Dù
là người Việt nhưng có lẽ không ai có thể tự hào hiểu hết được tiếng Việt. Đó
cũng là đều dễ lý giải vì tuy cùng sống trong một đất nước nhưng mỗi vùng, mỗi miền
lại dùng những từ ngữ khác nhau, chưa kể từ ngữ giống nhau lại có cách phát âm
khác nhau.
Nếu
có bạn đọc nhíu mày không hiểu tựa đề của bài viết này dùng các từ ngữ “xí xổm”
và “xí bệt” thì chắc chắn bạn là người miền Nam… “xí xổm, xí bệt” lại là ngôn
ngữ của miền Bắc. Dù muốn hay không, kể từ sau năm 1975, giữa hai miền Nam – Bắc
có cơ hội nhiều hơn để trao đổi và tiếp nhận ngôn ngữ của nhau.
Trong
thời kỳ còn chiến tranh, phi công VNCH được miền Bắc gọi là “giặc lái”, sĩ quan
chiến tranh chính trị có tên là “giặc nói”, còn trực thăng được gọi là “máy bay
lên thẳng”… Bắt đầu từ tháng 4/75 người miền Nam được làm quen với những từ như
“cái đài” (radio), “cái nồi ngồi trên cái cốc” (phin cà phê)… rồi “nghiêm túc”,
“khẩn trương”, “khắc phục”, “sự cố”…
Trở
lại với cặp từ “xí xổm, xí bệt”, tôi tò mò vào Google để tìm hiểu và kết quả thật
đáng kinh ngạc. Gõ hai chữ “xí xổm”, chỉ trong 0,31 giây đầu tiên, Google cho
114.000 kết quả, đối với “xí bệt” có đến 399.000 kết quả chỉ sau 0,24 giây! Đến
đây, chắc nhiều người vẫn chưa hiểu hai từ ngữ đó là gì.
Bấm
vào một bài Google cung cấp, tôi đọc thấy: “Xí
xổm vệ sinh Viglacera ST8, giá 382.000 đồng, phí lắp đặt 200.000 đồng… Công nghệ
Italy, xí xổm thiết kế phù hợp với mọi công trình công cộng, dùng công nghệ
tráng men hiện đại chống bám dính… dùng hệ thống xả thẳng. Nơi sản xuất Việt
Nam”.
Đó
là trang Web của Viglacera, một hãng sản xuất thiết bị dùng trong nhà vệ sinh,
với hình ảnh đi kèm. “Xí xổm” có chiều dài 0,485m và chiều ngang 0,426m được thết
kế với chỗ để chân khi ngồi:
Xí xổm Viglacera mang mả số ST8
À
ra thế. “Xí xổm” là bàn cầu ngồi xổm… còn “xí bệt” là bàn cầu ngồi bệt mà ta
thường thấy trong các nhà vệ sinh ngày nay. Người miền Bắc dùng từ “nhà xí” để
gọi nhà vệ sinh cho nên mới phát sinh… “xí xổm” và “xí bệt”. Ngoài từ “nhà xí”
còn có “chuồng chồ” cũng là nơi để giải quyết nhu cầu của cơ thể.
Để
chỉ việc đại tiện, người miền Bắc còn dùng những từ ngữ như “đi đồng” hay “đi
ngoài”. Có thể hiểu, tại vùng quê, “đi đồng” ám chỉ việc ra ngoài đồng trống để
đại tiện, còn “đi ngoài” có lẽ là hành động từ trong nhà đi ra ngoài để giải
quyết “tiếng gọi của bản năng” vì ngày xưa nhà vệ sinh không được thiết kế
trong nhà.
Tôi
còn nhớ thời Pháp thuộc, ngay tại Hà Nội mỗi nhà có một cái thùng để đựng chất
thải và mỗi sáng có xe đẩy đến thu gom. Những người làm công việc này được gọi
là “phu đổ thùng” và các bậc cha mẹ thường răn đe con cái: “Nhỏ không chịu học thì lớn lên chỉ làm… phu đổ thùng”.
Sau
khi đại tiện, người ta thường dùng nước đựng trong lu hay khạp để rửa. Cũng có
nhà treo một cái móc để gắn giấy báo được cắt nhỏ, đó là tiền thân của những cuộn
giấy vệ sinh mà sau này cùng đồng hành với… “xí bệt”.
Nhà vệ sinh thời… văn minh xí xổm
Quả
thật tôi bị lạc vào “mê hồn trận” của hai từ ngữ lạ lẫm: “xí xổm, xí bệt”.
Google cung cấp một bài viết cũng rất lạ, chuyện kể về “xung đột” trong một gia
đình giữa hai nhân vật có tên là Gấu bố và Gấu con xung quanh cái… xí xổm. Khởi
đầu câu chuyện như sau:
“Hơn ba mươi năm trước,
một mình Gấu bố đã tự tay xây dựng nên căn nhà khang trang giữa ruộng mương hẻo
lánh, mà điểm nhấn đặc biệt và cũng là niềm tự hào nhất của ông, cái xí xổm. Đó
là thứ mà những người hàng xóm lạc hậu xung quanh chưa hề biết đến hoặc đã biết
nhưng không đủ trình độ để cất một cái. Với ông, cái xí xổm là một phát kiến vĩ
đại của nhân loại, có thể sánh tầm với bóng đèn điện của Thomas Edison hay thuyết
tương đối của Enstein…”
…. Ông chẳng biết ai
sáng chế ra nó, nhưng chắc hẳn đó phải là một người đã hết sức chịu đựng với những
cái hố xí hai ngăn bốc mùi nghi ngút vào những ngày nắng, âm ỉ những ngày mưa
và bung tỏa khắp đêm trăng sáng vằng vặc. Xí xổm giải phóng con người khỏi
thiên nhiên hoang dã, là phát súng khơi mào cho một thế giới không có biogas, để
đến thời nay mới có một ngành công nghiệp sản xuất bếp gas, các cửa hàng cung cấp
gas và các bác tài chở gas phóng nhanh vượt ẩu gây ra biết bao vụ tai nan giao
thông mỗi ngày…”
Và
đây là những lời Gấu con tranh luận với Gấu bố:
"… Con đã nhẫn
nhịn bao nhiêu năm nay. Mỗi khi con đề nghị, thậm chí là năn nỉ bố hãy từ bỏ
cái văn minh xí xổm lỗi thời của bố để mà "quá độ" bằng một cái xí bệt
sạch sẽ, hiện đại hơn... Con luôn ngậm ngùi im lặng mỗi khi bố ca bài ca
"các anh các chị giờ tân tiến hiện đại nên quên hết truyền thống".
Nhưng lần này tức nước vỡ bờ rồi, đến cả chị Dậu còn có lúc vùng lên. Bố quyết
định đi, một là phá bỏ, hai là cứ giữ lấy nó mà chờ đến lúc cái nhà này… tuyệt
tự."
Sở
dĩ cậu con trai phải dùng đến hai chữ “tuyệt tự” vì trong thời gian ở quê ra Hà
Nội cậu có quen với một cô gái Hà Thành và đang tính đến chuyện hôn nhân. Dân
Hà Nội ngồi “xí bệt” quen rồi, nay nếu về quê làm dâu phải ngồi “xí xổm” chắc
chịu không nổi. Cậu con sợ người đẹp chia tay chỉ vì cái “xí xổm” nên phải thuyết
phục ông bố đập bỏ cái “xí xổm” để thay bằng cái “xí bệt”…
Loại bồn cầu dung hòa “xí xổm” và “xí bệt”
Tiến
trình chuyển đổi từ “văn minh xí xổm” bước sang “văn hóa xí bệt” gặp những “xung
đột” như vừa kể ở trên. Ngoài ra, vì thói quen ngồi xổm nên cũng đã có những
tai nạn khi sử dụng “xí bệt”. Nghĩa là một số người vẫn giữ cách ngồi xổm trên “xí
bệt”.
Đã
có tai nạn xảy ra khi người sử dụng ngồi xổm trên “xí bệt”. Bồn cầu vì lý do
nào đó bị vỡ và “sự cố” nghiêm trọng đã xảy ra. Hình ảnh dưới đây là một “minh
họa” cho loại tai nạn hi hữu này. Thế mới biết, để bước sang một nền văn hóa mới
không những đòi hỏi một “tư duy” mới mà còn có thể phải trả giá bằng… máu.
