Pages

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Du ký xứ… Miệt Dưới (14): Về “Một Thời Để Nhớ”


(Tiếp theo)

Australia còn được gọi là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.

Ngày 1/4/2013

Một trong những ca sĩ được mong đợi nhất trong đêm Một thời để nhớ là Thanh Thúy. Cô là người nữ ca sĩ miền sông Hương, núi Ngự có giọng hát một thời được giáo sư triết Nguyễn Văn Trung mệnh danh là “Tiếng hát Liêu trai” trong bài viết Ảo ảnh Thanh Thúy . Đối với nhà văn Mai Thảo, người được mệnh danh là “Ông vua phòng trà” thời đó, Thanh Thúy là “Tiếng hát lúc 0 giờ” và nhạc sĩ Tuấn Huy lại gọi là “Tiếng sầu ru khuya”.

Thanh Thúy bên khán giả Melbourne

Thanh Thúy bắt đầu đi hát từ năm 1959 khi mới tròn 16 tuổi. Giọng hát Thanh Thúy trầm ấm, hơi khàn và cô có lối phát âm nhả chữ rất đặc biệt. Tiếng hát Thanh Thúy có lúc nghẹn ngào, đôi khi lại như nức nở. Ngoại hình Thanh Thúy mảnh mai đến độ gầy guộc với mái tóc dài buông xõa trên đôi vai gầy. Thanh Thúy lúc nào cũng xuất hiện trên sân khấu với tà áo dài truyền thống giản dị màu trắng hoặc màu lam nhạt.

Ngày nay tại Việt Nam có những ca sĩ cũng mang tên Thanh Thúy nhưng đối với những người lớn tuổi thì chỉ có một Thanh Thúy của những thập niên 60-70 và một Thanh Thúy sau năm 1975 tại hải ngoại.

Người ta còn nhớ thời Thanh Thúy của phòng trà Đức Quỳnh, Anh Vũ rồi vũ trường Queen Bee, International với những bài hát trữ tình như Nửa Đêm Ngoài Phố, Kiếp Nghèo, Người Em Sầu Mộng, Ngăn Cách, Tàu Đêm Năm Cũ, Giọt Mưa Thu, Tiếng Còi Trong Sương Đêm… Cũng không thể nào quên được tiếng hát Thanh Thúy qua làn sóng điện, đài truyền hình hoặc trên các sân khấu đại nhạc hội…

Thanh Thúy là “người yêu trong mộng” của rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, đó là chưa kể đến số đông những người “vô danh tiểu tốt”. Trịnh Công Sơn viết bản nhạc đầu tay Ướt mi để dành tặng Thanh Thúy, nhạc sĩ Tôn Thất Lập có Tiếng hát về khuya cũng vì Thanh Thúy còn thi sĩ Hoàng Trúc Ly ca tụng Thanh Thúy qua những vần thơ:

“Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay vời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan thành hư vô.”

Với Thanh Thúy

Năm 1961 khán giả Sài Gòn được xem phim Thúy đã đi rồi của tài tử điện ảnh kiêm đạo diễn Nguyễn Long, ca sĩ Minh Hiếu thủ vai Thanh Thúy. Trong phim khán giả còn được nghe bản nhạc cùng tên của Y Vân qua tiếng hát Hùng Cường. Y Vũ, em ruột của nhạc sỹ Y Vân, kể lại:

“…Anh Y Vân đã viết ca khúc này thay cho tâm sự của một người bạn rất thân, đó là tài tử điện ảnh Nguyễn Long, còn gọi là Long Đất. Vào đầu thập niên 60, Nguyễn Long yêu say đắm ca sĩ Thanh Thúy... Nguyễn Long âm thầm sống trong đau khổ, cay đắng một mình. Rồi một hôm, nhạc sĩ Y Vân bắt gặp anh chàng thất tình này trong quán cà phê với bộ dạng “ngó phát chán”, Y Vân hỏi han và Long Đất đã thổ lộ mối tình sâu kín.”

