Vũ
Trọng Phụng để lại cho hậu thế hơn 60 tác phẩm gồm đủ thể loại, khởi đầu là truyện
ngắn Chống nạng lên đường viết năm
1930 (1). Sáu năm sau, sự nghiệp văn chương của ông mới đạt đến đỉnh cao và chiếm
một chỗ đứng quan trọng trên văn đàn vào năm 1936. Chỉ riêng trong năm này, ông
viết 2 tác phẩm nổi tiếng: Giông Tố và
Số Đỏ (2).
Giông Tố là một tiểu thuyết
dài được đăng lần đầu tiên trên Hà Nội Báo từ tháng 1/1936, với cái tên ban đầu
rất bình dân là Thị Mịch. Tiếp đó là Số Đỏ được đăng trên báo Tương Lai, từ
tháng 9/1936. Có thể nói, đó là hai tác phẩm tiêu biểu của Vũ Trọng Phụng thuộc
thể loại tiểu thuyết.
Nếu
Số Đỏ dựa trên những diễn biến và
cách cư xử của một gia đình “thượng lưu, quý phái” đối với một nhân vật “đầu đường
xó chợ” là Xuân Tóc Đỏ thì trong Giông Tố
là sự đối đầu giữa hai gia đình và hai môi trường sống khác biệt. Một bên là
gia đình Nghị Hách ở thành thị và phía bên kia là gia đình Thị Mịch ở nông thôn.
Nhiều
người cho rằng Số Đỏ là “kiệt tác” của
Vũ Trọng Phụng vì có những phân tích tâm lý nhân vật sâu sắc nhưng cũng không
ít lời khen dành cho Giông Tố với một
phạm trù bao quát hơn về cuộc sống của người Việt tại miền Bắc thời Pháp thuộc.
Qua Giông Tố chúng ta có thể hình
dung được hai lối sống hoàn toàn trái ngược nhau. Nói theo Trương Chính (Tác phẩm văn học, Tập I, 1930-1945, NXB
Khoa học Xã hội, 1990), thì Giông Tố
bao trùm từ thôn quê “xôi thịt” đến thành thị “bơ sữa” (3):
“Trong Giông Tố, Vũ
Trọng Phụng dẫn chúng ta từ thôn quê “xôi thịt” đến thành thị “bơ sữa”, từ những
chốn ăn chơi truỵ lạc, gái đĩ, thuốc phiện đến những cảnh xa hoa - cũng không
kém truỵ lạc - trong phòng Tịnh Tâm ở ấp Tiểu Vạn Trường Thành của Nghị Hách.
Không kể những nhân vật chính, riêng những con người của xã hội cũ mà Vũ Trọng
Phụng vẽ bằng một hai nét trong Giông Tố cũng đã nhiều vô kể. Ở thôn quê thì đủ
các mặt hào lý, gặp cơ hội nào cũng có thể tổ chức ăn uống, hút xách, đem lý sự
cùn ra mà cãi vã nhau, rồi chửi bới nhau, nhưng lên đến cửa quan thì run sợ,
hèn nhát.
Ở thành thị, thôi thì
đủ hạng người, thượng vàng hạ cám. Những tay doanh nghiệp sắc sảo, gian hùng,
“coi đời như canh bạc lớn”, “làm việc thiện để quảng cáo cho mình” có chân
trong các hội ái hữu, nhưng “kỳ chung không có ai là bạn trên đời”, đã từng chủ
tọa những ban giải thưởng văn chương nhưng chưa hề đọc hết một cuốn tiểu thuyết;
những tay cổ động cho Phật giáo mà lại đi xây hàng dãy nhà xâm [nhà thổ]; những anh làm chủ ba bốn tiệm khiêu vũ mà
đánh con gái hộc máu về tội ăn mặc tân thời; những anh vừa là chủ hiệu xe đám
ma, và là chủ dược phòng, bán tem cho Hội Bài trừ bệnh lao, mà lại bán cả thuốc
lào mốc, v.v...”
Tác phẩm “Giông Tố”
(bản in năm 1937)
Xã
hội thành thị được đại diện bởi gia đình Nghị Hách. Trong văn chương thời Pháp
thuộc, có khá nhiều ông “nghị gật” được các tác giả đưa vào tiểu thuyết như
trong Tắt Đèn của Ngô Tất Tố có Nghị
Quế và trong Bước đường cùng của Nguyễn
Công Hoan có Nghị Lại. Cả hai ông nghị này đều xuất thân từ nông thôn nhưng Nghị
Hách của Vũ Trọng Phụng nổi bật hơn cả vì đến từ thành thị, có tài sản kếch sù
tại các tỉnh và quyền lực không thua gì các quan chức người Pháp trong chính phủ
bảo hộ.
