Tôi đã đến Singapore nhiều lần vào các năm 1995, 1996 và lần này, năm 2013, trong chuyến du hành về phía Nam Bán Cầu. Một khoảng thời gian cách biệt giữa thập
niên 1990s và 2000s cho thấy sự phát triển không ngừng của một quốc gia nhỏ bé,
nhưng lại là “bé hạt tiêu”, trong khu vực Đông Nam
Á. Nhân chuyến thăm Singapore lần này tôi có bài du ký tổng hợp về các chuyến đến
đảo quốc này trong thời gian vừa qua.
Đầu tháng 3/2013 tôi đến Singapore trên chuyến bay TR
2323 của Tiger Airways, một hãng hàng không “giá rẻ”. Thuật ngữ “giá rẻ” được
chuyển thể từ tiếng Anh “discount” từ đầu thập niên 1990 và nơi xuất phát khái niệm “no-frills” là Hoa Kỳ. Nói đến “giá rẻ” người ta
nghĩ ngay đến hình thức kinh doanh với chi phí thấp và trong ngành hàng không
điều này có nghĩa là dịch vụ cung cấp trên chuyến bay bị hạn chế tối đa, giá vé thấp hơn các đối thủ cạnh tranh trong tình hình kinh
doanh ngày một khó khăn.
Tiger Airways là một trong số những hãng hàng không giá rẻ
của Singapore. Điểm khác biệt đầu tiên là trên những chuyến bay này họ dùng loại
Airbus A320 để bay vào sáng sớm hay đêm khuya với thời gian quay vòng chuyến
bay thật ngắn. Vé máy bay chỉ có một hạng được bán trực tiếp qua mạng Internet
để tránh tối đa những chi phí điều hành và tiền hoa hồng phải trả cho các đại
lý.
Tiếp viên Tiger Airways còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc
khác nhau như làm việc tại quầy thủ tục check-in và vào thời gian cuối chuyến bay họ đẩy xe “xin rác” từ hành khách để giảm số nhân công
vệ sinh. Những dịch vụ phục vụ ăn uống bị bỏ
hẳn, hành khách có nhu cầu về khoản này phải trả thêm tiền khi sử dụng. Hành lý xách tay chỉ dưới 10 kg, hành lý ký gửi được tính tiền theo trọng lượng. Tuy có nhiều quy định bất lợi như vậy nhưng hành khách một
khi đã chọn hàng không gía rẻ chấp nhận hết để đổi lấy một chỗ ngồi trên phi
cơ.
Chuyến
từ Singapore đến Melbourne tôi bay Jetstar, cũng là một hãng hàng không giá rẻ của Úc. Thực ra, chuyến bay này xử dụng phi cơ của
Jetstar nhưng trên bảng thông tin lại đề là Qantas, điều này cho thấy các hãng hàng
không luôn kết hợp với nhau, tạo thành một liên minh để mỗi khi phi cơ cất cánh
có số lượng khách tối đa. Khác hẳn với ngày xưa, nhiều chuyến bay có đến phân nửa
ghế trống.
Đường bay Singapore-Melbourne kéo dài khoảng hơn 7 giờ nên được coi là đường bay dài nhưng chuyện ăn uống vẫn
không được tính vào tiền vé mà lại tính vào việc thanh toán của khách ngay trên máy bay, cũng
không bằng tiền mặt mà bằng thẻ tín dụng. Trên Jetstar, nước
ngọt có giá 3 đô Úc, bia Heineken 7 đô, bánh sandwich 7 đô. Một bữa ăn nhẹ có
giá 8 đô và bữa ăn chính 15 đô. Jetstar còn có dịch vụ cho thuê iPad với giá 12
đô, một lần nữa, mọi hình thức thanh toán đều sử dụng thẻ chứ không dùng tiền mặt.
Jetstar tại phi trường Changi
Khác với những chuyến đến Singapore trước, tôi đi từ phi
trường Changi về khách sạn tại khu Chinatown bằng MTR (Mass Rapid Transit – hệ
thống giao thông công cộng cao tốc hay còn gọi là hệ thống tàu điện ngầm). Lý
do chính là để tìm hiểu về hệ thống đường sắt vận hành bằng xe lửa điện tại
đây.
Phi Luật Tân là nước đầu tiên tại Đông Nam Á có hệ thống
chuyên chở công cộng bằng đường sắt hạng nhẹ LRT (Light Rail Transport) tại Manila.
Singapore là nước thứ nhì đưa vào vận hành hệ thống MRT kể từ năm 1987. Mỗi năm
có gần 2 triệu hành khách di chuyển bằng MRT qua 79 nhà ga bên cạnh hình thức
giao thông công cộng khác
như xe bus và xe taxi.
Hệ thống giao thông công
cộng MTR tại Singapore
MRT Singapore có một số ga và một số đoạn chạy ngầm dưới mặt
đất hoặc trên cao. Hệ thống giao thông đường bộ nói chung và giao giao thông cộng
nói riêng tại
Singapore được xếp vào hạng phát triển nhất thế giới.
Hằng ngày, hệ thống MRT hoạt động từ 5g30 sáng đến 1 giờ
sáng hôm sau, trung bình cứ 3 đến 8 phút sẽ có 1 đoàn tàu cập ga. Hoạt động này
còn kéo dài thêm trong các ngày nghỉ lễ. Tại cửa ra vào mỗi toa tầu luôn có bản
đồ hướng dẫn hướng tàu chạy theo 4 tuyến: tuyến Bắc Nam màu đỏ, tuyến Đông Tây màu
Xanh, tuyến Đông Bắc màu Tím và tuyến Vòng tròn màu Cam. Từ phi trường Changi
khách sẽ đi theo tuyến Đông Tây và chuyển tuyến để đến những điểm đến khác nhau
khắp Singapore.
Bốn tuyến MTR chạy khắp
Singapore
Singapore
phát triển không ngừng. Lần này đến Singapore tôi có dịp chiêm ngưỡng một công
trình kiến trúc độc đáo của khách sạn Marina Bay Sands, một quần thể nghỉ mát hỗn
hợp trị giá 5,7 tỷ USD, cao 57 tầng lầu và có đến 2560 phòng. Khách sạn còn có một
bể bơi khổng lồ dài 151m nằm ngay trên đỉnh trên đỉnh, một kênh đào nằm trong
nhà, một bảo tàng có mô hình giống hoa sen, các cửa hiệu, nhà hát, rạp chiếu
phim, và một casino.
Marina
Bay Sands, do tập đoàn Las Vegas Sands Corporation (Mỹ) đầu tư, hiện là địa điểm
thu hút tất cả mọi khách du lịch bốn phương đổ về Singapore. Những kẻ lắm tiền
thì ở ngay trong khách sạn có giá từ 300 đến cả ngàn đô la một đêm, những du
khách thuộc loại ít tiền như tôi thì chỉ chiêm ngưỡng “miễn phí” cũng cảm thấy
thỏa mãn tính hiếu kỳ.
Nhìn từ xa, Marina Bay Sands là một chiếc tàu
được nâng đỡ
bằng 3 tòa nhà
Vào
ban ngày, nhìn từ phía Boat Quay, Marina Bay Sands sừng sững bên dòng sông
Singapore… đến gần hơn nữa, từ khách sạn Fullerton, nơi có tượng đài sư tử biển Merlion, ta có thể
nhận rõ mô hình chiếc tàu biển dài nổi bật trên bầu trời Singapore.
Về đêm, Marina Bay Sands là
vùng ánh sáng muôn màu từ các loại đèn chiếu được lập trình từ trước. Bố cục
ánh sáng được sắp xếp và thay đổi với hàng trăm ngọn đèn màu được bố trí từ
trên cao, ánh sáng chạy dài từ trái sang phải, từ trên cao xuống mặt đất in
hình xuống mặt nước tạo thành một bức tranh chuyển động không ngừng.
Marina Bay Sands dưới ánh đèn
Singapore
của ngày nay là như vậy. Ngành công nghệ thông tin cộng với óc sáng tạo nghệ
thuật ánh sáng đã phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của con người. Đó cũng là thế mạnh
của ngành du lịch Singapore trong bối cảnh một đất nước được xây dựng trên một
kỷ luật “nhà binh” nhưng vẫn tôn trọng quyền tự do của mọi công dân cũng như của
du khách đến từ khắp nơi.
Hút
thuốc tại những nơi công cộng bị cấm hoàn toàn. Tại phi trường Changi, những
người hút thuốc có Smoking Area để vào đó phì phà điếu thuốc. Muốn vào đây phải
đi qua hai lần cửa để ngăn khói không ô nhiễm bầu không khí trong lành của
terminal phi trường.
Tôi
đã chụp được một bảng thuộc loại “cấm tiểu tiện” tại khu Little India với lời
răn đe “phạt 500 đô [Sing]”. Bảng này được để tại một nơi rất “cám dỗ” đối với
những người mắc bệnh “tiểu đường”. Chợt nhớ tới Việt Nam!
Little
India là một khu của người Ấn tại Singapore mà mãi đến
lần này tôi mới có dịp đến thăm. Ngay từ phút đầu tiên khi đặt chân đến đây, khứu
giác của tôi đã nhận ra ngay mùi gia vị đặc biệt của người Ấn, từa tựa như món
cà ri (!), đi ngang qua mấy sạp bán vòng hoa thì có mùi hoa lài và những loại
hoa khác không biết tên là gì... Đến những cửa hàng bán CD, VCD lại có nhạc
Bollywood kiểu như Ali Baba. Lúc đến Little India hãy còn sớm nên cũng vắng vẻ,
người Singapore thức dậy trễ, khoảng 9 hay 10 giờ mới bắt đầu các hoạt động
trong ngày.
Tuy gọi là Little India nhưng các con phố nhỏ hẹp lại
mang những tên như Dickson, Clive, Dunlop... của tiếng Anh. Thì ra người Anh lập
khu phố này từ những năm 1820 khi đó họ còn sinh sống tại đây với hoạt động
chăn nuôi gia súc. Mãi đến đầu thập niên 1900 người Ấn mới đến định cư tại đây
và hình thành một cộng đồng trong khi người Âu từ từ nhường lại đất đai cho dân
định cư. Có những tên đường gợi nhớ việc chăn nuôi gia súc ngày xưa như Buffalo
Road nằm song song với đường Kerbau (tiếng Mã Lai cũng có nghĩa là con trâu)!
Little India ngày nay là một khu phố thương mại mang sắc
thái Ấn Độ giữa đất nước Singapore, đặc biệt hoạt động buôn bán nhắm vào người
địa phương nhiều hơn là du khách. Tekka Centre được coi như trung tâm chính của
Little India, hoạt động suốt ngày đêm, nơi đây có thể mua xà-rông (saree) màu sắc
sặc sỡ của người Ấn. Con đường chính Serangoon có rất nhiều cửa hàng bán đồ lưu
niệm, tiệm kim hoàn và một số nhà hàng với những món đặc sản Ấn Độ.
Little India
Cộng đồng người Hoa chiếm đến gần 70% dân số Singapore
nên sẽ không phải là điều ngạc nhiên khi khu Chinatown chiếm một diện tích khá lớn
tại đảo quốc này. Nói thật, tình cảm của tôi dành cho Chinatown
tại những quốc gia tôi đã đi qua có phần thay đổi kể từ khi Trung Quốc nuôi mộng
làm bá chủ biển Đông. Âu đó cũng là lẽ thường tình.
Vẫn
biết người Hoa sinh sống ngoài lục địa rất khác với người với người Tàu ở
“chính quốc” nhưng dù sao đi nữa ấn tượng của tôi về Chinatown có phần thay đổi
theo chiều hướng xấu so với những năm trước đó. Thật đúng như các cụ ta thường
nói, “Thương ai thương cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”.
Những con phố nhỏ của Chinatown luôn tấp nập du khách bốn
phương. Khu Kreta Ayer được coi là trung tâm của Chinatown với phố ẩm thực và chợ
đêm… Một trong những điểm đến của khách du lịch là chùa Buddha Tooth Relic, tạm
dịch là Phật Nha hay còn gọi nôm na là Răng Phật. Ngôi chùa cao 5 tầng còn lưu
giữ xá lợi (relic) răng, mắt của đức Phật nên mới có tên gọi Buddha Tooth.
Ngôi chùa này được khởi công năm 2005 với chi phí khoảng
60 triệu đô-la Singapore theo mô hình của một ngôi chùa tại Miến Điện đã bị sụp
đổ năm 1980. Tầng hầm của chùa là nơi phục vụ các món ăn chay, giá cả tùy hỷ
theo sự cúng dường của khách thập phương.
Buddha Tooth Temple
Trước khi rời Singapore chúng tôi ghé thăm Vườn Hoa lan
Quốc gia (National Orchid Garden) với giá vé 5 đô-la. Trời mưa lất phất nhưng
cũng không làm việc “cưỡi ngựa xem hoa” mất đi sự lý thú khi được đến nơi được
mệnh danh là “nơi trưng bày hoa lan nhiệt đới lớn nhất thế giới” (The largest
display of tropical orchids in the world).
Theo hướng dẫn viên, vườn được thành lập từ năm 1928 và đến
nay đã có một bộ sưu tập khoảng trên 1.000 loại lan và 2.000 cây lai giống được
chia thành 9 khu trưng bày. Rất ít người có đủ thì giờ để ngắm hết tất cả loại
lan, chúng tôi vào VIP Orchid Garden,
nơi có các loại lan được đặt tên theo các vị nguyên thủ quốc gia đã đến thăm vườn
như Nelson Mandela, Margaret Thatcher, Công chúa Massako... Tại Celebrity
Orchid Garden có hoa mang những tên các nhân vật nổi tiếng đã đến đây như
Jackie Chan (Thành Long), Andrea Bocelli...
Trong Orchidarium
là bộ sưu tập các loại lan rừng được trồng trên các thân cây nhưng ấn tượng nhất
là Cool House được xây dựng trong nhà
kính giữa bối cảnh một khu rừng nhiệt đới với những thác nước. Khu vực này được
phun sương để giữ độ ẩm thường xuyên, tạo cho khách thưởng ngoạn cảm giác như lạc
vào một khu rừng nguyên sinh.
Lối vào Cool House
Singapore
có một đội ngũ chuyên viên chăm sóc vườn cây cảnh vào loại hang đầu thế giới, không chỉ ở National Orchid Garden mà
còn ở rất nhiều công trình thiết kế cây cảnh có quy mô nhỏ tại các tòa nhà văn
phòng hay nhà hàng. Tại Gastronomia ở Clark Quay tôi đã hoàn toàn không tin ở mắt
mình: nguyên một bức tường được trang trí bằng đủ loại cây. Nội việc thiết kế một
hệ thống tưới nước tự động cũng là cả một vấn đề chứ chưa nói gì đến việc trồng
và chăm sóc hàng chục loại cây và hoa trên đó.
Xin
ngả mũ ngưỡng mộ những chuyên viên chăm sóc cây cảnh, tay nghề của họ đã làm bộ
mặt của đảo quốc Singapore thêm phần quyến rũ khách du lịch bốn phương.
Một bức tường được trang trí bằng cây cảnh
***
(Trích
Hồi Ức Một Đời Người, Chương 9: Thời hội nhập)
Hồi
Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
Chương
1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương
2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương
3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương
4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương
5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương
6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương
7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương
8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương
9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác
giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho
đến ngày xuống lỗ)!
Đã theo chân anh NNC du lịch lần nữa trên đảo quốc này, một cái đảo nhỏ thôi, vậy mà VN ta và vài nước lân cận đều muốn con cái của mình đến đó du học và.. ở lại làm việc nơi ấy!! cũng đáng suy nghĩ lắm chứ!
Trả lờiXóaHôm M gặp anh bạn gốc Hoa người Malaysia, kể thêm một loạt chính sách chiêu dụ hiền tài về Sing. Nghe cũng đáng nể anh Chính ạ.
Chúc anh có nhiều sức khỏe để đi nhiều nơi và có nhiều bài viết hay.
Trả lờiXóa