Thương cảm mối tình đơn phương của người bạn thân, Y Vân đã viết Thúy đã đi rồi. Bài hát được khá nhiều ca sĩ trình bày, trong đó có cả ca sĩ Thanh Thúy. Hát thì cứ hát nhưng con tim chẳng chút lay động vì đã yêu Trung tá Ôn Văn Tài thuộc binh chủng Không quân vào giữa thập niên 1960, họ có một cậu con trai.

Trong lần hội ngộ ở Melbourne, khán giả đã tặng Thanh Thúy bó hoa tươi nhất, đẹp nhất để thể hiện lòng ngưỡng mộ một người ca sĩ tuy đã bước vào tuổi 70 nhưng vẫn còn giữ một chỗ đứng trong lòng người yêu nhạc. Rất nhiều giấy của khán giả yêu cầu Thanh Thúy hát những bài hát mà họ ưa thích nhưng vì chương trình có hạn nên MC Nam Lộc phải lên tiếng cáo lỗi và hẹn vào một dịp khác.

Thanh Thúy trên sân khấu “Một thời để nhớ”

Một sự tình cờ, người bước ra sân khấu tiếp theo Thanh Thúy lại là một ca sĩ tên cũng bắt đầu bằng chữ Thanh. Phải nói cô là người đã thành công trên cả 3 lãnh vực: âm nhạc, điện ảnh và kịch nghệ. Về âm nhạc, cô nổi tiếng với những bản nhạc tiếng Pháp, về điện ảnh cô đã xuất hiện trong rất nhiều bộ phim và về kịch nghệ cô là diễn viên trong ban kịch Vũ Đức Duy.

Người nghệ sĩ đa tài đó là Thanh Lan. Phạm Thái Thanh Lan có khiếu văn nghệ từ khi còn là nữ sinh Marie Curie và hát trên đài phát thanh Sài Gòn trong ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức. Thanh Lan còn tham gia ban văn nghệ sinh viên học sinh Nguồn Sống và xuất hiện trên truyền hình khi Sài Gòn bắt đầu có TV vào năm 1967.

Thanh Lan thời son trẻ

Thanh Lan bắt đầu trở thành một ca sĩ nổi tiếng khi cô học năm thứ nhất Đại học Văn khoa. Sở trường của cô là những ca khúc lời Pháp như La Plus Belle Pour Aller Danser (Phạm Duy chuyển sang lời Việt Em đẹp nhất đêm nay, bản nhạc này nổi tiếng một thời tại Pháp qua giọng ca Sylvie Vartan), Bang Bang (nguyên thủy Sheila hát, bài này cũng được Phạm Duy chuyển ngữ sang tiếng Việt với tựa đề Khi xưa ta bé), Come back to Sorrento (Trở về mái nhà xưa) và Mon amie la Rose do chính Thanh Lan soạn lời Việt với tựa đề Nụ Hồng Mong Manh.   

Thanh Lan còn hát chung với Nhật Trường qua những tình khúc của Trần Thiện Thanh, họ là một trong những cặp song ca ăn khách nhất thời đó. Hai người còn đóng chung với nhau hai bộ phim truyền hình Trên đỉnh mùa đôngMộng Thường do Nhật Trường viết kịch bản và đạo diễn, phát sóng trên đài truyền hình Sài Gòn.

Sự nghiệp điện ảnh của Thanh Lan bắt đầu vào năm 1970, khi cô đóng vai chính trong bộ phim Tiếng hát học trò của đạo diễn Thái Thúc Nha do hãng phim Alpha sản xuất. Với vai diễn này, Thanh Lan đã đoạt giải nữ diễn viên nhiều triển vọng nhất của Giải thưởng Văn học Nghệ thuật. Cuối năm 1974, tại phòng khánh tiết khách sạn Continental, Thanh Lan đã nhận giải diễn viên đẹp nhất miền Nam Việt Nam do đạo diễn Lê Dân trao tặng.

Thanh Lan thời hoàng kim

Khi Sài Gòn “đứt phim”, thỉnh thoảng Thanh Lan cũng xuất hiện với các bài như Cô đi nuôi dạy trẻ, Đi qua vùng cỏ non, Phượng hồng, Em đi chùa Hương, Triệu đóa hoa hồng, Trưng Vương khung cửa mùa thu… Đến cuối năm 1993 thì cơ hội tới qua lần đến Mỹ tham dự buổi ra mắt cuốn phim Tình người do đạo diễn gốc Việt quay cảnh tại Việt Nam và cô thủ vai chính, Thanh Lan đã xin tỵ nạn.

Thoạt đầu, phát ngôn của Thanh Lan bị cộng đồng người Việt tại hải ngoại phản đối nhưng rồi với thời gian ... dư luận nguôi ngoai, Thanh Lan chiếm dần lại cảm tình của khán thính giả để tiếp tục sự nghiệp.

Ở hải ngoại, Thanh Lan diễn kịch nhiều hơn đóng phim. Cô đóng vai chính trong các vở kịch như Lá sầu riêng, Lôi vũ, Lồng đèn đỏ, Đoạn tuyệt, Sân khấu về khuya, Phù dung tự… Những vở kịch này đã được lần lượt trình diễn tại các sân khấu Quận Cam, San Jose, Houston, Atlantic...

Thanh Lan tại hải ngoại

“Cô Bắc Kỳ nho nhỏ có nốt ruồi duyên trên môi” nay đã 65 tuổi nhưng vẫn còn trẻ trung trên sân khấu Melbourne trong đêm Một thời để nhớ. Cô hát với chất giọng như ngày nào cộng thêm với kinh nghiệm của một diễn viên từng trải khiến sân khấu sống động.

Vẫn những bài xưa: La Plus Belle Pour Aller Danser, Bang Bang rồi Bảy ngày đợi mong…  nhưng phần trình diễn của Thanh Lan rất sống động. Để hát bài Bảy ngày đợi mong của Trần Thiện Thanh cô mời một khán giả tình nguyện lên làm… người yêu.

“Anh hẹn em cuối tuần. Chờ anh nơi cuối phố. Biết anh thích màu trời. Em đã bồi hồi chọn màu áo…”  thay vì màu áo xanh như lời bài hát, Thanh Lan đã chỉ tay vào áo dài của mình rồi sửa lời… chọn màu áo… bông!!! Khán giả được dịp cười ồ vì tài ứng biến của một diễn viên kịch.

Thanh Lan cùng vai diễn “bất đắc dĩ” của một khán giả

Ca sĩ cuối cùng trong đêm Một thời để nhớ và cũng là người lớn tuổi nhất xuất hiện trong chương trình. Sân khấu bỗng tối đèn và khán giả chỉ nghe tiếng hát cất lên…

“Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống, đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông, đôi cánh chim bâng khuâng rã rời, cùng mây xám về ngang lưng trời… .”

Sau đoạn đầu bài hát Đêm đông của Nguyễn Văn Thương, khán giả nhận ra ngay bản nhạc đã một thời đưa tên tuổi của Bạch Yến đến với những người yêu nhạc.

Bạch Yến trên sân khấu Việt Nam

Bạch Yến sinh năm 1942, mới 10 tuổi đã giành huy chương vàng cuộc thi tuyển lựa những giọng ca nhi đồng do Đài phát thanh Pháp Á tổ chức, năm 15 tuổi, chị bắt đầu được khán giả chú ý với ca khúc Đêm đông. Năm 21 tuổi, Bạch Yến được mời qua Mỹ biểu diễn và trở thành người Việt Nam đầu tiên và duy nhất xuất hiện trên chương trình truyền hình Mỹ vào đầu năm 1965.

Chị là người đại diện cho Việt Nam tham gia Environment Show và biểu diễn cùng nhiều danh ca, ban nhạc nổi tiếng như Beatles, Bob Hoge, Bing Crosby, Pat Boone, Rolling Stones… Ngoài tiếng Việt, Bạch Yến có thể hát tốt các bản nhạc tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Do Thái.

Bạch Yến & “quái kiệt” Trần Văn Trạch, em trai GS Trần Văn Khê

Năm 1978, chị kết hôn với nhạc sĩ Trần Quang Hải, con trai của Giáo sư Trần Văn Khê. Cùng với chồng, trong 30 năm qua, chị đi hơn 70 nước trên thế giới để giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam. Trần Quang Hải lúc đó đã ly dị vợ, sống cùng con gái 5 tuổi, còn Bạch Yến ở cái tuổi 36, đang đứng trên đỉnh vinh quang của nghề hát, có nhiều người đàn ông ngưỡng mộ nhưng…vẫn cô đơn.

Bạch Yến & Trần Quang Hải

Bạch Yến kể về mối tình của mình trên VnExpress: “Gặp nhạc sĩ Trần Quang Hải tại Paris, chưa đầy 24 giờ anh đã ngỏ lời cầu hôn tôi và sau đó gửi 400 thiệp cưới đến mọi người khiến tôi vừa xúc động, ngỡ ngàng, vừa buồn cười. Lúc đó, tôi còn một hợp đồng biểu diễn ở Mỹ, phải 3 tháng sau mới hết hạn, nhưng anh bảo tôi không đi nữa. Và thế là tôi theo chồng”.

Bạch Yến với “Đêm Đông”

Trong giờ nghỉ giải lao, Bạch Yến được khán giả hâm mộ của Melbourne vây quanh. Họ là những người tuổi đời được thể hiện qua mái tóc, qua vóc dáng về chiều nhưng vẫn còn in rõ nét đam mê ca nhạc của một thời để nhớ và cũng là một thời vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Thời của tuổi trẻ ngày nào.

Bức ảnh kỷ niệm bên Bạch Yến tại Melbourne

Duyên may đã đến với tôi qua lời mời đi dự Một thời để nhớ của Nguyễn Lương Năng, người bạn cùng dạy tại trường Sinh ngữ Quân đội ngày xưa. Duyên may cũng đến với tôi để có dịp sống lại suốt 5 tiếng rưỡi ngồi nghe những tiếng hát mà mình một thời hâm mộ tại một sân khấu không phải là Việt Nam.

Bên Nguyễn Lương Năng trong đêm “Một thời để nhớ”

Và còn một duyên may cuối cùng: tấm hình trên đã được gửi đến các bạn cựu đồng sự tại trường Sinh ngữ Quân đội. Một trong số những người đó, anh Nguyễn Phan Thanh, đã có nhã ý ghép hình 2 đứa chúng tôi vào tờ chương trình live show Một thời để nhớ. Thành ra chương trình có tới 16 nghệ sĩ, trong đó có 2 nghệ sĩ “dzỏm”. Đó là chuyện khó quên trong đêm Một thời để nhớ!!!

Bảo đảm không có một tờ chương trình thứ hai!

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

4 nhận xét:

  1. Hì hì, cất kỷ tấm áp phích đó nghen anh Chính

    Trả lờiXóa
  2. Thời gian để lại những dấu ấn trên khuôn mặt sẽ không rõ nét bằng những dấu ấn ở trên cái ngấn cổ của họ.. Ôi! màu thời gian!

    Trả lờiXóa
  3. Tấm ảnh ghi chú là Thanh Lan thời hoàng kim, hình như là ảnh của nữ ca sĩ TRANG Thanh Lan, không phải của ca sĩ Thanh Lan. Cả hai cô ca sĩ đều đẹp cả nhưng là hai người khác nhau.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thanks vanchus về góp ý tấm hình "Thanh Lan thời hoàng kim". Tôi đã thay hình mới...

      Xóa