Ngoài
việc sở hữu 10 mẫu đồn điền trồng trà và cà phê, Nghị Hách còn là nhà khai thác
mỏ than ở Quảng Yên, chủ nhân của 30 nóc nhà ở Hà Nội lại còn 40 căn khác ở Hải
Phòng. Thời nay, mẫu người như Nghị Hách được gọi là “đại gia”, lắm tiền nhiều
quyền. Vũ Trọng Phụng mô tả nhà tư bản Nghị Hách ở phần đầu Chương 3:
“Cái ấp của nhà triệu
phú Tạ Đình Hách thật là đồ sộ nhất tỉnh, đến dinh quan Công sứ cũng không to
tát bằng… Chung quanh ba tòa nhà có vườn hoa thì là một vòng tròn rào găng cao
tới hai đầu người và dày độ hai thước. Cồng chính của ấp, xây bằng xi măng cốt
sắt, là một cái thể môn kiểu Nhật Bản trên có đề bốn chữ nó tỏ rõ cái linh hồn
ông chủ: Tiểu Vạn Trường Thành. Từ cổng ấp, nghĩa là từ lưng chừng đồi mà xuống
đến đường quan lộ, thì có một con đường nhỏ cũng rải đá và đổ nhựa kỹ càng cũng
như đường thuộc địa…”
Trong
cái giang sơn đồ sộ đó, Nghị Hách là một ông vua với một “hậu cung” có đến 11
“cô hầu” lúc nào cũng “tô lục chuốt hồng,
chiều chuộng nịnh hót đức lang quân… hầu hạ một ông chồng mà họ khiếp sợ như một
vị bạo chúa”. Thực ra thì ban ngày họ là những tay quản gia đồn điền của
ông chủ nhưng đêm đến họ là vợ... Vũ Trọng Phụng mô tả “hậu cung” của đại gia
Nghị Hách:
“Trong số mười một cô
ấy, có tám cô gái quê một trăm phần trăm, và ba cô là gái giang hồ lượm lặt,
sau mấy cuộc dạ yến ở Hà Nội, Nam Định, hoặc Hải Phòng của nhà tư bản, có mười
cô được ông chủ đặt tên cho là: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí,
Tín. Còn một mụ, trạc độ 40 tuổi, giám đốc bọn ấy và giữ chìa khóa két trong
nhà, chi lương cho thợ gặt và gia nhân, nghĩa là người được ông điền chủ tin cậy
nhất, thì vẫn giữ nguyên tên cũ là cô Kiểm, nguyên xưa cô này đã lấy một ông
tây kiểm lâm một đêm, ông Nghị Hách xuống Cảng, trong một lúc rỗi việc, đã đến
một khách sạn nọ thuê buồng. Thằng hồi săm gọi đến Kiểm lâm Phu nhân. Thế rồi
thì... Ít lâu về sau, cô Kiểm về làm cô
nàng hầu cả của quan nghị”.
Những
ngày chẳng may mà bà cả ở Cảng Hải Phòng về thăm chồng thì đám “cung nữ” đó chỉ
là những người đi hái chè, đi trồng cà phê, với số lương mỗi ngày mỗi người được
15 xu. Cách cư xử và ăn ở của họ trong ấp chẳng khác nào đời của những cô ả
đào.
Nghị
Hách dâm đãng nhưng lại keo kiệt, bủn xỉn. Hắn đã phải thốt lên khi nghe đến đề
nghị bồi thường cho người con gái đã bị cướp mất trinh tiết: “Cái đứa đẹp nhất, tao cũng chỉ mua của bố mẹ
nó có bảy chục. Còn phần nhiều không mất xu nào. Có bảy chục bạc còn phải về hầu
hạ người ta suốt đời, huống chi... chỉ có một lần mà những vài trăm bạc!”
Vợ
cả của Nghị Hách được tác giả mô tả là người đàn bà đồng bóng: “Bà nghị trạc ngoại tứ tuần rồi, song mặt
mũi lúc nào cũng trát bự những phấn với son. Cách trang điểm còn trai lơ như
đôi tám. Trong mỗi tháng, bà chỉ bận độ dăm ngày phải ngồi trên xe nhà, lần lượt
đến chỗ có mấy chục nóc nhà mà bà là chủ cho thuê. Còn thì bà chỉ bận đi đánh tổ
tôm, xóc đĩa, hoặc ngự xe hơi hòm đi hầu bóng các đền, các phủ ở khắp tỉnh. Nếu
không đi xa lễ bái thì bà tổ chức cuộc đồng bóng ở tại nhà. Cái điện thờ quan lớn
của bà nghị ở Cảng đã được tiếng là uy nghi, to tát nhất nước Nam”.
Bà
Nghị Hách được Vũ Trọng Phụng mô tả như sau trong một lần được ông nghị giải cứu
khi có tin… bà bị bắt cóc: “Trên chiếc
giường tây, một người đàn ông trần truồng nằm ôm một người đàn bà tuy mặc coóc
sê nhưng hạ thể cũng lõa lồ. Cả hai đương ngủ say mê mệt. Sau khi đứng lặng người
ra để nhận mặt người đàn bà đã rõ, Nghị Hách ấp úng, nghẹn ngào, hậm hực nuốt
nước bọt mãi mới nói được:
- Bác ơi...! Vợ tôi!
Giời ơi! Bà Nghị Hách bị bắt cóc thế kia!”
…
Lúc này, cặp gian phu
dâm phụ đã hấp tấp mặc được quần áo vào rồi. Nghị Hách nghiến vợ:
- Thằng nào đấy hở? Hở
con voi giầy kia?
Bà Nghị Hách thản
nhiên đáp một cách đáng lạ:
- Thằng cung văn của
tao đấy!
…
Không ai dám ngờ rằng
sự tình đã đến thế mà bà nghị lại có can đảm làm một hồi dài:
- Ừ đấy! Bà thế đấy!...
Nó là cung văn thật đấy nhưng mà bụng dạ nó tốt, nó ăn ở có nhân có nghĩa... Nó
còn hơn cái mặt mày! Đồ lường đảo! Quân giết người! Đồ lường thày phản bạn! Quân
hiếp dâm!... Ừ, mày cứ li dị bà đi, rồi bà tố cáo tội lường gạt, tội giết người
của mày trước pháp luật cho mà xem! Mày về mày hỏi mười một con vợ lẽ của mày,
xem có phải mày đã hiếp chúng không? Có phải mày đã bỏ bã rượu vào nhà bố mẹ
chúng, để bố mẹ chúng phải bán rẻ cho mày không? Cái tội của bà đã to thế kia
à? Không bao giờ bà yêu thương gì mày! Bà ăn ở với mày ba chục năm nay là vì bần
cùng! Xưa kia bà cũng vẫn lừa mày bây giờ mày mới biết thì mày cứ việc mà biết!
Nhân
vật không kém phần quan trọng trong gia đình Nghị Hách là Tú Anh, người con
trai trưởng làm giám đốc Đại Việt Học hiệu. Có thể nói, trong cái gia đình quyền
quý nhưng đầy… “rác rưởi” này thì Nghị Hách là người “xả rác” đáng ghét trong
khi Tú Anh lại ra sức “dọn rác” một cách đáng thương.
Theo mô tả của tác giả Giông Tố, Tú Anh là người “đẹp giai” nhưng hình như có nhiều nữ tính hơn nam tính: “Đó là một người nhỏ nhắn, trắng trẻo, rất đẹp giai nhưng chỉ tiếc lỗi lại hơi có vẻ đàn bà. Quần áo tây lịch sự. Nét mặt như đương có sự gì không vui”. Tú Anh không vui vì mẩu tin Thời sự các tỉnh trên báo Lưỡng Kỳ, đầu mối của câu chuyện:
Phải chăng là một vụ
cưỡng dâm?
Cúc Lâm (tin điện thoại)
– Quan huyện Cúc Lâm mới đây có chấp một lá đơn của một ông đồ ở làng Quỳnh
Thôn kiện một nhà tai to mặt lơn kia về tội cưỡng dâm con gái ông ta. Theo cuộc
điều tra của đặc phái viên bản báo thì Thị M. con gái ông đồ, đêm ấy đi gặt rạ
cùng với mấy người làng, đã bị nhà tai to mặt lớn (?) kia gọi đến chỗ xe hơi
hòm của ông, rồi Thị bị cưỡng dâm. Sau cuộc cẩu hợp, con dê già kia vứt cho cô
bé đáng thương, năm cái giấy bạc một đồng ý chừng đền bù cho cả một cuộc đời bị
làm hại. Cô bé lúc ấy vì ngộ phải gió độc nên đã ốm trầm trọng. Tuần tráng nghe
thấy tiếng kêu rên, chạy ra toan bắt, song con dê già phóng xe đi thẳng! Thật
là một việc rất dã man. Nghe đâu con dê già kia sẽ chẳng bao lâu bị truy tố trước
pháp luật, vì tuần tráng có trông thấy số xe. Bản báo chờ cuộc điều tra của nhà
chức trách sẽ nêu lên đây cái tên tuổi đáng lưu truyền sử xanh của con dê già ấy.
Hiện gờ cô bé bị hiếp đã được điều dưỡng tại nhà thương. Và được tin gì bản báo
sẽ đăng tiếp”.
Nếu
có hai màu Trắng-Đen trong bức tranh của gia đình “loạn luân, bỉ ổi” này thì
Nghị Hách là mảng màu u ám còn Tú Anh lúc nào cũng mang một sắc thái trong sáng
nhưng đôi khi lại mang nhiều thủ đoạn độc địa. Tú Anh sáng đến độ nhiều lúc vì
muốn “dọn rác” của bố mà anh đã phải dùng nhiều thủ đoạn bất nhân để cứu cái
gia đình lắm tiền nhiều của đang ngày một chìm sâu vào bóng đen của lương tâm.
Dưới đây là đoạn đối thoại giữa hai cha con qua ngòi bút của Ông Vua Phóng Sự Đất Bắc:
- Không, thưa ông!
Người ta đã nói thật! Là vì ngoài cuộc điều tra của nhà báo, còn có cuộc điều
tra của tôi, thằng con ông! Sau cái việc bậy bạ ấy, ông còn phái con đào Lan về,
toan hối lộ lão huyện, nhưng mà ông đã thất bại. Ông có biết rằng nhiều người
thù oán ông lắm rồi không? Ông muốn từ tôi thì xin cứ từ, nhưng mà để cho tôi
nói vài lời đã! Tôi đã đến lúc không nín được rồi.
- Không! Tao chẳng hiếp
ai, cưỡng ai. Lúc xe ăng ban tao buồn, gọi nó lại... Tao đã trả nó 5 đồng.
- ... Thưa ông nó đã
được giấy nhận thực bị ông làm mất tân.
- Thật quả tao không
ngờ nó lại là con gái tân...
- Thưa ông, ông là
cha tôi, điều đó lúc nào tôi cũng nhớ lắm. Tôi chịu ơn ông đã nhiều lắm, nhưng
mà ông đã làm nhiều điều bỉ ổi lắm. Ông đẻ ra tôi thì ông có quyền cho tôi sống
hoặc bắt tôi chết... Thưa ông, xin ông cho tôi chết. Ông giết tôi đi.
Nhà đại phú cúi đầu hổ
thẹn hồi lâu... Sau cùng ngẩng lên, cái mặt vẫn trân trân..
- Ô hay! Sao mày dở
hơi thế? Thì tao mua con bé ấy làm hầu là cùng chứ gì?
Đó
là cách giải quyết “đơn giản” của Nghị Hách và đó cũng là “nút mở” để Giông Tố diễn biến một cách rất… “tiểu
thuyết” với nhiều tình tiết mà người đọc càng đọc càng thấy hấp dẫn cho đến đoạn
kết.
Trở
lại với nạn nhân của vụ “cưỡng dâm”, Thị Mịch trong đám 5 người ghánh rạ giữa một
đêm sáng trăng hội ngộ cùng Nghị Hách đang cáu kỉnh vì chiếc xe hòm bỗng nhiên
chết máy. Đó cũng là đêm gắn bó Nghị Hách-Thị Mịch với nhau để biến cô thôn nữ
Thị Mịch ngây thơ đến độ “xe nổ lốp phải
mua rạ để nhồi vào bánh” trở thành vợ bé của nhà điền chủ:
Lão trố mắt nhìn...
Cô ả gánh rạ hơi cúi nghiêng mặt để đưa mắt nhìn trộm. Ánh sáng trăng tuy leo
lét, song cũng đủ khiến cho hai con mắt rất tinh tường của nhà điền chủ nom thấy
rõ hai cái má phúng phính, một cặp môi nhỏ và dầy, cái cằm tròn trĩnh và hơi lẹm
trong cái vành khăn mỏ quạ bằng láng thâm. Khi cô ả gánh rạ đi qua, nghĩa là
cái mặt đã khuất sau đống rạ tròn, nhà điền chủ lại trông theo cái váy nâu cũn
cỡn, do một đường lạt khíu giữa, cho nó chẽn đến nửa đùi, một bộ đùi phốp pháp trắng
nõn, trông rất đáng yêu, mặc lòng từ bụng đến bàn chân đều có một lớp bùn trắng,
mỏng, khô, đông lại, đã nứt ra thành từng miếng nhỏ, sắp rơi xuống...
