Thứ Ba, 7 tháng 11, 2023

Bên dòng sông Trẹm – Dương Hà

"Bên Dòng Sông Trẹm" là một tiểu thuyết của nhà văn Dương Hà, lần đầu tiên xuất hiện trên báo Sài Gòn Mới năm 1951 dưới hình thức “feuilleton”, một loại truyện dài đăng nhiều kỳ rất “ăn khách” trên các báo hàng ngày đến độ nhiều độc giả chỉ mua báo để đọc truyện chứ không vì theo dõi tin tức thời sự.

Tác giả Dương Hà dàn trải tiểu thuyết qua 30 chương và  một chương kết, dựa vào bối cảnh của dòng Sông Trẹm (còn được gọi là sông Trèm Trẹm), dài khoảng 42km, từ lâu vốn nổi tiếng với cảnh đẹp hữu tình của tỉnh Cà Mau.

Tên sông có tự bao giờ không ai nhớ rõ, chỉ biết vẻ đẹp của nó còn rất hoang sơ, bởi đôi bờ bao phủ những dãy dừa nước, những cánh rừng tràm đưa hương thơm ngát, những cánh đồng lúa xanh rờn thẳng cánh cò bay.

Sông Trẹm đẹp bởi dòng nước thay đổi theo mùa. Mùa mưa nước sông có màu đỏ tựa máu từ rừng tràm đổ về, mùa khô nước sông lại có màu trắng đục, hai bên bở là những hàng dừa nước xanh biếc.

Sông Trẹm chia Rừng U Minh thành hai vùng Thượng và Hạ. U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau, U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang. Cầu Vĩnh Thuận được khánh thành năm 2002 bắc qua sông Trẹm, nối Cà Mau với Kiên Giang.

 

Sông Trẹm ngày nay

 

Dọc dòng sông Trẹm là những làng nghề truyền thống nổi tiếng. Chính dòng sông này đã gợi nguồn cảm hứng trong tiểu tiểu thuyết "Bên Dòng Sông Trẹm" với một câu chuyện tình lâm ly, nhiều éo le, trắc trở giữa chàng trai Triệu Vỹ và thôn nữ Mỹ Lan.

Bà Triệu Phú, tên thật là Trần Sương Mai, con gái út của một địa chủ, là góa phụ của ông Triệu Phú, một đại thương gia nhưng vắn số, qua đời vào năm 1947, để lại vợ và một đứa con trai 17 tuổi, Triệu Vĩ, đang học ban Tú tài toàn phần ở Pháp năm đó. Tác giả Dương Hà nhận xét về bà:

“Bà Triệu Phú, người hiền hậu, biết thương kẻ nghèo khốn, nhưng vô tình bà lại trở thành tàn ác, khắt khe vì tâm tính yếu đuối và đầu óc phong kiến còn chứa chấp những tư tưởng cũ rích của những thế hệ xa lắc xa lơ nào. Dù sao bà Triệu Phú cũng là kẻ đáng thương chớ không đáng trách, vì bà chỉ là một trong những người còn sót lại của cái xã hội cũ mục nát nó đã đào tạo bà và giáo huấn bà.”

Bà Triệu Phú bỏ tiền ra xây cất một nhà máy xay lúa, một trại cưa dùng vào việc đóng ghe xuồng, và nhiều xưởng dệt. Hầu hết thanh niên trai tráng và phụ nữ trong làng Thới Bình đều kéo đến làm công cho bà.

Triệu Vĩ sau khi tốt nghiệp kỹ sư canh nông ở Pháp, chàng trở về Thới Bình để phụ giúp mẹ coi sóc công việc làm ăn. Dương Hà mô tả Triệu Vĩ:

“Triệu Vĩ là một thanh niên trí thức ham hoạt động, tánh tình vui vẻ, hiền lương, nhân đức. Chàng có tình thương tất cả mọi người. Chàng khác hẳn với mẹ ở chỗ không phân biệt giai cấp. Chàng có tư tưởng tiến bộ. Luôn tỏ ra thân mật và hết lòng giúp đỡ những gia đình bần hàn gặp hoàn cảnh quẫn bách”.

Thôn nữ Mỹ Lan sinh ra và lớn lên giữa lũy tre làng và những con người chất phác, tâm hồn chân thật và giản dị. Nàng là cô gái út của ông Năm gác gian xưởng dệt, có theo học đến Lớp Nhứt ở trường chợ quận Cà Mau, nhưng cái văn minh thành thị ở vùng đó vẫn không thay đổi được tâm hồn nàng.

Mỹ Lan tin tưởng ở định mệnh và sống trong khuôn khổ nhứt định của tập quán và phong tục Á Đông. Trong một buổi hẹn hò bên dòng sông Trẹm cô đã từng nói với người yêu những suy nghĩ của nàng về “định mệnh”:  

“Em cho rằng định mệnh là do ta chứ chẳng phải do ở trời. Mỗi con người đều có thể tạo riêng cho mình một số mệnh như ý mình mong muốn, nhưng muốn đạt tới kết quả mình cần phải kiên nhẫn, có chí phấn đấu chịu đựng và nhất là lòng tự tin và can đảm. Chúng ta không nên đổ lỗi cho định mệnh một khi chúng ta thất bại một chuyện gì.”

Triệu Vĩ đã phải đối đầu với Năm Hương, tên quản gia trung thành của bà Triệu Phú. Hắn là một nhân vật phản diện, một “cặp rằn”, trên nịnh bợ chủ nhưng lại rất ác độc đối với những công nhân “thấp cổ, bé họng”. Dương Hà mô tả Năm Hương:

“Bản tính lưu manh, ba xạo dâm đãng, gã có đủ mọi tật xấu… Năm Hương giở ngay thủ đoạn bất lương, đạp đổ, áp bức và bộc lộ rõ rệt những tánh xấu của gã… Tuy đã 35 tuổi và mặc dù tính vốn dâm đãng, Năm Hương vẫn chưa có vợ con. Người ta cũng rất làm lạ về việc này. Người ta bàn tán lung tung nhưng vẫn không khám phá được bí mật của Năm Hương.”

Trong một lần đụng chạm giữa Năm Hương và công nhân, Triệu Vĩ đã đứng về phe thợ cưa khiến hắn mất mặt và từ đó, tên “cặp rằn” này quyết trả thù con trai bà chủ với những kế hoạch hiểm độc. 

 

Nhà văn Dương Hà khi còn trẻ

 

Vào khoảng thời gian năm 1954-1955, Triệu Vĩ phải lòng cô gái quê nghèo nhưng đẹp, duyên dáng, nết na đã vấp phải sự phản đối của bà Triệu Phú và sự đố kỵ của Năm Hương. Cả hai đã tìm cách ly gián, giăng bẫy để chia lìa cuộc tình nầy vì không “môn đăng hộ đối”, trong khi Mỹ Lan đã có thai với Triệu Vĩ!

Theo âm nưu của Năm Hương, bà Triệu Phú muốn con mình lên Sài Gòn một tháng để mua sắm những trang thiết bị cần thiết cho nhà máy, đồng thời tìm vài thương gia quen biết đề khuếch trương công việc làm ăn tại Thới Bình. Triệu Vĩ không nghi ngờ gì về kế ly gián này nhưng cũng đau khổ khi phải xa Mỹ Lan.

Năm Hương sau đó phao tin khiến mọi người lầm tưởng rằng nàng đã nhảy xuống dòng sông Trẹm quyên sinh kết thúc đời mình để cậu chủ không còn hy vọng gặp lại. Sau đó Triệu Vĩ đành vâng lời mẹ cưới Ngọc Anh, con gái của một vị bác sỹ theo sự sắp đặt của bà Triệu Phú.

Năm Hương, trong một đêm vắng vẻ đã tìm đến nhà Mỹ Lan giở trò dâm ác hòng cưỡng đoạt Mỹ Lan để trả thù cậu chủ. Mỹ Lan phải tháo thân bỏ nhà trốn ra đi, ẩn náu giữa cánh rừng hoang vắng để được yên thân và chờ ngày sanh nở với sự giúp đỡ của một cụ bà sống đơn độc một mình.

Những tình tiết éo le gây cấn, bi thương, bi đát liên tục và dồn dập xảy ra... Mỹ Lan sau khi sanh nở được một đứa con trai khôi ngô và đó cũng là niềm an ủi duy nhất của đời nàng thì tình cờ trong một buổi đi săn giữa khu rừng xa xôi hoang vắng Năm Hương đã phát hiện ra nàng.

Hắn bàn mưu tính kế hiểm ác với bà Triệu Phú, rình rập chọn thời điểm Mỹ Lan ra ngoài rừng lấy củi đã lẻn vào bắt cóc đứa bé mang đi và phóng hỏa đốt nhà làm cho nàng tưởng rằng đứa con của mối tình bên dòng sông Trẹm đã bị hỏa thiêu.

Niềm đau khổ và tuyệt vọng đến tận cùng đã đẩy Mỹ Lan vào chùa xuống tóc qui y để vơi đi nỗi buồn mất con và mối tình ngang trái. Ngày Mỹ Lan gặp được mặt đứa con cũng là ngày đứa con thân yêu trút hơi thở cuối cùng vì lao vào nhà xưởng để cứu sản nghiệp của cha do Năm Hương đặt mìn phá hoại.

 

Nhà văn Dương Hà (Dương Văn Chánh)

 

Triệu Vĩ kết hôn gượng ép với Ngọc Anh, con gái của bác sĩ Thạch ở chợ Bạc Liêu. Tuy không có tình yêu nhưng Triệu Vĩ nghĩ đã là vợ chồng thì phải có trách nhiệm với nhau. Tác giả đã để người thanh niên phải thốt lên:

“Trời ơi! Có ai hiểu được nỗi khổ của lòng ta? Mẹ đã giết chết cuộc đời tuổi trẻ của ta! Mất Mỹ Lan, đời ta còn có nghĩa gì nữa. Đành rằng vợ ta vô tội, ta đã mang đủ bổn phận làm chồng, nhưng ai bắt buộc được ta khi mà tình cảm của ta đã chết theo tình cảm của Mỹ Lan”.

Định mệnh run rủi khiến Triệu Vĩ nhận được thư của người xưa Mỹ Lan nhưng nay đã mang tên Ni cô Diệu Linh muốn gặp chàng tại bệnh xá khám đường dành cho phụ nữ! Bệnh nhân là người tù mang tên Tuyết có vóc giáng giống y như Mỹ Lan ngày nào.

Cô Tuyết là nữ nghệ sĩ trong một gánh xiếc lưu động mà Triệu Vĩ quen biết… qua đường nhưng lại có con với nàng. Tuyết bị tù vì có liên quan đến một kẻ làm bạc giả.

Trong tù, Tuyết vừa hạ sanh một bé trai, con của Triệu Vĩ, thì bị những người tù nổi loạn giết chết!    

Ở Chương Kết, Ni cô Diệu Linh trong một buổi “biểu tình” của đám tù nhân nữ tại khám đường do Mụ Quỷ Sứ cầm đẩu, trên tay bồng một đứa trẻ. Người quản đốc khám đường còn đang hoang mang thì Diệu Linh cất tiếng bắt đầu tranh luận:

- Đứa bé vô tội! Chị hãy giao nó cho tôi! Mẹ nó đang hấp hối và chính chị gây ra tội lỗi đó, chị chưa hài lòng sao?

- Con khốn nạn đó chết mất rồi chớ còn đâu mà hấp với hối! Tao đã giết nó và giờ sẽ giết luôn con nó nữa! Ha! Ha! Giết! Giết!

- Chị hãy nghe tôi. Hiện thời chị chưa có con, chị chưa biết thế nào là tình mẫu tử. Nhưng rồi chị sẽ có con, chị sẽ yêu con chị và chị sẽ không muốn cho ai giết con chị. Chị hãy giao đứa bé cho tôi!...

Quay sang Triệu Vĩ, Ni cô Diệu Linh trao hài nhi và nói:

- Đây là con của anh. Mẹ nó đã chết nhưng nó sẽ sống bên cạnh anh. Anh hãy thương yêu nó và đặt tên nó là Đức. Trần Đức như thằng Trần Đức, đứa con xấu số ngày xưa của chúng ta… Dĩ vãng đã chết nhưng tương lai đang mở rộng ở chân trời. Giờ đây anh cần phải sống, sống vì con anh để cho mẹ nó được yên lòng nơi chín suối.

Và Dương Hà kết thúc tiểu thuyết “Bên Dòng Sông Trẹm”:

“Sân khám đường chìm đắm trong bầu không khí yên lặng. Ánh đèn mờ nhạt ma trơi dễ sợ phảng phất màu tang tóc đâu đây.

“Ni cô Diệu Linh cúi đầu, nuốt ực niềm cay đắng xuống tận đáy lòng.

“Buồn ơi, buồn mãi không thôi...

(hết trích)

 

Tác phẩm “Bên Dòng Sông Trẹm” – Dương Hà (Ấn bản cũ)

 

Nhà văn, nhà báo Dương Hà, tên thật là Dương Văn Chánh (1934-2018), sinh tại Bạc Liêu nhưng bỏ quê lên sinh sống tại Sài Gòn. Ông đã từng cộng tác với nhiều tờ báo lớn và là tác giả của gần 60 tác phẩm, trong đó cuốn “Bên Dòng Sông Trẹm” được nhắc đến nhiều nhất.

Năm 1952, ông làm thư ký toà soạn cho tờ Mạch Sống, Nhân Loại. Rồi chuyển qua viết phóng sự cho tờ Tiếng Dội của Trần Tấn Quốc. Khoảng 53-54, ông chuyển qua cộng tác với Saigon Mới của bà Bút Trà.

Cũng tại Saigon Mới, Dương Hà viết “feuilleton“ đầu tiên, sau đó cùng lúc viết cho các tờ Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai, Thẩm Mỹ… Truyện hàng ngày thường hấp dẫn, phù hợp với độc giả phụ nữ và lôi kéo rất nhiều độc giả nên báo bán rất chạy.

 

Tác phẩm “Bên Dòng Sông Trẹm” – Dương Hà (Ấn bản mới)

 

Truyện của Dương Hà thường dựa vào bối cảnh những địa danh có thực nên độc giả cảm thấy gần gũi với giọng văn “đặc sệt” chất Nam Bộ. Điển hình là "Bên Dòng Sông Trẹm" đã lấy đi nhiều nước mắt của người đọc, nhất là độc giả phái nữ.

Nội dung truyện Dương Hà bao giờ cũng là những mối tình trắc trở nhưng đạo lý cổ xưa vẫn được giữ gìn. Kẻ ác bị đền tội, người hiền lành nếu không nhận một kết cục có hậu thì đổi lại cũng được sự thông cảm, yêu mến của độc giả do nhân nghĩa luôn được đề cao.

"Bên Dòng Sông Trẹm" đã được đưa lên sân khấu cải lương rất ăn khách. Soạn giả Huỳnh Anh chuyển thể thành vở cải lương với sự tham gia của các nghệ sĩ: Minh Phụng, Phượng Liên, Kiều Hoa, Kiều Tiên, Bảo Quốc... Tác phẩm còn được đạo diễn Lê Dân chuyển thể thành phim với các diễn viên: Y Phụng, Lê Tuấn Anh, Hồng Đào, Thanh Vy, Lê Khanh...

 Nhà văn Dương Hà mất ngày 20/8/2018 tại Sài Gòn, hưởng thọ 85 tuổi.

 

Nhà văn Dương Hà (1933-2018)


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts