Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Chuyện xung quanh ông Nguyễn Cao Kỳ

Entry này rất đặc biệt vì những lý do sau:

Thứ nhất, những gì đăng trong bài này là của Trịnh Hội, chồng cũ của MC Kỳ Duyên, con gái của ông Nguyễn Cao Kỳ. Bài viết được trích từ Blog Trịnh Hội trên VOA.

Thứ nhì, bài viết tiếp theo là cảm nghĩ của “Dân Quèn Bolsa” sau khi đọc bài của Trịnh Hội. Lẽ ra bài này phải đăng trong phần comment trên blog Trịnh Hội nhưng tác giả cho biết vì quá dài nên không post được. Cũng vì vậy, “Dân Quèn Bolsa” gửi bài cho chủ blog Hồi Ức Một Đời Người.

Thứ ba, chủ blog, NNC, chỉ có nhiệm vụ copy-and-paste hai bài viết. Hình ảnh đi kèm trong entry này do chủ blog sưu tầm cho thêm phần sống động.

***

Phần 1: Nguyên văn bài viết của Trịnh Hội

Bố Kỳ

Trịnh Hội

Bố mất rạng sáng Thứ Bảy ngày 23 tháng 9 năm 2011 Dương Lịch. Đến Thứ Bảy ngày 10 tháng 9 là đúng 7 tuần, cũng là ngày lễ cầu siêu 49 ngày kể từ ngày bố mất.

Tôi không có mặt ở Cali để tham dự ngày lễ này cùng với gia đình của bố.

Nhưng hôm nay trong một đêm trăng sáng tròn ở Manila khi mưa vừa tạnh, ngay trong giây phút này, tôi đang nghĩ về bố.

Tôi không biết tụng kinh. Ít khi đi cúng dường. Lại chưa học được cách ngồi thiền sao cho đúng nghĩa. Tôi chỉ biết và thích dùng chữ để trải lòng mình. Vì vậy tôi viết bài blog này xem như là một lời chia xẻ với bố trước khi bố thật sự đi về cõi vĩnh hằng. Vì hình như theo Phật giáo hôm nay mới đúng là ngày bố sẽ mãi ra đi, không còn chi để quấn quít với những người còn ở lại. Với cõi đời này vốn cũng chỉ là cõi vô thường.

Thấy đó rồi mất đó. Có làm đến thủ tướng như bố trước đây hay chỉ là một người tỵ nạn Somali nghèo không có được một bữa ăn no trong thời đại này, thì cuối cùng rồi ai cũng sẽ như ai. Tất cả sẽ phải trở về với cát bụi. Có còn lại chăng là những kỷ niệm êm đẹp của một thời. Và những tình cảm mà chúng ta, giữa người và người, có thể dành cho nhau.

Hôm nay tôi cũng muốn viết đôi dòng cho những ai chưa hiểu rõ về bố. Chưa có dịp gần gũi bố như tôi đã từng có dịp lúc còn là con rể của bố. Tuy rằng quãng thời gian đó cũng khá ngắn ngủi chỉ có 4 năm. Và điều đầu tiên mà tôi cần phải thú nhận là lúc còn sống, tôi chưa bao giờ là thằng con rể được bố yêu chuộng. Điều này hoàn toàn trái ngược đối với người con gái út của bố mà lúc nào ông cũng cảm thấy hãnh diện, luôn sẵn sàng chiều chuộng, mở lòng.

Mà điều này cũng phải thôi. Vì tôi và bố ít khi đồng ý về những vấn đề liên quan đến chính trị. Ở thế giới bên ngoài hay liên quan đến hai chữ Việt Nam.

Tôi cũng nghĩ ông hay bất cứ một người cha nào cũng đều cho là không có một ai đáng xứng, đủ tài để lấy con gái họ. Nhất là một người con gái như đứa con gái út ‘rượu’ của ông.

Hình như giữa ông và tôi không có điều gì giống nhau ngoại trừ tình yêu mà cả hai đã dành cho một người.

Nguyễn Cao Kỳ (người thứ 3 trừ trái sang, hàng phía trước)
trong khóa huấn luyện phi công VN tại Avord, Pháp.

Bố lên làm tướng lúc ba mẹ tôi vẫn còn đi học. Ông lên làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp, Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa để rồi trở về làm thường dân khi tôi vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Vì vậy hôm nay tôi không muốn bàn nhiều gì về bố trong những vai trò này.

Đã có quá nhiều người nói về bố, viết về bố và tôi thì lại không biết rõ về quãng thời gian đầy sóng gió này để đánh giá, nhận định.

Tôi nghĩ đối với bất cứ trường hợp nào chính chúng ta phải sống và phải trải qua những kinh nghiệm của người mà chúng ta muốn phê phán, chúng ta phải bước qua những khổ đau của họ, phải biết khóc cười với thân phận của chính họ từ lúc họ mới ra đời cho đến ngày họ trưởng thành, thấy những gì chỉ có họ đã thấy, nghe những câu chuyện chỉ có họ được nghe, chỉ đến khi ấy tôi nghĩ họa chăng chúng ta mới có thể hiểu được tại sao và trong hoàn cảnh nào họ đã chọn con đường mà họ đã chọn, xử sự theo cách mà chỉ có họ mới có đủ thẩm quyền để quyết định cho riêng họ.

Còn không thì tất cả chỉ là đoán… mò.

Nhất là đối với những nhân vật nổi tiếng đầy quyền lực lúc còn rất trẻ như bố.

Đám cưới Nguyễn Cao Kỳ & Đặng Thị Tuyết Mai năm 1964

Tôi vẫn còn nhớ cách đây độ vài năm khi vẫn còn là con rể của bố, mỗi khi gặp, ông vẫn nhìn tôi miệng tủm tỉm cười bảo rằng ‘lúc tôi bằng tuổi anh thì tôi đã có đến 6 người con đấy nhé’.

Vậy là sao? Ý bố nói vậy là thế nào? Là tôi coi vậy chứ không… sung bằng ông à?

Thì ra ít ai biết được bố có cái máu tếu 24/7. Hai mươi bốn tiếng mỗi ngày, bảy ngày một tuần, lúc nào ông cũng có thể tếu. Trong tiếng Anh chúng ta thường gọi là ‘having a sense of homour’. Nhưng phải là loại tếu châm biếm chúng ta chỉ thường thấy có ở những người gốc Bắc cơ, những người đã từng lắm trải, lên voi xuống chó, thỉnh thoảng cứ bị đời cho quay vài vòng. Họ thật sự có biệt tài chọc cười thiên hạ. Không phải ngẫu nhiên mà đứa con gái út của bố được thành danh qua nghề MC trong suốt hai thập niên qua.

Bên giới nghệ sĩ nổi tiếng còn có Bằng Kiều và Thu Phương. Chỉ cần ngồi bên cạnh hai anh chị nghe họ kể chuyện trên trời dưới đất thôi nhưng với cái tính tếu cố hữu, cách chọc cười rất châm biếm của họ, bảo đảm bạn sẽ cười lộn ruột. Không hay không ăn tiền.

Đó là lý do tại sao tôi có thể chết mê chết mệt vì họ. Và đó cũng là điều đầu tiên tôi nhớ mỗi khi nghĩ về ông.

Nguyễn Cao Kỳ (1966)

Lần đầu tôi gặp bố là ở nhà của ông ở Nam Cali cách đây khoảng 7, 8 năm về trước. Hôm ấy tôi đến để xin ông cho tôi lấy con gái của ông theo đúng như thông lệ bên Tây phương. Đại khái tôi nói thế này:

‘Thưa bác, hôm nay con qua đây để xin bác cho con lấy Duyên làm vợ và cho con gọi bố là bố’. Vừa nói tôi vừa nhìn thẳng vào mắt ông (nhưng tim bên trong lúc ấy nó đang đập lộn xà ngầu).

Ông nhìn lại tôi nhưng chỉ vài giây thôi sau đó chẳng nói chẳng rằng và không thèm đếm xỉa gì đến lời cầu xin rất thành thật (nhưng nghĩ lại thấy có phần nào hơi quá thẳng thắn của một thằng người Nam lớn lên ở Úc như tôi!), ông quay sang mặt rất tỉnh, cười bảo với các bác bên nhóm Không Quân cũng là chiến hữu ngày xưa của bố đang ngồi cùng bàn:

‘Cái thằng này ngày xưa mà nó hỏi tôi như thế này thì tôi cho đem ra bắn ngay lập tức!’.

Vừa nghe xong câu phán này, ý tưởng đầu tiên lóe lên trong đầu của tôi (nhưng chẳng dám nói ra) là:

‘Cũng may bây giờ mình đã ở Mỹ và ông không còn làm tướng!’.

Nhưng mọi người nghe ông nói đến đấy thì bật cười. Riêng tôi thì, vì đấy là lần đầu tiên gặp phải cảnh trái ngang như thế này, chẳng biết phải làm gì cho đúng phép. Thế là tôi chỉ biết ngồi đực mặt ra, cười không nổi, nói cũng không xong.

Có lẽ nhìn thấy cái bộ mặt tiu nghỉu của tôi lúc ấy ông cảm thấy… tội nên ngay sau đó ông từ tốn dịu dàng bảo rằng:

‘Tôi chỉ đùa với anh thế thôi. Chứ các anh chị đã lớn cả rồi, đã quyết định hết rồi, cần gì phải hỏi ý kiến của tôi. Nếu hai đứa cảm thấy thương nhau đủ để làm vợ chồng thì cứ thế mà làm. Ở cái xứ Mỹ này nếu như tôi có phản đối thì anh chị cũng có nghe tôi đâu’.

À. Thì ra là vậy. Dạ con cảm ơn bác. Vừa nói tôi vừa cố tìm đường chuồn đi chổ khác. Kẻo ông thay đổi ý kiến kêu mấy bác đem súng ra bắn thì tôi chỉ có biết có nước phải khóc năn nỉ cho con rút lại lời xin!

Nguyễn Cao Kỳ Duyên & Trịnh Hội

Điều thứ hai mà mỗi lần tôi gặp ông cùng với những chiến hữu, bạn bè trong quân đội của ông đều làm cho tôi rất ngạc nhiên đó là sự tôn trọng và thương mến của họ dành cho ông. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên tôi gặp bố với chú Lý Huỳnh là người cận vệ thân thiết ngày xưa của bố. Đi đâu chú cũng mở cửa cho bố, tuy gặp bố hầu như mỗi ngày lúc bố (và cả tôi) còn ở Việt Nam cách đây 3 năm, nhưng câu nói đầu tiên khi chú gặp bố luôn là: ‘Xin chào Thiếu Tướng’. Vừa nói chú vừa đứng thẳng lưng, mắt nhìn bố, tay đưa lên chào. Cứ y như là trong phim. Thoạt đầu tôi cứ nghĩ ‘có cần phải trang trọng dữ vậy không ta’?

Nhưng về sau này khi tôi có dịp hàn huyên, tâm sự với chú cùng với những anh em chiến hữu của bố trong Không Quân ngày xưa thì tôi mới biết là có những thứ tình cảm quyến luyến sâu đậm đặc biệt, những kỷ niệm vào sinh ra tử, sống chết có nhau mà tôi, lớn lên trong hòa bình, sẽ không thể hiểu và không bao giờ có được.

Họ thật sự là anh em có thể chết vì nhau. Chú Lý Huỳnh bảo chú vẫn còn nhớ có lần bố bị Cộng sản cho người ám sát, bom nổ ngay bên người bố. Đến lúc ấy chú chỉ biết là chú phải đẩy bố nằm xuống đất còn chú thì dùng chính thân của mình nằm sấp lên người bố. Để che chở cho bố. Mặc dù lúc đó chú đã có vợ con.

‘Nhưng mình phải bảo vệ cho ông thôi con ạ. Tại vì ông lúc nào cũng hết tình, hết nghĩa với mấy chú. Ngay cả khi ông lên làm Thủ Tướng’. Chú Lý Huỳnh vẫn thường nói với tôi như vậy.

Gặp chú hôm tiễn bố ra nhà hỏa táng ở Kuala Lumpur, Malaysia, tôi thấy chú buồn quá nên cũng không dám nói nhiều.

Nhưng hôm nay tôi muốn nói với chú là cảm ơn chú đã cho con thấy một khía cạnh khác trong cuộc sống, của tình chiến hữu ngày nào giữa chú và bố và thế nào mới là phải sống cho đúng đạo làm người, có tình có nghĩa. Vì về sau này bố không có gì cả và chú mới là người có rất nhiều. Sự nghiệp, tiếng tăm, tiền bạc. Chú không cần gì ở nơi bố.

Thế vậy mà chú vẫn một mực thương kính bố. Điều này có lẽ nói lên một phần nào con người của bố lúc còn sinh thời, lúc trong tay bố nắm toàn quyền sinh sát.

Nguyễn Cao Kỳ (Biên Hòa, 1967)

Dĩ nhiên tôi cũng thừa biết là lúc bố còn sống những hành động và lời nói của ông đã làm khá nhiều người phật lòng, đặc biệt là các bác, các chú ở thế hệ của bố hoặc nhỏ hơn bố vài tuổi. Nhất là ở hải ngoại.

Thành tâm mà nói chính tôi đây là con rể của bố, thấy và hiểu về bố hơn một số người vậy mà đôi khi tôi vẫn còn hơi bị… dị ứng với những lời phát biểu quá trực tính của bố.

Nhiều khi tôi thấy những lời nói của bố cứ y như là của một ông tướng đang ở chiến trường, đang ra lệnh cho toàn quân phải đánh cho thắng. Chứ đó không phải là lời phát biểu có ý tứ, đắn đo của một nhà chính trị gia đầy kinh nghiệm như tổng thống Obama!

Ngược lại tôi thật sự khâm phục cái Dũng ở nơi bố. Đó là ông dám làm, dám nói.

Không bàn về những gì bố đã làm trước khi tôi ra đời. Cũng chưa hẳn tôi đồng ý với tất cả những hành động, lời phát biểu của ông kể từ ngày ông quyết định quay về lại Việt Nam. Nhưng điều mà tôi sẽ luôn nhớ về ông đó là ông rất tin tưởng những gì ông đang làm. Và ông sẽ làm, mặc dù ông có thể mất tất cả.

Nhất là khi nó liên quan đến vận mệnh của đất nước Việt Nam.

Tôi có thể không đồng ý về con đường ông đã chọn. Nhiều người cũng có thể cho rằng con đường ông đã chọn không phải là con đường ngắn nhất và hữu hiệu nhất có thể mang lại tự do và dân chủ cho người dân xứ Việt.

Nhưng chắc chắn một điều, đối với bố, Việt Nam là trên hết, tương lai của đất nước là điều tối ưu nhất. Chứ không phải là tiền bạc mà khi chết bố không có một xu. Không phải quyền uy mà bố đã có đó, rồi mất đó. Cũng không phải là danh vọng mà nếu như bố chịu an phận tiếp tục ở Mỹ để hưởng tuổi già thì có lẽ trong ngày lễ cầu siêu trong đêm hôm nay, gia đình bố đã không gặp phải cảnh cổng chùa Cali đã khép.

Nguyễn Cao Kỳ & Phó tổng thống Hoa Kỳ Spiro Agnew
(Tháng 1/1970)

Nhưng mà thôi bố ạ. Nghĩa đã tử thật đúng là nghĩa đã tận. Bố đã dám bỏ những dị biệt cá nhân để bắt tay với kẻ thù, những người đã nhiều lần chủ mưu giết bố.

Bố cũng đã bỏ bên ngoài tai những lời nói bàn ra tán vào về mục đích và dụng ý của bố trong những năm tháng cuối đời. Để bố có thể nói lên một phần nào về sự lo ngại đặc biệt của bố về tương lai của đất nước trước hiểm họa từ phương Bắc. Với những người đang đứng ở thế của bố gần nữa thế kỷ trước đây.

Vì vậy con biết rằng bố sẽ bỏ qua tất cả, sẽ tha thứ tất cả. Để kể từ hôm nay bố sẽ mãi ra đi trong thanh thản như cách đây đúng 49 ngày lúc bố trút hơi thở cuối cùng trong giấc ngủ, không đau đớn, không bệnh tật.

Con cũng biết là trong một ngày không xa con sẽ gặp lại bố. Để báo cho bố biết là đất nước Việt Nam của mình, nơi mà bố yêu quý nhất, luôn quan tâm về nó nhất, hơn cả gia đình, hơn cả những người con của bố, là cuối cùng nó cũng đã được giải phóng theo đúng nghĩa của nó, người dân thật sự được làm chủ như điều mà bố luôn mơ ước.

Khi ấy con mong là bố vẫn sẽ cho con gọi bố là bố. Vì ‘nhất tự vi sư, bán tự vi sư’.

Một ngày là bố, mãi mãi sẽ là bố.

Được không bố?

Nguyễn Cao Kỳ hội ngộ Đặng Tuyết Mai (di tản trước khi Sài Gòn sụp đổ vài ngày). 
Hình chụp ngày 23/5/1975 tại Phi trường Dulles sau 18 ngày ở trại tỵ nạn Pendleton, Califonia.

***

Phần 2: Comment của “Dân Quèn Bolsa” về bài viết có nhan đề ‘Bố Kỳ’ trên blog Trịnh Hội

Xin lỗi Trịnh Hội nha!

Tôi vẫn thích đọc blog TH vì khả năng diễn đạt giản dị, rõ ràng của anh, cũng như tài nhận xét sự việc sắc bén và tinh tế. Tuy nhiên hôm nay xem bài Bố Kỳ, thần tượng TH của tôi đã đổ vỡ gần hết. Chỉ còn lại một đặc tính tử tế, nhân nghĩa của anh là còn nguyên vẹn. Thôi thì nhân vô thập toàn, cứ xem như tôi lại có cơ hội mở mắt ra.

Điều thứ nhất, bố Kỳ là bố của anh (TH), của con cái ông ta chứ đối với bàn dân thiên hạ thì chắc là không phải. Khi đọc đề tựa ‘Bố Kỳ’ của anh, tôi thấy anh láo lắm. Tôi chưa hề nghĩ anh có tính nết này. Anh dạo này hay ca tụng Bắc Kỳ và cũng bắt đầu nhiễm được nhiều tính cách của người Bắc rồi đấy. Tôi cũng là người Bắc, Bắc rặc. Vợ cũng Bắc. Nhưng nói thật với anh khi có ai nhận xét về tôi bằng những cụm từ: hình như là người Bắc, giống người Bắc, y như người Bắc, đúng là người Bắc có khác, thì tôi khựng ngay. Vì không biết mình đã làm gì, nói gì không tử tế hoặc kém thành thật đến nỗi người ta phải nói thế.

Anh Hội à, vậy thì anh cho xin cái từ ‘Bố Kỳ’ đi nhá. Nếu cần một nhân xưng từ khác để thay vào từ bố, thì đó là việc của anh. Ở Nam Cali tôi thấy người ta ít nói đến bố anh, nhưng khi nói đến người ta lại dùng những đại danh từ nếu tôi nói ra chắc anh sẽ buồn lắm. Vì thế anh cho phép tôi miễn nói. Giữa anh và tôi từ đây mình cứ đồng ý với nhau gọi ông ấy là “ổng” nhá. Đằng nào thì ổng cũng ngủm rồi, hay là như anh nói, thấy đó rồi mất đó.

Tôi hay thắc mắc tại sao người ta lại ít nói đến ổng. Nhiều người giải thích nhiều cách. Có người nói: trong cộng đồng người Việt, ông Kỳ tựa như một đống phân khô. Để yên, tức là đừng nói đến, thì còn đỡ, còn chịu nổi. Chứ khều đến, khơi ra, tức là nói đến, thì thối lắm, không chịu nổi.

Có người lại nói ổng như một người đàn bà làm gái. Làng trên xóm dưới đều biết. Bà con họ hàng gặp nhau mà nhắc đến ổng chỉ làm xấu hổ nhau. Mất vui. Cho nên không nhắc gì đến là hay nhất.

Anh Hội nghĩ sao? Có bao giờ anh tự hỏi sao bố anh tiếng tăm lừng lẫy quyền cao chức trọng thế mà lại ít được nhắc nhở đến?

Nguyễn Cao Kỳ &
Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Thanh Hải (tháng 7/2005)

Anh nói ông Kỳ có ‘sense of humour’, tiếng ta có nghĩa là có tính khôi hài. Anh không nói sense of humour của ông có good hay không, nhưng tôi cũng xin coi là good đi (dù sao ông cũng ngủm rồi). Và như vậy thì đây chắc là tính cách độc nhất mà ông có. Vì ngoài tính này ra, suốt cả cuộc đời và suốt cả sự nghiệp của ổng tôi chẳng thấy có người nào đáng tin cậy cho biết ổng có một tính tốt nào khác.

Và những đơn cử của anh về sự trung thành tận tụy của những kẻ hầu cận quanh ổng để chứng minh cho tình yêu dân, yêu nước của ổng thì tôi bó tay. Mấy thắng ma cô trong xóm đĩ vẫn có những tay đàn em sẵn sàng thí mạng vì ‘đại ca’. Những nguời ăn theo gần ổng anh gặp, anh chứng kiến nhằm nhò gì? Hẳn anh biết chuyện năm 1978 có 913 người Mỹ chết vì uống nước Kool-Aid pha thuốc độc ở Guyana (Nam Mỹ) theo lệnh lãnh tụ Jim Jones? Tôi hỏi anh, nếu bố anh mà ra lệnh như thế thì trừ anh ra được bao người tuân lệnh? Và Jim Jones có phải là một anh hùng của anh hoặc của ai không?

Anh Hội à, anh còn trẻ lắm. Có nghĩa là anh không phải sống qua quãng đời ê chề như chúng tôi ở VN trước đây với những lãnh tụ như ông Kỳ. Anh không hiểu được đâu.

Tôi đã nói anh là người nhân nghĩa. Tôi tin rằng anh có ý tốt khi viết về ổng. Anh nghĩ người ta không hiểu hoặc hiểu lầm ổng nên anh muốn đưa ra những giai thoại nho nhỏ để hóa giải dư luận. Chúng tôi cả đời theo ổng rồi, điêu đứng tủi hổ vì ông mà không biết sao? Còn anh thì cao lắm gặp ổng chục lần ngắn gọn trong nhiệm kỳ phò mã 4 năm lại biết hơn chúng tôi? Không lẽ anh lại nông cạn và tự phụ đến thế sao?

Ý định của anh chắc là cao quý. Tiếc thay anh càng biện luận tôi càng thấy anh ngụy biện. Anh càng binh ổng tôi càng thấy hổ thẹn vì ngày xưa đã có 1 lãnh tụ như ổng. Cứ y như là anh chọc c.. ra rồi bắt chúng tôi ngửi. Tôi khuyên anh, chuyện này không được đâu. Đừng đem thương hiệu TH tốt đẹp của anh đi làm chuyện ruồi bu.

Anh nói Thu Phuơng và Bằng Kiều có tính tếu, tôi tin anh ngay. Và anh nói ông Kỳ có tính tếu tôi cũng tin ngay. Mặc dù nhận xét và kết luận của anh hình như không giống ai. Bố vợ nói với con rể tương lai “lúc tôi bằng tuổi anh thì tôi đã có đến 6 con rồi đấy nhé” là một câu nói nham nhở chứ tếu chỗ nào? Hay là sense of hunor của anh và ổng cao siêu quá người phàm như tôi không ngộ được? Thật tội nghiệp, Thu Phương và Bằng Kiều bây giờ bị TH sắp chung hàng ngũ với ‘Bố Kỳ’.

Mở mồm ra là đòi bắn đòi giết người ta, như vậy là quân mất dậy chứ sao bảo là người ‘trực tính’? Có người thì bảo thế là đầu gấu, du côn, ối giào đủ thứ từ. Người Bắc hay lắm cơ anh Hội. Họ có rất nhiều từ để diễn tả tính cách này. Tôi cũng chẳng hiểu vì sao. Có thể ông bố con Giời con Phật của anh lúc còn sống chắc biết.

Tôi khâm phục tính nhân nghĩa của anh lắm. “Không phải ngẫu nhiên mà con gái út của bố được thành danh qua nghề MC trong suốt hai thập niên qua”. Xin lỗi anh, tôi nghĩ tâm thần anh chắc có vấn đề rồi đó. Người Bắc có câu ‘vô duyên chưa nói đã cười’. Mà lại cười hô hố nữa mới ghê. Có nhiều quyển tự điển VN mở tra cứu từ ‘vô duyên’ là thấy ngay hình MC đại tài của anh mà không cần thêm 1 lời định nghĩa nào. Xin lỗi cả anh lẫn MC đại tài của anh, không có ông Nguyễn Ngọc Ngạn thì MC đại tài của anh sẽ ra sao, sẽ làm được gì. Mới nghĩ tới đó là ớn chè đậu rồi không dám nghĩ tiếp. Khiếp! Giời ạ!

Anh Hội ơi, tôi đã có lần gặp anh ngoài đời và thật tâm mến mộ anh. Tôi lại là một fan trung thành của blog TH. Anh Hội ơi, xin anh tha cho tôi. Viết gì cũng được, nhưng đừng viết về cha con ổng nữa.

Những bài blog của anh đa số thật hay. Hay nhất là cái tự nhiên của nó. Hay nhất là anh nói thong thả, khoan thai, dẫn giải người đọc từng bước một thật là tuyệt vời. Văn vẻ giản dị chân phương như người miền Tây. Thầy tôi dậy ‘viết tức là đọc lại’. Có xuôi tai mình thì mới xuôi tai người. Thế cho nên anh thử đọc lại bài Bố Kỳ này của anh xem. Nó gượng gạo thế nào ấy. Nó thiếu tự nhiên, tư tưởng thì nhảy lung tung, lập luận không vũng chắc, thiếu tự tin, nói nhưng lại sợ người ta nghe. Dẫn chứng thì ngây ngô như trẻ con. Ngay cả giọng văn cũng lai lai kiểu Bắc Kỳ sáo rỗng.

Những bài blog của anh thường đầy tính thuyết phục vì anh không phải chứng tỏ gì cả. Bài viết Bố Kỳ của anh thì không vậy. Hình như anh đang cố gắng chứng tỏ 1 cái gì đó nên kết cuộc lại đâm ra phản cảm. Chẳng thuyết phục được ai. Nghe cứ như Trịnh Hội đang nói chuyện chỉ vì đã được bấm nút. Có phải chính anh cũng đang tự thuyết phục mình điều gì chăng? Hay anh muốn chứng tỏ ta là người quân tử, vẫn sẵn sàng ra tay cứu bồ ‘người xưa’?

Anh Hội này, anh giỏi thật và đã làm được nhiều chuyện tay không bắt cướp. Cứ nghĩ đến chuyện 1500 người tị nạn kẹt ở Phi năm xưa là thương anh liền [*]. Nhưng sức người có hạn, có những chuyện anh chẳng biết gì và chẳng làm được gì đâu. Đừng cho bọn ‘sao zỏm’ mượn thương hiệu TH của anh để khai thác cái xác chưa chết đã thối đó. Hết phim này càng sớm càng tốt nha anh Hội.

Vẫn mến mộ anh như ngày nào.

Dân Quèn Bolsa 09-28-11

===

[*]: Chú thích của NNC: xem thêm về những hoạt động giúp đỡ người Việt vượt biên đến Phi Luật Tân của luật sư Trịnh Hội qua bài viết “Phi Luật Tân thời hậu SARS” tại: http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/10/phi-luat-tan-thoi-hau-sars.html.

***

5 Comments on Multiply

hongdwc wrote on Oct 1, '11
Ừ, cái ông còm này nói hết ý mình rồi. Mình thì không từng làm lính cho ông Kỳ, nên cũng xin miễn bàn về tư cách ổng. TH đã nhắc đến, blog này đã post lên, mình đã đọc, thế thì đành ghi ở đây cảm nghĩ thực của mình về ông ấy. Chỉ đơn giản thế này: những việc làm của ổng những ngày cuối đời sao mình thấy nó giống kiểu đi "dạy đĩ vén váy" vậy.

tinhmac wrote on Oct 1, '11
Cũng may Nguyễn cao Kỳ không bắn TH lúc đến nhà cầu hôn con gái của ổng…

kennytran wrote on Oct 2, '11
Nhat tu vi su ban tu vi su.
Cau nay ma TH cho la “Mot ngay lam bo mai mai la bo” dung la bo lao.
Vay thi mot ngay lam chong KD tai sao den nam thu 5 khong con lam chong, viet mot cau van de chung viet mot cau van de chung to su vo duyen, vo ly lan ... voi su ngu dot khinh bi ban than minh - nguoi do la TH.

thahuong82 wrote on Oct 2, '11
@Dân Quèn Bolsa, viết quá hay hết ý chẳng có gì để nói nửa, xét cho cùng anh chàng TH cũng muốn "chơi đẹp" với bố vợ và vợ củ NCKD, nhưng anh ta còn quá trẻ để hiểu những gì NCK đã làm trong quá khứ cũng như ổng từng làm khi đã là thằng tỵ nạn. TH nên tham khảo 2 nhân vật Không Quân Trường Sơn Lê Xuân Nhị và Lý Tống để "đả thông tư tưởng"

huynhhai wrote on Oct 2, '11
Cái rắc rối trong đời của Tướng Kỳ là vì ông ngồi không đúng chỗ. Nếu ông chỉ là một phi đoàn trưởng hoặc cao hơn, một tư lệnh không quân, ông có nhiều tố chất, khả năng để có thể trở thành một anh hùng. Đằng này ông lại (bị hoặc được) đi vào con đường chính trị trong thời đoạn dầu sôi lửa bỏng của cuộc chiến VN.
Trước năm 1975, ông đã có những lời nói đi trước ý nghĩ gây ra những scandal mà những đối thủ, kẻ thù của ông đã tận tình khai thác để "đập" lại ông và cái đất nước ông là thành viên trong ban lãnh đạo. Tướng Westmoreland, đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Bunker, nhận xét ông Kỳ là người bốc đồng, nói và làm thường thiếu suy xét.
Sau năm 1975, ông vẫn không thay đổi. Khi quay lại VN, ông đã có những phát biểu (với giọng nói mất bình tĩnh) miệt thị về những chiến hữu cũ của ông và đã gây ra một làn sóng phản đối dữ dội của đông đảo người Việt ở ngoài VN.
Bộ máy tuyên truyền của Hà Nội lúc ấy chắc cười nụ và rung đùi để tự thưởng thành quả? Mục đích của ông Kỳ khi quay lại VN, như ông nói, là để hòa giải với cựu thù cộng sản.
Mới đây, theo đề nghị của TNS Jim Webb, Hoa Kỳ vừa ngưng viện trợ 1 triệu đô la để Hà Nội tìm hài cốt của quân nhân hai miền Nam và Bắc VN đã chết trong cuộc chiến trước năm 1975. Lý do: Hà Nội chỉ cho tìm hài cốt của lính miền Bắc!
Đối với xương cốt của người đã chết mà còn bị Hà Nội đối xử phân biệt như thế thì chuyện hòa giải giữa những người sống chỉ là hoang tưởng. Tôi không muốn lặp lại ở đây một câu nói đã nổi tiếng "Đừng nghe những gì....", nhưng trong trường hợp nầy nó vẫn cứ đúng.


3 nhận xét:

  1. Toi da tung" chiem nguong" ong Ky tai buoi met tinh o vuon rau Buu Dien Chi Hoa,nhung loi Ong da noi tai do roi sau nay ong lai noi nguoc lai,.v .v...toi nay da hieu ong la nguoi "boc dong",chang he co chinh kien gi rao!,ONG CHI GIONG NHU ANH SAY RUOU NOI BAY BA,nay ong da chet roi,chung ta khong con phai nghe nhung "phat bieu cua nguoi say" nua ! Quen ong ta di!

    Trả lờiXóa
  2. Cựu phó tổng thống Nguyễn cao Kỳ là một nhân vật khá đặc biệt, với tính khí khá bốc đồng, phát biểu nhiều khi theo cảm tính, thiếu suy nghĩ...với một đời tư phải thừa nhận là bộc lộ nhiều vẻ ăn chơi, thích ngao du sơn thủy cộng với tính "anh hùng lương sơn bạc", dám làm dám chịu,cộng với cái số gặp thời nên cuối cùng ông đã thăng quan hoạn lộ...cho đến năm 1971 khi không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.Ông đã trả lời phỏng vấn khỏang năm 2000 của Đài BBC rằng trong thời kỳ đó ông đã quá thật thà...chứ nếu không chưa chắc TT Thiệu đã chiếm thế thượng phong...Câu nói này có phần đúng.Theo nhận định của tôi và nhiều người có uy tín thì Ông Nguyễn Cao Kỳ là con người của thời thế, trong lúc tranh tối tranh sáng của việc tranh giành quyền lực giữa các tướng lãnh, thì ông nổi lên phần nào dựa vào tính khí chịu chơi, phát biểu thiếu thận trọng nhưng dám nói dám làm...một tính cách như thế chỉ thích nghi một giai đoạn nào đó mà thôi, chú không thể lãnh đạo và hoạch định chính sách quốc gia. Rất may ông chỉ là Phó Tống Thống với ít thực quyền mà hầu hết đều được lèo lái bởi TT Nguyễn văn Thiệu.
    Nhiều nhận xét khác cho rằng ông Kỳ là người còn non nớt,ấu trĩ chính trị, thiếu tư cách lãnh đạo nếu ta xét về tư cách cá nhân của ông...điển hình nhất khi ông trở về VN năm 2005 và bị CS lợi dụng tuyên truyền, thật ra ông không nên về thì hơn, bởi ông là người bị" thua cuộc". Và rất nhiều người miền nam trước 1975 chỉ nhớ đến ông như một nhân vật trẻ gặp thời, một chính khách sa lông...thiếu hẳn tư cách đáng kính và sự hy sinh cá nhân ở chừng mực nào đó, thiếu lập trường trong cuộc chiến ý thức hệ vô cùng gay gấn...

    Trả lờiXóa
  3. Xét cho cùng Kỳ " râu " là thuộc loại già không nên nết và ngựa non háu đá không hơn không kém....Mong quý vị bỏ qua cho hắn ta, vì hắn ta đã theo Lê Thanh Hải xuống âm ty trả lời với những oan hồn bị hắn ta hại

    Trả lờiXóa

Popular posts