Thời
cổ, giới quyền quý Trung Hoa dùng xe do ngựa kéo mỗi khi di chuyển. Thời trung
cổ, tại Pháp và một số nước châu Âu giới quý tộc thường đi loại xe do hai ngựa
kéo, xe song mã thể hiện đẳng cấp của những người thuộc gia đình quyền quý.
Ngày nay các loại xe song mã chỉ còn được dùng trong việc đưa khách du lịch đi
ngoạn cảnh.
Xe song mã phục vụ khách du lịch tại Melbourne, Úc châu
(Ảnh tác giả chụp)
Tại
miền Nam vào những năm 1880 của thế kỷ 18, xe ngựa là phương tiện đi lại bình
dân và phổ biến ở vùng Sài Gòn-Gia Định. Đây là loại xe do một ngựa kéo được bắt
nguồn từ kiểu cỗ xe song mã sang trọng của Pháp được người dân miền Nam chế tác
cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và địa hình của Việt Nam.
Trước
đó, người Pháp đã đưa xe ngựa vào Đông Dương làm phương tiện vận chuyển hành
khách cũng như hàng hóa. Người Pháp gọi xe ngựa ở thuộc địa là “Malabar” và sau
này còn có tên “Boîte d’allumettes” vì hình dáng giống như một hộp diêm quẹt.
Một
trong những hình ảnh được coi là xưa nhất của xe ngựa tại Sài Gòn là chiếc xe của
Nhà máy Sản xuất Thuốc phiện (Manufacture d’Opium) được chụp vào khoảng đầu thập
niên 1980 (*).
Có
thể thấy dòng chữ bằng tiếng Pháp trên thành xe ghi rõ là xe của nhà máy. Phía
bên trái là hình của một người phu xe kéo đứng nhìn chiếc xe ngựa, hình như anh
rất ngạc nhiên với hình ảnh một chiếc xe do ngựa kéo được người Pháp đưa vào
Đông Dương.
Xe ngựa trước Nhà máy Sản xuất Thuốc phiện tại Sài Gòn
Xe
ngựa dưới dạng xe “cải tiến” đơn giản còn được dùng trong hoạt động của quân đội
viễn chinh Pháp tại thuộc địa Đông Dương. Loại xe này dùng để chuyên chở quân
trang, quân dụng trong lực lượng võ trang của quân đội thuộc địa.
Xe ngựa dùng trong quân đội thuộc địa
Loại
xe ngựa cầu kỳ hơn được dùng để chuyên chở hành khách là những viên chức thuộc
địa và gia đình. Những chiếc xe này mang dáng dấp của loại xe song mã thường thấy
tại Âu châu với “xà ích” là người bản xứ.
Như
vậy, ngay trong giới lái xe người bản xứ cũng phân chia nhiều đẳng cấp tùy theo
mức độ sang trọng của phương tiện: thấp nhất là phu xe kéo (còn được gọi là
cu-li), kế đến là “xà ích” (người điều khiển xe ngựa) và cao nhất là tài xế xe
hơi (chaffeur).
Hình ảnh các phương tiện giao thông trước Nhà thờ Đức Bà
vào những năm 1920s
Đặc
điểm của thời kỳ xe ngựa mới du nhập vào Đông Dương là loại song mã hoặc chỉ có một ngựa kéo. Riêng phần thân xe
được đặt trên 4 bánh, hai bánh sau có đường kính lớn hơn hai bánh trước để giữ
đối trọng với ngựa chạy phía trước, khác hẳn với xe ngựa do người Việt chế tạo sau này chỉ với hai bánh.
Xe ngựa tại chợ Bến
Thành
Xe ngựa bên Nhà thờ Đức Bà
Xe ngựa Sài Gòn khoảng 1930
Xe ngựa Chợ Lớn
Chiếc Malabar một ngựa
Tại
miền Bắc, khi đó còn được gọi là Tonkin, người Pháp cũng sử dụng xe ngựa cho
các quan chức thuộc địa nhưng số lượng không đáng kể so với miền Nam, còn có
tên là Cochinchine.
Xe song mã tại Hải Phòng
Trước
những loại xe ngựa sang trọng của Pháp, người Việt đã mày mò sáng tạo ra loại
xe một ngựa đơn giản và bình dân hơn để đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển
hàng hóa. Loại xe một ngựa này còn có một cái tên khác là xe thổ mộ.
Có
rất nhiều cách giải thích về xuất xứ về tên gọi xe thổ mộ tại miền Nam. Có người
nói thổ mộ vốn có mái che khum khum giống hình ngôi mộ nên người bình dân gọi
là… “thổ mộ”. Giải thích mang tính cách ngôn ngữ học cho rằng “thổ mộ” là chữ đọc
trại từ “thảo mã” hay “thụ mã” theo tiếng của người Quảng Đông vốn là số đông
người Hoa sinh sống tại miền Nam.
Xe thổ mộ chuyên chở hàng hóa giữa Sài Gòn
Lại
có ý kiến cho rằng “thổ mộ” chính là chữ đọc trại từ Thủ Dầu Một, thuộc tỉnh
Bình Dương, nơi được coi là “cái nôi” của của xe thổ mộ. Để dẫn chứng giả thuyết
này, người ta dẫn chứng một bài vè cổ về 47 chợ tại miền Nam:
… Khô
như bánh tráng là chợ Phan Rang,
Xe thổ
mộ dọc ngang là chợ Thủ Dầu Một
Chẳng
lo ngập lụt là chợ Bưng Cầu…
Vào
những thập niên 40 và 50 là giai đọan phát triển của xe thổ mộ. Tại chợ Thủ Dầu
Một có đến 3 bến xe thổ mộ hoạt động nhộn nhịp, có khi lên đến trên 50 chiếc.
Không chỉ vậy, Thủ Dầu Một còn có nhiều trại mộc đóng xe thổ mộ có tiếng với
thùng xe đẹp, trang nhã, bánh xe bền chắc. Xe sản xuất tại Thủ Dầu Một còn được
gọi là xe “Thùng Thủ” để phân biệt với các nơi sản xuất khác và cũng để khẳng định
“đẳng cấp” của mình.
Để
làm một chiếc xe thổ mộ đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe chứ không đơn giản như
người ta tưởng. Kích thước về chiều dài, chiều rộng, chiều cao của thùng xe phải
cân bằng khi di chuyển trên mọi địa thế. Thùng xe được đặt trên hai thanh nhíp
gồm 4 lá thép để giảm độ sóc khi xe chạy
trên đường. Nói chung, từng chi tiết của xe phải chính xác để tạo sự an toàn
khi chuyển động.
Gỗ
làm xe thổ mộ phải là loại tốt như Giáng Hương, Căm Xe, gỗ mít… không bị mối mọt.
Quan trọng nhất là cặp bánh xe vì là phần chịu tải chính nên được làm rất cẩn
thận, trục ngang của xe bằng ống thép chịu lực cho thùng xe nhưng lại không
dùng bạc đạn mà chỉ có ổ trục.
Mỗi
bánh xe được ghép từ sáu mảnh gỗ gắn với 12 chiếc căm cắm vào trục bánh xe. Sau
đó, một vòng sắt quấn quanh bánh xe để bảo vệ phần gỗ và cuối cùng một lớp nệm
cao su được nịt chặt ở vòng ngoài.
Thùng
xe được thiết kế thoáng mát, tạo sự thoải mái cho hành khách nhưng có vẻ hơi
cao so với mặt đường trong khi chỉ có một miếng sắt để khách lên xuống xe. Đây
cũng là điểm yếu của xe thổ mộ nhưng một số người lại thích ngồi vắt vẻo trên
xe với hai chân đong đưa để ngắm nhìn đường phố.
Bên
trong thùng xe, khách ngồi trên chiếu đâu mặt nhau, guốc dép máng ở hai cọc sắt
phía sau hai góc thùng. Nếu vắng thì khách ngồi thòng chân ở phía có bàn đạp
lên, xuống. Hai vè bên thùng xe uốn gợn sóng có thể dùng để gác hàng hóa. Và trên
cùng là cái mui uốn cong, lợp thiếc, nhô ra tới nửa mình ngựa, khum lại giống
như mui chiếc ghe bầu nhưng cũng trông tựa một cái… mả nên nới gọi là thổ mộ
(?).
Âm
thanh của chiếc thổ mộ với những tiếng kêu “lóc cóc, lọc cọc” phát ra từ móng
ngựa được bọc sắt tiếp xúc với mặt đường nhựa cũng trở nên quen thuộc với nhiều
thế hệ người miền Nam. Có nhiều xe còn gắn lục lạc cho ngựa nên khi chạy trên
đường tiếng lục lạc hòa lẫn tiếng lọc cọc, cộng với tiếng “họ, họ” điều khiển
ngựa của người xà ích tạo thành một bản nhạc đặc thù của xe ngựa Sài Gòn
xưa.
Về
sau, có dòng xe thổ mộ “văn minh” hơn, được cải tiến từ bánh xe gỗ sang bánh xe
bằng cao su bơm hơi với đường kính nhỏ hơn và do đó thùng xe cũng thấp hơn. Loại
xe này giúp hành khách lên xuống thoải mái, an toàn. Khi chạy trên đường, lốp
xe cao su êm hơn nhưng ngược lại, “tiếng nhạc” thổ mộ vốn có mất dần đi khiến
những người “hoài cổ” không tìm lại được cái thú của ngày nào.
Ngựa
kéo xe thổ mộ thường là những con ngựa đua đã có tuổi, không còn đủ sức vẫy
vùng trên đường đua nhưng vẫn còn có thể di chuyển giữa lòng đường phố nhộn nhịp
xe cộ. Bộ yên lưng bằng da có hai quai lồng vào hai càng xe đặt hai bên vai ngựa.
Sợi yên lưng còn lồng vào đuôi ngựa để khi xuống dốc có tác dụng kềm ngựa. Lại
còn có dây bụng nâng ngực ngựa khi xe chạy. Người xà ích đôi khi xếp khách ngồi
dịch lên hoặc lùi xuống là để cho ngựa không bị sức nặng đè vai hoặc bó chặt ngực
khó chạy.
Đọc
truyện Chiếc xe thổ mộ của Bích Thủy ta
mới thấy sự gắn bó thân thương giữa người xà ích và con ngựa kéo xe:
“Bộ giây cương treo
trước tầu ngựa đã lên nước bóng láng. Gần đó, phía bên trái, chiếc xe thổ mộ
cũng đã đuợc lau chùi cẩn thận nằm dưới bóng râm mát của cây trứng cá. Chỉ còn
có con Long Mã nữa là xong. Long Mã là tên của con ngựa. Nó cũng cần tắm rửa sạch
sẽ.
Bình mỉm cười khi
nghĩ đến con ngựa. Nó đứng trong tầu, khuất sau mấy gióng gỗ, mớ lông đuôi nhịp
nhàng phe phẩy. Bình nói với nó:
- Chờ một lát nữa
nghe !
Long Mã quay đầu lại
hí nhẹ một tiếng, rồi vục mõm vào đống cỏ tươi trong góc chuồng.”
…
Con Long Mã già rồi.
Nó đã 28 tuổi ngựa! Tuy vậy nó vẫn còn giữ được phong độ của loài ngựa đua:
Cao, thon, bộ da nâu sậm đã hơi nhăn vì các thăn thịt không còn săn sái như hồi
còn sung sức. Nhưng bộ gió nó vẫn còn, nhất là đôi mắt vẫn còn giữ nguyên vẻ
tinh nhanh”.
Nhân
vật Bình ở đoạn trích dẫn mới chỉ là cháu nội của cụ Lâm, người xà ích sống ở
Ngã ba Ông Tạ, ngày ngày chạy xe thổ mộ đón khách dọc theo đường Lê Văn Duyệt đến
chợ Hòa Hưng, chợ Chí Hòa, ga Hòa Hưng... Hồi còn trẻ, cụ Lâm là một tay đua “tuyệt
phích”. Về già, hai ông cháu thui thủi sống bên nhau, lấy chiếc xe thổ mộ làm kế
sinh nhai.
Long
Mã đã từng đoạt giải Quốc Khánh 1957, giải Mùa Xuân 1957 và giải Trung Thu 1958
tại trường đua Phú Thọ: “Con Long Mã nom
thật oai vệ. Bộ lông của nó đã được Bình chải chuốt, óng đỏ dưới ánh nắng dịu.
Trên đầu của nó được trang điểm thêm một chùm lông trĩ đứng ngộ nghĩnh giữa hai
chiếc tai vểnh nhọn, nom như chiếc mão của một võ tướng thời xưa!”
Hai
ông cháu sống vào thời kỳ suy tàn của xe thổ mộ trước sự ra đời ồ ạt của xe xích
lô, nhất là cyclo máy, đang đánh dạt xe thổ mộ ra vùng ngoại ô. Và cuộc chiến
thầm lặng giữa thổ mộ và cyclo đang đi dần đến hồi kết cuộc.
Không
chỉ tập trung tại Sài Gòn, xe thổ mộ còn lan tỏa ra các tỉnh phía Nam nhằm đáp ứng
việc đi lại trong vùng, mua sắm, thăm viếng, cưới hỏi… người ta đều chọn xe ngựa
vì tính tiện lợi và rẻ tiền của nó. Người ta có thể lên và xuống xe tại bất cứ
chỗ nào nên xe thổ mộ gắn bó mật thiết với người bình dân. Đây cũng là nét văn
hóa và lịch sử của miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng.
Một
chút buồn thoáng qua khi hình dung đến hình ảnh chiếc xe thổ mộ ngày xưa. Một nỗi
buồn không tên vẫn thường đến với những người mang nỗi lòng hoài cổ:
…Tôi không còn là tôi. Tôi trở thành ai đó
Những cuộc tình như trưa nắng lao xao
Xe thổ mộ ngỡ ngàng quanh chợ huyện
Chở tôi về nhưng tôi biết về đâu?...
(thơ Lê Minh Quốc)
***
Chú thích:
(*)
Nhà máy Sản xuất Thuốc phiện (Manufacture d’Opuim): Từ khi chiếm được Đông
Dương, người Pháp đã biết đến một nguồn lợi tài chính họ có thể thu được từ thuốc
phiện mà sự tiêu thụ đã lan tràn khắp nơi trong dân chúng.
Năm
1861, hai người Pháp đã được dành cho độc quyền buôn bán thuốc phiện, với một
khoản lệ phí nộp cho chính quyền mỗi năm là 92.000$, nhưng mặc dù được hưởng những
ưu đãi, việc kinh doanh của họ đã gặp nhiều trở ngại.
Đến
năm 1864 và sau đó, bằng phương thức đấu thầu do chính quyền thuộc địa tổ chức
3 năm một lần, độc quyền buôn bán thuốc phiện đã luôn về tay những người Trung
Hoa, ban đầu thuộc bang Quảng Tây rồi sau đó là Phúc Kiến. Do sự câu kết thông
đồng của những người Hoa tham dự thầu, số tiền thu về cho chính quyền qua các kỳ
đấu thầu mãi không tăng thêm được bao nhiêu, dù việc buôn bán thuốc phiện của họ
ngày càng mở rộng và phát triển.
Năm
1881, Toàn Quyền Le Myre de Vilers quyết định thay thế việc nhượng quyền buôn
bán thuốc phiện bằng việc quản lý trực tiếp của chính quyền thuộc địa. Thật ra,
vị Toàn Quyền này biết rằng nếu nằm trong tay người Trung Hoa, việc buôn bán
thuốc phiện chẳng khác nào một võ khí nguy hiểm cho nền an ninh và quyền lợi của
người Pháp.
Đến
cuối năm 1881, Cơ quan Thuế Trực thu được thành lập để bảo đảm việc khai thác độc
quyền về rượu và thuốc phiện, và cũng để tiếp tục theo đuổi việc thu thuế đánh
vào lúa gạo xuất khẩu. Chính vào thời kỳ này mà Nhà máy Sản xuất Thuốc phiện được
thành lập ở Sài Gòn tại số 74 đường Paul Blanchy (ngày nay là đường Hai Bà
Trưng).
***
(Trích
Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi
Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
Chương
1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương
2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương
3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương
4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương
5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương
6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương
7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương
8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương
9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác
giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho
đến ngày xuống lỗ)!