên vỏ trứng, nghỉ ngơi lấy sức trong vài giờ và hấp thu phần lòng trắng trứng còn lại trước khi tiếp tục mổ cho đến khi lớp vỏ vỡ ra. Đó là lúc chú gà con chính thức chào đời và bộ lông măng được làm khô dưới sức ấm của tổ.

Gà mái kiên nhẫn nằm trong tổ khoảng hai ngày sau khi quả trứng đầu tiên nở rồi mới chịu rời ổ, bỏ lại những quả trứng “ung”. Gà con mới nở được gà mẹ ra sức bảo vệ và được mẹ ủ kín để giữ ấm khi cần thiết. Gà mẹ dẫn các con tìm thức ăn và nước uống, nó sẽ gọi con khi tìm thấy thứ gì ăn được nhưng hiếm khi mớm trực tiếp cho con. Gà mẹ tiếp tục chăm sóc gà con cho đến khi chúng được vài tuần tuổi, sau đó nó sẽ mất dần hứng thú và lại bắt đầu đẻ trứng mới.

Gà mái ấp trứng

Theo tôi, gà mái có thể ví như một bà mẹ hiền bên đàn con thơ nheo nhóc. Mẹ dẫn các con đi tìm mồi, thỉnh thoảng dừng lại như để điểm danh quân số và dáo dác tìm con khi có tiếng chíp chíp của đứa con lạc mẹ.

Cảm động nhất là những lúc bầy gà nghỉ ngơi. Mẹ gập chân xuống, xù lông để các con chui vào nơi an toàn nhất. Gà con cũng có đứa ngoan chui vào bộ lông gà mẹ nhưng cũng có chú hiếu động không chịu ngủ trong bộ cánh của mẹ, thơ thẩn trong vườn. Đến một lúc nào đó chú gà ráo rác tìm mẹ, miệng không ngớt chíp chíp gọi mẹ ơi! Đúng như người ta thường ví… “Gà con lạc mẹ”

Tuổi thơ của Gà và Người cũng có nhiều nét tương đồng. Có những chú gà con ngỗ nghịch, có những đứa trẻ làm buồn lòng mẹ nhưng mẹ lúc nào cũng là… mẹ, ít khi nào tỏ thái độ chiều đứa này, ghét đứa kia. Bài học từ loài gà khiến con người rút ra được một câu thâm thúy: “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

Chân dung nàng gà mái

Từ thời cổ đại, gà đã là một loài vật linh thiêng trong một số nền văn hóa và gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng. Người Hy Lạp sau khi tiếp xúc với văn hóa Ba Tư đã dùng thuật ngữ "Chim Ba Tư" để chỉ gà trống.

Trong kinh Tân Ước, Chúa Giê-su đã tiên đoán sự phản bội của Thánh Phêrô: "Thầy bảo thật anh, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần". Lời tiên tri đó đã trở thành sự thật và điều này khiến gà trống trở thành biểu tượng của sự cảnh giác và sự phản bội.

Chúa Giê-su cũng so sánh mình với gà mái mẹ khi nói về Jerusalem: “Hỡi Jerusalem, Jerusalem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng hứng.”

Vào thế kỷ thứ 6, Đức Giáo hoàng Grêgôriô I tuyên bố gà trống là biểu tượng của Kitô giáo. Đến thế kỷ thứ 9, Giáo hoàng Nicôla I ra lệnh đặt hình gà trống lên tất cả các gác chuông nhà thờ. Tại Việt Nam, cụm từ “Nhà thờ Con gà” đã trở thành phổ biến, không riêng gì Đà Lạt có Nhà thờ Con gà mà Đà Nẵng cũng có nhà thờ chính tòa với biểu tượng con gà trống trên tháp chuông.

Con gà trên tháp chuông Nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng

Hình ảnh “Gà trống Gaulois” được coi là biểu tượng của nước Pháp. Người xưa gọi nó là “Gallus Gallus”, theo tiếng Latinh Gallus vừa có nghĩa là con gà trống, vừa có nghĩa là người dân xứ Gaule, tức là vùng đất tương ứng với lãnh thổ nước Pháp ngày nay. Nhiều đồng tiền cổ được sử dụng trong các bộ lạc xứ Gaule có mang hình gà trống. Biểu tượng này giờ đây có thể tìm thấy tại bảo tàng Louvre và cung điện Versailles. Đối với những người yêu thích môn bóng đá, “Gà trống Gaulois” chính là biệt danh của đội tuyển xứ Tam Tài.  

