Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Du ký xứ… Miệt Dưới (18): Đường thiên lý duyên hải

(Tiếp theo)

Australia còn được gọi là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.

Ngày 7/4/2013: Đổi giờ

Một ngày quan trọng trên toàn nước Úc: bắt đầu từ 3g sáng 7/4, đồng hồ sẽ vặn lui lại 1 tiếng, như vậy là giờ Úc chỉ đi trước giờ Việt Nam 3 tiếng thay vì 4 tiếng như trước. Mỗi năm nước Úc có hai lần đổi giờ, lần thứ nhất vặn lui 1 tiếng vào tháng 3 hoặc tháng 4 và lần thứ 2 vặn tới 1 tiếng vào khoảng tháng 10.

Theo quy ước “giờ mùa hè” hay còn gọi là “giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày” (Daylight Saving Time - DST), hằng năm đồng hồ được tăng thêm một khoảng thời gian, thường là 1 giờ, so với giờ tiêu chuẩn tại một số quốc gia. Quy ước này thường được thực hiện tại các nước ôn đới hay gần cực, nơi vào mùa hè, ban ngày bắt đầu sớm hơn so với mùa đông vài tiếng đồng hồ.

Trên thực tế, DST giúp tiết kiệm năng lượng chiếu sáng và sưởi ấm, khi tận dụng ánh sáng ban ngày từ sớm, giảm chiếu sáng ban đêm nhờ đi ngủ sớm. Chính vì ý nghĩa này mà một số nước gọi quy ước này với cái tên "Giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày".

Tại Hoa Kỳ, người ta dùng thành ngữ “Spring forward, Fall backward” để chỉ việc đổi giờ. Vào mùa Xuân vặn tới và mùa Thu vặn vặn lui. Đây là một sự trùng hợp và trở thành một lối chơi chữ. “Spring” ngoài nghĩa mùa xuân còn có ý là bung ra hay bắn ra về phía trước. Còn “Fall”, ngoài nghĩa mùa Thu còn có nghĩa là rơi xuống, như vậy là tụt về phía sau. Do đó cả hai nghĩa của hai chữ “spring” đi chung với “forward” và hai nghĩa của “fall” đi chung với “backward” trở thành dễ nhớ.

Trở lại với nước Úc, sự kiện vặn lui hay vặn tới 1 tiếng đã trở thành quen thuộc với mọi người dân ở đây nên không có gì phải bàn luận. Trên toàn nước Úc có đến 3 múi giờ khác nhau: (1) ở các tiểu bang Western Australia, South Australia, Victoria, New South Wales và Tasmania luôn phải theo DST; (2) ở các vùng thuộc tiểu bang Northern Australia không cần phải tính đến DST; (3) còn lại, tại Queensland đôi khi cần DST nhưng không phải lúc nào cũng vậy.

Ngày 9/4: Great Ocean Road

Nếu ở Việt Nam trường ca Con Đường Cái Quan của Phạm Duy dẫn người nghe nhạc đi khắp chiều dài đất nước từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu thì ở tiểu bang Victoria có Great Ocean Road đưa khách du lịch đến các thành phố duyên hải phía tây-nam, trải dài suốt 243 km.

Nơi khởi đầu Great Ocean Road

Chúng tôi đã thực hiện một cuộc hành trình dài dọc theo bờ biển đến các thành phố Torquay, Anglesea, Lorne, Apollo Bay, Lavers Hill và chấm dứt tại “Những tảng đá 12 tông đồ” (12 Apostles), một kỳ quan thiên nhiên của thế giới tại Port Campbell. Chiếc Jeep Patriot của Hà & Phước đã lăn bánh trên nhiều đoạn đường đèo hiểm trở nhưng vẫn an toàn hơn đoạn Quốc lộ 1A dọc theo vùng duyên hải miền Trung tại Việt Nam mà tôi đã từng đi qua.

Trạm dừng đầu tiên trên con đường thiên lý là thị trấn Anglesea được mệnh danh là “Where bush meets sea” (nơi rừng gặp biển). Đây là một thị trấn hiền hòa nằm ven biển, dân cư thưa thớt nhưng rất hiếu khách. Phong cảnh nên thơ, thanh bình và chan hòa gió biển. Tại đây quy tụ đến ¼ các chủng loại cây của tiểu bang Victoria, thêm vào đó là hằng trăm loài hoa lan tạo nên lễ hội hoa dại hằng năm vào mùa xuân.

Thị trấn Anglesea “where bush meets sea”

Nằm giữa Lorne và Apollo Bay là đoạn đường đèo được coi là ngoạn mục nhất Great Ocean Road. Đường đèo khúc khuỷu, quanh co nhưng vẫn có cảm giác an toàn không như đoạn đường đèo Hải Vân, nơi có quá nhiều xe cộ lưu thông nên vẫn thường xảy ra quá nhiều tai nạn.

Tuy nhiên, đường đèo Hải Vân có vẻ đẹp tự nhiên của trời, mây, biển cộng thêm với những đoạn đường sắt khi ẩn khi hiện… Con đường Great Ocean Road lại mang một vẻ Âu Tây với cảnh quan hùng vĩ hơn là cái đẹp của thiên nhiên. Con đường đèo nào đẹp hơn thì còn tùy vào cách nhìn của từng người nên người viết chỉ có nhiệm vụ mô tả những gì mắt thấy.

Cảnh quan trên đường thiên lý duyên hải

Apollo Bay là nơi chúng tôi dừng lại ăn trưa tại một công viên trong thị trấn. Nơi đây một đàn hải âu đã chọn làm bãi đáp để sẵn sàng chờ những miếng bánh mì mà du khách muốn chia sẻ với chúng. Quan sát kỹ một bầy hải âu luôn có con đầu đàn rất dữ, sẵn sàng đuổi những con khác để dành ăn. Xã hội loài chim đâu khác gì người, mạnh được yếu thua là vậy.

Bầy hải âu trong công viên đang dành mẩu bánh

Công viên còn có cả khu vui chơi ngoài trời dành cho trẻ em, trong đó có cả một sân trượt skateboard. Tôi đứng tại đây một lúc để ghi lại qua ống kính một màn trình diễn khá điệu nghệ, người biểu diễn chỉ là một chú nhỏ khoảng 6 hay 7 tuổi.


Trượt skateboard

Khác du lịch người Hoa đến Úc khá đông, họ có cả những công ty du lịch lữ hành với xe bus chở từng đoàn du khách. Ngay tại thị trấn Apollo Bay cũng có một tiệm ăn Tàu, thật đúng như câu “nơi nào có khói thì có người Hoa”.

Tại Biển Đông và trong đất liền của Việt Nam hiện nay, sự có mặt của họ còn vì những hoạt động khác ngoài việc du lịch. Đây là một hiện tượng đáng báo động trước làn sóng người Hoa tại Việt Nam. Báo chí lề phải thường dùng từ ngữ “lạ” để chỉ những gì có liên quan đến Trung Quốc, khởi đầu bằng “tàu lạ” uy hiếp tàu đánh cá Việt Nam ngay trên hải phận Việt Nam, rồi đến những “sản phẩm lạ và độc hại” tràn ngập thị trường Việt Nam và gần đây nhất “cờ lạ” xuất hiện trong sách giáo khoa bậc tiểu học…

Một ngày nào đó, chữ “lạ” sẽ không còn lạ nữa vì những người “láng giềng tốt bụng” sẽ lại “dạy cho Việt Nam một bài học” lần thứ nhì sau lần thứ nhất vẫn chưa… thuộc bài vào năm 1979!

Apollo Surfcoast Chinese Reataurant

Chúng tôi tiến vào Port Campbell, nơi có 12 tảng đá sừng sững nổi lên dọc theo bờ biển mà người Úc gọi là The Twelve Apostles (12 tông đồ). Trước khi vào khu vực chính, chúng tôi dừng tại Gibson Steps, tại đây có 86 bậc thang bằng gỗ trên vách đá dẫn xuống một bãi biển cát vàng hoang sơ. Những bậc thang này mang tên Hugh Gibson, một người định cư địa phương đã có công tạo dựng theo con đường của thổ dân để lại.

Gibson Steps

Tôi lượng sức mình nên chỉ đi một nửa trong số 86 bực thang dẫn xuống biển từ vách đá cao chừng 30 m. Bao giờ cũng vậy, lúc đi xuống rất dễ nhưng khi đi lên đòi hỏi một thể lực mà người lớn tuổi nhiều khi không đủ sức cho dù các bậc thang được dựng rất an toàn.    

Lưng chừng giữa 86 bậc thang

Tôi dành thì giờ đứng ở giữ lưng chừng thang để chụp ảnh. Từ trên cao nhìn xuống, những người trên bãi biển trông nhỏ li ti, mất hút giữa bãi cát hoang sơ và phía xa là những đợt sóng vỗ vào bờ. Sóng ở đây rất mạnh nên không an toàn cho việc bơi lội.


Bãi biển nhìn xuống từ Gibson Steps

Chúng tôi đi tới khu vực chính của Tewlve Apostles cách Gibson Steps chỉ vài phút lái xe. Ngay từ bãi đậu xe đã thấy hoạt động nhộn nhịp lên xuống của mấy chiếc trực thăng màu đỏ phục vụ khách du lịch. Một chuyến du lịch trên trực thăng chỉ kéo dài khoảng 5 phút để nhìn xuống những tảng đá vôi không lồ gần bờ.

Trực thăng phục vụ du khách

Mỗi năm có khoảng 10.000 khách đến thăm khu vực các tảng đá vôi được nhân cách hóa là “12 tông đồ”. Theo Kinh Thánh, Chúa đã chọn 12 tông đồ để sai đi rao giảng Phúc âm cho người Do Thái và các dân tộc khác. Trong 12 tông đồ đó có kẻ bán Chúa tên Juddas Iscariot mà trong bức họa The Last Supper (Bữa ăn tối cuối cùng) là người mặc áo xanh đang nắm chặt túi tiền đã bán Chúa cho người La Mã với giá 30 thỏi bạc.   

The Last Supper (Bữa ăn tối cuối cùng)

Theo các nhà khoa học, phải mất khoảng 20 triệu năm các khối đá vôi mới có được hình thù như ngày nay... Cụm đá vôi nổi tiếng này chỉ còn lại 8 tảng đá vì hiện tượng xói mòn của sóng biển. Tảng đá cuối cùng bị sụp đổ chỉ trong vài giây tựa như người ta giật sập một tòa nhà. Tất cả những gì còn lại của khối đã vôi cao 45 mét này chỉ là một đống vụn với chiều cao 10 mét.

Dưới đây là những tấm hình tôi ghi lại về cảnh quan thiên nhiên Twelve Apostles trong một buổi chiều ngược nắng, rất khó có được những góc cạnh vừa ý.








(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

6 nhận xét:

  1. Thêm người "lạ" ghé vào nơi này nè anh Chính ơi!

    Những khối đá vôi rất đẹp làm M nhớ cảnh bãi biển Phong hóa ở phía bắc Taipei, một bờ biển ở Taiwan.

    Phía sau lưng bức ảnh cuối có phải là một loài hoa hay là đá vôi lẫn trong cỏ ?

    Bức ảnh đứng lưng chừng con đường và bức ảnh cuối đủ ánh nắng.. nhìn rất đẹp.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong bức ảnh cuối phía sau lưng tôi là một loài hoa... lạ (lạ thật chứ không phải "lạ"!!!)

      Xóa
    2. Vâng, M cũng đoán đó là hoa! Lạ thật! (không có trong ngoặc kép) Vậy mà anh không lấy cận cảnh một tấm tiếc nhỉ!

      Xóa
  2. Hic, sao có hai chị em mình để tin lại cho ảnh hong hà tỷ ui, các bạn khác hông thấy nhỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có hai "chuyên viên" còm là quý rồi nhưng mình biết số viewers của trang này lên rất nhanh, gần 84.000 rồi đó. Con số này thật đáng khích lệ.

      Xóa
    2. Công nhận con số viewers đó đáng để gánh tị thật! Nếu anh lấy thêm cái flag-counter về đây nữa thì anh sẽ biết thêm là nhừng viewers đó từ quốc gia nào ghé vào đây nữa đó.

      Xóa

Popular posts