Hằng tuần vào lúc 4g chiều ngày thứ Tư và thứ Sáu, người
Sài Gòn xưa vẫn thường nghe "quái kiệt" Trần Văn Trạch (1) hát bài “xổ
số kiến thiết” qua đài phát thanh trước khi nghe chương trình trực tiếp truyền
thanh hoặc đến tận rạp Thống Nhất trên đường cùng tên (ngày nay đổi là Lê Duẩn)
để tận mắt xem mở số. Chương trình còn có các ca sĩ giúp vui xen kẽ các lần xổ
lô trúng giải.
Sẽ không thể nào quên được giọng hát trầm ấm của Trần Văn
Trạch với những lời kêu gọi, thúc dục mọi người mua vé số để “kiến thiết quốc
gia”:
Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Xây đắp muôn người
Được nên cửa nhà
Tô điểm giang san
Qua bao lầm than
Ta thề kiến thiết
Trong giấc mộng vàng
Triệu phú đến nơi
Năm muời đồng thôi
Mua lấy xe nhà
Giàu sang mấy hồi
Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Ấy là thiên chức
Của người Việt Nam
Mua số mau lên
Xổ số gần đến
Mua số mau lên
Xổ số... gần... đến...
“Quái kiệt” Trần Văn Trạch
Tiền thân của Vé số Quốc gia
là Vé số Đông Dương hay còn gọi là Đông Pháp (Loterie Indochinoise) được phát
hành thời Pháp thuộc từ năm 1935, có in các thứ tiếng: Pháp, Việt, Hoa và
Cămpuchia. Giá tiền ghi trên vé số là 1 đồng Đông Dương với tổng số tiền trúng
giải là 300.000 đồng.
Vào năm 1935, các giải trúng gồm
8 lô, thấp nhất là 1.000 vé trúng 25 đồng và cao nhất là lô độc đắc lên đến
100.000 đồng. Năm 1937, tổng số tền giải thưởng là 900.000 đồng, trong đó có lô
độc đắc trúng 6.000 đồng. Đến năm 1939, tổng số tiền trúng giải hạ xuống còn 800.000
đồng với vé trúng độc đắc 4.000 đồng và thấp nhất là 4.000 vé trúng 10 đồng.
Người ta nhận thấy giải độc đắc
càng về sau càng xuống thấp nhưng các giải khác có số lượng trúng tăng cao. Giá
trị của giải thưởng cũng thay đổi, từ thấp nhất 25 đồng với 1.200 lô năm 1935 đến
10 đồng 6.000 lô năm 1937 và 4.000 lô năm 1939.
Mặt trước và sau của Vé số Đông Pháp
Vé số Quốc Gia là tiếp nối của Vé số Đông Dương, sau khi
Pháp trao trả độc lâp cho Việt Nam vào năm 1951. Vé số thời kỳ này chỉ mở hàng
tháng hay vài tháng một lần, chứ không xổ hàng tuần như sau này. Vé số do Bộ Kế
hoạch và Kiến thiết Quốc gia phụ trách phát hành với chữ ký của Tổng trưởng và
Đại lý Tổng giám đốc Ngân khố.
Tờ vé số đầu tiên của Quốc gia Việt Nam được xổ ngày
31/12/1951 với giá 10 đồng, được in bằng 3 thứ tiếng Việt, Pháp và Hoa ở mặt
sau với 80.834 số trúng, tổng cộng trị giá giải thưởng 12.500.000 đồng. Giải độc
đắc 1.000.000 đồng và thấp nhất là giải 100 đồng (có đến 75.000 vé trúng).
Điểm đặc biệt đáng lưu ý là tại mặt sau của tờ vé số có
ghi: “Quá hạn 6 tháng sau ngày xổ số, những
số trúng không tới lãnh sẽ xung vào quỹ Quốc gia Kiến ốc cục”. Đây là quỹ
xây dựng nhà ở trong chương trình phục vụ dân sinh của chính phủ.
Vé số đầu tiên của Quốc gia Việt Nam (mặt
trước)
Sang đến thời Đệ nhất và Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa, hình
thức thiết kế trên vé số có phần thay đổi, thường là họa tiết phong cảnh các miền
của đất nước, ngay cả Chùa Một Cột, Hồ Gươm và cầu Thê Húc khi đó đang thuộc miền
Bắc cũng được in trên vé số ở miền Nan.
