Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

Xóm Đạo Tân Sa Châu

Dù không là tín đồ của Chúa, tôi về xóm đạo Tân Sa Châu từ năm 1969 cho đến ngày Sài Gòn đổi chủ. Gia đình tôi khi đó vẫn thuộc loại “mini” với hai đứa con - một trai, một gái.

Lịch sử hình thành của giáo sứ này có thể lấy cột mốc 1967 vì đó là năm Đức Tổng Giáo Mục Giáo phận Sài Gòn về cử hành Lễ đặt viên đá đầu tiên xây nhà thờ Tân Sa Châu mà chúng ta thấy ngày nay.

Trước đó, Cha Đa-Minh Mai Ngọc Khuê dâng lễ tại nhà bạt tạm, rồi sau đó giáo dân cùng nhau xây dựng một thánh đường nhỏ bằng vật liệu nhẹ. Như vậy, Cha Khuê được coi là vị sáng lập ra Giáo xứ Tân Sa Châu.

Nhà thờ Tân Sa Châu thuộc khu Lăng Cha Cả, gần với phi trường Tân Sơn Nhất. Mặt tiền của giáo đường nhìn ra đường Trương Minh Ký, ngày nay là đường Lê Văn Sỹ, thuộc Phường 2, Quận Tân Bình.

Đây là khu xóm đạo toàn người Bắc di cư vào Nam từ năm 1954, phần đông là các giáo dân xứ Sa Châu, tỉnh Bùi Chu, đến định cư và lập nghiệp tại đây. Thế cho nên, cái tên Tân Sa Châu cũng bắt nguồn từ đó vì nằm trong xã Tân Sơn Hòa, khu Lăng Cha Cả.

***

Khi vừa tốt nghiệp Thủ Đức về trường Sinh ngữ Quân đội dạy Anh văn năm 1969, nơi ăn chốn ở còn chưa ổn định, tôi tá túc tại nhà người bà con trên đường Cống Quỳnh rồi sau đó cả gia đình nhỏ chuyển về nhà một ông anh họ ở khu Cầu Sạn.

Đó cũng là lý do tôi tìm được căn gác trên đường Bùi Thị Xuân, khúc đầu đường Trương Minh Ký, giáp với nhà kho của Sở Mỹ. Nhà xây bằng gạch, tầng dưới đã có một gia đình thuê nên chúng tôi mướn tầng trên, có lối đi riêng bằng một cầu thang sắt hình xoắn ốc. Phòng có một balcon và từ đó nhìn xuống là một… nghĩa địa!

Tôi hoàn toàn không sợ nghĩa địa vì thực ra đây toàn những nấm mộ chôn từ lâu, chỉ thình thoảng mới chen vào một ngôi mộ mới. Nhờ balcon nhìn ra “những người hàng xóm” đã chết nên họ chỉ là những người thầm lặng, không như những xóm lao động ồn ào, náo nhiệt của Sài Thành hoa lệ!

Các con tôi hãy còn nhỏ nên chúng hoàn toàn không bị tiêm nhiễm cái tính “sợ ma”. Ngược lại, cuộc sống chung với những nấm mộ bỗng trở thành… thoải mái một cách lạ lùng! Có những buổi tối tôi ôm đàn… ca hát cho những người nằm dưới mộ nghe và cảm thấy họ như những người thân thuộc!

Nói chung là vậy, nhưng căn gác cũng có nhiều bất tiện không tránh khỏi. Thứ nhất, căn dưới đất do gia đình của một ông giáo già đã về hưu thuê, ông lại là người nghiện thuốc phiện nên suốt ngày đóng cửa để tìm vui bên bàn đèn. Những khi ông hút, khói thuốc phiện xông lên tận trên gác!

Nước sinh họat cũng là một vấn đề nan giải vì nước yếu nên không thể chảy lên lầu. Hàng ngày phải xuống dưới nhà xách lên, lại phải leo những bậc thang bằng sắt có hình xoắn ốc.

Với đồng lương của một Chuẩn úy mới ra trường và vợ đi làm tại Bệnh viện Sài Gòn gần chợ Bến Thành, chúng tôi trích ra một số tiền để nuôi một người giúp việc và chăm sóc hai cháu nhỏ. Như vậy cuộc sống tại Tân Sa Châu cũng tạm ổn.

Cũng như bao xóm đạo khác, những gia đình ở Tân Sa Châu vẫn thường họp nhau đọc kinh mỗi buổi tối. Thế là hai cháu cũng tham gia các buổi đọc kinh, dù chúng chưa thuộc một bài kinh nào, chỉ ê a theo những người khác!

Từ hai con lúc dọn đến năm 1969, “quân số” gia đình tôi được bổ sung thêm hai gái, vị  chi là 6 người người lớn nhỏ tính đến ngày 30/4/1975. Không gian sinh hoạt quả là nhỏ bé trong một căn gác mỗi chiều chỉ hơn 3 mét.

Người ta thường nói “ăn nhiều chứ ở có bao nhiêu”!. Mà quá đúng, ban ngày người lớn đi làm nên không gian chỉ dành riêng cho tụi nhỏ và người làm coi sóc. Cũng may, các cháu còn nhỏ nhưng cũng ý thức được hoàn cảnh gia đình, chúng hồn nhiên sống và chẳng hề bận tâm.

Chỉ đến chiều và tối, gia đình mới đoàn tụ, vợ chồng con cái gặp lại nhau để kể chuyện trong ngày. Đó là những giây phút chan hòa yêu thương cho đến ngày “đổi đời”, tan đàn xẻ nghé vì bố đi học tập!

***

Thời gian những ngày tháng 4/1975 xóm đạo Tân Sa Châu bỗng trở thành nổi tiếng với “Tuyên cáo của Cha Thanh” về tình trạng tham nhũng của một số viến chức trong chính quyền. Cha Trần Bá Thanh tố cáo ngay trên sân nhà thờ: nhiều “quan” không chăm lo cho dân mà chỉ lo vơ vét làm giàu cho bản thân và gia đình!

Báo chí ngày đó có đưa tin và dân xóm đạo nức lòng về những lời tố cáo. Thế là gần như cả Sài Gòn biết đến Tân Sa Châu khi cảnh sát tăng cường lực lượng an ninh trên đường Trương Minh Ký và cả khu Ông Tạ, những địa điểm tập trung của rất nhiều người di cư.

Phó tổng thống khi đó là tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ cũng đến giáo xứ Tân Chí Linh gần đó để trấn an dân khi có một số người đang rục rịch tìm đường ra nước ngoài từ phi trường Tân Sơn Nhất. Ông nói, bản thân ông sẽ không đi đâu hết… rồi lại còn cao hứng dẫn chứng câu thơ:

“Anh đi anh nhớ quê nhà,

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương!”

Dân chúng có người hoan hô tinh thần yêu nước của một lãnh tụ như ông… Ấy thế mà chỉ ít ngày sau tướng Kỳ bước lên máy bay trực thăng bỏ xứ ra đi và những quân nhân như chúng tôi bước vào trại cải tạo… “mút chỉ cà tha”!

 

***

 

Nhà thờ Tân Sa Châu lúc đang xây dựng

 

 

Nhà thờ Tân Sa Châu đang xây dựng

 

 

Nhà thờ Tân Sa Châu sau khi việc xây dựng hoàn tất

 

 

 

Bên hông nhà thờ

 

 

Mặt tiền nhà thờ

 

 

Bên trong nhà thờ

 

 

Bên trong nhà thờ

 

 

Bên trong nhà thờ

 

 

Cử hành thánh lễ

 

 

 

Cử hành thánh lễ

 

 

Trên khuôn viên nhà thờ

 

 

Trên khuôn viên nhà thờ

 

 

Bia kỷ niệm nhà thờ

 

 

Địa chỉ hiện nay của nhà thờ


 ***

2 nhận xét:

  1. Thưa Anh Chính:
    Vào năm 1975 Linh Mục Trần Hữu Thanh thuộc Dòng Chúa Cứu Thế cầm đầu Phòng Trào Chống Tham Nhũng ở Saigon lúc bấy giờ , chứ không phải là Linh Mục Trần Bá Thanh .
    Tôi rất thích trang web của Anh và cầu chúnh Anh cùng Quý Quyến luôn luôn được mọi sư như ý muốn .
    T.B: Tôi ở Mỹ từ năm1975

    Trả lờiXóa
  2. Xin sửa lại là cầu chúc ....

    Trả lờiXóa

Popular posts