Pages

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2024

Người Việt và xe hơi tại Mỹ

Nếu xe gắn máy là phương tiện giao thông phổ biến tại Việt Nam thì xe hơi là “chân đi” của người Mỹ nói chung và người Việt định cư tại đây nói riêng. Hệ thống xa lộ tốt, luật lệ giao thông chặt chẽ và giá xe tương đối rẻ so với mức sinh họat chung là những yếu tố khiến xe hơi có một vị trí ngày càng quan trọng trong đời sống tại Mỹ.

Nước Mỹ ngày nay có trên 237 triệu xe hơi ngược xuôi khắp 50 tiểu bang. Trung bình cứ 5 giây lại xảy ra một tai nạn xe cộ, hàng năm có từ 3 đến 4 vạn người chết và khoảng chục vạn người bị thương tật.

Tìm hiểu nguyên nhân, người ta thấy có những tai nạn thuộc lọai bất ngờ như gây lộn với người ngồi bên cạnh, nhắn tin trên cell phone hoặc ăn uống, xem bản đồ, đọc báo, ngủ gục thậm chí còn có cả lý do như hôn hít trên xe hoặc nghe nhạc vặn qúa to.


Những điều không nên làm khi lái xe

Theo thống kê, 5 tiểu bang có số tài xế lái ẩu nhất là Georgia, California, Hawaii, New Jersey và New York. Nhìn vào danh sách này ta có thể thấy miền Đông và Tây nước Mỹ có số tai nạn rất cao, trong khi người miền Trung Tây, đất rộng người thưa, lại nổi tiếng lái xe cẩn thận.

Một báo cáo gần đây xác định có hơn 1 triệu chiếc xe tại Mỹ bị đánh cắp trong năm ngoái, tăng từ 1.008.756 chiếc vào năm 2022 lên 1.020.729 vào năm 2023. California là tiểu bang có số vụ trộm xe lớn nhất, ở mức 208.668 chiếc.

Nạn trộm cắp xe hơi gây thiệt hại hơn 8 tỷ đôla mỗi năm cho chủ xe. Mùa hè là lúc có nhiều vụ trộm xảy ra hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong năm. Điều này có thể giải thích mùa hè dân Mỹ đi du lịch bằng xe hơi nhiều.

Những người Việt tại Mỹ thuộc thế hệ thứ nhất thường là những người thuộc độ tuổi trung niên, đa số chưa từng trải qua kinh nghiệm lái xe khi còn ở Việt Nam. Vì sự đòi hỏi của cuộc sống mới, họ phải thích nghi bằng cách tự lái xe khi các hệ thống giao thông công cộng như subway, metro, bus, taxi không đáp ứng được nhu cầu của cá nhân.

Theo thống kê, nếu những người có bằng lái xe phải thi lại thì có đến 20%, tương đương với 41 triệu người, sẽ rớt ngay từ phần thi viết! Điều này cho thấy, ở một nước đã phát triển, giao thông cũng là một vấn đề cần sự quan tâm nhiều hơn nữa.

Để được phép lái xe, cần phải thi lấy bằng lái gồm 2 phần lý thuyết và thực hành. Ngôn ngữ là trở ngại đầu tiên với người Việt trong việc học lý thuyết lái xe vì phải nắm được luật lệ giao thông dùng toàn tiếng Anh. Qua được “cửa ải” này, trong vòng 3 tháng phải thi tiếp phần thực hành, nếu không sẽ phải thi lại phần lý thuyết.


Học lái xe

Tuy nhiên, có cách lựa chọn thứ hai là lấy “bằng lái xe tạm” (permission paper), có hiệu lực trong 1 năm và phải thi nốt phần thực hành trong thời gian này. Rắc rối là khi có “bằng lái xe tạm” chỉ được phép lái xe với đều kiện phải có người đã có bằng lái ngồi bên cạnh.