Nhà tư bản đứng trông
cái bộ đùi thôn nữ ấy một cách tần ngần trong đến vài phút, đoạn như định thần
lại, thoăn thoắt bước theo mà nói bằng một giọng rất ân cần:
- Này chị gánh cái
gánh lại chỗ xe ô tô kia, tôi mua một ít cho.
Thấy lời nói lạ tai ấy,
chị nhà quê đứng lại, nửa tin, nửa ngờ. Lão này nhanh nhảu dùng đến cái giọng
hách dịch:
- Xe nổ lốp, người ta
phải mua rạ để nhồi vào bánh, mà có sẵn rạ lại không bán hay sao? Alê mau lên
gánh lại, quan lớn trả cho tiền một nửa gánh! Còn các bà già kia có muốn chờ
thì cứ đi đủng đỉnh lại một tí, chị ấy đem lại chỗ xe đây kia thôi.
Ảnh minh họa một cô gái quê gánh rạ làm ta liên tưởng đến
Thị Mịch
Cuộc
hiếp dâm diễn ra một cách chóng vánh. Nhưng đó là con đường để cô thôn nữ mới
15 tuổi bước từ quê ra tỉnh với tiền bồi thường trinh tiết là 5 tờ giấy bạc
Đông Dương của Nghị Hách.
- Giời ơi! Con lạy
ông, ông buông con ra!
Giọng quan vẫn ngọt
ngào:
- Con im, không được
cưỡng...
- Giời ơi, lạy ông!
Ông đừng làm hại một đời tôi!
- Im ngay! Quan sẽ
cho nhiều tiền...
- Bỏ ra! Ái.
- Im cho ngoan nào...
- Ối giời đất ơi! Ối
làng nước...
Hai anh tài xế khôn
ngoan và trung thành muốn át những tiếng ấy, cứ việc gõ búa thình thình vào một
bộ phận nào đó trong động cơ...
Mãi đến lúc ông điền
chủ ngồi lên bật đèn, chị nhà quê vẫn nằm đờ trong xe, hai tay bưng mặt, ngất
đi. Lão này cúi xuống, hôn một cái hôn cuối cùng, lôi cái váy xuống, nhấc chị
nhà quê ngồi dậy, mở cửa xe mà đẩy người ta xuống...
- Thôi, con về với họ
mau lên không họ chờ.
Quả
thật, tính nhân bản của Giông Tố qua
ngòi bút của Vũ Trọng Phung được mô tả một cách phũ phàng đến độ không thương
tiếc. Thị Mịch vốn là con gái ông thầy đồ, hiền lành, ngây thơ và quê mùa… Cô đã
hứa hôn với Long, một thanh niên tỉnh thành đứng đắn. Mịch ban đầu là nạn nhân
của Nghị Hách nhưng cô cũng mau chóng thoát xác để trở thành một nhân vật khác
lạ khi sống trong gia đình của ông nghị.
Khi
trở thành “bà hai” để bắt đầu tiến thân trên bước đường “bà lớn”, Mịch đã thay
đổi hoàn toàn, từ kênh kiệu đến dâm đãng cho đúng với vai trò của người đàn bà
đã “đổi đời”. Ông bà đồ cũng thế, từ cuộc sống trong sạch nơi thôn quê họ đã
vênh váo bước lên chiếc xe hòm của Nghị Hách để dạo phố Hà nội.
Chính
bản thân Mịch cũng thù ghét cha mẹ ở thái độ đổi trắng thay đen, đã bán khoán
mình với giá rẻ cho Nghị Hách để hưởng giàu sang. Vũ Trọng Phụng đã lột trần
tâm lý nhân vật: “Mịch thấy mẹ mình như
là hèn hạ quá, nhẫn tâm quá… Mịch oán giận mẹ. Căm tức bố, khinh bỉ anh”. Những
suy nghĩ của Mịch từ khi làm “bà lớn” khác hẳn với cô Mịch ở nông thôn ngày
nào:
“Từ khi lấy chồng đến
nay, đã ba bốn tháng, thì là đã luôn trong ba bốn tháng, Mịch đã ngoại tình bằng
tinh thần, đã lừa chồng với hàng trăm nghìn người, những người qua đường. Sự phản
phúc trong ấy thật đã là hoàn toàn, thật đã là đầy đủ, đủ cho một sự tình cờ nhỏ
mọn cũng có thể gây ra một cuộc lừa dối rành rọt bằng xác thịt nữa. Mịch sẽ lừa
dối chồng cả phần hồn lẫn phần xác... Và như vậy thì là một sự rửa thù oanh liệt
cho Mịch và cho Long!
Những cảm giác đê mê ở
cuộc hãm hiếp, còn để sót lại trong trí Mịch những phút hồi ức băn khoăn của một
dục vọng chưa được thỏa mãn. Mịch đã phải tưởng tượng ra những cảnh cám dục ghê
gớm, hưởng với mọi kẻ qua đường. Trong những sự mơ màng càn rỡ ấy, mỗi một cái
mặt đã nhìn thấy là một cái sức ám ảnh riêng, là một thế giới riêng, có những sự
khiêu động không bao giờ giống nhau cả. Và lòng khao khát đến một điều thỏa mãn
bằng cách tưởng tượng ấy, không những chẳng làm cho Mịch mãn nguyện, nhưng trái
lại, còn khiến Mịch càng như điên cuồng”.
Từ
những “tư tưởng ngoại tình” ở đầu Chương 22, Mịch biến suy nghĩ thành hành động
cụ thể ở cuối chương bằng một cuộc thông dâm với người tình cũ và cũng là con rể
của Nghị Hách: “Sáng chủ nhật hôm ấy,
không lo ngại gì cả, cũng chẳng nghĩ đến cái thai trong bụng nữa, y như một con
dâm phụ, Mịch đã cho Long ái tình”.
Ở
Long, người tình của Mịch, cũng nuôi dưỡng một lòng căm thù: “Anh lại cam đoan là sẽ rửa thù cho Mịch nữa,
vì rằng cái nhục của Mịch tức là một vết nhọ trên trán anh. Rồi thì anh cũng phải
làm thế nào rửa cho sạch vết nhọ ấy thì mới có thể trông thấy mọi người được.
Thôi đi, đừng khóc nữa”.
Tâm
lý của Long diễn biến thật phức tạp dưới ngòi bút của Vũ Trọng Phụng. Theo lệnh
của ông chủ Tú Anh, Long đóng vai trò “thuyết khách” để Nghị Hách lấy người vợ
chưa cưới của chính mình rồi lại ra Hải Phòng thuyết phục bà vợ cả của ông nghị
đồng ý để chồng lấy vợ hai…
“Khi còn ở trên ấp Tiểu
Vạn trường thành, Long đã phải mất bao nhiêu công suy nghĩ mới đóng được cái
vai trò đặc biệt của chàng. Chủ đã phó thác cho công việc nặng nề là thuyết lý
làm sao cho người thân sinh của ông chủ sẽ vui lòng kết bạn trăm năm với cô gái
quê, mà người ấy đã nài hoa ép liễu. Trong khi ấy, vì còn quá tin ở ngọn đèn trời,
tin ở thần Công lý, ở lẽ phải, ở cái kiện, nên Long đã chẳng ngại ngùng gì cả vội
nhận lời với chủ ngay. Đến khi lên tới ấp Tiểu Vạn trường thành là khi thấy bên
gia đình họ hàng vợ chàng đã thua kiện một cách rõ rệt rồi, thì Long lại phải
thay đổi cử động. Đến khi nghị Hách lại phó thác cho chàng với việc thuyết
khách là việc nói làm sao cho người vợ cả của lão vui lòng để lão cưới vợ bé,
thì Long lại phải đeo lên mặt một cái mặt nạ thứ ba”.
Người
đọc Vũ Trọng Phụng hẳn không thể nào quên đoạn văn dưới đây từ bức thư của Long
gửi cho Tú Anh về quá khứ của mình. Tại miền Nam trước 1975, đoạn văn này đã được
đưa vào sách giáo khoa cho học sinh trung học:
“Tôi sinh ra đời dưới
một ngôi sao xấu. Khi hãy còn ở cái tuổi mà những đứa trẻ khác được bố mẹ chiều
chuộng, nâng niu, ẵm bế, riêng tôi là một đứa bé một mình phải chịu nhiều nỗi
gian nan. Bố mẹ tôi qua đời từ trước khi tôi có đủ trí khôn để nhận thấy rằng
không có bố mẹ là điều rất khổ. Đến khi tôi đã 12 tuổi rồi, tôi hãy còn sống
sót vì hội Bảo anh, cái hội từ thiện mà xã hội lập ra để nuôi nấng những đứa trẻ
không bố mẹ, trong số đó có tôi…”.
Thẻ nhà báo của Vũ Trọng Phụng
Tú
Anh, ở phần đầu Giông Tố người đọc cứ
tưởng là một nhân vật “tốt”, muốn cứu vớt thanh danh gia đình Mịch, đã bắt buộc
bố phải cưới Thị Mịch làm vợ lẽ. Nhưng thực tế, Tú Anh đã dùng cách “bá đạo” để
hai người tình Mịch-Long hiểu lầm nhau. Rốt cuộc, Long cũng rơi vào cái bẫy của
Tú Anh để chọn Tuyết, em gái Tú Anh làm vợ trong khi Mịch một bước lên vai “mẹ
vợ” của Long.
Từ
một người sẵn sáng chọn cái chết để giữ chung thủy với người yêu, Mịch đã quay
ngoặt để trở thành một người hoàn toàn khác: “Trước kia Mịch tự tử là vì ái tình. Bây giờ Mịch không được yêu, thì Mịch
chỉ trông thấy sự căm hờn mà thôi. Mà sự căm hờn chỉ nuôi, chứ không giết…”. Tác
giả còn khẳng định: “Mịch đối với Long chỉ
còn sự căm hờn”.
Hình
như tư tưởng “căm hờn, trả thù” lúc nào cũng ám ảnh các nhân vật trong Giông Tố. Chính Tú Anh đã nhìn nhận về
Nghị Hách: “Cái thằng cha ấy nó đẻ ra
moa, chính là vì một phút điên rồ của xác thịt đấy!... Cũng vì thế mà lúy bỏ ma
me, để ma me nghèo, chết, rồi bây giờ lúy lại chực từ nốt cả moa! Các đằng ấy bảo
vì lẽ gì tớ lại không rửa thù?”.
Giông Tố còn là tấm thảm kịch
về sự “bất tín” của con người. Không ai có thể tin được ai và không ai có thể
nhờ cậy được ai. Từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ anh em đến cha mẹ, từ vợ
đến chồng, cha đến con… tất cả đều sống trong lừa dối, trong một gia đình loạn
luân khép kín hay nói rộng ra trong một xã hội bất công. Những người đã sống vào
thời đó nhận rõ hơn ai hết những nhân vật tai to mặt lớn chà đạp công lý một
cách trắng trợn. Ta hãy đọc đối thoại dưới đây giữ của một ông quan tri huyện
trẻ tuổi, thanh liêm với ông quan tổng đốc già nua, xôi thịt:
- Thày như vậy là hại
dân, hại nước! Thày không chịu hòa giải một việc nhỏ mọn như thế, vậy thày thấy
người ta có máu mặt nên thầy xoay à?
- Bẩm cụ lớn, nhà nước
không cần phải đổi tôi đi xa! Dù tôi không đi làm thì tôi cũng không chết đói ạ.
Bẩm cụ lớn, chẳng phải nói khoe gì, quan thày của tôi trong đảng xã hội, nay
mai mà có sang nhận chức toàn quyền, thì lúc ấy tôi lại sẽ làm quan cũng không
muộn ạ. Mà nếu có phải làm quan, tôi sẽ cũng không làm quan huyện nữa... tôi
xin cam đoan với cụ lớn trước như thế. Thế thì xin cụ lớn biết cho là ngay bây
giờ, phải ngay bây giờ, tôi xin có lời trả lại cái tri huyện cho Nhà nước! Ngày
mai thì sẽ có đơn từ chức của tôi hẳn hoi.