Tại Indonesia, gà mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong nghi lễ hỏa táng của đạo Hindu. Gà ở đây được xem là đường nối cho những linh hồn xấu xa. Trong buổi lễ, gà bị thắt chân để bảo đảm rằng mọi linh hồn xấu xuất hiện sẽ nhập vào gà thay vì nhập vào các thành viên trong gia đình tại đó. Sau lễ, người ta mang gà về nhà và nó lại tiếp tục cuộc sống bình thường.

Tại Việt Nam có phong tục “gà mở cửa mả” sau khi người chết được an táng 3 ngày. Trong lễ này phải có con gà dắt theo để nó kêu lên khiến hồn người chết nghe tiếng gà thức dậy. Nhà sư đi đầu dẫn theo thân nhân người chết cầm cây mía lau có cột 1 con gà đi 3 vòng quanh ngôi mộ mới. Sau khi cúng xong, người ta bỏ con gà lại tại mả, bưng khay rước vong về nhà để thờ. Có nơi còn cho con gà uống rượu khiến nó lừ đừ nên mới có câu: “Lờ đờ như con gà mở cửa mả”.

Gà mở cửa mả

Xét về mặt ngôn ngữ tiếng Việt, con gà đã đóng góp cho con người rất nhiều từ ngữ được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nào là “gà mờ”, “gà rù”, “gà nuốt giây thun”, “gà mắc tóc” cho đến cuối cùng là… “gà chết”!

Ngoài những bữa ăn sang trọng có “cơm gà, cá gỏi” hay “đầu gà, má lợn” người ta còn ca tụng sắc đẹp và ẩm thực được gói gọn trong câu “cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà mái ghẹ”. Đối với một số người thuộc giới sành ăn lại đưa ra triết lý “chó già, gà non” được hiểu theo ý thịt chó già không tanh (!), thịt gà non mới mềm.

Đọc đoạn thơ được mở đầu bằng câu “Gà tơ xào với mướp già” dưới đây người ta không khỏi buồn lòng khi “gà tơ” lại đem xào với “mướp già” trong một cuộc hôn nhân không cân xứng:

Gà tơ xào với mướp già
Vợ hai mươi mốt chồng đà sáu mươi
Ra đường, chị diễu em cười
Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng
Đêm nằm tưởng cái gối bông
Giật mình gối phải râu chồng nằm bên
Sụt sùi tủi phận hờn duyên
Oán cha trách mẹ tham tiền bán con

Đối với những kẻ cậy thế, cậy quyền bắt nạt người thì đúng là “chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”. Những kẻ bất tài, không có ý chí tiến thân được gán cho hình ảnh “gà què ăn quẩn cối xay”. Những kẻ không nhìn rõ được sự thật, lẫn lộn giữ phải và trái thì… “trông gà hoá cuốc”. Còn bạch diện thư sinh được xếp vào hạng… “trói gà không chặt”.

Theo tôi, hình ảnh nổi bật nhất của gà là cảnh “gà trống nuôi con”. Ở con người, cảnh này không phải là hiếm nhưng đối với xã hội loài gà ít khi nào ta gặp được chú gà trống bên đàn gà con không có mẹ. Dù sao đi nữa, con người vốn là một sinh vật thượng đẳng với đầy đủ Hỉ, Nộ, Ái, Ố trong khi con gà chỉ là một động vật hạ đẳng.  

Bức tranh một đàn gà

Có bao giờ bạn so sánh giữa con người và con gà? Cụ thể hơn, so sánh giữa một bên là đàn ông & phụ nữ còn phía bên kia là gà trống & gà mái?

Bức hí họa dưới đây nói lên tất cả sự thật, một sự thật ít người có thể chối cãi. Bức tranh đúng hay sai còn tùy thuộc vào nhận thức và quan niệm của mỗi người nhưng có điều đó là sự thật không thể chối cãi.

Vòng đời của gà và người

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)


Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
--> Read more..

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Binh Danh & nhiếp ảnh trên lá cây


Nhiếp ảnh là việc tạo ra hình ảnh bằng tác động của ánh sáng với phim hoặc thiết bị nhạy sáng được thực hiện bằng các phương tiện cơ học, hóa học, hay kỹ thuật số thường được gọi là máy ảnh.

Ảnh cố định đầu tiên được chụp năm 1826 bởi Joseph Nicéphore Niépce bằng một máy ảnh hộp gỗ do Charles và Vincent Chevalier sáng chế tại Pháp. Niépce dựa trên khám phá của Johann Heinrich Schultz vào năm 1724 khi ông phát hiện hỗn hợp bạc và phấn bị đen lại khi gặp ánh sáng.

Các máy ảnh đầu tiên thường có thêm hộp trượt ra-vào để lấy độ nét. Mỗi lần thu hình, một tấm chất nhạy sáng được đặt vào chỗ màn ảnh ngắm. Quy trình “daguerreotype”, đặt theo tên của Jacques Daguerre, là dùng tấm đồng, còn quy trình “calotype”, do William Fox Talbot phát minh, thì thu hình lên tấm giấy.

Máy ảnh vào thế kỷ 19 có thân xếp để lấy nét

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi không nói đến những hình ảnh tạo ra từ máy ảnh cơ hay máy ảnh kỹ thuật số mà đề cập đến một hình thức mới lạ: “nhiếp ảnh trên lá cây” do một người Mỹ gốc Việt sáng tạo.

Nhiếp ảnh gia kiêm nghệ sĩ Binh Danh còn rất trẻ, anh chào đời tại Việt Nam ngày 9/10/1977. Gia đình Danh vượt biên năm 1979 và định cư tại Hoa Kỳ khi anh mới tròn 2 tuổi. Năm 2002 Danh tốt nghiệp San José State University với văn bằng Cử nhân Nghệ thuật (Bachelor of Fine Arts), chuyên ngành nhiếp ảnh.

Binh Danh cũng là một trong những nghệ sĩ trẻ nhất khi anh học tiếp chương trình Cao học Nghệ thuật (Master of Fine Arts) tại Stanford University khi mới 25 tuổi. Tại đây, anh chọn chủ đề nghiên cứu về “studio art”, tạm dịch là nghệ thuật phòng chụp hình.

Binh Danh

Rời khỏi Việt Nam lúc mới 2 tuổi, Danh có tham vọng muốn tìm hiểu về cuộc chiến tranh tại quê hương mà người Mỹ gọi là “Vietnam War” trong khi ở trong nước lại gọi là “Chiến tranh chống Mỹ”. Anh sưu tầm những hình ảnh về cuộc chiến và tái tạo chúng qua một kỹ thuật mới mà anh gọi là “chlorophyll print”, một hình thức in ảnh phối hợp với chất diệp lục sẵn có trên lá cây để có những tấm… "ảnh diệp lục".

Thay vì có những tấm hình in trên giấy, Danh chọn lá cây hoặc lá cỏ thích hợp ngay trong vườn nhà để in ảnh. Danh bắt đầu thử nghiệm sự kết hợp giữa nhiếp ảnh với quá trình quang hợp của lá cây: anh đặt tấm film âm bản lên lá cây, cố định chúng bằng những tấm kính, sau đó phơi chúng dưới ánh nắng mặt trời.

Anh gọi đó là "ảnh diệp lục" vì chất diệp lục của lá khi tiếp xúc với cường độ ánh sáng khác nhau sẽ chuyển thành những màu sắc khác nhau, tạo nên những chi tiết của ảnh ngay trên lá cây. Dĩ nhiên là những màu sắc kết hợp từ trạng thái diệp lục với ánh sáng mặt trời trên lá cây tạo ra một bức ảnh khác hẳn với ảnh nguyên thủy trên giấy và đó cũng là giá trị của “ảnh diệp lục”.

Tỷ lệ thành công của quá trình “ảnh diệp lục” khá thấp, khoảng 20%, nghĩa là cứ 5 tấm hình anh phơi thì chỉ một tấm thành công. Thời gian phơi có thể là vài ngày nhưng cũng có khi kéo dài hằng tuần vì lý do thời tiết. Mỗi chiếc lá sau khi được kết hợp thành công giữa nhiếp ảnh và sinh học sẽ được Binh Danh che phủ bằng nhựa thông (resin) và được đặt trong khung kính để bảo quản.

Có thể nói, Binh Danh là một nhà nhiếp ảnh không tác phẩm. Bộ sưu tập về cuộc chiến tại Việt Nam mang tựa đề “Immortality, The Remnants of the Vietnam and American War” gồm 11 tấm “ảnh diệp lục”, hay nói khác đi, 11 tấm ảnh đó là của các phóng viên chiến trường được Danh dùng để tái tạo trên lá cây. Hiểu theo một nghĩa khác, đó chính là tác phẩm của anh với sự góp sức của những người khác!

Chúng tôi trình bày 11 tác phẩm này theo thứ tự thời gian thực hiện. Năm 2000 chỉ có duy nhất một bức “ảnh diệp lục” trên nền lá dài theo chiều ngang, hình ảnh một toán binh sĩ Mỹ hành quân tại miền Nam Việt Nam. Chiếc lá nền đã ngả sang màu vàng úa và người xem thấy ngay hiệu ứng của những bóng ma thể hiện qua ảnh. Thế cho nên Binh Danh đặt tên bức này là “Drifting Soul”.


