Pages

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Nhà văn Lê Xuyên & Chú Tư Cầu

Văn chương miền Nam, khoảng từ 1950 đến 1975, có 4 nhà văn nổi tiếng được mệnh danh là Tứ Đại Văn Hào Nam Bộ: Hồ Hữu Tường, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc và Lê Xuyên (1). Đó là theo nhà thơ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, nhưng theo Nguyễn Ngu Í, Tứ Đại Văn Hào chỉ còn là Tam Kiệt: Hồ Biểu Chánh, Lê Văn Trương và Lê Xuyên.

Dù là Tứ Đại hay Tam Kiệt, họ đã chiếm một chỗ đứng quan trọng trên văn đàn với phong cách viết hoàn toàn Nam Bộ, từ lời ăn tiếng nói đến cách suy nghĩ và hành động. Văn phong của họ khác hẳn với các nhà văn “di cư” từ miền Bắc vào Nam năm 1954 vốn mang nặng hình thức văn chương hoa mỹ theo phong cách Tự Lực Văn Đoàn và dĩ nhiên lập trường chính trị của họ cũng khác hẳn. 

Trong Văn Học Miền Nam, Võ Phiến nhận xét: “Thời kỳ 1954-1975, các nhà văn gốc Nam khi nói đến chiến tranh trên đất nước thường chỉ nói về cuộc chiến chống Pháp mà tránh cuộc chiến chống cộng. Viết truyện như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, viết ký như Vũ Bình, đều thế. Đến lượt Lê Xuyên, ông cũng thế. Mặt khác, các vị gốc Bắc thì chuyên về cuộc sống và con người đô thị, còn các vị gốc Nam thường viết về nông dân, nông thôn. Lê Xuyên cũng thế. Chuyện ấy dễ hiểu. Người Nam chưa biết qua chế độ cộng sản thì không mặn nồng với việc chống cộng; người Bắc di cư, bao nhiêu văn nhân, nghệ sĩ trí thức vào Nam đều sống ở đô thị nên chỉ biết viết về đô thị”.

Điểm nổi bật là trong cả Tứ Đại lẫn Tam Kiệt đều có mặt nhà văn kiêm nhà báo Lê Xuyên, điều này cho thấy vai trò không kém phần quan trọng của Lê Xuyên trong văn học miền Nam hay nói một cách khác cụ thể hơn là trong “văn chương miệt vườn”. Người đọc văn Lê Xuyên có thể là giới bình dân, lao động, thợ thuyền, nông dân nhưng bên cạnh đó cũng phải kể đến giới trí thức miền Nam, kể cả những người Bắc “di cư” vào Nam năm 1954.

Nhà văn Lê Xuyên (1927-2004)

Đầu thập niên 1960, truyện kiếm hiệp của Kin Dung (2) đã tạo một cơn sốt trên báo hàng ngày tại miền Nam với những tiểu thuyết “feuilleton” đăng nhiều kỳ trên một số nhật báo. Nổi tiếng nhất là Cô Gái Đồ Long với bản dịch của Tiền Phong Từ Khánh Phụng được đăng trên báo Đồng Nai năm 1961.

Trong bối cảnh văn chương kiếm hiệp của Kim Dung đang thu hút người đọc vào thời đó thì sự xuất hiện của Lê Xuyên với tác phẩm đầu tay Chú Tư Cầu đã tạo được tiếng vang trên mặt báo dưới dạng tiểu thuyết nhiều kỳ viết theo kiểu “feuilleton” hàng ngày. Một đằng Kim Dung viết theo lối kiếm hiệp được dịch ngay từ nguyên bản đăng trên Hồng Kông Minh Báo… một đằng là chuyện sông nước miền Tây với những tình tiết éo le và đối thoại mộc mạc, “rặc” kiểu Nam Bộ.

Nhật báo Sài Gòn Mai đăng Chú Tư Cầu trong suốt hai năm liền, từ tháng 2/1961 đến tháng 2/1963. Sau đó Chú Tư Cầu được xuất bản thành sách lần đầu tiên vào tháng 3/1963 tại Sài Gòn. Đến tháng 4/2006, với sự đồng ý của bà quả phụ Lê Xuyên, nhà xuất bản Tiếng Vang tái bản Chú Tư Cầu tại hải ngoại.

“Chú Tư Cầu”, bản in tại Hoa Kỳ

Về phần bố cục, Chú Tư Cầu không phân thành chương mà chia thành 5 phần và thêm “phần cuối” tức Phần Kết. Tác phẩm kể lại cuộc đời đầy sóng gió của một chàng trai chăn vịt nhưng lại có số đào hoa, anh không “dê” gái mà gái vẫn chạy theo… rần rần. Đã có đến bốn người phụ nữ đi qua đời Tư Cầu, mỗi người một vẻ, mỗi người có nét đẹp riêng của… hoa đồng cỏ nội.

Trước hết là Phấn, bạn gái cùng quê của chàng ở Rạch Chiếc, gần quận lỵ Trà Ôn. Ở phần đầu, Tư Cầu gọi Phấn là “mầy”, xưng “tao” rất tự nhiên như hồi còn bé… Lê Xuyên viết về hai đứa chăn vịt:

“Phấn mười sáu tuổi, Tư Cầu mười bảy tuổi, vậy mà Phấn có vẻ khôn lanh hơn nhiều. Cách thức anh ta sống thật cũng y như hồi còn sáu, bảy tuổi, hồi còn chơi “cất nhà chòi” bằng ống sậy và lá chuối với Phấn...”.

Lần đầu trong đời, Tư Cầu nhìn Phấn bằng ánh mắt khác lạ khi hai đứa ở trong chòi vịt: “Ánh sáng của cây rọi mù-u không là bao nhưng cũng đủ soi cả căn chòi nhỏ xíu. Vừa lúc đó, Phấn ở phía sau đi vào. Nó tắm dưới bàu nước sau chòi có thay đồ thay đạc gì đâu mà chiếc quần đang mặc vẫn khô rang. Cô ta quấn trên ngực một chiếc khăn rằn hẹp khổ, một tay giữ chặt hai mối khăn ở sau lưng.

… Cảnh tượng đó có hơi lạ mắt đối với Tư Cầu. Anh ta nhìn trân trối khuôn ngực vun nhọn dưới tấm khăn rằn nhỏ hẹp còn ướt nước. Mọi khi anh ta đâu thấy có như vậy. Thật tình anh ta lấy làm lạ vì đâu biết mấy đứa con gái mới lớn lên thường ngày hay nịt vú sát rạt”.

Phấn táo bạo, chủ động hiến thân cho Tư Cầu. Kể từ đó, một cuộc tình theo kiểu “người lớn” đã đi vào đời của hai trẻ chăn vịt. Và cũng kể từ đó Tư Cầu âu yếm gọi Phấn bằng “em”, tiếng “em” vẫn thường hay lẫn lộn với tiếng “mầy, tao” ngày nào:

“Tư Cầu cười hề hề chạy lại nắm tay cô ta dẫn vào chòi:
- Thôi, thôi, người ta chịu thua rồi mà! Qua đây có chuyện gì không em?
- Có chuyện mới qua chớ bộ ở không qua đây khơi khơi vậy hả?
- Thì người ta biết rồi mà!

Tư Cầu vừa nói vừa choàng một tay ôm ngang lưng cô ta kéo sát vào mình. Phấn để yên một hồi rồi xô ra, vùng vằng nói:
- Hồi tối thấy ghét anh quá...