Người ta thấy ở mặt sau vé số phát hành năm 1955, tiếng
Pháp đã được thay bằng tiếng Anh còn tiếng Hoa vẫn được giữ nguyên. Giá tiền vẫn
10 đồng, không khác gì thời Pháp thuộc.
Vé số thời VNCH (1955)
Vé số thời VNCH (1958)
Ngoài vé số kiến thiết, từ 1954 tới 1975 còn có rất nhiều
loại vé số từ thiện, còn được gọi là vé số Tombola, nhằm mục đích gây quỹ hay hỗ
trợ cho các cơ sở từ thiện trong cộng đồng. Vé số loại này có thể được phát
hành bởi tổ chức tôn giáo như Phât giáo, Công giáo, Cao Đài, Tuyên Uý… hoặc cơ
sở chính quyền nhỏ hay một vài đơn vị quân đội.
Giá mỗi vé là 5 hay 10 đồng, tương đương với một tô phở
bình dân hay một bữa cơm cho người nghèo tại các cửa hàng cơm xã hội thời bấy giờ.
Tất cả các vé số đều có các giải thưởng bằng hiện vật do các nhà hảo tâm hiến tặng,
không có giải thưởng bằng hiện kim.
Ngày mở số của những vé số này có thể bị hoãn do tình trạng
bán vé quá chậm, ít người mua. Tuy nhiên, nếu hoãn đều có thông báo trên các
phương tiện truyền thông. Đến ngày mở số sẽ có thông báo phổ biến kết quả xổ số một cách rộng
rãi trên báo chí và đài phát thanh.
Hình dưới đây là vé số Tombola gây quỹ xã hội của Nha Cảnh
sát và Công An Nam Phần với lời ghi bên góc trái: “Vé số chỉ được bán cho nhân viên Cảnh sát, Công an và gia đình. KHÔNG
ĐƯỢC PHÉP BÁN CHO TƯ NHÂN”.
Vé số Tombola
Thật tình, tôi là người cả đời chưa bao giờ mua vé số
nhưng cũng có đôi lần sở hữu những tấm vé số bạn bè thân tặng để “chúc mừng năm
mới” lấy hên. Tôi nghĩ đây là một cách ứng xử khôn khéo và tế nhị khi ngoài những
câu chúc tụng người chúc còn kèm theo một tờ vé số thay vì tiền lì xì.
Cầm tờ vé số trong tay là bạn có quyền bắt đầu một giấc
mơ “triệu phú”… cho đến khi vé số được xổ. Cũng vì thế có một triết gia nào đó
đã ví hôn nhân như một cuộc xổ số, người ta chỉ biết mình có hạnh phúc hay
không sau khi đã chấp nhận “một nửa của mình” qua tờ hôn thú cũng tựa như nắm
trong tay tấm vé số chưa xổ.
Nói như vậy thì cũng hơi quá. Không thể đánh đồng một cuộc
hôn nhân với tấm vé số vì cả hai đều thuộc về phạm trù khác hẳn nhau. Hôn nhân
có thể bi quan hay lạc quan suốt cả cuộc đời còn vé số chỉ là chuyện may rủi
trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Hơn nữa, người ta có thể mua vé số nhiều
lần nhưng chuyện hôn nhân thì chỉ có một lần, trừ khi… nửa đường gãy gánh.
Ngày xưa cả miền Nam mỗi tuần chỉ có vài vé trúng độc đắc
còn ngày nay thì 64 tỉnh thành đều in vé số, như vậy là có đến hàng chục “tân
triệu phú” mỗi tuần. Một con số không biết đáng mừng hay đáng lo vì hình như
mua vé số trở thành một cái “gien di truyền” trong xã hội ngày nay. Chưa kể biến
tướng của vé số là anh bạn “số đề” mỗi tuần lấy đi một dòng tiền đáng kể của những
người nghèo ước mơ thành triệu phú.
Số đề là một hình thức cờ bạc, không hơn, không kém.
Không cần phải đi casino, chỉ việc ngồi nhà cũng có thể đánh bạc, ít thì vài chục
nhiều thì vài trăm, tuần nào cũng vậy, năm này qua năm khác… Đó là một thực trạng
đáng buồn khi những người càng nghèo lại càng lao vào cuộc đỏ đen, gia đình tan
nát cũng chỉ vì mấy con số. Đó cũng là một thực tế đáng báo động vì nạn số đề vẫn
ngày càng gia tăng chứ không giảm (2).
Mua số và dò số
Trở lại với chuyện vé số. Sau năm 1975, vé số hầu như
“tuyệt chủng” ở miền Nam, vì chính quyền mới coi vé số là một hình thức cờ bạc,
tàn dư của chế độ Tư bản đang dẫy chết. Người ta không biết vì lý do gì mà đến năm
1979 vé số lại bắt đầu nở rộ ở miền Nam cho tới ngày nay!
Vé số ngày nay rất đa dạng, nhiều hình thức và nhiều nguồn
gốc: từ vé số thường, vé số cặp (cùng một số nhưng thuộc nhiều series), vé số đặc
biệt, vé số cào… Đối với những người mua vé số “không chuyên” chẳng biết đâu mà
lần. Có khi mua vé số tỉnh này lại dò kết quả xổ số của tỉnh khác nên khi thấy
trúng cứ tưởng mộng triệu phú của mình đã thành sự thật. Hóa ra chỉ… trúng gió!
Trên nguyên tắc, phát hành vé số là một hình thức kinh
doanh thu về lợi nhuận rất lớn. Tiền lãi sẽ được dùng trong việc kiến thiết quốc
gia và vì thế mới có tên “vé số kiến thiết”. Dưới thời VNCH, đó là một trong những
nguồn quỹ hỗ trợ việc xây dựng các chung cư, chẳng hạn như cư xá Thanh Đa, cư
xá Đô Thành… là những chung cư đầu tiên tại miền Nam.
Ngày nay, theo báo cáo của Bộ Tài chính, chỉ riêng doanh
thu về vé số của cả nước đạt khoảng 45.000 tỷ đồng vào năm 2012. Trong đó, nộp
ngân sách nhà nước 16.620 tỉ, tương đương 30,7% doanh thu. Đặc biệt từ năm 2000 đến 2012, tốc độ tăng trưởng doanh thu và nộp ngân sách từ hoạt động xổ số đạt
bình quân trên 15% mỗi năm.
Nguồn thu từ xổ số đã đóng góp không nhỏ vào ngân sách của
một số địa phương, chiếm từ 27 đến 30% tổng thu ngân sách. Có những tỉnh như
Vĩnh Long lên đến 46%, thậm chí Hậu Giang chiếm đến 48%.
Theo luật định, các địa phương phải có báo cáo về thu và chi
từ nguồn xổ số nhưng đến nay người ta không hề thấy các địa phương công bố các
báo cáo thuộc loại như vậy. Không thể biết rõ liệu nguồn thu từ xổ số có được
dùng để đầu tư vào các công trình phúc lợi theo đúng luật hay không?
Thực tế cho thấy, việc sử dụng nguồn thu không đúng mục
đích đã xảy ra, đó là trường hợp Công ty Xổ số Kiến thiết Đồng Nai đang nắm khoảng
6,61% cổ phần của Ngân hàng Đại Á. Chắc chắn đó là tiền thu được từ vé số lẽ ra
phải đầu tư vào các công trình phúc lợi.
Theo báo Thanh Niên, năm 2002, vụ gian lận quay số tại
Long An đã gây chấn động cả nước. Có đến 36 người đã bị truy tố, 3 đối tượng bị
truy nã là kết quả dành cho những người vi phạm bao gồm thành viên Hội đồng
giám sát, cán bộ Công ty Xổ số Kiến thiết Long An, cũng như những thành viên
quay thưởng. Các đối tượng trong đường dây này đã móc nối, thông đồng và mua
chuộc người quay số, dán số giả, thực hiện thành công 15 lần đánh tráo kết quả,
3 lần trúng đặc biệt để chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng.
Ngành xổ số kiến thiết tại Việt Nam ngày nay đã tạo việc
làm cho hơn 300.000 người. Đội quân bán vé số gồm đủ thành phần, lớn bé, già trẻ
và cả những người tàn tật ngồi trên xe lăn cũng xuống đường bán vé số. Với số
tiền bán được hàng ngày, họ phải chiết khấu lại cho đại lý với tỉ lệ lên đến 85%.
Về phía đại lý bán vé, tổng thu nhập họ được hưởng khoảng
12-13%, tức gần 6.500 tỉ đồng. Sau khi trừ 15% chiết khấu lại cho người bán vé
số dạo, thu nhập còn lại của các đại lý sẽ vào khoảng 5.500 tỉ đồng, một con số
không nhỏ.
Mua vé số
Trên khía cạnh xã hội, cũng có một số vấn đề đáng suy ngẫm.
Một điều dễ nhận thấy, ngoài một bộ phận nhỏ người mua vé số là người giàu, có
một tỉ lệ không nhỏ là người nghèo, những người tham gia với ước mơ đổi đời để
trở thành triệu phú. Thực tế họ lại nghèo
thêm vì số người mua thì đông mà người trúng lại rất ít. Người thắng cuộc vẫn
là nhà cái, tức các công ty xổ số và thứ đến là các đại lý vé số.
Người trúng vé số cũng chưa chắc đã hên vì còn rất nhiều chuyện
trục trặc khi đi lãnh. Một ông cụ hơn 60 tuổi tại Đà Nẵng trúng được 10 triệu đồng
nhưng không thể nhận tiền thưởng vì đơn vị phát hành là Công ty Xổ số Kiến thiết
Thừa Thiên - Huế không trao tiền vì… vé số bị sứt một góc nhỏ!
Liền đó, họ nói ông Long (người trúng 10 triệu đồng) làm
đơn gửi Hội đồng, nếu được tuần sau sẽ giải quyết. Đến ngày hẹn, ông Long tìm đến
văn phòng này, nhưng vẫn không được trả thưởng. Ông than thở: “Khi tôi trở lại, có người của Công ty nói rằng
ông muốn nhận thì về tìm lại miếng rách của tờ số mang tới đây ghép lại xem có
khớp không. Thật khổ, miếng rách nhỏ như móng tay, tìm đâu cho được bây giờ”.
Vé số trúng 10 triệu bị từ chối chỉ vì sứt một
góc phía bên phải
Gần đây nhất, ngày 3/2/2013, ông Dương Văn Tùng ở An
Giang trúng giải thưởng 100 triệu đồng do Công ty Xổ số Kiến thiết Kiên Giang
phát hành. Tuy nhiên, tấm vé số vô tình bị người nhà làm rách đôi trong lúc vui
mừng và dĩ nhiên bị từ chối trả thưởng.
Cho rằng vé số rách đôi là lỗi khách quan, ông Tùng đi gõ
cửa khắp nơi nên Hội đồng Xổ số kiến thiết tỉnh Kiên Giang có văn bản gửi Bộ
Tài chính về trường hợp này. Cuối cùng, việc chi trả tiền thưởng cho ông Tùng
được thực hiện theo tinh thần công văn hướng dẫn của Bộ tài chính cùng với số ý
kiến của hội đồng xổ số.
Sáng 29/4/2013, sau khi ghi đầy đủ thông tin cá nhân và ký
tên vào phía sau hai mảnh rách của tờ vé số trúng thưởng, ông Dương Văn Tùng đã
được nhận tiền. Trúng số như ông Tùng phải mất hơn hai tháng khiếu kiện với sự
hỗ trợ của báo chí mới biến giấc mơ triệu phú thành sự thật. Nhưng dù sao ông vẫn
là người may mắn.
Tờ vé số rách đôi của ông Dương Văn Tùng
Ngành phát hành vé số của Việt Nam hãy còn nhiều việc phải
làm để ngày một hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó cần có những chương trình để nâng
cao tác động của ngành xổ số đối với xã hội, cũng như minh bạch các khoản thu
chi để khuyến khích người dân tham gia xổ số vì lợi ích cộng đồng. Về vấn đề này,
các chương trình xổ số ở nước ngoài rất đáng để học hỏi.
Tại Mỹ, tiểu bang Georgia đã phát động “Chương trình Hy vọng” của Công ty Xổ số
Georgia và các chương trình tiền mẫu giáo, nhờ đó đã cấp được hơn 4,6 tỉ USD
giá trị học bổng cho hơn 1,1 triệu đối tượng. Tiểu bang Massachusetts tung ra
chiến dịch “Tất cả chúng ta đều thắng”,
trong đó giải thích rõ số tiền thu từ xổ số được sử dụng như thế nào.
