(Tiếp
theo)
Australia còn được gọi
là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới
đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.
Ngày 16/3/2013: Party
again!!!
Hôm
nay Thứ Bảy, Vượng tổ chức họp mặt tại nhà. Vượng là chồng của Hà, em gái Thanh
Xuân. Như vậy là ở Úc tôi có tới 2 người tên Hà: một Hà là con gái và Hà kia là
vợ Vượng. Năn nay Vượng đã nghỉ làm cho chương trình Việt ngữ của đài SBS, chỉ
còn một job thông dịch viên cho chính phủ, trợ giúp những người Việt định cư tại
Úc hãy còn yếu tiếng Anh.
Người
bạn năm xưa cùng dạy tại trường Sinh ngữ Quân đội là Nguyễn Lương Năng hiện cũng là thông dịch
viên của chính phủ nên là chỗ quen biết với Vượng. Hóa ra trái đất tròn, ba chúng
tôi lại gặp nhau trong bữa tiệc hội ngộ hôm nay. Đúng như các cụ ngày xưa vẫn
tin: tứ hải giai huynh đệ! Bữa tiệc lại
còn đông hơn những bữa hội ngộ trước đây vì có cả vợ Năng.
Chúng
tôi là những người đến dự tiệc trễ nhất (sorry
chủ nhà!). Con rể bận làm ca chiều, mãi 6 giờ mới về, còn con gái làm ca đêm,
phải đi làm từ 4 giờ chiều. Vì là weekend nên rất khó kiếm người thay thế, cuối
cùng Hà đành phải… miss the party.
Sáu
giờ chiều Năng điện thoại từ nhà Vượng, hỏi đã tới đâu rồi. Trả lời tình thật,
hãy còn chờ con rể chưa về. Năng bảo biết thế ghé nhà đón rồi đi tới Vượng
luôn, “Ừ,có thế mà không nghĩ ra!”.
Gần
7 giờ mới tới nhà Vượng, tất cả đã có mặt đông đủ khiến những người khách đến sau
cùng phải sorry rối rít. Năng nói đến
sớm vì Việt Nam ta có dạy Ăn cỗ đi trước,
lội nước đi sau!
Nhìn
quanh thì thấy mọi người đã có mặt đông đủ: vợ chồng thầy Thịnh có cả các con,
cháu; vợ chồng Năng; vợ chồng Hải… “Điểm danh” thì thấy có đến 5 gia đình hội
ngộ trong bữa tiệc nhà Vượng, càng ngày thấy vòng kết nối càng mở rộng qua những
mối liên lạc riêng tư để tạo thành những mối quan hệ chung trên đất Úc.
Nguyễn Lương Năng & vợ
Tiệc
tại nhà Vượng có món chính là lẩu thịt gà kèm rau tần ô, ăn với bún. Ngoài ra
còn có tôm lăn bột, gỏi hải sản và dĩ nhiên có món mì xào chay do Phước từ nhà
mang đến góp vui. Một lần nữa, mọi người lại nâng ly rượu chát để mừng cuộc hội
ngộ trên xứ Miệt Dưới. Như đã nói, đây là bữa tiệc hội tụ nhiều gia đình nhất
trong số những lần họp mặt kể từ ngày chúng tôi sang thăm Úc châu.
Chiếc
ghế danh dự đầu bàn dành cho thầy Thịnh, người cao niên nhất và cũng là cánh
chim đầu đàn của tất cả mọi người. Trong cộng đồng nhỏ bé của chúng tôi nơi đất
khách quê người những buổi họp mặt như tối nay quả là hiếm có. Ăn uống là chuyện
phụ nhưng cái chính là có cơ hội gặp mặt để hàn huyên nên mọi người chuyện trò
cởi mở sau một thời gian xa cách.
Có
những điều nếu không gặp nhau thì không bao giờ có dịp thổ lộ. Chẳng hạn như vợ
chồng Hà & Phước cũng đã biết Năng từ lâu nhưng không ngờ Năng lại là đồng
nghiệp với bố từ xưa khi dạy tại trường Sinh ngữ Quân đội ở Sài Gòn. Chúng tôi
lại bắt đầu câu chuyện miên man tưởng chừng như không bao giờ dứt.
Những chuyện vui buồn về người Việt tại Úc được kể lại. Có những người cố tình khai cuộc sống khó khăn để được hưởng
trợ cấp của chính phủ, nhân viên nói sẽ tìm việc làm cho họ, hỏi số điện thoại
để thông báo khi có kết quả thì được trả lời là không có điện thoại, cứ gửi thư
qua đường bưu điện cũng được. Thật tình thì họ không muốn đi làm, chỉ muốn lãnh
trợ cấp thất nghiệp.
