Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Nguyễn Lưu ‘không thể tung hô’ Phạm Duy

Hai nhân vật chính trong bài viết này là Nguyễn Lưu và Phạm Duy. Nhạc sĩ Phạm Duy thì có lẽ 99% người tại Việt Nam cũng như hải ngoại đều biết nhưng nhà báo Nguyễn Lưu thì có lẽ chỉ dưới 50% người đọc báo và xem truyền hình trong nước, nhất là miền Bắc, biết đến.

Nhạc sĩ Phạm Duy chính thức trở về Việt Nam ngày 17/5/2005. Sự kiện này được truyền thông trong nước lẫn hải ngoại quan tâm đặc biệt. Báo chí trong nước ca tụng đó là ‘nhịp cầu nối quê hương với người Việt xa xứ’, ‘niềm vui thống nhất lòng người’ còn bản thân nhạc sĩ Phạm Duy coi cuộc trở về này là ‘lá rụng về cội’. Bên cạnh đó, còn có những ý kiến phản đối của một số người Việt tại hải ngoại, họ cho rằng ông đã về với phe cộng sản.

Trong bài viết này tôi gọi Nguyễn Lưu bằng ‘anh’ (vì cùng tuổi) còn Phạm Duy là ‘ông’. Đây hoàn toàn không vì sự kỳ thị mà chỉ thuần túy về tuổi tác cách biệt giữa hai người. Thêm một lý do nữa, Nguyễn Lưu là ‘đồng nghiệp’ với tôi: anh viết cho báo Đầu Tư tiếng Việt ngoài Hà Nội còn tôi phụ trách tờ Vietnam Investment Review (VIR) bằng tiếng Anh trong Sài Gòn.

Đúng như tên gọi, Đầu Tư và VIR là những tờ báo kinh tế được hình thành qua sự hợp tác giữa tập đoàn truyền thông ACP (Australia) và Cơ quan Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI), sau này đổi thành Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nhà báo kiêm nhạc sĩ Nguyễn Lưu

Nguyễn Lưu thường phụ trách mảng văn hóa – thể thao, lúc thì ký tên Nguyễn Lưu, khi thì lại mang bút danh Ama Lâm. Chúng tôi được coi là ‘đồng nghiệp’ vì hai tờ Đầu Tư và VIR cùng nằm trong hệ thống của hợp đồng hợp tác kinh doanh (business cooperation contract) giữa Việt Nam và Úc.

Tuy nhiên, chúng tôi chỉ gặp nhau trong những chuyến công tác khi tôi ra Hà Nội hay những chuyến vào Nam của Nguyễn Lưu. Tôi ra Hà Nội những khi Tổng biên tập đi công tác nước ngoài cần có người duyệt các bài báo viết bằng tiếng Anh trên VIR. Thời gian ở Hà Nội phải nói là bận bù đầu nên tôi rất ít có dịp tiếp xúc với các phóng viên, có chăng chỉ là những câu thăm hỏi xã giao.

Nguyễn Lưu là dân xứ Nghệ nhưng sống ở Hà Nội đã lâu nên nói giọng Hà Nội chứ không ‘trọ trẹ’. Mãi sau này tôi mới biết anh xuất thân từ một gia đình quyền thế với thân phụ là Giáo sư Nguyễn Xiển (1907–1997), một nhà khoa học đồng thời cũng là một chính khách. Ông từng giữ chức vụ Tổng thư ký đảng Xã hội Việt Nam (1956–1988) và Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam (từ năm 1960 đến 1987).

Giáo sư Nguyễn Xiển đã từng hợp tác với học giả Hoàng Xuân Hãn nghiên cứu về lịch và lịch Việt Nam, và cùng các ông Hoàng Xuân Hãn, Đặng Phúc Thông, Nguyễn Duy Thanh, Nguyễn Đình Thuỵ, Nguỵ Như Kon Tum ra báo Khoa học phát hành toàn Đông Dương với mục đích truyền bá ý tưởng và phương pháp khoa học, xây dựng văn hoá mới cho quốc dân về phương diện khoa học. Ông mất ngày 9/11/1997, hưởng thọ 90 tuổi.

Con trai cả của cụ Nguyễn Xiển là Nguyễn Toán, Giáo sư đã nghỉ hưu, và con trai thứ là nhà báo Nguyễn Lưu. Một người con rể của cụ Xiển là ông Đỗ Quốc Sam (1929-2010), Giáo sư, Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hóa ra Nguyễn Lưu về với báo Đầu Tư không phải là sự ngẫu nhiên mà có sự tính toán.

Giáo sư Nguyễn Xiển (1907–1997)

Nguyễn Hoàng Thụ (Phó tổng biên tập Tạp chí thể thao, xuất bản tại Hà Nội) đã ca tụng Nguyễn Lưu “…hội tụ đủ từ chất trí tuệ của lớp sĩ phu miền Bắc cho đến chất nghệ sỹ và lại có tư thế của một nhà thể thao…”. Nguyễn Lưu luôn khẳng định nghề tay phải của mình là viết về thể thao. Các bài viết về bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, điền kinh của Nguyễn Lưu, ngoài việc xuất hiện trên báo ‘nhà’ Đầu Tư, anh còn viết cho Tuổi TrẻThanh Niên và nhiều báo khác… Anh cũng xuất hiện thường xuyên như một khách mời trên các chương trình bình luận thể thao của đài truyền hình trung ương (VTV) và đài truyền hình kỹ thuật số VTC.

Tôi còn nhớ, trong một bài phóng sự đăng trên báo Tết của Đầu Tư, Nguyễn Lưu kể lại rằng anh đi cyclo trên đường Trần Hưng Đạo Sài Gòn để đến một vũ trường trong Chợ Lớn… Tôi nhận xét: “Chi tiết này không đúng vì đường Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn từ lâu đã cấm cyclo lưu thông…”. Vẻ mặt của Nguyễn Lưu khi đó có vẻ ngỡ ngàng, phải chăng đó là một chi tiết hư cấu không logic của người viết về một thành phố tương đối xa lạ đối với mình! 

Có thể nói, Nguyễn Lưu là cây bút ‘đa tài’. Xuất thân là một vận động viên bóng rổ nhưng anh tốt nghiệp đại học với mảnh bằng cử nhân toán Đại học Tổng hợp, từng đi dạy ở Đại học Tây nguyên trên Ban Mê Thuột, bút hiệu Ama Lâm chắc là để nhớ lại một thời đã ở trên xứ Thượng?

Anh còn là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nan. Có lần tôi ra Hà Nội đúng vào gần Tết, báo Đầu Tư tổ chức tiệc tất niên tại Khách sạn Meritus (West Lake). Nguyễn Lưu trong vai trò của một MC đứng ra điều khiển tốp ca, tên của bài hát tôi không nhớ rõ nhưng đại khái là kiểu ‘hành khúc’ của báo Đầu Tư, do chính anh sáng tác. Đó là lần đầu tiên tôi được nghe một bài hành khúc của nhạc sĩ Nguyễn Lưu.

