Ngoài những khó khăn phải thích nghi
với hoàn cảnh trong việc hội nhập, người Việt định cư tại Mỹ còn phải vượt qua
nhiều rào cản về văn hóa và pháp lý đặc thù của một đất nước vốn được coi là
một trong những cường quốc trên thế giới. Bài viết này nêu ra một số những trở
ngại mà người Việt thường gặp trong cuộc sống hàng ngày tại Mỹ.
***
Sau đợt di
tản đầu tiên từ tháng 4/1975, người Việt định cư tại Mỹ được đón nhận thân nhân
từ Việt Nam
sang đoàn tụ gia đình theo diện ODP (Orderly Departure Program – Chương trình
Ra đi có trật tự). Chương trình này được tiến hành từ năm 1979 dưới sự hỗ trợ
của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn
(United Nations High Commissioner for Refugees – UNHCR)
Sau khi quan
hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được bình thường hóa vào năm 1994, Hoa Kỳ
trực tiếp đối thoại với chính phủ Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho người
di cư từ Việt Nam đến Mỹ. Chương trình ODP từ đó có tên là Chương trình Tái Định cư Nhân đạo (Humanitarian Resetlement Program
– HR)
Như vậy, tự
nhiên trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đã hình thành hai lớp người, đôi
khi người ta gọi nôm na là “Mít Khô” (những người đến trước) và “Mít Ướt” (những người được bảo lãnh đến sau). Đã có
không ít những gia đình gặp cảnh trớ trêu khi hai lớp người Việt Nam ‘cũ’ và
‘mới’ đụng chạm vào cái mà người bản xứ thường gọi là ‘cultural shock’, tạm
dịch là "cú sốc văn hóa", dẫn đến bi kịch trong những gia đình được đoàn tụ
trên đất Mỹ. Ông K., một trong số khoảng 135.000 người Việt ra đi từ tháng 4/1975,
giải thích:
“Những người đi trước, sau một thời
gian đã dễ dàng hòa nhập với cuộc sống mới tại Mỹ, nhưng những người đến sau
gặp nhiều khó khăn từ ngôn ngữ đến lối sống. Dù là những người thân trong gia
đình, nhưng vẫn có sự ‘bất mãn’ ngấm ngầm giữa hai bên. Về mặt tâm lý, một bên
phải khổ tâm khi nói ra còn bên kia lại tự ái khi bị nhắc nhở”.
Ông K. đưa ra
những ví dụ về thói quen vốn có của người Việt như nói chuyện ồn ào trong tiệm
ăn, xả rác tùy tiện nơi công cộng hoặc ngồi xe hơi lại… “vắt chân chữ ngũ”. Ở
Mỹ, đó là những chuyện trở thành “kiêng kỵ” trong lối sống vì người ta không
bao giờ ngồi vắt vẻo trong xe mà lại không chịu cài “seat belt” an toàn.
Những người
mới qua đâu có biết rằng nếu ngồi trong xe mà chỉ có 1 chân dưới sàn thì sự
nguy hiểm khi gặp tai nạn trên xa lộ sẽ tăng gấp đôi so với người có điểm tựa
là hai chân trên sàn xe. Những điều tuy nhỏ nhặt như vậy nhưng cũng khiến người
nhắc nhở không cảm thấy vui mà người được nhắc nhở lại càng khó chịu.
Thế cho nên,
nhiều gia đình tuy mang tiếng là đoàn tụ nhưng chỉ một thời gian ngắn phải tính
đến chuyện “ra riêng” vì những “rào cản” vô hình. Anh chị em ruột khi đã ở
riêng có lúc không còn muốn nhìn mặt nhau, thậm chí còn coi nhau như... kẻ thù.
Phần lỗi có thể thuộc về cả hai phía vì không nhìn thấy “những cú sốc về văn
hóa”.
Khác với ông
K., ông N. sang Mỹ theo diện ODP. Được một thời gian thấy nhớ Sài Gòn nên ông mua
vé máy bay về thăm lại quê hương. Chuyện về Việt Nam quá dễ dàng nhưng ông N. sững
sờ khi được biết mình không thể trở lại Mỹ chỉ vì mới có Thẻ Xanh chứ chưa có
Hộ chiếu chính thức của Hoa Kỳ!
Thẻ Xanh (Permanent
Resident)
Tất cả cũng
chỉ vì trước khi về Việt Nam
ông N. đã không xin Giấy phép tái nhập
(Re-entry Permit). Người có Thẻ Xanh khi đi ra khỏi nước Mỹ sẽ không được trở
về nếu vắng mặt tại Mỹ từ 1 năm trở lên. Trong trường hợp vắng mặt dưới 1 năm,
Thẻ Xanh cũng được coi như người sở hữu đã “từ bỏ” (abandon) nếu cư trú bên
ngoài nước Mỹ.
“Re-entry Permit” do Sở
Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ
(U.S. Citizenship and Immigration Services) cấp phát
Có “Re-entry
Permit” là điều khẳng định sẽ không bỏ Thẻ Xanh và “Giấy phép tái nhập” này có
giá trị trong vòng 2 năm kể từ ngày ký. Thế cho nên có thể sử dụng giấy phép đó
như giấy tờ khi ra khỏi nước Mỹ. Điều quan trọng là cần tham khảo luật lệ di
trú của quốc gia mình đến trước khi đi.
Bảng nhắc nhở thường thấy tại phi trường Hoa Kỳ:
“Những người mang Thẻ
Xanh lưu ý: Ra nước ngoài thường xuyên hay trong một thời gian dài? Đừng quên
mang theo Giấy phép Tái nhập…”
Luật Mỹ còn
quy định người đang hưởng quy chế tỵ nạn sẽ cần phải có “Refugee Travel
Document” (Chứng từ du lịch dành cho người tỵ nạn) khi đi khỏi Mỹ. Chứng từ này
do Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ (US Department of Justice) cấp. Không có những loại giấy
tờ này thì chắc chắn người mang Thẻ Xanh sẽ ngậm đắng nuốt cay vì… “một đi không trở lại”.
Để được cấp thị
thực vào Việt Nam, Bộ ngoại giao Việt Nam không đòi hỏi phải có “Re-Entry
Permit” hoặc “Refugee Travel Document” nhưng nếu không có các loại giấy này,
nước Mỹ sẽ không cho phép những người chưa có quốc tịch Mỹ được trở lại Mỹ sau
khi đã đi ra nước ngoài! Đã có không ít trường hợp những người như ông N., chỉ
vì kém hiểu biết về luật lệ của Mỹ, nên đành ở lại Việt Nam sau một
thời gian sinh sống tại Mỹ!
“Refugee Travel Document”
tạm dịch là
“Giấy đi đường của người
tị nạn” (?) do Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cấp
Những người
Việt đang chờ được cấp "Thẻ Xanh" (Green Card) hay còn gọi là “Permanent
Resident Card” (Thẻ chứng nhận ‘thường trú nhân’) khi về Việt Nam cũng phải có
giấy phép gọi là “Advance Parole” (Form I-512), loại giấy phép dành cho người
nước ngoài sinh sống tại Mỹ, sau khi du lịch ra nước ngoài được phép trở lại
Mỹ.
Tuy nhiên, dù
đã có “Advance Parole” nhưng nếu người đã sống tại Mỹ bất hợp pháp trên 180
ngày và dưới một năm vẫn không được nhập trở lại Mỹ trong vòng ba năm kể từ
ngày rời Mỹ. Nếu sống tại Mỹ bất hợp pháp từ một năm trở lên thì sẽ bị cấm vào
Mỹ tới 10 năm. Tóm lại, nếu sống tại Mỹ bất hợp pháp thì đừng bao giờ rời Mỹ
trước khi có Thẻ Xanh!
Ra khỏi nước Mỹ trong
tình trạng Thẻ Xanh đang chờ xét mà không có “Advance Parole” đồng nghĩa với
việc đơn xin cấp phát Thẻ Xanh tự động bị từ chối
***
Anh C. đang
bị "lay off" vì tình hình kinh tế khó khăn tại Mỹ nên khi có người đề nghị làm
hôn thú với một phụ nữ ở Việt Nam
với mức “thù lao” 10.000 đôla, anh gật đầu ngay. Người phụ nữ ở Việt Nam thuộc loại
khá giả, sẵn sàng chi luôn cả tiền vé máy bay, chi phí đi lại miễn sao cô đạt
được mục đích cuối cùng: đến được nước Mỹ một cách hợp pháp với tư cách là vợ
của anh C.
Trên thực tế,
đã có những đám cưới linh đình ở Việt Nam để rồi khi đến Mỹ “đường ai nấy
đi” vì làm đúng theo “hợp đồng”. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp “lộng giả
thành chân”: đám cưới giả tại Việt Nam nhưng rồi sang đến Mỹ anh-chị
lại thương nhau thật!
Hóa ra "thù
lao theo hợp đồng" dành cho chàng lại biến thành của hồi môn cho nàng! Dĩ nhiên
trong trường hợp hy hữu này, một đám cưới linh đình đã được tổ chức tại Mỹ để
bà con chia vui cùng cặp vợ chồng mới cưới. Họ tìm thấy hạnh phúc thực sự khi
sống bên nhau.
Về mặt pháp
lý, Cơ quan Di trú Hoa Kỳ ngày nay đã phát hiện những “mánh mung” thuộc loại
này nên việc làm hôn thú giả gặp rất nhiều trở ngại. Nhân viên di trú nay đã
“khôn” hơn, họ chia cuộc hôn nhân giữa người ở Hoa Kỳ và chú rể hoặc cô dâu Việt
Nam
làm 3 giai đoạn: “Quen, Thân, Thương”
và mỗi giai đoạn phải có bằng chứng cụ thể để chứng minh.
Khởi đầu,
phải chứng minh được hai người “quen” nhau ra sao và bằng cách nào? Giai đoạn “thân”
nhau phải có chứng từ như email, thư từ qua lại và đến giai đoạn “thương” nhau
phải có hình ảnh đám hỏi, đám cưới tại Việt Nam . Khi người chồng hoặc vợ ở bên
Mỹ làm đơn bảo lãnh cho “vợ hờ” hoặc “chồng hờ” ở Việt Nam, phản ứng đầu tiên
của Cơ quan Di trú là bác đơn vì nhiều lý do. Đó là nguyên nhân khiến những kẻ “mánh
mung” phải nản lòng.
Đối với những
cuộc hôn nhân “thực sự”, người đứng đơn sẽ có quyền khiếu nại (appeal) lên Cơ
quan Di trú thuộc Bộ ngoại giao Hoa Kỳ với những bằng chứng cụ thể. Vợ chồng
vẫn có hy vọng đoàn tụ với nhau trên đất Mỹ.
Tuy nhiên, để
lấy được ‘thẻ xanh’, người vợ Việt Nam phải qua một cuộc phỏng vấn và có khi bị
kiểm tra đột xuất tại nơi ở để nhân viên di trú xác định quan hệ vợ chồng là có
thật. Đã có những trường hợp lục tung tủ quần áo, hoặc thậm chí quan sát số bàn
chải đánh răng trong phòng tắm… để tìm bằng chứng hai người chung sống thật sự.
Theo luật lệ
hiện hành, 3 năm sau khi có Thẻ Xanh người vợ lấy chồng quốc tịch Mỹ mới được
quyền dự thi nhập quốc tịch để trở thành người Mỹ thật sự.
Trở thành người Mỹ với
Passport của United States of America
Lại có cặp vợ
chồng đang sống hạnh phúc bên nhau tại Mỹ, bỗng nhiên bạn bè nghe tin hai người
ly thân, mỗi người một ngã. Hóa ra một quân sư nào đó bầy mưu tính kế, dùng
chước “chia loan rẽ phụng” để… tăng tiền welfare (an sinh xã hội). Theo kế
hoạch, người chồng thuê nhà ở riêng nhưng thỉnh thoảng vẫn lén lút về thăm nhà
trong khi bà vợ và mấy đứa con sống như một người mẹ bị chồng bỏ.
Hoàn cảnh “đáng
thương” của bà được cơ quan an sinh xã hội tăng thêm tiền trợ cấp trong tình
trạng vừa thất nghiệp lại vừa phải nuôi con còn nhỏ. Thu nhập so với trước có
khá lên nhưng hai vợ chồng vẫn phải sống trong tình trạng bất an vì sợ có ngày
âm mưu của họ bị bại lộ!
Internet là
cầu nối giữa những người Việt xa xứ với người thân trong nước. Thay vì gửi thư
theo đường bưu điện như trước đây, người trong và ngoài nước bây giờ có thể
liên lạc với nhau bất cứ lúc nào. Nếu máy tính trang bị thêm webcam, người ta
còn có thể nghe giọng nói của nhau và nhìn thấy nhau khi liên lạc. Cũng vì thế,
những dịch vụ kiểu như “môi giới hôn nhân” hoặc “câu lạc bộ kết bạn” đã nổi lên
như nấm sau mưa ở cả nước ngoài lẫn trong nước.
Phụ nữ Việt
sống tại Mỹ rất “có giá” vì hiện tượng “dương thịnh, âm suy”, đàn ông thì nhiều
trong khi số phụ nữ lại quá ít. Những “cô” 40 hoặc 50 tuổi vẫn còn cơ hội lập
gia đình trong khi những cậu chỉ mới 30 cũng rất khó chọn lựa cho mình một ý
trung nhân. Thế cho nên, người ta có khuynh hướng trở về quê hương để “tìm một
nửa của mình” nếu không muốn lấy vợ khác màu da, tiếng nói.
Nhu cầu tìm
bạn là điều có thật trong hoàn cảnh những người Việt tại Mỹ sống cô đơn, nhất
là tại các tiểu bang ít người Việt. Sẽ là điều tốt, nếu như tìm được một người
tâm đầu ý hợp trên mạng, mặc dù cách nhau đến nửa vòng trái đất. Trong trường
hợp này, “xa mặt cách lòng” không còn là một rào cản mà người ta thường lo
ngại! Thế nhưng, cũng có không ít trường
hợp các ông phải ngậm ngùi ca bài “Anh đã
lầm đưa em sang đây…”.
Mặt trái của
các dịch vụ “tư vấn hôn nhân” là những biến thể không thể lường trước của nó. Có
thể người tìm bạn gái là ông chồng chán “cơm” Mỹ nên tìm cách về Việt Nam ăn
“phở”! Đã có những lời xì xào của các bà có chồng hay về Việt Nam “thăm gia đình”: “Biết đâu ông ấy lại kết hợp việc về Việt Nam để đi tìm… phở!”.
Cũng có thể người
đăng ký tìm ý trung nhân là ông già thuộc lứa tuổi “xưa nay hiếm” lên mạng tìm bạn
gái đôi mươi tại Việt Nam .
Sau khi đã phải chi một số tiền khá lớn cho dịch vụ môi giới cộng thêm những
tốn kém trong việc đi lại giữa Mỹ và Việt Nam, ông “Yamaha” (già mà ham) cũng
đạt được mục đích cuối cùng: đưa cô vợ trẻ về Mỹ.
Chỉ tiếc một
điều là ngày “trùng phùng” cũng là thời gian ông phải chiến đấu với bệnh tật
của tuổi gần đất xa trời hoặc người vợ trẻ “say goodbye” với ông chồng già.
Thật đúng là:
“Công anh xúc tép nuôi cò
Cò ăn, cò lớn, cò dò, cò bay "
Người ta cũng
phải ghi nhận sự thành công của các dịch vụ môi giới hôn nhân, nhờ nó nhiều
người trẻ tuổi có cơ hội xe duyên dù cách nhau đến nửa vòng trái đất. Internet
đã thực hiện được những cuộc đột phá mà trước đây có “nằm mơ cũng không tưởng
tượng được”.
Ở một khía
cạnh khác, tìm bạn trên mạng cũng có thể đụng phải một đường dây buôn bán phụ
nữ mà khi đã lạc vào đây các cô gái khó tìm đường thoát thân. Báo chí tại Việt Nam đã
khui ra những trường hợp dịch vụ kết bạn chỉ là tổ chức lừa đảo những phụ nữ
sính… chồng ngoại.
Người ta
thường nói: “Mọi tham vọng đều có cái giá
phải trả… Vấn đề là Đắt hay Rẻ”.
***
(Trích Hồi
Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
- Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
- Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
- Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
- Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
- Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
- Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
- Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
- Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
- Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh
thổ)
Tác giả bắt
đầu viết chương cuối cùng mang tên… Thời
xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét