(Tiếp
theo)
Australia còn được gọi
là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới
đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.
Ngày 12/3/2013:
Second Get-Together Party
Hôm
nay thầy Thịnh & Thanh Xuân tổ chức một bữa tiệc họp mặt tại nhà mới. Năm
2007 thầy còn ở Bright nhưng nay đã về Melbourne mua một căn nhà khá lớn để đại
gia đình có thể xum họp dưới cùng một mái nhà. Thầy có đến 3 cậu con trai chưa
vợ và một cô gái út cộng thêm một rể và một chú cháu ngoại. Tháng tới gia đình sẽ
có thêm một cháu ngoại thứ hai.
Đó
là chưa kể, tại Melbourne, Thanh Xuân có một em trai và một em gái đều đã lập gia đình và ở
riêng. Cũng vì thế, mỗi khi đại gia đình họp mặt luôn phải chia làm hai “mâm”
cho thế hệ thứ nhất và “mâm” kia cho thế
hệ thứ hai.
Thầy Thịnh & Thanh Xuân
Theo
thống kê, dân số Úc có khoảng 154.807 người sinh tại Việt Nam và 174.246 người
dùng tiếng Việt trong sinh hoạt gia đình. Nếu tính cả những con em gốc Việt
sinh tại Úc thuộc thế hệ thứ 2 trở đi, con số người gốc Việt lên đến 245.000.
Đa số người Việt thường tập trung tại hai
thành phố lớn là Sydney và Melbourne. Người Việt vùng Sydney tập trung đông nhất
tại Cabramatta, còn được mệnh danh là Saigonmatta
và khu Bankstown ở ngoại ô phía tây thành phố. Ở Melbourne có Footscray là
nơi quy tụ nhiều cửa hàng buôn bán của người Việt chen lẫn người Việt gốc Hoa.
Ngoài ra còn có các khu người Việt tại St Albans, Sunshine, Richmond,
Springvale…
Nhiều
người Úc gốc Việt cũng thành công trong cuộc sống. Về mặt chính trị, nhiều người
nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyển Úc, như ông Lê Văn Hiếu, Phó
toàn quyền tiểu bang Nam Úc; bà Lâm Lệ Hoa (Le Lam) thị trưởng thành phố
Auburn, New South Wales và là phụ nữ Úc cũng như người châu Á đầu tiên giữ chức
vụ thị trưởng tại Úc; Nguyễn Minh Sang (Sang Nguyen) từng là thị trưởng trẻ nhất
quận hạt Richmond và hiện là nghị sĩ tiểu bang Victoria.
Về
khoa học, có tiến sĩ Vũ Thị Ngọc Trang là phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm vào Viện
Khoa học Kỹ thuật Hoàng gia, kiêm nhiệm chức vụ giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã
hội Thực nghiệm Úc và giáo sư - tiến sĩ sử học Trần Mỹ Vân tại Đại học Nam Úc
(University of South Australia).
Bữa tiệc đoàn tụ với gia đình thầy Thịnh
Trở
lại bữa tiệc tại đại gia đình thầy Thịnh với món chính là thịt trừu nướng rất
ngon, được nấu theo “phong cách Úc”. Thịt trừu đi kèm rượu vang đỏ trở thành
món hấp dẫn nếu biết cách làm sao cho mất mùi hôi từ mỡ trừu. Nghệ thuật của
món trừu nướng than (BBQ) hoặc nướng trong lò là cách ướp các loại gia vị và đặc
biệt là phải ăn khi còn nóng, nếu để nguội sẽ bị đông mỡ, mất ngon.
Thịt
trừu là một trong những nón ăn nổi tiếng của Úc bên cạnh các đặc sản khác như
thịt kangaroo, đà điểu, cá sấu…Dê và cừu được coi như những con tương cận,
nhưng người Á châu chuộng thịt dê hơn vì tin rằng thịt dê “bổ dương”. Có lẽ
cũng vì thế miền Nam hồi xưa có cụm từ “35
dê” với hàm ý ám chỉ các đấng mày râu thuộc loại “hảo ngọt”.