Bài hát không có gì đặc sắc nhưng cũng nói lên khả năng hiểu biết về âm nhạc của Nguyễn Lưu. Cho đến khi Nguyễn Lưu viết bài Không thể tung hô đả phá nhạc sĩ Phạm Duy trên báo Đầu Tư ngày 13/3/2006, tôi hoàn toàn thất vọng. Dưới đây là nguyên văn bài viết:

Không thể tung hô

Có thể nói, một trong những niềm tự hào, tự tôn của dân tộc Việt Nam là triết lý "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại". Tuy nhiên, "không đánh kẻ chạy lại" cần được hiểu thêm rằng, kẻ chạy lại là ai, và "không đánh" có nhất thiết đồng nghĩa với việc xem người ấy là thần tượng, là nhân vật tiêu biểu để đón rước trọng thể (Gạch dưới của NNC)...?  Tôi muốn nói đến trường hợp của nhạc sĩ Phạm Duy, người mới được xưng tụng sau đêm nhạc "Ngày trở về" (Đêm nhạc mang tên ‘Ngày trở về’ của Phạm Duy được tổ chức tại Nhà hát Thành phố, Sài Gòn, năm 2006 – Chú thích của NNC)

Một người bạn, nhà văn Chu Lai đã tỏ ra tâm đắc với ý tưởng này và cho biết, Tạp chí Thế giới mới số mới nhất có đăng một bài viết, với nội dung gói gọn: "Một người từng bỏ kháng chiến theo thực dân Pháp, khi Pháp rút lại theo Ngô Đình Diệm và khi ngụy quyền sụp đổ lại chạy qua Mỹ. Và tại đó, đã viết hàng loạt bài kêu gọi chống Cộng, với giọng điệu “sặc mùi” hiếu chiến. Nay, thấy Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, lại xin trở về!(Gạch dưới của NNC). Hà cớ gì phải tung hô, xưng tụng đến như thế!".

Đất nước đang đổi mới, chúng ta chấp nhận việc khép lại quá khứ để xây dựng tương lai, nhưng điều ấy không đồng nghĩa với việc bỏ quên tất cả, từ những hy sinh gian khổ đến những bài học máu xương... Chúng ta cũng không quên tổ tiên ta luôn tỏ rõ nghĩa khí, quyết không sợ xâm lăng và cũng không trù dập kẻ thất trận. Tù binh giặc còn được cấp lương, thuyền để chúng "ra đến bể chưa thôi trống ngực" hay "về đến nhà còn đổ mồ hôi" (Cáo bình Ngô). Nhưng cái khái niệm ân nghĩa bốn bể ấy cũng có những nguyên tắc và với trường hợp của Phạm Duy, chúng ta lại càng cần phải hiểu cho rõ ngọn nguồn.

Nửa thế kỷ trước, khi còn là một "chú nhóc" tại trường Thiếu sinh quân chuẩn bị qua Trung Quốc học tập, ở Việt Bắc, tôi đã cùng bè bạn trong đơn vị hát những ca khúc rất hay của Phạm Duy, khi ấy đang là một trong những cán bộ văn hóa của chính quyền cách mạng. Tôi đã thuộc lòng câu hát "Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời..." và sau này, lớn lên một chút mới hiểu ra rằng, cái tứ ấy, có gì giống với luận điểm của Nguyễn Văn Vĩnh (truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, mà tiếng ta còn thì nước ta còn - cách nói ấy là để biện minh cho việc ôm chân giặc xâm lược của Nguyễn Văn Vĩnh và bè lũ bán nước)(Gạch dưới của NNC).Phạm Duy có những tác phẩm làm say đắm lòng người, như Thiên Thai, Trương Chi, Nhạc tuổi xanh, Quê nhà em (Gạch dưới của NNC)... Rồi sau đó là các bài như Thuyền viễn xứ, Bà mẹ Gio Linh, Cây đàn bỏ quên, Nghìn trùng xa cách... Khai thác chất liệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ, khó có ai qua mặt Phạm Duy. Bài Ru con, Phạm Duy viết ở Việt Bắc có câu "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời giặc Pháp có thương dân mình", chuyển từ điệu "thứ" qua "trưởng" thật đắt, còn nhịp ba trong Quê nhà em (Gạch dưới của NNC) lại rất hay, dí dỏm và tố cáo giặc đốt nhà, phá đường...

Nhưng, ngay trong thời kỳ ấy, chất lãng mạn tiểu tư sản, sợ khổ, sợ chết đã bộc lộ qua sáng tác của Phạm Duy. Khi ấy, dù còn bé, song tôi đã biết bài Bà mẹ Gio Linh bị cấm, bởi có những câu mà khi hát lên, liệu còn ai, còn bà mẹ nào dám để con đi bộ đội. Và chất đa tình cố hữu, ta thường thấy ở giới nghệ sĩ, ở Phạm Duy được xem là nhược điểm. Và cái phải đến đã đến, Phạm Duy "dinh tê", bỏ kháng chiến vào thành, lập ra ban nhạc ‘Đêm màu hồng’ (Gạch dưới của NNC) với Thái Thanh, Thái Hằng, có cả Phạm Đình Chương, Duy Quang... Và từ đó trở thành tên tuổi hàng đầu trong đám văn nghệ sĩ chống Cộng.

"Đỉnh cao" sự nghiệp chống Cộng của Phạm Duy là bài ‘Mùa thu chết’. Ở đó, tác giả đã công khai tư tưởng chống Cộng của mình. Ông ta đã từ bỏ tình yêu với Tổ quốc bằng một bút pháp thật sâu cay, đểu giả và ít ai quên cái mùa thu trong ca khúc ấy chính là Cách mạng mùa thu, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam (Gạch dưới của NNC). Khi đất nước bị chia cắt, Phạm Duy đã vào Nam theo chính quyền Ngô Đình Diệm, lần lượt đi sâu vào con đường chống Cộng và lên đến chức Bộ trưởng Văn hóa(Gạch dưới của NNC). Nhưng, sự nghiệp âm nhạc của ông ta vẫn càng lún vào "vũng bùn" phản quốc. Bài ‘Ru con’ đã thay câu cuối cùng bằng “Mấy đời Cộng sản biết thương dân mình”. Nhạc tuổi xanh đã bị biến chất để đi ngược lại điều đã ấp ủ của cả một thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam đang lên đường đổi cả sinh mạng lấy tự do, độc lập. Và để khẳng định mình, Phạm Duy liên tiếp cho ra đời những tác phẩm vừa chống Cộng, vừa bệnh hoạn.

Ngày miền Nam mới giải phóng, tôi có gặp TS Nguyễn Văn Trung, nguyên giảng viên Đại học Sài Gòn. Trước khi di tản đi Mỹ (Gạch dưới của NNC), ông Trung bất đắc chí đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện, trong đó có lời miệt thị một nhạc sĩ có tài là Phạm Duy mà lại đi viết cả những bài hát để ủng hộ sự loạn luân!? Chính TS Trung đã qua Mỹ dạy học (Gạch dưới của NNC), còn nhạc sĩ Phạm Duy di tản sang Mỹ để trốn chạy trước sự trở về của những người đã từng chung một chiến hào với ông ta. Tại Mỹ, Phạm Duy làm nhiều người (trong đó có tôi) sôi sục căm thù, khi viết bài kêu gọi các nam thanh, nữ tú đất Việt hãy xông lên, lấp sông Bến Hải (Gạch dưới của NNC), giải phóng Việt Nam khỏi tay Cộng sản... Và bây giờ, khi đã sắp đến lúc nhắm mắt xuôi tay, ông ta muốn trở về trong sự đón tiếp nồng hậu của những người từng bị ông chà đạp về tinh thần!

Tôi đọc Nam Cao và tâm đắc với nhận xét: "Những thằng chuyên ác chỉ có thể hết làm việc ác nếu chúng không còn đủ sức để làm ác". Bây giờ, với Phạm Duy cũng là như vậy. Một Việt Nam đang vươn lên, môi trường này đang sống động và có vị thế mới đã có thể làm mềm lòng mọi kẻ vốn kỳ thị với dân tộc này, tất nhiên đủ sức làm "kẻ chạy đi" mong được trở về, song, như đã nói trên, không thể có sự trở về như một người hùng. Chia sẻ điều này, nhạc sĩ Tân Huyền cho hay, đó là điều kỳ lạ, hiếm thấy, tuy ông bảo: "Bây giờ, tư nhân cũng có thể làm ra một trang web để tôn vinh mình, nói gì...". Và tôi hiểu, tác giả ‘Cỏ non thành cổ’ làm sao chấp nhận sự trở về trong thứ vinh hoa kiểu ấy, nó làm cho sự hy sinh của những đồng đội, những nấm mồ liệt sĩ kia có thêm những nỗi đau thế thái.

Có một lần, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn trả lời báo chí, ông khẳng định, không bao giờ đánh giá một nhạc sĩ dám dâng hiến tuổi trẻ trong đội ngũ những người chiến sĩ, ngang bằng một tác giả không dám lâm trận và chỉ ngồi trong lòng địch để than thân trách phận, hay ngợi ca một hạ trắng, thu vàng, chứ đừng nói đến một tác giả đã nhảy vào lòng địch để chống Cộng, rồi sau này, khi hết "đát" lại nói lời xí xóa. Tôi cam đoan không một nhạc sĩ cách mạng Việt Nam nào không vui mừng trước nghĩa cử đầy nhân ái của đất nước, song tất cả họ đều chung một suy nghĩ, rằng người trở về đâu phải ai cũng như ai. Lời nói ấy của người nhạc sĩ - chiến sĩ, đã giúp tôi có thêm nghị lực, để nghĩ, để nói và để thể hiện chính kiến, để không bị hòa tan trong những đợt sóng vàng vọt đâu đây.

Ai muốn coi Phạm Duy là thần tượng, tùy ý, còn tôi, trước sau xin nói không!

Nhạc sĩ Nguyễn Lưu

(hết trích)

Nguyễn Lưu (ngồi giữa)

Bài viết Không thể tung hô của Nguyễn Lưu chắc chắn có một số ‘nhạc sĩ cách mạng’ miền Bắc chia sẻ với ý kiến của tác giả, nhất là những người vốn không ưa cái bóng quá lớn của Phạm Duy trong lãnh vực này. Nói chung, đối với những nhân vật này, trong đó có Nguyễn Lưu, phải chăng có sự ghanh ghét cá nhân. 

Tại miền Nam, bài viết đã gây một luồng dư luận phản đối kịch liệt, cụ thể nhất là Công ty Phương Nam, đơn vị tổ chức biểu diễn đêm nhạc ‘Ngày trở về’ và đồng thời là người mua bản quyền khai thác các tác phẩm hợp pháp của nhạc sĩ Phạm Duy.

Phương Nam đã gửi văn bản đến các cơ quan thẩm quyền, từ Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Cục Bảo vệ An ninh Văn hóa Tư tưởng xuống đến Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Ban biên tập báo Đầu Tư cùng các cơ quan thông tin đại chúng khác. Dưới đây là nguyên văn Văn bản của Công ty Phương Nam:

TP Hồ Chí Minh, ngày 16.3.2006

Kính gửi:
- Ban Tư tưởng - Văn hóa TW
- Bộ Văn hóa - Thông tin
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Cục Bảo vệ an ninh văn hóa tư tưởng
- Ban biên tập Báo Đầu tư

Đồng kính gửi:
- UBMTTQ TP Hồ Chí Minh
- Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TP.HCM
- Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM
- Phòng Bảo vệ an ninh văn hóa tư tưởng Công an TP.HCM
- Các cơ quan thông tin đại chúng

Trên số báo Đầu tư số ra ngày thứ hai 13.3.2006 có đăng bài ‘Không thể tung hô’ của nhạc sĩ Nguyễn Lưu viết về "trường hợp của nhạc sĩ Phạm Duy, người mới được xưng tụng sau đêm nhạc Ngày trở về" diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh. Mặc dù trong bài viết của mình, tác giả không đề cập gì đến Công ty Văn hóa Phương Nam là đơn vị tổ chức biểu diễn, nhưng với tư cách là người mua bản quyền khai thác các tác phẩm hợp pháp của nhạc sĩ Phạm Duy, với trách nhiệm của đơn vị tổ chức đêm nhạc Ngày trở về, chúng tôi xin bày tỏ một số ý kiến:

1. Đường lối đổi mới của Đảng trong hai thập niên qua đã mang lại những thành tựu to lớn đầy sức thuyết phục. Chủ trương đại đoàn kết dân tộc theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đang thổi một luồng sinh khí mới, động viên tinh thần yêu nước của tất cả mọi người Việt Nam không phân biệt tôn giáo, chính kiến ở trong cũng như ngoài nước để cùng hướng tới mục tiêu "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Những luận điệu chống cộng cực đoan ở hải ngoại ngày càng trở nên lạc lõng. Nhiều người bỏ nước ra đi nay lần lượt trở về góp phần xây dựng đất nước dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Ông Nguyễn Cao Kỳ, Phó tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ đã trở về. Đó là những minh chứng hùng hồn cho tính đúng đắn của chủ trương đại đoàn kết dân tộc.

Đối với những kẻ thù xâm lược, chúng ta cũng đang xếp lại quá khứ để cùng hướng tới tương lai, nhưng đọc bài báo của nhạc sĩ Nguyễn Lưu, nhiều người hẳn sẽ băn khoăn tự hỏi tại sao việc "xếp lại quá khứ" đối với một bộ phận người Việt lại khó khăn đến thế? Khép lại quá khứ hoàn toàn không đồng nghĩa với việc "bỏ quên tất cả" như ông Nguyễn Lưu nói. Và cũng không thể xếp lại quá khứ theo kiểu lôi hết "ngọn nguồn" của một người để phơi bày trên mặt báo như ông Nguyễn Lưu đã làm! Dù nhắm tới một đối tượng cụ thể là nhạc sĩ Phạm Duy, nhưng khi ông Nguyễn Lưu (dẫn lời nhà văn Chu Lai) nói rằng "Nay, thấy Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, lại xin trở về" chắc chắn sẽ làm những người đã hoặc đang có ý định trở về chạnh lòng và cảm thấy bị xúc phạm. Đó là lối nói kiêu ngạo vô trách nhiệm, gây mất lòng tin vào đường lối, chủ trương của Đảng.

2. Việc Công ty Văn hóa Phương Nam tổ chức đêm nhạc ‘Ngày trở về’ là một hoạt động bình thường của một đơn vị kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa, không nhân danh một sự kiện gì, không nhằm tôn vinh thần tượng và cũng chẳng tổ chức "đón rước trọng thể". Ai có nhu cầu thì mua vé vào xem. Thế thôi. Mọi hoạt động kinh doanh của Công ty Văn hóa PhươngNam liên quan đến nhạc sĩ Phạm Duy đều tuân thủ đúng pháp luật.

Nhạc sĩ Phạm Duy

Chúng tôi không chỉ tổ chức đêm nhạc ‘Ngày trở về’ mà trước đó đã từng tổ chức những chương trình biểu diễn nghệ thuật khác. Cũng như vậy, chúng tôi không chỉ liên kết xuất bản và phát hành những tác phẩm của Phạm Duy được Bộ Văn hóa - Thông tin cho phép mà chúng tôi còn từng liên kết với các nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân và một số nhà xuất bản khác để tổ chức những tủ sách với hàng trăm tác phẩm viết về cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong đó có cả những tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng và các tướng lĩnh khác như Nguyễn Quyết, Trần Văn Trà; của các nhà văn hóa lớn như Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Văn Huyên, Ngô Tất Tố, Huy Cận, Hà Văn Tấn, Trần Văn Khê; gần trọn bộ tác phẩm của các nhà văn thuộc nền văn học cách mạng như Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng... và cả một số tác phẩm của nhà văn Chu Lai.

Bài viết của nhạc sĩ Nguyễn Lưu không mang tính phê bình học thuật, lại đăng tải trên một tờ báo chuyên về đầu tư, vì vậy, từ góc độ kinh doanh, chúng tôi có quyền nghi ngờ đây là một sự cạnh tranh không lành mạnh.

3. Một điều đáng tiếc nữa là trong lúc dẫn dắt người đọc "hiểu cho rõ ngọn nguồn" trường hợp Phạm Duy, nhạc sĩ Nguyễn Lưu lại đưa người đọc lạc vào những lỗ hổng kiến thức của chính mình. Lỗi tác giả một phần, một phần do lỗi của tòa soạn trong khâu biên tập. Chúng tôi xin nêu một vài thí dụ: Nhạc sĩ Nguyễn Lưu viết:

"... Ở Việt Bắc, tôi đã cùng bè bạn trong đơn vị hát những ca khúc rất hay của Phạm Duy... Tôi đã thuộc lòng câu hát "Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời..." và sau này, lớn lên một chút mới hiểu ra rằng, cái tứ ấy, có gì giống với luận điểm của Nguyễn Văn Vĩnh (Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, mà tiếng ta còn thì nước ta còn - cách nói ấy là để biện minh cho việc ôm chân giặc xâm lược của Nguyễn Văn Vĩnh và bè lũ bán nước)".

Thứ nhất, câu nói nổi tiếng (và cũng bị nhiều tai tiếng): "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn" không phải của Nguyễn Văn Vĩnh mà là của Phạm Quỳnh (thân sinh của nhạc sĩ Phạm Tuyên, tác giả ca khúc nổi tiếng ‘Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng’). Bài viết của Phạm Quỳnh được đăng trên tạp chí Nam Phong, về sau được in lại trong Thượng Chi văn tập. Tuy tiếng Việt của Phạm Quỳnh là tiếng Việt của đầu thế kỷ 20 nhưng không có lối hành văn "thì mà là" như tiếng Việt của nhạc sĩ Nguyễn Lưu ở đầu thế kỷ 21!

Thứ hai, nếu chỉ nói quá đơn giản như Nguyễn Lưu thì nhiều học sinh ngày nay sẽ không thể nào hiểu được vì sao Truyện Kiều được tôn vinh như là một kiệt tác của văn học Việt Nam, nhưng khen Truyện Kiều thì lại mắc cái tội "biện minh cho việc ôm chân giặc xâm lược"?

Ai cũng biết rằng, sinh thời Nguyễn Du là người theo phò nhà Lê thời Lê Chiêu Thống, chống lại Tây Sơn, đã từng bị quân Tây Sơn bắt giam 3 tháng ở Nghệ An, sau theo phò Gia Long, ra làm quan với triều Nguyễn, nhưng điều đó lại không liên quan gì đến việc đề cao Truyện Kiều "là để biện minh cho việc ôm chân giặc xâm lược". Cũng như vậy, làm sao con cháu chúng ta có thể hiểu được "Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời..." mà lại bị ghép vào tội... phản quốc?

Phạm Duy: “Người Hát Rong”

Ở một đoạn khác, nhạc sĩ Nguyễn Lưu viết: "Đỉnh cao sự nghiệp chống Cộng của Phạm Duy là bài "Mùa thu chết" (...) Ông đã từ bỏ tình yêu với Tổ quốc bằng một bút pháp thật sâu cay, đểu giả và ít ai quên cái mùa thu trong ca khúc ấy chính là Cách mạng mùa thu, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam".

Độc giả, đặc biệt là những người từng ở miền Nam trước năm 1975, ai cũng biết rằng bài ‘Mùa thu chết’ rất nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy là phổ thơ Apollinaire, một nhà thơ Pháp sinh năm 1880 và chết năm 1918. Bài thơ của Apollinaire vỏn vẹn chỉ có 5 câu, mang tựa đề “L’Adieu” (Giã biệt), chúng tôi xin ghi lại nguyên văn:

J’ai cueilli ce brin de bruyère
L’automne est morte souviens-t’en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t’attends

Tạm dịch:

Ta ngắt một cành thạch thảo
Em hãy nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta không còn được nhìn nhau nữa trên đời
Mùi thời gian đẫm hương thạch thảo
Em hãy nhớ rằng ta vẫn chờ em

Nội dung bài thơ chỉ có thế, khi phổ nhạc vẫn giữ gần như nguyên vẹn, chẳng liên quan gì đến cuộc Cách mạng tháng Tám của dân tộc chúng ta xảy ra sau khi tác giả của nó đã qua đời 27 năm! Nếu lập luận theo kiểu Nguyễn Lưu thì mọi người sẽ nghĩ sao về trường hợp Văn Cao với bài ‘Buồn tàn thu’ và Phạm Trọng Cầu với bài ‘Mùa thu không trở lại’?

Trước đây, ngay ở miền Nam, bên cạnh những người ca ngợi Phạm Duy cũng có không ít người không đồng tình với một số việc làm của Phạm Duy, thậm chí có người đã viết cả một cuốn sách để phê phán Phạm Duy. Âu đó cũng là chuyện bình thường. Ngay cả Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có lắm người khen, kẻ chê "Bạc phận chẳng lầm người tiết nghĩa/Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm" hay "Đàn ông chớ kể Phan Trần/Đàn bà chớ đọc Thúy Vân Thúy Kiều" đó sao ? Nhưng suy diễn đến mức như ông Nguyễn Lưu thì chưa hề có!

Là những người hoạt động kinh doanh trong một lĩnh vực gắn liền với văn hóa, nhiều khi chúng tôi không khỏi âu lo khi thấy trong sinh hoạt học thuật của nước nhà, một số người vẫn quen dùng vũ khí suy diễn, xuyên tạc, chụp mũ chính trị để đẩy đối phương vào chỗ chết thay vì cùng tranh luận minh bạch để tiếp cận chân lý. Văn hóa muốn phát triển cần có một nền học thuật. Cái cách phê bình "cả vú lấp miệng em" như vậy đang gây ô nhiễm nặng môi trường học thuật của chúng ta. Quá trình hội nhập của đất nước đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, vì vậy cần thiết phải loại ra khỏi đời sống học thuật những cách ứng xử thiếu văn minh như thế.

Ngoài ra, trong bài viết của nhạc sĩ Nguyễn Lưu còn một số chi tiết khác không chính xác, chẳng hạn: trong sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy không hề có bài ‘Quê nhà em’, Phạm Duy chưa bao giờ được làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa của chính quyền Sài Gòn, ở Sài Gòn trước năm 1975 không hề có cái gọi là "ban nhạc Đêm màu hồng", GS Nguyễn Văn Trung cũng chẳng phải di tản đi Mỹ mà đi Canada theo diện đoàn tụ gia đình sau 1975, và GS Nguyễn Văn Trung cũng không hề dạy học ở Mỹ.

Cuối cùng, chúng tôi nghĩ rằng báo Đầu tư là tờ báo chủ yếu dành cho các doanh nhân, trong đó có những doanh nhân là người Việt ở nước ngoài, một trong những đối tượng mà chúng ta đang mời gọi. Việc đăng một bài báo có nội dung mạt sát một Việt kiều muốn về quê hương và đã được phép trở về như nhạc sĩ Phạm Duy có thể sẽ làm một số người khác giật mình phân vân trước sự chọn lựa nên hay không nên trở về để khỏi phải chuốc lấy những phiền toái như trường hợp của nhạc sĩ Phạm Duy.

Trân trọng.

Tổng giám đốc Công ty Văn hóa Phương Nam
Phan Thị Lệ

(hết trích) 
Nhạc sĩ Phạm Duy (2005)

Phương Nam đã phản đòn bằng những lý lẽ logic và những phân tích cặn kẽ những điểm sai trong bài viết của Nguyễn Lưu. Nhiều độc giả cho là Nguyễn Lưu mắc phải nhiều ‘sai lầm ngây ngô’ bên cạnh những ‘lỗ hổng kiến thức chết người’. Chắc hẳn tác giả bài viết phải tự nghĩ lại và vấn đề ‘ai thắng ai’ đã quá rõ ràng.  

Riêng tôi, có thêm một suy nghĩ, những cây bút như Nguyễn Lưu chỉ nên viết những chuyện liên quan đến thể thao như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh… chứ đừng bao giờ ‘đá lộn sân’ sang các vấn đề lớn với tư cách là một nhạc sĩ cố tình ‘đập phá’ một ‘tượng đài’ như Phạm Duy, người nhạc sĩ mà cả nước phải công nhận… ‘lắm tài, nhiều tật’.

Về phương diện tình cảm, Phạn Duy là mẫu người ‘dễ bị lụy vì tình’, điển hình là vụ scandal ‘ăn chè ở Nhà Bè’ với Khánh Ngọc mà báo chí miền Nam lúc đó đã tốn không ít giấy mực. Vợ của nhạc sĩ Phạm Duy là ca sĩ Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái, 1927-1999), bà cũng là chị của ca sĩ Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh), Hoài Trung và Hoài Bắc (nhạc sĩ Phạn Đình Chương, chồng của Khánh Ngọc). Họ ca hát chung dưới tên Ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng một thời tại miền Nam.

Ban hợp ca Thăng Long

Dù sao đi nữa cũng không thể phủ nhận được sự đóng góp lớn lao của Phạm Duy đối với nền âm nhạc Việt Nam. Mặt khác, cũng không thể phủ nhận tính chất “công thần” của những nhạc sĩ như Nguyễn Lưu đã đi theo ‘cách mạng’ và đã có một quá trình, hy sinh cống hiến nhiều cho công cuộc ‘giải phóng’ miền Nam.

Xét cho cùng, bài viết của Nguyễn Lưu chỉ đại diện cho một thiểu số những ‘công thần’. Tuy nhiên, điều oái oăm, chính bản thân người viết lại chưa đủ tầm vóc để được gọi là ‘công thần’ mà chỉ là một ‘công cụ’ của các ‘công thần’ thứ thiệt. Nguyễn Lưu có ý thức được điều đó?

===

Một số nhận xét của những người ‘trong nghề’:
  
Nhà nghiên cứu nhạc Georges-Étienne Gauthier:
“Sở dĩ cái tiếng Việt Nam có thể gợi nơi tôi một chút ý tưởng hoà bình và đẹp đẽ, nhân ái và từ thiện, sở dĩ trải qua nhiều tháng nhiều năm, tôi đã có thể yêu mến nước Việt Nam ít ra cũng như yêu mến chính nước tôi, sở dĩ như thế trước hết và trên hết là chính nhờ Phạm Duy và một số nghệ sĩ Việt Nam khác”.
(Trong cuốn Một người Gia Nã Đại và nhạc Phạm Duy)

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý:
“Trong ‘gia tài’ của Phạm Duy, có những tác phẩm mà qua lăng kính của mình ông đã nói lên những triết lý sâu sắc. Chẳng hạn như ‘Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười’… Công tâm mà nói, trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy là một nhạc sĩ có nhiều tác phẩm để đời và mãi mãi còn trong lòng người Việt Nam qua nhiều thế hệ”.
(Trong bài viết Phạm Duy, người bạn, người anh, người thầy của tôi).

Giáo sư Trần Văn Khê:
“Từ trước đến giờ, tôi chỉ thấy Mai Văn Bộ, Lê Thương và Phạm Duy là đặt lời đẹp nhất - từ năm 1950 đến giờ tôi không theo sát phong trào nhạc mới nên có thể có nhiều người khác đặt lời đẹp mà tôi chưa biết - Có điều tôi chắc là trong hầu hết những bài hát của Phạm Duy, lời và nhạc chẳng những hay, mà lại có tánh cách giản dị, mộc mạc và nên thơ của những bài ca dao. Những câu lục bát biến thể, hay những câu lục bát có thêm tiếng đệm được phổ nhạc một cách tài tình”
(Trích bài viết Nhân xem trường ca ‘Con đường cái quan’ của Phạm Duy)

Nhạc sĩ Lê Uyên Phương:
“Như tiếng chuông vọng đến từ hư vô. Như những tia chớp sáng ngời trong đêm tối. Như những tia nắng ấm đầu tiên của một ngày trong mùa Đông giá lạnh. Như những tia nắng chiều rực rỡ của một ngày đầy vui buồn của kiếp sống. Âm nhạc Phạm Duy đã đến trong mỗi cuộc đời Việt Nam như không khí trong bầu khí quyển của ca dao, tục ngữ, của truyện Kiều, của Cung Oán Ngâm Khúc, của Chinh Phụ Ngâm, của ngôn ngữ, của âm thanh, của cảm xúc Việt Nam. Trong đáy lòng của mỗi người Việt Nam, từ đã từng là một thiếu niên trong thời kháng chiến hay đến hôm nay là một thanh niên ở cuối thế kỷ 20, đều mang một dấu vết nào đó còn sót lại của bầu dưỡng khí đã nuôi lớn tâm hồn họ trong gần nửa thế kỷ này”
(Trích bài viết Phạm Duy, nắng chiều rực rỡ)

Thi sĩ Nguyên Sa:
“Hôm nay, có những người thích Rong Ca, có những người mê Bầy Chim Bỏ Xứ, có những người ngất ngây với Hoàng Cầm Ca, có những tín đồ của Thiền Ca. Có những người yêu Phạm Duy của new age, của nhạc giao hưởng, của mini opera và của thánh ca hơn Phạm Duy của Tình ca, Phạm Duy của dân ca, Phạm Duy của Kháng chiến ca, Phạm Duy của thơ phổ nhạc. Và ngược lại, có những người, với họ, chỉ có Phạm Duy của Tình ca mới là Phạm Duy. Chỉ có Phạm Duy Kháng Chiến Ca. Chỉ có Phạm Duy thơ phổ nhạc. Chỉ có Phạm Duy, chỉ có Phạm Duỵ... Nhưng đó, bạn thích Phạm Duy nào, tùy bạn. Cũng vậy thôi, viên kim cương có một ngàn mặt. Khác biệt với tấm gương chỉ có một mặt. Cho nên phải chọn lựa, phải bàn cãi, phải bất đồng, phải suối ngàn đầu, sông trăm nhánh chảy về vĩnh viễn một đại dương”.

Nhạc sĩ Phạm Duy
với Hộ khẩu & Chứng minh nhân dân
sau khi về lại Việt Nam

===

Nhạc sĩ Phạm Duy, tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh ngày 5/10/1921 tại Hà Nội trong một gia đình văn nghiệp. Cha là Phạm Duy Tốn thường được xem như nhà văn xã hội đầu tiên của nền Văn học Mới hồi đầu thế kỷ 20. Anh là Phạm Duy Khiêm, giáo sư thạc sĩ, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Pháp, văn sĩ Pháp văn, tác giả những cuốn Légendes des terres sereinesNam et SylvieDe Hanoi à Lacourtine...

Cuộc đời của ông ngoài việc ca hát, sáng tác nhạc còn có giai đoạn thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương, học thầy Tô Ngọc Vân, và cùng chung lớp với Bùi Xuân Phái, Võ Lăng... Năm 1942 ông có sáng tác đầu tay Cô hái mơ. Năm 1944, ông thành ca sĩ hát tân nhạc trong gánh hát cải lương Đức Huy – Charlot Miều.

Gánh hát này đưa ông đi rất nhiều miền trên đất nước, từ Bắc chí Nam, khiến ông mở mang tầm mắt, ngoài ra tự nhiên cũng trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong việc phổ biến tân nhạc đến các vùng. Thời kỳ hát rong, Phạm Duy được gặp gỡ nhiều tên tuổi lớn như thi sĩ Lưu Trọng Lư, nhạc sĩ Lê Thương, Lê Xuân Ái, Văn Đông... và nhất là nhạc sĩ Văn Cao, người sau này trở thành bạn thân thiết. Hàng nghìn sáng tác của Phạm Duy có thể chia ra làm nhiều thể loại:

• Nhạc cách mạng: Sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nói lên sự căm giận của người dân quê đối với giặc cướp nước, phá làng. Tiêu biểu có thể kể: Bà mẹ Gio Linh, Mười hai lời ru, Chiến sĩ vô danh.

• Nhạc quê hương: Một phần quan trọng trong sự nghiệp của ông, gồm những bài ca ngợi quê hương đất nước, hình ảnh con trâu, đồng lúa, cái cày... Nhiều bài rất quen thuộc với người Việt: Tình ca, Về miền Trung, Tình hoài hương, Bà mẹ quê, Em bé quê...

• Nhạc tình: Tình yêu là một đề tài lớn trong cuộc đời cũng như trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Duy. Nhạc tình có khối lượng nhiều nhất trong kho nhạc đồ sộ của ông, có thể kể những bài được giới trẻ trong Nam ngoài Bắc hát nhưHẹn hò, Cỏ hồng, Ngày đó chúng mình, Cây đàn bỏ quên, Phượng yêu, Kiếp nào có yêu nhau, Đừng xa nhau, Mưa rơi, Đường em đi, Tôi còn yêu tôi cứ yêu, Trả lại em yêu, Giết người trong mộng...

• Nhạc tâm tư: Ngoài viết về tình yêu trai gái, tình yêu quê hương, thì những sự suy tưởng cao siêu hay nhớ nhung buồn nản vẩn vơ cũng được Phạm Duy ghi lại thành nhạc, có thể kể đến Đường chiều lá rụng, Bên cầu biên giới, Chiều về trên sông, Dạ lai hương, Viễn du... Hay những bài nói lên tâm trạng phẫn uất trước nội chiến, cảm khái trước thế thời như: Huyền sử ca một người mang tên Quốc.

• Trường ca: Những tác phẩm lớn khiến ông có một địa vị chắc chắn trong nền tân nhạc Việt NamCon đường cái quan, Mẹ Việt Nam, Hàn Mạc Tử, sau này là Minh họa Kiều, bản trường ca dài nhất và hoàn thành lâu nhất của ông.

• Rong ca: Gồm 10 bài sáng tác năm 1988: Người tình già trên đầu non, Hẹn em năm 2000, Mẹ năm 2000, Mộ phần thế kỷ, Ngụ ngôn mùa Xuân, Nắng chiều rực rỡ, Bài hát nghìn thu, Trăng già, Ngựa hồng, Rong khúc.

• Đạo ca: Gồm 10 bài, phổ thơ của Phạm Thiên Thư vào thập niên 1970: Pháp thân, Đại nguyện, Chàng dũng sĩ và con ngựa vàng, Quán thế âm, Một cành mai, Lời ru bú mớm nâng niu, Qua suối mây hồng, Giọt chuông cam lộ, Chắp tay hoa, Tâm xuân.

• Thiền ca: Gồm 10 bài, sáng tác vào thập niên 1980: Thinh không, Võng, Thế thôi, Không tên, Xuân, Chiều, Người tình, Răn, Thiên đàng địa ngục, Nhân quả.

• Tâm ca: Gồm 10 bài, thở than về những xáo trộn trong cuộc sống người dân miền Nam thời Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam sụp đổ: Tôi ước mơ (thơ Thích Nhất Hạnh), Để lại cho em (thơ Nguyễn Đắc Xuân), Tiếng hát to, Ngồi gần nhau, Giọt mưa trên lá, Một cành củi khô, Kẻ thù ta (ý thơ Nhất Hạnh), Ru người hấp hối, Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe, Hát với tôi. Ngoài ra còn nhiều bài khác cũng theo hướng Tâm ca như Những gì sẽ đem theo về cõi chết, Tôi còn yêu tôi cứ yêu.

• Tâm phẫn ca: Sáng tác sau Tết Mậu Thân: Tôi không phải gỗ đá, Nhân danh (thơ Tâm Hằng), Bi hài kịch (thơ Thái Luân), Đi vào quê hương (thơ Hoa Đất Nắng), Người lính trẻ, Bà mẹ phù sa... Ngoài ra còn một số bài sáng tác cho phong trào du ca.