Drifting Soul (2000)

Năm 2005 có tất cả 6 bức được Binh Danh thực hiện. Người ta nhận ra ngay nhóm ảnh này được chia thành 2 chủ đề: (1) chiến tranh đối với những người cầm súng; và (2) hệ quả của nó đối với những thường dân. 

Ở tấm hình nang tên “Battlefield” dưới đây có bóng dáng chiếc trực thăng trên lá và những người lính nổi lên giữa những đường gân lá đã ngả màu trên chiến trường.

Battlefield (2005)

“Barracked” là bức ảnh những người lính tìm sự an toàn giữa những bao cát vây quanh. Ngoài hai người lính Mỹ đội nón sắt xuất hiện ở tiền cảnh ta còn thấy một người nhỏ con, đội nón vải ngồi phía sau. Có thể đoán ngay đó là người Việt, thường là “trung sĩ thông dịch viên đồng hóa” được phân công đi theo các đơn vị của Hoa Kỳ.   



Barracked (2005)

Làm nền cho bức hình kế tiếp chỉ là một nửa chiếc lá. Từ trên sống lá là một chiếc B52 đang thả hàng loạt quả bom từ trên các tầng mây trắng xóa. Binh Danh đặt tên bức hình này là “Fire in the Sky”.

   

Fire in the Sky (2005)
Ở chùm ảnh thứ hai là những nạn nhân vô tội của chiến tranh. Trong bức ảnh “Combust”, những đường gân lá gợi cho người xem hình ảnh những tia sét đánh xuống thi thể người đàn ông nằm chết, trên mình chỉ còn độc chiếc quần đùi mầu đen sậm.
  


Combust (2005)

Hình kế tiếp là một người đàn bà ngồi ôm đứa con nhỏ, hy vọng cô bé vẫn còn sống vì một tay bám víu vai của mẹ. Người đàn bà có khuôn mặt hốt hoảng, miệng bà mở lớn có lẽ vì gào thét trong cảnh lửa đạn. Bức hình “Mother and Child” vừa sống động nhưng cũng vừa cảm động dù được thể hiện trên một chiếc lá có nhiều nếp gấp.



Mother and Child (2005)

“Part of War” là bức ảnh được Binh Danh tái hiện trên lá cây từ một tấm hình đăng trên Life của phóng viên ảnh Ronald L. Haeberle. Hình chụp thi thể nạn nhân của vụ thảm sát Mỹ Lai ngày 16/3/1968 và đã trở thành một trong những “vũ khí” hữu hiệu của những người phản chiến tại Hoa Kỳ.

Trong kho ảnh của tôi trên Flickr có tấm hình gây nhiều tranh cãi đó với gần 1.000 người xem (Xem hình tại: http://www.flickr.com/photos/nguyen_ngoc_chinh/6101598008/in/set-72157607206524413). Và đây là bức ảnh của Ronald L. Haeberle qua kỹ thuật thể hiện trên lá cây của Binh Danh:



Part of War (2005)

Năm 2006 Danh còn thực hiện một tấm hình có liên quan đến những người dân thường trong cuộc chiến. Bức hình mang tên “Untitled” trên một chiếc lá hoàn chỉnh với đầy đủ cuống lá, gân lá. Ánh mắt của người đàn ông trong hình ngồi ôm một em bé nói lên thật nhiều điều và cũng trả lời thật nhiều câu hỏi tại sao lại có chiến tranh?



Untitled (2006)

Lá phong vốn rất cân đối về bố cục nên được Binh Danh chọn làm nền cho một bức hình mang tên Helicopter. Người ta thấy cả một phi đội trực thăng xuất hiện trên bầu trời màu lá úa. Theo tôi, đây là một trong những bức ảnh diệp lục thành công nhất của Danh.


Helicopter (2006)
Một bức hình thành công không kém “Helicopter”“Ambush in the Leaf”, một cái tên vừa gợi ý gần lẫn ý xa. Trước mắt chúng ta thấy một bà mẹ và 2 đứa con ẩn mình qua chiếc lá nhiều cạnh, khuôn mặt của cả ba người dân quê lộ vẻ sợ hãi. 


Họ sợ gì? Tôi nghĩ người mẹ đang cố tìm cách che chở những đứa con trước họng súng của một người lính. Chiến tranh là vậy, dù phần thắng nằm ở phe nào nhưng những người dân vô tội luôn nằm ở phía thua thiệt nhất.    



Ambush in the Leaf (2007)

Tác phẩm cuối cùng của bộ ảnh về chiến tranh tại Việt Nam được Danh thực hiện năm 2008. Cũng vẫn hình ảnh của những chiếc B52 và những quả bom được in trên một chiếc lá, trông tựa như lá sen, và được bố cục theo chiều thẳng đứng. Những cái bóng chập chờn trên lá tạo cảm giác như bóng dáng của tử thần ẩn hiện trên bầu trời có sức tiêu diệt mọi sinh vật trên mặt đất.


Shock & Awe (2008)

Sau chiến tranh Binh Danh đã trở về Việt Nam và sang nước lân cận Campuchia để chứng kiến dấu tích của một thời bom đạn. Tại Campuchia, anh đã đến trại tù S-21 dưới thời Khmer Đỏ của Pol Pot mà trước đó là một trường học. Gần 14.000 người gồm đủ mọi lứa tuổi đã bị hành quyết, đến năm 1979 nơi đây chỉ còn lại vài chục người sống sót. Binh Danh viết về chuyến đi Campuchia: 

“Khi đến Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng tôi mới hình dung được cảnh chết chóc… Hàng trăm chân dung những tù nhân đã bị giam giữ và thủ tiêu tại đây vẫn còn được lưu trữ, mỗi người đều mang một con số và con số đó theo họ cho đến lúc qua đời”.

Binh Danh chụp lại một số chân dung người Campuchia và khi về Mỹ anh thực hiện một bộ sưu tập 11 bức chân dung trên lá cây và trên cỏ mang chủ đề “Ancestral Altars” vào năm 2005. “Found Portrait # 24” là bức chân dung của một người đàn ông được thực hiện trên cỏ:  

Found Portrait # 24

“The Leaf Efffect: Study for Transmission # 13” là cả một nhành cây nhiều lá, mỗi chiếc lá mang chân dung của một phụ nữ, có tổng cộng 13 chiếc tượng trưng cho 13 số phận những người đã khuất.

Kỹ thuật thực hiện ảnh trên cành phức tạp hơn thực hiện trên lá vì phải sử dụng phim âm bản cho từng người. Như vậy, Binh Danh đã phải dùng tới 13 tấm phim cho 13 chiếc lá. Quả là một công trình đáng khâm phục.


The Leaf Efffect: Study for Transmission # 13

Mùa hè năm 2002, Binh Danh và mẹ về thăm lại hòn đảo Pulau Bidong, Malaysia, nơi gia đình anh đặt chân đến sau khi rời Việt Nam vào năm 1979. Danh kể lại:

“Chúng tôi chụp hình và có cơ hội thu thập được nhiều giấy còn sót lại tại những căn nhà trống vắng. Giấy tờ bao gồm thư từ và hồ sơ của chính phủ Mã Lai… hầu hết đã bị mối mọt ăn hoặc bị xuyên thủng bởi cây cỏ mọc chen. Giấy tờ vẫn còn hiện diện rải rác ở đâu đó sau hơn một thập kỷ…”


Letters from Pulau Bidong Island (2003)

Letters from Pulau Bidong Island (2003)

Binh Danh còn có một bộ sưu tập chân dung những người lính Mỹ đã bỏ mình trên chiến trường Việt Nam dựa theo một trang báo của tạp chí Life năm 1969 mang tựa đề “One Week’s Dead”. Bài báo đưa tin và ảnh của 242 thanh niên Mỹ đã tử trận chỉ trong trong vòng một tuần lễ, tựa như một trang kỷ yếu (year-book) của học sinh trung học nhưng chỉ toàn là di ảnh của người chết.

14 bức chân dung được in trên lá cỏ theo chiều ngang hoặc chiều dọc. Người ta có cảm tưởng như đang chiêm ngưỡng những bức chân dung người chết tại một thảm cỏ trong nghĩa trang tĩnh lặng…

Dead Son # 1

Dead Son # 2

Bằng lối sáng tạo hình ảnh trên lá và cỏ, Binh Danh đã tái tạo nên lịch sử. Kỹ thuật nhiếp ảnh mới lạ của anh đã để lại một dấu ấn đậm nét của quá khứ, một quá khứ nhiều người muốn quên đi nhưng cũng có nhiều người muốn giữ lại. Dù cố quên hay cố nhớ, người ta không khỏi khâm phục tính sáng tạo của anh qua những bức ảnh lá cây. 

Về phần mình, Binh Danh cho biết anh tự coi mình chỉ là người thợ gốm sứ chứ không phải là nhà nhiếp ảnh đúng nghĩa của nó. Tác phẩm do anh “nhào nặn” quả thật đã để lại cho người xem nhiều suy nghĩ.

Binh Danh

***

Bình luận trên FB:




***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)


Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
--> Read more..

Popular posts