Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Đọc lại Vũ Trọng Phụng: Số Đỏ

“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Vâng, một số người đọc entry này có thể vô tình thốt lên câu nói đó khi đã có quá nhiều tác giả nổi tiếng, nhà nghiên cứu-phê bình văn học uy tín hoặc thậm chí những cây bút “tài tử” như tôi viết về nhà văn Vũ Trọng Phụng (*), “Ông Vua Phóng Sự Đất Bắc”. Quả thật, ca tụng Vũ Trọng Phụng chẳng khác nào khen… “phò mã tốt áo”!

“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” là câu thường nói của Cụ Cố Hồng, một nhân vật trong Số Đỏ, tiểu thuyết văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng, đăng ở Hà Nội Báo từ số 40 (ngày 7/10/1936) và được in thành sách lần đầu vào năm 1938. Câu nói đó, ngày nay ông Vũ Trọng Phụng không còn “giữ bản quyền” vì nó đã đi vào ngôn ngữ đời thường trong cuộc sống của chúng ta.

Vũ Trọng Phụng (1912-1939)

Cụ Cố Hồng là một người đàn ông tuổi đời chỉ mới gần 50, nghiện thuốc phiện nặng, và lúc nào cũng muốn tỏ ra mình… già. “Cụ cố” thích già để đóng trọn vai trò của một “gia trưởng” trong thời Pháp thuộc, khác hẳn với ngày nay, nhiều người già nhưng vẫn thích được trẻ mãi.

Cụ Cố Hồng lúc nào cũng ho sù sụ như sặc thuốc lào mà chẳng biết là cụ ho thật hay ho giả. Giữa mùa hè, cụ vẫn mặc áo bông, đi giầy da và khi cụ tới đâu thì ở đó sặc mùi dầu bạc hà. Vũ Trọng Phụng đã xây dựng một hình tượng “gia trưởng” với những tính cá biệt, không những trong Số Đỏ mà còn ở Nghị Hách trong tác phẩm Giông Tố

Thật ra thì trên “cụ cố” còn có “cụ cố tổ”, một ông lão 80 tuổi với gia sản kếch xù nên con cháu ai cũng muốn ông chết để trước nhất là chiếm gia tài và sau đó còn để khoe với bàn dân thiên hạ một đám tang “hoành tráng”, tác giả gọi đó là “một tang gia văn minh”, “một đám ma gương mẫu”.

Tang gia còn cẩn thận tính đến việc “lăng-xê” cả kiểu áo tang “mốt” nhất cho từng người đi đưa đám! Trong cảnh nhốn nháo khi “cụ cố tổ” qua đời, thằng bồi tiêm thuốc phiện đã đếm được “một nghìn tám trăm bẩy mươi hai” câu gắt gỏng “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” của “cụ cố” Hồng.   

“Cả gia đình ấy nhao nhao lên mỗi người một cách, đi gọi từ ông lang băm Tây cho đến ông lang băm Đông, già và trẻ để thực hành đúng cái lý thuyết “nhiều thầy thối ma”. Ông cụ già vừa chết, danh dự của Xuân lại càng to thêm, vì cái lẽ rất chính đáng là ba hôm nó đã trốn một chỗ nào không ai biết, đến nỗi cụ bà cho người đi tìm đâu cũng không thấy. Thiếu ông đốc tờ Xuân là thiếu tất cả, những ông thầy thuốc chính hiệu đã thất bại hoàn toàn…”

Ở một thái cực khác, Cậu Phước, con cầu tự của bà Phó Đoan, tuy tuổi cũng đã đủ khôn lớn nhưng lúc nào cũng chỉ biết nói: "Em chã, em chã". Tuy không phổ biến bằng câu nói của “cụ cố” Hồng, cậu “con giời, con Phật” của bà Phó Đoan cũng để lại cho hậu thế một hình ảnh của những “cậu ấm, cô chiêu” trong xã hội giao thời. Vũ Trọng Phụng mô tả cảnh cậu Phước 11 tuổi đang ngồi tắm như sau:

“Trong cái chậu thau khổng lồ, một cậu bé to tướng béo mũm mĩm, mặt trông ngẩn ngơ, giá đứng lên thì cũng cao lớn hơn một thước tây, ngồi vẩy nước như một đứa trẻ lên ba. Chung quanh cái chậu thau có vô số đồ chơi bầy la liệt… Nào là con chó bông, con búp bê, cái tầu bay, cái kèn…

Sau một hồi cậu Phước "Em chã, em chã" với mẹ, bà Phó Đoan nói, “Thế cậu yêu me thì cậu thơm me đi nào”“Tức thì cậu bé đứng lên… Chao ôi! Cậu bé nhưng mà cậu đã nhớn lắm. Trần truồng, nồng nỗng, cậu đứng lên cao tồng ngồng mà hôn mẹ. Cảnh tượng ấy nếu không có cái giá trị quái gở, ít ra cũng hay ho chẳng kém một tấm ảnh khiêu dâm!”