***
Chú thích:
(1) Trần Văn Trạch
(1924- 1994): ca nhạc sĩ có tên thật là Trần Quang Trạch với mái tóc dài
cùng giọng ca trầm ấm, cộng thêm nghệ thuật biểu diễn mới lạ, vui nhộn, độc
đáo... ông được khán giả, báo chí trước 1975, phong tặng danh hiệu “quái kiệt”.
Trần Văn Trạch sinh tại làng Đông Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay
thuộc tỉnh Tiền Giang), trong gia đình có truyền thống nhạc cổ và sân khấu tuồng.
Ông Trạch có người cô thứ ba tên là Trần Ngọc Viện (Ba Viện, 1884-1944). Bà biết
hát nhiều điệu hát, biết sử dụng nhiều nhạc cụ dân tộc, nhưng điêu luyện nhất
là đàn thập lục (đàn tranh) và đàn tỳ bà. Bà chính là người đã thành lập gánh
hát Đồng Nữ Ban vào khoảng năm 1927, với một điểm đặc biệt là tất cả các diễn
viên đều là nữ, một hiện tượng duy nhứt trong lịch sử hát cải lương miền Nam.
Và bà cũng là người nuôi dạy ba người con của ông Triều, khi vợ ông Triều là bà
Nguyễn Thị Dành (1899-1930) mất sớm. Sau này, cả ba người cháu này đều thành
danh, đó là Giáo sư Trần Văn Khê, quái kiệt Trần Văn Trạch và ca sĩ Trần Ngọc
Sương.
Năm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng, quân đội Pháp trở lại
Việt Nam, những phòng trà được phép mở cửa trở lại. Bằng tài năng của mình, buổi
đầu Trần Văn Trạch xin vào làm hoạt náo (MC) và hát tại dancing Théophile ở
vùng Dakao. Sau khi có được một số vốn, ông xin mở một phòng trà nhỏ ở đường
Lagrandière (nay là đường Lý Tự Trọng).
Trong thời gian này anh sống với người vợ Pháp và có một đứa
con. Vì thế ông bị những người theo Việt Minh kết tội là Việt gian. May mắn được
anh trai Trần Văn Khê kịp nhờ người bảo lãnh, nên ông Trạch mới được tha nhưng
phải gia nhập vào Ban nhạc quân đội của Việt Minh, rồi cùng với anh, đi lưu diễn
khắp miền Tây.
Khoảng năm 1946-1947, Trần Văn Trạch không theo ban nhạc
nữa, về Sài Gòn, cùng em gái là Trần Ngọc Sương mở quán nước tại khu Bàn Cờ. Nhằm
câu khách, đôi khi ông Trạch hát những bài nhạc Pháp cho lính Pháp nghe, nên
ông được bạn bè đặt cho anh một cái tên rất "Tây" là Tracco.
Trần Văn Trạch quen với nhạc sĩ Lê Thương (1914-1996),
phát hiện được khả năng hài tiềm ẩn trong con người ông Trạch, nên lần đầu tiên
Lê Thương viết thử nghiệm một bài ca hài cho ông trình diễn. Ðó là bài Hòa bình 48 (1948) hát nhái tiếng đại
bác, tiếng máy bay ném bom...
Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch và Lê Thương
Được người nghe hoan nghênh, Lê Thương viết tiếp bài Liên
Hiệp Quốc hát bằng tiếng Pháp, Anh, Nga, Tàu, bài Làng báo Sài Gòn phê bình các
nhà báo nói láo ăn tiền, chạy theo thực dân Pháp... và cũng do ông Trạch hát.
Chính vì vậy, Lê Thương, Trần Văn Trạch... đã bị cảnh sát mời vào bót Catinat ở
mấy ngày.
Đến năm 1949, nhận thấy tân nhạc bắt đầu thịnh hành, Trần
Văn Trạch nảy ra ý nghĩ mở Đại nhạc hội, là một chương trình văn nghệ bao gồm
ca, vũ, nhạc, kịch, xiếc, ảo thuật... Với cách làm này, Trần Văn Trạch chinh phục
được nhiều khán giả trên khắp mọi miền. Và kể từ đó cái tên đại nhạc hội bỗng
trở nên phổ biến.
Năm 1951, bắt đầu từ rạp Nam Việt, ông Trạch đưa ca nhạc
vào các rạp chiếu bóng để diễn trước giờ chiếu phim chính. Cách làm này cũng được
nhiều người xem hoan nghênh và cụm từ "chương trình văn nghệ phụ diễn"
cũng ra đời từ đó. Cũng năm này, vì nhu cầu trình diễn, ông Trạch đã tự sáng
tác ra những bản nhạc hài hước để tự mình trình diễn lấy.
Bản nhạc Anh phu
xích lô là sáng tác đầu tiên của ông:
“Có ai mà muốn đi tới Chợ Lớn
Có ai mà muốn đi tới Chợ Mới
Có ai mà muốn đi chóng cho mau tới
Ê tôi xin mời lại đây.
Chiếc xe này có bảo kiết thật chắc
Bánh xe thì tốt thùng có bọc sắt
Nếu khi mà có đụng phải xe jeep
Quý ngài chẳng hề hấn gì...”
Thành công kể từ đó cho tới ngày ký hiệp định Genève
(1954) ông viết tiếp Cái tê lê phôn, Cái
đồng hồ tay, Cây bút máy, Anh chàng thất nghiệp, Sở vòi rồng, Đừng có lo, Tôi đóng
xi nê, Chiếc ô tô cũ, Chiến xa Việt Nam.. Và bài nhạc nào của ông cũng làm
người nghe bật cười, thích thú...
Tuy vậy, không phải ông Trần Văn Trạch chỉ sáng tác nhạc
hài hước, đôi khi trong nhạc cũng pha lẫn chút triết lý, như bài Khi người ta yêu nhau:
“Khi người ta yêu nhau
Yêu trong lúc bẩy mươi tuổi đầu
Thì không phải vì tiền đâu
Nhưng mà chẳng còn bao lâu...”
Hoặc pha lẫn chút bi như bản Chuyến xe lửa mùng 5 (1952), kể lại chuyện đi thăm mẹ của một chàng
trai. Lúc đầu, là những đoạn nhạc hài hước, với những tiếng động của nhà ga, của
xe lửa... Nhưng đoạn cuối là một khúc bi ca, khi chàng trai ấy về đến nhà mới
biết mẹ mình đã qua đời...
Cũng trong năm này, ông đã sáng tác và hát bài Xổ số kiến thiết quốc gia, Nhờ bài hát
này, tên tuổi ông càng được nhiều người biết đến. Ngoài nghiệp ca và sáng tác,
Trần Văn Trạch còn đảm nhận ban nhạc Sầm Giang trên đài phát thanh Pháp Á từ
năm 1950 tới năm 1954.
Ban Sầm Giang quy tụ một số nhạc sĩ có tên tuổi như cố nhạc
sĩ Võ Đức Thu, Khánh Băng, Nghiêm Phú Phi, các ca sĩ có tiếng thời 1950, như:
Ngọc Sương, Ngọc Hà, Tôn Thất Niệm, Linh Sơn, Mạnh Phát, Minh Diệu, Túy Hoa,
Tâm Vấn... Đến năm 1953, có thêm những bộ mặt mới như nữ kịch sĩ Bích Thuận,
Duy Trác, Tùng Lâm, ban Thăng Long và bé Bạch Yến.
Trần Văn Trạch cũng đã cộng tác với nền điện ảnh Việt Nam
ở trong giai đoạn phôi thai. Năm 1955, cộng tác với hãng phim Mỹ Phương bên
Pháp, sản xuất được hai cuốn phim là Lòng
nhân đạo (1955) và phim Giọt máu rơi
(1956). Cả hai phim này ông đều đóng chung với nghệ sĩ Kim Cương.
Sau khi rời hãng phim trên, Trần Văn Trạch cộng tác với
người Hoa ở Chợ Lớn để lập hãng phim Việt Thanh, và tự làm đạo diễn cho hai cuốn
phim về truyện cổ tích Việt Nam, đó là phim Thoại
Khanh Châu Tuấn (1956, với Kim Cương và Vân Hùng) và Trương Chi Mỵ Nương (1956, đóng chung Trang Thiên Kim - La Thoại
Tân).
Năm 1960, Trần Văn Trạch sang Paris (Pháp) và thường
xuyên hát tại nhà hàng La Table du Mandarin, Paris, quận 1. Lưu diễn khoảng sáu
tháng, năm 1961, ông trở về Sài Gòn với một tiết mục mới là trò múa rối học được
ở Pháp, hát thành công bản Chiều mưa biên
giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông theo kiểu sound track (phần nhạc do ban nhạc
của Pháp thu sẵn trên băng nhựa).
Kể từ 30/4/1975 và mấy năm sau đó, Trần Văn Trạch tạm sống
một cuộc đời bình thường, thỉnh thoảng cũng đi lưu diễn cùng với một số nghệ sĩ
khác. Tháng 12/1977, Trần Văn Trạch rời Sài Gòn sang định cư ở Paris (Pháp). Từ
đó trở đi cho tới ngày từ trần, Trần Văn Trạch, từng nổi tiếng là quái kiệt, gần
như tạm dừng công việc nghệ thuật, xoay ra làm nghề khác để kiếm sống.
Ở hải ngoại, ông không chỉ sáng tác được một vài bài. Về
sinh hoạt văn nghệ, ông cũng chỉ có bốn cuốn băng là Hài hước Trần Văn Trạch
(Thúy Nga, Paris, 1982) Con đường hạnh phúc (Thanh Lan, 1983), và Allô Paris
(Giáng Ngọc, Paris 1986). Về phía phim video, ông cũng có làm một cuốn kỷ niệm
Hài hước Trần Văn Trạch (quận Cam, California, Hoa kỳ, 1983) và trong cuốn Thi
ca nhạc kịch Việt Nam (Hà Phong thực hiện, Paris, 1984)
Ngoài ra ông cũng có đi diễn cho cộng đồng người Việt ở
Hoa Kỳ năm 1983 và 1986, ở Úc châu năm 1984... Trong những năm cuối cùng của cuộc
đời, Trần Văn Trạch thường đi sang Hoa kỳ làm nghề quảng cáo trên đài Truyền
hình Việt Nam ở Quận Cam.
Tháng 2 năm 1994, do bị ung thư gan, ông trở về Paris và
nằm chữa bệnh tại bệnh viên Thenon ở Paris. Trần Văn Trạch mất ngày 12/4/1994,
hưởng thọ 70 tuổi. Ông được an táng tại nghĩa trang Cimetière Intercommunal ở
Valenton, ngoại ô Paris.
(Nguồn: Wikipedia)
(2) Xem thêm “Sài
Gòn tứ đổ tường (3) - Cờ bạc”
***
(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh
thổ)
Đúng như anh nhận định, giàu thì thuộc về ai đó, còn dân nghèo mơ giấc mơ đổi đời thì nghèo vẫn hoàn nghèo, có khi trúng số lại còn gây ra tại họa nữa!
Trả lờiXóaTuy nhiên chuyện đó vẫn là chuyện nhỏ, chuyện lớn là vé số vẫn có chữ KIẾN THIẾT, nhưng đi đường vẫn bị thu phí qua đường, có đoạn còn thu phí trùng, cầu đường thi công không đúng quy định cho các loại đường, có những con đường chưa đi thì đã xuống cấp đầy ổ gà, hỏng đường nhựa! Nói chung là chán, chứ đừng nói tới phúc lợi công cộng khác để mà làm gì..
Có 2 lỗi chính tả trong bài viết của Ht:
Trả lờiXóa-Hơn nữa, người ta có thể mua vé số nhiều lần nhưng chuyện hôn nhân thì chỉ có một lần, trừ khi… nửa đường gãy ghánh (gánh)
-Đó là một thực trạng đáng buồn khi những người càng nghèo lại càng lao vào cuộc đỏ đen, gia đình tan nát cũng chỉ gì mấy con số. (chỉ vì mấy con số)
Thân
Corrections noted & done, thanks.
XóaChú ơi, có chi tiết đầu tiên trong bài chú, có một chú nói con là :"Hồi đó mỗi tuần chỉ xổ số một lần vào lúc 3:00 trưa ngày thứ Ba. "
Trả lờiXóaCon research ra link này
https://www.facebook.com/notes/h%E1%BB%93-h%E1%BA%A3i/t%C3%A1n-g%E1%BA%ABu-cu%E1%BB%91i-tu%E1%BA%A7n-v%E1%BB%81-x%E1%BB%95-s%E1%BB%91-ki%E1%BA%BFn-thi%E1%BA%BFt/886396124707592
Nên chắc có sự nhầm lẫn gì đó, mong chú xem lại dùm con