Tai nạn khi ngồi xổm trên… xí bệt
Cũng
trên Google có một tin thuộc loại “quốc tế” có liên quan đến… xí xổm mang tựa đề
“Thái Lan loại bỏ xí bệt để hút khách du
lịch”. Quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền phát hiện rất nhiều
người dân bị mắc chứng thái hóa khớp gối là do ngồi xổm khi đi vệ sinh. Điều
đáng nói là ở đất nước Chùa Vàng, 85% nhà vệ sinh công cộng và hộ gia đình sử dụng
xí bệt.
Theo
con số thống kê của Bộ Y tế Thái Lan, có khoảng 6 triệu người, bao gồm cả khách
du lịch nước ngoài, bị thoái hóa khớp gối do đi vệ sinh. Thay cho xí bệt, chính
phủ quyết định lắp đặt toàn bộ bồn cầu ngồi.
Một
nguồn tin cho hay: “Thời gian dài phải ngồi
đi vệ sinh dẫn đến việc người dân mắc bệnh viêm khớp. Hy vọng sự thay thế này
còn giúp lượng khách du lịch đến Thái Lan tăng lên…”
Thứ
trưởng Y tế Cholanan Srikaew khẳng định, ở đất nước như Thái Lan, nơi ngành
công nghiệp du lịch chiếm 7% tổng sản phẩm quốc nội, sự thay đổi này rất quan
trọng. Nó
không chỉ giúp giảm thiểu số người mắc bệnh mà còn mang lại nguồn thu cho quốc
gia!
Cũng
thuộc loại “tin thế giới” có một tấm hình được chụp từ Bangladesh với lời ghi
chú “Hanging Toilet - Coastal area
toilet” (tạm dịch là Nhà vệ sinh treo
– Nhà vệ sinh khu ven biển):
Hanging Toilet - Coastal area toilet, Bangladesh
Thật
ra thì hình ảnh này đã quá quen thuộc với những người sinh sống tại vùng sông
nước miền Tây, nó được gọi bằng những cái tên nên thơ như “cầu cá vồ” hoặc “cầu
cá tra”… Wikipedia cung cấp thông tin về cá vồ và cá tra như sau:
“Cá vồ cờ (danh pháp
khoa học: Pangasius sanitwongsei) là một loài cá nước ngọt thuộc họ Cá tra
(Pangasiidae) của bộ Cá da trơn (Siluriformes), sinh sống trong lưu vực sông
Chao Phraya và Mekong. Loài cá này là cá ăn tạp và được mệnh danh là “thủy
quái” trên dòng Mekong vì vóc dáng khổng lồ và sự hung hãn. Gọi là vồ cờ vì cái
vây trên lưng cá vươn cao như ngọn cờ, lúc nó bơi, rẽ sóng như cá mập”.
Cá
vồ và cá tra ăn tạp là quá đúng. Nhà vệ sinh được dựng ngay trên sông hoặc
trong ao nuôi cá, chất thải của con người khi rơi xuống là cả bầy cá đã chực sẵn,
tranh nhau để… vồ mồi. Loại nhà vệ sinh này ở miền Tây còn được gọi là “cầu
tõm”, lấy từ âm thanh khi chất thải chạm nước.
“Cầu tõm” miền Tây
Cá
tra, cá ba sa phân bố rộng ở Myanma, Java, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam. Đây
là loại cá nước ngọt có sản lượng xuất khẩu lớn nhất hiện nay tại Việt Nam. Nghề
nuôi cá basa trong bè rất phát triển qua mô hình mang tính công nghiệp với mật
độ cao, năng suất trung bình 130-150 kg/m³/năm. Hiện nay có khoảng 4.000 bè
nuôi, sản xuất trên 40.000 tấn/năm tại miền Nam.
Cái thú ngồi “cầu tõm” đọc báo mà lại góp phần… nuôi cá
A picture speaks a thousand words: cái khổ của “cầu tõm”
Thật
bất ngờ. Loại cá xưa kia chỉ ăn tạp, luẩn quẩn vồ mồi quanh “cầu tõm” nay đã là
một nguồn lợi kinh tế đáng kể, nuôi sống hàng ngàn người trên các lồng bè. Nuôi
cá tra, cá ba sa tại miền Tây đã trở thành một ngành công nghiệp đi kèm với việc
xuất cảng qua các nước Phương Tây.