Cậu Phước, theo lời của “bọn gia nhân kém giáo dục”, thì đã “đủ tư cách” của một người lớn lắm rồi, nghĩa là dòng máu dâm di truyền từ Bà Phó Đoan đã bắt đầu nẩy nở. Vũ Trọng Phụng cho người đọc thấy cảnh Chị Ba người làm phải lau mình cho cậu rồi phải cõng cậu hãy còn trần truồng: “Trên lưng người đàn bà, cậu bé khổng lồ ấy còn ngây ngô rún rẩy bắt chước người cưỡi ngựa, miệng kêu: “Nhong, nhong, nhong”…

Nguồn gốc cầu tự của cậu Phước, tác giả Số Đỏ giải thích: “Sau khi đọc bộ “Kim Anh lệ sử” thấy nói ở cái chùa tỉnh ấy, sư mô cứ vờ là Phật để xuống bán con cho những đàn bà cầu tự, bà đã tức khắc dò hỏi, rồi đi… Bà đã bị tẽn! Lúc về nhà ông Phán ban con cho bà, chứ chẳng có sư mô quái nào.

Còn Cậu Phước thì “… lắm lúc cậu cứ vòi vĩnh bắt vú nuôi cậu vạch vú ra bú giả vờ như trẻ con lên ba, thế không là dâm thì còn là gì?”. Thật đúng là “con nhà tông, chẳng giống lông cũng giống cánh”.

“Số Đỏ” trên DVD

Tính từ Cậu Phước trở lên “cụ cố tổ” có đến 3 thế hệ sinh sống trong cái gia đình thượng lưu, văn minh điển hình của những năm cuối 1930. Gia đình “tam đại đồng đường” này sống nhịp nhàng theo cá tính của từng nhân vật. Bà Phó Đoan, theo lời tán tụng của ông thầy số, “bà lớn nhờ có cậu nên sự thịnh vượng lại càng bền vững”.

Chân dung Bà Phó Đoan được Vũ Trọng Phụng mô tả bằng vài nét chấm phá ngay từ đầu cuốn tiểu thuyết khi bà từ trên chiếc xe hòm “đầu nhọn, đuôi nhọn” bước xuống: “Cửa xe mở, một bà trạc ngoại tứ tuần mà y phục còn trai lơ hơn của các thiếu nữ, mặt bự ra những son và phấn, tóc đen lay láy nhưng mà quăn quăn, cả người nặng ít ra cũng bảy mươi cân, nhưng cái khăn vành giây đúng mốt hết sức thì lại nhỏ xíu và ngắn ngủn có một mẩu…”.

Cuộc sống tình cảm của bà là một chuỗi sóng gió. Hồi còn trẻ, bà bị lính Tây hiếp lúc mới ở nhà quê ra tỉnh xem hội Đình Chiến. Vũ Trọng Phụng viết: “Từ khi bị hiếp, những cảm giác tê mê hiếm có rất khó tả, rất kỳ quái, cứ theo mãi bà như bóng theo người, lâu dần, việc ấy thành một ám ảnh. Bà vẫn ao ước được-bị hiếp nữa mà không bao giờ cái dịp hiếm có ấy lại tái hiện. Thành thử bà có chỉ hiếp chồng chứ quả thực – nói có quỷ thần hai vai chứng dám – bà chẳng được-bị chồng hiếp cho lần nào…”

Sau lần bị lính Tây hiếp, bà trở thành “Me Tây” khi lấy ông phó nhà đoan chuyên đi bắt rượu lậu và cái tên Bà Phó Đoan bắt đầu từ đấy. Ăn ở với nhau độ 10 năm, ông Phó Đoan chết, một cái chết được tác giả mô tả là “chết trung thành với nhà nước, chết chung tình với vợ, chết như những người yêu vợ quá sức”.

Rồi bà “đi thêm bước nữa” với một ông phán trẻ được hai năm thì ông chồng “nội hoá” cũng lăn đùng ra chết. Vì lẽ chưa ai thấy bà có nhân tình, nên những ngọn lưỡi rắn độc phao rằng “bà chính chuyên đến nỗi chồng bà kiệt sức, cạn sức, phải trốn xuống suối vàng”.

Bà Phó Đoan “tiết hạnh khả phong” là dì của Văn Minh, ông này là con của cụ cố “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Theo mô tả, Văn Minh là “một chàng thiếu niên cao ngẳng, gầy đét, lộ hầu, hai mắt như ốc nhồi, tóc cũng uốn quăn”. Văn Minh đi du học bên Pháp 6 hay 7 năm gì đó nhưng khi trở về lại không có một văn bằng nào cả vì ông… “rất ghét bằng cấp”. Đến khi lấy cô con gái nhà giàu tên Văn, tên ông chính thức trở thành Văn Minh, “tên vợ ở trên tên ông, tên ông đội dưới, cho nó có vẻ nịnh đầm”.

