Thứ Hai, 17 tháng 2, 2025

Nhân ngày Valentine… nói chuyện tình yêu

Tình yêu được nói đến qua Thi ca & Âm nhạc trải qua vô vàn tác phẩm kể từ ngày con người xuất hiện trên trái đất này. Không những thế, Yêu Thương còn được thể hiện qua rất nhiều công trình kiến trúc mà đến ngày nay vẫn còn tồn tại trong suốt lịch sử loài người.

Nhân ngày Valentine 14/2, mời các bạn ngược dòng lịch sử để nhìn lại một vài mối tình đặc biệt của người xưa đối với “bạn tình” mà tôi thấy rất khó có thể diễn ra trong thế giới ngày nay!

 

Happy Velentine’s Day

 

* Ngôi đền Taj Mahal của Ấn Độ là một minh chứng hùng hồn cho tình yêu sâu đậm của Hoàng đế Shah Jahan dành cho Mumtaz Mahal, người vợ đã qua đời khi sinh đứa con thứ 14. Khi Hoàng hậu trút hơi thở cuối cùng, Shah Jahan đã để tang suốt 2 năm trời bằng cách… không nghe nhạc và từ bỏ mọi cuộc vui giải trí.

Hơn thế nữa, năm 1623 “vị Hoàng đế thuỷ chung” cho xây dựng ngôi đền Taj Mahal ở thành phố cổ Agra để tưởng niệm Hoàng hậu quá cố. Ngôi đền được vây quanh bởi 4 ngọn “tháp thuôn” (minaret) cao 40m, chính giữa là lăng mộ với mái vòm hình củ hành theo truyền thống đạo Hindu pha lẫn kiến trúc Ba Tư.

Cũng chính nơi đây, năm 1666 Hoàng đế Shah Jahan đã được chôn trong một nấm mộ bằng đá hoa cương, nằm song song bên người vợ yêu quý khi ông qua đời. Công trình kiến trúc Taj Mahal phải cần đến hàng ngàn lao động để nói lên tình yêu của một Ông Hoàng đối với “một nửa của mình”.

 

Ngôi đền Taj Mahal ở Agra, Ấn Độ

 

* Mối tình vương giả thứ hai thu hút sự chú ý của công chúng xảy ra trong Hoàng gia Anh quốc khi Vua Edward VIII đã từ bỏ ngai vàng để kết hôn với một người phụ nữ nước ngoài.

Ngai vàng được chuyển cho người em trai của ông, Vương tử Albert (tức George VI). Với thời gian trị vì chỉ 326 ngày, Edward là một trong số những vị vua có thời gian trị vì ngắn nhất trong suốt chiều dài lịch sử Anh Quốc.

Edward lên ngôi vua nước Anh ngày 20/1/1936 sau khi vua cha George V băng hà nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi trị vì, ông thoái vị vào ngày 11/12 cùng năm.

Là vua nhưng Edward VIII đã tỏ ra khó chịu vì những lễ nghi rườm rà chốn cung đình, khiến các chính trị gia trong nước lo lắng vì thái độ coi thường hiến pháp của ông. Chỉ vài tháng sau khi lên ngôi, ông gây ra một vụ “khủng hoảng” khi kết hôn với Wallis Simpson, một phụ nữ Hoa Kỳ đã từng ly dị một đời chồng và đang sống ly thân với người chồng thứ hai.

Thủ tướng Anh, Stanley Baldwin, phản đối cuộc hôn nhân vì cho rằng một phụ nữ đã từng ly dị hai đời chồng không đủ tư cách để làm “mẫu nghi thiên hạ”. Theo truyền thống, một cuộc hôn nhân như vậy cũng không hề phù hợp bởi Edward còn là thủ lĩnh tối cao của Giáo hội Anh, Anh giáo phản đối việc tái hôn sau khi ly hôn nếu như người hôn phối cũ vẫn còn sống.

Cuối cùng, ông vẫn kết hôn với Wallis Simpson ở Pháp vào ngày 3/6/1937, sau khi thủ tục ly hôn lần thứ hai của bà hoàn tất. Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, ông lần đầu tiên được bổ nhiệm là người đại diện cho quân đội Anh ở Pháp, nhưng sau khi có người cáo buộc rằng ông theo phe Phát-xít, ông bị đổi làm Toàn quyền xứ Bahamas. Sau chiến tranh, Edward sống nhàn nhã bên vợ suốt quãng đời còn lại ở Pháp.

 

Vua Edward VIII đã từ bỏ ngai vàng để được sống với bà Wallis Simpson

 

* Trong Thế Chiến thứ hai, Horace Greasley là một quân nhân người Anh trong trại tù của Đức Quốc Xã đã vượt ngục hơn 200 lần để được sống với người yêu. Ý trung nhân của Greasley là Rosa Rauchbac, người Đức gốc Do Thái, thông dịch viên trong trại tù nơi anh đang bị giam giữ!

Khi họ mới yêu nhau, Greasley bị chuyển sang làm việc ở một trại tù khác, cách đó khoảng 40 dặm. Xa cách người yêu trong thời gian đầu, Greasley liên tục tìm cách trốn khỏi trại, có khi lên đến 4 lần trong một tuần lễ, chỉ để dò xem Rosa đang làm việc ở đâu rồi lại quay trở về trại.

Trong các lần gặp nhau, Rosa đều cung cấp thực phẩm cho Greasley và các bạn trong tù. Thậm chí Rosa còn móc nối thân nhân người tù cho đến ngày được ra tù vào cuối cuộc Thế chiến, năm 1945.

Điều không may mắn cho cặp “tình nhân lao tù” này là chỉ vài năm sau chiến tranh, Rosa và đứa con chung của hai người đã lìa đời ngay sau đó!

 

Tù nhân trong trại tập trung Đức Quốc Xã

 

* Cuộc tình của “qủa bom nổ chậm” Marilyn Monroe với cầu thủ bóng chày nổi tiếng Joe DiMaggio chỉ kéo dài 274 ngày trong năm 1954 nhưng cuộc hôn nhân ngắn ngủi đó có nhiều chuyện khiến người hâm mộ bàn tán không ít.

Chính DiMaggio là người đã đứng ra chăm sóc cô đào tóc vàng khi Marilyn Monroe đang điều trị tại bệnh viện tâm thần trước khi ly dị với nhà văn kiêm kịch tác gia Arthur Miller. Thậm chí DiMaggio còn tính đến chuyện hai người sẽ tái hợp để nối lại sợi dây tình cảm đã bị cắt đứt trước đó!