Phần
còn lại của thế giới lại không chuộng thịt dê, họ thích thịt trừu hơn. Cừu được
nuôi từng đàn trên các thảo nguyên từ Bắc Mỹ như Canada, Alaska xuống phía Nam
như Úc, Tân Tây Lan. Ngoài việc cung cấp len qua bộ lông, cừu còn mang đến cho
con người món thịt khoái khẩu. Loài sinh vật này hiền lành đến độ ngây thơ đôi
khi còn được nhân cách hóa thành đám dân đen dễ bảo,dễ cai trị để trở thành những…
bầy cừu ngoan ngoãn.
Nước
Úc có lẽ là quốc gia phân loại thịt trừu một cách chi tiết nhất. Thịt trừu non
(lamb) là khi cừu đực, thiến, chưa có răng cửa và dưới 1 năm tuổi. Cừu càng
non, thịt càng mềm và có màu hồng hồng. Thịt yearling lamb có tuổi từ 1 đến 2 năm, sucker lamb là trừu lớn hơn 7 tháng nhưng vẫn được nuôi bằng sữa mẹ.
Thị trừu non dứt sữa nhưng chưa trưởng thành là mutton.
Ở
Sài Gòn cũng có một số tiệm ăn phục vụ món thịt trừu BBQ, có nơi còn mang ra nguyên
đùi vừa nướng trên lò than, người phục vụ đem đến tận bàn mới cắt ra từng miếng
để thực khách thưởng thức khi còn nóng hổi. Nhà hàng Thuận Tuấn có hai tiệm thịt
trừu khá nổi tiếng, một ở bên bờ kè kênh Nhiêu Lộc quận 1 và một nằm trên đường
Công Lý.
Hà
& Phước còn chuẩn bị mấy món ăn chay nấu sẵn từ nhà mang đi để góp phần
chung vui trong bữa tiệc, phía chủ nhà cũng có món đậu hũ chiên bột theo kiểu
chay. Ngoài ra, còn có món thịt bò bóp thấu, một món “đưa cay” bằng vang đỏ rất
“bắt mồi”.
Thịt
bò Úc vốn đã có tiếng trên thế giới, ngành công nghiệp thịt bò với trên 27 triệu
đầu gia súc đóng góp 16 tỷ đô la, 172 ngàn việc làm vào nền kinh tế Úc. Thịt bò
Úc ngày càng trở nên nổi tiếng, nhất là sau khi có các lệnh cấm thịt bò Mỹ và
Canada tại một số quốc gia.
Câu
chuyện trên bàn tiệc cứ miên man, hầu như bất tận. Từ chuyện bầu Giáo hoàng bên
Vatican sang chuyện đi taxi ở Việt Nam rồi lại quay sang chuyện người Việt Nam ở
Úc.
Có
một dạo, một số người Việt ở Melbourne trồng cần sa trong vườn giống như ở bên
Anh nhưng quy mô nhỏ hơn. Trong số đó có cả du học sinh, đa số những người từ miền Bắc làm công việc này. Một vụ mùa cần sa
kéo dài 3 tháng và họ là đường dây cung cấp cho những nơi chế tạo ma túy cũng của
người Việt.
Mọi
việc trót lọt sẽ đem lại thu nhập rất cao nếu so với công việc bình thường
khác. Vì mối lợi cả trăm ngàn đô la mỗi vụ trồng nên có những người làm liều, sẵn
sàng chấp nhận ngồi tù 1 hay 2 năm, hơn nữa tù ở Úc cũng đầy đủ tiện nghi chỉ
trừ việc mất tự do. Nếu là du học sinh sẽ bị đuổi về Việt Nam sau khi ngồi tù.
Tuy vậy, những người trẻ tuổi sẵn sàng phiêu lưu để kiếm tiền về nước làm lại
cuộc đời!
Chúng
tôi ngồi nói chuyện tới gần 11 giờ khuya, trước khi ra về không quên chụp vài tấm
ảnh kỷ niệm với đại gia đình thầy Thịnh & Thanh Xuân tại nơi mà tôi gọi đùa
là... “lâu đài nhỏ”.
Những khuôn mặt rạng rỡ sau bữa tiệc đoàn tụ
Ngày 14/3/2013: Thăm
Đạt & Hoa
Hồng
Hoa vốn là bạn với bà xã tôi từ năm 1969 khi còn làm tại Bệnh viện Sài Gòn. Đạt,
chồng Hồng Hoa, cũng là chỗ quen biết, trước năm 1975 Đạt đi lính, giải ngũ rồi
về làm ở Air Vietnam. Tôi còn nhớ ngày đó anh đi chiếc Mobylette đón vợ tại bệnh
viện, chúng tôi quen biết nhau từ đấy.
Sau
1975 Đạt lên tàu "vượt biên". Sau này anh mới kể, chuyến đi tìm tự do của Đạt cũng là
duyên số vì thực sự chỗ trên tàu là của em trai Hồng Hoa. Giờ chót cậu em đại
úy gặp rắc rối sao đó nên Đạt mới thay thế. Đạt ở trên đảo tới 18 tháng nên cuối
cùng thay vì chờ đi Mỹ như nguyện vọng ban đầu, anh tình nguyện sang Úc để được
rời đảo sớm hơn.
Một
thân một mình tại Úc, Đạt sinh sống bằng nhiều jobs khác nhau nhưng cuối cùng
cũng bảo lãnh vợ và 2 con sang Úc. Năm 2007 gặp Đạt & Hoa tại Melbourne khi
đó con trai của hai người đã lập gia đình và Đạt & Hoa đã lên chức ông bà nội.
Sáu năm sau gặp lại Đạt & Hoa vẫn sống với con gái.
Tôi
nghiệm ra dù thời gian đã để lại những dấu tích khắc nghiệt trên khuôn mặt
nhưng không thể nào tước đi bản chất cố hữu của con người. Đạt & Hoa là một
trường hợp điển hình.
Cả
hai vẫn có lối nói chuyện hấp dẫn như xưa, nói theo kiểu “thao thao bất tuyệt”
khiến người đối diện chỉ biết nghe chứ không có cơ hội để nói. Cũng may, tôi là
người ít nói, chỉ quan sát là chính, nên có đủ kiên nhẫn nghe để học hỏi kinh
nghiệm từ họ.
Khác
hẳn với gia đình đông đúc của thầy Thịnh & Thanh Xuân, gia đình Đạt &
Hoa chỉ có 3 người, con gái thì đi làm cả ngày cho nên chỉ có ông già - bà già ở
nhà. Có lẽ đó cũng là lý do họ được giải tỏa dồn nén khi có khách đến chơi.
Chuyện của người già ngoài những kỷ niệm vàng son thời trẻ còn thêm một đề tài nữa là bệnh tật, thuốc
men và phương pháp trị liệu!
Tôi
còn giữ một bức ảnh chụp cây cảnh trên sân vườn nhà Đạt năm 2007. Đó là một cây
cảnh đòi hỏi nhiều công sức cắt tỉa rất tỷ mỉ của chủ trước người Ý để lại.
Hình chụp năm 2007
Và
đây là bức hình chụp năm 2013:
Xem
ra thì cảnh cũng gần giống như xưa nhưng người ngày một già đi, bệnh tật ngày một
nhiều. Quan trọng hơn cả là tính tình vẫn còn sôi nổi như ngày nào.
Đó
mới là điều đáng quý.
(Còn
tiếp)
***
(Trích
Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi
Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
Chương
1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương
2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương
3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương
4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương
5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương
6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương
7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương
8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương
9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác
giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho
đến ngày xuống lỗ)!
Mừng anh lại được rong ruổi, trông thêm bài mới.
Trả lờiXóaMến
qua entry này thì M đã nhận ra anh Chính rồi :)
Trả lờiXóaHai tấm hình chậu cảnh ở dưới cùng, nhìn vẫn thấy có thay đổi đó chứ! nhưng về nét thì vẫn còn nhìn thấy nét xưa đọng lại, quí lắm thay!
Tấm hình thứ nhất chụp vào mùa đông 2007 còn hình thứ hai chụp vào mùa thu năm nay.
Xóa