Pages

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Du ký xứ… Miệt Dưới (1): Singapore - Melbourne

Ngày 04/03/2013: Việt Nam – Singapore [*]

Rời phi trường Tân Sơn Nhất lúc 9g20 sáng Thứ Sáu, 4/3/2013, trên chuyến bay TR 2323 của hãng hàng không giá rẻ Tiger Airways để đến Singapore trong chặng đầu tiên của cuộc hành trình xuống phương Nam. Chuyến bay kéo dài 2 tiếng nhưng khi đáp xuống phi trường Changi, đồng hồ tại đây lại chỉ 12g20, giờ Singapore đi trước Việt Nam 1 tiếng.

Cũng cần phải nói thêm về Tiger Airways và những hãng hàng không giá rẻ, một chiều hướng kinh doanh mới trong ngành hàng không. Tiger Airways được xếp hạng thứ 6 trong số 10 hãng hàng không giá rẻ “tốt nhất” tại Á châu. Hãng hàng không này của Singapore đang đặt mục tiêu trở thành một hãng hàng không Liên Á qua việc mua lại cổ phần của các đơn vị kinh doanh vận tải hàng không khác.


Tiger Airways tại phi trường Tân Sơn Nhất

Jetstar Asia hạng thứ 3, cũng có trụ sở đặt tại Singpore, bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 11/2004. Đây là chi nhánh của hãng hàng không Jetstar Airways của Qantas, sử dụng các mẫu máy bay Airbus A320. Sự khác biệt của hãng so với các đơn vị cùng ngành là quyết định bay tới bất kỳ địa điểm nào có thể nằm trong bán kính 5 giờ bay tính từ Singapore.


Jetstar Asia

Đứng đầu danh sách “top ten” là AirAsia và AirAsia X của Malaysia được thành lập từ năm 1993 và đi vào hoạt động ngày 18/11/1996. 2012 là năm thứ 4 liên tiếp kể từ 2009, AirAsia được xếp thứ nhất trong danh sách 10 hãng bay giá rẻ tốt nhất với doanh thu năm 2010 đạt gần 1,3 tỷ USD. Giá vé từ Hà Nội hoặc Sài Gòn đi thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia rẻ một cách bất ngờ, có lúc chỉ còn 65 USD, tính ra khoảng 1,3 triệu đồng.


AirAsia

Hai hãng hàng không giá rẻ của Ấn Độ là Indigo Airlines và Spicejet chiếm hạng 4 và 5. Indigo bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2006, có tham vọng đặt mục tiêu sở hữu 100 máy bay Airbus trong đội hình của mình đến năm 2016. Bằng chiến lược kinh doanh hiệu quả và mức chi phí bay thấp, Indigo thu hút được khá nhiều khách tại thị trường trong nước, và trở thành một trong những công ty hàng không hàng đầu tại Ấn Độ.


Indigo Airlines

Spicejet được thành lập từ tháng 5/2005. Năm 2008, Spicejet trở thành công ty hàng không lớn thứ 2 tại Ấn Độ, tính theo thị phần. Chính sách giá vé của Spicejet khá năng động, liên tục tung ra các hình thức khuyến mại và giảm giá bay cho khách hàng. Mỗi chuyến bay đều có 10% số ghế được chào bán với giá rẻ nhất, và luôn là những vị trí được bán hết đầu tiên.


Spicejet

Nok Air của Thái Lan được xếp hạng thứ 7, bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 7/2000 qua hợp đồng liên kết giữa 10 công ty khác nhau tại Thái. Ban đầu, Nok Air có các đường bay quốc tế, nhưng hiện nay đã ngừng toàn bộ và tập trung vào khai thác các chuyến bay nội địa. Điều đặc biệt, máy bay của Nok Air được trang trí với màu sắc sặc sỡ qua hình ảnh chú chim nhiều màu.


Nok Air

Xếp hạng 8 là Air Busan của Đại Hàn, hoạt động từ năm 2007. Thực ra Air Busan là một nhánh của Asiana Airlines với các chyến bay trong nước. Nhờ lợi thế về giá rẻ hơn so với một số hãng cạnh tranh khác như Korean Air, Air Busan đã nhanh chóng "qua mặt" và chiếm thị phần lớn hơn.


Air Busan

Hai thứ hạng cuối cùng trong danh sách 10 hãng hàng không giá rẻ tốt nhất đều thuộc về Nhật Bản: Skymark Airlines (hạng 9) và Skynet Asia Airway (hạng 10). Skymark Airlines là hãng hàng không nội địa đi vào hoạt động từ tháng 9/1998, được coi là sự hồi phục của ngành hàng không dân dụng Nhật Bản. Tháng 12/2003, Skymark Airlines công bố lãi 470 triệu yen cho nửa tài khóa kết thúc vào 31/10, trở thành khoản tiền lời đầu tiên của hãng kể từ khi hoạt động.


Skymark Airlines

Cuối cùng là Skynet Asia Airways với đường bay Tokyo-Kyushu và ngược lại. Chính sách vé của hãng khá cởi mở đối với các du khách, có khi giảm giá tới 65% cho người nước ngoài đến Nhật Bản du lịch. Đây là hãng hàng không đầu tiên của Nhật Bản áp dụng hình thức khuyến mại này cho khách quốc tế. Từ tháng 7/2011, Skynet Asia Airways đổi tên thành Solaseed Air.


Skynet Asia Airways

Trở lại chuyến du hành xuống phương Nam với chặng đầu tiên là Singapore. Tôi đã từng đến đảo quốc sư tử biển nhiều lần nhưng mỗi lần ghé Singapore đều có những khám phá mới lạ. Phi trường Changi vẫn gây nhiều ấn tượng nhất đối với hành khách vừa từ trên máy bay xuống: sạch sẽ, hiện đại…

Có lẽ khám phá thú vị nhất đối với tôi lần này là đoạn di chuyển từ Changi về khách sạn bằng xe lửa điện MRT (Mass Rapid Transit – hệ thống giao thông công cộng cao tốc hay còn gọi là hệ thống tàu điện ngầm). Không phải vì lý do đi MRT rẻ hơn taxi mà vì cái thú được trải nghiệm hình thức giao thông công cộng.


Một trạm MRT tại Changi

Kinh nghiệm bản thân cho thấy, đối với người nước ngoài muốn sử dụng MRT tại Singapore cần tham khảo trước trên Internet để không bỡ ngỡ. Nếu thấy mình chọn lộn tuyến thì nên xuống ngay tại trạm kế tiếp để đổi tàu, như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian.

Cũng như tại nhiều nước, người Sing rất lịch sự, họ sẵn sàng nhường chỗ ngồi cho người lớn tuổi, phụ nữ có thai, có con nhỏ… Trên mỗi toa xe đều có những tấm bảng nhỏ kêu gọi hành khách giữ MRT sạch bằng cách không ăn, uống trên tàu.


Ngày 5-6/3/2013: Singapore city tour

Chúng tôi ở khách sạn Porcelain trên đường Mosque thuộc khu Chinatown do vợ chồng con gái (Hà & Phước) giữ chỗ trước. Chuyến hành trình xuống phương Nam đã được planning một cách chặt chẽ và chi tiết. Trước khi đến Singapore, Hà-Phước đi một vòng Thái Lan, Indonesia, Malaysia và hẹn gặp nhau tại Singapore trước khi lên đường đi Úc. Chúng tôi chỉ ở lại Singapore 1 ngày rưỡi và tối 5/3 sẽ đáp chuyến bay JQ8 của Jetstar để đến Melbourne, Úc.


Hội ngộ tại phi trường Changi

Buổi chiều 5/4 chúng tôi ra Boat Quay rồi Clark Quay chơi mát. Thiên hạ ở đâu cũng vậy, người ta thường ra bến tàu hóng gió, Singapore vào thời điểm này rất oi bức nên tới đây là thượng sách. Hà & Phước là vegeterians nên chúng tôi chọn một tiệm ăn chay cho bữa ăn tối, lại mang theo một chai vang đỏ để uống mừng hội ngộ.

Đối với tôi, ăn chay hay ăn mặn không phải là vấn đề quan trọng nhưng có điều đáng mừng là con gái và con rể đều chung một lý tưởng tốt đẹp giữa cuộc sống xô bồ như ngày nay. Hơn nữa, cả hai đều làm việc trong ngành y tế, đặc biệt là chăm sóc những người khuyết tật, nên vừa là công việc nhưng cũng phù hợp với cái tâm thích làm việc từ thiện.


Hà & Phước tại phi trường Changi về Melbourne

Sau bữa ăn, chúng tôi tiếp tục thả bộ xuôi bến tàu, chui qua một đường hầm đầy tranh vẽ (graffiti) để đến bức tượng sư tử biển Merlion, biểu tượng của Singapore. Merlion phun nước suốt ngày đêm, tượng trưng cho sự sống động của một đảo quốc tuy nhỏ về diện tích nhưng lại được mệnh danh là một trong những quốc gia khá lớn về tầm ảnh hưởng với thế giới.

Merlion về đêm vừa huyền ảo vừa đồ sộ dưới ánh đèn với hai mầu chủ đạo xanh và trắng. Có một bức tượng sư tử biển thứ hai, kích thước nhỏ hơn tượng chính rất nhiều cho nên người ta chỉ chú ý đến sư tử mẹ. Tôi ngồi bên sư tử con để chia sẻ sự thiệt thòi về ưu ái…


Sư tử biển Merlion

Nhìn ra xa là mô hình một chiếc tầu dài được nâng đỡ bởi 3 tòa nhà khách sạn Marina Bay Sands lung lịnh qua ánh sáng của hàng trăm ngọn đèn mầu. Đèn từ trên cao rọi xuống, đèn từ dưới đất rọi lên và có cả những đèn chạy dài theo chiều ngang với màu sắc thay đổi liên tục. Nhờ hiệu ứng ánh sáng nên khách sạn lộng lẫy về ban đêm, sống động hơn ban ngày bội phần.


Khách sạn Fullerton (trước) & Marina Bay Sands (sau)

Sáng hôm sau, vì thì giờ có hạn, chúng tôi book một tua vòng quanh thành phố bằng xe bus để thăm các khu định cư của người Ấn Độ, Little India, và phố Tàu Chinatown, rồi vườn lan quốc gia với hàng ngàn chủng loại và ghé một xưởng chế biến đá quý trước khi trở lại phi trường Changi để bay đến Melbourne, nơi vợ chồng Hà & Phước sinh sống.

Chuyến bay JQ8 Singapore-Melbourne của Jetstar mãi đến 8g tối mới cất cánh nên cũng có vài tiếng để lang thang trong tại các cửa hàng miễn thuế (Duty-free Shop – DFS) và cũng để khám phá thêm về phi trường Changi.

Nếu chờ chuyến bay khá lâu có thể đến khu vực nghỉ ngơi để đánh một giấc trên ghế sofa nhưng cũng đừng ngủ say quá đến độ quên giờ lên máy bay! Nếu sợ ngủ quên có thể mua vé xem phim trong khi chờ đợi chuyến bay. Dịch vụ Internet được cung cấp miễn phí, có sẵn cả máy tính để hành khách sử dụng, trẻ em thì có thể chơi game với Xbox 360 hoặc Playstation đặt rải rác tại nhà ga.

Tại Terminal 2 có 5 khu vườn nhiệt đới với đủ các loại hoa lan, hoa hướng dương, sương rồng hoặc Terminal 3 có bộ sưu tập các loài bướm lạ. Đối với người thích hàng không có thể ghé Aviation Gallery để xem hơn 600 mô hình máy bay. Tham gia chương trình Be a Changi Millionaire tại các cửa hàng miễn thuế biết đâu bạn sẽ trở thành triệu phú…

Đi bộ từ nhà ga này sang nhà ga kia mất rất nhiều thì giờ nên Changi cung cấp dịch vụ tàu điện Skytrain phục vụ hành khách đi lại miễn phí với thời gian không đầy 2 phút và kéo dài từ 6 giờ sáng đến 1 giờ sáng hôm sau. Chỉ có 10 hãng Hàng không hoạt động tại Terminal 2 là Air Canada, Air France, Air New Zealand, Lufthansa German Airlines, Hệ thống các hãng hàng không của Malaysia, Philippine Airlines, Royal Brunei Airlines, SilkAir, Singapore Airlines và Virgin Atlantic Airways. Tất cả các hãng Hàng không còn lại đều hoạt động tại Terminal 1, trong đó có Vietnam Airlines.

Kể từ khi Skytrax bắt đầu xếp hạng các sân bay năm 1999, phi trường Changi Singapore đã từng hai lần leo lên vị trí số một của Top 10. Sân bay xây từ năm 1981 và kể từ đó được xây thêm nhà ga để đáp ứng cả các hành khách bình dân lẫn sang trọng. Các dịch vụ hiện đại và tiện nghi như vườn phong lan trong nhà, bể bơi trên cao, phòng đợi có hệ thống giải trí và tour tham quan miễn phí dành cho những hành khách có thời gian transit ít nhất 5 tiếng.


Changi International Airport


(Còn tiếp)


***


Chú thích:


[*] Xem thêm bài viết Singapore: Đảo quốc Sư tử (2) tại http://chinhhoiuc.blogspot.com.au/2013/03/singapore-ao-quoc-su-tu_8.html.


***

Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
        

9 nhận xét:

  1. :) để biết Già luôn ngóng bài của anh

    Trả lờiXóa
  2. Nhìn hình thấy anh giống ông cụ quá.

    [img]http://2.bp.blogspot.com/-jUxv7uNlndg/UT0zWIrnjBI/AAAAAAAAFNI/CvbwNaBOo7c/s400/138+16+Ba+08.jpg[/img]

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Andre Maurois trong 'The Art of Living' có viết:
      "Growing old is no more than a bad habit which a busy man has no time to form".

      Xóa
    2. Bạn Chính nhìn còn trẻ lắm so với CB mỗ mà Mùi ơi

      Xóa
    3. Nguyễn Lương Năng có cho tôi xem hình trong chuyến đi Mỹ vừa qua. Hiền thê của CB trẻ & đẹp quá!!!

      Xóa
    4. Anh NC ạ, có khi M phải xin lỗi anh về câu viết này, đúng ra là M phải viết, thay là: "Nhìn hình thấy anh giống ông cụ quá" thì phải viết cho rõ là :"Nhìn tấm hình cuối cùng, thấy anh rất giống ông cụ Thân sinh của anh", vì tấm hình quá nhỏ, nhìn thoáng qua M lại nghĩ tấm hình cuối cùng là Ông cụ thân sinh của anh!

      Nhưng vừa vào xem entry "Du ký xứ… Miệt Dưới (3)" thì mới biết rằng tấm hình cuối cùng của entry này lại chính là anh! Cũng đúng thôi, anh em mình ai cũng đều đã lớn tuổi rồi! nhìn hình thấy anh gầy nhưng quắc thước hơn tấm hình anh để ở Facebook, tấm hình đó nhìn trẻ hơn!

      Xóa
    5. Gốc Mai đừng bận tâm về chuyện này. Tấm hình trên FB tôi chụp tại Munich từ năm 2004 đến nay thì gần 10 năm rồi còn gì. M nói đúng, "Anh em mình ai cũng đều lớn tuổi cả rồi".

      Xóa
    6. Bữa giờ M vẫn bận tâm và áy náy đó anh Chính ơi!. Hôm nay thấy anh hồi âm thì M yên tâm rồi..

      Ở Multiply, M vẫn hay xưng bà già với các em, nên các chị hay gọi M là "bà già "xinh"" họ thêm chữ xinh vào cho vui.. hihi, nên M cũng già rồi, chẳng bao giờ buồn vì chữ già này bao giờ cả, anh ạ. Mà hình thể già chứ đôi khi bản thân mình thì cứ tưởng mình vừa từ nhà trường ra đang làm việc và đi đây đó.. vẫn thấy mình chưa già!

      Xóa
  3. Tình chờ biết được blog của anh, em đọc rất say mê. Mong anh tiếp tục viết nhé!

    Trả lờiXóa