Nói tới đó, cô đỏ bừng mặt, cúi gằm đầu xuống, tay mân mê mấy cái nút bóp trên áo túi. Tư Cầu nghe cô ta nói vậy hơi hoảng vì không biết cô ta muốn gì và rụt rè hỏi:
- Sao em?... Có sao không em?

Phấn nguýt yêu nó:
- Còn hỏi có sao nữa... kỳ quá! Từ nay sắp lên em...

Cô bỏ lửng ngang câu, ôm ghì lấy Tư Cầu rồi sụt sịt khóc. Tư Cầu vừa gỡ cô ta ra vừa hỏi:
- Coi kìa, ai làm gì mà khóc?
- Anh không biết anh làm gì hả? Mới có hồi tối đó bây giờ lại giở giọng đó ra rồi...

Tư Cầu chắc lưỡi :
- Khổ quá, ai có giở giọng gì ra đâu. Thì có cái gì nói phứt ra coi được hông. Thiệt đàn bà con gái hễ rớ tới là hay rắc rối tổ mẹ.
- Thì ai biểu rớ tới rồi kêu.

Nói tới đó, Phấn lấy tay quệt mạnh chùi nước mắt, nhưng rồi lại mếu máo:
- Tui biết mà! Anh làm bộ vậy chớ có thương yêu gì tui đâu... Bây giờ dĩ lỡ ra rồi, có sao đi nữa tui cũng phải ráng chịu.

Tư Cầu dậm chân, chắc lưỡi:
- Trời thần ơi! Thì ai có làm gì đâu mà kể lể khóc than hổng biết. Em làm sao kỳ quá Phấn à!
- Ừ, tui kỳ...
- Em cứ vậy hoài! Có cái gì thì em cứ nói thẳng bạch tuột ra cho anh nghe, chớ em cứ lắt léo quanh co như vậy, bà nội ai cũng không biết đường đâu mà rờ nữa…”

Ở cuối Phần I, Phấn rủ Tư Cầu trốn nhà lên Sài Gòn để sống với nhau và cũng để tránh cuộc hôn nhân cưỡng ép do mẹ cô sắp đặt. Qua ngòi bút mộc mạc của Lê Xuyên ta thấy một Tư Cầu chất phác đáng thương trên bước đường bỏ nhà đi Sài Gòn, lúc nào cũng sợ bị người ta bắt bớ, vả lại đây là lần đầu tiên anh được đi xe hơi:

“... Hai đứa nó vừa ra gần tới lộ cái thì chiếc xe đò dưới La-Ghi lên cũng vừa chạy trờ tới. Anh lơ trên xe thấy có người ôm gói nên dơ tay kêu lớn :
- Đi Trà Ôn hông cô Hai?

Tư Cầu thấy xe chạy ầm ầm tới rồi có người chỉ tay về phía anh ta la hét nên vội ngồi thụp xuống dưới bên bờ mẫu. Phấn tức mình vừa lôi nó lên vừa đưa tay ngoắc xe lại. Chiếc xe còn lê xa độ mười thước rồi mới ngừng hẳn. Phấn vừa rảo bước vừa cằn nhằn Tư Cầu:
- Anh mần gì kỳ cục vậy! Xe đò nó mời khách chớ bộ nó ăn thịt ăn cá gì anh sao anh lại trốn hả?

Tư Cầu xẻn lẻn đáp:
- Vậy hả! Thuở giờ anh có đi xe đi cộ gì đâu mà biết. Vậy mà anh tưởng nó chỉ chỗ tính bắt tụi mình chớ!...”

Đến chợ Trà Ôn, Phấn đưa 5 đồng để Tư Cầu hớt tóc còn mình thì vào chợ mua quần áo cho Tư Cầu. Lê Xuyên tả tâm trạng của cậu trai miệt vườn tại tiệm hớt tóc “sang trọng” ở Trà Ôn:

“Tư Cầu xớ rớ đi vô tiệm. Một anh thợ đã chực sẵn, thấy khách vô vội lấy tấm khăn choàng phủi phạch phạch lên trên chiếc ghế trống và nói:
- Ngồi đây cậu Hai.

Tư Cầu ấp úng:
- Dạ, tui... hớt tóc.

Anh thợ nhìn cái đầu chùm bum của anh ta, mỉm cười giơ tay chỉ lên ghế:
- Mời cậu Hai ngồi vô!

Tư Cầu rón rén ngồi lên mép cái ghế có nệm êm, có lưng dựa và tay dựa đàng hoàng và ngồi cứng đơ giữ lưng thẳng băng. Anh thợ sẽ kéo nó xích vô và choàng khăn vào:
- Cậu Hai hớt kiểu nào: đờ-mi cua, ma-ninh, hay ca-rê?

Tư Cầu lúng túng không biết trả lời làm sao nên đành nói đại:
- Chú hớt như kiểu cũ.
- Dạ, bị đầu cậu tóc ra bùm xùm quá mất hết cái chớn cũ nên tôi hổng phân biệt nó ra kiểu nào hết.
- Vậy hả! À, mà hớt chải cũng được đó chú!
- Được rồi, hớt chải... nhưng cao hay thấp?

Tư Cầu nghĩ bụng ở trên này sao hớt tóc mà cũng rắc rối quá, ở dưới vườn hễ leo lên ghế là anh thợ rút tông-đơ đẩy liền. Không biết phải hớt cao hay thấp như thế nào nên Tư Cầu trả lời phóng chừng:
- Chú hớt cho... vừa vừa cũng được...

Anh thợ đoán sơ cũng hiểu được người khách của mình mới ở dưới vườn lên nên không hỏi thêm nữa và bắt tay vào việc...”

“Chú Tư Cầu”, bản in tại Sài Gòn

Ngay đầu Phần II xuất hiện một anh “khách trú” tên Lâm Sanh, từ Trà Ôn lên Sài Gòn làm tài phú cho một tiệm bán sắt vụn ở Chợ Lớn. Họ đi cùng chuyến xe Trà Ôn – Cần Thơ… “Đó là một anh khách trú trạc hai mươi lăm tuổi, mặc áo sơ-mi, quần tây dài, tay xách cặp da căng phồng. Thấy có người chen bên cạnh, Phấn nhíu mày nhích vô sát bên cạnh Tư Cầu. Cô ta càng bực mình hơn nữa khi thấy anh khách này lại còn ló ra ngoài cửa xí xô xí xào một hồi với một người đứng dưới đất, có lẽ là bà con ra tiễn chân.

Sau khi người nhà đi về rồi, anh khách mới quay nhìn sang Phấn và có vẻ muốn bắt chuyện làm quen. Anh ta cầm cái nón cối vừa quạt quạt vừa nói bâng quơ:
- Cha, nóng nực quá! Không biết chừng nào xe mới chịu chạy cho!

Phấn ngạc nhiên vì sao anh khách này nói tiếng ta sao sõi quá. Mới hồi nãy đây, ảnh còn tía lia như... chìm tàu kia mà…”

Chẳng mấy chốc, anh “khách trú” đã chiếm được cảm tình của Phấn, hai người nói chuyện “trên trời dưới đất” còn Tư Cầu thì say xe, ngủ gà ngủ gật.

“Chiếc xe chạy tới khoảng đường xấu nên dằn dữ... và bỗng nhiên Phấn nhận thấy một bên vai của mình được dựa êm vào một bên ngực của anh khách, không biết từ hồi nào! Chiếc xe càng xóc, cô càng có một cảm giác dễ chịu và sao thấy được an tâm thêm rất nhiều. Và cũng thật kỳ lạ chưa bao giờ Phấn thấy Tư Cầu xa cách mình như vậy...”

Đến Cần Thơ thì trời đã sập tối, không còn chuyến xe nào về Sài Gòn. Chú Ba (tên thân mật của Lâm Sanh và cũng trùng hợp với Cô Ba, tên trong nhà của Phấn) đề nghị đi tàu vì có thể mướn ghế bố nghỉ qua đêm, nếu mướn phòng trọ chờ chuyến xe sớm thì phải đăng ký mà trong người Tư Cầu “không có đến một mẩu giấy lận lưng”.

Chàng thanh niên miệt vườn chất phác của chúng ta trở thành nạn nhân của mối tình “chớp nhoáng” giữa Phấn và chú Ba. Là con người từng trải, hắn bàn điều hơn lẽ thiệt cho cô nghe: Sài Thành không phải là đất sống cho một kẻ đôn hậu, quê mùa như Tư Cầu:

“Tôi thấy anh Tư đây là người hiền hậu thiệt thà, như vậy lên trển ảnh còn khổ nhiều, và chắc em Ba cũng không được sung sướng gì! Ban đầu thì cái gì cũng được, cũng êm cũng ráng với nhau hết, nhưng lâu ngày chầy tháng, tránh sao cho khỏi cái chuyện vấp váp, và tới chừng ấy sanh ra cắn đắn nhau! Lúc đó, dầu có tính khôn tính dại, tính thiệt tính hơn gì nữa thì cũng đã lỡ ra rồi... Đến nước này chỉ còn cách ráng chịu đựng nhau được chút nào hay chút nấy...

…Thương yêu nhau đâu phải để làm hại đời nhau. Tôi dám nói chắc điều này với em Ba: dắt anh Tư đi lang bang như vậy là em hại đời ảnh. Tôi biết chắc rằng anh Tư không thể nào sống sung sướng trên Sàigòn. Như vậy có phải em Ba hại đời ảnh hay không? Mà em hại luôn đời của em Ba... Tôi biết em Ba là một người chung tình, em Ba không nỡ lòng nào buông rơi anh Tư, và cũng vì vậy mà rồi đây hai người sẽ khổ lây với nhau, bỏ thì thương, vuơng thì tội...”

Phấn bị thuyết phục vì những lời ngon ngọt của Chú Ba và hai người bàn kế để gạt Tư Cầu xuống tàu về lại Trà Ôn. Những lời cuối cùng của cô dành cho Tư Cầu tựa như lời trối trăn, lời sám hối trong khi đó Tư Cầu ngây thơ chẳng hiểu vì sao Phấn lại bỗng “tình cảm” đến như vậy:

“Anh Tư!... Dầu mai kia mốt nọ, giữa tụi mình có xảy ra sự gì thì anh nên xét lại dùm em. Em có tính cái gì đi nữa thì em cũng nghĩ đến anh trước, em hổng muốn cho anh phải lụy nhiều vì em. Em nói đây có đất trời làm chứng, dầu sao đi nữa, em cũng thương anh trước nhứt, nhiều nhứt, em nhớ anh hoài hoài... em nói vậy, anh có tin được hông, anh Tư?”

Không dè Tư Cầu sau khi nhận 60 đồng từ tay Phấn để lên bờ mua bánh mì và xá xíu thì tàu đi Sài Gòn nhổ neo. Tư Cầu lúc quay lại “lớ quớ” xuống chiếc tàu đi Nam Vang vì tàu đi Sài Gòn và Nam vang đậu khít nhau, giờ chạy cũng xát nhau nên một người chất phác như Tư Cầu bị lộn là điều dĩ nhiên...

Trên tàu đi Nam Vang Tư Cầu gặp một ông khách đứng tuổi xưng là chú Bảy gốc ở Châu Đốc, ông nói với chàng: “Nam Vang đi dễ khó dìa”. Tư Cầu đáp lại bằng những lời chân chất: “Có lẽ chú nói đúng. Tui đi phen này chắc ở biệt luôn chớ hết quay dìa được...”.

Sau khi nghe chuyện của Tư Cầu, chú Bảy nói ngay: “Chú em sao thiệt thà quá đỗi... Cái con ngựa bà trời với thằng điếm bảy da đó sắp đặt đâu sẵn hết rồi: đứa đi trước, đứa còn lại bày đặt sai chú em mua bánh mì để khơi luôn cho có cặp... Mà lẫm ngẫm ra tụi nó coi vậy mà ăn ở cũng có nhơn lắm, nó còn để lại cho chú em sáu chục đồng để ăn đường dìa xứ...”

… Ôi thôi chú em ơi, tình đời nó chó đẻ như vậy đó, hơi sức đâu mình tức. Chú em đi chuyến này ráng lo làm ăn đi rồi coi đám nào tử tế chấm một đám... Tụi mình đàn ông con trai đâu có sợ ế vợ!

… Mất con này thì kiếm con khác, chớ bộ cần nó lắm sao! Có mợ thì chợ cũng đông, mà bằng không có mợ thì chợ cũng không thua gì... Bộ chú em tính ở vậy suốt đời để thờ nó sao?”

Chú Bảy cám cảnh thương tình Tư Cầu nên khi tới Nam Vang chú giới thiệu chàng giúp việc cho tiệm cơm người chị ruột chú là cô Năm. Tại Nam Vang, Tư Cầu có dịp sống “bạt mạng cô hồn”, tiếp xúc với phường trộm cắp, đám dao búa và được lọt vào mắt xanh của cô Ba Xá Lỵ, một gái “nặc nô” xinh đẹp, uy trấn một góc xã hội du côn nho nhỏ trên đất Chùa Tháp. Đó là người đàn bà thứ hai đi qua đời cuộc đời “đào hoa” của Tư Cầu. Dưới đây là hình ảnh của Cô Ba, chị thằng Năm “bò bía”, trong mắt Tư Cầu khi hai người gặp nhau lần đầu tiên:

“Tư Cầu để ý ngay đến đôi mắt sắc như dao sáng ngời ngời đang nhìn mình, như cặp con mắt của một con thú dữ đang rình mồi, kế đến đôi hàm răng đang nhe ra cạp cạp lấy mấy mắt ô môi. Tư Cầu tưởng tượng như là đôi hàm răng ấy nhọn lểu, bén lẻm và trắng bóng một cách lạ thường... Phải rồi, đứng trước chị thằng Năm, Tư Cầu có cái cảm giác như là đứng trước một con cọp cái tơ...

… Con gái ở chợ dầu sao cũng không ô dề kịch cợm như con gái ở đồng. Nghĩ vậy, tự nhiên nó mỉm cười và nhìn kỹ từ mái tóc xức dầu mướt rượt bới lơi trên lưng của con Ba, đến cánh tay trần, tuy không được mấy no tròn nhưng trắng hồng và loang loáng lông măng mịn nhuyễn, đến cườm tay bên trái có đeo một chiếc vòng bạc to tướng làm bằng nhiều hình vũ nữ Aspara chạm dính liền lại...”

Ba Xá Lỵ  “chịu” Tư Cầu vì tấm lòng nhân hậu và hào hiệp của chàng trong khi có một tay anh chị giang hồ khác tên Sáu Cẩu “trồng cây si” cô Ba từ mấy năm nay. Ba Xá Lị đã nói huỵch tẹt với Sáu Cẩu:

“Anh em với nhau, tao nói với mầy hoài: với tao thì cái gì cũng phân minh đâu đó hết. Tao cho mầy cái gì thì mầy biết hưởng cái đó đi, chớ đừng lằng nhằng đòi hỏi lôi thôi rắc rối gì khác nữa. Tụi mình đâu phải là thứ hạng đàn bà con gái, đàn ông con trai bắt buộc phải sống cho có đầu có đuôi, có luật có lệ như thiên hạ vậy được... Tao nói sơ sơ vậy chắc mầy dư hiểu rồi. Tụi mình ở chung với nhau lâu quá mà!”

Rốt cuộc Cô Ba và Chú Tư đều dính vào “lưới tình”, cả hai say mê nhau như điếu đổ. Lê Xuyên tả lại cảnh lần đầu tiên hai đứa lạc vào tình yêu ở cuối Phần II: “Dưới ánh đèn dầu vừa đủ sáng, anh ta tò mò nhìn lên: đôi mắt con Ba long lanh một cách dị thường, mái tóc đen nhánh của nó xổ tung vắt lên đôi vai trắng nõn, rũ cả xuống ngực Tư Cầu... và Tư Cầu càng nhìn kỹ càng thêm hoa mắt vì cái ức không gì ràng buộc kia. Phần con Ba, tự nãy giờ nó vẫn rình sát Tư Cầu. Nó mỉm cười đắc ý rồi từ từ rướn mình lên ấp lấy mặt của người yêu”.

Tuy nhiên, sau một thời gian sống hạnh phúc trên đất Chùa Tháp, vì nhớ quê, Tư Cầu tính chuyện hồi cố hương sau hơn một năm lưu lạc với số tiền để dành được hơn 1.000 đồng. Anh có rủ cô Ba về quê, nhưng cô ta biết… “chốn ruộng đồng không phải là chốn môi sinh thích thú” nên từ chối dù vẫn nặng lòng yêu anh:

“Em quen sống như... con ngựa sút xiềng ở giữa chốn thị thành, rồi dìa dưới làm sao xoay trở được? Đây nè: đi cấy, đi gặt gì em cũng... bù trất, xuống ruộng thì sợ đỉa, còn nấu cơm, nấu nước gì cũng không ngơ, ăn nói thì lụp chụp, tánh tình lông bông... như vậy làm sao em có thể làm dâu, làm con hai bác ở dưới được! Em nói thiệt tình như vậy chớ hổng phải em dám chê bai gì đâu... chắc anh dư rõ bụng em!”

Ở Phần III, Tư Cầu về xứ mang theo những món quà “tình nghĩa” của xứ Chùa Tháp: Ba Xá Lỵ tặng chiếc vòng đeo tay cho vợ... “hổng biết chừng nào cưới” của anh, Sáu Cẩu tặng tía Tư Cầu chiếc xà-rông tơ của người Miên và Năm Bò Bía tặng anh cái ống vố hút thuốc “xí” được của một ông Tây!

Về đến Rạch Chiếc, Tư Cầu tưởng chừng như “cá gặp nước”, mừng mừng tủi tủi… rồi bỗng để ý đến tiếng “chú” mà tụi trẻ con gọi mình... “Tự nhiên, anh ta đưa tay sờ sờ cằm rồi cúi xuống nhìn từ ngực đến chân và tự hỏi: “Có lẽ mình già rồi chăng? Hay tụi con nít mới lớn lên thấy mình... lạ mắt nên gọi như vậy?!”.

Bà Hai, mẹ Tư Cầu, kể lại chuyện Phấn lấy chồng Khách Trú, có về thăm quê vài lần và lần nào cũng đến nhà hỏi thăm tin tức chàng… “và có bồng theo một đứa con trai đầu lòng được bốn năm tháng gì đó... Đứa nhỏ cũng ngộ lắm, mà sao tao coi bộ nó... giống mầy đó Tư?”.

Bà còn nói thêm, “Nó thương mầy, nó hổng muốn nói ra sợ mầy lo quýnh đít lên, rồi đổ bể tùm lum hết. Nó muốn giữ kín để sau này yên bề yên phận rồi nói ra cũng không muộn gì…”. Bà Hai an ủi: “Thôi Tư à, dầu sao phần nó cũng như phần mầy, ai nấy thảy đều êm thắm hết, thì mầy cũng nên... xính xái cho rồi”.

Phấn còn giúp đỡ gia đình anh trong cơn ngặt nghèo nên bà rất cảm kích: “Hồi con Phấn nó dìa đây, trước khi trở lên Chợ Lớn nó có đưa cho tao một trăm đồng bạc, tội nghiệp... tao hổng chịu lấy mà nó cứ nài ép hoài... Nói nào ngay, nhờ có số tiền ấy mà hồi tía mầy ổng đau liệt giường liệt chiếu mới có chút đỉnh để lo thuốc thang cho ổng, hông thôi cũng chịu chết!”

Cha mẹ Tư Cầu bàn đến chuyện cưới vợ cho anh để… “tính chuyện mần ăn lâu dài”, họ sợ Tư Cầu “một thân một mình thì đâu có biết lo xa dành dụm để gầy dựng cơ nghiệp như người ta được”. Tư Cầu trả lời một cách thành thật:

“Con tuy chưa có già gì nhưng đời của con kể cũng như chán chê lắm rồi. Nay tía má muốn kiếm vợ cho con để yên bề gia thất lo tu chỉnh mần ăn với người ta... thì con xin vưng lời, chớ tía má biểu con chọn canh kén cá hay làm eo làm sách gì nữa!”  

Ông Hai để ý đến đứa con gái của người bạn bên La-ghì, đó là đứa con gái Miên lai mà họ xin đem về nuôi từ hồi còn bú. Ông Hai phân tích để vợ hiểu: “Bà phải biết thằng Tư nhà mình là một thằng hay dại gái, cái thứ đàn ông con trai mà coi lù khù như vậy thì thường hay u mê ám chướng vì đàn bà. Tui hỏi bà: nếu mình muốn kiếm vợ cho nó mà lại nhè lựa một con sắc sảo, khôn lanh, tui đố khỏi rồi đây nó bị con vợ nó xỏ mũi cho mà coi!”

Nhà văn Lê Xuyên

Như vậy là người đàn bà thứ ba xuất hiện trong đời Tư Cầu. Lê Xuyên tả cảnh cô Thơm, người vợ tương lai của Tư Cầu: “… Vừa lúc đó con Thơm vén màn bưng khay nước ra. Nó cúi đầu chào tía má Tư Cầu, nhưng làm bộ như không thấy có Tư Cầu đứng như trời trồng ở gần đó. Tư Cầu liếc nhìn nhanh về phía người vợ tương lai cả mình: ờ, kể ra cũng... coi được, trong ngày trọng đại này con Thơm... tóc tai láng mướt, quần áo sát rạt, Tư Cầu để ý nhứt đến đôi mắt to và hơi sâu, đến nước da bánh ít, đến mái tóc hơi dợn sóng của nó... những nét đặc biệt của một thiếu nữ gốc Miên”.

Trước Thơm, hai người đàn bà đến với Tư Cầu đều “dễ dàng” như “bắt cóc bỏ dĩa” nhưng sao đêm tân hôn với Thơm, dù cưới hỏi chính thức, sao lại “cà trật cà duộc” đến thế:

“… Ờ, Tư Cầu mới nghĩ ra: đàn bà thiệt là khó hiểu, thiệt không biết đâu mà rờ. Đứa dễ đứa khó... đứa nào cũng làm cho Tư Cầu, nếu không sợ sệt, không lo âu thì cũng phải bực mình. Mà Tư Cầu thuận lấy vợ đây cốt là để cho được rảnh trí yên thân...

Nghĩ đến đó, anh ta càng thêm nổi nóng. Và không thèm suy tính gì nữa anh ta bỏ gối lăn qua ôm ghịt lấy con Thơm kéo lôi ra phía giữa chõng... Nhưng mặc cho anh ta kéo, con Thơm nắm cứng lấy thành chõng và hai chân nó còn chòi đạp nghe rầm rầm. Tư Cầu tức mình lấy chân quặp chặt lấy chân của con Thơm không cho nó cựa quậy gì nữa...

Bỗng con Thơm buông hai tay níu thành chõng ra để chụp lấy bàn tay của Tư Cầu. Tư Cầu định giật ra nhưng con Thơm đã lẹ làng quay đầu ra cắn mạnh một cái vào cườm tay của anh ta. Tư Cầu vừa kêu “ái” vừa thuận chân đạp luôn con Thơm một cái. Anh ta quay về nằm ở chỗ cũ và vừa xoa xoa trên chỗ bị cắn đau vừa hít hà liền miệng.

Đoạn anh ta vùng ngồi dậy định chuyến này làm cho lại gan với con Thơm, nhưng vừa lúc đó anh ta nghe có tiếng tằng hắng của tía mình ở ngoài nhà trên, rồi tiếp theo những tiếng ho, tiếng trở mình của mấy người khác ở trong nhà... Đúng là ai nấy đều thức hết rồi. Tư Cầu lẩm bẩm: “Ở trong này con mắc dịch này nó làm rầm rầm như vật lộn vậy, mà ở ngoài người ta không thức hết sao được!”. Anh ta lại nằm trở xuống lại, thở dài sườn sượt rồi lẩm bẩm: “Ứ hự, bậy bạ lăng nhăng cũng hổng xong mà cưới hỏi đàng hoàng cũng hổng... êm!”     

Thơm chỉ ở nhà chồng đúng 2 ngày, 2 đêm rồi đùng đùng khăn gói về nhà mình. Đến đây người đọc mới thấy cái “khéo” của Lê Xuyên trong việt giải quyết mâu thuẫn giữa hai vợ chồng mới cưới. Bà mẹ của Thơm dắt con về lại nhà chồng và ra lịnh cho Tư Cầu thu hẹp lại chiếc chõng của hai đứa. Bà giải thích với Tư Cầu:  

“Ậy, mầy cứ nhắm mắt nghe theo lời tao một chuyến này coi! Mầy để cho tao... sửa sang ni tấc cái chõng này lại thì hai vợ chồng tụi bây mới hòa thuận êm ấm với nhau được… Tư à, tao có qua... cái cảnh của tụi bây hiện nay nên tao biết: con Thơm nó cũng thương mầy chớ hổng phải không, nhưng ngặt cái vợ chồng tụi bây mới cưới ràng ràng, con nhỏ chưa quen. Mầy hổng biết chớ ông già bà cả hồi xưa thường nói chỗ ăn chỗ nằm cũng có điều kỵ điều hạp ghê lắm đó Tư à!... Tao biểu mầy làm như vầy cũng gần như là người ta... đốt phong long xổ xui vậy!”

Thật ra, cũng chẳng có gì lạ lùng về việc sửa bớt ni tấc chiếc chõng mà mẹ của Thơm cho là giống như “đốt phong long”. Đó chẳng qua là một thứ... tác động tâm lý mà ông già bà cả ngày xưa đem ra áp dụng, để mong... xổ xui và cho mọi việc được tốt lành. Đêm đầu tiên trên chõng mới diễn ra “êm đẹp” đối với cả Thơm lẫn Tư Cầu khi hai đứa nằm bên nhau:

“Thơm toan nhoài mình định lăn ra xa nhưng đành chịu phép vì cái chõng đã không còn rộng thênh thang như trước để nó có thể dễ... có cớ xoay trở, lăn qua lộn lại được nữa. Thêm vào đó, con Thơm cũng thấy nóng hổi ở sau lưng, vì dư biết Tư Cầu nằm sát bên cạnh tuy nó quay mặt vô trong vách.

Con Thơm không thấy bực mình như mấy lần trước, mà chỉ thấy hơi khó chịu như khi nó thử ăn chơi một miếng trầu... Và nó tự nghĩ: “Phải mà cái chõng chật thì Tư Cầu, chồng mới cưới của mình nằm sát khít một bên chớ sao!”. Còn Tư Cầu cũng nhận thấy con Thơm không quá vùng vằng như trước nữa, tuy con này vẫn còn cự nự đôi chút, nhưng đó là một thứ cự nự không làm phật ý Tư Cầu! Trái hẳn lại, Tư Cầu còn thấy thêm... khoái khoái và thầm mang ơn bà mẹ vợ: “Bà già ở bển mà hay đa!”.

Nhà văn Lê Xuyên

Cơn gió bụi bắt đầu xảy ra trên đất nước, Sài Gòn bị dội bom, và cuộc đời của Tư Cầu tưởng đã “yên bề gia thất” nhưng sao vẫn không yên. Phấn về quê để gặp Tư Cầu, rủ chàng đi xây dựng lại cuộc sống lứa đôi đã từng dang dở. Cô cũng cho chàng biết đứa con trai của cô vốn là con ruột của chàng. Thơm bắt gặp quả tang hai lén lút nên ghen lồng lộn. Rốt cuộc Phấn phải trở về Sài Gòn, tiếp tục sống với Chú Ba như cũ.
    
Thời đó, trong các Sóc Thổ, người Miên nổi dậy phong trào ''cáp duồng'', giết sạch người Việt. Cô Thơm vốn là gốc Miên nhưng đã từng được cha mẹ Việt Nam nuôi từ thở ấu thơ, rồi khi lớn lên lấy chồng Việt nên cũng bị người Miên cho là thứ… “Miên gian”. Trong một chuyến về quê thăm cha mẹ nuôi, cô bị bọn Miên hãm hiếp và bị chúng hạ sát. Tư Cầu điên tiết giết chúng để báo thù cho vợ.
     
Rồi Tư Cầu nghe theo lời người anh ruột gia nhập vào nhóm du kích kháng chiến. Anh bị bắt giải lên Sài Gòn, được chuyển qua dinh cơ của một trung úy người Pháp có phận sự canh giữ các tù nhân trước khi giải họ đi Côn Đảo. Không ngờ viên sĩ quan này là chồng hờ của cô Ba Xá Lỵ ở Nam Vang ngày nào!

Tình cũ gặp nhau, cô Ba Xá Lỵ hết lòng giúp đỡ Tư Cầu để được gần gũi ân ái với chàng. Một hôm, Tư Cầu theo nhóm tù nhân đến tiệm bán cây mà viên trung úy đã đặt mua, tình cờ anh gặp lại Phấn, vợ tên Khách trú Lâm Sanh, chủ nhân tiệm bán cây! Không ngờ Tư Cầu gặp lại cả hai người trên đất Sài Gòn.

Phấn gạn hỏi nguồn cơn người yêu cũ của mình, rồi hiệp cùng cô Ba Xá Lỵ giúp đỡ Tư Cầu “đào thoát khỏi trại giam”. Cả hai người tình xưa đều hết mình lo lắng cho Tư Cầu nhưng bản thân anh lại… thấy khổ: “Lên trên này hai bà hùa vô... xé xác phanh thây! Tây nó có bố thì dầu cho ngặt nghèo thế mấy cũng có đường trốn, chớ hai bà mà ráp vô thì có nước tui độn thổ mới toàn mạng được!”

Tại căn nhà do Phấn thuê, Tư Cầu bị lính tuần tiễu bố ráp nên bị bắt đưa về bót cảnh sát Catinat để cho bọn “bao bố” nhìn mặt. Những tên chỉ điểm thuộc “đội bao bố” vì không biết chàng có dính dáng với bọn Việt Minh công tác ở thành phố hay không nên không thể xác nhận chàng là Việt Minh nội thành và cho nên chàng được tha.
    
Tư Cầu lại về quê. Tình hình ở đây căng thẳng nên chàng nhập vào toán du kích kháng chiến địa phương, theo lời giải thích rất đơn giản của Tư Cầu về cuộc kháng chiến chống Pháp: “… tụi này hổng có ưa thực dân thì... đánh giặc chơi. Mai kia mốt nọ đâu đó bình yên hết rồi thì tụi này cũng rã đám dìa cầm cày cầm cuốc trở lại chớ làm vương làm tướng gì!”.

Trong cuộc tấn công lính Tây, Tư Cầu cùng đồng đội hạ sát được tên sĩ quan, chồng hờ của cô Ba Xá Lỵ nhưng lại không cứu được cô vì tên chánh trị viên đã giết cô ta. Tư Cầu toan báo thù cho người yêu cũ nhưng hắn đã kịp thời “cao bay xa chạy”. Mâu thuẫn trong nội bộ du kích ngày một gia tăng đến độ Tư Cầu phải bỏ xứ để tránh đụng chạm.

Nhớ lời dặn chú Bảy trên chuyến tàu đi Nam Vang năm xưa, Tư Cầu lên “tỵ nạn” tại Châu Đốc, tìm chú Bảy và cất một cái chòi trông coi vườn tược cho chú. Chàng chiếm được trái tim cô Thắm và được chú Bảy gả con gái cưng. Đó là người đàn bà thứ tư đi qua cuộc đời Tư Cầu.

Không như những mối tình trước, Tư Cầu tìm thấy ở Thắm những nét khác lạ. Thắm không có sự lấn lướt, sành sỏi đến độ đanh đá như Phấn, không có những nét giang hồ anh chị như Ba Xá Lị và cô cũng không giống với Thơm, cô gái lai Miên. Bên Thắm, Tư Cầu thấy mình thật thanh thản, yên bình với một thứ tình cảm khác lạ và cũng khó tả. Chúng ta đọc đoạn văn dưới đây của Lê Xuyên để hiểu thế nào là chuyện tình đồng quê:  

“Con Thắm liếc xéo anh ta:
- Có gì đâu... Anh sao khó hiểu quá trời hè!

Tư Cầu mỉm cười đáp:
- Em muốn hiểu hả? Thì đây: sở dĩ anh nói em không giống nhiều người đàn bà con gái khác mà anh từng gặp là vì gần em, anh thấy sao mình bình tĩnh quá chớ không bộp chộp như mấy người kia... Và vì vậy mà anh biết chắc là chuyến này anh có thể... ở luôn tại xứ này được. Đó em chịu chưa!

Con Thắm cười lỏn lẻn:
- Tưởng cái gì chớ như vậy... thì được.
- Mà được... nhiều hay ít?
- Để nữa rồi mới rõ nhiều hay ít chớ bây giờ... ít xịt hà!”

Nhà văn Lê Xuyên

Ở Phần Kết, người đọc thấy Tư Cầu tuy ít học nhưng con người chân chất của anh đã hành sử một cách “nhân bản” với tấm lòng “vị tha”, đầy ắp tình người. Anh đã thả tên “quan một” khi hắn bị bắt làm tù binh, đơn giản chỉ vì vợ của viên sĩ quan này cũng sắp tới ngày sinh như vợ anh ở nhà. Anh nói:

“Tui tính mình thả ông quan một này dìa cho rồi. Thêm người chết nữa, anh em mình cũng chẳng lợi lộc gì mà để khổ cho vợ con người ta. Vợ ổng cũng gần ngày sanh... Mình cũng nên để phước dìa sau...”

Nhưng tấm lòng bao dung đó được đền đáp bằng một quả “moọc-chê” của viện binh Pháp khi Tư Cầu còn cố quay lại đưa cho viên thiếu úy bộ quần áo “xi-vin” để thay bộ “trây-di”: “Đây, tui chạy vụt lên để đưa cho ông bộ quần áo này để bận thay vào bộ trây-di kia. Tui sợ ông đi làng chàng gặp mấy cha nội khác họ... bắt lại thì... uổng cái công tụi này thả ông quá!”

Ngay khi đó, một tiếng nổ đinh tai điếc óc làm văng đất lên tứ tung... Tư Cầu chưa kịp nhào xuống tránh là đưa tay ôm lấy một bên ngực, buột miệng chửi thề: “Đ.m. trúng tao rồi Tám ơi.”

Bác Năm, người du kích lớn tuổi, ghé sát xuống mặt Tư Cầu, giọng nửa như oán trách, nửa như xót thương:

- Chú Tư... sao qua nói hoài mà chú hổng chịu nghe!... Chú có thương thiên hạ thì cũng vừa vừa nó...

Tư Cầu cau mày làm bác Năm im bặt, rồi Tư Cầu phều phào nói:
- Bác Năm, làm sao... bác lo chở tui... dìa nhà... cho kịp...

Bác Năm gật đầu lia lịa :
- Được mà! Kịp mà!

Nhưng đã không kịp. Dù sao Tư Cầu cũng đuợc an ủi vì trong lúc lâm chung, thằng em vợ của chàng đọc cho chàng nghe bức thư báo tin mừng của Cô Thắm. Và đây là đoạn kết của Chú Tư Cầu:

“Nét mặt Tư Cầu có vẻ tươi tỉnh lại đôi chút. Anh ta đưa tay ra dấu cho thằng Ba cúi sát mặt xuống:
- Trai hay... gái..

Thằng Ba sốt sắng đáp liền:
- Trai. Chị Hai chỉ mong anh dìa dữ lắm! Đây nè, chỉ có viết thơ kêu em đem qua cho anh (vừa nói, thằng Ba vừa móc túi lấy một tờ giấy gấp làm tư, mở banh ra trao cho anh rể).

Tư Cầu lẩy bẩy cầm lấy lá thơ và tờ giấy run run trên bàn tay đã mòn sức. Anh ta nhăn mặt, chớp mắt liền mấy cái: những dòng chữ trên lá thơ như nhòe hẳn đi. Anh ta khẽ lắc đầu buông thõng tay xuống:
- Em Ba... em đọc...

Thằng Ba nhẹ rút tờ giấy ra khỏi mấy ngón tay đã bắt đầu đờ cứng của anh rể, rồi vừa sịt mũi mếu máo đọc:

“Mình,
Em sanh con trai hồi năm giờ chiều ngày mùng tám mình à. Em đợi hoài đợi hủy mà chẳng thấy mình về. Nhớ lời mình dặn, em sẽ đặt tên nó là Kỳ. Nó có chút xíu nhưng tía má nói nó giống mình lắm. Mình bắt được thơ này...”

Bác Năm bỗng đưa tay khều nhẹ thằng Ba và thở dài bảo:
- Thôi em...

Thằng Ba cúi xuống nhìn Tư Cầu. Nó bỗng kinh hãi đứng rột dậy, bước lùi lại phía sau một bước, rồi khóc òa lên. Mắt Tư Cầu đứng tròng và một tia máu nhỏ chảy rỉ nơi khóe miệng hãy còn phảng phất giữ một nụ cười...

Bác Năm rút lấy bức thơ nơi tay thằng Ba xếp kỹ lại, cúi xuống nhét vô túi áo Tư Cầu, đoạn kính cẩn đưa tay vuốt mắt kẻ xấu số, rồi cầm lấy hai mí chiếu đắp phủ lên xác chết...

Dưới mé ruộng, một con chim vịt cất tiếng kêu thảm thiết trong đám cây điên điển và bay vụt lên làm những cánh hoa vàng úa rơi lả tả trên mặt nước, để rồi lững lờ trôi đi... trôi đi....

Ở phía kinh Cầu Muống, tiếng súng vẫn còn nổ đều đều...”  

Nhà văn Lê Xuyên sau 1975

Văn phong của Lê Xuyên có điểm đặc biệt là hầu như chỉ cần viết đối thoại theo lối Nam Bộ mà thành truyện. Nhà văn Hồ Biểu Chánh khi viết văn theo kiểu “văn dĩ tải đạo” còn dựa theo những lời khuyên răn dạy bảo của các bậc thánh hiền. Lê Xuyên thì không, không dựa vào thánh hiền, không rêu rao theo khuynh hướng đạo nghĩa. Lê Xuyên viết khơi khơi mà vẫn hấp dẫn người đọc, khiến họ yêu mến lớp dân quê hiền lành, lòng ngay dạ thẳng.

Lê Xuyên không viết văn dài dòng. Ông không cần tả cảnh, tả người, tả vật, tả tâm trạng, tức là không tả những cái mà giới bình dân cho là “vòng vo tam quốc”. Thay vào đó, ông dùng lối văn “cằn nhằn cẳn nhẳn”, cãi lẫy ồn ào và có khi còn chửi thề một cách tự nhiên.

Nhà văn Văn Quang nhận xét: “Vẫn hiền lành, cười tủm và chân quê. Phải nhìn thấy cái cười tủm của anh mới biết tại sao anh viết về những cuộc tình của những đôi trai gái đồng ruộng miền Nam hay đến như thế, láu cá đến như thế. Tôi nhủ thầm: Thằng cha này tẩm ngẩm tầm ngầm mà ghê lắm đấy. Nó không nói mà chỉ viết nên nó viết được nhiều hơn mình. Chỉ có nó mới viết được những “dòng chảy ngầm” của trai gái thôn quê miền Nam thật đến thế và hấp dẫn đến thế”.

Văn Lê Xuyên không chải chuốt, nhưng vẫn ẩn hiện chút mượt mà tựa như mái tóc chải dầu dừa pha hương sả hay mùi dầu bông lài của cô thôn nữ. Với lối văn tả thực duyên dáng, với cách thức khai thác đời sống tình dục của một anh chăn vịt “tưng tửng’’, Lê Xuyên đã dẫn dắt người đọc vào cái không gian thanh thoát đầy quyến rũ của đồng quê Nam Bộ và làm cho người đọc thích thú với những cuộc tình nóng bỏng, kể cả những cảm xúc… trần tục.

Trong Chú Tư Cầu,  Lê Xuyên dùng ngôn ngữ Nam Kỳ Lục Tinh vào thời tiền chiến  như “nói thẳng bạch tuột”, “rắc rối không biết đâu mà rờ”, “làm cho xất bất xang bang”, “đụng đâu xâu đó”, “mấy con nập nợn” (tức là mấy cô gái dâm đãng, lẳng lơ), “anh làm cái điệu đó thì mụ nội em cũng lìa”, “mùi bạt mạng” (để ca tụng giọng ca vọng cổ), “giận lẫy xẩy cùi”, “lo than củi” (chăm sóc vợ đẻ), “ba trật bốn vuột”, “xủ quẻ” (coi bói) … Đó là cả một kho tàng ngôn ngữ Nam Bộ đối với những người muốn tìm lại dấu tích của một nền văn hóa thời kháng chiến chống Pháp.

Do ảnh hưởng của lối viết truyện “feuilleton” hàng ngày trên báo những tác phẩm của Lê Xuyên rất dài, có thể gọi là “trường thiên tiểu thuyết”, không có cuốn truyện nào của ông mỏng hơn bốn trăm trang. Chú Tư Cầu dày 907 trang, Ðêm Không Cùng 639 trang, Rặng Trâm Bầu 419 trang, Vợ Thầy Hương 496 trang và Vùng Bão Lửa 543 trang.

Cuộc đời cơ cực của Lê Xuyên sau năm 1975

Tâm sự với nhà văn Viên Linh, Lê Xuyên cho biết việc ông bước vào nghề báo cũng như viết truyện dài trên báo “bất quá cũng chỉ là một vấn đề số mạng” Chú Tư Cầu chỉ là một sự góp nhặt những chuyện tình được kể trong bốn bức tường nhà giam mà ông được nghe.  

“Ðành rằng hồi còn nhỏ, hồi còn đi học tôi cũng thích làm văn, làm thơ, nhưng quả tình tôi không ngờ có ngày mình lọt được vô nghề này. Truyện dài đầu tay của tôi là ‘Chú Tư Cầu’ đăng trên nhựt báo ‘Sài Gòn Mai.’ Ðang thất nghiệp, tôi được anh Vương Hữu Ðức (lúc bấy giờ là Tổng thư ký tòa soạn nhựt báo Sài Gòn Mai) gọi tới để làm phụ với anh, và cũng chính anh Ðức đã bảo tôi viết cho tờ S.M. một truyện dài ‘đồng quê miền Nam.’ Có lẽ vì tin tưởng phần nào ở tôi, và chắc do khiếu ‘đánh hơi’ nhà nghề nên anh Ðức chỉ ‘hạ lịnh’ vỏn vẹn cho tôi như thế. Và tôi bắt đầu viết ‘Chú Tư Cầu.’

“Cũng may là hồi còn kẹt trong tù, tôi được mấy anh em ở miệt quê kể cho nghe rất nhiều câu chuyện sống với đầy đủ tình tiết (mà Chú Tư Cầu là một) và trước khi bị kẹt, có một thời gian tôi về ẩn náu tại miền Tây, nên chụp vô chuyện ‘Chú Tư Cầu’ là tôi viết phăng tới liền, chớ nếu không, thì ‘tang gia bối rối’ biết bao nhiêu!

“Giả sử lúc bấy giờ anh Ðức bảo tôi viết truyện gián điệp hay truyện ma gì đó, tôi cũng viết như thường. Như vậy chẳng do ‘phần số,’ chẳng do ‘thiên định’ là gì?

Độc giả thường gắn cái tên Lê Xuyên với Chú Tư Cầu nhưng thật ra giữa hai con người đó là cả một khoảng cách biệt quá xa. Chú Tư Cầu là nhân vật “đào hoa” với 4 người đàn bà trong khi Lê Xuyên lại là một nhà văn xề xòa, “chăm chỉ hạt bột” nếu không muốn nói là… “cù lần”. Nhưng tựu chung, cả hai đều mang tính “chân chất” của người Miền Nam, từ cách sống cho đến lối suy nghĩ.

Lê Xuyên còn là một nhà báo tầm cỡ, tận tụy với công việc. Ông có mặt tại tòa soạn từ 5 giờ sáng và chỉ về nhà lúc 9 hay 10 giờ tối. Lê Xuyên là một người chồng thủy chung, dù bà vợ có tật thích “đỏ đen”, nhưng ông hết lòng lo cho gia đình. Về đến nhà nhiều khi còn phải lo giặt quần áo cho các con còn nhỏ. Có nhiều phụ nữ trẻ đẹp, giàu có thường xuyên đến tòa soạn trong giờ ăn trưa, họ mến tài năng, đức độ, sự hào sảng của một người đàn ông lý tưởng, Lê Xuyên đều từ chối.

Sau năm 1975 người ta mới thấy rõ con người “nhẫn nhục” của Lê Xuyên. Một con người “khí tiết” đã chịu sống an phận trong nghèo khổ, hằng ngày ngồi sau tủ thuốc lá lẻ tại ngã tư đường Bà Hạt - Ngô Quyền, Chợ Lớn… khi cảm thấy ngòi bút không còn là của mình.

Nhà văn Văn Quang một đồng nghiệp thân thiết từ thời mới vô nghề đã thông báo những dòng tin này đến mọi người:

“Lê Xuyên đã ra đi lúc 21 giờ ngày 2 tháng 3 năm 2004 nhằm ngày 12 tháng 2 Giáp Thân tại tư gia số 523/238/146 Nguyễn Tri Phương, Quận 10, Sàigòn”.

Ông ra đi sau 2 năm trời bệnh hoạn vì cơ cực và nghèo khổ nhưng nụ cười luôn nở trên môi.  

Lê Xuyên vẫn cười khi ngồi bán thuốc lá lẻ

***

Chú thích:

(1) Lê Xuyên (1927 – 2004): tên thật là Lê Bình Tăng, sinh ngày 1/11/1927, tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, năm 1945 đậu DEPSI (Diplôme d'étude primaire superieure indochinoise). Từng hoạt động cho Đại Việt Quốc Dân Đảng. Ông vào nghề báo bằng sự giới thiệu của Vương Hữu Đức - Tổng Thư Ký tờ Sài Gòn Mai (1963) với trách nhiệm viết tiểu thuyết trường thiên. Trước đó ông chỉ làm thơ.

Tác phẩm văn xuôi đầu tiên có tên Chú Tư Cầu xuất bản năm 1963 và lập tức được đón nhận nồng nhiệt đến độ từ đó ngươi ta gọi ông với biệt danh thân thương là Chú Tư Cầu Lê Xuyên. Những tác phẩm đi sau cũng bán rất chạy như: Rặng Trâm Bầu, Vợ Thầy Hương (1965), Đêm Không Cùng (1966), Kinh Cầu Muống (1968), Vùng Bão Lửa (1969), Nguyệt Đồng Xoài (1970).

Trong thời gian từ năm 1963 tới 1975 ông đã từng giữ chức Tổng Thư Ký cho Dân Ý, Thời Thế, Thân Phong... và được xem như là người rất tận tụy, có trách nhiệm với vai trò nhà báo của mình.

(2) Kim Dung (sinh ngày 6/2/1924) là một trong những nhà văn ảnh hưởng nhất của văn học Trung Quốc hiện đại. Ông còn là người đồng sáng lập Hồng Kông Minh Báo, ra đời năm 1959 và là tổng biên tập đầu tiên của tờ báo này.

Từ năm 1955 đến 1972 ông đã viết tổng cộng 15 cuốn tiểu thuyết. Sự nổi tiếng của những bộ truyện đó khiến ông được coi là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất. 300 triệu bản in (chưa tính một lượng rất lớn những bản lậu) đã đến tay độc giả của Trung Hoa Đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, châu Á và đã được dịch ra các thứ tiếng Việt, Hàn, Nhật, Thái, Anh, Pháp, Indonesia. Tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim truyền hình, trò chơi điện tử.

Dịch giả đưa Kim Dung lên cơn sốt tại Việt Nam được ghi nhận là Tiền Phong Từ Khánh Phụng với bản Cô gái Đồ Long (dịch Ỷ thiên Đồ long ký), đăng trên báo Đồng Nai năm 1961. Thực ra trước đó, đã có một số bản dịch như Bích huyết kiếm của Từ Khánh Phụng (báo Đồng Nai), Anh hùng xạ điêu của Đồ Mập (báo Dân Việt), Thần điêu đại hiệp (Thần điêu hiệp lữ) của Vũ Tài Lục và Hải Âu Tử (báo Mới). Tuy nhiên, truyện kiếm hiệp vẫn được xem là thứ giải trí rẻ tiền.

Bản dịch Cô gái Đồ Long mới tạo nên cơn sốt truyện Kim Dung trong các tầng lớp độc giả từ bình dân đến trí thức. Một số nhà văn nhà báo lấy bút danh theo tên nhân vật trong truyện Kim Dung như Hư Trúc, Kiều Phong... Nhiều nhà văn nổi tiếng tham gia bình luận Kim Dung như Bùi Giáng, Bửu Ý, công phu nhất là Đỗ Long Vân với loạt bài Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung.

Sau 1975, các tác phẩm của Kim Dung bị nhà nước Việt Nam liệt vào danh sách cấm cùng với các tác gia kiếm hiệp khác như Cổ Long, Trần Thanh Vân... với lý do "văn hóa đồi trụy phản động". Tuy nhiên, các bản sách cũ vẫn được lén lút lưu giữ và được nhiều người truyền tay đọc.

Đầu thập niên 1990, với chủ trương Đổi Mới, chính quyền Việt Nam giảm bớt sự cấm đoán gắt gao với văn hóa văn nghệ. Một số phim và sách võ hiệp cũ được phát hành lại. Để dễ xin phép xuất bản, thoạt tiên sách không ghi đúng tên tác giả mà lấy các bút danh khác như Nhất Giang, về sau mới ghi đúng tên Kim Dung, Cổ Long.

Thêm vào đó, sự phát triển của Internet giúp các bản dịch cũ lưu truyền rộng rãi, ban đầu dưới dạng scan từng trang sách, sau đó là dạng văn bản do những người hâm mộ gõ lại. Sau 1975, nhà văn Vũ Đức Sao Biển là người đầu tiên viết khảo luận về Kim Dung, các bài của ông đăng trên tập san Kiến thức Ngày nay, sau in thành bộ Kim Dung giữa đời tôi (4 quyển).

***

Bình luận trên FB:


***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

3 nhận xét:

  1. Về nhà văn Sơn Nam, một trong "Tứ Đại Văn Hào Nam Bộ", bạn đọc có thể tham khảo bài viết "Sơn Nam: Nhà văn miệt vườn" tại:

    http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/10/son-nam-nha-van-miet-vuon.html

    Trả lờiXóa
  2. Trần thị Bảo Vânlúc 12:04 15 tháng 12, 2013

    Đọc, thú thật, Bảo Vân có chút chút cảm nhận..."quen quen" hơi văn ở nơi nào đó, nhất thời chưa nghĩ ra?
    Nên chăng, bài viết cần chú thích dẫn nguồn? Để tránh..."tranh cãi" về sau, bác chủ nhà ạ!
    Kính.

    Trả lờiXóa
  3. Gặp Bảo Vân ở đây nữa là vui rồi! Nàng này là độc giả ruột của Bà Tám đây!
    Hồi xưa có thấy sách và tác giả Lê Xuyên nhưng thiệt tình là HN chưa đọc, bây giờ đọc ở đây biết khái quát là ổn rồi. Cám ơn anh, quan trọng là biết thêm hành trạng của nhà văn vào cuối đời. Giá như anh viết về ông "Thằng Thuộc..." thì càng quý. Sẽ đọc bài viết về ông miệt vườn sau anh nhé.

    Trả lờiXóa