Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

Vui buồn thời điêu linh: Học tập cải tạo

Tại miền Nam, vào tháng 6/1975 Chính phủ Lâm thời Cộng hòa niền Nam Việt Nam ra thông cáo bắt buộc sĩ quan và viên chức Việt Nam Cộng hòa phải đi “học tập cải tạo”. Thông báo của Ủy ban Quân quản nêu rõ:

"Việc tổ chức cho ngụy quân, ngụy quyền và các đối tượng phản động ra trình diện học tập cải tạo thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, có tác dụng phân hóa hàng ngũ bọn phản động, cô lập bọn đầu sỏ ngoan cố, đập tan luận điệu tuyên truyền chiến tranh tâm lý của địch, tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân."

Cụ thể hơn, chính quyền đưa ra bốn thành phần cần phải tập trung cải tạo: (1) Ngụy quân: sĩ quan từ cấp úy đến cấp tướng; (2) Ngụy quyền: cảnh sát, tư pháp, hành chính; (3) Đảng phái phản động: đảng viên hoạt động từ cấp quận trở lên; và (4) Đầu hàng, phản bội: các phần tử bị Ngụy quyền chiêu hồi.

Bên cạnh đó là những thành phần không thuộc bốn diện trên nhưng có hoạt động chống phá như nhà văn, nhà báo (còn được gọi là “những tên biệt kích cầm bút")... cùng các tội phạm hình sự như trộm cướp, ma túy cũng được xếp vào diện phải đi học tập cải tạo.

Thực tế thì việc học tập cải tạo bắt đầu từ tháng 5/1975 đối với hạ sĩ quan và binh sĩ VNCH. Họ phải qua một khóa chính trị 3 hay 4 ngày rồi được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận để cho về. Thế cho nên, đa số các sĩ quan cũng chỉ “mong” tới phiên mình “được” học tập và sớm trở về với gia đình và xã hội.

Giấy chứng nhận đã học tập cải tạo cấp cho hạ sĩ quan và binh sĩ VNCH

Thời gian trình diện được quy định từ ngày 13 đến 16/6/1975. Người ta chú ý đến chi tiết phải mang theo lương khô đủ dùng trong 10 ngày để tự túc về lương thực. Hạ sĩ quan và binh sĩ đã học 3 ngày nên sĩ quan cấp úy sẽ học 10 ngày là điều… vô cùng hợp lý. Đối với nhiều người, đó là một chính sách nhân đạo.

Một trong những trường hợp lạc quan là Bác sĩ Nguyễn Phước Đại, khi đó làm Giám đốc Bệnh viện Sài Gòn (xế bên Chợ Bến Thành). Ông vốn là dân Tây mới về nước nên thắc mắc với các nhân viên trong bệnh viện: “Lươn khô tôi không biết ăn, vậy chứ nếu mang thứ khác thay thế được không?”. Ông bác sĩ giỏi tiếng Pháp nhưng lại không rành tiếng Việt nên cứ tưởng “lương khô” là… con lươn được sấy khô! 

Thủ tục đầu tiên để được cải tạo là… đăng ký để đi học. Địa điểm tôi đăng ký là trường Taberd nằm ở góc đường Hai Bà Trưng – Lê Thánh Tôn, sau này đổi tên là trường Trung học Sư phạm. Trong ba lô hay túi xách của mỗi người đi trình diện có các loại lương khô như mì gói, gạo sấy, thịt chà bông… kèm theo các vật dụng cá nhân như một bộ quần áo để thay đổi, bàn chải-kem đánh răng và vài viên thuốc cảm phòng khi trái nắng trở trời.

Nói chung, bầu không khí đăng ký tại đây có phần “hồ hởi” vì ai cũng nghĩ đến ngày học xong để trở về với gia đình và xã hội. Việc đăng ký cũng đơn giản: chỉ cần khai họ tên, số quân, cấp bậc, chức vụ, đơn vị phục vụ… Tuy nhiên, đăng ký xong là tập trung học tập ngay chứ không phải… đăng ký, giữ chỗ rồi về nhà chờ.


Trình diện học tập cải tạo

Ngay tối hôm đó chúng tôi được một đoàn xe Molotova bít bùng chở đến địa điểm học tập. Trên xe ngoài tài xế còn có 2 anh bộ đội với súng AK ngồi ngoài cùng. Các anh còn rất trẻ, khi thấy trong xe tôi có cả nữ quân nhân nên nói với nhau: “Lại còn đem cả vợ đi học nữa”!

Đường ban đêm nên chẳng biết xe đi đâu. Mọi người chỉ đoán xe chạy rất lâu, khoảng 100 km, thì dừng. Có người tỏ ra quen thuộc với địa điểm này, anh nói hình như đây là căn cứ Trảng Lớn của Sư đoàn 25 bộ binh ở Tây Ninh. Anh bạn cùng xe với tôi đã nói đúng vì trước đây anh phục vụ tại sư đoàn này.

Tuy vậy, anh chỉ đúng có một phần. Hồi xưa đơn vị anh là chủ căn cứ nhưng giờ đây nơi này thuộc quyền kiểm soát của “bên thắng cuộc”. Chúng tôi chỉ là “những người khách không mời” của trại cải tạo Trảng Lớn, Tây Ninh. Sự nghiệt ngã của chiến tranh là vậy.

Nằm ở phía Tây Nam Sài Gòn, Trảng Lớn là một căn cứ quân sự quan trọng chỉ cách biên giới Cambodge chừng 40 km. Ngọn núi Bà Đen cũng là một điểm chiến lược trọng yếu, từ đây có thể khống chế toàn khu vực nên có đặt một đài radar. Đối với người cải tạo, núi Bà Đen (trước đây còn được gọi là “Đỉnh Buồn Hiu” vì mang tên Núi Một) tượng trưng cho Sài Gòn để họ hướng về nơi gia đình và người thân đang sống.

Núi Bà Đen, Tây Ninh

“Trảng” là một từ ngữ phổ biến tại vùng Tây Nam bộ, hàm ý một vùng cỏ hoang, bằng phẳng giáp với rừng hay giữ hai cánh rừng. Đó có thể cũng là lý do Sư đoàn 25 thiết lập một căn cứ quân sự khá lớn với nhiều doanh trại làm theo kiểu nhà tiền chế và rất nhiều kho quân nhu, quân dụng.

Giờ thì mỗi căn nhà có thể chứa khoảng 50 người cải tạo, một sự sắp xếp trớ trêu của định mệnh sau ngày miền Nam thất thủ. Phải nói là chúng tôi vẫn còn may mắn khi Trảng Lớn đặt dưới quyền kiểm soát của bộ đội chứ không là công an. Vì sao ư? Đơn giản chỉ vì bộ đội không quá khắc nghiệt như công an, vốn nổi tiếng với cách điều hành một trại giam.

Mọi người sống trong tâm lý… “sinh hoạt cầm chừng” chờ ngày được về. Thời gian hơn 10 ngày đã qua đi mà trại chỉ mới tổ chức một hai buổi “lên lớp chính trị” với các bài giảng như “đế quốc Mỹ là kẻ thù của nhân dân”, “thật thà khai báo việc làm trong thời gian qua để sớm được trở về với gia đình”…

Sau mỗi buổi học tập chính trị, mỗi cá nhân phải viết “bản tự kiểm” nộp cho “quản giáo”, tức bộ đội phụ trách từng đội. Cũng có những buổi sinh hoạt tổ được giám sát bởi quản giáo để mọi người đứng ra thú nhận “tội máu với nhân dân” dù đó là anh bác sĩ quân y, anh công binh xây dựng cầu cống hoặc anh giảng viên quèn như bản thân tôi. Tất cả, dù dưới hình thức này hay hình thức khác, đều là… “kẻ thù của nhân dân”!

Ngay buổi học tập chính trị đầu tiên chúng tôi đã bị một cú sốc lớn về văn hóa của “chính uỷ” tiểu đoàn. Đó là một loại “cultural shock” mà tôi không thể nào quên. Trước một tập hợp những người cải tạo từ các đội trong một hội trường lớn, ông quản giáo phụ trách chính trị đã “lên lớp” các sĩ quan cải tạo. Đại khái như sau:

“Đế quốc Mỹ chính là con đỉa hút máu… chúng hút máu nhân dân Mỹ bằng những tay trùm tư bản lên nắm quyền Tổng thống, cai trị nhân dân lao động. Ford là Tổng thống nhưng trước đó hắn là chủ nhân công ty sản xuất xe ô-tô… thì là sao mà có chuyện thương người lao động chân tay, khổ cực, lầm than…” 

Vấn đề là vị quản giáo trên bục giảng đã quá coi thường những sĩ quan cải tạo. Ít nhất họ cũng là những người có trình độ từ tú tài trở lên nên thừa hiểu biết Henry Ford, người sáng lập Công ty Ford Motor, đã qua đời từ năm 1947… còn đương kim Tổng thống Gerald Ford là kẻ hậu sinh, được bầu là Tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ, năm 1974.

Một chuyện thuộc lại “tiếu lâm” khác cũng xảy ra tại một trại học tập cải tạo ở miền Nam. Khi thuyết trình về tình hình chính trị quốc tế tại Trung Đông, có một quản giáo đã nói đến hai nước “Một La Mã Răng” và “Một La Mã Rắc” trước sự ngạc nhiên của người cải tạo. Mãi sau này mới hiểu đó là các nước Iran và Iraq.

Phải thành thật nhìn nhận, trình độ hiểu biết về chính trị của các cán bộ quản giáo rất yếu kém. Tuy nhiên, khi giảng về đạo đức các vị vẫn thuộc nằm lòng câu nói của người xưa, “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”. Có điều những người “chạy lại” bị tập trung rất lâu trong trại.

Ngày tàn cuộc chiến

Những ngày đầu chúng tôi đều tin tưởng rằng mình sẽ được trở về sớm nhưng có người phân tích: thông cáo bảo mang theo lương khô đủ dùng trong thời gian 10 ngày… chứ đâu có nói “học tập 10 ngày”!

Anh em lại hy vọng chắc đến 2/9/1975 là ngày Quốc khánh sẽ được về nhưng tất cả đều thất vọng vì có lệnh của tiểu đoàn phải cuốc đất trồng rau, tăng gia sản xuất để “cải thiện” bữa ăn. Như vậy là đồng nghĩa với việc “yên tâm cải tạo” và chờ… khi nào cải tạo tốt thì được trại cho về!

Một ngày trong trại cải tạo được bắt đầu với tiếng kẻng đánh thức vào lúc 5 giờ sáng. Người cải tạo cũng như cán bộ “khung” trên tiểu đoàn đều thức dậy để chào ngày mới bằng những động tác thể dục mà chúng tôi gọi vui là theo kiểu… “chim bay, cò bay”.

Trước khi chấm dứt bài thể dục, cán bộ trên tiểu đoàn hô khẩu hiệu “Rèn luyện thân thể. Bảo vệ tổ quốc”. Còn chúng tôi, những người cải tạo chưa được chính thức có quyền công dân nên khẩu hiệu hơi khác đi: thay vì “Bảo vệ tổ quốc” mọi người phải sửa thành… “Học tập tốt”!

Sau màn thể dục là thời gian làm vệ sinh cá nhân. Nước thì đã có giếng, được kéo lên bằng những sợi dây bện bằng sợi nylon của bao cát. Chúng tôi may mắn vì trong căn cứ của Sư đoàn 25 có cả một kho bao cát chưa sử dụng, anh em tha về, tháo những sợi nylon rồi bện thành dây để kéo nước từ giếng lên. Có người khéo tay còn “sáng chế” ra áo khoác hay mũ đội đầu bằng bao cát. Cái khó không bao giờ bó cái khôn!

Tùy theo lịch làm việc đã được quản giáo thông báo với “đội trưởng” (cũng là người cải tạo), công việc trong ngày được phân công đại khái như sau: toán “lao động vườn rau” làm công việc “thu gom” phân và nước tiểu để chăm bón cây. Đây là một công tác không đòi hỏi sức khỏe nhưng lại rất… “nặng mùi”!

Toán “lao động chính” chờ vệ binh xuống để dẫn đường đến các điểm được chỉ định. Có thể đến Phi đạo L19 để dọn dẹp. Căn cứ Trảng Lớn ngày xưa có một phi trường nhỏ dành cho phi cơ L19, mặt phi đạo được lót bằng những tấm vỉ sắt dài, có những lỗ hình tròn. Cứ 6 người tha một vỉ sắt dài để mang về đội.

Những nhà thiết kế vỉ sắt không ngờ ngoài việc làm tấm lót phi đạo thay cho nhựa đường và xi măng lại còn có những công dụng mà họ chẳng bao giờ nghĩ tới. Đối với người cải tạo, vỉ sắt được dùng trong rất nhiều việc: làm “tường” vây các hố tiêu, tiểu… làm sàn nước quanh giếng để tắm rửa, giặt giũ.

Cũng tại phi trường bỏ hoang, chúng tôi săn nhặt những mảnh nhôm còn sót lại để đem về trại và “chế tác” thành những vật kỷ niệm cải tạo mà có lẽ chỉ Trảng Lớn mới có. Đó là những chiếc lược nhôm “Made in Trảng Lớn” mà người cải tạo sau này đem về tặng những người thân, người tình hoặc giữ lại cho chính mình.

Trong đội của tôi có một anh nguyên là kỹ sư công binh, có nghĩa là anh khéo tay chế biến các vật kỷ niệm trong điều kiện vô cùng thiếu thốn các dụng cụ để chế tác. Trước hết là công đoạn cắt mảnh nhôm thành hình những đồ vật mà mình tưởng tượng trong trí: chẳng hạn như một cái lược.

Kỷ vật trại cải tạo

Nhôm là kim loại rất dễ uốn nắm chứ không cứng như sắt hoặc thép. Chỉ cần một cây sắt mài nhọn ta có thể khắc những hoa văn, hình ảnh hay chữ viết trên tấm nhôm kỷ niệm. Người cải tạo chúng tôi gọi công việc này là “xủi”, có nghĩa là khắc họa trên tác phẩm.

Chỉ cần một người chuyên môn như “ông thầy công binh” biết cách chế tác là cả đội có thể học lóm và những ngày nghỉ cuối tuần đội cải tạo biến thành một “xưởng thợ”, sản xuất những mặt hàng kỷ niệm để mai này về tặng lại cho người thân. Vật kỷ niệm trở thành vô giá. Ông bà ta thường nói “Của một đồng, công một nén” nhưng có lẽ trong trường hợp này giá trị tinh thần còn cao hơn thế nữa. 

Công tác lao động “nặng” nhất là việc dọn dẹp phía trong hàng rào chung quanh căn cứ đã bị bỏ hoang một thời gian. Trong chiến tranh, hàng rào phòng thủ thường gài mìn để ngăn ngừa xâm nhập. Thế là đã có những vụ nổ mìn do bất cẩn và kết quả là… từ bị thương cho đến chết.

Kinh khủng nhất là loại “lân tinh”, chiếu sáng nhờ chất phốt-pho. Một khi phát nổ, hóa chất có thể dính vào thân thể và cứ thế ăn mòn da thịt. Âu cũng là số mạng. Chiến tranh 20 năm qua không chết mà lại chết trong thời bình!

Súng đạn lúc nào cũng vô tình nên một quả M79 sau khi được bắn ra chưa đủ vòng quay nên chưa nổ… chỉ cần vô tình đụng nhẹ cũng đủ kích động. M79 vốn được thiết kế để phá hủy sắt thép thì làm sao con người bằng xương, bằng thịt có thể sống sót!

Quả đạn M79 là một thứ vũ khí mang lại sự chết chóc… nhưng cũng chính ống phóng của quả đạn này dưới bàn tay “đa năng, đa hiệu” của người cải tạo cũng có thể trở thành một kỷ vật đầy ý nghĩa để đánh dấu chuỗi ngày học tập, mất hẳn quyền tự do tối thiểu.

Ngày ra trại, trong hành trang của tôi lúc trở về với cuộc sống bình thường có hai vật kỷ niệm: một chiếc lược nhôm và một chiếc vòng có “xủi” 6 cái tên trong gia đình làm từ ống phóng M79. Những kỷ vật vô giá này đã truyền lại cho đời cháu để nhớ lại những gian khổ mà bản thân tôi đã phải vượt qua.

Chiếc vòng bằng ống phóng M79 có khắc tên kỷ niệm 6 người thân

Tôi thuộc loại người luôn “lạc quan” trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. Triết lý sống của tôi thật đơn giản như chuyện “Tái ông thất mã” trong Cổ học Tinh hoa. Ông già họ Tái không buồn khi mất đi con ngựa, đến khi con ngựa trở về mang theo một ngựa con ông cũng chẳng vui khi hàng xóm đến chúc mừng. Con trai cưỡi ngựa bị té gãy chân, hàng xóm đến chia buồn nhưng ông bảo ông vẫn dửng dưng không coi đó là xui xẻo. Quả nhiên, vì bị gãy chân nên con trai ông không phải tòng quân!

Vui – Buồn, Vinh – Nhục, Họa – Phước cứ đến rồi đi, cứ lên rồi xuống tựa như một chuyển động hình Sin. Người ý thức được sự tuần hoàn trong vũ trụ sẽ có một thái độ dửng dưng, an nhiên tự tại trước những biến cố của cuộc đời. Cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước, hôm sau… người cười!

Người cải tạo sinh hoạt trong một môi trường khép kín, vây quanh bởi lớp hàng rào kẽm gai, cách biệt với cuộc sống bên ngoài xã hội. Tuy nhiên, đó cũng lại là một trong những lý do khiến chúng tôi cảm thấy gần gũi với nhau hơn. Trong bối cảnh một xã hội cùng cực luôn xuất hiện những người bạn chí cốt, những người đã chia sẻ buồn vui trong quãng đời hoạn nạn, điêu linh.

Có thể nói, học tập cải tạo đã dậy cho tôi, không phải là những bài học chính trị, mà là ý nghĩa của của hai chữ “bạn bè”. Người ta thường lẫn lộn giữa Bạn và Bè. Ta thường nghĩ “tứ hải giai huynh đệ” nhưng thật ra có những người không phải là bạn mà chỉ là bạn nhậu, bạn chạy áp phe… giữa một xã hội xô bồ.

Bạn cải tạo không phải là vậy. Chỉ sau một thời gian ngắn tôi đã tìm ra những người bạn “chí cốt” mà gần nửa thế kỷ sau này mỗi khi có dịp gặp lại vẫn thấy tình bạn nồng ấm như những ngày còn trong trại học tập. Theo tôi, một trong những nguyên tắc để có được một tình bạn như vậy nằm trong hai chữ “vị tha”.

Nhớ lại ngày còn mới chập chững làm quen với xã hội khép kín, miếng ăn bao giờ cũng là mối quan tâm hàng đầu của những cái bao tử lép kẹp. Cơm được lãnh từ “anh nuôi” về theo từng thau, cứ 5 người một thau. Làm sao để chia thau cơm thành 5 phần đều nhau là cả một bài toán khó.

Thau cơm được cắm một chiếc đũa ngay giữa tâm của thau, từ đó vẽ ra 5 đường thẳng chia thành 5 phần giữa 10 con mắt theo dõi một cách chăm chú. Người đứng chia sẽ là người cuối cùng nhận phần cơm nên phải cố chia cho đều, nếu mình không muốn nhận phần nhỏ nhất. Ai cũng hiểu “miếng ăn là miếng tồi tàn” nhưng biết làm thế nào trong hoàn cảnh này?

Thau cơm của 5 anh em chúng tôi không chia đều mà “tự giác” mỗi người xúc cho mình một chén, phần còn lại để dành cho bữa “ăn sáng” ngày mai. Đó quả là một quyết định phải nói là “phi thường” trong tình hình đói kém.

Ngày xưa, một trong những khẩu hiệu trong quân đội là “tự thắng để chỉ huy”. Câu chuyện “chia cơm” được kể lại ở đây với hàm ý khi con người tự thắng được dục vọng của chính mình sẽ trở thành vị tha đối với bạn bè đồng cảnh ngộ. Thế cho nên, tình bạn mang nhiều ý nghĩa khiến sau này gặp lại nhau vẫn không thể nào quên.

Tôi vốn là người không có sức khỏe cường tráng như các đồng đội khác nên những người bạn cải tạo sẵn sàng hỗ trợ khi gặp những trường hợp phải dùng sức lao động nặng. Có bạn còn an ủi: “Cứ làm ‘thợ vịn’ cũng được rồi!”.

Tuy mang cái tên “thợ vịn” nhưng những lúc rảnh rỗi cũng làm “thầy” khi giúp các bạn học thêm Anh văn để mở mang kiến thức! Tôi cũng là “học trò” của một anh bạn giỏi chữ Hán. Không có tài liệu nên “thầy” dậy viết theo cách “nhớ tới đâu, dậy tới đó”. Chúng tôi chỉ dùng que để viết trên đất. Thế là đủ!

Tôi cũng có một thời gian bị bệnh tại Trảng Lớn: đau thắt bên lưng và đi tiểu gắt. Mấy bác sĩ quân y cải tạo định bệnh ngay là sạn thận vì hậu quả của việc lao động nặng. Lên bệnh xá khai bệnh với y tá nhưng làm gì có thuốc trị bệnh nên lại về. Bác sĩ cải tạo bảo phải đào rễ tranh để nấu nước uống sẽ có hy vọng tống được cục sạn ra ngoài.

Khi được viết thư về gia đình tôi chỉ nhắn ráng tìm “râu bắp” đem vào. Ở nhà không hiểu tại sao nhưng cũng đem thật nhiều… râu bắp. Quả nhiên, uống nước râu bắp và rễ tranh rất “lợi tiểu” và kết quả là hòn sạn không biết đã tự tiêu hủy hay đã thoát ra ngoài cùng nước tiểu. Đó là phương thuốc “khắc phục” còn hiệu quả hơn là thuốc “Xuyên Tâm Liên” ngày đó. 

Kỷ vật trại cải tạo với cán lược chạm trổ

Người cải tạo trước khi vào trại thuộc đủ thành phần trong xã hội, vì hoàn cảnh nên bị động viên vào quân ngũ. Có anh còn có tài kể chuyện, anh kể vanh vách các tác phẩm của Kim Dung nên tối tối chúng tôi quây quần nghe hết “Cô gái Đồ Long”, “Anh hùng xạ điêu”, “Lục mạch thần kiếm” và cả truyện 9 lần vượt ngục của Papillon!

Những buổi nghe truyện như vậy kéo dài đến 9 giờ đêm khi trên trung đoàn tắt đèn và kẻng báo đã đến giờ đi ngủ. Hôm nào người kể truyện “khó ở trong mình” (hay cũng có thể là cần thời gian để “hệ thống hóa” cuốn truyện trong đầu), anh thông báo: “Tối nay không có phim vì… Hồng Kông chưa đem qua!”.

Người cải tạo còn làm được cả đàn guitar để hát nhạc vàng… nhưng khi quản giáo xuống sẽ đổi sang… “nhạc hồng”, chẳng hạn như bài “Nếu là chim…”. Đó là lời bài hát có tên “Tự nguyện” của Trương Quốc Khánh, sáng tác năm 1970 tại miền Nam trong phong trào phản chiến.

Cách mạng rất thích “Tự nguyện” vì lời bài hát dựa theo ý của một người Cộng sản Phương Tây. Bài hát đặt ra 3 giả dụ bắt đầu bằng chữ “Nếu…”: là chim, là hoa, là mây và cuối cùng “nếu là người” thì sẽ chết cho quê hương. Cũng có người cắc cớ hỏi, vậy chứ đặt ra giả thiết “nếu là người” hàm ý gì? Chắc trước đây không phải là người nên mới có chữ “Nếu”?  

Ca sĩ trong những đêm ca nhạc “chui” đều là “cây nhà, lá vườn”. Có những giọng ca ngọt ngào chẳng kém gì Sĩ Phú, Tuấn Ngọc hay Elvis Phương… và có những tay đàn điệu nghệ không thua gì “ọc-két vi-văng” trong vũ trường ngoài đời. Ban nhạc lại còn được được giữ nhịp bằng hai chiếc muỗng… dã chiến.

Chúng tôi tìm vui cho qua ngày, đoạn tháng vì giờ đã biết ngày về vô định. Gần Tết có lệnh trên tiểu đoàn: tất cả tập họp mang theo toàn bộ tư trang. Có người mừng thầm… không biết chừng… được về. Tuy không tin nhưng sâu kín trong lòng… tôi hy vọng như vậy.

Thỉnh thoảng vẫn có những lần kiểm tra vật dụng cá nhân nhưng lần này khác hẳn. Buổi tập họp này rất lạ, cán bộ đọc danh sách, ai được gọi tên đứng sang một bên. Gọi tên những người về chăng? Tôi không được gọi tên, các bạn trong cùng “thau cơm” cũng chẳng có ai, số người được gọi tên khoảng 20 người.

Tại trại, thành phần cải tạo có thể chia thành 2 loại chính: (1) loại lính văn phòng có chuyên môn kỹ thuật như bác sĩ quân y, kỹ sư công binh, giáo sư biệt phái… và (2) lính tác chiến như “giặc lái” Không quân, “giặc nói” Tâm lý chiến, “lính thủy đánh bộ” Thủy quân Lục chiến, “cọp ba đầu rằn” Biệt động quân, “thiên thần mũ đỏ” Nhảy dù…

Mãi cho đến bây giờ, hình như trại đang làm công việc phân loại tù nhân vì đa số những người được gọi tên thuộc nhóm thứ hai. Họ được lệnh di chuyển lên sân tiểu đoàn, có xe Molotova chờ sẵn và thế là… giã từ Trảng Lớn. Giã từ “hòm thư” 7595, “bí số” L1T5!

Mãi sau này tôi mới biết, họ được chở về Sài Gòn nhưng đó không phải là điểm đến cuối cùng. Họ tiếp tục cuộc hành trình từ bến tàu và trực chỉ… đảo Phú Quốc. Thân phận tù đầy như thế đó.

Papillon cũng đã qua nhiều lần chuyển trại tại các đảo tận ngoài khơi Thái Bình Dương. Người cải tạo được ra đảo Phú Quốc có lẽ còn may mắn hơn những người “được” đi xe lửa ra tận miền Bắc để về những nơi “sơn lam chướng khí”. Chúng tôi, những người ở lại Trảng Lớn, lại là những người may mắn nhất trong số những người bất hạnh.

Bất hạnh nhất là anh Ngô Nghĩa, sĩ quan pháo binh, đã bị xử bắn sau khi kế hoạch “trốn trại” không thành. Anh bị hành quyết trước sự chứng kiến của đại diện các đội. Những người tham dự buổi hành quyết hôm đó về kể lại cho anh em trong đội từng chi tiết. Đó cũng là thâm ý của trại muốn nhắn nhủ người cải tạo: Trốn trại là tìm đường chết!  

Tôi thấy số phận của anh Ngô Nghĩa còn bi thảm hơn Papillon sau 9 lần vượt ngục vì kết cuộc vẫn tìm được Tự do. Còn Ngô Nghĩa của chúng tôi đã bỏ xác tại Trảng Lớn. Tôi vẫn thắc mắc, sau này thân nhân của anh có tìm được nấm mộ đắp sơ sài, không bia đánh dấu chứ chưa nói gì đến nhang khói?

Khi học tập đã lâu, và chắc cũng đã “thông suốt”… chúng tôi được chuyển sang một trại mới có tên Trảng Táo. Không ngờ cuộc đời mình cứ loanh quanh ở các trảng, hết Trảng Lớn lại đến Trảng Táo.

Tuy nhiên, người cải tạo vẫn thấy “hồ hởi” vì theo cán bộ, chúng tôi được “đưa ra ngoài lao động thật sự” để chờ ngày về. Mà “vui” thật! So với Trảng Lớn về các tiện nghi sinh hoạt thì Trảng Táo chẳng có gì nhưng lại nằm gần ga Gia Huynh có nghĩa là gần với xã hội bên ngoài. Công tác lao động đầu tiên là vào rừng lấy lá về dựng lán trại.

Vui nhất là được tiếp xúc với “thế giới bên ngoài” khi nhìn những chuyến tầu qua lại. Những chuyến xe lửa từ trong Nam ra ngoài Bắc hay ngược lại, chúng tôi gọi là “những chuyến tầu ma” trên đường sắt Thống Nhất. “Những con ma trên tầu” yên lặng nhìn “những con ma vác lá bên đường rầy”. Không một cái vẫy tay chứ chưa nói gì đến một nụ cười… thông cảm.

“Những chuyến tầu chợ” thì khác hẳn. Luôn luôn để lại cho người cải tạo nhiều ý nghĩa vì khách trên tầu là người miền Nam, có lẽ họ đi buôn để kiếm đồng ra đồng vào. Cũng có thể họ đi thăm bà con tại các tỉnh nhưng điều quan trọng là họ biểu thị sự thông cảm với hoàn cảnh của những người cải tạo bằng những cái vẫy tay. Chúng tôi cũng vẫy tay lại.

Tôi chưa gặp trường hợp hi hữu này nhưng qua lời kể lại của những bạn cùng trại, người cải tạo còn nhận được quà gói trong bọc nylon từ những người khách quăng xuống từ trên tầu. Khi thì vài cục đường tán, khi thì một bịch thuốc rê… Đó là tấm lòng của người miền Nam, dù cũng đói khổ nhưng cũng thể hiện tinh thần… “lá rách đùm lá nát”!

Cũng có thể chính người khách trên tầu là thân nhân của người cải tạo đứng bên đường ray nên tìm cách tiếp tế cho những người đồng cảnh ngộ. Quà không địa chỉ chính xác nhưng cũng đến tay người cần. Đó là tính nhân bản của người miền Nam vốn hiền lành, chất phác.

Công việc dựng lán trại vừa xong, kế tiếp là việc khai hoang trồng khoai mỳ chứ không trồng rau như ở Trảng Lớn. Chế độ thăm nuôi cũng có phần cởi mở hơn xưa, các món đồ khô để dành ăn dần được gia đình tiếp tế trong những lon mà ngày xưa dùng để đựng sữa Guigoz.

Cũng như các tấm vỉ sắt như đã nói ở trên, các nhà thiết kế lon Guigoz sẽ không thể nào tưởng tượng được công dụng tuyệt vời của nó trong thời điêu linh tại Việt Nam. Lon Guigoz đối với người cải tạo chẳng khác gì cái cặp Samsonite mà các doanh nhân giàu có thường kè kè bên mình.

Ngoài những “ca, cóng linh tinh” mà người cải tạo đã bỏ công ra “gò” từ những mảnh tôn, lon Guigoz cũng được sử dụng như một cái nồi để nấu nước sôi. Đặc biệt lon lại vừa khít, nằm lọt thỏm trong bếp làm bằng vỏ đạn đại bác 105 ly!

Chỉ cần đục một lỗ cho củi và 2 cọng thép chắn ngang làm giá giữa “nồi Guigoz” và lò là ta sẽ có sự ăn ý tuyệt hảo mà các nhà sáng chế chưa bao giờ nghĩ ra. Chúng hợp nhau đến từng centimét!

Lon Guigoz trong thời điêu linh

Những ý tưởng sáng tạo ngay cả cán bộ quản giáo cũng phải… ngả nón cối bái phục. Thế cho nên, một anh quản giáo mang gỗ xuống nhờ cải tạo đóng “một cái thùng để dê non”. Chỉ trong vòng một ngày anh nhận được “tác phẩm” nhưng anh lại không vừa ý: “Cái thùng như vậy làm sao mà bỏ dê non vào được?”.

Mãi lát sau anh mới giải thích vừa mới tậu được cái máy vô tuyến truyền hình hiệu “dê non” chứ đâu có nuôi dê non. Và cũng mãi lúc sau người cải tạo mới hiểu. Thì ra anh vừa mua được một cái TV hiệu Denon “second hand” ngoài chợ trời nên muốn đóng một cái tủ đựng TV như ngày xưa người miền Nam thường có!  

Chúng tôi sống bên đường rầy xe lửa ở Trảng Táo cho đến ngày được trở về đời thường, tính ra cũng gần tròn 3 năm. Thế vẫn còn may mắn nếu so với Đại tá Nguyễn Công Vĩnh, người có “thâm niên” cải tạo 13 năm tại miền Bắc. Ông sinh năm 1930 tại Long An và từ trần vào tháng 2/2017 tại Newport Beach, California, hưởng thọ 87 tuổi.

Ngày trở về của Đại tá Nguyễn Công Vĩnh

Những chuyện buồn-vui thời cải tạo được ghi lại theo hồi ức của một người nay đã ngoài 70. Cái tuổi “thất thập cổ lai hy” thường bị mắc chứng dễ quên hay nói cho chính xác là “nhớ đó, quên đó”.

Với tinh thần đó, tác giả xin góp nhặt chuyện buồn-vui thời điêu linh để thế hệ con cháu giữ làm kỷ niệm. Có điều chi sơ suất xin người đọc niệm tình bỏ qua.

Giấy Ra Trại ký ngày 15/9/1977 nhưng phải qua đến năm 1978 mới đến tay người cải tạo. Địa chỉ trình diện là Đà Lạt nơi bố mẹ sinh sống trong khi vợ con lại ở Sài Gòn. Chính quyền khi đó thực hiện chính sách “giãn dân”, hạn chế tối đa người cải tạo trở về Sài Gòn.

***


3 nhận xét:

  1. ANH Chính thân mến
    Đọc qua bài của anh, em rất thích (nhỏ tuổi hơn anh, 1975 chỉ đang là sinh viên thôi..), và muốn đọc một số bài như bài "Vui buồn thời điêu linh: Học tập cải tạo" trong kênh youtube hầu phổ biến cho mọi người cùng biết thêm về thời đó.
    Anh đồng ý chứ? Rất mong được sự hồi âm của anh
    Kính Anh
    Nam Hòa

    Trả lờiXóa
  2. Chào Anh Chính, em đang chờ câu trả lời của anh nè

    Trả lờiXóa

Popular posts