Giữa
lúc đó thì chuông điện thoại trong túi quần anh ta lại nổi lên. Anh đỏ mặt, chống
chế: điện thoại mượn của bạn. Những chuyện đại loại như thế cho thấy người Việt
định cư tại nước ngoài gồm nhiều thành phần khác nhau. Có những người lăn xả
vào cộng đồng, tìm mọi cách để tiến thân trong xã hội mới nhưng cũng đáng buồn
lại có những người hoàn toàn ỷ lại vào sự trợ giúp của chính phủ Úc, họ coi đó
là nhiệm vụ, nhà nước phải cưu mang.
Thậm
chí có người còn dọa dẫm nhân viên chính phủ nếu không trợ cấp, họ sẽ có thể bị
đẩy đến bước đường cùng là đi ăn cướp. Nhiệm vụ của người thông dịch là truyền
đạt đúng nội dung và không tranh luận. Bản thân người thông dịch trong trường hợp
này dù có muốn nói rằng đi ăn cướp thì sẽ vô tù nhưng cũng đành yên lặng để
nhân viên chính phủ giải quyết.
Chủ nhà: anh Vượng
Sau
bữa tiệc, mọi người chuyển sang phòng khách uống trà, ăn tráng miệng bằng trái
nhãn của Úc, lại còn có món thạch dừa và bánh khoai mỳ tự làm. Nhãn ở đây có vỏ
màu xanh chứ không mang màu “da bò” như ở quê nhà. Nghệ thuật chọn nhãn ở Úc
cũng lạ: trái nào méo mó, nói chung là không tròn trịa, thì mới ngon mà hột lại
nhỏ tí tựa như nhãn hạt tiêu ở Việt Nam.
Bánh
khoai mỳ cũng gợi lại chuỗi ngày “điêu linh” ở quê nhà. Ai đã từng ăn khoai mỳ
chạy chỉ, bo bo cứng ngắc độn với cơm mới thấy thấm thía. Những người đã qua
trường “cải tạo” như tôi cũng không thể nào quên lá khoai mỳ cắt nhỏ thành sợi,
tẩm nước cốt trong ống thuốc lào tạo thành món thuốc rê “home made”. Hút vào ho
sặc sụa nhưng cũng đỡ cơn ghiền thuốc.
Lại
đổi đề tài sang bệnh tật. Vượng kể dạo về Việt Nam bị xe Honda va quẹt vào
chân. Ống chân Vượng bị sưng tấy, phải nằm nhà cả tuần uống thuốc. Vượng có bệnh
tiểu đường nên sợ vết thương bị hoại tử, nói dại phải cưa chân thì khổ! Được
cái trong nhà có bác sĩ săn sóc nên mọi chuyện cũng qua đi. Vượng nói chuyến về
Việt Nam lần rồi có quá nhiều kỷ niệm khó quên.
Thầy
Thịnh và Năng cũng bị tiểu đường nhưng luôn giữ ở mức an toàn nhờ uống thuốc đều
đặn. Thầy Thịnh nói lúc nào cũng có kẹo, khi hạ đường huyết thì ngậm kẹo, ăn uống
phải chia thành nhiều bữa còn nếu có dịp ăn tiệc như hôm nay thì sẽ về nhà đo
ngay để còn uống thuốc. Thầy nói vui, nhiều khi cứ “kệ mẹ nó”, “muốn ra sao thì
ra”!
Thầy Thịnh
Tôi
lại khác. Tôi không đi tìm bệnh và chỉ khi nào bệnh đến tìm mới lo đối phó. Tôi
chẳng bao giờ khám tổng quát định kỳ hàng năm nhưng vẫn thấy trong người bình
thường nên tự nhủ bệnh chưa đến tìm tôi. Bác sĩ chắc chắn sẽ không đồng ý với
quan niệm về sức khỏe như tôi nghĩ nhưng tôi rất ít khi gặp họ.
Tôi
biết, một khi gặp họ là có chuyện nên dù có chơi với bác sĩ nhưng không bao giờ
tôi nghĩ họ là thầy thuốc, chẳng khi nào tôi bàn đến chuyện bệnh tật, thuốc men
với họ. Cho đến giờ phút này tôi tự cho là mình người may mắn nhưng không biết
cái may mắn đó sẽ kéo dài được bao lâu.
Dù
gì đi nữa, tôi vẫn lạc quan, dù đó là... “lạc quan tếu”. Thật tình có lúc tôi cũng
sợ. Không phải là sự sợ hãi khi phải đối đầu với bệnh tật mà sợ những người
thân phải mất thì giờ chăm sóc một ông già bệnh hoạn. Sợ làm khuấy động cuộc sống
bình thường của con cháu. Mong rằng điều đó sẽ không xảy ra.
Con
rể góp chuyện một chuyện tiếu lâm về bác sĩ. Có một bệnh nhân đến khai bệnh với
bác sĩ, ông bác sĩ hỏi có uống rượu không? Có hút thuốc không? Có cờ bạc không?
Có “làm chuyện ấy” thường xuyên không? Bốn câu hỏi có liên quan đến “tứ đổ tường”
bệnh nhân đều trả lời “Không”. Ông bác sĩ phán một câu “xanh dờn”:
“Ông thánh thiện quá nên giờ này từ giã cõi đời cũng là quá đủ. Thiên thần thường không sống dai!”
“Ông thánh thiện quá nên giờ này từ giã cõi đời cũng là quá đủ. Thiên thần thường không sống dai!”
Hải & Phước
Nhiệt
độ ở Melbourne lại thay đổi từ 2 ngày nay. Khi mới đến, trời nóng hầm hập thế
mà bỗng trở lạnh từ hôm qua. Tối nay lại có mưa nên trời càng lạnh hơn. Chúng
tôi chia tay lúc 11g đêm khi cơn mưa vừa dứt.
Chị
Hà chủ nhà còn cẩn thận gói thêm đồ ăn để khách đem về. Chị Xuân cũng gửi quà
và còn chu đáo hơn nữa thêm hộp thịt gà chà bông và một hộp cá kho. Chắc chị
nghĩ chúng tôi ăn chay với Hà & Phước nên để đổi khẩu vị chị gửi thêm đồ ăn
phòng khi chúng tôi muốn… ngả mặm.
Chị Xuân
Ngày 17/3/2013: Ăn
cơm tay cầm
Hôm
trước tôi có lần ghé khu Việt Nam ở Footscray ăn phở tại tiệm Hiền Vương (ở Sài
Gòn xưa đường Hiền Vương, sau 1975 đổi tên là Võ Thị Sáu, có tiệm phở gà Hương
Bình khá nổi tiếng). Hà & Phước nua bánh mì chay mua ở tiệm Như Lan còn
chúng tôi gọi 2 tô phở gà, tô nhỏ, để có dịp so sánh phở Úc và phở Việt. Sáu
năm trước tôi cũng đã ăn phở Chú Thể và phở Tân Định ở Footscray.
Kinh
nghiệm những lần ăn phở ở đây cho thấy phở Úc không thể nào bằng phở Việt. Tô
phở có to hơn, bánh và thịt nhiều hơn nhưng phở Úc vẫn thua phở Việt Nam, nơi
là cội nguồn của phở.
Khu Footscray
Hôm
nay, để thay đổi khẩu vị, chúng tôi đến ăn trưa ở một tiệm Tầu nhưng vì nằm
trong khu Footscray nên trong thực đơn có cả chữ Hán và Việt. Món chính của tiệm
là cơn tay cầm, hình thức cũng giống cơm niêu Sài Gòn nhưng mỗi cái niêu bằng đất
có tay cầm và mỗi người một niêu, phía bên trên là thức ăn tùy theo sự lựa chọn
theo thực đơn được đánh số.
Hà
& Phước chọn tiệm này vì có cả cơm tay cầm cho người ăn chay. Theo tôi, cơm
tay cầm ngon vì khách sành điệu phải cạo cháy chín vàng, dòn tan. Điều này có
nghĩa là cơm phải nấu chín ngay trong niêu chứ không phải từ nồi lớn xẻ qua.
Cơm tay cầm khá nóng và tôi nghĩ, cách ăn hay nhất là “đào đường hầm” để giữ
nhiệt độ của hạt cơm trong thời tiết lạnh. Thế mới biết, “nghề ăn” cũng lắm
công phu!
Hà & Phước trong tiệm cơm tay cầm
(Còn
tiếp)
***
(Trích
Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi
Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
Chương
1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương
2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương
3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương
4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương
5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương
6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương
7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương
8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương
9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác
giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho
đến ngày xuống lỗ)!
:)
Trả lờiXóaKhông biết bao giờ mới có được những"ký sự"như anh. Chỉ biết lo cày lo cho con cái quanh năm.
Câu chuyện kể thấm đậm tình.
Trả lờiXóaBây giờ thì bà già này đã tìm ra tác giả ngồi ở đâu trong cái bàn đoàn tụ đó rồi anh NC ơi!