Kể từ năm 1995, Tết
Việt im bặt tiếng pháo. Tháng 8/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Chỉ thị về việc
cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đã quen với tiếng
pháo đêm giao thừa, người ta cảm thấy hụt hẫng khi đêm trừ tịch đến một cách âm
thầm, lặng lẽ.
Ngày xưa, không phải chỉ đêm giao thừa mới đốt pháo mà trước đó cũng đì đẹt tiếng pháo do trẻ con đốt chơi những ngày trước Tết. Tiếng pháo nổ chẳng khác gì “tiếng pháo lệnh” để người người, nhà nhà chuẩn bị bước vào xuân với một “khí thế” rộn ràng, chuẩn bị đón mừng năm mới.
Miền Bắc có làng pháo nổi tiếng Đồng Kỵ, ở Từ Sơn, Bắc Ninh, ngoài ra tại đây còn có “hội pháo” để rước pháo mừng năm mới với những quả pháo to đùng được rước đi khắp làng.
Miền Nam có Xóm mới, Gò Vấp, nơi sản xuất pháo cho hầu như khắp miền. Dân ở đây đa số là những người Bắc di cư năm 1954 và họ mang theo nghề pháo truyền thống vào Nam!
Nổi tiếng về thương hiệu pháo có Điện Quang, pháo Bình Đà… Giấy dùng để quấn pháo rất mỏng nên khi nổ thì tiếng pháo rất đanh, rất gọn. Giấy bọc pháo đều nhuộm một màu hồng từ vỏ ngoài vào tới lõi nên xác pháo để lại một màu như cánh hoa đào trên mặt đất. Cũng vì thế, còn được gọi là pháo… "toàn hồng".
Có những tràng pháo dài cả thước được mua về để đốt trong đêm giao thừa. Nhà nghèo cũng ráng “tậu” một thước pháo còn nhà khá giả thì vài thước. Độ dài của dây pháo mặc nhiên xác định mức độ giàu-nghèo của từng gia đình thời đó.
Dây pháo còn được kết xen vào đó dăm ba quả “pháo đùng” để tạo “hiệu ứng âm thanh” thay đổi và cuối dây pháo là một quả “pháo cối” với tiếng nổ thật lớn để chấm dứt một tràng pháo nổ dòn tan.
Trẻ con là lớp khán giả đông nhất khi pháo một dây pháo được đốt. Không phải là để nghe tiếng pháo mà thiết thực hơn, chúng tìm những viên pháo lép, vì một lý do nào đó chưa nổ… Bỏ túi, đem về nhà, bóc cho tim pháo lòi ra rồi đốt, khỏi tốn tiền mua pháo!
Trẻ con cũng có loại pháo riêng cho mình, đó là những viên “pháo tép”, nhỏ hơn pháo thường và tiếng nổ của pháo cũng “đì đẹt”. Có thể nói, đây là loại pháo an toàn nhất vì nếu khi đốt, chưa kịp quăng đi đã nổ… nhưng hậu quả chỉ là “hơi hơi rát tay” chứ không gây thương tích!
***
Ngày nay, chúng ta ăn Tết đơn giản hơn nhiều, chỉ còn thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng… còn 3 thứ nữa nay đã lui vào dĩ vãng:
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Vẫn biết lệnh cấm làm pháo và đốt pháo trong ngày Tết mang ý nghĩa an toàn cho mọi người nhưng những người “hoài cổ” bỗng thấy mình bị hụt hẫng như bị thiếu đi cái gì đó trong hồi ức của một thời đã qua và không bao giờ trở lại!
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét