Thứ Hai, 10 tháng 8, 2020

Nghệ thuật sáng tạo 30 bức tranh vẽ bằng chữ

(về Hồi Ức Thời Điêu Linh của Nguyễn Ngọc Chính)

phan ni tấn

30 bài viết trong tập Hồi Ức Thời Điêu Linh của Nguyễn Ngọc Chính là 30 bức tranh vẽ nên một phần cuộc sống của người dân Sài Gòn sau chiến thắng 1975 của Cộng sản miền Bắc Việt Nam. Đây không phải là những hồi ức mới lạ, nhưng Nguyễn Ngọc Chính vốn có cá tính sáng tạo và phong cách nghệ thuật sâu sắc đã khéo léo bày tỏ quan niệm của mình về ý thức xã hội, về con người và đời sống vì thời thế đã phải trải qua một thời điêu linh.

Nhìn chung, Hồi Ức Thời Điêu Linh là một bức tranh xã hội, ngoài bút pháp là yếu tố quan trọng còn kèm theo nhiều hình ảnh giá trị, qua đó tác giả gởi gắm tâm tư vào thời kỳ đổi mới, tuy trong vòng mười năm, nhưng cũng đủ để tác giả bộc lộ một nhận thức thực tế về cuộc sống lao đao của người dân vào thời bao cấp. Ngoài ra, Nguyễn Ngọc Chính cũng cất lên tiếng nói cảm khái trước thế sự và thế thái nhân tình gói trọn trong một kiếp người vốn nhiêu khê ngoài dự tưởng.

Như chúng ta đều biết sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ, Cộng sản miền Bắc đã tiến hành một số cải cách về chính trị nhằm đối phó với tình hình còn giao động ở miền Nam. Mục đích của cuộc cải cách nhằm áp dụng nền tảng xã hội chủ nghĩa thay cho chế độ cũ của VNCH, đồng thời chứng tỏ vị thế chính trị của Cộng sản miền Bắc trên một chế độ vừa bị xóa sổ. Vì thế, năm 1976, Đảng Cộng sản Việt Nam đã mau chóng cột chặt nền kinh tế miền Nam bằng cách áp đặt một phương án mới mà cũ gọi là thời bao cấp.

Thời bao cấp được rút từ mô hình kinh tế cũ đã thực hiện ở miền Bắc từ năm 1954, sau đó được áp dụng ở Sài Gòn từ năm 1976 đến năm 1986 thì chấm dứt, ngay khi gặp phải rất nhiều khó khăn và gây nên nhiều cơn khủng hoảng đối với các vấn đề có liên quan đến đời sống dân chúng từ thành thị đến thôn quê của miền Nam Việt Nam. Từ một miền Nam trù phú với thế mạnh của đất, của sông ngòi, biển cả, sôi động trong các khu vực công nghiệp, sung túc trên các thương trường, sau mười năm của thời bao cấp đã trở nên tiêu điều nhất trong lịch sử Việt Nam.

Muốn biết “Bao cấp” nghĩa là gì ta hãy nghe Nguyễn Ngọc Chính, tác giả Hồi Ức Thời Điêu Linh định nghĩa: “Bao cấp là tất cả đều do nhà nước đứng ra ‘bao’ hết, từ cây kim, sợi chỉ, que diêm cho đến lương thực hàng ngày”. Từ cách định nghĩa vô cùng giản dị và thực tế, Nguyễn Ngọc Chính kết luận:“Chế độ bao cấp ngoài việc khiến người dân lúc nào cũng đói còn hủy hoại những giá trị đạo đức căn bản của con người”.

Sài Gòn của thời bao cấp đã sinh ra nhiều phần tử mánh mung, lừa đảo lẫn những con người thuần lương, chất phác đến buồn cười. Ai cũng biết có phố là có chợ. Mà chợ thì có chợ trong, chợ ngoài. Ngược với chợ trong là chợ cố định như nhà lồng chợ thì chợ ngoài tức là chợ trời. Chợ trời diễn ra ở khắp hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn nhằm phục vụ cho người mua lẫn kẻ bán. Ở đó, lẫn lộn với "dân chợ trời" còn có nhà văn, nhà giáo, bác sĩ, kể cả tác giả Hồi Ức Thời Điêu Linh, vì miếng ăn phải ra đường kiếm kế mưu sinh.

Nói về chợ trời thời điêu linh, Nguyễn Ngọc Chính nhận xét thật hay: "Chợ trời là một hình thức 'tự phát' khi nhu cầu của người miền Nam cần bán những mặt hàng được coi là không còn cần thiết trong tình hình mới, gặp nhu cầu của người mua là những người đến từ phương Bắc. Họ săn nhặt những mặt hàng 'lạ' còn sót lại từ thế giới tư bản niền Nam".

Con người từ trong bóng tối lâu ngày bước ra ngoài ánh sáng, ai cũng như ai, tất cả đều mang một trạng thái ngỡ ngàng, nếu không muốn nói là cái ngơ ngáo hồn nhiên của những chiến binh chân quê, cái chất phác của những anh bộ đội đi xẻ dọc Trường Sơn được đặt chân lên Sài Gòn phồn vinh mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông.

Nếu chợ trời có đủ các thành phần trong xã hội từ thượng vàng đến hạ cám thì vùng kinh tế mới cũng đầy những phức tạp của trăn trở đổi mới. Sau ba mươi năm chiến tranh, những địa phương nông thôn xa xôi cũng như những vùng đất hoang vu trên rừng núi trở thành vùng kinh tế mới.

Mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới đã từng thực hiện chính sách kinh tế mới từ thập niên 1920, nhưng đối với hầu hết người trong Nam sau 1975 có thể nói "kinh tế mới" là từ lạ tai, một thế giới lạ lẫm. Giữa năm 1975, nhà nước Cộng sản tổ chức chương trình đưa dân thành thị ra vùng kinh tế mới, ngoài lý do kinh tế, còn có mục đích chính trị để giảm số người thuộc chính quyền Sài Gòn cũ tập trung ở những đô thị, nhất là vùng Sài Gòn, như Nguyễn Ngọc Chính đề cập. Rõ ràng đây là một vấn đề thuộc phạm vi “an ninh chính trị” nhằm loại trừ những phần tử phản động, chống đối.

Cho nên vùng kinh tế mới là một thế giới mới lạ, đầy hỗn tạp. Một khi đặt chân đến vùng đất khẩn hoang này, người giàu kẻ nghèo, quan quân, chủ tớ, ai cũng như ai, đều bỏ lại đằng sau toàn bộ quá khứ của mình để bước vào một kiếp sống mới, một cuộc đổi đời hoàn toàn bình đẳng về tư cách làm người.

Phương thức cưỡng bách dân thị thành đi kinh tế mới cũng gần giống như chính sách tập trung thành phần của chế độ cũ đi học tập cải tạo. Bài Góp nhặt buồn vui thời cải tạo của Nguyễn Ngọc Chính đã gợi dậy ở người đọc niềm thương cảm xót xa cho đời sống dân chúng miền Nam, đồng thời cảm thông cho những thân phận tù đày mà chính quyền mới luôn khẳng định, đây không phải là nhà tù mà đây là nơi… học tập cải tạo, như Nguyễn Ngọc Chính bộc bạch sau cuộc đổi mới mạnh mẽ của đất nước.

Trong thời điêu linh, Nguyễn Ngọc Chỉnh cũng không quên nói đến chuyện đổi tiền, đốt sách. Riêng về chiến dịch đốt sách, ta đều biết, sau khi Việt Minh tiếp quản Hà Nội, các loại sách báo đã in ra từ trước 1954 dưới thời Pháp thuộc đều bị đốt sạch. Vì vậy, việc đốt sách tại miền Nam ngay sau ngày 30/4/1975 cũng lập lại bằng chiến dịch Bài trừ Văn Hóa Đồi Trụy Phản động.

Phản ứng việc đốt sách, Nguyễn Ngọc Chình viết: "Sách báo bị thu gom để thiêu hủy, coi như đốt cháy cả cơ nghiệp lẫn con người của những cá nhân có liên quan". Tất nhiên, những người có sách bị đốt cũng có phản ứng, nhưng riêng tôi lại không. Thật ra, nghèo rớt mồng tơi như tôi lúc đó chỉ lèo tèo vài ba cuốn sách gối đầu nằm, thay vì đốt thì tôi đem chôn dưới chân đồi. Lúc chôn sách tôi tưởng tôi là… bạo chúa Tần Thủy Hoàng "đốt sách, chôn nho".

Nhìn chung những bài viết trong Hồi Ức Thời Điêu Linh được đánh số từ 1 đến 9: Bao cấp. Chợ trời, Kinh tế mới, Cải tạo, Đổi tiền, Đốt sách, Bạn hữu, Lò bát quái Chí Hòa đều là những nhận định sâu sắc về thời điêu linh.

***

Số bài còn lại của Nguyễn Ngọc Chính là đề tài viết về những cảnh đời éo le, bát nháo thường ngày. Đây là sở trường của tác giả Hồi Ức Thời Điêu Linh, dùng ngòi viết sắc cạnh, nhạy bén để vạch ra những thói đời lố lăng, kịch cỡm, những cuộc sống ồn ào của quyền chức gây ra tệ nạn tham nhũng, những kiểu hối lộ thời @, rồi nạn ô nhiễm môi trường, sự xuống cấp của giáo dục học đường, cái tếu táo đầy mùi vị cay đắng của chữ nghĩa, cái ngây ngô, hẹp hòi, thiếu tri thức của một của một nhà báo kiêm nhạc sĩ, cái đề tài nóng bỏng của người Việt Nam về người Trung Quốc, cái bản chất tàn bạo, khốc liệt của chiến tranh v.v… Loanh quanh toàn những chuyện méo mó, phàm tục lẫn bi hài vẫn diễn ra hằng ngày trong mọi ngõ ngách của cuộc đời nhưng nhức nhối đến tận tâm can.

Để bù đắp khiếm khuyết nhân tính kể trên, Nguyễn Ngọc Chính đã khéo lồng vào đó vẻ đẹp nhân bản của con người, dù có một vẻ đẹp ray rứt khôn nguôi. Nhà văn miêu tả chân dung của một vị tướng khét tiếng trên chiến trường Điện Biên Phủ, lúc về già lại trở thành chủ tịch Ủy ban Quốc gia về sinh đẻ có kế hoạch: "Ông đã đi qua những tháng ngày bị xếp xuống hàng cuối cùng trên những lễ đài, tuy lặng lẽ nhưng sừng sững" ("Bên Thắng Cuộc" - Tướng Giáp).

Cái "sừng sững" của một vị tướng ngoài chiến trường, lúc về già đã đi vào câu thơ dân gian truyền tụng:"Nhà thơ làm kinh tế. Thống chế đi đặt vòng". Đó là hình ảnh ngậm ngùi của một anh hùng bị thất sủng.

Và để lấp đi nỗi buồn mênh mông trần thế, Nguyễn Ngọc Chính lại vẽ nên những đối tượng của mình bằng một bút pháp thân mật, nhã nhặn và tự nhiên. Các đối tượng của Nguyễn Ngọc Chính không ai khác hơn là bạn bè cũ, mới, thân, sơ, cùng điêu đứng trong một xã hội hỗn độn, nhiêu khê. Có điều, bạn hữu của Nguyễn Ngọc Chính kể ra chẳng mấy ai "bình thường".

Đó là "một người bạn" đặc biệt nhất, thân thương nhất, chân tình nhất, gắn bó nhất, suốt đời không quên, không xa cách, không ruồng bỏ, chính là cô gái út có biệt danh "xúi quẩy" của ông bố Nguyễn Ngọc Chính. Ta gặp ở đây cái cảm hứng trào lộng của ông bố tiết lộ nguyên do vì đâu cô con út của ông - khi Sài Gòn sụp đổ mới chỉ chưa đầy ba tháng, hãy còn ẵm ngửa - lại có cái tên "xúi quẩy", một cái tên thật… xúi quẫy mà cũng thật dễ thương: “Xúi quẩy” vì đồ đạc trong nhà cứ thay nhau ra chợ trời để lấy tiền mua gạo. “Xúi quẩy” vì bố đi học tập mút chỉ. Nói chung, “xúi quẩy” vì cả miền Nam đang trong thời kỳ… “xúi quẩy”!

Sam Korsmoe là tác giả cuốn sách Saigon Stories viết về Sài Gòn trước và sau 1975 do nxb Public America xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2006. Cuốn sách xoay quanh 5 gia đình người Việt xuất thân từ miền Bắc trong đó có đủ các nhân vật thuộc mọi thành phần chính trị, xã hội trải qua những giai đoạn lịch sử nước Việt. Nguyễn Ngọc Chính cho biết những nhân vật trong truyện đã tạo cho Saigon Stories nhiều sắc thái về một cuộc chiến đã đi qua và quan điểm khác nhau trong một giai đoạn lịch sử của đất nước.

Bạn của Nguyễn Ngọc Chính còn có nhóm tứ nhân bang: Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Nguyễn Quán, "bốn chàng tuổi trẻ vốn dòng quái kiệt" đã làm một cuộc "nổi loạn văn hóa" tại Sài Gòn vào cuối năm 2000.

Bùi Chát, thủ lãnh của nhóm "tứ nhân bang" cho biết vì sự phi lý, trì trệ “đến khó hiểu” trong sinh hoạt văn hóa - văn nghệ tại Việt Nam nên những người trẻ này quyết tâm… "Mở Miệng". Mở Miệng là nhan đề của tập thơ "chui" của Bùi Chát do "nhà xuất bản" Giấy Vụn, cũng chính của họ, ấn hành bằng máy photocopy. Sau 18 năm Mở Miệng đã có hơn 40 đầu sách thuộc nhiều thể loại, lĩnh vực được Giấy Vụn giới thiệu đến tay bạn đọc gần xa, trong có hơn 10 cuốn của nhóm Mở Miệng.

Ta hãy nghe Nguyễn Ngọc Chính bình phẩm thứ thơ mà bản thân họ tự nhận là “thơ dở”,“thơ rác”,“thơ nghĩa địa”, thứ thơ nên “đào đất chôn đi” (nhà phê bình Phan Xuân Nguyên): "Quả thật rất khó 'tiêu hóa' những ngôn từ & ý tưởng của thơ Mở Miệng như trong bài thơ Vần ‘inh’ của Bùi Chát trong tập thơ Cái l. bỏ đi & những bài thơ chửi rủa [bới, lộn], Nxb Giấy Vụn, 2004:

“tôi buồn khóc như buồn nôn

ngoài phố

nắng thuỷ tinh

tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ

thanh tâm tuyền

[í quên, bùi chát chớ!]

...

tôi thèm giết tôi

loài sát nhơn muôn đời

tôi gào tên tôi thảm thiết

buồi chét! buồi chét! bù ù ù ồ ồ ì ì ì ché é é t t t !

bóp cổ tôi chết gục

để tôi được phục sinh

vợ tôi hôm nay bất ngờ có kinh…"

Tuy nhiên với Nguyễn Ngọc Chính, ngoài bạn bè là người; còn có bạn ảo khác người. Đó là người bạn "tiếng còi tàu thời ấu thơ" của tác giả. Nhà văn tâm sự: "Tuổi thơ của tôi cũng có những gắn bó với tiếng còi tàu. Những chuyến tàu qua lại trở thành quen thuộc đến độ gần gũi, thân thương. Có những ngày tàu từ Tháp Chàm về trễ vì những trục trặc dọc đường… bỗng thấy lòng tự nhiên nôn nao như thiếu một cái gì đó". Sau 1975, những con tàu ngày xưa đó và những đường ray đã trở thành sắt vụn trong thời điêu linh. Tất cả chỉ còn là hoài niệm về tiếng còi tầu của tuổi thơ.

***

Đọc Hồi Ức Thời Điêu Linh của Nguyễn Ngọc Chính tôi nhận ra tác giả là cây bút có khuynh hướng tả chân. Những tập Hồi Ức trước kia và lần theo 30 bài viết của nhà văn lần này, thấy những câu chuyện được nêu ra hết sức đa dạng, phong phú, sinh động, dù có hàm ý sâu xa nhưng thật lí thú vì rất thực.

Về phương diện ngôn ngữ mang danh nghĩa "hồi ức", Nguyễn Ngọc Chính là một cây bút vạm vỡ, không ngừng nỗ lực mang lại cho nền văn học Việt Nam những tác phẩm giá trị liên quan tới con người và đời sống từ thời điêu linh cho đến nay.

 ***

Bộ đội trước Dinh Thống Nhất

Xe bán hàng lưu động của mậu dịch quốc doanh gần Khách sạn Thống Nhất (Hà Nội, 1972)

Căn nhà vắng chủ tại vùng kinh tế mới

Chợ Bến Thành thời bao cấp

Khu Dân Sinh (quận 1, Sài Gòn) từng là một trong những địa chỉ của công cuộc cải tạo công thương nghiệp sau năm 1975

Chiếc vòng kỷ niệm làm trong trại cải tạo

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts