Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Bàn về hiện tượng “vô cảm”

Sau khi Sài Gòn sụp đổ, một số thuật ngữ “lạ” xuất hiện trong ngôn ngữ hàng ngày tại miền Nam. Bài viết này không có tham vọng điểm hết những từ ngữ mới đó mà chỉ xin bàn về hai chữ “vô cảm”. 

Kho từ vựng tiếng Việt rất phong phú. Chỉ riêng những từ ngữ ghép với chữ “vô”, hiểu nôm na là “không”, ta có hàng loạt những từ kép hay cụm từ như: vô tâm, vô thức, vô học, vô giáo dục, vô tri vô giác, vô tiền khoáng hậu… Thế cho nên sự xuất hiện của “vô cảm” được hiểu theo ý là không có sự xúc động, không cảm giác… hay nói một cách khác, là lãnh đạm, dửng dưng, ích kỷ, bàng quan.

Những con số “biết nói” khiến người ta không khỏi bàng hoàng trước một thực tế ngày nay: Việt Nam đứng trong “top” 15 những quốc gia mà người dân có ít cảm xúc nhất. Thêm vào đó, còn được xếp hạng 123 trong số 176 nước về chỉ số người dân cảm nhận về tham nhũng.

Người “vô cảm” có trái tim lạnh giá, họ rất ít khi xúc động. Người “vô cảm” sống ích kỷ, sống vì sự an toàn của bản thân mình. Họ thờ ơ, thậm chí còn làm ngơ trước những điều xấu xa hoặc nỗi bất hạnh của những người xung quanh.

Vô cảm trước bất hạnh của một người lái xe chở bia

Hiện tượng “vô cảm” không chỉ xuất hiện ở kẻ xấu mà còn có thể có ở cả những người vẫn được coi là “người tốt”. Bởi lẽ, khi người tốt làm ngơ, im lặng trước cái xấu, để cái xấu chà đạp lên những giá trị nhân văn, thậm chí còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật,  thì đó là một hiện tượng không thể chối cãi của “vô cảm”.

Trước một tai nạn đụng xe chết người trên đường, người “vô cảm” giữ thái độ dửng dưng, không hề xúc động. Người ta nghĩ người nằm chết còng queo là người lạ mặt, không liên quan gì đến mình.

Trong một vụ cháy nhà, người “vô cảm” có thể đứng nhìn, họ giữ thái độ bàng quan mà không hề góp sức dập tắt ngọn lửa. Họ nghĩ đó không phải là việc của mình mà là nhiệm vụ của lính cứu hỏa.

Vô cảm trước bất hạnh của người khác

Ở một phạm trù rộng hơn, có liên quan đến vận mạng của đất nước, người “vô cảm” giữ một thái độ dửng dưng của người nước ngoài nhìn vào đất nước mình, không hề có phản ứng của người trong cuộc.

Cần phải nhấn mạnh, trong một xã hội như vậy, người “vô cảm” bao gồm cả những người có trọng trách điều hành đất nước lẫn người dân thường đang sống trong đất nước đó.

Đạo lý từ ngàn xưa, “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, đã bị bỏ quên. Lịch sử của cả một dân tộc với hơn 4.000 năm văn hiến đã không còn hiện diện trong đầu óc của những người “vô cảm”. Họ đã và đang chối bỏ tinh thần “Sát Thát” [1] với lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc.

Sơn hà nguy biến, xin đừng “vô cảm”

Tại sao chỉ thời gian mấy chục năm gần đây mới có thuật ngữ “vô cảm”?

Nhìn lại lịch sử cận đại, bắt đầu từ năm 1945, nước Việt thoát khỏi ách đô hộ của người Pháp, người Việt lúc đó cùng chia sẻ một mục đích chung là xây dựng nước nhà. Đó là thời điểm mà người dân sát cánh bên nhau, chung sức chung lòng vì một tổ quốc Việt Nam.

Năm 1954 Hiệp định Geneva chia cắt đất nước để hình thành sự phân biệt chính kiến giữa hai miền Nam và Bắc. Đó là thời điểm hiện tượng “vô cảm” âm thầm đi vào thái độ sống của người Việt.  

Năm 1975, nước Việt một lần nữa được thống nhất nhưng điều đáng buồn là hiện tượng “vô cảm” lại chính thức trở thành phổ biến. Như đã nói ở trên, sự “vô cảm” này xuất hiện đều khắp trong xã hội, từ lãnh đạo đến người dân, từ trẻ em đến người lớn, từ phụ nữ đến nam giới, từ người giàu đến kẻ nghèo, từ người sang đến kẻ hèn…

Đâu là nguyên nhân sâu xa của hiện tượng “vô cảm”?

Nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn [2], một nhân vật nổi tiếng với tác phẩm “Quần đảo ngục tù” (The Gulag Archipelago – Ngọc Thứ Lang và Ngọc Tú dịch năm 1974, xuất bản tại Sài Gòn), đã nói về sự dối trá của Liên Xô dưới thời Stalin. Trong bài diễn văn được đọc thay vì ông vắng mặt trong buổi nhận Giải Nobel Hòa bình năm 1971 có một phát biểu lịch sử:

“Một khi dối trá bị lật tẩy, bạo lực trần trụi sẽ lộ nguyên bộ mặt thô bỉ của nó, và rồi bạo lực, khi ấy đã đuối sức, sẽ sụp đổ tan tành”.

Bản tuyên ngôn “Không sống bằng dối trá” được viết ngay trước khi Solzhenitsyn bị trục xuất khỏi Liên Xô đã thể hiện những suy nghĩ của ông:

“Chúng ta đã bị phi nhân tính một cách tuyệt vọng tới mức chỉ vì một khẩu phần ăn khiêm tốn hàng ngày cũng sẵn lòng đánh đổi mọi nguyên tắc của mình, tâm hồn của mình, những nỗ lực của tiền nhân và cơ hội dành cho hậu thế - cốt sao sự tồn tại mong manh của mình không bị phá vỡ. Chúng ta chẳng còn lấy một chút vững vàng, một chút tự hào và một bầu nhiệt huyết.”

Điều mà Solzhenitsyn gọi là “phi nhân tính” phải chăng là hiện tượng “vô cảm” tại Việt Nam ngày nay. 

Aleksandr Solzhenitsyn và Quần đảo ngục tù

Trong văn học thế giới cận đại còn có một nhà văn nổi tiếng khác là George Orwell [3] với tác phẩm hư cấu, vẽ nên một bức tranh u ám của chế độ toàn trị. Orwell lấy năm 1984 làm thời điểm của “tương lai” và tác phẩm có tựa đề thật đơn giản: “Một chín tám tư” (Nineteen Eighty-Four).

“Một chín tám tư” có một câu nói giờ đã trở thành phổ biến trong tiếng Anh ngày nay: “Big Brother is watching you” (Anh Cả đang theo dõi bạn). Kể từ khi “Nineteen Eighty-Four” ra đời, thuật ngữ "Big Brother" đã bước vào từ điển như một từ đồng nghĩa với sự lạm dụng quyền lực của chính phủ, đặc biệt là đối với các quyền tự do dân sự.

Về mặt ngôn ngữ, từ cuốn tiểu thuyết này của Orwell đã sinh ra tính từ “Orwellian” nhằm chỉ sự lừa gạt công khai, theo dõi ngầm và thao túng quá khứ bởi nhà nước toàn trị.

“Big Brother” là một nhân vật hư cấu mà Orwell cho xuất hiện trong năm 1984, khi tác phẩn này được phát hành năm 1949. Đối với Orwell, 1984 là “tương lai” nhưng người đọc vào thập niên 80 lại thấy thời điểm này là… hiện tại.

“Big Brother”, gọi tắt bằng cái tên thân mật “BB”, là nhà độc tài của Châu Đại Dương (Oceania) điều hành một chế độ toàn trị nhà nước trong đó Đảng (Party) nắm quyền điều hành quốc gia "vì lợi ích riêng của mình hơn là lợi ích của người dân".

Trong xã hội mà Orwell mô tả, mọi công dân đều bị cơ quan nhà nước liên tục theo dõi thông qua màn ảnh truyền hình, liên tục được nhắc nhở “Big Brother is watching you”. Nhân vật “BB” có thể là người thật nhưng cũng có thể là sản phẩm của Đảng được “nhân cách hóa” để cai trị. Cũng có giả thiết cho rằng Orwell đã dùng hình tượng của thật Joseph Stalin để tạo ra nhân vật giả tưởng “BB”.

Trong truyện, “BB” là người sáng lập ra Đảng và trong lịch sử Đảng, ông là người lãnh đạo cuộc cách mạng khi mới 40 tuổi và chân dung của người anh hùng này xuất hiện khắp mọi nơi ở Oceania. “BB” còn được vinh danh và suy tôn như một lãnh tụ tôn giáo mặc dù Đảng vẫn coi tôn giáo là kẻ thù của cách mạng.  

Nhà nước Oceania có “Bộ Sự Thật” với ba khẩu hiệu của Đảng được kẻ rất rõ và đẹp ngay trên mặt tiền tòa nhà: (1) Chiến tranh là Hòa bình; (2) Tự do là Nô lệ; và (3) Ngu dốt là Sức mạnh.

“Bộ Sự Thật” theo dõi lĩnh vực tin tức, giải trí, giáo dục và nghệ thuật. “Bộ Hòa Bình” theo dõi lĩnh vực chiến tranh. “Bộ Tình Yêu” theo dõi lĩnh vực trật tự, luật pháp và “Bộ Ấm No” theo dõi lĩnh vực kinh tế.

Người công dân của xứ sở “thiên đường” Oceania được nhà nước chăm sóc chu đáo từ hành động đến tư tưởng và họ dần dần đánh mất những suy nghĩ riêng tư để sống như một cỗ máy. Mà máy lúc nào cũng… “vô cảm”.

Ngoài cuốn truyện giả tưởng “Một chín tám tư”, Orwell còn viết “Trại súc vật”, một truyện ngụ ngôn viết năm 1943 và xuất bản năm 1945. Đây là câu chuyện trong thế giới loài vật, nói về những con lợn đứng lên với lời hứa sẽ giải phóng muôn loài trong một trang trại ở nước Anh.

Khi trại đã về tay gia súc, bọn lợn đề ra những nguyên tắc đẹp đẽ, mọi gia súc trong trại đều phải tuân theo, với mong muốn từ nay tất cả đều được sống một cuộc sống tươi đẹp, ấm no và… “mọi con vật đều bình đẳng”.

Nhưng đó chỉ là “bánh vẽ” vì khi nắm quyền trong tay, những con lợn này biến thành một giai cấp bóc lột mới, đè đầu cưỡi cổ tất cả những sinh vật trong trại. Trại súc vật cuối cùng đã biến thành trại của những con vật “vô cảm”…
  
“Big Brother is watching you”

Phải chăng hai nhà văn phương Tây, Aleksandr Solzhenitsyn và George Orwell, đã gián tiếp cung cấp cho chúng ta những giải thích rõ ràng về hiện tượng “vô cảm” tại Việt Nam?

***
Chú thích:

[1] Trích Đại Việt sử ký toàn thư:

“Ngày 12, giặc đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn, bắt được quân của ta, thấy người nào cũng thích hai chữ "Sát Thát" bằng mực vào cánh tay, chúng tức lắm, giết hại rất nhiều. Rồi chúng đến Đông Bộ Đầu, dựng một lá cờ lớn. Vua muốn sai người dò xét tình hình giặc mà chưa tìm được ai.

“Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung tiến lên tâu rằng: "Thần hèn mọn bất tài, nhưng xin được đi". Vua mừng, nói rằng: "Ngờ đâu trong đám ngựa xe kéo xe nuôi lại có ngựa kỳ, ngựa ký như thế!" Rồi sai đem thư xin giảng hoà.

“Ô Mã Nhi hỏi (Khắc Chung): "Quốc Vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ "Sát Thát", khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm". Khắc Chung đáp: "Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi, Quốc Vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không có?"

“Nói rồi giơ cánh tay cho xem. Ô Mã Nhi nói: "Đại quân từ xa tới, nước ngươi sao không quay giáo đến hội kiến, lại còn chống lệnh. Càng bọ ngựa cản bánh xe liệu sẽ ra sao?" Khắc Chung nói: "Hiền tướng không theo cái phương sách Hàn Tín bình nước Yên, đóng quân ở đầu biên giới, đưa thư tin trước, nếu không thông hiếu thì mới là có lỗi. Nay lại bức nhau, người ta nói thú cùng thì chống lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là người".

“Ô Mã Nhi nói: "Đại quân mượn đường để đi đánh Chiêm Thành, Quốc Vương ngươi nếu đến hội kiến thì trong cõi yên ổn, không bị xâm phạm mảy may. Nếu cứ chấp nê thì trong khoảnh khắc núi sông sẽ thành đất bằng, vua tôi sẽ thành cỏ nát".

“Khắc Chung về rồi, Ô Mã Nhi bảo các tướng rằng: "Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó xướng là Chích, không nịnh ta lên là Nghiêu, mà chỉ nói "Chó nhà cắn người"; giỏi ứng đối. Có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được". Sai người đuổi theo Khắc Chung nhưng không kịp”.

[2] Aleksandr I. Solzhenitsyn (1918-2008) là nhà văn, nhà viết kịch của Liên Bang Xô Viết và Liên Bang Nga đoạt giải Nobel Văn học năm 1970 và Giải Nobel Hòa bình năm 1971.

Năm 1937 Solzhenitsyn lý tưởng hóa cách mạng, đã từng dự định viết tiểu thuyết về Chiến tranh thế giới thứ nhất với tên “Hãy yêu cách mạng”. Năm 1941 ông tốt nghiệp Đại học Rostov, nhập ngũ và được thưởng hai huân chương với quân hàm đại úy. Thời gian này Solzhenitsyn sáng tác một số tác phẩm, trong nhận thức và tư tưởng bắt đầu có những thay đổi.

Tháng 7/1945 ông bị kết án tù 8 năm vì một bức thư viết gửi bạn bày tỏ quan điểm chống lại chủ nghĩa Stalin. Những năm tháng tù đày, đi qua nhiều nơi trên đất nước đã giúp ông sau này có được chất liệu sống thực cho những tác phẩm của mình.

Khi Stalin mất, ông được phục hồi, về sống ở Moskva đến năm 1957 rồi đi Riazan dạy học. Trong thời gian này ông bắt đầu viết tiểu thuyết “Tầng đầu địa ngục” (1955-1968) và xuất bản “Một ngày của Ivan Denisovich” (1958) cùng một số tác phẩm khác đã khiến ông rất nổi tiếng, đến mức được đề cử nhận giải thưởng Lenin.

Năm 1967, sau khi Alekxandr Solzhenisyn gửi một bức thư ngỏ đến Đại hội nhà văn Liên Xô phản đối chế độ kiểm duyệt, ông bị chính quyền và báo chí phê phán kịch liệt, bị khai trừ khỏi Hội nhà văn, bị cấm in sách. Một số tác phẩm của ông không được in ở trong nước nhưng có người đem in ở nước ngoài mà không xin phép ông… Điều này càng khiến chính quyền Xô Viết phản ứng nhưng ông được nhiều người biết đến, nhất là những gì ông viết ra đã cho thấy ông là một nhà văn có cái nhìn sắc bén về thời đại ông đang sống.

Năm 1970, Alekxandr Solzhenisyn được tặng giải Nobel nhưng ông không đến Thụy Điển nhận lễ trao giải vì sợ sau đó không trở về nước được; hai năm sau ông mới đến nhận giải và đọc Diễn từ. Năm 1974, sau khi công bố bản tuyên ngôn “Không sống bằng dối trá” và cho in tác phẩm “Quần đảo ngục tù” ở Paris, Solzenitsyn bị bắt, bị nhà nước Liên Xô tước quyền công dân và bị trục xuất sang Cộng hòa Liên bang Đức, sau đó ông định cư ở Hoa Kỳ.

Năm 1991, sau thời cải tổ, chính quyền Liên Xô chính thức xóa án cho ông. Tháng 5/1994 ông trở về sống ở Nga. Năm 2006 ông được tặng giải thưởng nhà nước của Liên Bang Nga vì những đóng góp xuất sắc trong hoạt động nhân đạo. Ngày 3/8/2008, do căn bệnh đau tim, ông qua đời ở nhà riêng tại ngoại ô Moskva, hưởng thọ 89 tuổi.

Đích thân Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã gửi lời chia buồn tới gia đình Solzhenitsyn. Nhà văn này còn được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy mô tả là "một trong những lương tâm vĩ đại nhất của Nga trong thế kỷ 20". Tổng thống Pháp cũng đánh giá: "Sự đấu tranh không khoan nhượng, ý tưởng và cuộc đời dài với đầy sự kiện đã biến Solzhenitsyn thành một hình tượng trong sách vở, kế thừa Dostoyevsky".
Aleksandr I. Solzhenitsyn (1908-2008)

[3] George Orwell (1903-1950) là bút danh của Eric Arthur Blair, một tác giả và phóng viên người Anh. Được biết đến như một tiểu thuyết gia, một nhà phê bình, một nhà bình luận về văn hóa, Orwell là một trong những ngòi bút tiếng Anh được hâm mộ nhất ở thế kỷ 20. Ông nổi danh nhờ 2 cuốn tiểu thuyết phê phán chủ nghĩa toàn trị nói chung và chủ nghĩa Stalin nói riêng, được viết và xuất bản vào cuối đời: “Một chín tám tư” (Nineteen Eighty-Four) và “Trại súc vật” (Animal Farm).

“Một chín tám tư” lấy bối cảnh là miền đất Airstrip One, một tỉnh thành của “siêu nhà nước” Oceania ở một thế giới hư cấu. Trong thế giới này, chiến tranh xảy ra liên miên, chính phủ theo dõi và dò xét sát sao và việc tẩy não diễn ra công khai.

Đứng đằng sau tất cả là bộ máy nhà nước chuyên chế gọi tên là Ingsoc điều hành bởi các Đảng viên của “Inner Party” (Đảng Trong), những người bị quy chụp có chủ nghĩa cá nhân và tư duy độc lập là “Thoughtcrime” (tội nhận thức). Nhà nước này hoạt động nhân danh Big Brother, vị lãnh tụ tối cao của Ocania.

Nhân vật chính của tiểu thuyết là Winston Smith, Đảng viên “Outer Party” (Đảng Ngoài). Smith làm việc tại Ministry of Truth (Bộ Sự thật) và nhiệm vụ của ông là sửa lại các bài báo cũ để các dữ liệu lịch sử luôn phục vụ đường lối hiện tại của Đảng. Smith là một nhân viên cần cù, chăm chỉ nhưng ông thực chất căm ghét Đảng của mình và ôm mộng đảo chính chống lại Big Brother…

Năm 2005, tạp chí Time đã đưa “Một chín tám tư” vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh xuất sắc nhất từ 1923 đến 2005. Cuốn “Trại súc vật” đã in được hàng triệu bản, được dịch ra 70 thứ tiếng trên thế giới và thường xuyên được tái bản. Cuốn sách có mặt trong 100 tiểu thuyết hay nhất bằng tiếng Anh của Tạp chí Time; đồng thời đứng ở vị trí 31 trong danh sách tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20.

George Orwell (1903-1950)

***

2 nhận xét:

  1. Dr Google nói Aleksandr I. Solzhenitsyn sinh năm 1918 chứ không phải 1908 nên mất năm 89 tuổi (2008)

    Trả lờiXóa

Popular posts