Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Đọc truyện và xem phim Bố Già (2)

Nguyên tác: Mario Puzo
Dịch giả: Ngọc Thứ Lang

(Tiếp theo)


Sau thành công của tiểu thuyết The Godfather, cuốn sách bước ngay vào lãnh vực điện ảnh và gặt hái 3 giải Oscar năm 1973 về Diễn viên chính xuất sắc nhất (Marlon Brando), Hình ảnh đẹp nhất (Albert S. Ruddy), và Kịch bản phỏng theo tiểu thuyết hay nhất (Mario Puzo, Francis Ford Coppola). Trong buổi lễ trao giải, Marlon Brando không tham dự mà chỉ nhờ một nữ diễn viên không tên tuổi Shasheen Littlefeather đọc thư của ông. Lý do Marlon Brando từ chối giải Oscar là vì Hoa Kỳ đã không giữ lời hứa với người da đỏ khi giành đất của họ. 

Người Sài Gòn vốn đã  mê tiểu thuyết Bố Già nên rất nóng lòng chờ đợi được xem cuốn phim thực hiện phỏng theo tác phẩm này. Thế nhưng, cho đến năm 1975, chưa ai được xem phim The Godfather. Ngay từ đầu năm 1975, cuốn phim The Godfather The Excorcist (Quỷ ám) đã nhập vào Việt Nam, nhưng vẫn chưa được trình chiếu trước công chúng vì còn chờ đợi ngày lành tháng tốtđể hốt bạc. Sự chờ đợi ấy đã không bao giờ đến vì Sài Gòn bị… “đứt phim” ngày 30/4/1975.

Poster phim “The Godfather”

The Godfather còn xuất hiện trên màn ảnh và DVD qua 3 bộ phim: The Godther, Part I (1972); The Godfather, Part II (1974) và The Godfather, Part III (1990). Rất nhiều tạp chí bình chọn bộ phim đầu, The Godfather (1972), là phim hay nhất của mọi thời đại với đạo diễn Francis Ford Coppola, biên kịch Mario Puzo và dàn diễn viên đa số gốc Ý gồm Marlon Brando, Al Pacino, Robert Duvall, Diane Keaton và James Caan.

Những cảnh đầu tiên trong phim The Godfather (Part I), Bố Già xuất hiện với bộ cánh tuxedo lịch lãm, cài thêm một bông hồng đỏ trên ve áo. Đó là dịp duy nhất để ông “đóng bộ” trong ngày cưới của con gái. Người tinh ý sẽ thấy bông hồng cài trên ve áo Marlon Brando có vẻ như ủ rũ, sắp tàn khi ông tiếp khách đến cầu cạnh trong văn phòng nhưng ngay sau đó, ở những cảnh đám cưới ngoài trời, hoa lại tươi tắn, cứng cáp. Điện ảnh là vậy. Không thể nào đòi hỏi sự tuyệt đối trong việc làm phim vốn luôn phải chạy theo thời gian để tiết kiệm chi phí.

Marlon Brando và… bông hồng cài áo

Trở về với ngày thường, Ông Trùm chỉ là một ông già ăn mặc có phần nhếch nhác trong một văn phòng cũng không lấy gì làm sang trọng của Công ty Nhập khẩu Dầu Olive Genco. Bố Già của ngày thường là một con người bình dị trong cách phục sức, nhỏ nhẹ trong lời ăn tiếng nói, và khiêm tốn trong đối nhân xử thế… hoàn toàn tương phản với những trận thanh toán đẫm máu, những âm mưu tinh khôn và những cuộc vận động hành lang lắt léo mà ông đứng sau lưng.

Mario Puzo nhận giải Oscar Biên kịch Xuất sắc
trong phim The Godfather

Nếu nhà văn Mario Puzo thành công trong việc tiểu thuyết hóa nhân vật Bố Già thì đạo diễn Francis Ford Coppola (khi đó mới 31 tuổi) cũng thành công không kém trong việc đưa người đọc từ thế giới tưởng tượng trở thành người xem trước màn ảnh lớn của phim hoặc màn ảnh nhỏ của DVD.

Đạo diễn Francis Ford Coppola

Cả nhà văn lẫn đạo diễn đã cộng tác chặt chẽ với nhau trong suốt tiến trình làm phim, cộng với sự nỗ lực của dàn diễn viên, kỹ thuật viên trong suốt 77 ngày quay phim. Thời gian quay ngắn hơn lịch quay được dự tính là 83 ngày, giảm được nhiều chi phí xuống còn dưới 2 triệu đôla theo kế hoạch của Paramount Pictures. 175 phút xem The Godfather “đáng đồng tiền bát gạo” đối với cả hãng phim lẫn người xem phim.

Tác giả Mario Puzo, đạo diễn Francis Ford Coppola,
và 2 nhà sản xuất Robert Evans & Al Ruddy trong buổi họp báo ra mắt The Godfather

Khi vào vai Bố Già, Marlon Brando muốn gương mặt của Don Vito Corleone trông giống như một kẻ rất gan lì nên nhét cuộn len vào hai bên má để thử khuôn hình. Đến khi quay thật, ông phải đeo một dụng cụ y tế do một nha sĩ chế tạo để thay cho cuộn len. Chú mèo mà ông bế trong cảnh đầu tiên là tình cờ được thêm vào, tiếng gừ gừ của nó đã át một số câu thoại của Marlon.

Thực ra, bản thân Marlon Brando cũng luôn quên lời trong script và phải đọc từ các tấm bảng “nhắc tuồng” bên ngoài suốt các cảnh quay. Nhưng quả thật Marlon đóng vai Bố Già một cách xuất thần. Trong cảnh Michael hứa với cha khi bị ám sát hụt và nằm ở bệnh viện, những giọt nước mắt trào ra trên hai khóe mắt Bố Già hoàn toàn là thật.

Marlon Brando trong vai Bố Già 

Khi xem phim, khán giả lại có dịp hình dung Ông Trùm Mafia qua tài diễn xuất của Marlon Brando. Theo tạp chí Playboy, đạo diễn Francis Ford Coppola tiết lộ Frank Sinatra đã từng tiếp cận để được đảm nhận vai Bố già Vito Corleone dù không mặn mà lắm với tác phẩm The Godfather của Mario Puzo. Coppola vẫn khẳng định Marlon Brando mới là lựa chọn cuối cùng. Đây là lần thứ ba Marlon “hớt tay trên” vai diễn mà Frank dòm ngó, hai vai diễn còn lại là Terry Malloy trong On the Waterfront và Sky Masterson trong Guys and Dolls.

Chuyện ai vào vai “cậu út” Michael cũng gây ra khá nhiều bất đồng với những ý kiến khác nhau. Giám đốc sản xuất của hãng Paramount đề cử Warrant Beatty, Alain Delon và Burt Reynolds nhưng lần lượt bị đạo diễn Coppola từ chối, ông vẫn tiếp tục gợi ý nên chọn Robert Redford thay cho Al Pacino vì Robert có thể hợp với vai diễn hơn mà cũng có tiếng tăm hơn.

Trong khi nội bộ còn đang lục đục, chưa đi đến thống nhất có nên chọn anh chàng vô danh Al Pacino vào vai Michael không thì Pacino sau khi chờ đợi mệt mỏi nên  nhận lời vào vai Mario Trantino trong The Gang That Couldn’t Shoot Straight. Khi đoàn làm phim quyết định sẽ chọn Al thì họ phải trả tiền cho tài tử này để phá vỡ hợp đồng với hãng Metro Goldwyn Mayer.

Al Pacino trong vai Michael, Bố Già “con”

Trong phim The Godfather, một trong những cảnh làm người xem phải giật mình là chiếc đầu ngựa thật sự đã bị cắt. Các nhóm cổ xúy “quyền động vật” (animal rights) đã lên tiếng đả phá cảnh này trong phim. Đạo diễn Coppola ra sức thanh minh: chiếc đầu ngựa được mua từ một công ty sản xuất thức ăn cho chó chứ đoàn làm phim không hề giết ngựa để phục vụ cho phim.

Thủ cấp ngựa
trên giường chủ hãng phim Jack Woltz

Đối với đạo diễn Francis Ford Coppola, phim The Godfather có những chuyện bên lề liên quan đến gia đình ông mà ít ai biết. Vai “cô út” Connie Corleone do Talia Shire đảm nhận. Cô chính là em gái của đạo diễn. Trong khi đó, đứa con nới sinh của đạo diễn cũng xuất hiện trong vai con của Connie và Rizzi khi được rửa tội và Michael nhận làm con đỡ đầu ở phần cuối phim. Đạo diễn Coppola còn cho 2 đứa con nhỏ của mình đóng vai con của “ông cố vấn pháp lý” Tom Hagen.

Carmine Coppola (cha của đạo diễn) là một nhà soạn nhạc trứ danh đảm nhận vai trò viết nhạc cho phim và cũng xuất hiện chớp nhoáng trong vai trò người chơi đàn piano trong lễ cưới. Cũng trong cảnh đó còn có sự xuất hiện của Italia Coppola (vợ của Carmine Coppola). Ngoài tính chất dàn diễn viên “toàn Ý”, The Godfather còn được Coppola đưa vào một số diễn viên phụ, thuộc dòng họ của ông. Ai dám bảo là giới làm phim phương Tây không có đầu óc… Gia Đình Trị?

Đạo diễn Coppola và tài tử Marlon Brando
trong những thước phim đầu tiên với cảnh đám cưới cô út Connie Corleone

The Godfather của Mario Puzo đã đưa người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đó chính là lý do khiến cuốn truyện ăn khách và cuốn phim thu hút khán giả đến rạp hoặc mua đĩa DVD để xem tại nhà. Phim The Godfather kéo dài đến 3 phần nhưng người xem vẫn thấy háo hức và như thế là… hãng phim Paramount và tài tử trong phim đều… hốt bạc.

Marlon Brando trong vai Bố Già lĩnh 50.000 đô la trong 6 tuần đóng phim, cộng thêm với 1.000 đô “tiền tiêu vặt” hàng tuần. Nhưng quan trọng hơn cả, Brando còn được chia lợi nhuận 5% từ cuốn phim. Cộng chung, tài tử này thu về khoảng 1,5 triệu đô la từ The Godfather. Các tài tử Al Pacino (đóng vai Michael Corleone), James Caan (trong vai Sonny Corleone) và Diane Keaton (vai Kay Adams, người tình của Michael) mỗi người nhận thù lao 35.000 đô la.

Đạo diễn Coppola cùng 2 diễn viên chính Marlon Brando và Al Pacino

Bộ phim The Godfather còn nhận được các giải thưởng cao quý bao gồm 3 giải Oscar: dành cho nam tài tử xuất sắc (Marlon Brando), hình ảnh xuất sắc (Albert Ruddy) và biên kịch xuất sắc (Mario Puzo, Francis Ford Coppola). Đối với Giải Qủa cầu vàng (Golden Globe Awards), The Godfather nhận được các giải thưởng dành cho đạo diễn, hình ảnh, tài tử và kịch bản. 

***

Các bạn có thể xem phim Bố Già trên phimvang.com tại: 

Phim có phụ đề Việt ngữ nhưng có điều giá những nhà làm phụ đề chịu khó tham khảo bản dịch của Ngọc Thứ Lang sẽ hay hơn nhiều. Chẳng hạn như trong đối thoại giữa Bố Già và “cố vấn” Hagen, người được Bố Già nuôi từ nhỏ và sau này trở thành luật sư của gia đình Corleone. Phụ đề giữa hai nhân vật trong phim là “Cha” và “Con” trong khi bản dịch của Ngọc Thứ Lang dùng 2 chữ “Bác” và “Cháu” rất “điệu nghệ” vì Bố Già không bắt Hagen, một người gốc Irish-German, đổi họ thành Corleone cho nên không lý do gì để ông gọi Hagen là “Con”.

Cũng vì thế rất nhiều người vẫn thích đọc truyện dịch của Ngọc Thứ Lang hơn là xem phim. Những ai đã từng đọc tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung cũng nghĩ là đọc truyện thú vị hơn là xem phim. Qua đọc truyện, óc tưởng tượng của người đọc sẽ vượt qua những “thực tế” khi xem phim…    

===

Xem thêm:


***

­­
(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***



5 Comments on Multiply

penseedl wrote on Dec 23, '11
Pensée đã "nghiến" hết quyển sách dày cộm này trong suốt một tuần lễ vào mùa hè năm 70 trong lúc mưa rả rích suốt ngày ở Đàlạt. Nằm trùm chăn đọc sách quả là không gì thú bằng.

chackadao wrote on Dec 23, '11
Bo gia - Good, dam lam
Dac diem cua nguoi Viet la hen, an phan, tu cho minh la dao duc, nhung thuc chat la chicken
Ben nay, nguoi Viet noi tieng la trong can sa, buon ma tuy
Ho lam vay khong phai vi Nguoi Viet co gan, co Mafia, ma vi ham tien
Ket qua la bon nguoi Viet di tu vi thieu dau oc co Mafia Bo Gia

huynhhai wrote on Dec 24, '11
Đúng như ông Chính nhận xét, phải đợi đến bản dịch của Ngọc Thứ Lang thì Bố Già mới lan truyền rộng rãi ở Miền Nam VN. Ông Chính đã từng dạy Anh ngữ và là một dịch giả, vì vậy rất thú vị với những nhận xét có ví dụ cụ thể về cách dịch cuốn The Godfather của Ngoc Thứ Lang tiên sinh.

andropause wrote on Dec 28, '11
nguyenngocchinh said “Tôi nghĩ người dịch truyện thì rất nhiều nhưng những dịch giả mang lại cho người đọc cảm giác họ chính là tác giả của tác phẩm thì rất hiếm. Ngọc Thứ Lang là một trong số những khuôn mặt dịch giả hiếm hoi đó.”
Nhận xét hay lắm anh Chính.

Đọc lại giọng văn Ngọc Thứ Lang thật thú vị. Em còn nhớ cuốn Gái Đêm cũng dịch kiểu y như God Father.
Còn phóng tác thì em kết nhất Kiều Giang của Hoàng Hải Thủy.
Cám ơn anh đã công phu post lên một tác phẩm lừng danh.

linalol wrote on Jan 7
Cám ơn đã giới thiệu và post một tác phẩm hay. Lời bình của bạn khiến người theo dõi cảm nhận gần gũi với tác phẩm.

thahuong82 wrote on Jan 8
Xem lại vẩn thấy hấp dẩn, cám ơn bạn

thahuong82 wrote on Jan 22
Cám ơn và chờ post tiếp giống như chờ Truyện chưởng của Kim Dung từ Hong Kong sang.

penseedl wrote on Jan 23
Bao giờ anh Chính cho coi film Bố Già đây?.

  
penseedl wrote on Feb 28
nguyenngocchinh said Báo chí Mỹ cho rằng tuy có rất nhiều máu chảy trong The Godfather nhưng giới giang hồ được tác giả Mario Puzo bao phủ một màu sắc lãng mạn nào đó.
Đúng, Mario Puzo quả là tài tình khi "đặt cá tính" cho mỗi nhân vật thành viên trong gia đình Bố già Corleone. Tính gia tộc của người Ý hơi giống với người Việt mình. Điều đó khiến cho quyển sách không quá khô khan và tàn bạo. Bẵng đi qua bao nhiêu năm, giờ đọc lại Bố Già vẫn thấy hay như thường.
Cảm ơn anh Chính đã bỏ công để mọi người được xem lại truyện này.

nguyenngocchinh wrote on Mar 9
Xin cáo lỗi cùng các bạn gần xa: vì tiểu thuyết Bố Già quá dài, vả lại còn nhiều entries "hot" hơn nên chủ blog tạm ngưng Bố Già tại đây. Trong trường hợp nếu bạn còn quan tâm đến Bố Già, xin hãy liên lạc để tôi sẽ gửi riêng những chương kế tiếp. Đa tạ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts