Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Du ký xứ… Miệt Dưới (11): Lễ Phục sinh và Cá Tháng Tư


(Tiếp theo)

Australia còn được gọi là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.

Phục Sinh (Easter) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người theo Công giáo. Tại nhiều quốc gia Tây Phương, trong đó có nước Úc, Lễ Phục Sinh kéo dài từ Thứ Sáu đến hết Thứ Hai, như vậy là mọi người có một “long weekend” để có thể vui chơi với gia đình hoặc nghỉ ngơi sau những ngày “đi cày” kiếm tiền mưu sinh.

Trứng và thỏ là hai vật chính trong dịp lễ Phục sinh. Mỗi năm có đến khoảng 90 triệu thỏi chocolate thỏ Phục sinh, 700 triệu viên kẹo dẻo và khoảng 15 tỷ viên kẹo viên hạt đậu - đủ để rải 3 vòng đường kính trái đất - được bày bán trong lễ Phục sinh.

Trứng Phục sinh

Trứng Phục sinh trở thành một phần của lễ Phục sinh bởi ăn trứng bị cấm trong suốt mùa chay đối với những người theo đạo Công giáo. Mùa chay là thời gian bốn mươi ngày trước Lễ Phục Sinh kéo dài từ ngày Thứ tư Lễ Tro đến Thứ bảy Tuần Thánh. Lễ Phục Sinh luôn luôn rơi vào một Chủ nhật giữa ngày 22/3 và 25/4 vì vậy, Thứ tư Lễ Tro có thể rơi vào bất cứ thời điểm nào giữa ngày 4/2 và 10/3. Thật rắc rối về ngày tháng cũng tựa như việc tính ngày Lễ Lao Động tại các nước trên thế giới.

Con số "bốn mươi" mang nhiều ý nghĩa trong Kinh thánh: bốn mươi ngày Moses trên Núi Sinai với Thiên Chúa; Thiên Chúa làm trận Đại hồng thủy bốn mươi ngày đêm; hành trình bốn mươi năm đến Đất Hứa của người Do Thái…

Thời gian 40 ngày tượng trưng cho bốn mươi ngày Chúa Giêsu trong hoang địa, nhịn ăn và chịu ma quỷ cám dỗ về ba khía cạnh của cuộc sống: (1) lòng khao khát đời sống xác thịt, (2) mong muốn quyền lực và (3) lòng kiêu ngạo. Nhưng Giêsu đã vượt qua trước sự cám dỗ của ma quỷ.

Theo truyền thống Tây phương, bốn mươi ngày trong Mùa chay được đánh dấu bởi việc ăn kiêng, làm từ thiện và hạn chế những thú vui. Ba việc thực hành truyền thống được coi trọng là (1) cầu nguyện (công lý về phía Thiên Chúa), (2) nhịn ăn (công lý về phía bản thân), và (3) bố thí (công lý về phía tha nhân).

Một trong những biểu tượng của ngày Lễ Phục sinh là trứng phục sinh. Chúa Giêsu sống lại và bước ra từ nấm mồ, người Công giáo coi hình ảnh những quả trứng gắn liền với sự hồi sinh. Trứng cũng còn mang ý nghĩa sinh sôi, nảy nở như sự xuất hiện của mùa Xuân đâm chồi nảy lộc sau mùa Đông lạnh giá, khô cằn.

Hình thức của quả trứng ngày nay đã có nhiều thay đổi. Ngoài những quả trứng thật được tô vẽ và nhuộm màu còn có thêm những quả trứng khác như trứng bằng chocolate cho trẻ em. Các hãng làm chocolate sản xuất ra trứng với nhiều kích cỡ và nhiều màu sắc cũng như trang trí sặc sỡ nhằm hấp dẫn khách hàng.

Ngoài ra còn có thêm những trò chơi: trẻ em nhân ngày lễ Phục sinh sẽ được dẫn đến những khu vườn hoặc những khu rừng dành cho lễ hội. Trứng được giấu trong các bụi cây, dưới những đám cỏ… để cho trẻ em đi tìm. Lại có những quả trứng bằng nhựa dẻo, trong đó có một quà tặng như quyển sách, một món hàng mua ở siêu thị…

Trang trí cho các quả trứng không tốn kém, với khoảng 3 Úc kim bạn có thể nhuộm trứng một cách tự nhiên bằng củ cải đường, bột nghệ hay bắp cải đỏ. Tuy nhiên, hầu hết mọi người mua thuốc nhuộm với giá từ 3 tới 14 đô-la một bộ.

Biểu tượng quan trọng thứ hai của Lễ Phục sinh là hình ảnh chú thỏ, bởi thỏ vốn tượng trưng cho sự nhanh nhẹn và hiền lành, được mọi người coi là biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ. Trẻ con ở các nước phương Tây thường tin rằng những quả trứng đầy màu sắc trong Lễ Phục sinh sẽ biến thành những con thỏ đáng yêu.

Thỏ Phục sinh hay thỏ con cũng bắt nguồn từ phong tục của những người đời xưa. Thỏ đi liền với mặt trăng trong các truyền thuyết ở cả Âu lần Á. Thỏ là loài vật sống về đêm khi chúng ra ngoài tìm ăn. Thỏ sinh ra với cặp mắt mở to và giống như mặt trăng, nó là "người thức canh bầu trời". Và chính thỏ là con vật dấu trứng để trẻ con đi tìm…

Thỏ Phục sinh

Hà & Phước là Phật tử mộ đạo ăn chay trường nhưng sống giữa xã hội đa số người tin vào Chúa nên cũng bị ảnh hưởng phần nào. Trong nhà thường có giỏ đựng bánh kẹo, nhân dịp Phục sinh có thêm hai quả trứng và một chú thỏ bằng chocolate. Để cho vui mắt thôi chứ nào có người ăn!

Giỏ bánh kẹo có thêm hai quả trứng và chú thỏ

Tuần trước Năng đã điện thoại rủ đi coi Live Show “Một thời để nhớ” vào Thứ Hai Phục sinh. Hóa ra hôm nay Thứ Hai cũng nhằm ngày 1/4, April Fools’ Day (Ngày của những chàng ngốc tháng tư), Tây gọi là Poisson d’ Avril (Cá Tháng Tư) còn ở Việt Nam thường gọi là ngày nói xạo hay chơi khăm mọi người mà không ại có thể bắt lỗi.

Có người giải thích Cá Tháng Tư có xuất xứ từ Pháp vì các trò đùa thường liên quan đến cá, chẳng hạn như dán giấy có hình con cá lên lưng áo người khác cũng tựa như ngày còn đi học ta thường dán giấy có lời thú tội yêu ai đó lên lưng bạn bè!

Lại có ý kiến cho rằng Tháng tư là mùa chay, theo công giáo, ăn chay mùa Phục sinh có nghĩa là kiêng thịt nhưng lại có thể ăn cá. Tại một số nước, người ta tin rằng ngày Cá Tháng Tư bắt nguồn từ những trò đùa tai hại của những người đánh cá, họ cho rằng ngày 1/4 thuộc thời kỳ cá giao phối nên việc câu cá bị cấm.

Tuy nhiên, một số người thì tin rằng việc sử dụng hình ảnh cá có liên quan đến vòng quay của mặt trời. Bởi lẽ trong những ngày đầu tháng Tư, khi mặt trời quay quanh cung Pisces theo chiêm tinh thì chùm sao có hình con cá.

Để giải thích April Fools’ Day có người lại cho rằng vào ngày này thời Trung cổ các vị linh mục thường mặc giả Giáo hoàng và bắt chước các nghi lễ của nhà thờ. Tất nhiên, nhà thờ đã tìm mọi cách để ngăn cấm lễ hội này nhưng mãi đến thế kỷ 16 hình thức lễ hội “bất hợp pháp” này mới chấm dứt.

Trong thần thoại La Mã, ngày lễ nói dối cũng được đề cập đến qua truyền thuyết về Ceres và Proserpina. Thần chết Pluto đã lừa dối và bắt cóc Proserpina xuống địa ngục để sống với ông ta. Proserpina cầu cứu mẹ là thần Ceres (vị thần của mùa màng) đến cứu nhưng bà không tìm được con gái mình. Câu chuyện về cuộc tìm kiếm con gái không kết quả của thần Ceres được cho là nguồn gốc mang tính thần thoại về “ngày làm những việc vô ích” trong Ngày 1/4 hiện nay.

Người Anh có câu chuyện dân gian về ngày Cá tháng Tư kể về thành phố Gotham, một thành phố thần thoại gồm toàn người ngốc sinh sống tại vùng Nottinghamshire. Theo truyền thuyết, vào thế kỷ 13, nhà vua ban hành sắc lệnh bất kỳ con đường nào nhà vua đi qua cũng sẽ trở thành tài sản chung. Người dân Gotham không chấp nhận đạo luật vô lý trên của nhà vua, họ không muốn bị mất con đường chính của mình nên đã dựng lên một câu chuyện để ngăn không cho đức vua đi qua thành phố của họ. Họ phao tin đồn rằng có một việc rất kỳ lạ đang diễn ra tạo thành phố này.

Không nén nổi sự tò mò, nhà vua bèn sai thuộc hạ đến dò la. Khi người này đến Gotham, anh ta thấy cả thành phố toàn những người mất trí và làm những việc ngớ ngẩn như dìm cho cá chết đuối hoặc nhốt chim vào trong các lồng không nóc (đương nhiên tất cả các hành động ngớ ngẩn này đều nằm trong vở kịch của người dân Gotham). Nhà Vua hoàn toàn tin vào câu chuyện của họ và tuyên bố bãi bỏ đạo luật này đối với "thành phố của những cư dân ngốc nghếch" . Kể từ đó, ngày nói dối tháng Tư được tổ chức để kỷ niệm sự dối lừa này.

Đây là một tin điển hình trong ngày Cá Tháng Tư: Ai đã từng đi qua ngôi làng Atmata - Một ngôi làng phía đông khu rừng nguyên sinh Amazon đều thấy trên dây phơi của các cư dân ở đây có những “chiếc găng tay khổng lồ”. Thực ra những trang phục mang hình găng tay đó không phải là găng tay mà chính là áo ngực của đa số phụ nữ trong làng.

Không hiểu do nguồn nước hay gen di truyền mà hầu hết chị em ở đây đều có tới… 3 cái tí, cá biệt có người có tới 5 hoặc 6 cái. Một vị già làng cho biết: “Nhờ có những cái thứ độc đáo ấy mà làng Atmata chúng tôi thu hút được rất nhiều khách du lịch, thêm nữa nếu có một phụ nữ nào đó trong làng đẻ sinh ba, sinh tư thì cũng không thành vấn đề”. Ngôi làng Atmata này còn có một cái tên khác nghe rất hình tượng, làng… Klager Banan (Làng… Nải chuối).



Tin “Cá Tháng Tư”: Người phụ nữ có 3 cái tí…
(với sự trợ giúp của Photoshop)

Sáng 1/4 trong lúc đang ăn sáng bà xã tôi phát hiện và thắc mắc trong giỏ bánh kẹo thay vì có 1 con thỏ và 2 quả trứng Phục sinh như đã nói ở trên nay lại có thêm 3 quả nữa màu xanh. Con gái giải thích một cách khôi hài “con thỏ đã đẻ thêm 3 quả trứng mới”, con rể sửa lưng con gái “không nên nói dối với người  lớn tuổi” tôi vội vàng thêm vào “hôm nay là ngày April Fools’ Day nên có quyền nói xạo”. Hóa ra tối hôm qua đi làm về con gái bỏ thêm vào giỏ 3 quả trứng của bạn cho!

Hai quả trứng biến thành 5 quả trong ngày April Fools’ Day

Gần một tháng ở Úc tôi đã gặp 2 kỳ nghỉ dài “long weekend”, hôm trước là Labour Day và tuần này là Easter. Nếu phải đi làm mới thấy weekend là quý và long weekend lại còn tuyệt vời hơn nữa. Nhớ lại ngày xưa, thuở còn “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” mỗi khi đến cuối tuần thấy vui chi lạ nhưng giờ về hưu lại thấy ngày nào cũng như ngày nấy, “một ngày như mọi ngày”.

Cũng may còn cái thú viết blog để trải lòng cho thiên hạ coi chung. Ngày nào cũng ngồi gõ bàn phím, ngày nào cũng tìm ra được đề tài mới rồi cứ thế cắm đầu cắm cổ với chiếc laptop. Tôi tự an ủi mình như vậy là quá hạnh phúc nếu so với những người chẳng biết làm gì cho hết thì giờ. Lại nhớ ngày xưa khi còn đi học cứ phải thuộc lòng 2 câu:

Thì giờ thấm thoát thoi đưa
Nó đi, đi mãi có chừa một ai!  

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

4 nhận xét:

  1. Lại được xem một bài hay. Cảm ơn anh :D

    Trả lờiXóa
  2. Qua entry này M biết thêm ý nghĩa về lễ Phục Sinh. Sáng hôm rồi vợ chồng đứa em gái đến nhà để cùng chị về quê, mời ăn sáng thì cả hai vợ chồng đều nói "hôm nay tụi em ăn chay và ăn đói, không được ăn vặt nữa"! thế là đành cho anh chị ấy ăn mì gói :( , sau đó lái xe trên trăm cây số về đến Định Quán cúng giỗ mẹ già xong, anh chị ấy lại tiếp tục ăn chay; mình ngoại đạo nhưng cũng rất trân trọng khi thấy các em có những niềm tin và sống tốt với niềm tin như thế.


    Thêm cái hình có ba cái tí nhìn thật dễ thương.. hihi.

    "Cũng may còn cái thú viết blog để trải lòng cho thiên hạ coi chung. Ngày nào cũng ngồi gõ bàn phím, ngày nào cũng tìm ra được đề tài mới rồi cứ thế cắm đầu cắm cổ với chiếc laptop. Tôi tự an ủi mình như vậy là quá hạnh phúc nếu so với những người chẳng biết làm gì cho hết thì giờ. Lại nhớ ngày xưa khi còn đi học cứ phải thuộc lòng 2 câu:

    Thì giờ thấm thoát thoi đưa
    Nó đi, đi mãi có chừa một ai!


    Nghe qua cũng cảm thấy chút bùi ngùi nha anh Chính! anh chịu khó chạy qua chạy lại thăm bạn bè, dù rằng đôi khi đọc phải những ngớ ngẩn.. của bạn bè, nhất là đọc phải những giòng của bà già này.. hihi nhưng như vậy sẽ thấy vui hơn đó anh Chính à.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi vẫn thường chạy qua chạy lại thăm bạn bè đấy chứ nhưng vì vốn kiệm lời nên thường không comment đó thôi. Có blog để tiếp xúc với mọi người là niềm vui trong lúc này đó M...

      Xóa
    2. Vậy thì để lại dấu phẩy dấu phết gì cũng được mà, kẻo bạn bè lại thấy vắng.

      Nói thì nói vậy chứ đôi khi thấy bạn bè viết gì mới mới, thì M chạy qua cũng chỉ để biết rằng bạn mình vẫn tồn tại ở đâu đó, rồi về.. hihi

      Xóa

Popular posts