Bằng lái xe chính thức có giá trị trong vòng từ 3 đến 5 năm, tùy theo luật của mỗi tiểu bang. Bằng lái xe được coi là giấy tờ tùy thân quan trọng nhất ở Mỹ, bằng này có thể thay thế cho chứng minh thư (ID card), tại nhiều tiểu bang thậm chí còn từ chối cấp chứng minh thư nếu đã có bằng lái xe.

Học phí tại các trung tâm dạy lái xe thay đổi tùy theo tiểu bang, trong trường hợp đã biết lái xe và chỉ muốn tập thêm để lấy bằng có thể đăng ký học theo giờ hoặc ngày. Nếu hoàn toàn chưa biết lái xe, học phí có thể từ 150 đến 300 đôla, tùy theo tiểu bang và chất lượng của trung tâm dạy lái xe.


Giấp phép lái xe của tiểu bang California

Xe hơi ở Mỹ có nhiều loại và có thể nói thị trường xe tại đây là thị trường lớn nhất thế giới, đa dạng nhất và phong phú nhất, có đủ loại từ thượng vàng đến hạ cám. Cao cấp nhất là những chiếc xe làm theo đơn đặt hàng như RollRoyce, Ferrari, Porsche, Lamborghini, Bentley. Lọai đắt tiền có Mercedes, Lexus, BMW, Jaguar, Lincoln, Cadillac... xe tầm trung có Toyota, Honda, Volkwagen, Chevrolet, Ford, GM.... thị trường bình dân có Huyndai, Daewoo, Saturn, Buick.


Logo một số hiệu xe thông dụng


Một số người Việt với túi tiền eo hẹp có khuynh hướng chọn lọai xe cũ, rẻ tiền, thậm chí có giá từ 200 đến 300 đôla! Lý do để chọn những lọai xe này là lỡ bị tai nạn cũng không tiếc, tiền đóng bảo hiểm thấp, tiền sửa chữa và thay phụ tùng cũng rẻ. Xe Hàn Quốc đang tiếp thị vào thị trường Mỹ theo kiểu Toyota và Honda làm cách đây một thập niên: giá dưới 10.000 đôla, bảo hành 10 năm hoặc 100.000 dặm (1 mile khoảng 1,8km).

Ngoài ra trên thị trường còn có nhiều lọai xe nhỏ (compact car), giá cả hợp với túi tiền bình dân của các hãng xe Mỹ và cả xe ngọai nhưng sản xuất tại Mỹ như Toyota, Honda, VW, Huyndai, Daewoo, Nissan, Mitsubishi, BMW...


Một số loại xe thiường gặp

Điều cần lưu ý là xe sản xuất tại Mỹ có khung sườn cực kỳ vững chắc, nếu bị va chạm máy móc vẫn không ảnh hưởng trong khi xe nhập từ các nước châu Á có vẻ hào nhoáng hơn. Cũng vì thế, xe Mỹ chạy vài năm là mất giá, còn xe nhập thì phải trên chục năm.

Người Việt cũng rút ra những bài học khi mua xe “second hand”. Thứ nhất, đừng quá tin vào các đại lý xe, họ luôn nói tốt về chiếc xe, họ bảo hỏng hóc gì cứ quay lại nhưng khi đã “tiền trao cháo múc” có đem xe lại cũng phải trả tiền sửa chữa.

Thứ nhì, các lọai xe “thanh lý” nhiều chiếc trông còn mới nguyên nhưng sự thật đã trải qua tai nạn lớn như xe đã bị “nổ túi khí” (airbag) hoặc xe từ vùng lũ lụt. Hãng bảo hiểm thường bán thanh lý trong khi lý lịch xe được làm mới hoàn toàn, người mua khó biết về lịch sử chiếc xe. Khi Việt Nam chưa có lệnh cấm nhập xe cũ, một số Việt Kiều và du học sinh đã “rước” các lọai xe này về và bán lại với giá cao để hưởng chênh lệch!

Điều quan trọng khi mua xe tại Mỹ là người mua có thể mặc cả thoải mái trong khi các mặt hàng khác lại có giá cố định. Với giá niêm yết trên một chiếc xe người ta có thể tìm hiểu về giá gốc của chiếc xe mà đại lý phải trả cộng thêm vài trăm đôla lợi nhuận đại lý được hưởng sẽ là giá hợp lý của chiếc xe.