Bà Văn, vợ ông Văn Minh, còn được gọi là “Văn Minh vợ”, mới khai trương một tiệm thợ may y phục “phụ nữ tân thời”. Chúng ta hãy nghe bà giới thiệu các sản phẩm may mặc độc đáo của bà với các khách hàng đang muốn… Âu hóa:

“Đây là bộ “Lời Hứa”, nghĩa là để cho thiếu nữ nào mặc bộ ấy có thể hứa với bạn lòng một cuộc hẹn hò vậy. Đây là bộ “Chiếm Lòng” mặc bộ ấy thì ta nắm vận mệnh bọn nam nhi trong tay ta. Đây là bộ “Ngây Thơ”, đây là bộ “Dậy Thì”, toàn cho gái mới nhớn. Từ đây vào là của các bà thiếu phụ, các bậc nội tướng rồi... Thưa bà, đây là bộ “Nữ Quyền”, của người đàn bà lúc nào cũng được chồng khiếp sợ. Còn đây là bộ “Kiên Trinh”, cho những bà quả phụ nhất quyết ở vậy thờ chồng, và đây là bộ “Lưỡng Lự”, cho những đàn bà goá chồng, mà không biết nên thủ tiết hay là thôi. Còn đây, bộ y phục tân thời nhất, vừa được chế tạo ra được mấy hôm nay thôi, chúng tôi chưa kịp kẻ bảng nhưng đã nhất định đặt là “Chinh Phục”, nghĩa là có bộ y phục này, thì ai cũng phải say mê bà, dù là cả đến chồng bà!”

Tiệm may Âu Hóa còn có những “quần áo lót mình ở bên trong” chứ không phải chỉ ở trang phục bên ngoài. Âu Hóa quảng cáo những sản phẩm được các ma-mơ-canh mang trên người: “… Nào là những cái ngực khiêu khích đeo những cóoc-sê lụa viền đăng ten, nào là những bắp đùi lồng trong những cái bít tất lụa. Nào là áo lót mình, những quần đùi, tóm lại thì là đủ cả những cái có thể gợi xuân tình trong lòng một ông cụ già đã ăn khao bẩy mươi…. Đây là cái áo “Ỡm Ờ”... Đây là cái quần “Hãy Chờ Một Phút”... Đây là cái áo lót “Hạnh Phúc”, đây là cái coóc-sê “Ngừng Tay”…

Đó là những nét độc đáo của tiệm may mang tên Âu Hóa với chủ trương “Quần áo để tô điểm, để làm tăng sắc đẹp, chứ không phải để che đậy. Bao giờ... bao giờ mà y phục tiến bộ đến cực điểm đi đến chỗ tận thiện tận mỹ, thì nghĩa là y phục phải không còn... che đậy cái gì của người đàn bà nữa!”

Tiệm may Âu Hóa còn có “nhà mỹ thuật” được biết đến qua nhiều tên khác như “tay-ơ Típ Phờ Nờ”, “ông mỹ thuật Đông Dương”… nói theo ngôn ngữ bình dân là ông phó may hay ông cai thợ may TYPN, chữ tắt của cái tên Tôi Yêu Phụ Nữ!

Cũng giống như ông chủ Văn Minh, người cổ súy cho thể thao nhưng lại chẳng bao giờ cầm vợt ra sân tennis, ông TYPN là người sáng tạo ra những kiểu quần áo hấp dẫn cho phụ nữ nhưng lại cấm vợ mình ăn mặc theo kiểu mà ông cổ súy! 

Ông có lần cãi lý với vợ: “Khi người ta cổ động đàn bà thì phải biết là cũng có năm bảy thứ đàn bà! Khi người ta nói phụ nữ... là nói vợ con chị em người khác, chứ không phải vợ con chị em của ta! Mợ đã hiểu chưa? Người khác thì được, mà mợ, mợ là vợ tôi, thì mợ không thể tân thời như người khác được!”.

Cuối cùng thì ông Típ Phờ Nờ lôi lấy tay vợ, kéo sềnh sệch ra khỏi tiệm may Âu Hóa và hầm hầm đe dọa: “Mau! Đi về ngay! Về cởi cái quần trắng ra ngay! Không có mà không vợ, không chồng gì nữa đâu”.

Trong truyện còn có cô Tuyết, em gái của Văn Minh, con gái út của Cụ Cố Hồng. Cô Tuyết chỉ mới 18 tuổi, rất có nhan sắc lại cũng sắp lãng mạn theo cái lối tân tiến “rởm” và sau này cô có người “bạn giai” là “đốc-tờ Xuân”. Trước đó, Tuyết đã có người đi sêu tết và chuẩn bị lên xe hoa về nhà chồng cho đến khi cô gặp Xuân, mọi sự cứ rối như… canh hẹ.  

Chị ruột của Tuyết là Hoàng Hôn, vợ của “Ông Phán Mọc Sừng”. Câu chuyện “mọc sừng” được Vũ Trọng Phụng viết một cách dí dỏm ở Chương 5: Vâng tôi. Tôi là người chồng mọc sừng.

“… một người đứng tuổi, quần áo nho nhã ra vẻ một thầy ký kiết, rón rén đẩy cửa vào, khẽ nói ra vẻ bí mật: “Kính chào ngài! Thưa ngài, tôi, tôi là một người mọc sừng!”

Tưởng mình ngủ mê, Xuân Tóc Đỏ dụi mắt một mấy cái. Người kia lại nói một cách thân mật: “Vâng, chính thế, tôi là một người chồng mọc sừng”. Xuân hoảng hốt: “Ngài mọc sừng?”. “Bẩm đích thị như thế thật đấy ạ”. Xuân Tóc Đỏ sờ lên đỉnh đầu người ấy rồi ngơ ngác: “Ơ ờ! Ngài chỉ nói đùa chứ ngài có mọc sừng đâu!”