Quan tổng đốc ngẩn
người ra hồi lâu rồi dịu giọng:
- Thầy nói thật đấy
à?
- Bẩm cụ lớn, chúng
tôi lại dám nói đùa thế à?
- Ở đời này, không
nên ương ngạnh quá thế, tôi bảo thật...
- Bẩm, nào có phải
ương ngạnh! Chúng tôi hiểu rồi, vì đã làm tri huyện một năm rồi. Như cái việc
hiếp dâm này là do tài xế của ông nghị ấy về Hà thành, vào một tiệm thuốc phiện
kháo chuyện, không may lại vớ phải một thằng con riêng của ông nghị ấy. Thằng
con ấy, một đứa vô lại muốn xoay tiền bố, đã đến nói với nhà báo để cho một tờ
báo nọ cứ gào choáng mãi lên, kêu đòi thần công lý của quan sở tại, là tôi...
Cho nên bây giờ, sau khi bị cụ lớn khiển trách thế này, thì tôi lấy làm xấu hổ
cho cái thần công lý của tôi lắm”.
Thằng
con riêng của Nghị Hách tên là Vạn “tóc mai”, một nhân vật thuộc loại “bán trời
không văn tự” cũng tương tự như Xuân “tóc đỏ” trong Số Đỏ, một nhân vật thuộc loại “ba que xỏ lá”. Vũ Trọng Phụng đã
dùng lối văn phóng sự của mình để mô tả cuộc chạm trán đầu tiên giữa Long và Vạn
“tóc mai” tại tiệm hút của chú Sềnh:
“Cái tiếng dâm của
nghị Hách thì đã lừng lẫy cả mấy tỉnh!”. Long nhìn vào thì người vừa nói những
câu ấy là một thiếu niên mặt mũi võ vàng, hai bên tai có bộ tóc mai rất to, mặc
áo gấm lam, ngoài phủ một cái áo dạ vai vuông, cái đầu tóc hung hung đỏ và quăn
quăn kê lên trên mông một thiếu phụ mặt bự những phấn mà môi lại tái nhợt, tóc
búi, cổ có đeo kiềng, quần áo lối mới, cổ áo bành bẻ, cũng có ba đờ suy đờ vin
hẳn hoi. Trước mặt cặp ấy là hai thiếu niên áo quần cực kỳ sang trọng. Các phản
khác đầy những nhân viên làng bẹp. Năm người Việt Nam, tám người khác trong số
đó có hai ả sẩm, một lính tây trắng và ba linh tây đen, và mụ đầm gần già”.
DVD “Giông Tố”
của ban kịch Sống, Túy Hồng
Hải
Vân là một nhân vật bí ẩn xuất hiện ở chương 23. Ông là thầy địa lý mà Nghị
Hách kính phục như “thánh sống”, như “một
người đặc biệt, một bậc kỳ tài, thượng thông thiên văn, hạ trí địa lý, trung
tri nhận sự”. Hành tung bí mật của Hải Vân được chính ông giải thích: “Tôi có năm bảy mươi nghề, nên không bao giờ
chết đói, đâu cũng là nhà, gặp ai cũng là thân yêu. Tôi không thu chặt lòng yêu
vào gia đình, chỉ biết có gia đình, nhưng mà là để muốn biết cả nhân loại, muốn
biết cả xã hội. Trong cuộc phiêu du, chí bình sinh là đem tiền kiếm được của bậc
phú quí ra san sẻ cho kẻ bần hàn, thế mà thôi. Tôi đã rắc khắp nơi sự yêu, sự
nhớ cũng như sự thù hằn oán ghét vì tôi ngay thẳng và không hề ở đâu lâu cả”.
Vũ
Trọng Phụng đã để Hải Vân kể lại vanh vách cái số của Nghị Hách “có thể đã làm những việc đại gian hùng, mà
không ai làm gì được mình cả”:
Nào
là năm Tân Hợi, năm 1911, khi Nghị Hách mới 22 tuổi, còn làm cai thợ nề, thì
người bạn cũ, hơn nghị Hách có một tuổi, làm thợ kẻ trần nhà, thợ quét vôi...
Người ấy giỏi Hán tự, vốn người làng Cổ Am, nghe đâu như dòng dõi cụ trạng
Trình. Anh cai thợ nề đã cướp vợ của anh thợ quét sơn khiến anh thợ phải ngồi
tù. Ông già Hải Vân còn kể tiếp:
“Năm Quí Sửu, quan
bác lừa người được số bạc trăm. Đến năm Kỷ Mùi, tức là năm 1919, năm quan bác
đúng 30 tuổi thì quan bác giàu có rồi, đã bắt đầu hiếp... rồi, thật thế đấy,
tôi xin nhắc lại, quan bác đã hiếp... rồi!... Lại cho đến năm Nhâm Tuất thì quan
bác gian hùng lắm. Hai mạng người đã chết vì quan bác. Lại đến hai năm sau nữa,
tức là năm Giáp Tý 1924, thì quan bác lừa người được mấy chục vạn, và đồng thời
xuýt nữa quan bác chết hụt thì phải. Chút nữa thì hỏa thiêu... Bẩm đoán qua loa
có đúng chăng?”.
Chính
Hải Vân là người “gỡ mọi nút thắt” trong cái gia đình loạn luân của Nghị Hách.
Qua ông, người đọc khám phá ra nhiều chuyện “động trời”: người con rể tên Long
lại là con ruột của Nghị Hách, lấy Tuyết, lại là em gái của mình. Kịch tính của
Chương 28 có đoạn:
Hải Vân khoan thai:
- Không! Không phải
thù!... Tiện dịp thì tôi trả lại bác một đứa con!...
Rồi ông già chỉ Long
cho nghị Hách, Long và nghị Hách còn ngẩn ngơ nhìn nhau chưa hiểu ra sao, thì Hải
Vân phải cắt nghĩa ngay:
- Thằng này, lúc mẹ
nó chết, thì bố nó là cai Hách đã ở Lào... Tôi đã nuôi nó hai tháng, lúc nó còn
đỏ hỏn!... Rồi chính tôi đem nó đến giao cho một bà sơ của hội Bảo anh... Chứng
cớ... Này đây chứng cớ!
Rồi hỏi Long:
- Từ lúc mày nhớn,
tao chưa nhìn rõ mặt mày lúc nào, có phải không? Đây này, bên vai hữu của mày
có ba cái nốt ruồi liền nhau!
Hải Vân túm lấy vai
Long, xé toạc ngay cái áo sơ mi của Long ra, đẩy lưng của Long đến trước mặt
Nghị Hách rồi tiếp:
- Mày là... vợ tao đẻ
ra mày, nhưng mà mày chính là máu mủ của cai Hách!
Long gào thét như hóa
điên:
- Tôi? Tôi mà lại là
con ông Nghị Hách! Ồ! Thế thì quá lắm! Thế thì quá lắm! Thế thì ra bố hiếp vợ của
con, con thông dâm vợ của bố... rồi thì anh em ruột... anh em ruột...
Đó
mới chỉ là phần đầu của kịch tính trong Giông Tố, người đọc hết đi từ ngạc
nhiên này đến ngạc nhiên khác:
Bà Nghị đến ngồi thụp
dưới chân Hải Vân ngước mắt lên như kêu van, rồi the thé nói:
- Tôi xin lỗi ông!
Tôi xin lỗi ông!... Suốt một đời tôi, tôi chỉ kính yêu một mình ông mà thôi!...
Nhưng hơn hai chục năm nay, ông biệt tăm biệt tích. Ông xá cho tôi cái tội nhục
nhã này!... Xin ông nói nốt! Ông đã nói thì nói nốt cho cai Hách nó nghe!...
Nghị Hách còn đương
trố mắt ngạc nhiên thì bỗng Tú Anh ngã lăn đánh huỵch xuống sàn gác. Cả bọn
quay lại... Trên miệng Tú Anh thấy ứa ra một chén máu. Người ta không kịp để ý
xét xem Tú Anh uất mà thổ huyết hay cắn lưỡi tự tử... Nghị Hách chạy lại đỡ Tú
Anh dậy, thất thanh kêu:
- Con ơi!... Ôi con
ơi!...
Nhưng bà Nghị cong cớn.
- Con mày! Thôi
đi!... Mày đừng có nhầm! (Ngửa mặt lên trời) Con nó! (Kêu với Hải Vân) Ông ơi,
van ông, xin ông nhân dịp nói nốt ra, cho xong đi!...
Hải Vân dang tay ra,
dõng dạc:
- Không phải! Chính
nó là con tôi!...
Nghị Hách ngơ ngác
nhìn lên thì bà Nghị lại reo.
- Ừ, ấy thế!
Hải Vân khoan thai
nói tiếp:
- Phải, Tú Anh là con
tôi... Bác đi Lào, tôi ở nhà tù ra, tôi cũng thương yêu vợ bác y như bác thương
yêu vợ tôi lúc tôi ở tù vậy! Xin bác soi xét cho cái chỗ hèn yếu của lòng người...
Nghị Hách bỏ Tú Anh,
đứng lên nhìn Hải Vân chòng chọc nghiến răng:
- À, đồ khốn nạn! Đồ
chó má!
Ở
Chương 30 chúng ta mới hiểu “lão thầy địa lý” Hải Vân là một người hoạt động
cách mạng. Tú Anh đưa tiễn người cha thật sự của mình xuống thuyền để tiếp tục
sự nghiệp “cách mạng” của mình tại Vịnh Hạ Long. Và ở Đoạn Kết, người đọc được
chứng kiến Long trong cơn khủng hoảng tinh thần đến cùng cực đã tổ chức một đêm
ăn chơi cuối cùng ở xóm Khâm Thiên trước khi tự kết liễu đời mình.
“Chàng lấy hộp thuốc
phiện và lọ giấm thanh giấu ở túi áo trong ra để ở bàn. Chàng đứng lên tìm tòi,
hối hận không giắt con dao con. Khi lục lọi ở ngăn kéo, may sao Long thấy có một
con dao cạo.
Long thản nhiên mở hộp
thuốc rót vào một cái chén rồi đổ lọ giấm thanh, hòa... Xong đâu đấy, Long đứng
lên nhưng chẳng may vướng vào áo, chén thuốc độc đổ té xuống sàn gác. Long đứng
nhìn thở dài.. Hồi lâu lặng đi như ngây như dại thì tầm mắt chàng lại đặt vào
con dao. Chàng mỉm cười, hai mắt quắc lên những ánh sáng.
Long ra bàn giấy, lấy
bút máy, xé một tờ giấy ở sổ tay ra, cắm đầu viết:
“Tôi tự tử vì tôi
sung sướng quá, đến nỗi không thấy sinh thú nữa, và có lẽ tại tôi không tìm nổi
cái nghĩa đời người. Nguyện vọng cuối cùng của tôi là mong ông Tạ Kim Anh giám
đốc Đại Việt học hiệu, tha thứ cho những tội lỗi đã phạm phải, đối với ông ta.
Tôi mong ông sẽ cứu sống vợ tôi nữa, nếu ông có thể...”
Ông
già Hải Vân đã từng nói, giông tố ngoài biển không đáng sợ, chỉ có giông tố
trong lòng mỗi người mới là cái khó vượt qua. Theo tôi, đó mới chính là ý nghĩa
của cái tên Giông Tố mà Vũ Trọng Phụng
đã đặt lại cho tiểu thuyết của mình từ cái tên cũ Thị Mịch.
Phim “Giông Tố” của đạo diễn Nguyễn Mạnh Lãi,
ra mắt lần đầu năm 1991
***
Chú
thích:
(1)
Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng bao gồm các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng
sự, kịch và dịch thuật.
1. Truyện ngắn (36)
·
Chống nạng lên đường (1930)
·
Một cái chết (1931)
·
Bà lão lòa (1931)
·
Con người điêu trá (1932)
·
Quyền làm bố (1933)
·
Cuộc vui ít có (1933)
·
Hai hộp xì gà (1933)
·
Cái hàng rào (1934)
·
Tình là dây oan (1934)
·
Duyên không đi lại (1934)
·
Thầy lang bất hủ (1934)
·
Ông đừng lầm (1934)
·
Sao mày không vỡ, nắp
ơi?
(1934)
·
Sư cụ triết lý (1935)
·
Rửa hờn (1935)
·
Bộ răng vàng (1936)
·
Hồ sê líu hồ líu sê
sàng
(1936)
·
Mơ ngày Tết (1936)
·
Tết ăn mày (1936)
·
Lỡ lời (1936)
·
Người có quyền (1937)
·
Cái ghen đàn ông (1937)
·
Lòng tự ái (1937)
·
Đi săn khỉ (1937)
·
Máu mê (1937)
·
Tự do (1937)
·
Lấy vợ xấu (1937)
·
Một con chó hay chim
chuột
(1937)
·
Một đồng bạc (1939)
·
Đời là một cuộc chiến
đấu
(1939)
·
Bắt vích (1939)
·
Ăn mừng (1939)
·
Gương tống tiền (không rõ năm viết)
·
Đoạn tuyệt (không rõ năm viết)
·
Từ lý thuyết đến thực
hành
(không rõ năm viết)
2. Tiểu thuyết (9)
·
Dứt tình (1934)
·
Giông tố (1936 - khi đăng
trên Hà Nội Báo có tựa đề Thị Mịch)
·
Vỡ đê (1936) - Báo Tương
Lai
·
Số đỏ (1936) - Hà Nội Báo
·
Làm đĩ (1936) - Tạp chí
Sông Hương
·
Lấy nhau vì tình (1937)
·
Trúng số độc đắc (1938)
·
Quý phái (1937, đăng dang dở
trên Đông Dương tạp chí - bộ mới)
·
Người tù được tha (Di cảo)
3. Phóng sự (9)
·
Đời cạo giấy (1932)
·
Cạm bẫy người (1933)
·
Kĩ nghệ lấy Tây (1934)
·
Hải Phòng 1934 (1934)
·
Dân biểu và dân biểu (1936)
·
Cơm thầy cơm cô (1936)
·
Vẽ nhọ bôi hề (1936)
·
Lục sì (1937)
·
Một huyện ăn Tết (1938)
3. Kịch (7)
·
Không một tiếng vang (1931)
·
Tài tử (1934)
·
Chín đầu một lúc (1934)
·
Cái chết bí mật của
người trúng số độc đắc (1937)
·
Hội nghị đùa nhả (1938)
·
Phân bua (1939)
·
Tết cụ Cố (Di cảo - đăng sau
khi tác giả qua đời, trên Tiểu thuyết thứ
bảy số 295, ngày 3/2/1940)
4. Dịch thuật (1)
·
Giết mẹ (1936) - nguyên bản Lucrèce Borgia của Victor Hugo
(2)
Xem bài viết Đọc lại Vũ Trọng Phụng: Số Đỏ
(3)
Nguyễn Tuân trong bài viết Đọc lại truyện
Giông Tố đăng trên báo Nhân dân năm 1956, lại nhìn tác phẩm của Vũ Trọng Phụng
dưới một khía cạnh khác: “Riêng về Giông
Tố, truyện dài đã đóng bằng một việc tiêu cực tự hoại thân thể, và cũng mở đầu
bằng một cuộc cưỡng dâm thô bạo có trả tiền. Rồi lại tiếp diễn những cuộc tiền
dâm hậu thú và thông dâm, và vân vân. Nhưng cái chính không phải ở đây.
Giông tố có nói đến
nông dân, nhưng cái nhìn của Vũ Trọng Phụng còn chệch choạc. Giông tố có nói đến
chiến sĩ cách mạng nhưng cái nhìn của Vũ Trọng Phụng còn viển vông, phiêu lưu.
Cái mà Vũ Trọng Phụng đánh trúng nhất trong Giông tố tức là đánh vào cái sự
trâng tráo tàn bạo của thế lực đồng tiền, của những thế lực phản bội đã dựa vào
đế quốc và định cầm cân nảy mực cho sự sống và ngự trị lên trên cái giá trị thật
của đời sống”.
Thụy
Khê trong bài khảo luận Vũ Trọng Phụng và
sự tha hoá của con người trong môi trường bạc tiền, tham nhũng đề cập đến một
thực tế lịch sử:
“Ở miền Bắc, trong suốt
thời gian dài, từ thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm đến giai đoạn đổi mới, Vũ Trọng Phụng
bị coi là nhà văn phản động, có tư tưởng chống cộng. Vũ Trọng Phụng bị loại trừ
khỏi văn học Việt Nam vì người ta tìm thấy: "Trong di sản Vũ Trọng Phụng
có một bài báo dài nhan đề "Nhân sự chia rẽ giữa Đệ Tam và Đệ Tứ, ta thử
ngó lại ... (1937), đã tạo thuận lợi quyết định cho ý đồ loại trừ Vũ Trọng Phụng
khỏi văn học sử nước nhà" (trích bài Một khía cạnh ở nhà báo Vũ Trọng Phụng:
người lược thuật thông tin quốc tế của Lại Nguyên Ân, Tạp chí văn học, tháng
12/ 1989).
…
Ngoài ra, những cố gắng
của Trương Tửu và Trần Thiếu Bảo (nhà in Minh Đức), in và giới thiệu lại tác phẩm
của Vũ Trọng Phụng trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, càng làm tăng các tội
"phản động" và "làm mật thám cho Tây" mà người ta gán cho
nhà văn họ Vũ.
Do ảnh hưởng sâu rộng
từ bài viết triệt hạ thâm độc Vũ Trọng Phụng của Hoàng Văn Hoan và các tê-no
khác như Nguyễn Đình Thi, Vũ Đức Phúc... Vũ Trọng Phụng bị khai trừ hẳn trên
văn đàn miền Bắc”.
Vũ Trọng Phụng qua nét vẽ của Côn Sinh,
in trong tác phẩm “Cạm bẫy người”
***
(Trích
Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi
Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
Chương
1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương
2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương
3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương
4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương
5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương
6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương
7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương
8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương
9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác
giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho
đến ngày xuống lỗ)!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét