Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

Thần Kê Đại Hiệp

Bên Hồng Kông có tiểu thuyết võ lâm của Kim Dung mang tựa đề “Thần Điêu Đại Hiệp” mà rất nhiều người mê truyện kiếm hiệp trước năm 1975 đọc một cách say mê trên báo ra hàng ngày.

Chỉ mới trước đó 1 ngày in trên báo Hồng Kông thì hôm sau trên báo Việt đã có bản dịch “Thần Điêu Đại Hiệp”. Hôm nào không kịp đăng, báo vội vàng cáo lỗi… “vì lý do bất khả kháng, chuyến bay bị trục trặc nên chúng tôi tạm nghỉ một kỳ”!

Chữ “điêu” ở đây ám chỉ một loài chim dữ, chuyên ăn thịt và có tính “sát thủ”. Ăn theo “Thần Điêu Đại Hiệp”, một loài thuộc họ chim ở ta mang tên mới “Thần Kê”, gọi nôm na là… “con gà thần”.

Thần Kê” xuất hiện trong giới bình dân, nhất là dân mê cá độ môn đá gà. Gà cũng là một “đại hiệp” với đầy đủ các môn võ bằng hai chân và điệu nghệ không thua gì các anh hùng võ lâm bên Hồng Kông!


"Thần kê"... lâm trận

“Thần Kê”, chính xác hơn là “gà trống”, thường là những trụ cột trong một bầy chỉ toàn con mái như một chủ gia đình êm ấm hạnh phúc, hoàn toàn không có những ghen tương, tranh dành giữa các nàng gà mái tơ… Điều này khác hẳn với xã hội loài người.


Một gia đình gà

Để đạt được đẳng cấp đó, ban đầu gà trống cũng phải vượt qua các đối thủ khác sau những trận tranh hùng để nắm giữ vai trò của “chủ hộ”. Bổn phận chính của chủ gia đình là đi kiếm ăn nhưng thực ra là “duy trì nòi giống”, được diễn tả nôm na là… “đạp mái”.

Khi tìm ra mồi, chàng sẽ phát ra tiếng “cục cục”, giữ thức ăn trên mỏ rồi lại thả xuống để gọi các nàng gà mái tơ đến ăn… cũng giống y như gà mẹ gọi gà con đến để chia sẻ. Lúc này là thời điểm khả năng thiên phú của chàng có thể thực hiện chức năng “trời cho” trong việc… đạp mái!

“Thiên phú” vì chàng biết cách “dụ” các nàng dù thức ăn đôi khi chỉ là… những hòn sỏi chứ không phải là con sâu, con giun… Trong khi nàng gà mái chưa phát hiện được chiêu trò “dụ khị” thì chàng đã xù lông để lấy trớn, nhảy phóc lên lưng nàng với chiếc mỏ cắm vào đầu nàng để làm điểm tựa!

Thế là một cuộc giao phối chớp nhoáng xảy ra trước khi nàng gà mái biết là mình đã bị chàng lợi dụng tính tham ăn của mình. Chỉ khoảng chưa đầy một phút sau, chàng gà đã làm xong việc truyền giống. Chàng khoan khoái nhảy xuống đất và gáy vang, ăn mừng chiến công!


Thực hiện chức năng truyền giống

Chuyện gì xảy ra trong phút đạp mái của “thần kê”?

Tinh trùng của gà trống được truyền vào cơ quan sinh dục của gà mái và sẽ di chuyển đến ống dẫn trứng và thụ tinh với trứng. Sau khi thụ tinh sẽ phát triển thành phôi thai trong trứng và gà mái sẽ đẻ trứng sau khi thụ tinh khoảng từ 24 đến 26 giờ.

Gà trống thật ra không có cơ quan sinh dục ngoài, thay vào đó, chúng có một chỗ phình hình bong bóng của ống dẫn tinh. Khi giao phối, gà trống áp sát cơ quan sinh dục của mình vào lỗ huyệt của gà mái.

Lúc này, âm đạo của gà mái mở ra, tinh trùng được phóng vào âm đạo và đi vào trong tử cung. Tinh trùng có thể sống trong tử cung gà mái hơn 10 ngày, do đó, gà mái có thể đẻ trứng có phôi trong nhiều ngày sau khi giao phối dù chỉ với một lần đạp mái.


Đạp mái

Phản xạ không điều kiện của gà mái xảy ra trong cùng một thời gian ngắn và có mối quan hệ với nhau. Phản xạ giao tiếp của gà trống thể hiện ở các hành vi: rượt đuổi gà mái, gáy, cục tác, mổ thức ăn thật/giả để gà mái lại gần, vỗ cánh quanh gà mái, v.v.

Khi con cái đứng yên chịu trận, bộ phận sinh dục của con đực bị kích thích. Và khi gà trống nằm trên lưng gà mái, nó dùng mỏ đỡ đầu gà mái và dùng hai chân ôm lấy lưng gà mái để điều chỉnh tư thế cho ổn định.


"Trai trên... gái dưới"

Âm thanh cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của loài gà. Với gà trống, cứ mỗi tờ mờ sáng chàng cất tiếng gáy để đánh thức mọi người còn đang mơ màng trong giấc điệp.

“Bản đồng ca buổi sáng” được hợp sức cùng những chú gà lân cận thi nhau gáy thật to. Phải chăng cũng vì thế các cụ ta thường nói “Con gà tức nhau tiếng gáy”?


Gà gáy lúc bình minh

Phần gà mái thì cục tác ầm ĩ sau khi đẻ trứng để khoe công trình của mình. Lại còn cục tác khi gọi gà con đến quây quần chia sẻ miếng ăn hoặc phát ra tín hiệu cảnh báo khi có sự xuất hiện của những sinh vật lạ như diều hâu.

Thống kê tiết lộ tuổi thọ trung bình của gà vào khoảng 14 năm. Theo sách kỷ lục Guinness, con gà sống dai nhất là một con gà mái, “cụ bà” lìa trần năm 16 tuổi. Cũng có trường hợp ngoại lệ, như một con gà mái sống ở Vân Nam đến 22 năm và đẻ hơn 5.000 quả trứng!


"Gươm lạc giữa rùng hoa!"

Người ta thường nói “mắt quáng gà” hay “trông gà hoá quốc” để ám chỉ những người mắt kém. Tuy nhiên, mới đây các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Washington lại phát hiện mắt gà có khả năng thị giác đáng kinh ngạc, mở ra hướng nghiên cứu chữa trị cho bệnh thị giác ở người.

Cuộc sống của loài gà là để phục vụ con người. Người ta hay dùng câu nói khôi hài “gà khoả thân” để chỉ con gà luộc nằm chễm chệ trên bàn thờ như một món cúng “sang trọng”. Có điều ít ai lại thích ngồi ngắm “gà khoả thân” từ trên bàn thờ của chính mình!


"Gà Khoả Thân"

Ngoài các món khoái khẩu như gà luộc, gà đút lò, gà quay… ngày nay còn có gà rán trong việc tạo nên một sở thích trong ẩm thực hàng ngày. Điển hình là KFC (Kentucky Fried Chicken), với tổng cộng gần 20.000 nhà hàng tại 123 quốc gia và vùng lãnh thổ. Món “gà rán Kentucky” đã trở thành quen thuộc đối với những người trẻ sính đồ ăn ngoại ngày nay.


Kentucky Fried Chicken

Với những người “thủ cựu” thì còn có các món như cháo gà, gà rút xương, gà tiềm thuốc bắc, gà kho sả… được chế biến từ 2 nguồn: gà công nghiệp và gà thả rong hay còn gọi nôm na là “gà đi bộ”.

Thần Điêu” đã đi vào kho tàng ca dao ẩm thực Việt Nam với câu thơ hướng dẫn cách chế biến từ con gà, con lợn và con chó:

“Con gà cục tác lá chanh

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi

Con chó khóc đứng, khóc ngồi

Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”



 

***
--> Read more..

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

Street scene: “Hôm nay tôi đi học…”

 26/8/2024: Những “học trò già” chắc vẫn còn nhớ Thanh Tịnh với bài “Tôi đi học…”.

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường…”

Không gian đó hình như còn bàng bạc vào sáng ngày hôm nay, 26/8/2024, khi tôi ngồi tại quán cà phê quen góc phố.

Rất nhiều các ông bố, bà mẹ chở con đến trường sau thời gian nghỉ hè.

Quán cà phê cũng là một hoạt cảnh hàng ngày để nhắc nhở tôi đến những diễn biến thực tế của cuộc đời. Nếu không có nó, một người già cô đơn như tôi, làm sao có thể theo kịp những diễn biến hàng ngày của cuộc sống?

Trở lại với thực tế hôm nay, cảnh các cháu nô nức đến trường trên xe của ba mẹ khiến tôi chạnh nhớ đến ngày xưa vào ngày khai trường…

Không gian có khác nhưng những suy nghĩ về ngày khai trường hình như vẫn thế: háo hức, hăm hở pha lẫn nỗi buồn… phải đi học để trở lại với chuỗi ngày “đáng sợ” của tuổi học trò!

Những ngày vui thoải mái bên gia đình và người thân đã qua đi… trước mặt các cháu là cả một thế giới mà ai biết được sẽ ra sao khi tốt nghiệp, ra trường?

Chúc các cháu sẽ vượt qua mọi thử thách khi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường để bước vào đời thành công như ba mẹ hằng mong mỏi!


***


Nhìn về tương lai trước mặt nhé cháu! (hình chụp con trai của chủ quán cà phê trước khi mẹ chở đến trường trong ngày khai giảng)


Ba mẹ con trên  chiếc xe đến trường


Sau lưng mẹ là cả một vùng trời mơ ước!


Hai chị em trong vòng tay bảo bọc của mẹ


Không quên ghé Ministop mua thức ăn cho con


Rời Ministop để lên đường đến trường


Trước siêu thị Ministop


Hai mẹ con tiếp tục hành trình



Lại lên đường cho kịp Lễ Khai Giảng


Ngã tư nhộn nhịp xe cộ ngày đến trường


Vững tin ngồi sau lưng bố


Cha & Con


Bố mẹ cùng con đến trường


Cũng có cháu tự đạp xe đi… tìm cái chữ!


***

--> Read more..

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

Phía sau khuôn mặt điểm trai của Alain Delon

Ngày xưa, người ta thường khen… “Đẹp trai như Alain Delon!”.

Nói như vậy, diễn viên người Pháp, Alain Fabien Maurice Marcel Delon, đã được chọn làm một trong những khuôn mẫu của nét đẹp nam giới trước con mắt ngưỡng mộ của phụ nữ.

Dù vẫn có ít nhiều “cường điệu” nhưng quả thật trong nỗi lòng của người được khen, không ít thì nhiều, đã khiến đối tượng phải… “phổng mũi”!

Câu chuyện “Đẹp trai như Alain Delon!” một lần nữa lại gây sóng gió trên mạng xã hội hiện nay khi tài tử lừng danh Alain Delon (1935 – 2024) từ trần ngày 18/8/2024.

Alain Delon ra chào đời năm 1935 trong một gia đình lao động, bố mẹ ông ly hôn từ khi ông lên 4 tuổi. Từ đó, ông sống với bố mẹ nuôi rồi được gửi vào một trường dòng. Khi mẹ ông tái hôn, ông trở về sống với mẹ và đến tuổi trưởng thành, ông nhập ngũ, gia nhập lực lượng Hải quân Pháp.

Đây là thời gian có nhiều ý nghĩa đối với cuộc đời “bất hạnh” của Alain. Năm 17 tuổi, dù chưa đủ tuổi thành niên ông đã ký vào tờ cam kết phục vụ quân đội trong 5 năm. Ngày 23/01/1953, ông lên đường đến Đông Dương, được giao nhiệm vụ canh gác kho vũ khí ở Sài Gòn.

Quân đội biến ông thành con người mới, có kỉ luật, giúp ông biết cách xây dựng mối quan hệ với mọi người, với cấp trên, kể cả với nỗi sợ tại vùng đất mới. Ông đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn truyền hình vào tháng 11/2023:

“Bị điều sang chiến trường Đông Dương vào năm 1954, khi 18 tuổi, để rồi chẳng thấy vinh quang đời lính đâu cả mà tôi kinh hãi, sợ sệt khi phải kề cận với cái chết…”

Có những nguồn thông tin ông là lính canh gác xưởng hải quân Arsenal, tức xưởng đóng tàu Ba Son ở Sài Gòn. Alain còn bồng bột leo lên chiếc jeep của sĩ quan chỉ huy lái một vòng Sài Gòn… nhưng xui xẻo đã gặp tai nạn, Alain bị kỷ luật và bị giam đúng dịp sinh nhật 20 tuổi. Sau thời gian trong tù, ông bị tống cổ trở về Pháp.

Về Pháp năm 1956, chàng thanh niên lãng tử, có phần ngông ngông, sống nhờ nhà bạn ở khu phố bình dân Pigalle, Paris. Qua người bạn này, ông quen những người phụ nữ khác, thường hơn ông 6-7 tuổi. Họ bị mê hoặc trước vẻ đẹp trai hiếm có của Alain và cũng chính họ đã giúp ông bén duyên với điện ảnh.

Những năm tiếp theo, ông ở trên đỉnh cao sự nghiệp, đóng vai chính trong nhiều kiệt tác với những đạo diễn tên tuổi nhất của điện ảnh Pháp: “Plein soleil” (René Clément, 1960), “L’Éclipse” (Michelangelo Antonioni, 1962), “Le Guépard” (Luchino Visconti, 1963), “Le Samouraï” (Jean-Pierre Melville, 1967), “La Piscine” (Jacques Deray, 1968), “Monsieur Klein” (Joseph Losey, 1976)…

Ông làm bạn với những tên tuổi nổi tiếng, yêu những phụ nữ đẹp nhất, nhưng cũng dễ bỏ họ để đến với những người đẹp khác. Alain Delon trở thành chuẩn mực của vẻ đẹp nam tính “lãng tử” đối với khán giả xem phim ở Sài Gòn trong thập niên 1970-1980 đến độ người ta thường ca tụng “Đẹp trai như Alain Delon!”.

Mối tình đầu của Alain Delon là nữ diễn viên người Áo, Romy Schneider. Lúc đó, cô đang là ngôi sao lớn nhờ thành công của bộ phim “Sissi” (1955) trong vai hoàng hậu Áo.

Romy Schneider sinh năm 1938 trong một gia đình kịch nghệ thuộc giới thượng lưu, danh giá. Romy bắt đầu tham gia thế giới điện ảnh trong phim “White lilies” với mẹ năm 14 tuổi. Liên tiếp bảy năm sau đó, cô xuất hiện trên nhiều bộ phim trong đó có “Sissi: Nữ hoàng nước Áo” rất ăn khách.

Tuy thành công sáng chói trong nghệ thuật thứ bảy ở Châu Âu nhưng đời sống tình cảm của Romy là một chuỗi dài bất trắc. Chuyện tình Alain Delon và Romy Schneider cũng không quá lâm ly bi đát như chuyện tình Clark Gable & Carole Lombard hoặc nồng nàn sôi nổi như Elizabeth Taylor & Richard Burton.

Nó cũng không phải là mối tình Hollywood mới gặp nhau lần đầu đã bị “sét đánh”. Nó chỉ là một mối tình mong manh nhưng đã sống trong nhiều thập niên. Cho đến nay, mối quan hệ của Alain Delon và Romy Schneider vẫn được xem là một trong những câu chuyện tình lãng mạn đáng nhớ nhất trong lịch sử điện ảnh.

Thuở ban đầu mới gặp nhau, Romy không có nhiều cảm tình với Alain vì nghĩ rằng anh chàng quá “ngạo mạn”, chỉ được cái bộ vó điển trai… nhưng lại không có chiều sâu! Romy đã bị nụ cười tuyệt vời phảng phất chút ngây thơ của cậu bé thiếu tình thương gia đình là Alain chinh phục.

Nhưng trên con đường tình, mấy ai học được chữ ngờ. Trong năm năm ở với Romy, Alain đã vụng trộm ngoại tình với Nico (một ca sĩ kiêm người mẫu gốc Đức) và Nathalie Barthelemy (một nữ tài tử vô danh đến Paris từ Nam Mỹ đang mang trong bụng giọt máu của chàng). Tan nát con tim, Romy chia tay Alain, đường ai nấy đi.

Trên bước đường danh vọng, Alain đã giành giải César, giải thưởng tương đương với giải Oscar của Mỹ ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất năm 1985 cho vai diễn một người nghiện rượu trong bộ phim “Our Story” của đạo diễn Bertrand Blier.

Ông cũng được đề cử giải Quả Cầu Vàng cho vai diễn Tancredi đầy nhiệt huyết và nghèo khó trong bộ phim “The Leopard”. Và đồng thời cũng bị phản đối khi được trao giải thưởng Cành Cọ Vàng tại Liên Hoan Phim Cannes 2019.

Ước muốn trước khi lìa đời của Alain là được nằm bên cạnh “người bạn chí thân” trong một nghĩa trang của nhà thờ. Đây là nơi an nghỉ của những con chó, trong đó có một người bạn đã gắn kết với ông trong suốt 50 năm!

Thế cho nên, một người bạn rất thân của ông nhận xét: "Alain có đầy đủ mọi tài năng… ngoại trừ tài năng đạt được hạnh phúc trong cuộc sống gia đình!”. Quả đúng như vậy

Về phần mình, Alain thừa nhận: “Tôi không phải là ngôi sao. Tôi chỉ là một diễn viên. Trong bao nhiêu năm qua tôi đã cố gắng làm sao cho mọi người quên đi một chàng đẹp trai với một khuôn mặt hấp dẫn. Đó là một cuộc chiến đấu khó khăn nhưng tôi sẽ thắng…”

Suy cho cùng, hạnh phúc trong cuộc đời không phải chỉ đơn thuần với bộ mặt bảnh trai… mà còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Nếu nghiệm được điều này, bạn sẽ không buồn lòng khi không ai khen bạn:

“Đẹp trai như Alain Delon!”.

 

***

 * Clip Dalida, Alain Delon - "Paroles, paroles":

https://www.youtube.com/watch?v=LYAvhujK4nA

*** 


Alain Delon (1935 – 2024)


Alain Delon vào các thời kỳ


Alain Delon nhận giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes 2019


Alain Delon về già


Alain Delon về già


Alain Delon khi còn trẻ


Alain Delon khi còn trẻ


Alain Delon khi còn trẻ


Alain Delon khi còn trẻ


Alain Delon khi còn trẻ


Alain Delon khi còn trẻ


Alain Delon chụp tại Sài Gòn vào năm 1953, trước một khách sạn trên đường Đồng Khởi


Romy Schneider


Mối tình đầu lãng mạn của Alain Delon với Romy Schneider


Những khoảnh khắc hạnh phúc của Alain Delon và Romy Schneider


Cảnh Alain Delon và Romy Schneider trong phim


Alain Delon , Nathalie và con trai Anthony tại Saint-Tropez


Một gia đình hạnh phúc?


Alain Delon và Shirley MacLaine trong cảnh quay của phim “Chiếc Rolls-Royce màu vàng” vào năm 1964


Với Claudia Cardinale trong phim 'The Leopard' năm 1963


Jean-Paul Belmondo, Alain Delon và Jean Gabin


Alain Delon nhận "Légion d’honneur" từ tay TT Mitterrand


Alain Delon và Claudia Cardinale... ngày đó & bây giờ


Brigitte Bardot và Alain Delon... ngày đó & bây giờ


Alain Delon và Sophia Loren


Alain và "người bạn chí thân" suốt 50 năm


Tờ chương trình  phim của Alain Delon tại Vĩnh Lợi, Sài Gòn


Tờ chương trình phim của Alain Delon tại rạp Rex, Sài Gòn


Tờ chương trình  phim của Alain Delon tại rạp Eden, Sài Gòn


Tờ chương trình  phim của Alain Delon tại rạp Ngọc Lan, Đà Lạt


Tờ chương trình  phim của Alain Delon tại rạp Huỳnh Lạc, Cần Thơ


Poster phim


Poster phim


Poster phim


Poster phim


Poster phim


***
--> Read more..

Popular posts