Người lạ mặt để tay lên mồm làm một cái suỵt. Rồi thì thào: “Xin ngài hiểu cho rằng nói thế là nói bóng gió. Còn muốn nói cho dễ hiểu thì thế nghĩa là: vợ tôi đi ngủ với giai… Vâng, Người Pháp bảo những người chồng có vợ ngủ với giai là những người mọc sừng! Thưa ngài, vợ tôi hư hỏng lắm, dễ tôi đến phải tự tử mất… Nhưng trước khi tôi tự tử thì tôi phải làm được việc gì oanh liệt đã. Muốn thế, tôi phải nhờ ngài giúp cho một tay.

“Thưa ngài, thế ngài là ai?”. “Tôi là một ông phán dây thép, ngài cứ biết thế. Tôi lại có họ với ông Văn Minh. Tôi được bà Phó Đoan mách rằng ngài là một người thông minh, có học thức, bụng dạ lại hào hiệp, nên trước khi đến sở, tôi vội tạt vào đây, mong ngài giúp cho...”. “Việc gì thế ạ?”. “Bẩm một việc rất dễ ạ. Bẩm hễ ngài cứ trông thấy tôi ở đâu (mà tôi còn gặp ngài) thì ngài cũng chỉ cần trỏ vào mặt tôi mà nói rằng: "Thưa ngài, ngài là một người mọc sừng." Có thế thôi.

“Chết nỗi, tôi chả dám. Cần gì phải tự bị mọc sừng một cách rầm rĩ thế?”. “Tôi lạy ngài, ngài cứ thế cho. Tôi xin thuê ngài một chục bạc! Đây, tôi xin đưa trước năm đồng”.

Nói xong, người ấy tức khắc để vào tay Xuân một tờ giấy bạc “con công”. Xuân Tóc Đỏ còn ngẩn người ra thì ông phán dây thép đã cắm cổ tháo lui một cách bí mật cũng như… những người mọc sừng khác. Sau này, Xuân Tóc Đỏ có dịp gặp lại Ông Phán Mọc Sừng trong đám ma “cụ cố tổ” nên không có dịp làm theo yêu cầu, với số tiền 5 đồng ứng trước Xuân mua một bộ đồ thật kẻng để bước vào… ao tù trưởng giả!

Xuân Tóc Đỏ trong phim

Tất cả những nhân vật vừa kể đều là phụ vì họ xoay quanh Xuân Tóc Đỏ, nhân vật chính trong Số Đỏ, người đã tự nhìn nhận: "Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu" và đó cũng là một câu vẫn còn hiện diện trong ngôn ngữ đương đại. Vũ Trọng Phụng viết về lai lịch của Xuân Tóc Đỏ:

“Lúc mới 9 tuổi, nó đã phải đi ở nhờ nhà một người bác họ, họ thúc bá. Bác nó nuôi nó thay đầy tớ và được cả họ khen là nuôi cháu bồ côi. Nhưng một hôm nó bị đánh một trận và bị đuổi đi. Bác gái nó tắm, nó đã khoét một chỗ phên nứa để nhìn! Từ đấy, thằng Xuân lấy đầu hè xó cửa làm nhà, lấy sấu ở các phố, cá hồ Hoàn Kiếm làm cơm. Nó đã bán phá xa [đậu phọng], bán nhật trình, làm chạy hiệu rạp hát, bán cao đan hoàn tán trên xe lửa, và vài ba nghề tiểu xảo khác nữa.

Ánh nắng mặt trời làm cho tóc nó đỏ như tóc Tây. Cảnh ngộ đó tạo nó nên một đứa hoàn toàn vô giáo dục, tuy nó tinh quái lắm, thạo đời lắm. Nó mới xin được chân nhặt bóng trong sân quần độ trong vòng một năm nay thôi. Nhưng nó đánh quần chóng hay lắm nên được hội viên Pháp và Nam có lòng yêu, được trọng đãi một chút.

Mộng tưởng của nó là sẽ có ngày được oai như Chim, Giao nếu hạnh phúc dắt đến cho nó một ông bầu. Bây giờ thì nó cam tâm yên phận là một thằng nhặt bóng. Tuy nhiên nó cũng mừng đã tìm được nghề ấy, cái nghề tuy hèn nhưng còn có thể hy vọng được chút danh thơm. Bán lạc, trèo sấu, câu cá, làm lính chạy cờ hiệu, những nghiệp ấy chỉ dắt đến một chỗ tắc tị. Phong trào thể thao, phong trào bình dân khiến nó lắm lúc tự kiêu tự đắc lạ lùng”. 

Về cái đầu “tóc đỏ”, sau này có một thiếu niên nhìn mãi cái đầu tóc ấy rồi lễ khép hỏi Xuân: “Thưa ngài, tóc ngài nhuộm bằng thứ thuốc hoá học nào đấy thế ạ? Bẩm đẹp lắm, thật là hợp thời trang! Chúng tôi cũng muốn nhuộm tóc mà không biết thuốc... Giá lại hơi uốn quăn nữa thì tuyệt đẹp”. Xuân đáp một cách tỉnh bơ: “Nếu ngài lại tiệm Âu Hoá của tôi thì tôi sẽ mách dùm cho”!

Cái nết đánh chết không chừa. Mới 9 tuổi đã vạch phên nhìn đàn bà tắm và thêm một lần nữa Xuân Tóc Đỏ lại bị bắt quả tang đang nhìn trộm một cô đầm đi vào buồng thay váy để mặc quần đùi trước khi ra sân tennis. Hội quần vợt nhất định đuổi và không trả lương nữa. Nhưng cái số của Xuân là “số đỏ” nên sau vụ nhìn trộm đầm, cuộc đời Xuân lên như diều gặp gió, đúng như lời của lão thầy bói già:

“Khốc hư tý ngọ cư quan
Tiếng tăm rậy khắp giang sơn một thời”

Xuân bị bắt vào bóp cảnh sát cùng với lão thầy bói vì tội “hành hung” ông này vì cho là thầy bói nói phét. Bà Phó Đoan ra tay cứu vớt Xuân Tóc Đỏ vì, theo bà, “trẻ trung ai chả có khi dại dột? Tha thứ là phải, chấp làm gì thiếu niên? Rõ khổ, rõ tội nghiệp!”. Bà tính đến việc cho Xuân vào sân quần vợt riêng của bà nhưng sân còn đang làm nên trong khi chờ đợi bà Phó Đoan giới thiệu hắn cho cháu gái là “Văn Minh vợ” để giúp việc trong tiệm may Âu Hóa.

Với cái tài ăn nói, khiếu “bốc phét” và vẻ “điểm trai” Xuân Tóc Đỏ đã chiếm được cảm tình của các bà, các cô hăm hở đến tiệm may Âu Hóa để tìm cho mình những bộ quần áo “tân thời” nhất hầu chinh phục đấng phu quân hoặc người tình! 

Vũ Trọng Phụng

Vũ Trọng Phụng là một trong những khuôn mặt độc đáo của văn học Việt Nam thời Pháp thuộc. Văn phong của ông ngược hẳn với kiểu Tự Lực Văn đoàn, kiểu như trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh hoặc Gánh Hàng Hoa của Khái Hưng. Cách viết của ông cũng khác hẳn lối “hiện thực phê phán” của những người cùng thời như Ngô Tất Tố trong Tắt Đèn, Nguyễn Công Hoan trong Lá Ngọc Cành Vàng hoặc Nguyên Hồng trong Bỉ Vỏ...

Số Đỏ không phài hoàn toàn là tiểu thuyết hư cấu mà chính xác hơn phải được xếp vào loại tiểu thuyết phóng sự. Ở Chương 9, Số Đỏ có một đoạn viết về Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, đường Cổ Ngư và Khách sạn Bồng Lai bằng giọng văn phóng sự, hài hước nhưng cũng không kém phần chua chát:

“Về phía tây thành Hà Nội có một cái hồ mà người ta chịu khó ngăn đôi thành một con đường cho nó thành ra hai cái hồ. Con đường ấy là con đường Cổ Ngư, nổi tiếng khắp xứ, trong hai mươi triệu đồng bào không còn ai là không biết; vì những thiếu nữ hoặc khuê các hoặc không, cùng những sinh viên trường cao đẳng hoặc trường luật học, hoặc sinh viên không trường nào cả, thường đêm đêm đem nhau lên đó để làm nũng với nhau, để nạt sát những chế độ gia đình của nhau, độ vài tháng, để rồi sau cùng, thì rủ nhau nhảy xuống hai cái hồ ở đấy.

“Thoạt đầu người ta hay nhảy xuống Hồ Tây, nhưng vì Hồ Tây sâu lắm, những kẻ tự tử chẳng may phần nhiều không mấy ai thoát chết cả, thành thử người ta bảo nhau nhẩy xuống cái bên cạnh là hồ Trúc Bạch nông hơn. Vì lẽ nhà nước cũng khôn, đã cho trồng mấy cái bảng lớn “Cấm ngặt đổ rác xuống Hồ Tây” nên hồ Trúc Bạch lại càng đắt khách.

“Ðêm đêm, những bác phụ xe ế khách, những kẻ trai tráng biết bơi mà thất nghiệp, thường lên chờ ở đấy để hễ nghe thấy tiếng kêu thảm thương ai oán: “Ai cứu tôi với!...” là nhẩy ùm xuống, là vớt ngay được một tiểu thư đẹp nõn lên, rồi đến bóp Hàng Ðậu lĩnh tiền thưởng, và sau cùng, thấy ảnh mình đăng trên báo kèm với những cuộc phỏng vấn ỏm tỏi.

“Vì những lẽ ấy, hồ Trúc Bạch chẳng bao lâu mà trở nên một cách oanh liệt, là một sân khấu của tất cả những tấn đại thảm kịch của những cảnh địa ngục giữa Hà Thành, là những gia đình Việt Nam, những trở lực tai hại cho những cuộc tự do kết hôn, tự do ly hôn, tư do cải giá, tự do tục huyền...

“Hồ Trúc Bạch cứ là một thứ hàn thử biểu, thời khắc biểu về những bi kịch mới cũ xung đột, cá nhân, gia đình, hy sinh, giác ngộ, áp chế, giải phóng mãi mãi, mãi mãi, nếu không có một nhà thương yêu nòi giống xây ngay trên bờ hồ ấy một khách sạn mà Tây phương có lẽ cũng thèm muốn, là khách sạn Bồng Lai .

“Muốn cho làn không khí trên hồ trở lại trong sạch như xưa, ngày khánh thành khách sạn Bồng Lai, chính phủ bảo hộ đã ra lệnh cho tất cả các trường nữ học dạy nữ học sinh nhẩy múa để làm tiên giáng thế, để giải thoát cho một vài linh hồn chẳng may chết vì tự tử.

“Thành thử khách sạn Bồng Lai cũng được nổi tiếng y như đường Cổ Ngư và hồ Trúc Bạch. Những người Việt Nam hoàn toàn, những người Việt Nam biết tự trọng thì phải có bổn phận là khách hàng của khách sạn ấy ít ra là một lần, nếu không muốn bị những bậc trí thức tân tiến khinh bỉ là dân vong bản, vong quốc vân vân...

Đường Cổ Ngư giữa hồ Trúc Bạch và Hồ Tây

Khách sạn Bồng Lai cũng là nơi “đốc tờ Xuân” cùng cô con gái rượu của cụ cố Hồng, cô Tuyết, đến ở thuê phòng ở một ngày. Tuyết bảo Xuân: “Chúng ta sẽ thuê chung một gian phòng! Chúng ta sẽ ăn uống với nhau! Khiêu vũ với nhau, đánh ping pong với nhau, chèo thuyền với nhau. Tôi cần phải làm tất cả mọi ngưòi được trông thấy là đi với mình, mình ạ”.

Quả thật Xuân muốn tìm một câu rất văn hoa để đáp những lời tình tứ của Tuyết, nhưng anh chỉ nhớ được câu của ông TYPN thường nói lúc tiếp khách hàng nữ nên bèn đáp lời, “Chúng tôi rất hân hạnh”. Vẻ mặt tỉnh bơ của Xuân khiến Tuyết tưởng thế là một lối pha trò tài tình, cô ả cứ cười rầm rĩ như những phụ nữ tự nhiên tân tiến và ngặt nghẽo nói: “Giời ơi! Anh đốc có duyên quá đi mất!”.

Giữa lúc ấy, ông chủ khách sạn, với bộ quần áo đại tiệc xuất hiện khiến Xuân Tóc Ðỏ tái mặt, chỉ muốn chạy trốn. Tuyết giới thiệu: “Anh đốc Xuân, bạn giai của tôi... ông Victor Ban, chủ nhân Bồng Lai”.

Ông Victor Ban kinh hãi cúi đầu rất thấp, bắt tay Xuân Tóc Ðỏ xong thì đứng ngây mặt ra như người bằng gỗ. Thật vậy, chính sự nghiệp của ông, cũng là kỳ lạ, từ khi ông làm Vua Thuốc Lậu và chủ tiệm Bồng Lai... Vậy mà người ấy bây giờ lại là đốc tờ thì thật không thể tưởng tượng được! Dưới đây là “lý lịch” của “Ông Vua Thuốc Lậu” qua ngòi bút của Vũ Trọng Phụng:

“Sau khi làm nghề cưỡi ngựa thí mà không phất, ông Victor Ban nhận thấy sóng văn minh tràn sang xứ ta bằng những vi trùng giang mai và lậu, bèn đổi nghề. Ông ta tìm một ít ban miêu, một ít dầu bạch đàn, một ít đất thó nữa, chế tạo ra được một môn thuốc lậu rất hiệu nghiệm. Vì lẽ cũng như các ông Vua Thuốc Lậu biết tự trọng khác, nghĩa là không bao giờ chữa cho các bệnh nhân khỏi như lời cam đoan, ông mới hai năm, đã trở nên đại phú.

“Có tiền rồi, ông xây ngay một cái nhà săm vĩ đại ở ngoài châu thành Hà Nội chứa được chục gái giang hồ. Những thiếu niên tráng kiện lành mạnh đến đấy rồi thì lại được bọn gái giang hồ gửi trả lại hiệu thuốc của ông Victor Ban. Khỏi rồi thì họ lại đến với bọn gái giang hồ, thành thử họ làm những cái thoi đưa từ nhà săm đến phòng khám bệnh... Và như thế thì ông Victor Ban càng giầu chứ sao?

“Ông đặt đại lý ở khắp các tỉnh của ba kỳ. Xe hơi của hiệu thuốc ông chạy khắp các phố phường, máy phóng thanh của ông luôn luôn nhắc cho đồng bào biết rằng ai cũng di tinh, lãnh tinh, mộng tinh, mắc thiên truy, mắc bạch đái, tim la, lậu kén, lậu nhiệt, hoặc vỡ phổi, thủng da dày, rách tim, đau mắt, thối tai, vân vân...

“Mải nghe quảng cáo của ông, những người vô bệnh cũng tưởng mình sắp chết, và mua thuốc, và cảm ơn ông ở chỗ ông cứu nhân độ thế, thương yêu chủng tộc. Thành thử, ông được đủ 20 triệu đồng bào biết đến tên tuổi... Thế rồi, muốn ban cho cái dải đất đầy những vi trùng hoa liễu này một cảnh Bồng Lai, cho chúng sinh quên bớt những sự đau đớn, rức buốt những vết thương... ông mới mở ra khách sạn Bồng Lai.

“Mới cách đây vài năm, thằng Xuân kia, cái ông đốc Xuân kia chỉ là một thằng ma cà bông, mà ông đã thuê hai hào một ngày để ngồi trên mũi ô tô mà thổi loa, mà gào thét những chữ: di tinh, mộng tinh... vào máy phóng thanh, mày bây giờ đã là bạn giai của cô con gái út của cố Hồng, mà lại là ông đốc! Thật quá sức tưởng tượng.

Cũng tại khách sạn Bồng Lai, Xuân Tóc Ðỏ muốn xin cái “ân huệ cuối cùng” thì Tuyết đứng lên, thẳng thừng nói rằng không bao giờ cho Xuân cái ân huệ đó vì… “ít ra tôi cũng đã là một trang bán sử nữ”… chứ khi nào lại mất tân hẳn được! Chứ khi nào lại để cho ngày nhị hỉ thấy lợn cắt tai được!”.

Cảnh "nóng" trong DVD "Số Đỏ"

Số Đỏ dàn trải qua 20 chương với sự xuất hiện đều đặn của Xuân Tóc Đỏ. Dù chỉ mới hai tuần lạc vào giới thượng lưu, bắt đầu tham gia “cải cách xã hội” khi đến giúp việc tại tiệm may Âu Hóa, Xuân Tóc Đỏ đã khuấy động gia đình “tam đại đồng đường”, hắn được vợ chồng Văn Minh tâng bốc lên địa vị của một “sinh viên trường thuốc” có khi còn được gọi là “đốc tờ Xuân”.

Xuân Tóc Đỏ thâm nhập xã hội thượng lưu, quen với những người giàu và có thế lực, quyến rũ được cô Tuyết và phát hiện cô Hoàng Hôn ngoại tình. Xuân còn được Bà Phó Đoan nhờ dạy dỗ Cậu Phước đang tuổi “dậy thì”, được nhà sư Tăng Phú mời làm cố vấn cho báo Gõ Mõ.

Vì vô tình và cũng vì thất học, hắn gây ra cái chết cho cụ cố tổ nên được mọi người… mang ơn vì chờ mãi mà cụ không chết! Xuân Tóc Đỏ tiến thân từ một kẻ nhặt banh “ma-cà-bông” trên sân tennis thành một cây vợt dự giải quần vợt nhân dịp vua Xiêm Prajadophic đến Bắc Kỳ. Và cũng vì giữ tình giao hảo của hai nước, hắn được lệnh phải thua và Xuân lại trở thành “nhà ái quốc”, một vĩ nhân!.

Sau trận thua trên sân Rollandes Varreau tại Hà Nội, Xuân Tóc Đỏ và ông “bầu” Văn Minh được chính phủ Bảo Hộ tặng “Đệ ngũ đẳng Bắc Đẩu Bội tinh”. Triều đình Huế còn dành cho Xuân Tóc Đỏ được quyền xin cho thân nhân “Long Bội Tinh”, Xuân dành vinh dự này cho Cụ Cố “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Riêng bảng “Tiết hạnh Khả phong” của chính phủ Vọng Các (Bangkok), Xuân xin cho Bà Phó Đoan, “người tình dấu mặt trong bóng tối”.

Cũng trong đoạn kết, Cụ Cố Hồng chính thức tuyên bố: “Thưa các bà, các ông, ngày hôm nay vui vẻ, tôi xin có lời trân trọng nói để các quý vị biết rằng vợ chồng tôi đã nhận lời gả con gái út chúng tôi là Tuyết cho ông Xuân!”. Thật đúng là Xuân Tóc Đỏ có… Số Đỏ.

Bản dịch tiếng Anh “Dumb Luck”
của hai tác giả Nguyễn Nguyệt Cầm và Peter Zinoman

Bản thân tôi khi đọc lại tiểu thuyết Số Đỏ lại có cảm tưởng như vừa xem một vở hài kịch. Chính xác hơn phải gọi Số Đỏ là… Bi Hài Kịch với không gian vây quanh một gia đình “thượng lưu, trưởng giả” xum xoe tâng bốc một nhân vật “hạ lưu đầu đường xó chợ” do chính họ dựng lên. Thời gian của vở kịch là những năm cuối thập niên 30 với các phong trào nhố nhăng như Bình Dân và Âu Hóa dưới thời Pháp thuộc.

Người đọc không khỏi buồn cười khi Vũ Trọng Phụng kể lại buổi khánh thành sân quần vợt riêng của Bà Phó Đoan: “Khi đến xuống sân thì ai cũng phải cảm động... Ôi! Thật là một triệu chứng tốt cho thể thao nước nhà, cho tương lai phụ nữ: trên rạng lưới của cái sân quần còn mới nguyên như một cô gái còn tân, người ta thấy một... hai... ba... bốn... cái quần, quần đùi, quần ngủ, quần ra phố, quần ở nhà, cái nào cũng bằng lụa, hoặc trơn, hoặc thêu đăng ten, những cái có thể khiến những ông cụ già trông thấy cũng phải lai lăng lòng xuân, mình chính lại là của bà Phó Ðoan!

