Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Du ký xứ… Miệt Dưới (23): Ghi chép bên lề

(Tiếp theo)

Đây là entry cuối cùng trong loạt bài Du ký xứ Miệt Dưới với chủ đề những ghi chép bên lề chuyến đi 45 ngày đến Nam Bán Cầu. Dưới dạng nhật ký nên tác giả thường “ngày đi, đêm viết” để khỏi bỏ sót những diễn biến nóng hổi. Tuy nhiên, khi đọc lại 22 bài du ký về nước Úc thấy còn quên một số điều, bài viết này bổ sung những thiếu sót đó.     

Dưới dạng ghi chép, tác giả cũng muốn nêu lên một số vấn đề có liên quan đến nước Úc và người Úc, không hẳn chỉ toàn khen nhưng có những chuyện, xét thấy ở một mức độ nào đó, cũng đáng… chê.

Chẳng hạn như chuyện dòng sông Yarra ngay giữ thành phố Melbourne. Dòng sông Yarra trong bức hình dưới đây được chụp từ xa trông rất đẹp với phong cảnh hai bên bờ nhưng chiếc cầu bắc ngang sông là một khối thép thô kệch có màu xám xịt trông khá phản cảm:

Dòng sông Yarra thơ mộng 

Ra sát bờ sông lại thêm một chuyện thật ngỡ ngàng. Nước sông không trong như nhìn từ xa, ngược lại, lá cây và một số vật thể lạ nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Dù không có bao nylon hay rác rến như dòng kênh Nhiêu Lộc hay kênh Thị Nghè ở Sài Gòn nhưng quả thật tôi bị sốc vì những gì hiện ra trước mắt trên dòng sông Yarra.

Đồng ý là lá trên cây hai bên bờ rụng xuống chứ không phải là rác nhưng việc giữ dòng sông trong sạch là điều cần phải làm đối với những người có trách nhiệm bảo vệ môi trường của dòng sông. Chẳng hạn như giao việc đó cho một toán công nhân chuyên đi vớt lá khô hoặc dùng thiết bị chuyên môn nào đó để thường xuyên hút lá, giòng sông chắc chắn sẽ thơ mộng hơn nhiều.

Đây là thực tế trên bờ sông 

Vấn đề thứ hai, tôi biết khi nêu ra có nhiều người sẽ không đồng ý, nhưng là một người nghiện thuốc lá tôi phải viết. Hút thuốc có hại cho sức khỏe, điều đó ai cũng đã rõ. Một trong những cách hạn chế số người hút thuốc là tăng mức thuế thật cao, điều này xem ra cũng hợp lý.

Khi đến Úc tôi mới biết, theo luật mới, hành khách của các chuyến bay chỉ được mang theo hai gói thuốc, tức là 40 điếu. Một quy định quá ngặt nghèo cho những người nghiện thuốc lá. Tôi mang theo 1 cây ruỡi thuốc lá, tức là 15 gói, để trong hành lý xách tay một cách hoàn vô tư vì không rõ luật. Đến phi trường Melbourne quan thuế không khám hành lý, nếu họ làm điều đó chắc chắn tôi bị bỏ lại tới 13 gói thuốc một cách oan uổng.

Chưa hết, khi vào siêu thị mua thuốc lại còn sốc hơn nữa vì giá cả cao ngất ngưởng. Tôi dò trong danh sách giá cả các loại thuốc bán ở đây và cuối cùng lựa thuốc “rẻ” nhất có nhãn hiệu Holiday (bright blue), loại 50 điếu một gói và phải trả $32, có nghĩa là một điếu thuốc trị giá $0.64 một điếu. Quy đổi sang tiền đồng bằng cách nhân đôi, như vậy một điếu thuốc trị giá gần 13.000 đồng, bao thuốc 50 điếu lên đến 640.000 đồng. Một con số khó có thể tưởng tượng: người hút một điếu thuốc ở Úc bằng gần một gói ở Việt Nam!

Quả là một chênh lệch đến độ phi lý đối với những người lỡ nghiện mà không bỏ được thuốc. Tôi chưa thấy một bao thuốc nào “Made in Australia”, chỉ toàn thuốc sản xuất từ Malaysia, Singapore… Tôi lại nghĩ, nếu muốn bỏ thuốc, mời bạn đến nước Úc! Nhưng thật ra vẫn còn nhiều người hút thuốc tại đây vì nếu không sẽ không có bảng Cấm Hút Thuốc! Cũng vẫn thấy mẩu tàn thuốc dưới chân, có lẽ còn nhiều hơn ở Singapore!

Cách trình bày bao thuốc bán tại Úc cũng rất đặc biệt. Bên ngoài là những hình ảnh khủng khiếp của căn bệnh ung thư phổi, ung thư vòm họng với những dòng chữ cảnh báo in thật to, thật rõ:

Lời cảnh báo trên bao thuốc

Hằng năm, cứ đến ngày 25/4 nước Úc kỷ niệm ANZAC Day, đó là ngày Quân đội Hoàng gia Úc tham gia hoạt động quân sự với cuộc đổ bộ ngày 25/4/1915 cùng các lực lượng đồng minh lên bán đảo Gallipoli (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) trong Thế chiến thứ nhất. ANZAC là chữ tắt của Australian & New Zealand Army Corps, tạm dịch là Quân đoàn Tân Tây Lan và Úc Đại Lợi.

Ngày nay ANZAC Day được coi là ngày tưởng niệm sự hy sinh cao cả của quân nhân Úc trong các hoạt động bảo vệ nền hòa bình thế giới. Đây cũng là ngày vinh danh các cựu quân nhân, trong đó có những người đã phục vụ Quân đội Hoàng gia Úc tại Việt Nam.

Nước Úc không những tiếp nhận người Việt tỵ nạn mà còn dành cho những người trước đây phục vụ trong quân lực VNCH chính sách ưu đãi như những cựu quân nhân người bản xứ. Điều này thể hiện sự quan tâm đến những người một thời đã cùng chiến tuyến dù khác chủng tộc, trong khi tại Hoa Kỳ, ngày xưa là một đồng minh lớn, cũng không hề có chế độ ưu đãi tương tự.      

Rất tình cờ, một buổi sáng tại trước nhà ga Flinders Street Station tôi đã gặp một cựu quân nhân Úc với chiếc nón rộng vành quen thuộc ngày nào tại Long Hải, Vũng Tàu. Anh xuất hiện tại đây với nhiệm vụ bán huy hiệu ANZAC để lấy tiền gây quỹ và chuẩn bị cho ANZAC Day.

Trong tấm hình dưới đây, một người Úc lớn tuổi và con gái tôi đang mua ủng hộ ANZAC. Sự có mặt của Hà mang ý nghĩa một sự tri ân của thế hệ người Việt trẻ tại Úc, dù ANZAC Day còn một tuần nữa mới đến. 

Một tấm hình kỷ niệm quý giá

ANZAC Appeal là một chiến dịch vận động quyên góp trên toàn lãnh thổ Úc để gây quỹ hỗ trợ các cựu quân nhân. Người hảo tâm đóng góp tùy theo khả năng và đổi lại họ nhận được huy hiệu ANZAC Appeal có giá từ $5 đến $10.

Khi biết tôi là người Việt Nam, người cựu quân nhân trước ngực có gắn bảng tên Fisher vui vẻ đứng chụp hình trước khi rời nhà ga Flinders Street Station để băng qua đường. Fisher cho biết anh đã có thời gian phục vụ tại Việt Nam!

Cựu binh Fisher và chiến dịch ANZAC Appeal

Có một hình thức quyên tiền khác nữa là các nhạc sĩ đem lời ca tiếng nhạc làm kế mưu sinh. Ngay trước Flinders Street Station có một anh chàng đội mũ cowboy ngồi hát loại nhạc country.

Anh ngồi trên ampli, hát bằng micro và đệm bằng đàn guitar. Trước mặt anh là bao đàn còn được dùng để chứa bạc cắc của những người hảo tâm. Nhìn vào đó chỉ thấy vài đồng xu nhưng anh vẫn nhiệt tình hát. Tôi thấy hình như anh hát cho chính mình, không cần biết đến mọi người qua lại trước mặt.

Anh chàng ca sĩ bất cần đời

Tôi còn gặp một anh nhạc sĩ hình như gốc Ấn Độ vì anh chơi đàn sitar. Ấn Độ nổi tiếng với đàn sitar xuất hiện từ thời Trung Cổ có khoang cộng hưởng là một quả bầu, được dùng chủ yếu trong nhạc cổ điển miền bắc Ấn. Vào thập niên 1950 – 1960 ban nhạc  Beatles và Rolling Stones cũng đã sử dụng đàn sitar.

Có một sự trùng hợp về âm nhạc giữa Việt Nam và Ấn Độ qua… trái bầu! Việt Nam có đàn bầu còn đàn sitar của Ấn Độ cũng có khoang cộng hưởng là trái bầu cho dù ngày nay người ta thay trái bầu bằng những vật liệu khác!  

Nhạc sĩ Ấn Độ và cây đàn sitar

Anh chàng nhạc sĩ ngồi bên lối đi dạo ở bờ Nam sông Yarra. Trông anh giống như một thuật sĩ với dáng ngồi tĩnh tọa như đang thiền, đôi mắt lim dim. Anh cũng dùng ampli để khuếch đại âm thanh từ tiếng đàn, nhưng chỉ đàn thôi chứ không hát.

Bên cạnh anh là mấy đĩa CD, chắc để bán. Trước mặt anh là một cái hũ có những hoa văn đặc trưng Ấn Độ để… đựng tiền. Tôi bỏ tiền vào hũ và ngỏ lời muốn chụp một tấm hình kỷ niệm. Đạo sĩ Ấn Độ cười, gật đầu nhưng vẫn tiếp tục đàn. Tôi ngồi cạnh anh và có được một tấm hình đàn sitar của Ấn trên đất Úc. Đến lúc về nhà xem hình sao bỗng thấy hai khuôn mặt giống nhau đến thế!

Nghe tiếng đàn sitar trên đất Úc

Lại nói về chuyện thể thao. Melbourne là nơi khai sinh “bóng bầu dục Úc” (rugby), một môn thể thao tương tự như football của Mỹ nhưng cầu thủ không mặc quần áo bảo vệ như tại Mỹ và luật chơi cũng không bạo lực như football.

Melbourne còn là nơi đăng cai Giải quần vợt Úc Mở Rộng (Australian Open) là một trong bốn giải Grand Slam trong năm: Úc mở rộng, Pháp mở rộng, Wimbledon và Mỹ mở rộng.

Australian Open là giải Grand Slam đầu tiên trong năm và diễn ra vào nửa cuối tháng 1 tại Melbourne. Hầu hết các tay vợt nổi tiếng thế giới đều đã đoạt giải Úc Mở Rộng nhiều lần như Andre Agassi, Venus Williams, Serena Williams (Mỹ), Roger Federer, Martina Hingis (Thụy Sĩ)…

Túc cầu cũng là môn thể thao mới, thu hút nhiều khán giả tại Úc. Có lẽ vì một số cầu thủ Úc thi đấu thành công tại nước ngoài như Tom Cahill, Mark Schwarzer, Harry Kewell… Trong khi nước Úc có biệt danh là xứ sở của Kangaroo, đội tuyển bóng đá  lại được các fan hâm mộ gọi là… Socceroo

Ở một công viên gần nhà chúng tôi có một sân bóng mini dành cho cư dân đến luyện tập và thi đấu bên cạnh một sân bóng chầy có đèn. Hàng tuần vào ngày Thứ Bảy có rất nhiều cầu thủ nghiệp dư người Việt cũng đến đây luyện tập và ngày Chủ Nhật thường có thi đấu giữa các đội thiếu nhi của địa phương.

Đội bóng thiếu nhi thi đấu

Xin có đôi lời về người Việt tại Úc, cả lời khen lẫn lời chê. Úc là quốc gia có số người Việt định cư nhiều thứ nhì sau Hoa Kỳ nên có rất nhiều khu người Việt tập trung tại Melbourne như Footscray, Sunshine, St Alban, Richmond, Springvale…

Những nơi này tôi đã từng đi qua và nhận thấy việc kinh doanh tiến triển tốt trong nhiều lãnh vực như ăn uống, thực phẩm… và cả những ngành nghề tưởng chừng như không ăn khách như xây dựng hoặc sửa xe hơi. Dù đang trong thời buổi kinh tế khó khăn nhưng xem ra hoạt động buôn bán vẫn nhộn nhịp để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.

Cửa hàng CD và VCD tại Sunshine

Cuộc sống tinh thần của người Việt rất thoải mái về mặt tín ngưỡng nhưng phạm trù tinh thần không phải chỉ có vậy. Hiểu theo nghĩa rộng, cuộc sống tinh thần bao gồm cả thái độ sống, sự tiếp xúc hằng ngày với người bản xứ cũng như với người đồng hương.

Tôi có dịp nói chuyện với một người Việt làm công chức tại cơ quan của chính phủ. Anh khẳng định nước Úc không “kỳ thị  chủng tộc” nhưng cứ nhìn vào các chức vụ cao như manager thì thấy rõ, trong 2 người có trình độ và năng lực như nhau, bao giờ người bản xứ cũng được ưu tiên chọn vào chức vụ này hơn là người Việt. Đó không được coi là “kỳ thị chủng tộc” nhưng gọi nó là gì thì anh chưa có câu trả lời chính xác.

Tôi cũng có lần tiếp xúc với một thanh niên gốc từ Hải Phòng, có vợ người cùng xứ. Anh nói thẳng thừng là trong cộng đồng người Việt tại đây vẫn có một khoảng cách vô hình nhưng rất khó vượt qua. Đó là rào cản giữa hai miền Nam-Bắc.

Người miền Nam bỏ nước ra đi sau năm 1975 vì không chịu được sự thống trị của người miền Bắc. Sang đến nước Úc họ vẫn giữ thành kiến với người miền Bắc, dù ngay trong số họ có những người gốc miền Bắc rời bỏ quê hương để di cư vào Nam từ năm 1954.

Theo tôi, đây cũng không phải là sự kỳ thị mà là chuyện “không ưa” nhau, hay dùng chữ nặng hơn là “ghét nhau”. Điều này thấy rõ nhất ở những người Việt thuộc thế hệ thứ nhất, họ là những người bỏ lại tất cả để ra đi với hai bàn tay trắng. Những người miền Bắc đến Úc sau họ, thường là những gia đình khá giả hoặc là con cháu của những cán bộ có chức có quyền.

Vô hình chung có 2 loại người Việt đến Úc: người đến bằng những chiếc thuyền vượt biên ọp ẹp rồi còn phải sống lay lứt trong các trại tỵ nạm và người đến trên những chuyến phi cơ chính thức chỉ mất 8 tiếng đồng hồ. Làm sao có thể xóa được hố ngăn cách đó?

Tiệm phở Hiền Vương, khu Footscray

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

2 nhận xét:

  1. " Theo tôi, đây cũng không phải là sự kỳ thị mà là chuyện “không ưa” nhau, hay dùng chữ nặng hơn là “ghét nhau”. Điều này thấy rõ nhất ở những người Việt thuộc thế hệ thứ nhất, họ là những người bỏ lại tất cả để ra đi với hai bàn tay trắng. Những người miền Bắc đến Úc sau họ, thường là những gia đình khá giả hoặc là con cháu của những cán bộ có chức có quyền.

    Vô hình chung có 2 loại người Việt đến Úc: người đến bằng những chiếc thuyền vượt biên ọp ẹp rồi còn phải sống lay lứt trong các trại tỵ nạm và người đến trên những chuyến phi cơ chính thức chỉ mất 8 tiếng đồng hồ. Làm sao có thể xóa được hố ngăn cách đó? "


    Chỉ biết dở khóc dở cười, vì chẳng có thể xóa bỏ cái hố ngăn cách này được đâu!
    Ngay cả người Taiwan và Chinese cũng thế!


    Trả lờiXóa

Popular posts