Thực tế DiMaggio chưa bao giờ kịp tái hồi Marilyn và ông cũng từ chối bình luận về cái chết của Marilyn. Có điều trong suốt 20 sau khi Marilyn qua đời, DiMaggio một tuần 3 lần tặng hoa hồng trên mộ Marilyn. Đó là một thứ tình yêu với một cử chỉ quan tâm đặc biệt dù người mình yêu đã vĩnh viễn rời xa!

 

Cặp tình nhân “đặc biệt” Marilyn Monroe & Joe DiMaggio

 

Chắc bạn còn nhớ truyện “Love Story” của Erich Segal (1937- 2010) đã một thời “làm mưa, làm gió”. Có một danh ngôn của nhân vật trong chuyện đã “phán”: 

"Love means never having to say you're sorry"

 

Tác phẩm “Love Story” – Tác gỉa Erich Segal (1937- 2010)

 

*** 

--> Read more..

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2025

Ra giêng đi hớt tóc

Khác với đa số mọi người, thay vì đi hớt tóc vào những ngày cuối năm để ăn Tết, năm mào tôi cũng đợi đến ra giêng mới đi hớt tóc. Đơn giản chỉ vì người ta đua nhau đến tiệm hớt tóc để “o bế” cái đầu đón xuân cho có vẻ lịch sự, chải chuốt. Cũng vì thế, đến tiệm hớt tóc trước Tết bao giờ cũng phải ngồi chờ!

 

Ra giêng… hớt tóc

 

Ngay từ thời còn bé, đầu tóc tôi đã có những sợi “vô kỷ luật”, cứ đòi vươn lên dù đã cố tình chải ép chúng nằm xuống, nhất là phía sau gáy. Cũng vì thế bạn bè ngay từ thời tiểu học đã gọi tôi là “Gà Gô” chỉ vì những sợi tóc cứ tự do vểnh lên “trêu ngươi” như… cái đuôi con gà gô!

Ngày còn ở Đà Lạt, ở đoạn nối đường Lê Thái Tổ với Trần Hưng Đạo có một khu được mệnh danh “Garage Martinet” (gara của người Pháp) sau đổi thành Ty Dụng Cụ dưới thời VNCH. Đối diện với gara là một dãy những “kiosk” nhỏ nhưng trong số đó có một quán mà sau này nổi tiếng với cái tên cho cả khu: “Xóm Bà Thái”.

Bà Thái vốn là người kinh doanh “thân thể phụ nữ” từ Sài Gòn lên Đà Lạt lập nghiệp. Hồi đó, nhạc Mỹ đang thịnh hành, trong đó có bản nhạc “Summertime” cho nên “giới hảo ngọt” mới đặt chết tên khu này là “Xóm Bà Thái”.

 

“Xóm Bà Thái”, Đà Lạt xưa (ảnh tư liệu)

 

Trở lại với đề tài râu tóc. Trong “Xóm Bà Thái” có một “kiosk” dành cho nam giới ghé vào để hớt tóc (chứ không phải để “tìm hoa thơm cỏ lạ”). Tôi đã nhiều lần ngồi trên ghế hớt tóc, chứ không phải là “tìm hoa” vì tuổi còn “ngây thơ trong trắng”, chưa từng biết đến “cái thú” của các bậc thanh niên đa tình!

Hớt tóc cũng có cái thú là được trò chuyện cùng các anh thợ sử dụng “tondeuse”. Hồi xưa thợ hớt tóc còn dùng loại “tông-đơ” điều khiển bằng tay, ngày nay được thay bằng điện nên “hiện đại” nhưng cũng “hại điện” hơn nhiều! Có nhiều anh (hay bác) thợ hớt tóc tỏ ra là người theo dõi rất nhiều chuyện thời sự thường ngày.

Ít ra thì các anh cũng biết một anh thợ hớt tóc sau này là “Ông Hoàng nhạc Việt”. Đàm Vĩnh Hưng đã khuấy động “showbiz” với những chuyện động trời, nổi bật nhất là vụ kiện hàng trăm triệu đô la khi anh biểu diễn bị té trong một bữa tiệc tại nhà của một tỷ phú người Mỹ có vợ Việt.

 

Hớt tóc dạo

 

Ngày nay còn có dịch vụ “hớt tóc thanh nữ” có nghĩa là các bà, các cô đứng hớt tóc cho các bậc “tu mi, nam tử” tại các tiệm “đứng đắn” nhưng cũng có những nơi phái nam đến để hớt tóc là phụ còn chuyện “kia” mới là chính.

Nói chuyện giết thì giờ trong khi hớt tóc cũng là một cái thú, nhất là gặp những “thợ cạo” hiểu biết chuyện thời sự đăng trên mạng. Chẳng hạn như chuyện dài về “drama” của CEO Đại Nam Nguyễn Phương Hằng, chuyên gia “bốc phốt” đủ mọi hạng người trong xã hội!

Lại cũng có chuyện mới đây một khách nữ từ chối thanh toán tiền sau khi đã ngồi để thợ làm tóc suốt nửa ngày trời. Lý do khách đưa ra thật đơn giản: thợ đã không nhuộm tóc theo đúng ý! Thật tội nghiệp cho người thợ đã bỏ ra công sức để làm đẹp cho vị khách khó tính này!

 

Hớt tóc vỉa hè

 

Tôi cũng đả có lần tham gia câu chuyện bằng cách đặt ra câu hỏi các anh “thợ cạo” có biết ngày nay nghề nghiệp có thể chiếm một vị trí “quan trọng” là nghề gì không? Đa số các anh đều có vẻ còn đang suy nghĩ về câu hỏi, tôi bèn tự trả lời một cách… bất ngờ:

“Một trong những nghề uy tín nhất cũng như danh giá nhất là…những người thợ hớt tóc. Này nhé, những vị vua chúa ngày xưa cũng như Tổng thống ngày nay khi ngồi trên ghế hớt tóc đều phải răm rắp nghe theo sự điều khiển của “các bác phó cạo”. Thậm chí còn có lúc họ được phép thản nhiên “đè đầu, vặn cổ” khách (dù là vua chúa hay những vị quyền cao, chức trọng) theo ý của mình trong lúc hành nghề…”

Bác phó cạo cười ngụ ý đồng tình với nhận xét đó nhưng cũng nói thêm… “chỉ lúc hành nghề thôi chứ bình thường mà làm như vậy thì đâu có được! Nhiều khi lại còn bị… chém đầu nữa là đằng khác”.

 

Bộ đội cắt tóc ngoài đường (sau 30/4/1975)

 

Tiếp xúc với những người thuộc ngành nghề đặc thù này, tuy chỉ có tính cách “làm đẹp” cho khách hàng, tôi thấy thế giới của họ thật thú vị vì có cơ hội gần gũi, dù chỉ trong giây lát, nhưng cũng đủ để làm phong phú “kinh nghiệm nghề nghiệp” của họ!

 

*** 

--> Read more..

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2025

Sóng gió dặm trường

Khi viết bài này, cuộc hành trình Về miền Đất Phật của tăng đoàn sư Minh Tuệ vẫn còn đang ở Thái Lan trước khi vào Myanmar. Giữa thời điểm năm cũ bước sang năm mới Âm Lịch, đã có một “cơn sóng gió” đáng chú ý trong đoàn gữa các thành viên là các tu sĩ và nhóm “hộ pháp” bảo vệ đoàn.

Theo lời thuật lại của anh Đoàn Văn Báu (trưởng đoàn tình nguyện hỗ trợ), đêm Giao Thừa năm Ất Tỵ đã có một buổi họp được mô tả là rất “căng thẳng” kéo dài 3 tiếng (từ 5:30 đến 8:30), một bên là 3 người hỗ trợ đoản (Báu, Giáp, Hà) và một bên là những thành viên trong tăng đoàn.

Người đầu tiên góp ý là sư Minh Nhuận với đề nghị cho các youtuber vào gặp gỡ các sư phụ để giao lưu và phỏng vấn. Anh Báu có hỏi đây là ý kiến của ai và được trả lời là “ý kiến của con”.

Sư Minh Nhuận đòi hỏi mỗi tối cuối ngày các sư cần có buổi họp mặt với các youtuber theo đoàn. Sau đó, sư Minh Nhuận đã hỏi một phật tử có lo hộ visa được không và lưu ý sư Chơn Chí lưu lại số điện thoại… Điều này có vẻ một số sư đã muốn tự lo giấy tờ, không cần đến sự hỗ trợ như trước đây.

Sư Minh Nhuận còn đề nghị tăng đoàn sẽ được đi “khất thực tự do” giống như đã từng làm ở Huế và Quảng Trị lúc trước. Sư cũng nói thêm là các sư muốn được tự do thích đi khất thực giờ nào cũng được vào buổi sáng, còn buổi tối muốn nghỉ chỗ nào tuỳ thích, nếu bị đuổi thì đi chỗ khác.

 

Sư Minh Tuệ và anh Đoàn Văn Báu

 

Anh Báu lo ngại nếu không có sự sắp xếp trước sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn như ở Huế khi Phật tử đến ngày một đông dẫn đến sự tan rã. Phần sư Minh Nhuận cho biết mình không có ý muốn cho đoàn tan rã mà chỉ muốn các sư được tự do hơn trong sinh hoạt hàng ngày.

Trước đoàn thường tổ chức cuộc họp hàng tuần để “góp ý”“kiểm điểm” về những sự việc đã qua. Trước buổi họp trong đêm Giao Thừa, sư Minh Trí có tiết lộ với “achan” (tiếng Thái là Thầy) Báu là “cần phải thận trọng” với các sư Minh Nhuận và Phúc Giác vì họ “có vẻ không hoan hỉ” với anh.

Theo anh Báu, sư Minh Nhuận chỉ mới nhập đoàn có vài hôm nhưng lại là người có rất nhiều ý kiến cho nên trong cương vị của người hỗ trợ, anh Báu cảm thấy sư là một thành viên có nhiều biểu hiện “chống đối sự đoàn kết của các thành viên trong đoàn”. Những ý kiến đó (dù có tính cách xây dựng nhưng đôi khi cũng mang tính cách chống đối) khiến người có trách nhiệm phải bận tâm!

 

Anh Đoàn Văn Báu, sư Minh Tuệ, anh Lê Khả Giáp (góc phải)

 

Người thứ hai lên tiếng là sư Phúc Giác với ý kiến: trong trường hợp các sư đến nhập đoàn nhưng không được nhận thì không nên quay cảnh họ lên xe trở về vì như thế sẽ ảnh hưởng đến việc tu tập sau này và còn bị hiểu lầm là họ bị công an… “trục xuất”!

Khi đoàn ở Lào, đã có lần sư Phúc Giác phải rời đoàn để về nước. Cảnh đưa sư ra xe (do anh Lê Khả Giáp quay) khiến người xem có cảm giác sư đã bị… “trục xuất” bởi những người mặc đồ dân sự, có dư luận đồn rằng “đã bị công an áp giải ra xe”! Trong khi đó, anh Báu lên mạng cũng cho biết là sư đã… “bị trục xuất”.

Đã xảy ra tranh cãi giữa sư Phúc Giác và anh Báu. Anh yêu cầu sư đưa ra bằng chứng về lời tuyên bố này. Sư cho biết đã nghe rất nhiều thông tin về chuyện này và anh Báu phản pháo rằng sư Phúc Giác đã “nói dối”… vì ngay từ ngày đầu đến với đoàn sư đã hứa sẽ không phạm lỗi “nói dối”!

Ngoài ra còn có một số vấn đề và thắc mắc mà các sư đặt ra như:

(1) Anh Báu có quyền nhận sư mới tham gia vào tăng đoàn hay cho ai rời tăng đoàn hay không?

(2) Tại sao có sự phân biệt youtuber này được quay còn youtuber khác lại không?

 

Anh Lê Khả Giáp và anh Đoàn Văn Báu

 

Sư Chơn Chí muốn có một điện thoại thông minh (smartphone) kết nối với internet (theo lời sư là để học tiếng Anh, tra cứu kinh sách…). Điều này đi ngược lại với phép tu hạnh đầu đà “buông bỏ vật chất”… nhưng vẫn còn tuỳ vào sở nguyện của từng người tụ tập.

Sở hữu một điện thoại với người tu hành không phải vấn đề lớn, mà cách sử dụng mới là quan trọng. Một người tu có điện thoại nhưng chỉ dùng để làm những việc cần thiết như để tải kinh sách, học tiếng Anh, tra Google Maps, liên hệ để nhờ giúp đỡ vấn đề Visa, hộ chiếu... không thể xem là phạm giới.

Tuy nhiên, nếu người tu sử dụng điện thoại để phục vụ những nhu cầu của người trần tục như “chat” với bạn bè, người yêu… hoặc theo dõi những đề tài “hot” hay “trend” trên mạng thì rõ ràng là đã phạm giới luật của việc tu hành. Dù sao đi nữa, nguyện vọng của sư Chơn Chí đã được đáp ứng với một chiếc iPhone 13!

Sư Minh Tạng muốn đưa song thân qua Thái Lan thăm đoàn vào dịp Tết nên đã gửi hộ chiếu cho anh Báu nhưng có sự lầm lẫn về ngày khởi hành. Việc anh Báu nói có “cô Trinh” đi theo (lời sư An Lạc) ám chỉ cô này có mối quan hệ với sư An Lạc khiến vị sư này bất bình nói là “vu khống”.

Chuyện này đã được sáng tỏ khi bố mẹ sư Minh Tạng đến Thái Lan thăm con, họ xác nhận có người con gái tên Trinh đi cùng. Khác hẳn với sự nghi ngờ của anh Báu là cô này “có mối quan hệ với sư An Lạc”. Có điều, các sư trong đoàn nên hạn chế việc thân nhân đến thăm vì sẽ ảnh hưởng đến việc tu tập của họ.

Anh Báu sợ các sư không có đủ thực phẩm cho bữa ăn duy nhất trong ngày, nên đã bố trí các Phật tử đến cúng dường vào mỗi buổi sáng. Tuy nhiên, một số sư lại thích vào nhà dân khất thực hơn (để tránh cảnh các sư xếp hàng nhận đồ ăn và thức uống… “không được tự nhiên”).

Anh Báu nhắc lại mục đích chủ yếu của anh và những tình nguyện viên khác là bảo vệ sư Minh Tuệ trước những bất trắc trong suốt cuộc hành trình đến Ấn Độ còn những chuyện khác “không quan trọng”. Các sư khác nếu cảm thấy “không được hài lòng”, họ có thể rời đoàn bất cứ lúc nào!

 

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu trước đây là một sĩ quan quân đội

 

Cuối cùng, sư Minh Tuệ cho biết ý kiến về các đề xuất của các sư trong đoàn:

(1) Sư đồng ý vể việc để đoàn được bộ hành một cách tự do hơn là đi theo kế hoạch đã định trước.

(2) Sư cũng thắc mắc là Achan Báu có bị lệ thuộc vào sự chỉ đạo của các cơ quan chính phủ hay không?

(3) Sư nêu lên vấn đề “kiểm duyệt những tin của Youtuber”. Tại sao trong số những người đó có người được phép quay phim và những người khác thì không?

Để trả lời những thắc mắc nêu trên, anh Báu cho biết:

(1) Kể từ ngày mai, các tình nguyện viên sẽ đứng ngoài hỗ trợ việc tăng đoàn muốn đi đâu và vào lúc nào một cách tự do.

(2) Anh cũng một lần nữa xác định bản thân quyết tâm tu tập, giữ giới trong suốt quá trình theo thầy đến Ấn Độ, bỏ hết công việc cũng như gia đình để theo thầy. Anh cũng đã tạo những mối quan hệ rất tốt đối với các cơ quan và cá nhân tại địa phương đoàn đi qua đồng thời đã đi tiền trạm tại các địa phương đó.

(3) Anh Báu sẽ không làm thủ tục visa nhập Myanmar cho các sư Phúc Giác, Minh Nhuận và Minh Đạo vì việc làm của anh đều không được hoan nghênh. Việc giải tán nhóm hỗ trợ quá dễ dàng nhưng vấn đề anh quan tâm nhất là tương lai của bản thân sư Minh Tuệ sẽ ra sao trong những ngày tới.

(4) Anh Báu nói trong buổi họp đêm Giao Thừa: “Chỉ cần một mình sư Minh Tuệ đồng ý, anh sẽ đưa thầy đi khắp thế giới!”

 


 Phần trên là những chi tiết dựa theo một video clip: https://www.facebook.com/watch/?ref=saved&v=950944677142470.

 

Theo dõi những tin mới nhất ngày Mồng 4 Tết người ta thấy tình hình tăng đoàn sư Minh Tuệ có phần sáng sủa hơn sau chuyện họp đoàn đêm Giao Thừa.

Mong rằng chuyện “Nội bộ Minh Tuệ và Đoàn Văn Báu lủng củng mâu thuẫn, nghi ngờ nát như tương…” (theo giật tít của một video clip) chỉ là một cơn “sóng gió nhỏ” trên chặng bộ hành đến đất Phật.

Chúng ta hãy cùng chắp tay cầu nguyện mọi sự tốt lành cho tăng đoàn.

 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !


***
--> Read more..

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2025

Tân xuân khai bàn phím!

Rồng thăng để đón mãng xà
Trong lùm, trong bụi trườn ra trị vì
Cầm tinh rắn độc có khi
Đổi đời nhân thế từ bi… lại hiền!


Xá gì một kiếp rắn rồng
Biết đâu lại được người trông kẻ chờ
Trông sao những chuyện bất ngờ
Chờ sao đến lúc làm thơ… đổi đời!


***

Bước sang năm mới yên bình
Ra đường không sợ kẻ rình, người soi
Không mang tâm trạng thiệt thòi
Nhân viên công lực không vòi vĩnh tham!


Dân đen nghiêm chỉnh chấp hành
Đèn xanh, đèn đỏ phân minh rạch ròi
Xin đừng lúc tỏ, lúc mờ
Khiến dân không biết đường rờ nơi mô!


***


Tân xuân khai bút vài dòng
“Bé Na” thông cảm nỗi lòng người dân!


***

"Bé Na" lên ngôi hậu




Cả 3 tín hiệu Đèn xanh, Đèn đỏ, Đèn vàng... đều sáng cùng lúc như thể... trêu ngươi!



Đi hay dừng... khi đèn giao thông vừa Đỏ vừa Xanh?



Núp lùm... Phạt nguội... Xì tiền!



***




--> Read more..

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2025

Năm Ất Tỵ nói chuyện rắn rết

Còn ít ngày nữa con rồng sẽ bay về trời để con rắn từ từ trườn vào chiếm ngôi thống trị cõi trần gian trong năm Ất Tỵ.

Rắn ngày nay còn được gọi bằng cái tên thân mật là "Bé Na", không biết “Bé Na” xuất xứ từ đâu?


"Bé Na" thời nay!


Một số người cho rằng cái tên gọi này xuất phát từ sự liên tưởng thú vị giữa hình ảnh của loài rắn và quả na (mãng cầu), ngoài vỏ có những mắt giống hoa văn trên da rắn. Nhiều người khác cho rằng, từ “Bé Na” có gốc từ "snake”, nghĩa là con rắn trong tiếng Anh.

Cũng có ý kiến cho rằng, “Bé Na” vốn là từ lóng dùng để gọi con trăn, sau mới mở rộng ra các loài rắn nói chung, bắt nguồn từ giống trăn khổng lồ Anacoda. Hình ảnh đáng sợ của những con trăn Anaconda trong phim ảnh gây ấn tượng mạnh khiến người ta hễ nghĩ tới rắn khổng lồ là nhớ tới cái tên này.

Thế còn tại sao lại gọi là "bé"? Có lẽ đây là cách hài hước sử dụng “thủ pháp đối lập” để gắn loài vật đáng sợ, biểu tượng của sự mưu mẹo, nguy hiểm với cái tên “Bé” đáng yêu, gần gũi, thân thiện.

Để chào mừng năm mới Ất Tỵ, nhiều tỉnh và thành phố ở Việt Nam đã có những hội hoa xuân được trang trí bằng những hình tượng con rắn. Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ 2025 có chủ đề "Non sông gấm hoa, vui xuân thái hòa", mở cửa phục vụ nhu cầu du xuân của người dân thành phố và du khách.


Mô hình cặp rắn ở Đường hoa Nguyễn Huệ, Sài Gòn


Theo thông tin từ Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (đơn vị tổ chức thi công đường hoa) sẽ diễn ra từ 7 giờ ngày 9/1/2025 đến 12 giờ ngày 27/1/2025. Tại khu vực cổng chào là cặp rắn được thiết kế với Kim Tỵ (nàng rắn) và Ngân Tỵ (chàng rắn) có ngoại hình ấn tượng cả về kích thước cũng như chế tác.

Thật hùng vĩ… Ngân Tỵ (dài 25m) và Kim Tỵ (dài 42m), toàn thân uốn lượn 3 vòng đan xen lẫn nhau, tạo thành đế rộng hơn 11m, có độ cao tính từ phần thân tiếp giáp với nền hoa đến đỉnh đầu cao trên 6m.

Tổng số vảy trên thân của Ngân Tỵ khoảng 2.700 miếng và Kim Tỵ gần 3.600 miếng vảy, được gắn hoàn toàn bằng thủ công kết hợp đèn Led chạy dọc hai bên để chiếu sáng vào ban đêm.
.

Mô hình rắn Sài Gòn... đội nón lá mừng năm mới


Ở Đà Nẵng, ngay gần Cẩu Rồng bắc ngang sông Hàn, cũng xuất hiện một con rắn vươn mình lên gặp con rồng nằm ở đầu cầu. Đây là cây cầu thứ 6 với chiều dài 666m được khởi công xây dựng vào ngày 19/7/2009 và chính thức thông xe ngày 29/3/2013.

Cầu được thiết kế với hình dạng của một con rồng có khả năng phun lửa và phun nước, bắt đầu vào lúc 21 giờ các ngày Thứ sáu, Thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ lớn.

Hình ảnh Rắn-Rồng gặp nhau trong năm Ất Tỵ thật ấn tượng, khiến người ta liên tưởng ngay đến câu “rồng rắn lên mây” mà chỉ ở Đà Nẵng mới có. Sự xuất hiện của hai con thú khiến có người nghĩ ngay đến một năm mới tràn trề hạnh phúc đến với Miền Trung “khô cằn sỏi đá”!


Cuộc hội ngộ kỳ thú năm 2025 theo kiểu "rồng rắn lên mây" ở Đà Nẵng


Miền Trung cũng đã xuất hiện “Bé Na” để mừng xuân như ở Nha Trang, Phú Yên, Quảng Trị… xuống đến Miền Nam như Bạc Liêu và hầu hết 63 tỉnh thành trên cả nước. Cứ tưởng hình ảnh con rắn gợi những cảnh độc địa chết người nhưng dưới bàn tay các nghệ nhân “Bé Na” bỗng trở thành hiền lành, dễ mến!


"Bé Na" đội nón ở Quảng Trị


Tục ngữ ta có câu “khẩu Phật, tâm xà” để chỉ những người ngoài miệng nói ra toàn những lời ngọt ngào, thân thiện… nhưng trong lòng chỉ toàn ý độc địa như… nọc rắn. Nói vậy chứ cũng có loài rắn “hiền khô” như “rắn… nước”, chẳng bao giờ cắn ai!

Rắn cũng theo chân Đức Phật trên bước đường tu tập cho nên ta thấy những hình ảnh trong điêu khắc, hội họa: Ngài tọa thiền trên khúc thân cuộn của một con rắn hổ mang lớn có bảy đầu.

Lúc hoàng hậu Maya hạ sinh Đức Phật tại vườn Lâm Tì Ni, Ngài được hai rắn thần Naga phun nước tắm. Trong thời gian tu khổ hạnh, Đức Phật ngồi tọa thiền dưới cội Bồ Đề thì mưa to gió lớn nổi lên, nước dâng cao ngập cả chỗ ngồi thiền của Ngài.

Khi ấy, mãng xà vương Mucalinda trườn đến, uốn thân mình lại thành bảy vòng tròn như bảo tọa cho Đức Phật ngồi nhập định khỏi bị ngập nước. Đồng thời, rắn thần vươn cao, phồng mang để phình to bảy cái đầu tạo thành chiếc tán che mưa cho Ngài.


Tranh “Đức Phật và rắn thần Mucalinda” với bảy đầu


Hàng nghìn năm đã trôi qua, cái chết của nữ hoàng Cleopatra vẫn còn là điều bí ẩn. Theo các nhà khoa học và sử liệu, vị nữ hoàng quyền lực nhất Ai Cập đã tự sát sau khi người tình là danh tướng Antonius qua đời.

Cleopatra đã tự vẫn do bị rắn độc cắn vào ngực, nhưng liệu bà có thực sự chết vì rắn độc hay không vẫn luôn là điều gây tranh cãi. Rắn độc từng được coi là biểu tượng của hoàng tộc, vì vậy, chết dưới tay rắn độc là cách thích hợp nhất để nữ hoàng Cleopatra lìa trần!

Truyện “Thanh Xà Bạch Xà” miêu tả tình yêu của một con rắn trắng tu luyện thành một cô gái và một chàng thư sinh ở trần gian. Một hôm vô tình Bạch Xà đã gặp và cứu Hứa Tiên, một chàng trai trẻ chuyên hái thuốc. Sau đó cô đem lòng yêu Hứa Tiên.

Trong lễ hội thuyền rồng với phong tục uống rượu trừ tà, Hứa Tiên đã vô tình cho Bạch Xà uống rượu và khiến nàng hiện nguyên hình một con rắn. Hối hận vì việc đã gây ra cho Bạch Xà, chàng đã liều mạng mình tìm thuốc cứu chữa cho nàng trong rừng sâu.

Con rắn cũng đã gắn bó với con người, theo truyền thuyết cổ Hy Lạp, Esculape - con trai của thần Appolon (thần Thái Dương) và Coronis, con gái vua xứ Thèbes Phlégyas - được xem là ông tổ của ngành Y dược.

Esculape không những có khả năng chữa bệnh mà còn có cả biệt tài làm cho người chết sống lại nên trong biểu tượng của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã có hình ảnh của một con rắn!


Thần Esculape được coi là ông tổ của ngàng Y - Dược


Rắn là tên gọi chung để chỉ một nhóm các loài động vật bò sát ăn thịt, không có chân và thân hình tròn dài, di chuyển bằng cách trườn trên mặt đất. Ngày nay, các loài rắn còn sinh tồn đã được tìm thấy trên gần như mọi châu lục, ngoại trừ châu Nam Cực.

Rắn bao gồm khoảng 500 chi với khoảng 3.400 - 3.550 loài. Kích thước của chúng biến động từ nhỏ, như “rắn chỉ” (Leptotyphlops carlae) chỉ dài khoảng 10cm cho tới lớn như “trăn gấm” (Python reticulatus) dài tới 8,7m.

Đặc điểm của “Bé Na” là sự lột da xảy ra theo chu kỳ trong suốt cuộc đời. Trước khi lột, rắn ngừng ăn uống và thường di chuyển tới nơi ẩn nấp an toàn. Ngay trước khi lột, lớp da ngoài trở nên xỉn màu và hai mắt thì mờ đục. Những con rắn già chỉ lột da từ 1 tới 2 lần mỗi năm, nhưng những con rắn non còn đang lớn thì có thể lột da tới 4 lần.


"Bé Na" trong bộ trang phục màu xanh


Có lẽ cũng vì thế mà ngày nay mỗi khi bước vào năm rắn chúng ta thường thấy “Bé Na” xuất hiện một cách đa dạng, xinh đẹp để cùng con người đón mừng một năm mới… tràn đầy hạnh phúc.

Xin chúc quý vị thân hữu năm Ất Tỵ 2025, một năm mới an lạc với trọn vẹn niềm vui đang chờ đợi ở phía trước!


***
--> Read more..

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2025

Hành hương về Đất Phật: từ Lào sang Thái

Khời đầu hành trình về Đất Phật của tăng đoàn sư Minh Tuệ xuất phát từ cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kon Tum) ngày 12/12/2024 để sang nước Lào. Chặng đầu tiên đã để lại cho Phật tử tại đây một kỷ niệm đáng nhớ (xem “Chặng đầu của cuộc hành hương về Đất Phật”: (https://www.facebook.com/nguyen.chinh.589/posts/pfbid0Dq6mQFaJhxa67zPffenmLV6ZbuyUoZ4nvtK1MW3PSocVsfu85ZPHyeKChhVTer8Bl).

Không những người dân Lào hiền hoà mà cả những người Việt sinh sống tại Lào đã quỳ gối đảnh lễ tăng đoản trên suốt đường đi, khác hẳn với việc hàng đoàn người đi theo đoàn, gây ách tắc giao thông như tại Việt Nam!

Ngày cuối cùng của năm 2024, đoàn đã tiếp tục cuộc hành trình đến Thái Lan và lần này rất nhiều các cơ quan truyền thông quốc tế đã có dịp tiếp cận để tìm hiểu về chuyến hành hương đến Đất Phật Ấn Độ của sư Minh Tuệ.

 

Tin tăng đoản đến Thái Lan xuất hiện trên truyền hình Thái

 

Phóng viên báo Bangkok Post đã gặp tăng đoàn khất thực của Thầy Minh Tuệ, đảnh lễ chúc sức khỏe và xin phép tác nghiệp, ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ về hành trình của tăng đoàn tại Thái Lan.

Hành động này không chỉ chứng minh cho sự chuyên nghiệp và tôn trọng của một tờ báo nước mộ đạo, mà còn thể hiện giá trị đạo đức và đẳng cấp trong truyền thông tại Xứ Chùa Vàng.

Những bài viết và hình ảnh từ Bangkok Post giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về hành trình “đầu trần, chân đất” đáng ngưỡng mộ của Thầy Minh Tuệ và các sư tháp tùng. Những bài báo từ Bangkok Post đã lan toả và chạm đến nhiều trái tim hướng thiện của nhiều người trên khắp thế giới!

BBC News Tiếng Việt cũng đã có cuộc gặp gỡ sư Thích Minh Tuệ tại tỉnh Ubon Ratchathani ở đông bắc Thái Lan vào trưa ngày 3/1. Đây là ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani, miền đông bắc Thái Lan.  

Khi được hỏi lí do đi sang Ấn Độ, sư Thích Minh Tuệ cho biết tất cả đều do nhân duyên, “giống như lúa chín rồi thì phải gặt”. Ông đã dùng lối xưng hô “con” khi tiếp chuyện với phóng viên:

“Hiện tại con đã đủ duyên, và còn sức khỏe nên muốn tranh thủ sang Ấn Độ, ra nước ngoài để học hỏi được nhiều điều hơn. Đi nhiều thì học nhiều, thì mới mở mang được, chứ ở nhà trong lũy tre làng thì không thoát ra được…”

Được hỏi về vai trò của Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, người đứng ra lo mọi thủ tục trước cuộc hành hương, sư Minh Tuệ nói rằng sau khi sư có ý định đi Ấn Độ, thì anh Báu là người đầu tiên tìm gặp thầy bày tỏ sẽ làm mọi thủ tục đưa thầy đi. Và cho đến nay, anh Báu đã làm tốt mọi công việc của một người… “trưởng đoàn”.

 

Hình của BBC News tiếng Việt (Góc trái là anh Báu, hộ pháp của đoàn)

 

Hai phóng viên đài Radio Free Asia (RFA - Đài Châu Á Tự Do) cũng phỏng vấn sư Minh Tuệ về vai trò của anh Báu. Phóng viên người Thái đi cùng với một cô cộng tác viên người Việt nhận xét:

“Anh Báu vô lý khi nói tạo điều kiện cho 1 phóng viên Thái Lan vì Báu đang trên đất nước Thái… Trưởng đoàn có quyền cho phép hay không?”.

Cô cộng tác viên nhận xét: “Anh Báu kiểm duyệt thông tin khá gắt gao… luôn hiện diện trong cuộc phỏng vấn chứ không để phóng viên tự do tác nghiệp”.

Theo dõi cuộc trò chuyện trên RFA, một số khán giả truyền hình thấy khuôn mặt của cô đã bị “làm mờ một cách bất thường” khiến người xem thắc mắc. Cảm giác chung là cô này có định kiến với Báu, nguyên là một sĩ quan công an nay đã về hưu.

 

Hình cắt từ clip “Trải nghiệm gặp sư Thích Minh Tuệ của phóng viên RFA”

 

Người ta cũng cảm thấy mối quan hệ giữa anh Báu và anh Tuấn (Giám đốc Công ty Phát Tâm Thiên Định Tuệ ở Gia Lai và cũng là anh ruột sư Minh Tuệ) dạo gần đây cũng có điều gì đó… “bất thường”!

Anh Tuấn đã gửi 3 youtubers đi theo đoàn nhưng bị anh Báu từ chối cho tháp tùng tăng đoàn với lý do… “không cần thiết”. Một trong 3 người này đã có những lời lẽ “không được hoà nhã” với Trưởng đoàn. Người này sau đó đã gửi lời xin lỗi đến anh Báu.

Ở Thái Lan, anh Báu đã “xuống tóc” và ăn chay ngày một bữa theo các thầy để từ từ tập tu theo các sư trong đoàn. Mừng cho anh!

 

Từ trái sang phải: Lê Khả Giáp, Sư Minh Tuệ, Đoàn Văn Báu

 

Người thứ hai trong vai trò “phụ tá” cho anh Báu là anh Lê Khả Giáp, một youtuber đã từng đi khám phá 13 quốc gia trong đó có Ấn Độ và các nước Châu Phi. Nhiệm vụ chính của anh trong đoàn là quay những video clip lên cộng đồng mạng, số người xem tăng đến hơn 1 triệu người cho mỗi clip về tăng đoàn.

Anh Giáp nay mai sẽ rời đoàn để về Việt Nam vì vợ anh, chị Bùi Thi Thu Thảo, sắp đến ngày ở cữ. Họ đã quyết định đặt tên con trai đầu lòng là Lê Bùi Phương Minh để đánh dấu những ngày tháp tùng sư Minh Tuệ.Thời gian vắng mặt chỉ tính trên dưới 10 ngày, sau đó anh sẽ trở về cùng đoàn để tiếp tục cuộc hành hương đến Xứ Phật.

Kể từ khi theo tăng đoàn, anh Giáp cũng đã có nhiều thay đổi: anh đã tập dần cách ăn chay, cũng đã có đôi lúc anh tháo giầy để đi chân đất như các sư… Mừng cho anh được “chia ngọt, xẻ bùi” khi sống trong cuộc hành hương với các vị chân tu.

 

Lê Khả Giáp và Bùi Thị Thu Thảo với các thổ dân tại tỉnh Papua (Indonesia), tháng 5/2024

 

Kể từ khi đoàn hành hương vào Thái Lan, thành phần các sư tham gia được tăng cường thêm 3 “sư trẻ”, nâng tổng số lên 8 thành viên. Phía Hoàng Gia Thái Lan cũng phái 2 cảnh sát đi theo hỗ trợ đoàn. Thêm vào đó có một vài người Việt tình nguyện theo đoàn để vượt qua rào cản về ngôn ngữ.

Cuộc hành trình sau khi ở Thái Lan sẽ tiếp tục đi về hướng Myanmar. Tại đây đang có chiến tranh, nội chiến giữa các đảng phái… nên chặng thứ ba hứa hẹn nhiều gian truân thử thách nhiều hơn 2 chặng trước.

Chúng ta hãy chắp tay cầu nguyện cho đoàn.

 NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT !!!

 

***

--> Read more..

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2025

Bàn về “quyền được chết” của nhà văn Quỳnh Dao

Bức thư tuyệt mệnh của nữ văn sĩ Quỳnh Dao trước khi giã từ cuộc đời ở tuổi 86 đã một lần nữa dấy lên một làn sóng lâu nay đã âm ỷ trong suy nghĩ của một số người, đặc biệt những người già cả, bệnh hoạn.

 

Quỳnh Dao thời trẻ

 

“Quyền được chết” (The right to die), hay còn gọi là “an tử” chứ không phải “tự tử”, là một thuật ngữ pháp lý dùng để chỉ về việc lựa chọn của con người để tìm đến cái chết một cách tự nguyện nhằm giải thoát khỏi đau đớn, bệnh tật hoặc những lý do khác.

Ở góc độ hẹp hơn, quyền được chết là một hành vi chọn cái chết của người đã thành niên đang phải chịu sự đau đớn về thể chất hoặc tinh thần kéo dài và không thể chịu đựng được sau một tai nạn hay một bệnh lý không thể cứu chữa, rơi vào tình huống sức khoẻ không lối thoát.

“An tử” đề cập đến việc thực hành chấm dứt sinh mạng một con người với mục đích làm giảm thời gian chịu đau đớn và đau khổ về mặt thể lý cho người bệnh. Quyền này được định nghĩa là "một sự can thiệp cố ý được thực hiện với ý định rõ ràng về sự kết thúc một cuộc sống, để xoa dịu sự đau đớn khó chữa".

Do những tranh cãi gay gắt về đạo đức và lo ngại những hệ lụy xấu do việc trợ tử gây ra, tính đến năm 2015, trong tổng số 221 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, chỉ có 3 nước cho phép trợ tử là Bỉ, Luxembourg và Hoà Lan. Gần đây nhất là Cuba đã thông qua Luật an tử.

 

Nữ sĩ Quỳnh Dao

 

Trở lại với cái chết của nhà văn Quỳnh Dao tự tử ngày 4/12/2024 tại nhà riêng, gần đây khi còn sinh thời, bà đã viết:    

"Khi những bông tuyết bắt đầu rơi, tôi khẽ hát trong lòng. Cuối cùng tôi cũng đã chờ đợi được ngày này. Những mùa tuyết rơi trong cuộc đời, tôi đã không bị bỏ lỡ. Những vất vả gập ghềnh nhưng cũng đầy những bài ca và trải nghiệm tuyệt vời".

Bà cũng không quên nhắn nhủ bạn bè, người thân, đồng nghiệp, khán giả: "Đừng khóc, đừng buồn, đừng tiếc cho tôi, bởi tôi đã qua đời một cách đẹp đẽ". Trong bức di thư cuối cùng, có đoạn bà viết:

“Đây chính là tâm nguyện của tôi. Cái chết là con đường duy nhất cho tất cả mọi người, cũng là công việc lớn cuối cùng phải hoàn thành. Tôi không muốn phó mặc đời mình cho số phận, cũng không muốn ngày càng héo mòn. Tôi muốn mình được tự đưa ra quyết định cho sự kiện cuối cùng này”.

Năm ngày trước khi mất (ngày 28/11/2024), Quỳnh Dao đã đăng bài viết dài trên trang cá nhân, thể hiện nỗi nhớ chồng, ông Bình Hâm Đào, trong đó có đoạn:

"… hay là vì thời tiết chuyển lạnh, hay là vì phía sau núi có tiếng chim liên tục gọi, nghe như chim đang nói 'chi bằng đi về thôi'. Mấy hôm nay, em thực sự rất nhớ anh".

Trong một bài viết khác, nữ sĩ cho biết bà bận làm những “công việc cuối cùng" của cuộc đời. Nhà văn muốn "sắp xếp mọi thứ ổn thỏa", để không rơi vào hoàn cảnh như ông Bình Hâm Đào trước đây. Ông đau ốm, nằm liệt giường quá lâu, không thể tự ăn uống, phải phụ thuộc vào máy thở và qua đời năm 2019.

Bà nhấn mạnh:

"Tôi không muốn cam chịu số phận, không muốn để thời gian làm tôi cằn cỗi. Tôi mong muốn được quyền quyết định số phận của mình cho lần cuối cùng này... Xin các bạn lưu ý, tôi đã chọn cách ra đi khi cuộc đời tôi đã đến trạm cuối.

“Các bạn trẻ, đừng vội từ bỏ. Một thất bại thoáng qua có thể chỉ là bài học, là thử thách để tạo nên một cuộc sống tươi đẹp. Hy vọng mọi người sẽ vượt qua được mọi khó khăn.

“… Và giống như tôi, sống đến năm 86 tuổi, khi sức lực đã không còn đủ, buộc phải đối diện với cái chết. Mong rằng đến lúc đó, nhân loại sẽ tìm ra phương thức nhân đạo để những người già có thể ra đi thanh thản, an yên, như lá rụng về cội".

“Thiết kế của Thượng đế cho quá trình sống không tốt lắm. Khi con người già đi, họ phải qua giai đoạn rất đau đớn là suy nhược, thoái hóa, bệnh tật, đi bệnh viện, chữa trị và chết đi.

“Chắc chắn sẽ chết già. Nếu không may thì các bạn sẽ trở thành cụ già nằm liệt giường, phải nhờ đến đặt nội khí quản để duy trì sự sống. Tôi đã chứng kiến bi kịch đó và không muốn chết theo kiểu đó.

“Tôi là ngọn lửa và tôi đã đốt cháy hết sức lực của mình. Bây giờ, trước khi ngọn lửa bị dập tắt, tôi chọn con đường này để về nhà một cách duyên dáng. Các bạn ơi, đừng tiếc thương cho cái chết mà hãy mỉm cười với tôi nhé.

“Vẻ đẹp của cuộc sống nằm ở chỗ có thể yêu, ghét, cười, khóc, hát, nói, chạy, di chuyển, hòa nhập với thế giới phàm trần, sống một cuộc sống vô tư, ghét cái ác như hận thù, sống một cách mạnh mẽ... Những thứ này, tôi đã sở hữu tất cả! Tôi đã sống và chưa bao giờ để cuộc đời này làm thất vọng!

(hết trích)

 

Nữ sĩ Quỳnh Dao

 

Cái chết của nhà văn ngôn tình nổi tiếng hàng đầu Trung Quốc khiến dư luận rúng động. Thi thể của bà được phát hiện tại nhà riêng ở Đài Loan, nơi sinh sống bấy lâu nay. Bước đầu, nguyên nhân cái chết của nữ nhà văn được nghi là tự tử.

Sau khi bà qua đời, thi thể của bà được đưa đến Hội trường Hoài Ái (Đài Bắc) để khám nghiệm. Công tố viên Viện kiểm sát quận Sỹ Lâm cho biết không có dấu vết của vụ án mạng. Gia đình Quỳnh Dao không có ý kiến gì về kết quả này và thi thể của bà đã được bàn giao cho gia đình để lo tang sự.

Năm 2017, Quỳnh Dao từng công khai bức thư dặn dò con cháu những điều sau khi bà mất, trong đó nêu rõ nếu bệnh nặng, bà muốn thực hiện "quyền được chết". Bà còn mong người nhà không đăng cáo phó, không làm lễ truy điệu, không lập linh đường, không đốt vàng mã, không làm giỗ…

Năm 1959, bà lập gia đình với một nhà văn khi mới 21 tuổi và có một con trai là Trần Trung Duy. Sau khi bà trở nên nổi tiếng hơn chồng mình, cuộc hôn nhân của họ tan vỡ và kết thúc bằng cuộc ly hôn vào năm 1964.

Sau khi ly dị, bà trải qua 8 năm làm “người thứ ba” trong hôn nhân với ông Bình Hâm Đào và sau đó, hai người mới chính thức kết hôn nhưng cả hai không có con chung. Khi ông Bình Hâm Đào bị bệnh nặng ở tuổi 90, Quỳnh Dao kiên quyết phản đối việc đặt ống dẫn thức ăn qua mũi để kéo dài sự sống cho chồng.

Việc này vấp phải ý kiến phản đối của con riêng ông Bình Hâm Đào. Họ cho rằng người cha đã mất trí nhớ, Quỳnh Dao không có quyền tự ý quyết định sinh mệnh của ông, đồng thời chỉ trích việc bà là người phá hoại gia đình họ.

Năm 1979, sau 16 năm chung sống trong bóng tối, Quỳnh Dao (khi đó 41 tuổi) kết hôn với Bình Hâm Đào (52 tuổi)

 

"Bà hoàng tiểu thuyết diễm tình" Quỳnh Dao tên thật là Trần Triết, sinh năm 1938, nguyên quán ở Hồ Nam, Trung Quốc. Năm 9 tuổi, Quỳnh Dao đã bắt đầu sáng tác, năm 16 tuổi bà cho ra mắt bộ tiểu thuyết đầu tay "Vân ảnh". Năm 24 tuổi, bà đã có gần 100 tập truyện ngắn cùng hai bộ tiểu thuyết "Tầm mộng viện""Hạnh vận thảo"

Các tác phẩm của Quỳnh Dao được Liêu Quốc Nhĩ dịch và xuất bản rộng rãi ở Việt Nam từ cuối thập niên 1960, cùng thời với truyện kiếm hiệp của Kim Dung do Tiền Phong (Từ Khánh Phụng) dịch. Đó là thời mà những tác phẩm từ Hồng Kông giữ một vai trò khá quan trọng trong thị trường sách dịch tại Miền Nam.

“Mùa thu lá bay”, “Hoàn Châu cách cách”, “Bên dòng nước”, “Mỏi mắt ngóng trông”, “Dòng sông ly biệt”, “Xóm vắng”... đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng người đọc, nhất là phái nữ. Trong đó, nhiều tác phẩm còn được chuyển thể thành phim như “Hoàn Châu cách cách”, “Hải âu phi xứ”, “Mùa thu lá bay”, “Dòng sông ly biệt”, “Xóm vắng”…

 

Những tác phẩm của Quỳnh Dao được dịch sang tiếng Việt

 

* Xem thêm Video clip: “Thư tuyệt mệnh của Quỳnh Dao”

https://www.youtube.com/watch?v=08p-Ff77T9k&t=84s

 

***
--> Read more..

Popular posts