Trong
năm 1993, sản lượng cá nuôi trong bè tại miền Nam ước lượng vào khoảng 17.400 tấn,
hầu hết là từ các bè trên sông Cửu Long. Riêng cá ba sa đã chiếm ¾ sản lượng
này.
Nhà vệ sinh trên sông nước miền Tây
Ngay
tại Sài Gòn xưa, nổi tiếng là Hòn Ngọc Viễn Đông, cũng thấy xuất hiện những nhà
cầu thuộc loại như ở miền Tây dọc theo các con kênh rạch. Cái gọi là “nhà ở” và
“nhà cầu” ở đây chỉ là những mảnh gỗ, tấm tôn, thậm chí còn là những miếng vải
vụn được chắp vá để che đậy được phần nào sự riêng tư của con người.
Sài
Gòn xưa cũng có nhà vệ sinh tập thể trong những khu lao động chật chội không có
đất để làm nhà vệ sinh riêng. Người ta sống cực nhọc lo miếng ăn hàng ngày cũng
đủ mệt mỏi nên không còn thì giờ và tiền bạc để chăm lo cho nhà ở và nhà cầu.
Trong
kho tàng âm nhạc của mình, nhạc sĩ quá cố Phạm Duy đã làm 10 bài tục ca, trong
đó bài tục ca số 7 nói về loại cầu tiêu chung tại các khu lao động giữa Sài Gòn
phù phiếm. Bản nhạc mới nghe cứ tưởng như “nhi đồng ca”, khởi đầu bằng những
câu:
“Trời xinh, trời xinh
con nít hay tọc mạch tò mò, tò mò chuyện gì cũng có, tò mò sục sạo moi ra. Trời
cho, trời cho cái tính hay nhìn trộm đàn bà, đàn bà trẻ già lớn bé, đàn bà nào
hở hang ra…”
Bài
tục ca tiếp tục với những câu: “Tụi tôi,
tụi tôi xưa vẫn hay tụ tập đầu đường, vùng này chật chội thiếu thốn, mọi người
dùng cầu tiêu chung. Cầu tiêu, cầu tiêu xây cất cao mặt lộ một từng, cửa trổ
thì là quá ngắn, ngoài nhìn vào thênh thang…”. Đoạn kế tiếp diễn tả mọi kiểu
ngồi của các bà, các cô ngồi trong cầu tiêu tập thể và bài hát đưa ta đến một
đoạn kết thật bất ngờ…
Bạn
đọc tò mò muốn “thưởng thức” những bài tục ca này xin ghé vào đọc Phạm Duy và 10 bài tục ca tại http://chinhhoiuc.blogspot.com/2013/02/pham-duy-va-10-bai-tuc-ca.html. Riêng tục ca số 7 do
chính tác giả trình bày có thể nghe tại http://www.youtube.com/watch?v=ncc1l1Cksiw.
Người
viết xin lưu ý trước, với những người “không quen” hoặc “không thích nghe” những
câu nói tục hay tiếng chửi thề thường diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, lời
khuyên chân thành của tôi là không nên đọc bài viết và cũng không nên nghe những
bản tục ca này. Lý do: Lời 10 bài tục ca của Phạm Duy do chính tác giả trình
bày rất… “phản cảm” và có thể gây sự khó chịu hoặc bực mình.
Nhà vệ sinh trên kênh rạch giữa Sài Gòn
Sau
khi Sài Gòn đổi tên, những ai đã từng “tốt nghiệp đại học cải tạo” chắc không
thể nào quên cảnh hai người gánh một thùng đầy phân, tay bịt mũi. Khổ nhất là những
anh đi ở cuối gió, mọi “hương hoa” trong thùng anh hưởng trọn vẹn.
Tôi
chợt nghĩ đến câu cha mẹ ngày xưa răn đe “nhỏ
mà không học, lớn lên đi… đổ thùng”. Ở trường hợp này, câu nói đó lại hoàn
toàn mất đi tính “lô gíc” của nó. Phải đổi lại là khi còn nhỏ dù có chịu học
hay không thì lớn lên cũng vẫn đi… đổ thùng! Tương lai đúng là chuyện khó đoán
trong giai đoạn “đổi đời”.
Chúng
tôi “học tập cải tạo” tại Trảng Lớn, phía chân núi Bà Đen ở Tây Ninh. Mỗi đội tự
đào những hố lớn để biến thành những hầm cầu chứa phân, phía trên bắc ngang bằng
những tấm sắt PSB được tha về từ phi trường L19 gần đó.
Hố
tiểu là những thùng sắt tây tự chế bằng cách “gò” từ những tấm tôn cũ. Đặc biệt
thùng nước tiểu phải có quai để gánh bằng những thanh cây dài mỗi khi đem tưới
cây sau khi trộn thêm nước cho loãng chất acid uric. Thế là đã có một dãy nhà vệ
sinh tập thể để làm nơi “giải tỏa nỗi… buồn…” hay nói chính xác hơn là để thực
hiện một trong 4 cái khoái nhất đời người.
Chỉ
khổ thân những anh phải gánh nước tiểu và phân trong tổ canh tác. Họ lấy phân từ
các hố vệ sinh trong trại để… bón cây. Rau trong trại nhờ thế mà lúc nào cũng
xanh mướt. Trại tôi có trồng rau muống, không phải là loại rau muống trồng dưới
nước mà là rau muống cạn, trồng từ hạt, được đánh luống ngay hàng thẳng lối một
cách rất… “nghiêm túc”.
Rau
muống khô trồng trên luống mọc thẳng tắp, cao lêu nghêu, lá xanh rì nhờ phân
bón. Anh em trong tổ nhà bếp phải thường xuyên ra vườn cắt rau muống để “cải
thiện” bữa ăn cho có chất xanh. Thế là vòng “tuần hoàn sinh học" được khép
kín: người ăn rau, thải ra phân để bón rau và rồi người lại tiếp tục ăn rau…
Cái vòng luẩn quẩn cứ tiếp diễn và chỉ chấm dứt khi “tốt nghiệp” với mảnh bằng…
ra trại.
Bây
giờ, khi đã có tuổi, ngồi nhớ lại những giai đoạn “lên voi, xuống chó” của cuộc
đời tôi mới thấy thật thú vị. Còn thú vị hơn nữa khi được sống trong cả hai nền
văn minh, từ đó phát sinh nền văn hóa “xí xổm” và tiến lên văn hóa “xí bệt”. Lớp
con, cháu thời nay không thể nào “được” hay “bị” sống với những thói quen xưa
cũ nên người viết mới nảy sinh ý định ghi chép lại những chuyện đã qua.
Dù
xấu hay đẹp, tục hay thanh cũng vẫn là những “cột mốc lịch sử” trong cuộc sống
của cả một đời người.
***
hic cái tai nạng ngồi xổm kia kinh quá hic sao mà bể luôn sứ vậy ta...@@
Trả lờiXóaRất nhiều bài viết của anh Chính vừa đậm chất academic lẫn humoruos, đọc thật thú vị nhất là kèm theo những hình ảnh "đẹp" dầu là hình ảnh...hố xí, thứ mà sau năm 1975 tôi từng thấy từ cuộc cách mạng chữ nghĩa (bảo sanh viện=xưởng đẻ) là (xin lỗi): "nhà đái nam", "nhà ỉa nữ"! Xin bổ sung thêm với anh một từ thông dụng ngoài Trung là "đi sông" để chỉ việc "đi cầu", cái mà những người muốn dùng một cách văn hoa gọi là "đi đại tiện".
Trả lờiXóaXin cám ơn anh HN về từ thông dụng miền Trung: "đi sông". Quả thật đúng... "Dù là người Việt nhưng có lẽ không ai có thể tự hào hiểu hết được tiếng Việt.. ".
XóaKinh ong. Sau nam 1975, môt so noi o HCMC co nhung ao ca nuoi,thuong la cua cac hop tac xa, cam cac bang ten"AO CA BAC HO, CAM CAU TROM"nhu mot so ao ca o Phuong 17 BINH THANH.
Trả lờiXóakinh tởm
Trả lờiXóahạt điều mật ong
Hay quá. Lang thang mạng,vô tình mà biết tới anh. Cảm ơn anh.
Trả lờiXóa