Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Hồ Hữu Tuờng với 41 năm làm báo

Nếu Vũ Bằng có hồi ký “40 năm nói láo”, Hồ Hữu Tường (1910-1980) “chơi trội” hơn 1 năm với tác phẩm mang tên "41 năm làm báo”. Con số 41 được gói gọn trong 16 Chương, cộng thêm với Chương mở đầu mang một cái tên “tiếu lâm”: Khi chưa mọc lông!

Hồ Hữu Tường dùng chữ “mọc lông” một cách chân chính chứ không “tiếu lâm” như chúng ta cứ tưởng tượng. Ông viết: “Tập hồi ký này chánh thức khởi từ tháng Năm dương lịch năm 1930, lúc mà con chim non vỗ cánh bay vào làng báo”. À, ra thế!

 

Hồ Hữu Tường (1910-1980), tranh Tạ Tỵ

 

Ông kể đã biết đọc báo từ năm 1916, khi mới 16 tuổi, đó là tạp chí Nam Phong của Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác. Nam Phong có in cả chữ Nho, tức là chữ của thánh hiền, không nên làm ô uế… nên các bà trong nhà mới cho chú nhóc Tường đem về đọc, nhờ đó thoát khỏi “số phận bị ném vào cầu xí”!

 

Nam Phong tạp chí có in cả chữ Nho

 

Hồ tiên sinh thực sự “thích” và “mê” đọc báo từ cuối năm 1925. Đó là tờ Đông Pháp Thời Báo của ông Hội đồng Nguyễn Kim Đính, thân phụ của ký giả Ngọa Long. Hồi đó, trường Trung học Cần Thơ (nay là trường Phan Thanh Giản, nơi ông theo học) nghe như “sét nổ ngang tai” khi biết tin nhà cách mạng tiền bối Phan Bội Châu bị ra tòa “Đề hình Hà Nội”.

Tờ Đông Pháp Thời Báo “nặng mùi ái quốc” khiến các nhà báo bị đánh tơi tả, lớp thì bị tù đày, lớp chạy sang Tầu để trở thành những nhà lãnh đạo cách mạng. Riêng Hồ Hữu Tường bị đuổi học và tìm đường “chạy chọt sang Tây du học”.

Mãi đến năm 1927 Hồ tiên sinh mới có dịp gặp các nhà báo “hạng cừ” khi họ đến diễn thuyết tại Marseille về “chống khủng bố ở Đông Dương”. Các nhà báo như Dương Văn Giáo, Trịnh Hưng Ngẫu là những người sáng lập và viết cho tờ “La Tribune Indochinoise” (Diễn đàn Đông Dương) ở Sài Gòn.

 

Đông Pháp Thời Báo

 

Khi Hồ Hữu Tường chỉ mới 17 tuổi rưỡi, nhà báo Nguyễn Thế Truyền đã trở thành “huyền thoại” của giới trẻ. Ông đậu bằng kỹ sư hóa học ở Pháp nhưng không về nước mà lại hợp tác với Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành (sau này là Hồ Chí Minh) để thành lập nhóm người Việt “trọc trời khuấy nước” chống thực dân ngay trên đất Pháp.

Năm 1922, Nguyễn An Ninh về nước, sáng lập tờ “La Cloche Fêlée” (Chuông Rè) và những người khác ở lại Pháp, ra tờ “Le Paris”. Ông Nguyễn Thế Truyền khuyến khích Hồ Hữu Tường với tư cách một người lớn hơn 20 tuổi:

“Đi làm cách mạng phải là những tay học giỏi. Chớ học trong lớp mà cầm cờ, rồi ra làm cách mạng, bọn thực dân nó chê rằng, tụi mình là tụi raté, nên giả vờ làm cách mạng để cứu thể diện”.

 

La Cloche Fêlée

 

Hồ Hữu Tường bước vào nghề báo thật “ly kỳ”. Thứ nhất, tiên sinh nhảy vào nhận chức “chủ nhiệm” tờ Tiền Quân, một tờ báo “bí mật” chỉ vì lý do “không có tên trong sổ đen” của mật thám Paris. Theo như ông viết, “… không phải nhờ tài, chẳng phải nhờ đức, cũng không phải “tuổi đảng cao” hay có uy tìn gì cả”!

Đứng đầu Tiền Quân là “chủ bút” Phan Văn Hùm, một cây bút kỳ cựu trong làng báo từ năm 1923. Ngoài ra còn có Tạ Thu Thâu, Phan Văn Chánh, Huỳnh Văn Phương, Lê Bá Cang, Hồ Văn Ngà…

Cũng “ly kỳ” ở chỗ báo đang in, chưa kịp phát hành thì bộ biên tập “bị bắt tại trận”, cả chủ nhiệm lẫn chủ bút phải tìm đường “vượt biên” sang Bỉ Lợi Thì, tức là nước Bỉ ngày nay. Thế là cả hai ông ngồi tại Bruxelles viết thơ cho bạn bè báo tin cả hai đã sang Bỉ để… “duy trì tờ báo Tiền Quân”!

Hồ tiên sinh tiếp tục viết cho báo “La Vérité” của nhóm Trostky đang tranh giành ảnh hưởng với nhóm Đệ tam Quốc tế của Staline ở Nga. Tuy nhiên, ông khẳng định mình chẳng thuộc phe nào vì “… hoài nghi, liệu vào cái guồng máy, mình sẽ bị cái guồng máy nghiến nát, hay mình có thể sửa đổi nổi cái guồng máy ấy?”.

Hồ Hữu Tường đi tàu Porhos về Việt Nam những ngày cận Tết. Ông bắt tay vào việc ra tạp chí lý luận Tháng Mười theo cách mà ông gọi là “canh tân kỹ thuật”, nói nôm na là… đổ xương xoa! Việc ra báo “xương xoa” đến tháng 9/1932 thì bị phát hiện và toàn bộ tổ chức bị bắt.

Ở Chương 4 có một tựa đề thật sốc “Làm báo nhẩm trong tù: Nhật báo Thiên Thu” khi tác giả nằm bót Catinat năm 1932. Ông bị nhốt một mình trong căn phòng vuông vức, mỗi bề 2 mét.

Để tránh bị “điên” khi bị nhốt một mình, không người trò chuyện, ông áp dụng cách mà Bakounine đã làm vào giữa thế kỳ thứ 19 tại Nga: mỗi ngày xuất bản một tờ báo “ảo” có đầy đủ các tiết mục như bình luận thời sự, trường thiên tiểu thuyết, trang văn nghệ và cả trang khôi hài!

Dựa vào câu “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, Hồ Hữu Tường đặt tên cho tờ báo nhẩm là “Thiên Thu”. Khi điểm lại, tờ báo đã ra được đúng 70 số! Tình ra, ông đã có “hai mươi lăn ngàn năm trăm năm chục cái “thiên thu”!

Báo “nhẩm” có phần tiểu thuyết kể lại mối tình đầu tiên trong đời ông tại Bỉ khi 20 tuổi với một người con gái mà quốc tịch cũng không rõ, không tên, không tuổi, không tổ quốc vì chỉ biết có đảng mà thôi! Đó là bức ảnh của Lenin và Trosky chụp chung nhau khi họ vừa “cướp dược chính quyền ở Pétesbourgh”.

Báo Thiên Thu lại có cả một bài thơ, mỗi câu được bắt đầu bằng 4 chữ “Thương Hồ Hữu Tường” trong trang văn nghệ như sau:

“THƯƠNG người tình nghĩa nặng oằn vai

HỒ hải tang bồng cả chí trai

HỮU chỉ vô phần thân phải lụy

TƯỜNG cao ngăn đón bực anh tài

 

Tác phẩm “41 Năm Làm Báo”

 

Cuộc đời của Hồ Hữu Tường trải qua nhiều giai đoạn “vào tù, ra khám” và có một giai thoại về ông khi bị giam ở phòng giam tập thể. Một người tù hỏi Hồ Hữu Tường:

- Bác Tường ơi! Thời Tây, thời Ngô Đình Diệm và cả thời này nữa, thời nào bác cũng đi tù. Bác có hiểu tại sao bác cứ ở tù hoài vậy không ?

Hồ Hữu Tường nhìn anh ta, vừa cười, vừa hỏi:

- Mày trả lời giùm tao đi, tại sao ?

Anh ta nhanh nhẩu trả lời:

- Dễ quá mà! Tên bác là “Hữu Tường” nên bác phải “hưởng tù” dài dài!

Có thể bạn tù nói đúng và cũng có thể nói ông nằm trong “tầm đạn” của nhiều phe phái, đến nỗi tiên sinh đã từng nói vui:

“Điệp viên Mỹ thì nghi ngờ tôi lấy tiền của Nga. Điệp viên Nga lại nghi tôi lấy tiền của phòng Nhì Pháp. Phòng Nhì Pháp nghi tôi lấy tiền của Việt Minh. Điệp viên của Việt Minh lại nghi tôi lấy tiền của tình báo Anh. Và điệp viên Anh lại nghi tôi xài tiền của Mao Trạch Đông. Họ cứ nghi nhau lung tung!”

 

Hồ Hữu Tường (1910-1980)

 

Như đã nói ở phần trên, cuộc đời làm báo của Hồ Hữu Tường vừa lạ lùng lại vừa nhiều trắc trở. Tự nhiên nhảy vào nghề với chức danh “chủ nhiệm” tờ báo “chui” Tiền Quân, lại chỉ thọ có một số phù du ở tận bên Tây!

Có thể nói, về Việt Nam ông mới thực sự lăn lộn với nghề viết báo một cách công khai. Tiên sinh viết cho tờ Nam Nữ Giới, mà cũng chỉ được một số báo vì giấy phép xuất bản bị nhà nước bảo hộ rút!

Thất nghiệp 3 tháng rồi ông lại “đầu quân” cho tờ Công Luận. Mang tiếng là trong ban biên tập nhưng lại không lãnh lương tháng mà chỉ “ăn lương theo sản phẩm” với giá 5 đồng một bài qua bút danh Bửu Liên. Tuy vậy, Hồ Hữu Tường rất tự hào khi ông viết:

“Tôi được đãi ngộ rất trịnh trọng, vì bài của tôi được trả theo giá ưu hạng, một giá với bài cụ Phan Bội Châu. Ngoài ra không ai được giá nầy”.

 

Công Luận Báo

 

Ngoài việc viết cho Công Luận, Hồ Hữu Tường còn hợp tác với báo Đồng Nai, công việc chính là “làm thợ giũa văn cho anh em”. Ông hồi tưởng về công việc mà ngày nay ta gọi là “biên tập viên” trong tòa soạn:

“Nay nhớ lại, công việc cạo gọt văn chương của người khác, nhất là những câu nặng mùi pho mách, mà sửa cho có mùi nước mắm Phú Quốc, thì là một công phu nặng nề. Thảo nào, ty quản lý trả cho tôi tiền hậu hơn là tôi đi dạy ở trường tư”.

Thuở ấy, Nam Kỳ là xứ thuộc địa nên người Pháp hoặc người Việt có quốc tịch Pháp được hưởng đầy đủ quyền lợi như tại chính quốc, kể cả quyền ra báo bằng tiếng Pháp, chỉ cần khai trước biện lý cuộc 24 giờ trước khi đem báo ra khỏi nhà in.

Báo Việt ngữ đều phải qua thủ tục xin phép, có khi chờ đợi đến 6 hoặc 7 tháng mà vẫn chưa có giấy phép. Người Pháp muốn chủ báo phải là người trung thành với mẫu quốc. Những thành phần mà nhà nước bảo hộ không tin tưởng sẽ không tài nào có được một tờ báo trong tay.

Báo Đồng Nai trở thành một “trung tâm văn hóa” dù nha báo chí không ưa gì. Đào Duy Anh, tác giả “Hán Việt Tự Điển”, bị Đồng Nai phê bình kịch liệt. Đó là sự phê phán duy nhất trong số dư luận về văn hóa. Bất chấp sự phê bình, tác giả bộ tự điển và Hồ Hữu Tường vẫn duy trì một tình bạn đáng quý. 

Ở Chương 7 có nói về báo “La Lutte”, một sự hòa hợp nhuần nhuyễn của những nhà báo thuộc Đệ Tam và Đệ Tứ Cộng sản tại Việt Nam trong khi hai phong trào Staline và Trostky lại chống đối nhau kịch liệt trên thế giới.

 

Báo “La Lutte”

Việc tái bản tờ “La Lutte” năm 1934 đã khiến nhiều sử gia trong và ngoài nước phải “vò đầu, bứt tai” vì hiện tượng “chung sống hòa bình” giữa hai trào lưu tựa như nước và lửa.

Nguyễn An Ninh đã nói trong một buổi họp các nhà báo, có 3 người thuộc phái Trostky là Huỳnh Văn Phương, Phan Văn Chánh, Phan Văn Hùm… và cánh của Staline có Tạ Thu Thâu:

“Có một vị Mạnh Thường Quân giao cho tôi một số tiền mọn, muốn mình cho ra lại báo La Lutte, với một lập trường chính trị rất rộng rãi. Bất cứ ai chống đối bất công, áp bức của chế độ thực dân và tệ đoan di sản của quá khứ, không phân biệt chánh kiến cá nhân và đường lối đảng phái đều có thể tham gia vào…”.

Theo Hồ Hữu Tường, Nguyễn An Ninh là một trường hợp điển hình của một nhà báo ái quốc, có tư tưởng xã hội nhưng lại không theo khuynh hướng Cộng sản. Trong những bài báo về thời cuộc quốc tế, ông có phần nghiêng về phe Trostky cho đến năm 1943 khi ông chết ngoài đảo Côn Lôn.

Riêng về phần mình, Hồ Hữu Tường nhận xét về chính kiến của mình:

“Về tư tưởng, trước chiến tranh, tôi đã đứng dưới bóng cờ của duy vật biện chứng pháp. Sau chiến tranh, tôi quay về con đường đạo đức của ông bà. Con đường mà gần đây, tôi đúc kết thành Việt Đạo.

“Về chánh trị, trước chiến tranh, tôi đứng trong hàng ngũ Đệ tứ Quốc tế, riêng ở Việt Nam, tôi là lý thuyết gia và chỉ huy tổ chức bí mật. Sau khi ở tù ra, chuyến tù do thực dân Pháp nhốt ở Côn-lôn lần thứ nhứt, tôi lại đi vào đường lối dân tộc”.

(hết trích)

Trong lãnh vực báo chí, ông chỉ nhận là “kẻ dụng văn chớ không phải là nhà văn”. Suốt thời gian từ 1930 đến 1939, ông đã viết rất nhiều. Sau đó, ông trở lại nghề báo nhờ thi sĩ Đông Hồ, đó là lúc ông từ Hà Nội vào Sài Gòn.

Đông Hồ là “đàn anh khét tiếng trong văn đàn” và có ý rủ ren ông tham gia biên tập cho một tờ báo Xuân do Lư Khê bỏ vốn. Gặp lúc túng thiếu nên Hồ Hữu Tường nhận ngay với điều kiện… không để tên thật!

Và cũng chính Đông Hồ đặt cho Hồ Hữu Tường hai bút danh Lân Trinh và Ly Duệ còn ông chọn tên Ý Dư để tránh việc mà ông gọi là “văn chương chướng” khi chỉ có một người viết “bao sân”. Từ đó báo có những mục như “Tin tức mình”, “Mấy vần thơ thẩn”, “Nhổ cỏ dại” và cả… “Văn chương chướng”.

Nhiều người cho rằng một trong những sự nghiệp văn chương bên cạnh nghề báo của Hồ Hữu Tường là cuốn tiểu thuyết hư cấu “Phi Lạc sang Tàu”. Ông giới thiệu cuốn truyện:

“Phi Lạc sang Tàu” là một câu chuyện tiếu lâm dài, chưởi hết kinh điển của Tàu, ngũ kinh, tứ thơ, y, lý, số, tướng… Đó là tiếng nói của thằng nông dân Việt Nam phản ứng lại cái ách văn hóa của Hán tộc”.

 

Tác phẩm “Phi Lạc Sang Tàu”


Qua nhân vật Phi Lạc, một thằng mõ làng Phù Ninh ngoài miền Bắc, ông thỏa sức giãi bầy những quan điểm chính trị của mình trước thời cuộc vào những năm thế giới vừa chấm dứt thế chiến thứ hai.

Thằng mõ Phi Lạc có lần chơi dại, dám tự nhận mình là con của Ngọc Hân Công Chúa, tức dòng dõi vua Quang Trung Nguyễn Huệ nên phải chịu mang cái vạ miệng. Nhà sư Hồng Hạc phải cất công từ Đài Loan sang Việt Nam vì tin tưởng Phi Lạc chính là “thánh nhân” mà ông đang đi tìm để mách nước cho Tàu trước hiểm họa Cộng sản.

Thế là thằng mõ làng Phù Ninh bắt buộc phải lên máy bay để theo sư Hồng Hạc về Tàu. Tại đây, với sự lém lỉnh của một thằng mõ, nó trổ tài khua môi múa mép về đủ mọi vấn đề, thể hiện đúng tính chất hoạt kê thời sự mang đầy tính chất trào lộng chính trị và rất… Hồ Hữu Tường!

Việc lấy nhân vật cùng đinh trong xã hội Việt Nam trở thành “thánh nhân” trong con mắt người Tàu chính là sự trả thù nằm trong mỗi câu chuyện. Đặc biệt là trong tình hình bang giao như hiện nay, ngoài mặt thì bạn tốt nhưng trong thâm tâm lại xấu xa, xâm lấn hết đất liền đến biển đảo.

 

Mục lục “41 Năm Làm Báo”


Để chấm dứt câu chuyện về Hồ Hữu Tường, chúng tôi xin trích dẫn một đoạn của nhà phê bình văn học Thụy Khê:

“Cuộc đời tranh đấu trên hai mặt trận chính trị và văn hóa của Hồ Hữu Tường đầy tính cách tiểu thuyết chiêu hồi như một truyện Tàu, nhưng cũng lại gắn bó sâu xa với định mệnh bát nháo của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ vừa qua.

“Hồ Hữu Tường luôn luôn giữ hai vai: một Tôn Ngộ Không nổi loạn trong Tây Du Ký và một quân sư du thuyết trong Tam Quốc Chí, khi Khổng Minh, Lỗ Túc, lúc là thằng mõ Cổ Nhuế, thằng mõ Phù Ninh....

“Hành động của nhà chính trị Hồ Hữu Tường và những người cùng thời biến thành những thế võ tiếu lâm, hài hước trong tiểu thuyết, hồi ký của nhà văn. Hồ Hữu Tường là tác giả hiếm hoi, trong một xã hội đầy nghi thức, đã hóa giải những trịnh trọng của chính trị thành chuyện giễu để hóm hỉnh chọc cười và đó là một trong những lý do khiến không chế độ nào "dung" Hồ Hữu Tường.

“Nhưng có lẽ lý do sâu xa nhất vẫn là những gì Hồ Hữu Tường thuyết minh trong tác phẩm toát ra một chủ nghĩa dân tộc độc đáo, lấy văn hóa dân tộc làm phương châm và mục đích cấu thành. Hồ Hữu Tường suốt đời biện hộ cho một Việt Nam trung lập chế, chống chiến tranh.

“Hồ dùng văn hóa thay súng ống để giải phóng dân tộc ra khỏi cảnh tối tăm nô lệ. Tranh đấu chống thực dân bằng ngòi bút của nhà báo, bằng tổ chức thợ thuyền tổng đình công, muốn đánh đuổi hai chữ "căm hờn" mà ông gọi là ác quỷ ra khỏi tâm hồn người Việt.

(hết trích)

***

1 nhận xét:

  1. Vài nét về Hồ Hữu Tường

    Năm 1953, Hồ Hữu Tường đưa ra giải pháp Trung lập chế (Neutrality). Năm sau ông sang dự hội nghị Genève, ra sức vận động cho giải pháp trung lập Việt Nam nhưng không thành công.

    Tháng 3 năm 1955, Hồ Hữu Tường bị bắt vì làm cố vấn cho Mặt trận Thống nhứt Toàn lực Quốc gia (Cao Đài, Hòa Hảo, Lực lượng Bình Xuyên) chống lại chính phủ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm.

    Năm 1957, Hồ Hữu Tường bị kết án tử hình, nhưng nhờ Albert Camus và những trí thức khác như thủ tướng Ấn Độ Nehru viết thư can thiệp nên chỉ bị đày ra Côn Đảo.

    Ngày 31 tháng 1 năm 1964 (sau khi Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam sụp đổ) Hồ Hữu Tường được trả tự do rồi được đại xá ngày 14 Tháng Bảy 1967. Ra tù, ông viết bài cho tờ Ánh Sáng và đưa ra giải pháp: đề nghị Liên Hiệp Quốc hóa miền Nam Việt Nam.

    Năm 1965, ông làm Phó Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh và vào chủ bút tuần báo Hòa đồng.

    Năm 1967, Hồ Hữu Tường trúng cử dân biểu đối lập trong Hạ viện Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa, thời gian này ông tham gia viết bài cho các tờ báo: Tiếng Nói Dân tộc, Quyết Tiến, Đuốc Nhà Nam, Tin Sáng, Sài gòn Mới, Điện Tín v.v...

    Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Hồ Hữu Tường chưa bị chính quyền mới bắt đưa đi học tập cải tạo cho đến khi ông có sáng kiến là in một tập tài liệu gởi trực tiếp bằng đường bưu điện cho giới lãnh đạo Đảng về nhu cầu bắt buộc Việt Nam phải trung lập trong bối cảnh tình hình của khu vực Á Châu, vào năm 1978.

    Khi ông bệnh nặng, khó có thể cứu chữa thì được trả tự do và mất vài ngày sau đó (26 tháng 6 năm 1980) tại Sài Gòn.

    (https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93_H%E1%BB%AFu_T%C6%B0%E1%BB%9Dng)

    Trả lờiXóa

Popular posts