• Tục ca, vỉa hè ca: Gồm những bài ca lời dung tục, chỉ có tác giả hát, không ca sĩ nào hát, đến nay đã thất truyền.

Bên cạnh những thể loại kể trên, còn có Tổ khúc Bầy chim bỏ xứ, Tị nạn ca nói về tâm trạng và sự khó nhọc của người ly hương; Hoàng Cầm ca phổ những bài thơ của thi sĩ Hoàng Cầm; Hương ca sáng tác khi ông về ở Việt Nam..
.
Tập nhạc Phạm Duy đầu tiên được phát hành tại miền Nam sau 1975
(Nhà xuất bản Trẻ & Công ty Văn hóa Phương Nam, 2005)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 8 – Thời mở cửa)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)  
***

17 Comments on Multiply

chackadao wrote on Aug 3, '11, edited on Aug 3, '11
Nguoi VNAm nen hoc hoi nhung xa hoi da van hoa nhu My va Phuong Tay, Van minh Phuong Tay khong phan biet ban tu dau toi, mien la co tai va cong hien cho xa hoi
eg: Von Braun And The V2 Rocket, ky su Duc Quoc xa giup My chuong trinh NASA do bo Mat trang

penseedl wrote on Aug 4, '11, edited on Aug 4, '11
Chẳng ngờ ông anh là “thợ bút” của VIR! Nguyễn Lưu đúng là đồng nghiệp đứt đuôi của anh rồi sao lại để trong ngoặc kép?
Nhạc của Phạm Duy là những tác phẩm hay và bất tử với thời gian, đã yêu thích nhạc của PD thì đừng nên chấp nhất tánh "nông nổi" của người nghệ sĩ; ví như yêu thưong một người thì phải chấp nhận hết vậy.

nguyenngocchinh wrote on Aug 4, '11
penseedl said “Nguyễn Lưu đúng là đồng nghiệp đứt đuôi của anh rồi sao lại để trong ngoặc kép?”
Sở dĩ chữ “Đồng Nghiệp” được để trong ngoặc kép vì được dùng một cách khiên cưỡng. Tôi không muốn người đọc nghĩ là... thấy người sang bắt quàng làm họ!

thahuong82 wrote on Aug 4, '11
Tôi rất thích nhạc Phạm Duy trong mọi thể lọai nhưng thích nhất là Tình Ca vì lời hay, ý đẹp trong nhạc có hơi thơ (vì nhiều bài là thơ phổ nhạc). Nhưng có lẽ vì tôi là người Á Đông nệ cổ nên tôi hòan toàn không ưa PD con người thật của ông ta:
1- Trở cờ rất nhanh
2- Đam mê nhục dục không từ.....
3- Có tiền ai "sai "gì cũng làm (phổ thơ con cóc của me Mỹ tự xưng Phật Sống).
Tóm lại với tôi PD là một con người không biết hoặc không cần biết LIÊM, SỈ là gì cả…

nguyenngocchinh wrote on Aug 4, '11, edited on Sep 15, '11
thahuong82 said “Tôi rất thích nhạc Phạm Duy trong mọi thể lọai nhưng thích nhất là Tình Ca vì lời hay,ý đẹp trong nhạc có hơi thơ (vì nhiều bài là thơ phổ nhạc) Nhưng có lẽ vì tôi là người Á Đông nệ cổ nên tôi hòan tòan không ưa PD con người thật của ông ta:1- Trở cờ rất nhanh 2-Đam mê nhục dục không từ.....3-Có tiền ai "sai "gì cũng làm (phổ thơ con cóc của me Mỹ tự xưng Phật Sống).”
Tôi nghĩ giữa tác phẩm và con người thường có một khoảng cách... phần của người thưởng ngoạn hoàn toàn có thể cân nhắc cả hai yếu tố hoặc chọn một trong hai. Hồi xưa, tôi rất sốc khi nghe những từ ngữ như 'sức mấy mà buồn', 'bỏ đi tám...' hoặc nghe scandal thuộc loại loạn luân giữa PD-KN...
Nhưng những lúc ngồi một mình hát nghêu ngao bỗng cảm thấy rung động: ... Một yêu câu hát truyện Kiều, lẳng lơ như tiếng sáo diều ơ diều làng ta, và yêu cô gái bên nhà, miệng xinh ăn nói mặm mà à mà có duyên!!! Những lúc như vậy hoàn toàn không nghĩ đến mặt trái của PD!!!

thahuong82 wrote on Aug 4, '11
Scandal PD&KN chỉ thường thôi. Lọan luân thật sự là lấy vợ của con trai mình JQ đến nổi hai đứa phải chia tay.
Anh nói đúng những bài thơ của Nguyển Tất Nhiên, của Phạm Thiên Thư v. v.. được PD phổ nhạc thì hay hết biết... thà như giọt mưa rớt trên tượng đá....ta hỏng tú tài...

linalol wrote on Sep 15, '11
thahuong82 said “Scandal PD&KN chỉ thường thôi. Lọan luân thật sự là lấy vợ của con trai mình JQ đến nổi hai đứa phải chia tay.
Anh nói đúng những bài thơ của Nguyển Tất Nhiên, của Phạm Thiên Thư v. v.. được PD phổ nhạc thì hay hết biết...thà như giọt mưa rớt trên tượng đá....ta hỏng tú tài...”
Ôi khiếp!

penseedl wrote on Aug 4, '11, edited on Aug 4, '11
Pensée rất thích nghe và hát nhạc Phạm Duy.

huynhhai wrote on Aug 4, '11, edited on Aug 6, '11
Nhứng người thuộc lớp tuổi như ông Nguyễn Lưu được sinh ra trong lòng "hậu phương lớn miền Bắc", được giáo dục "dưới mái trường Xã hội Chủ nghĩa". Đặc điểm chung của lớp người nầy là kiến thức nửa vời, lối suy nghĩ đầy định kiến, dù họ được học hành đàng hoàng và được cho là "trí thức XHCN". Thêm vào đó, họ còn một đặc điểm nữa là kiêu ngạo cách mạng hoặc "kiêu ngạo cộng sản". Đối với họ chỉ có cách mạng vô sản và người cộng sản mới đáng kể, mới là "đỉnh cao trí tuệ của loài người".
Sau 30/4/1975, ai đã tiếp xúc với lớp người đó mới từ miền Bắc vào đều dễ dàng nhận thấy mấy đặc điểm vừa nêu. Lỗi không phải hoàn toàn do họ mà do chính hệ thống và nội dung giáo dục nhồi nhét, tuyên truyền, bưng bít, bóp méo sự thật hoặc thậm chí nói dóc (như chuyện Lê Văn Tám...) để phục vụ nhu cầu chính trị của miền Bắc (giống như Bắc Hàn hiện nay).
Với thời gian và qua trải nghiệm tự thân, cũng như được đi đây đi đó để mở rộng tầm nhìn, họ dần chuyển biến. Một số ít chân thật tự nhận "hồi ấy mình ấu trĩ thật". Một số khác âm thầm "sửa sai", cố phấn đấu hoặc đấu đá nhau để ngoi lên chức vụ cao, hoặc lao vào thương trường để kiếm lợi trong nền kinh tế "theo định hướng XHCN", dù họ không hề biết XHCN đang ở đâu và như thế nào, v.v....
Bài viết với nhiều sai lầm của Nguyễn Lưu một phần là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục nhiều khuyết tật, một chiều. Điều đáng nói thêm là Ban biên tập của báo Đầu Tư, những người có trách nhiệm đọc, duyệt trước khi cho in, họ cũng là hệ quả của nền giáo dục ấy sao?

nguyenngocchinh wrote on Aug 4, '11
huynhhai said “Bài viết với nhiều sai lầm của Nguyễn Lưu một phần là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục khiếm khuyết, một chiều.”
Tôi hoàn toàn đồng ý với những nhận xét của anh. Cũng vì thế tôi đã dùng chữ “đồng nghiệp” trong ngoặc kép...

thahuong82 wrote on Aug 4, '11
Nhưng theo thiển ý của tui dù là đồng nghiệp nhưng chưa hẳn là đồng chí. Tui ví dụ thuở Sinh Viên (trước 75) nhiều người là đồng môn với SV Huỳnh Tấn Mẩm (SG) hay SV Hòang Phủ Ngọc Phan, SV Nguyễn Đắc Xuân (Huế) đồng nghiệp Luật Sư, đồng tước phẩm. Linh Mục.. (không tiện nêu tên nhưng chắc ai cũng biết) nhưng mổi người có một chí hướng riêng chưa hẳn là đồng chí với nhau.

130353 wrote on Aug 4, '11
tôi thích nhạc PHẠM DUY nhưng có lẽ vì những bài báo chỉ trích ông về đời tư trước năm 75, và cuộc trở về của ông; tôi không thích ông. Tuy nhiên đọc bài này ,tôi không biết NGUYỄN LƯU là ai nhưng xem ra anh này rất hồ đồ và vị kỷ.

trieudong wrote on Aug 13, '11
Kính gởi anh Chính,
Tôi không thấu hiểu nổi cảm xúc và nguyên nhân của anh khi cất công copy và paste bài viết ... cực kỳ tào lao nhảm nhí của... bậc sĩ phu - nghệ sĩ - thể tháo gia (sic!) Nguyễn Lưu.
Thưa anh, lời lẽ bần cố nông của Đ/c cu tí Nguyễn Lưu có xi nhê gì so với những lời chua chát - đắng đót - xót xa này của NS Phạm Tuyên, con giai cụ Phạm Quỳnh:
"Bởi lẽ tìm tòi trong âm nhạc của Phạm Duy cũng chỉ có hạn thôi, trong khi đó tìm tòi về mặt sáng tạo âm nhạc trong nước ta có rất nhiều tài năng, nhiều khả năng. Ngay vấn đề đem âm nhạc phục vụ cho sự nghiệp cách mạng thì làm thế nào mà so sánh nổi với Văn Cao hay bất cứ một nhạc sỹ nào tham gia cách mạng."
(http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/nhanvat/2009/5/52937.cand)
Thôi thì:
"....Hai mươi năm nội chiến từng ngày. Gia tài của mẹ, để lại cho con. Gia tài của mẹ, là nước Việt buồn ..."
Trịnh Công Sơn, Gia tài của Mẹ.
Chúc anh khoẻ, và đang mong được đọc Thời Mở Lòng của anh...

andropause wrote on Aug 15, '11
Một lần nữa kiến thức của em lại được tăng thêm qua bài viết của anh. Phần lý luận "tiếng ta còn nước ta còn" của 'đồng chí' Nguyễn Lưu đọc không thể hiểu nổi!!! Viết cho có thì viết làm gì cho nhục!

nguyenngocchinh wrote on Sep 6, '11, edited on Sep 6, '11
Tôi vừa nhận được email của một anh bạn thân từ Little Saigon comment về bài viết này. Theo anh, đây là entry “ẹ nhất'”trong Hồi Ức Một Đời Người. Xin cám ơn về những... "lời chê" rất chân tình của một người bạn.

Dưới đây xin trích nguyên văn một vài đoạn mail của Người Bolsa:

"... Ng Lưu là môt văn nô vô danh tiểu tốt, không đáng biết. Phạm Duy (cũng như Ng Cao Kỳ) là một đống phân khô, cứ để yên thì còn khả trợ, chứ chọc vào hay đụng đến là thối hoăng xóm giềng. Tóm lại chẳng cần nói đến. Phí giấy, Rác tai.

"Đã thế nhìn PD hể hả khoe hộ khẩu mới lộn ruột làm sao.
Cầm vàng có thể đánh rơi,
Có tên hộ khẫu đời đời ấm no.

"...Trong những bài văn của NN Chính, tôi e rằng đây là bài ẹ nhất, làm suy giảm thương hiệu NNC mạnh mẽ và xâu sắc đã tạo dựng được lâu nay. Qua bài này, Chính hình như thiếu dứt khoát, bênh PD thì xem có vẻ nửa bênh nửa không, còn chỉnh NL thì cũng có vẻ tay đánh tay đỡ."

thahuong82 wrote on Aug 7, '11
Người Bolsa có nhận xét rất chí lý, sâu sắc tui ''nhất trí" 100%, đồng ý thiệt tình chứ không phải các kiểu nhất trí ở xứ VN ta ngày nay......!

kennytran wrote on Sep 10, '11
Nhac PD co bai hay bai do, con nhan cach PD thi do hoan toan, PD la mot loai con buon van nghe re tien.








3 nhận xét:

  1. Đọc lại thì càng không thích con người của Phạm Duy. Còn những gì ông Nguyễn Lưu viết, một phần là sản phẩm của giáo dục!

    Trả lờiXóa
  2. Xin lỗi cần viết rõ hơn, đây là một phần sản phẩm của giáo dục lập trường XHCN.

    Trả lờiXóa
  3. Chào anh Nguyễn Ngọc Chính, em cũng là người đã làm báo Đầu tư, đi khỏi Đầu tư năm 2003. Cuộc đánh nhau ở báo Đầu tư giữa ông Trí Dũng và ông Tuấn khiến em thấy ghê tởm và ra đi. Với Nguyễn Lưu, anh viết về hắn làm gì cho phí bút đi, anh viết về hắn thì đúng là làm cho hắn sang lên rồi. Gia đình Nguyễn Xiển và Hoàng Minh Giám là hai gia đình rất thân thiện, cho đến đời con. Đùng một cái, Nguyễn Lưu viết bài về ông Giám, khiến cho mọi người nghĩ là họ chắc có hận thù gì. Nói Nguyễn Lưu là sản phẩm nền giáo dục XHCN cũng không đúng. Chúng ta không thể chọn chế độ và thời gian được sinh ra, nhưng có thể chọn tư tưởng và nhân cách. Nguyễn Lưu là loại không có nhân cách, nói gì tư tưởng. Dĩ nhiên có thể phản đối việc tôn sùng Phạm Duy, nhưng cách phản đối đó là đặc trưng Nguyễn Lưu, viết về nhân vật nào cũng ném phân vào họ. Em đã thôi làm báo.

    Trả lờiXóa

Popular posts