Như vậy, người mua có thể giảm được vài nghìn đôla, chưa tính đến các khoản khuyến mãi của chính hãng như tiền phụ phí quảng cáo và hỗ trợ vốn cho đại lý... Cũng vì thế, một chiếc Mercedes hoặc Lexus Sport 2 cửa còn mới khỏang 95% có giá từ 70.000 đến 100.000 đôla có thể thương lượng với giá từ 30.000 đến 50.000 đôla.

Ở Mỹ, mua bảo hiểm xe là điều gần như bắt buộc. Bạn chỉ có thể mua bảo hiểm sau khi đã có “permission paper” trong tay còn tiền mua bảo hiểm lại phụ thuộc vào loại xe và tuổi đời của người lái. Trên nguyên tắc, tiền bảo hiểm sẽ giảm dần, tỷ lệ nghịch với tuổi của chủ xe. Tuy nhiên, giá bảo hiểm sẽ tăng nếu như bạn đã từng bị cảnh sát giao thông viết vé phạt vì phạm luật.

Bảo hiểm một chiều (liability insurance) là loại bảo hiểm rẻ nhất cho những người làm chủ xe cũ. Loại này chỉ trả mức tối thiểu cho người bị hại trong tai nạn nếu chủ xe nắm phần lỗi.

Bảo hiểm hai chiều (full cover) bao gồm cả đền bù sửa xe trong tai nạn dù khi chủ xe có lỗi hoặc nếu xe bị đánh cắp cũng được đền bù. Nếu xe thuộc lọai rẻ tiền thì không nên mua loại bảo hiểm này vì giá rất cao, có thể đắt gấp đôi loại bảo hiểm một chiều, tiền bảo hiểm một năm có thể mua được cái xe cũ khác.

Các yếu tố khác cũng chi phối tiền đóng bảo hiểm. Xe Camry và Honda thường có giá bảo hiểm cao hơn những hiệu xe khác vì bị trộm nhiều nhất tại Mỹ. Chủ nhân của những chiếc xe nằm trong danh sách cần đề phòng nhiều hơn người khác. Xe có những màu sặc sỡ như xanh, đỏ, vàng chịu mức bảo hiểm cao hơn các màu khác, lọai xe hai cửa có giá bảo hiểm cao hơn xe bốn cửa.

SUV (Sport Utility Vehicle) là dòng xe thể thao đa dụng ra đời lần đầu tiên vào năm 1953. SUV có kết cấu khung thân trên tương tự xe tải với hệ thống động cơ dẫn động 4 bánh, khoang nội thất rộng rãi cùng khả năng vận hành mạnh mẽ giúp người lái có thể tự tin chinh phục mọi cung đường. SUV còn có giá bảo hiểm nhẹ hơn xe du lịch.

Người chủ xe còn phải cân nhắc yếu tố khác như giá trị bồi thường vì tiền bồi thường càng cao, phí bảo hiểm càng lớn. Kinh nghiệm cho thấy cần phải cảnh giác trước những cái bẫy như “GPS Security” với quảng cáo là xe có bị đánh cắp ở Mỹ dù bọn trộm có đem về tận Việt Nam cũng vẫn bị phát hiện nhờ hệ thống định vị tòan cầu GPS (Global Positioning System). Ngay cả người bản xứ cũng bị sập bẫy, mất thêm vài nghìn đôla để đổi lấy một tờ giấy mà không bao giờ dùng tới.

Phần lớn người Việt mới sang Mỹ, dù thuộc diện định cư hay du học, đều bị liệt vào nhóm có bằng lái xe mới, họ là miếng mồi ngon cho các đại lý bảo hiểm. Giá bảo hiểm dành cho người mới có bằng lái hoặc dưới 21 tuổi thuộc nhóm chịu đóng phí cao nhất. Người Việt thường giao dịch với các đại lý bảo hiểm người đồng hương vì lý do không gặp trở ngại trong khi giao tiếp, được hướng dẫn tận tình với giá rẻ hơn so với các đại lý người bản xứ.

Một khi đã có bằng lái và mua bảo hiểm xe cộ, người lái xe còn phải đương đầu với mối đe dọa thường trực từ phía cảnh sát giao thông mỗi khi ngồi trước vô lăng. Xa lộ ở Mỹ gồm 2 loại, đường trong bang (State highway) thường bắt đầu bằng chữ Rt (viết tắt của Route, ví dụ như Rt. 6) và đường xuyên tiểu bang (Inter-State Highway) thường được bắt đầu bằng chữ I, ví dụ như I-95 hoặc I-80.


Cảnh sát giao thông ghi giấy phạt

Những lỗi như vượt đèn đỏ, không dừng lại tại biển báo Stop, không nhường người đi bộ, lái xe trong tình trạng say xỉn, hình phạt nhẹ nhất là bị tăng điểm bảo hiểm và nặng nhất là tịch thu bằng lái.

Người vị phạm sẽ phải đi “hearing” (ra tòa), cho dù nếu không bị rút bằng lái và phạt nhẹ ở mức 200 đôla nhưng tiền bảo hiểm sau đó có thể lên tới cả nghìn đồng. Trong trường hợp bị thu bằng lái còn phải tốn tiền thuê luật sư.

Theo kinh nghiệm của người lái xe, khi bị cảnh sát có trang bị súng bắn tốc độ chặn lại, người lái xe chỉ còn nước xin phạt cảnh cáo trong lần vi phạm đầu tiên. Nhưng nếu cảnh sát vẫn viết giấy phạt thì chỉ còn cách chào tạm biệt một cách vui vẻ mà đi vì rất khó có thể “lót tay” cảnh sát giao thông!

Nếu bị cảnh sát rượt đuổi phía sau, đọc đồng hồ trên xe chỉ thấy vượt tốc độ hạn chế khoảng 10 miles người lái xe có thể xin “hearing” và cơ hội thắng kiện có thể lên đến 70%. Tuy nhiên, nếu vé phạt dưới 50 đôla thì nên đóng tiền vì nếu xin nghỉ làm để ra tòa nhiều khi còn thiệt hại nhiều hơn: cãi ở tòa chỉ mất 5 đến 10 phút nhưng chờ đợi có khi đến nửa ngày, chưa tính đến tiền đậu xe, không khéo lại bị thêm “parking ticket”!

Tại những khu có trường học, biển báo tốc độ tối đa thường là 30 hay 35 Mph (khoảng 50 km/giờ) nhưng người lái xe với tốc độ 25 Mph vẫn có thể bị cảnh sát biên vé phạt vì không để ý đến đèn vàng chớp tắt liên tục, báo hiệu tốc độ tối đa chỉ còn 20 Mph!

Và để bảo vệ lẫn nhau, người lái xe thường nháy đèn pha cho xe chạy ngược chiều để cảnh báo có cảnh sát ở phía trước. Đây có lẽ là một quy ước giao thông bất thành văn được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Mỹ và Việt Nam!

Việc quy định tài xế không được lái xe khi đã uống rượu là một quy định phổ biến ở rất nhiều nơi. Ở Việt Nam, cảnh sát giao thông thường kiểm tra nồng độ cồn ở người là xe nhằm tránh gây tai nạn. Ở Mỹ, theo luật DUI (Driving Under Influence) nồng độ cồn trong máu của người lái xe phải dưới 0,8 g/100ml, thêm vào đó, dưới 21 tuổi mà uống rượu là phạm pháp.

Tiểu bang California quy định lần vi phạm DUI thứ nhất sẽ bị giam từ hai ngày tới sáu tháng, tịch thu bằng lái bốn tháng, và phạt 1.000 đô la. Đấy mới chỉ là tiền phạt, thực ra thì còn phải thuê luật sư ra tòa. Thông thường thì lần đầu tiên vi phạm sẽ khiến bạn tốn khoảng 10,000 đô la!


 *** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét