Pages

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Từ Ha Long Bay, Cam Ranh Bay đến… Cam Dai Bay

Việt Nam nổi tiếng có Vịnh Hạ Long (1), tên tiếng Anh là Ha Long Bay, một kỳ quan mà UNESCO đã công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới từ năm 1994. Địa danh Hạ Long hàm ý nơi rồng đáp xuống tại một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ, khu vực biển Đông, bao gồm vùng biển đảo thuộc Thành phố Hạ Long, Thành phố Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Vịnh Hạ Long là trung tâm của một khu vực rộng lớn có những yếu tố ít nhiều tương đồng về địa chất, địa mạo, cảnh quan, khí hậu và văn hóa. Vịnh Hạ Long giới hạn trong diện tích khoảng 1.553 km² bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của Vịnh có diện tích 334 km² quần tụ dày đặc 775 hòn đảo.


Ha Long Bay


Tại miền Nam có Vịnh Cam Ranh (2), tên tiếng Anh là Cam Ranh Bay. Nơi đây là một cảng biển nước sâu thuộc thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, thường được xem là bến nước sâu tốt nhất Đông Nam Á, thích hợp làm nơi tàu bè trú ẩn khi biển động. Vì địa thế chiến lược mà Cam Ranh được sự chú ý quân sự qua nhiều thời kỳ. Hải quân Pháp, Hoa Kỳ, và Liên Xô đã từng dùng Vịnh Cam Ranh làm căn cứ chiến sự.


Cam Ranh Bay

Bài viết này không nhằm mục đích giới thiệu hai địa danh Ha Long Bay và Cam Ranh Bay mà lại đề cập đến "Cam Dai Bay", một cái tên mà người nước ngoài thường nhầm lẫn, cứ tưởng đó cũng là một cái vịnh mang tên Cam Dai!

Du khách đến Việt Nam thường thấy nhiều nơi xuất hiện những dòng chữ "Cấm Đái Bậy" nên cứ tưởng ta đang quảng cáo cho một vùng vịnh mới có tên "Cam Dai Bay"! Ngôn ngữ tiếng Việt quả là… nhiêu khê và người nước ngoài khi đến Việt Nam nhầm lẫn giữa 3 cái vịnh cũng là điều bình thường!



Ảnh trên Internet

Để diễn tả hành động “tiểu tiện”, kho từ vựng của người Việt có rất nhiều từ ngữ dưới dạng “thanh” cũng có, mà “tục” cũng không thiếu. Người miền Bắc gọi “tiểu tiện” là “đi giải”, một từ ngữ nghe thật lạ tai đối với người miền Nam. Tuy nhiên, “đi giải” vẫn “thanh” hơn là… “đi đái”.

Hình dưới đây được chụp tại miền Bắc với mũi tên “Vệ sinh” chỉ vào một nơi được gọi là… “hố giải”. Ngày nay, các cháu nhỏ được dạy từ cấp tiểu học là “đi vệ sinh” thay vì “đi tiểu” hoặc “đi đái”. Cụm từ “đi vệ sinh” nghe rất thanh tao.



Hố giải = Hố tiểu

Rõ ràng là giữa hai từ “đái” và “tiểu” có sự khác biệt về mức độ “thanh-tục”. Hình như người miền Bắc có khuynh hướng dùng chữ “đái” nhiều hơn chữ “tiểu” (?). Điển hình là tên bệnh “đái tháo đường” được dùng khá phổ biến ở các tỉnh phía Bắc trong khi tại miền Nam lại gọi là “tiểu đường”.

Tôi không biết nhiều về y học nên không rõ có sự khác biệt nào giữa “đái tháo đường” và “tiểu đường” nhưng về phương diện ngôn ngữ, cái tên trước nghe “thô tục” và tên sau nghe có vẻ thanh tao hơn.

Các bệnh viện trên cả nước bác sĩ thường cho “thử nước tiểu” thay vì “thử nước đái”. Điều này cho thấy giữa “đái” và “tiểu” đều diễn tả cùng một hành động nhưng lại có sự khác biệt giữa một bên là ngôn ngữ “bình dân” và phía bên kia là hình thức ngôn ngữ tạm gọi là… “sử dụng mỹ từ”!

Có lẽ trường hợp chữ “tiểu” ở đây xuất xứ từ chữ “tiểu tiện”, một từ Hán Việt được dùng để phân biệt với “đại tiện” (đi cầu, đi tiêu) và “trung tiện” (người miền Bắc gọi là “đánh rắm” trong khi người miền Nam lại gọi là “đánh địt”).

Nói đi thì cũng phải nói lại, có nhiều trường hợp chữ “đái” không thể nào thay thế bằng chữ “tiểu”. Người ta thường nói con nít hay “đái dầm”, “đái mế” chứ không ai nói… “tiểu dầm” hay “tiểu mế”! Lại nữa, tục ngữ có câu: “Trai khôn lắm nước đái, gái khôn lắm nước mắt” (Việt Nam Tân Từ Điển, Thanh Nghị, Nxb Thời Thế, Saigon) hoặc ít có câu nào lột tả được hết tình đời đen bạc, phũ phàng như “Ăn cháo đái bát”.



Cát bụi trở về cát bụi... nước trở về với nước 

Lại bàn về tiểu đường, một căn bệnh rất khó chữa vì phải uống thuốc trường kỳ, ngày nào cũng uống. Có những người không mắc bệnh lý tiểu đường nhưng lại mắc chứng… tiểu tiện ngoài đường. Gốc cây, bờ tường hay bất kỳ một chỗ khuất nào cũng có thể đứng hoặc ngồi để giải quyết cơn buồn tiểu. Người ta nói vui, họ “tưới cây” hay văn hoa hơn là… “đứng nhìn trời hiu quạnh”.

Năm 1994 tôi đã chụp được một loạt 5 tấm hình (3) một người lớn tuổi, mới trông tưởng ông đứng ngắm cột đèn hay đọc quảng cáo trên đường Hàm Tử, quận 5. Hóa ra ông mắc chứng… tiểu đường.



Hình 1: Ông đứng ngắm cột đèn giữ dòng người qua lại



Hình 2: Giải tỏa cơn bức xúc, nước xả có vòi



Hình 3: Dòng xe cộ vẫn chạy qua


Hình 4: Ông đang đọc quảng cáo trên cột điện?


Hình 5: Ông thư thái, nhẹ nhõm khi rời… "hiện trường"

Xem ra “tiểu đường” là một cái “tật” chứ không phải “bệnh” mà thời nào cũng thấy xuất hiện, tuy ở mức độ khác nhau. Trước năm 1975, Sài Gòn cũng đã cố chữa tật này nhưng không mấy hiệu quả. Người Sài Gòn lớn tuổi chắc vẫn còn nhớ, con đường Lê Lợi (Bonard) chỉ đông vui phía bên này đường với những người đi “bát phố Bonard”, dập dìu tài tử giai nhân.

Phía bên kia đường là hình ảnh ngược lại, vắng như… chùa Bà Đanh. Không biết vì phần đường này ít ai lui tới vì không có tiệm lớn hay vì tại đây có một “cầu tiểu” xây bằng gạch để mọi người khi cần có chỗ “giải tỏa bầu tâm sự”. Điều đáng nói là “cầu tiểu” dù có nước chảy nhưng lúc nào cũng bốc mùi đặc trưng của nước tiểu.

Trên trang Flickr của anh Mạnh Hải có sưu tầm được một tấm hình “cầu tiểu” phía bên kia đường Lê Lợi từ bộ sưu tập của Darryl Henley. Nhìn kỹ phía bên trái hình có cảnh một cậu học sinh, một tay cắp cặp còn tay kia giơ lên bịt mũi. A picture says a thousand words!



“Cầu tiểu” phía bên kia đường Lê Lợi

Thêm một “cầu tiểu” nữa nằm nay phía bên hông Quốc hội, ngày nay gọi là Nhà hát Thành phố. “Cầu tiểu” này trông “khang trang” hơn cái ở đường Lê Lợi nhưng chắc chắn các dân biểu không bao giờ bén mảng tới. Cầu nằm ngay trên lề đường, rất thuận lợi cho những ai vào… “xả xú bắp”.

Có điều rất nhiều người không biết đến địa chỉ này nên “cầu tiểu” lâm vào tình trạng… ế khách vãng lai! Dưới đây là hai bức hình cũng do anh Mạnh Hải sưu tầm, được chụp từ năm 1964:

Cầu tiểu phía bên hông Quốc Hội


Cô nữ sinh đạp xe về nhà ngang qua… “cầu tiểu”

Thời nay, tật tiểu đường có vẻ như “ngày càng phát triển” khi ăn nhậu càng nhiều. Bia vào thì nước tiểu phải ra là điều dĩ nhiên. Có những người khi còn ngồi trong quán nhậu không cảm thấy sự đòi hỏi bức xúc phải trút bầu tâm sự nhưng trên đoạn đường về nhà mới thấy… tưng tức trong lòng.

Thế là đành phải ghé gốc cây tưới nước. Mặc kệ những biển cấm phóng uế. Họ bất chấp cả hình ảnh khủng khiếp dưới đây:

Bảng cấm tiểu tiện

Không phải chỉ ở xứ ta mới bị “tật tiểu đường”. Ai cũng biết Singapore là một đảo quốc thuộc loại “sạch & xanh” hàng đầu thế giới. Ấy thế mà tôi đã “chộp” được một tấm ảnh cấm tiểu tiện tại khu Little India. Bảng cấm tiểu tiện có kèm theo dòng chữ sẽ phạt 500 đô (Sing.) nếu vi phạm:



Ảnh chụp tại khu Little India, Singapore

Tin vui đọc trên VnExpress (ngày 5/11/2013): "Hà Nội chi 15 tỷ đồng xây 14 nhà vệ sinh”. Theo bản tin này, “UBND TP Hà Nội vừa cho phép Ban quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép, trong đó có 10 nhà vệ sinh 2 buồng và 4 nhà vệ sinh loại 4 buồng”.

Dự án có tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, trong đó công tác chuẩn bị đầu tư khoảng 350 triệu đồng, được thực hiện ngay trong cuối năm nay. Bài viết được đi kèm hình ảnh một nhà vệ sinh công cộng bằng thép thật “hoành tráng”. Trên nóc có chữ WC để mọi người không lộn địa chỉ. Bên hông còn có khẩu hiệu: “Vì môi trường Xanh Sạch Đẹp”.


Hình ảnh đi kèm bản tin trên VnExpress

Rất mong hình ảnh nhà vệ sinh công cộng điển hình ở Hà Nội sẽ sớm xóa đi những hình ảnh xấu trên cả nước. Chúng ta tự hào là có Ha Long Bay, Cam Ranh Bay nhưng đừng để khách nước ngoài cứ thắc mắc về cái bảng... "Cam Dai Bay" trên đường phố, họ cứ ngỡ ta quảng cáo cho một địa điểm du lịch mới...

Tuy nhiên, giá một nhà vệ sinh công cộng bằng thép lên đến hơn 1 tỷ đồng. Tôi e có người vào đây bỗng phải... "nín tè" vì nhà vệ sinh công cộng sang trọng và giá trị hơn cả căn nhà cấp 4 mà nhiều người sinh sống.


***

Chú thích:


(1) Vịnh Hạ Long: Lịch sử kiến tạo địa chất đá vôi của Vịnh đã trải qua khoảng 500 triệu năm với những hoàn cảnh cổ địa lý rất khác nhau; và quá trình tiến hóa carxtơ đầy đủ trải qua trên 20 triệu năm với sự kết hợp các yếu tố như tầng đá vôi dày, khí hậu nóng ẩm và tiến trình nâng kiến tạo chậm chạp trên tổng thể. Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo, đã khiến vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của đa dạng sinh học bao gồm hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và hệ sinh thái biển và ven bờ với nhiều tiểu hệ sinh thái.

Năm 1962 Bộ Văn hóa - Thông tin (Việt Nam) đã xếp hạng vịnh Hạ Long là di tích danh thắng cấp quốc gia đồng thời quy hoạch vùng bảo vệ. Năm 1994 vùng lõi của vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới với giá trị thẩm mỹ và được tái công nhận lần thứ 2 với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất-địa mạo vào năm 2000. Cùng với vịnh Nha Trang và vịnh Lăng Cô của Việt Nam, vịnh Hạ Long là một trong số 29 vịnh được Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới xếp hạng và chính thức công nhận vào tháng 7 năm 2003.

Trong tâm thức của người Việt từ thời tiền sử với trí tưởng tượng dân gian và ý niệm về cội nguồn con Rồng cháu Tiên, một số truyền thuyết cho rằng khi người Việt mới lập nước đã bị giặc ngoại xâm, Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ vừa lúc đàn Rồng tới hạ giới. Đàn Rồng lập tức phun ra lửa thiêu cháy thuyền giặc, một phần nhả Châu Ngọc dựng thành bức tường đá sừng sững làm cho thuyền giặc đâm phải mà vỡ tan, chặn đứng bước tiến của ngoại bang.

Tên gọi Hạ Long đã thay đổi qua nhiều thời kỳ lịch sử, thời Bắc thuộc khu vực này được gọi là Lục Châu, Lục Hải. Các thời Lý, Trần, Lê… Vịnh mang các tên Hoa Phong, Hải Đông, An Bang, Vân Đồn, Ngọc Sơn hay Lục Thủy. Tên Hạ Long (rồng đáp xuống) mới xuất hiện trong một số thư tịch và các bản đồ hàng hải của Pháp từ cuối thế kỷ 19.

Các đảo ở vịnh Hạ Long có hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, tập trung ở hai vùng chính là vùng phía Đông Nam Vịnh Bái Tử Long và vùng phía Tây Nam vịnh Hạ Long. Theo thống kê của ban quản lý vịnh Hạ Long, trong tổng số 1.969 đảo của vịnh Hạ Long có đến 1.921 đảo đá với nhiều đảo có độ cao khoảng 200m.

Đảo trên vịnh Hạ Long có những hình thù riêng, không giống bất kỳ hòn đảo nào ven biển Việt Nam và không đảo nào giống đảo nào. Có chỗ đảo quần tụ lại nhìn xa ngỡ chồng chất lên nhau, nhưng cũng có chỗ đảo đứng dọc ngang xen kẽ nhau, tạo thành tuyến chạy dài hàng chục kilômét như một bức tường thành.

(Nguồn: Wikipedia)


(2) Vịnh Cam Ranh: Vào đầu thế kỷ 20 Cam Ranh là chặng nghỉ cho hạm đội Đế quốc Nga trên đường sang Viễn Đông giao chiến với Nhật Bản năm 1905. Hạm đội này sau bị đại bại trong Trận Tsushima. Khi Đế quốc Nhật Bản mở cuộc bành trướng thời Đệ nhị Thế chiến thì Vịnh cam Ranh lại được trưng dụng làm địa điểm chuẩn bị cho cuộc tấn công Malaysia năm 1942. Trong cuộc Chiến tranh Việt Nam Cam Ranh trở thành căn cứ quan trọng của Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Việt Nam Cộng hòa.

Sau 1975, cảng Cam Ranh được dùng làm căn cứ hải quân quan trọng của Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô trong bối cảnh Chiến tranh lạnh giữa khối Liên Xô và Hoa Kỳ. Chính phủ Xô viết chính thức ký năm 1978 một thỏa thuận với Việt Nam để thuê hải cảng này trong thời gian 25 năm. Cuối thập niên 1980, Liên Xô tan vỡ; chính phủ Nga nhận kế thừa hợp đồng đó cho tới năm 1993. Một hiệp định mới cho phép Nga tiếp tục có mặt tại Cam Ranh nhưng chủ đích căn cứ này chuyển sang làm nơi thám thính, theo dõi hoạt động của Trung Quốc còn các chiến cụ và quân nhân được rút về Nga. Còn lại là nhân viên kỹ thuật tình báo.

Trong cuộc điều đình kéo dài thời hạn thuê quân cảng Cam Ranh thì Việt Nam đòi Nga phải trả tiền thuê hằng năm là 200 triệu Mỹ kim. Chính phủ Nga không chịu điều khoản này nên ngày 2/5/2002, lá cờ Nga được hạ xuống lần cuối cùng tại căn cứ Cam Ranh. Hiện tại, chính quyền Việt Nam có dự định phát triển căn cứ này với mục đính dân sự, tương tự như chính phủ Philippines đã làm với Căn cứ không quân Clark của Mỹ.

(Nguồn: Wikipedia)


(3) 5 tấm ảnh này đã được post trên trang Flickr, xem tại: http://www.flickr.com/photos/nguyen_ngoc_chinh/2231029317/in/set-72157602027268408/


***

5 nhận xét:

  1. tien-vietkieumy.blogspot.comlúc 11:03 14 tháng 11, 2013

    Những lần về Saigon tôi không để ý đến những nhà vệ sinh công cộng. Có lẽ vì tôi không phải cần đến .
    Ở ngoài Bắc thì, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh (Vịnh Hạ Long) có nhiều nhà vệ sinh công cộng, nhất là tại các bến xe ô tô , nhà ga xe lưả, chợ buá, công viên, điạ điểm du lịch... với giá bình dân 1000 đồng một người một xuất. Tuy không tân tiến nhưng cũng tạm cho là đầy đủ tiện nghi.
    Có điều phải nói là các phòng vệ sinh trên các chuyến xe lưả Bắc Nam thì thật là cười ra nước mắt...Thật xấu hổ...

    Trả lờiXóa
  2. Thật ra thì những giòng chữ "Cấm Đái Bậy" ở khắp mọi nơi, chưa bao giờ bị khách du lịch ngoại quốc hiểu lầm là "Cam Dai Bay" cả. Du khách biết phân biệt hai giòng chữ đó khác nhau xa lắm.
    Chỉ là phong trào xuyên tạc tiếu lâm thôi.

    Trả lờiXóa
  3. 1. Hồi học tiểu học, trong giờ ra chơi (la récreation) ngoài sân, bạn bè thường rủ nhau đi tiểu, mình không đi, bạn đọc lên câu này: "Đi đái là bệnh hay lây/ Đứa nào không đái lấy cây đánh đầu". Thế là cả nhóm kéo nhau đi để kịp vào giờ học! Vui.
    2. Đã lâu lắm, HN thấy ở đầu một con hẽm, người ta vẽ hình cái nắm tay và ghi chứ CÁI ĐẤM, khi nghĩ ra, thấy hay hay, chỉ tiếc là ngày ấy chưa có cell phone hoặc máy ảnh nên không ghi hình được!
    3. Đi tiểu ở Sài Gòn nhiều lúc là cực hình, cần đi, không có nơi nào, vậy là phải tốn tiền vào tiệm, nhẹ thì uống một tí gì, nặng thì ăn một thứ gì để có thể nhân đó mà...xả bầu tâm sự. Thật là cười ra nước mắt!

    Trả lờiXóa
  4. Về tên gọi bệnh “tiểu đường” vs “đái tháo đường”: Rất tình cờ, tôi đọc được trên trang Blogspot của Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn (http://tuanvannguyen.blogspot.com/2009/06/benh-tieu-uong-o-viet-nam.html), bài viết “Bệnh tiểu đường ở Việt Nam”, ngay ở phần mở đầu có đoạn như sau, xin trích lại để bạn đọc có thêm tham khảo về 2 "bệnh danh" này:

    “Bệnh tiểu đường (diabetes), ở Việt Nam người ta gọi hơi dân dã là “đái tháo đường”. Lần đầu tiên nghe cái bệnh danh này, tôi rất ngạc nhiên, nhưng người đồng nghiệp giải thích rằng “tiểu đường” có thể hiểu lầm là đái đường (vấn nạn công cộng của Việt Nam hiện nay), nên các chuyên gia phe ta bèn tạo ra “đái tháo đường”. Tôi không thấy thuyết phục chút nào qua cách giải thích này. Tôi nghĩ chúng ta cần một cụ Hoàng Xuân Hãn thứ hai!”

    Trả lờiXóa
  5. Hqua mình vừa chứng kiên thanh niên kia đứng tiểu chỗ cái bảng to chà bá "Chó đái bậy" haha
    Tac dung cua nam linh chi



    Trả lờiXóa