Ðiên người, lộn ruột lên, bà Phó Ðoan đã gọi ngay người vú già ra mắng cho một trận kịch liệt, thì vú già cổ hủ và bảo thủ ấy cứ lầu nhầu: “Ai biết đâu đấy! Gọi là sân quần thì ai chả tưởng để phơi quần!”

Đối với những người quan tâm đến lịch sử của thời kỳ này, Số Đỏ là một bức ký họa với nhiều chi tiết lý thú qua giọng văn trào phúng, châm biếm của Vũ Trọng Phụng. Ông được ví với Honoré de Balzac của Pháp nhưng cũng vì phong cách tả chân và yếu tố tình dục trong tác phẩm mà khi sinh thời ông đã bị chính quyền bảo hộ Pháp tại Hà Nội gọi ra tòa vì tội “tổn thương phong hóa” (outrage aux bonnes moeurs).

Sau đó, những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng bị cấm in lại, cấm đọc vì bị xếp vào loại “văn hóa đồi trụy” tại miền Bắc, thời kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mãi đến những năm 1980 những tác phẩm của ông mới được “giải phóng” và Bưu chính Việt Nam phát hành một con tem nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Vũ Trọng Phụng (20/10/1912 – 13/10/1939).

Và một lần nữa, chúng ta ca tụng “Ông Vua Phóng Sự Đất Bắc” nhưng lại chẳng khác nào khen… “phò mã tốt áo”.  

Tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Vũ Trọng Phụng
(20/10/1912 – 13/10/1939)

***
Chú thích:

(*) Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939) quê ở làng Hảo (nay là thị trấn Bần Yên Nhân), huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, nhưng sinh ra, lớn lên và mất tại Hà Nội. Cha ông là Vũ Văn Lân làm thợ điện ở Ga-ra Charles Boillot, mất sớm khi ông mới được 7 tháng tuổi, Vũ Trọng Phụng được mẹ là bà Phạm Thị Khách ở vậy tần tảo nuôi con ăn học. Sau khi học hết tiểu học tại trường Hàng Vôi, Vũ Trọng Phụng phải thôi học để đi làm kiếm sống vào khoảng năm 14 tuổi.

Ông là một trong những lứa thanh niên Việt Nam đầu tiên được giáo dục bằng tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ, đó là nguyên nhân khiến ông luôn thần tượng nền văn hóa Pháp và là lớp nhà văn Việt Nam tích cực truyền bá văn học bằng chữ Quốc Ngữ. Sau hai năm làm ở các sở tư, ông chuyển hẳn sang làm báo và viết văn chuyên nghiệp.

Là một nhà báo, Vũ Trọng Phụng đã viết nhiều phóng sự nổi tiếng với phóng sự đầu tay Cạm bẫy người (1933) đăng báo Nhật Tân dưới bút danh Thiên Hư, Vũ Trọng Phụng đã gây được sự chú ý của dư luận đương thời. Năm 1934, báo Nhật Tân cho đăng Kỹ nghệ lấy Tây. Với hai phóng sự đó, các nhà phê bình văn học đã cho ông là một trong hàng vài ba "nhà văn mở đầu cho nghề phóng sự của nước ta". Những phóng sự tiếp theo như Cơm thầy cơm cô, Lục sì đã góp phần tạo nên danh hiệu “Ông Vua Phóng Sự Đất Bắc" cho Vũ Trọng Phụng.

Những tiểu thuyết và phóng sự của ông cũng nhận được nhiều ý kiến phản bác. Từ năm 1936 đến khi Vũ Trọng Phụng qua đời năm 1939, đã nổ ra cuộc tranh luận xung quanh vấn đề "Dâm hay không Dâm" trong các tiểu thuyết, phóng sự của ông.

Cả đời Vũ Trọng Phụng sống trong nghèo khổ. Vì còn bà nội và mẹ già nên dù làm việc cật lực, ngòi bút của ông vẫn không đủ nuôi gia đình. Tuy viết về nhiều các tệ nạn, thói ăn chơi nhưng Vũ Trọng Phụng là một người đạo đức và sống rất kham khổ. Ông mắc bệnh lao phổi và những ngày cuối đời, trên giường bệnh ông từng phải thốt lên với Vũ Bằng: "Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này". Ông mất ngày 13/10/1939, khi mới 27 tuổi, để lại gia đình còn bà nội, mẹ đẻ, vợ và người con gái chưa đầy 1 tuổi tên là Vũ Mỹ Hằng. (Nguồn Wikipedia)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

3 nhận xét:

  1. Vưà mới xem lại 2 cái DVD Số Đỏ, thấy vui quá. Một hài kịch vĩ đại một thời cuả đất nước mình.

    Trả lờiXóa
  2. Anh Chính ơi, làm gì vội thế ? Chưa gì đã đến chương cuối cùng rồi?
    Mình còn chán thời gian ngông nghênh với đời mà.....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vào tuổi của chúng mình, "qũy thời gian" cạn dần nên nhiều lúc cũng phải... sống vội trước khi vở kịch... hạ màn!

      Xóa